• Chiếc Boeing 737 không kịp dừng lại ở cuối đường băng, lao xuống sông cùng toàn bộ 136 hành khách và thành viên phi hành đoàn.

    Thị trưởng Jacksonville Lenny Curry thông báo trên Twitter rằng toàn bộ hành khách và thành viên phi hành đoàn chiếc Boeing 737 gặp nạn đều sống sót thần kỳ nhưng phi hành đoàn đang vật lộn với nhiên liệu rò rỉ trên mặt sông.

    Một chiếc Boeing 737 chở 136 hành khách và thành viên phi hành đoàn vừa trượt xuống con sông St John gần Jacksonville, Florida (Mỹ) sau cú hạ cánh thất bại. Người phát ngôn Ga hàng không Hải quân Jacksonville đã xác nhận vụ việc và cho biết không có người thiệt mạng.

    Theo thông báo, vụ tai nạn xảy ra lúc 21h40 theo giờ địa phương. Khi hạ cánh xuống sân bay, chiếc Boeing 737 đã không thể dừng lại ở cuối đường băng và lao thẳng xuống sông. Mọi hành khách và phi hành đoàn đều sống sót và đã được đưa tới nơi an toàn. Tuy nhiên, người ta đang phải vật lộn kiểm soát lượng nhiên liệu máy bay tràn ra ngoài.

    Chiếc máy bay nằm ở vùng nước nông sau khi trượt khỏi đường băng. Phần thân máy bay vẫn còn nguyên vẹn.

    "Máy bay không bị chìm. Mọi người đều còn sống và được an toàn", Văn phòng Cảnh sát Jacksonville cho biết trong một thông báo trên mạng xã hội. Cùng với đó là hai bức ảnh cho thấy chiếc máy bay có logo của Miami Air International đang nằm trên vùng nước nông. Chiếc máy bay vẫn còn nguyên vẹn. 

    Miami Air International là hãng hàng không vận hành phi đội Boeing 737-800. Đại diện của hãng hàng không chưa đưa ra bình luận chính thức sau vụ tai nạn vì đang thu thập thêm thông tin.

    Trong khi đó, Reuters dẫn nguồn tin địa phương cho biết có hai người bị thương nhẹ khi máy bay trượt khỏi đường băng vì cố hạ cánh trong cơn giông bão lớn. Nó vừa thực hiện hành trình từ căn cứ hải quân ở Vịnh Guantanamo. Đây là một chuyến bay theo hợp đồng của Quân đội Mỹ chứ không phải chuyến bay thương mại.

    Theo thông báo từ Thị trưởng Curry, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã nhận thông tin về vụ việc và gọi điện đề nghị hỗ trợ thành phố Jacksonville trong vụ tai nạn. Hiện tại, nhân viên an ninh và phản ứng khẩn cấp của Hải quân Mỹ đã có mặt tại hiện trường và theo dõi tình hình.

    Vụ tai nạn vừa xảy ra gợi nhớ đến sự cố nổi tiếng khắp thế giới với tên gọi Phép màu sông Hudson. Ngày 15/9/2009, một chiếc Airbus A320 mang số hiệu 1549 của hãng US Airways cất cánh từ sân bay La Guardia, New York hướng tới thành phố Charlotte, bang North Carolina. Trên máy bay có 150 hành khách và 5 thành viên phi hành đoàn. Tuy nhiên, chỉ vài phút sau khi rời đường băng, máy bay đâm phải một đàn chim, khiến cả hai động cơ bị vô hiệu hóa.

    Ở độ cao 900 m, phi công buộc phải cho máy bay hạ cánh xuống sông Hudson gần đó khi không thể tìm được một bãi đáp khẩn cấp nằm trong tầm lượn. Cú hạ cánh thần kỳ và chuẩn xác đã cứu sống 155 người trên máy bay. Chỉ có vài người bị thương nhẹ.

    Viethome (theo Trí Thức Trẻ)

  • "Sau Brexit, sẽ có sự điều chỉnh về Hiệp định vận chuyển hàng không giữa Việt Nam và Vương quốc Anh. Từ đó, sẽ có sự hợp tác toàn diện hơn nữa và sẽ có thêm đường bay thẳng tới anh", ông Gareth Ward, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam chia sẻ.

    Cách đây 7 năm, lượng khách Anh đến Việt Nam mới đạt 150.000 lượt; nhưng đến năm 2018 con số này là 330.000 lượt. Chiều Việt Nam sang thăm Anh, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đã cấp 20.000 thị thực.

    Sau Brexit, ngoài thị trường châu Âu, Anh sẽ hướng tới các thị trường tiềm năng châu Á ở mọi lĩnh vực, trong đó Việt Nam là nước có tốc độ phát triển nhanh trong khu vực. Đây là cơ hội lớn cho thúc đẩy hợp tác hàng không giữa hai nước.

    “Sau Brexit, sẽ có sự điều chỉnh về Hiệp định vận chuyển hàng không giữa Việt Nam và Vương quốc Anh. Tuy vậy, tôi mong rằng sẽ không có sự thay đổi hợp tác lĩnh vực hàng không giữa hai bên, mà sẽ thúc đẩy hợp tác toàn diện hơn trong thời gian tới”, Đại sứ Gareth Ward nói.

    Còn theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, thị trường vận tải hàng không Việt Nam trong 10 năm qua là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất khu vực, bình quân 15-16%/năm.

    Hiện nay, có 22 cảng hàng không trên cả nước với 5 hãng hàng không. Về hạ tầng, ngoài Cảng HKQT Long Thành sẽ được xây dựng mới, còn có 7 cảng hàng không đã có kế hoạch cải tạo, nâng cấp dần đến năm 2025, trong đó có Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cát Bi, Đà Nẵng…

    Về vận tải, hiện Vietnam Airline đang khai thác các đường bay thẳng đến Anh với tần suất 7 chuyến/tuần. Hướng phát triển tới của các hãng hàng không Việt Nam là đầu tư đội tàu bay thân rộng, đáp ứng nhu cầu mở đường bay quốc tế ngày càng tăng. Trong khi Anh có thế mạnh và kinh nghiệm trong các lĩnh vực này. Vì vậy, tiềm năng hợp tác hai bên lĩnh vực hàng không còn rất lớn.

    “Lĩnh vực hàng không giữa Việt Nam và Anh có thể hợp tác toàn diện từ quản lý khai thác cảng, vận tải, nâng cao năng lực quản lý khai thác, đào tào nguồn nhân lực, cung cấp thiết bị bảo hành, bảo dưỡng”, Thứ trưởng khẳng định và bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác của Đại sứ quán và cá nhân Đại sứ để tăng cường hợp tác hàng không giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.

    Viethome (theo vietnamfinance)

  • Hãng hàng không British Airways của Anh đã buộc phải lên tiếng xin lỗi sau khi một chuyến bay của hãng khởi hành từ London, Anh tới Dusseldorf, Đức đã bay nhầm tới Edinburgh, Scotland, cách điểm đến dự kiến khoảng 965 km.

    Theo The Guardian, thay vì đi về hướng đông từ sân bay của London qua Eo biển Manche và hướng về châu Âu, máy bay đã bay về phía Bắc tới thủ đô của Scotland. Sai lầm chỉ được phát hiện khi máy bay đã hạ cánh và các hành khách được chào đón đến Edinburgh.

    Sự cố hy hữu vừa xảy ra với hãng hàng không British Airways của Anh.

    Theo một nhân chứng, phi công trên máy bay sau đó đã phải đề nghị các hành khách giơ tay xem họ có đến Đức hay không hòng xác nhận lại sự nhầm lẫn.

    British Airways cho biết, chuyến bay đã xảy ra nhầm lẫn do công ty WDL Aviation của Đức điều hành theo một hợp đồng thuê lại, trong đó máy bay và phi hành đoàn được thuê để thực hiện chuyến bay dưới danh nghĩa British Airways.

    Theo thông tin ban đầu, phi công đã nhận yêu cầu bay từ phía Đức và trụ sở chính của WDL Aviation đã đưa cho người này hành trình bay không chính xác, dẫn tới việc máy bay BA3271 đã xuất phát từ sân bay ở London tới thủ đô của Scotland, thay vì tới thành phố của Đức.

    British Airways trong một tuyên bố cho biết đang làm việc lại với WDL Aviation “để xác định lý do” về hành trình bay sai.

    Hãng hàng không Anh cũng ngỏ lời “xin lỗi các hành khách vì sự gián đoạn trong hành trình”.

    Viethome (theo baophapluat)

  • Dù hành khách yêu cầu đợi một chút, tiếp viên vẫn mở cửa ngó vào nhà vệ sinh trên chuyến bay tới Anh.

    Để đi từ Morocco đến Anh, Adil Kayani đã sử dụng dịch vụ của hãng easyJet. Trong chuyến bay, hành khách người Anh gốc Pakistan đã dùng nhà vệ sinh và ở trong đó hơn 15 phút, MSN đưa tin ngày 18/3.

    Adil cho rằng hãng bay đã có hành động phân biệt chủng tộc đối với mình. Ảnh: MSN.

    Người đàn ông 35 tuổi tức giận với hành động của nhân viên này. Anh khẳng định mình phải chịu sự đối xử trên là do màu da và nguồn gốc của mình. Adil cũng từ chối nhận 500 bảng (hơn 15 triệu đồng) tiền bồi thường mà hãng hàng không có ý định tặng anh sau khi sự cố xảy ra. Adil cho biết khi đang ngồi trong nhà vệ sinh, anh nghe thấy tiếng gõ cửa rất mạnh. Nam hành khách yêu cầu người bên ngoài đợi một phút vì anh sẽ ra ngay. Tuy nhiên, một tiếp viên hàng không vẫn mở cửa rồi nhìn vào. 

    Đại diện của hãng bay cho biết họ không phân biệt chủng tộc. Các tiếp viên chỉ đang làm đúng quy định an toàn bay. "Chúng tôi rất tiếc nếu sự việc khiến hành khách không vui. Tuy nhiên, tiếp viên đã tuân thủ đúng các quy trình an toàn bằng cách gõ cửa nhà vệ sinh, sau đó mới mở cửa". Hãng cũng khẳng định việc xông vào nhà vệ sinh là để đảm bảo hành khách ngồi trong đó vẫn an toàn, và không gặp sự cố nào.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Ngày 12/3, Cơ quan hàng không dân sự Anh ra quyết định cấm máy bay Boeing 737 MAX hoạt động trên không phận nước này, sau khi một loạt quốc gia cũng đưa ra quyết định tương tự đối với dòng máy bay này do lo ngại về vụ tai nạn máy bay Boeing 737 MAX 8 của Hãng hàng không Ethiopia hồi cuối tuần trước.

    Theo đó, Cơ quan hàng không dân sự Anh ngừng khai thác mọi máy bay Boeing 737 MAX đến và đi từ Anh hoặc bay trên không phận của nước này.

    Máy bay Boeing 737 MAX.

    Cùng ngày, hãng hàng không giá rẻ Norwegian Air Shuttle của Na Uy cũng ra quyết định tương tự. Theo hãng hàng không này, việc ngừng khai thác máy bay Boeing 737 MAX sẽ kéo dài cho đến khi có khuyến cáo mới của các giới chức về hàng không. Bên cạnh dòng 737 MAX, Norwegian Air Shuttle còn khai thác hơn 110 máy bay Boeing 737-800, vốn không bị ảnh hưởng trong lệnh cấm này.

    Việc nhiều nước và hãng hàng không ngừng sử dụng dòng 737 MAX đã tác động mạnh đến tập đoàn Boeing của Mỹ. Chỉ 10 phút sau khi phiên giao dịch ngày 12/3 bắt đầu, cổ phiếu của Boeing giảm 3,2% xuống còn 387 USD/cổ phiếu. Như vậy, chỉ trong 2 ngày qua, giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán của tập đoàn Boeing đã “bốc hơi” hơn 20 tỷ USD.

    Mối quan ngại về sự an toàn của Boeing 737 MAX đã khiến nhiều quốc gia trên thế giới cấm khai thác dòng máy bay này như Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Australia, Singapore, Mông Cổ… Các hãng hàng không đưa ra quyết định tương tự như Ethiopian Airlines, Comair, Cayman Airways, Gol Airlines, Aeromexico, Aerolineas Argentinas.

    Ngày 10/3, chiếc Boeing 737 MAX 8 mang số hiệu chuyến bay ET302 của Hãng hàng không Ethiopia Airlines đã rơi xuống đất chỉ vài phút sau khi cất cánh. Toàn bộ 157 người đã thiệt mạng. Hai hộp đen ghi lại hành trình bay và các cuộc đối thoại trong khoang lái đã được tìm thấy. Hiện công tác điều tra nguyên nhân vụ tai nạn đang được khẩn trương tiến hành.

    Theo báo cáo mới nhất, các nạn nhân xấu số trên chuyến bay định mệnh này được xác định là công dân của tổng cộng 35 nước, trong đó có Kenya (32 người), Canada (18 người), Ethiopia (9 người), Trung Quốc (8 người), Italy (8 người), Mỹ (8 người), Anh (7 người), Ai Cập (6 người)…

    Viethome (theo TTXVN)

  • Hành khách đã nghe tiếng nổ khi chiếc máy bay chở 169 người của Hãng hàng không Laudamotion gặp sự cố động cơ trong lúc cất cánh tại sân bay Stansted ở London, Anh vào tối 1.3, khiến 8 người bị thương.

    Vụ việc xảy ra ngay sau 20 giờ (giờ địa phương), buộc giới chức phải đóng cửa sân bay trong gần 3 tiếng để kiểm tra sự cố, theo AFP.

    Chiếc máy bay của hãng hàng không Laudamotion gặp sự cố tại sân bay Stansted tối 1/3 /2019.

    Hành khách Thomas Steer bàng hoàng kể máy bay chạy lấy đà được khoảng 15 phút thì bất ngờ xảy ra một tiếng nổ lớn vang lên.

    Các thành viên phi hành đoàn lập tức yêu cầu hành khách sơ tán khẩn cấp qua các cầu trượt thoát hiểm. Một phát ngôn viên sân bay cho hay đã nhận báo cáo có 8 người bị thương trong sự cố này.

    Sau đó, hãng không Laudamotion thông báo trên Twitter rằng phi hành đoàn quyết định hủy chuyến bay từ London đến thành phố Vienna (Áo) do sự cố động cơ và việc sơ tán hành khách là “một biện pháp phòng ngừa”.

    Mọi chuyến bay xuất phát từ sân bay Stansted bị hoãn trong khi các chuyến bay đến buộc phải chuyển hướng sang sân bay khác. Đến khoảng 23 giờ, sân bay Stansted thông báo đường băng hoạt động bình thường trở lại.

    Viethome (theo Thanh Niên)

  • Nếu nhìn thấy 3 chữ cái GTE trên thẻ lên máy bay, bạn có thể sẽ đối mặt với một hành trình không mấy suôn sẻ.

    Thẻ lên máy bay tiết lộ nhiều dữ liệu liên quan đến hành khách, không chỉ đơn thuần là điểm đến, giờ xuất phát, số ghế… Tùy thuộc vào mã được in lên tấm vé máy bay mà chủ nhân của nó có thể gặp phiền toái trong hành trình của mình, theo News.

    Một đại lý vé của hãng Air Canada cho biết, khi thấy vé của mình xuất hiện 3 chữ cái GTE, bạn nên cẩn thận. Đây là tín hiệu tiết lộ chuyến bay của bạn đang bị hãng bán thừa vé so với chỗ ngồi thực tế. Như vậy, bạn có thể không có chỗ ngồi. Một số hãng bay vẫn thường làm chuyện này để tối đa hóa lợi nhuận vì có nhiều khách bỏ chuyến vào giờ chót.

    Một tiếp viên cho biết, các đại lý vé máy bay biết điều đó nhưng sẽ không bao giờ nói với bạn. Họ được đào tạo để trấn an khách dù đôi khi biết chắc kết quả ngược lại.

    Trong những trường hợp may mắn, hành khách có vé in 3 chữ này vẫn có thể lên máy bay. “Tôi nhớ có một lần đang trên đường ra cổng chờ máy bay thì nhận được thông báo vé của mình bị hủy. Sau đó, nhân viên thu vé của tôi và đưa cho tôi một tấm khác in số ghế rõ ràng. Chắc chắn người nào đó đã hủy chuyến vào phút chót và tôi được xếp vào ngồi thay chỗ họ”, Allan Westview, một hành khách, kể lại.

    Nhưng không phải ai cũng may mắn như Allan. Theo tiết lộ của một tiếp viên hàng không, nhiều du khách đã buộc phải chờ hãng sắp xếp chuyến tiếp theo. Có trường hợp, những người trong gia đình phải bay hai chuyến khác nhau. Bù lại, họ có thể được nhận bồi thường từ hãng hàng không lên tới hàng nghìn USD.

    Ngoài GTE, SSSS cũng là dấu hiệu trên vé máy bay mà không hành khách nào muốn sở hữu. Đây là từ viết tắt của Secondary Security Screening Selection (Lựa chọn kiểm tra an ninh lần nữa). 

    Những người có mã này sẽ bị rà soát hành lý, người và giấy tờ tùy thân một cách tỉ mỉ. SSSS thường được áp dụng trong các chuyến bay nội địa tại Mỹ. Cục An ninh Vận tải Mỹ cho biết việc đóng dấu SSSS có tính ngẫu nhiên. Họ sẽ dựa vào các thông tin cơ bản của hành khách như tên tuổi, ngày tháng năm sinh, giới tính để lựa chọn.

    Ngoài ra, bạn cũng có thể thấy trên vé máy bay xuất hiện các chữ cái khác như WCHR (hành khách sử dụng xe lăn) hoặc CHML (người yêu cầu phục vụ bữa ăn cho trẻ nhỏ trên máy bay).

    Viethome (VnExpress)

  • Flybmi không được đầu tư thêm tiền để hoạt động vì các cổ đông lo ngại về chi phí nhiên liệu, môi trường và tiến trình Brexit.

    "Thật đau lòng khi chúng tôi phải đưa ra thông báo không thể tránh khỏi hôm nay", một đại diện của hãng hàng không khu vực Anh Flybmi hôm 16/2 viết trên website khi tuyên bố chấm dứt mọi hoạt động bay và nộp đơn xin phá sản. "Hãng đã đối mặt với nhiều khó khăn như những đợt tăng giá nhiên liệu và chi phí carbon gần đây", theo AFP.

    "Triển vọng làm ăn gần đây và trong tương lai cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những bất định do tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) gây ra", người này bổ sung.

    British Midland Regional Limited, công ty mẹ của Flybmi, cho biết họ đã đình chỉ ngay lập tức mọi chuyến bay của hãng này và sẽ không thể thay mặt khách hàng mua vé hay sắp xếp lại các lịch trình bay. Hãng khuyến cáo khách hàng không tới sân bay nếu chưa đặt được vé với các hãng hàng không khác.

    Khách hàng đã mua vé của Flybmi được đề xuất yêu cầu hoàn tiền chuyến bay bị hủy thông qua các công ty cung cấp thẻ tín dụng, website đặt vé hay công ty bảo hiểm du lịch.

    Flybmi có 376 nhân viên hoạt động tại các chi nhánh ở Anh, Đức, Thụy Điển, Bỉ, vận hành 17 máy bay tới 25 điểm đến ở châu Âu. Tuy nhiên, Flybmi đã không thể đảm bảo được các hợp đồng bay ở châu Âu thời kỳ hậu Brexit và lo sợ họ không thể tiếp tục thực hiện các chặng bay trên châu lục sau khi Anh rời khỏi EU vào ngày 29/3.

    "Trong bối cảnh đó, các cổ đông của hãng không thể tiếp tục chương trình tài trợ lớn cho việc kinh doanh, dù đã đổ vào đây hơn 51,5 triệu USD trong 6 năm qua", tuyên bố của Flybmi cho hay.

    Anh dự kiến rời khỏi EU trong chưa đầy 6 tuần tới, nhưng quốc hội nước này vẫn chưa phê chuẩn bất cứ thỏa thuận Brexit nào do Thủ tướng Theresa May đàm phán với khối. Thực tế này khiến các doanh nghiệp ngày càng lo lắng rằng nước này có thể chia tay EU mà không có bất cứ thỏa thuận chính thức nào.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Giá vé giảm thấp do sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không là nguyên nhân khiến Ryanair - hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Âu - buộc phải cắt giảm dự báo lợi nhuận thường niên.

    Đây là lần điều chỉnh thứ hai của Ryanair chỉ trong chưa đầy 1 năm.

     

    Máy bay của hãng hàng không Ryanair tại sân bay ở Valencia, Tây Ban Nha, ngày 25/7/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN

    Theo đó, lợi nhuận sau thuế của Ryanair chỉ có thể đạt từ 1 đến 1,1 tỷ euro (1,14-1,25 tỷ USD) trong 12 tháng kết thúc vào cuối tháng Ba tới. Hồi tháng 10 năm ngoái, hãng đã có điều chỉnh lợi nhuận xuống còn 1,1-1,2 tỷ euro (1,2-1,3 USD). 

    Ryanair cho rằng việc giá vé máy bay vào mùa Đông giảm 7% là nguyên nhân kéo doanh thu và lợi nhuận của hãng này sụt giảm dù trước đó Ryanair cho rằng mức vé giảm là 2%.

    Bên cạnh đó, Ryanair cũng không loại trừ khả năng giá vé tiếp tục đi xuống và doanh thu thường niên vẫn ảm đạm trong thời gian tới, đồng thời cho rằng tình hình kinh doanh sẽ khó khăn hơn nếu xảy ra kịch bản nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu không như mong muốn hoặc các vấn đề về an ninh. 

    Năm 2018 được xem là năm không sáng sủa đối với Ryanair khi hãng hàng không giá rẻ này phải đối mặt với cuộc đình công của nhân viên do tranh cãi về lương và phúc lợi.

    Đầu tháng 8/2018, các phi công của hãng Ryanair tại Ireland, Đức, Bỉ, Thụy Điển và Hà Lan đã tiến hành cuộc đình công phối hợp 24 giờ để yêu cầu được trả lương và điều kiện làm việc tốt hơn.

    Cuộc đình công đã khiến Ryanair phải hủy bỏ khoảng 400 trong số 2.400 chuyến bay ở châu Âu. Khoảng 55.000 hành khách bị ảnh hưởng bởi cuộc đình công.

    VietHome (Theo Bnews)

  • Ryanair lại được bêu tên là hãng hàng không tồi tệ nhất ở Anh trong năm thứ sáu liên tiếp.

    Một cuộc khảo sát khách hàng thường niên do Which? thực hiện cho thấy các hành khách chấm mức điểm thấp nhất có thể cho hãng hàng không có trụ sở ở Dublin này. Các tiêu chí đánh giá bao gồm thủ tục lên máy bay, độ thoải mái của chỗ ngồi, đồ ăn uống phục vụ trong chuyến bay và môi trường cabin.

    Điểm tổng kết khách hàng dành cho Ryanair chỉ là 40%. 70% lượng khách hàng được khảo sát bày tỏ họ sẽ không bao giờ bay với Ryanair.

    Which? đã thu thập dữ liệu từ 12,459 lượt bay của 7,901 thành viên.

    Hồi tháng Mười hai, Cơ quan Hàng không Dân dụng đã phải thực hiện cưỡng chế thi hành đối với Ryanair sau khi hãng này quyết định từ chối trả khoản tiền bồi thường vì hủy chuyến do nhân viên đình công trong suốt mùa hè năm 2018.

    Hãng hàng không này cũng phải đối mặt với nhiều chỉ trích vì thay đổi chính sách hành lý xách tay những 2 lần chỉ trong vòng năm ngoái, khiến cho khách hàng phải trả phí cho những chiếc va-li kéo cỡ nhỏ.

    Một hành khách phát biểu: “Có quá nhiều quy định. Tôi lo ngại sẽ bị ép trả những khoản phí không rõ ràng.”

    Which? cũng chỉ ra rằng Ryanair đã kiếm được 1.75 tỷ bảng trong năm ngoái nhờ các phụ phí, ví dụ như chọn chỗ ngồi, ưu tiên lên máy bay và phí hành lý.

    Phát ngôn viên của Ryanair cho biết khảo sát trên không quan tâm đến yếu tố giá vé – dù đó là “yếu tố quan trọng nhất đối với người tiêu dùng Anh” – và miêu tả kết quả trên “không hề mang tính đại diện” khi so sánh với tổng số 141 triệu hành khách hàng năm của hãng.

    Phát ngôn viên cũng cho biết thêm mức giá vé trung bình của Ryanair là 35 bảng, chỉ là số lẻ so với giá vé của các hãng hàng không được Which? đánh giá cao.

    Ông Rory Boland, biên tập viên tạp chí Which?, nói: “Giá vé hàng không ngày càng có xu hướng rẻ hơn, nhưng chỉ khi bạn không phiền khi ngồi cùng gia đình và trẻ nhỏ hay không mang theo kể cả một túi hành lý xách tay nhỏ.

    “Bạn sẽ cần đến máy tính mới có thể tính ra giá vé cuối cùng, đặc biệt là với Ryanair.

    “Trong vòng hai năm qua, hãng này đã hủy hàng ngàn chuyến bay, làm hỏng hàng trăm ngàn kỳ nghỉ và vi phạm cả quy định bồi thường.

    “Kết quả của khảo sát cho thấy hành khách đã hết sức chán ngán. Họ muốn đổi sang một trong các đối thủ của Ryanair, những hãng có thể chứng minh được rằng giá rẻ không đồng nghĩa với dịch vụ rẻ mạt.”

    Những cái tên khác nằm cuối bảng xếp hạng bao gồm Thomas Cook Airlines (52%), Wizz Air (54%), Vueling Airlines (54%) và British Airways (56%).

    Những hãng được chấm điểm cao nhất bao gồm Aurigny (81%), Swiss Airlines (80%) và Jet2 (75%).

    VietHome (Theo ITV)

  • Toàn ngành hàng không ở Anh đang chạy đua tuyển dụng nhân sự nhằm ứng phó với tình trạng hỗn loạn - hoãn hoặc hủy chuyến bay, chờ đợi làm thủ tục - ở các sân bay hồi đầu hè qua.

    Delta Air Lines đã thực hiện bước đi "sáng tạo" để giải quyết tình trạng ngổn ngang hành lý tại sân bay Heathrow. Hãng hàng không quyết định chất hết hành lý lên một chiếc máy bay từ London về Detroit. Vậy là chuyến bay này chở 1.000 hành lý thất lạc, và không có ai trong khoang hành khách.

    Trong những tuần gần đây, dịch vụ tại sân bay Heathrow đi xuống do thiếu hụt nhân sự, khiến nhiều người gọi đây là cảnh tượng “airmageddon” (ghép bởi airport - sân bay và armageddon - tận thế).

    hanh ly mac ket tai heathrow
    Biển hành lý ở Heathrow

    Để giải quyết khiếu nại hành lý thất lạc và hủy chuyến, giới chức đã yêu cầu các hãng hàng không giới hạn số lượng hành khách tại một trong những sân bay bận rộn nhất thế giới còn 100.000 hành khách mỗi ngày. Vì vậy, do không thể chở thêm khách, hãng Delta Air Lines đã chở hàng nghìn chiếc vali vô chủ ra khỏi sân bay, theo CNN.

    Trong khi đó, Giám đốc điều hành sân bay Manchester của Anh Chris Woodroofe, nói rằng ông không thể hứa hẹn hành khách sẽ có “trải nghiệm tuyệt vời” trong mùa hè này. Dẫu vậy, ông cho hay tình hình ở sân bay Manchester đang cải thiện và hy vọng “đại đa số hành khách sẽ có trải nghiệm hợp ý”.

    Hầu hết khách sẽ "kiểm tra an ninh trong vòng 30 phút, sau đó lên máy bay và máy bay sẽ cất cánh”. “Tuy nhiên, có những lúc mọi thứ không như kế hoạch, và tôi xin lỗi về điều đó”, ông thừa nhận.

    Sau khi chứng kiến những thách thức lớn ngay khi các chuyến bay quốc tế nối lại, sân bay Manchester và Gatwick ở Anh đều nói nhân viên đang làm việc chăm chỉ để đảm bảo di chuyển trong mùa hè diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, họ không thể hứa mọi thứ sẽ hoàn hảo hoặc trở lại mức dịch vụ "bình thường" như năm 2019.

    Trong khi đó, các hãng hàng không khẳng định hầu hết hành khách có thể thực hiện hành trình mà không gặp sự cố. Tuy nhiên, nhiều người phàn nàn và thất vọng khi họ phải xếp hàng dài làm thủ tục, chuyến bay bị hủy hoặc hoãn. Cả ngành hàng không chịu áp lực cải thiện hoạt động trong bối cảnh lo ngại gián đoạn trầm trọng hơn trong mùa hè này, theo BBC.

    Sau hai năm biến động vì đại dịch Covid-19, nhân viên sân bay sẽ trải qua một vài tháng bận rộn ở phía trước. Tại Manchester, 50.000 hành khách khởi hành mỗi ngày - mức mà giám đốc sân bay này gọi là “siêu đỉnh”, gần chạm mốc năm 2019.

    Cuộc đua tuyển dụng nhân viên

    "Chuyến bay Delta 9888 từ Heathrow đến Detroit của Delta đã chở 1.000 hành lý trở lại Mỹ. Các nhân viên của chúng tôi sau đó sẽ chuyển cho các khách hàng", thông báo của Delta Air Lines cho hay, dẫn lý do làm vậy bởi chuyến bay theo lịch trình bị hủy bởi hạn chế số lượng khách tại sân bay Heathrow.

    Theo FlightAware, Delta và nhiều hãng hàng không khác của Mỹ đã phải hủy gần 30.000 chuyến bay đến, đi hoặc trong nước Mỹ. Tình hình gián đoạn đặc biệt nghiêm trọng vào ngày nghỉ cuối tuần hoặc dịp lễ.

    Delta thông báo công ty phải trả thêm 200 triệu USD trong năm nay, để bù vào tiền làm thêm giờ của nhân viên và phí bảo hiểm. Đó là còn chưa kể đến việc hãng này phải chi tiền cho chuyến bay toàn vali mà không có "hành khách" nào mua vé.

    Thiếu hụt nhân viên được cho là nguyên nhân chính trong việc gián đoạn hoạt động ở sân bay. Tại Anh, nhiều người lên án chuyện các công ty cắt giảm quá mức nhân sự trong đại dịch Covid-19. Hai năm trôi qua và những người này đã tìm được việc làm mới. Nhưng để tìm người thay thế họ thì không hề dễ dàng.

    Tháng trước, sân bay Gatwick đã giới hạn về số chuyến bay trong mùa hè. Tương tự, sân bay Heathrow hạn chế số lượng hành khách có thể khởi hành mỗi ngày vào giờ cao điểm.

    “Ngành công nghiệp hàng không đã chịu sự tàn phá mạnh mẽ trong đại dịch Covid-19, và bây giờ chúng tôi phải gây dựng lại, từ sân bay, hãng hàng không, nhân viên mặt đất, lực lượng biên phòng”, ông Woodroofe cho biết. “Tất cả chúng tôi đều nỗ lực, mở các đợt tuyển dụng lớn chưa từng có. Trên thực tế, chúng tôi vẫn đang tìm người”.

    Phóng viên BBC đã nhìn thấy một số nhân viên an ninh đang học việc tại Nhà ga số 1 sân bay Manchester hôm 13/7. Phải mất 3 tháng để một người chính thức nhận việc, do yêu cầu kiểm tra lý lịch, kiểm tra an ninh và đào tạo.

    Tuyển dụng cũng là trọng tâm chính tại sân bay Gatwick. Mặc dù sân bay đã cắt giảm gần một nửa nhân công do đại dịch, ban quản lý khẳng định họ đủ khả năng để đối phó với giai đoạn bận rộn sắp tới.

    Nhân viên an ninh, Rupesh, nằm trong số những người bị sa thải vào năm 2020. Tuy nhiên, anh quyết định quay lại vào tháng 3 vừa rồi. “Phải mất vài tháng để gia hạn thẻ thông hành cho nhân viên, nhưng tôi rất vui khi được trở lại và còn gặp một số gương mặt cũ”, anh nói.

    "Thách thức mà chúng tôi đối mặt là khách hàng phải đợi lâu hơn bình thường một chút. Nhưng điều đó phụ thuộc vào đội ngũ nhân viên mà chúng tôi có và số làn hoạt động", anh nói thêm

    Người đứng đầu bộ phận an ninh của sân bay Gatwick, Cyrus Dana, cho biết hàng trăm người mới đã được tuyển dụng. Sân bay này sẽ tiếp tục tuyển cho đến tháng 10. Thậm chí, đợt tìm nhân viên mới cho năm tới cũng đã bắt đầu.

    Tuy nhiên, một mình nhân viên an ninh không thể đảm bảo hành khách sẽ có chuyến đi suôn sẻ. Hàng không là hệ sinh thái phức tạp với nhiều khu vực liên quan tới nhau. Tình trạng thiếu nhân viên đang tác động đến cả những khu vực khác.

    Nhân viên sân bay chỉ đại diện cho 1/10 lực lượng lao động ở sân bay Manchester. Phần còn lại vận hành bởi các hãng hàng không, bộ phận xử lý mặt đất hoặc lực lượng biên phòng.

    Giám đốc thương mại sân bay Gatwick, Jonathan Pollard cho biết nhân sự là mắt xích cực kỳ quan trọng: “Việc hủy chuyến vào phút chót nhiều khả năng là do thiếu hụt phi hành đoàn hoặc nhân viên phụ trách mặt đất, nhân viên phục vụ chuyến bay”.

    Ông cho biết sân bay đã thực hiện hành động dự phòng từ trước tháng 7 để đảm bảo sự cố này không xảy ra nữa.

    "Ác mộng" sân bay có quay trở lại?

    Garry Wilson - Giám đốc điều hành của EasyJet Holidays - cho biết mặc dù hãng hàng không đã cắt giảm một số chuyến bay, hơn 70% số hành khách bị hủy chuyến đã đặt lại chỗ.

    Khi được hỏi liệu EasyJet có đảm bảo sẽ không hủy chuyến nữa hay không, ông Wilson nói "chúng tôi đã làm mọi thứ trong tầm kiểm soát để đảm bảo khả năng hệ thống vận hành trở lại". Tuy nhiên, ông cũng nói hiện tại có thể xảy ra các sự cố khác, như kiểm soát không lưu chậm trễ, hoặc có vấn đề với cơ sở hạ tầng sân bay.

    Ông nói thêm bất cứ khi nào xảy ra gián đoạn, hãng hàng không sẽ đảm bảo "cung cấp nhiều thông tin nhất có thể cho khách hàng". Ông Wilson nói thêm EasyJet hiện đã có đủ nhân viên.

    Tuy nhiên, câu hỏi bỏ ngỏ là liệu sau cuộc đua tuyển dụng và hủy hàng nghìn chuyến bay, các sân bay đã sẵn sàng vận hành hệ thống như nhiều người mong đợi?

    Ông Pollard tỏ ra thận trọng. Ông nói bất chấp những nỗ lực lập kế hoạch khổng lồ, "sẽ có những khoảng thời gian trong suốt mùa hè mà mọi thứ không thể hoạt động như bình thường".

    Tuy nhiên, "trải nghiệm tại Gatwick đã tốt hơn đáng kể so với trước đó", ông nhấn mạnh.

    Theo Zing

  • Thất nghiệp ở tuổi 50, nhưng nữ tiếp viên hàng không nhanh chóng được nhiều công ty săn đón nhờ có bí quyết riêng.

    tiep vien hang khong 50 tuoi 1

    Nữ tiếp viên hàng không (50 tuổi) đã tự học thêm tiếng Anh và tiếng Phần Lan, sau khi cô bị mất việc. Nhờ nghị lực vươn lên, người phụ nữ sau đó đã nhận được nhiều lời mời vào làm việc từ các hãng hàng không quốc tế. Nữ tiếp viên còn trở thành nhân vật truyền cảm hứng cho phụ nữ Trung Quốc, nơi các hãng hàng không đặt ra quy định giới hạn độ tuổi làm việc trên cabin máy bay. 

    Theo Bailu Video, cô Hu sinh sống ở thành phố Bắc Kinh. Cô từng làm việc cho hãng hàng không Air Shuttle của Na Uy trong 6 năm trước khi bị sa thải vì công ty tiến hành tái cấu trúc nội bộ. 

    tiep vien hang khong 50 tuoi 1
    Nữ tiếp viên hàng không 50 tuổi duy trì tập luyện thể thao để đảm bảo sức khỏe làm việc cho các hãng hàng không nước ngoài. (Ảnh: Weibo)

    Không rõ khoảng thời gian cô Hu bị cho nghỉ việc. Tuy nhiên, trong thời gian tìm kiếm công việc mới, cô Hu không ngừng trau dồi tiếng Anh và học thêm tiếng Phần Lan để chuẩn bị cho những cuộc phỏng vấn xin việc với các hãng hàng không nước ngoài. Cô Hu không nộp đơn xin vào các hãng hàng không Trung Quốc, bởi họ có quy định không tuyển nhân viên trên 40 tuổi làm việc trên cabin máy bay. 

    Được biết, cô Hu hiện là tiếp viên duy nhất mang quốc tịch Trung Quốc tại hãng hàng không giấu tên mà cô này đang làm việc được 8 tháng. 

    “Tôi vẫn thường xuyên tập thể dục và ăn uống lành mạnh, lý do chính là vì tôi vẫn cần duy trì thể lực để phục vụ công việc trên những chuyến bay đường dài”, cô Hu nói. 

    “Bạn cần sử dụng toàn bộ sức mạnh và sự lạc quan để đối mặt với cuộc sống. Sống trọn từng khoảnh khắc, và đừng bao giờ hối tiếc những việc đã làm”, cô Hu nói thêm. 

    Đoạn video chia sẻ quan điểm sống của cô Hu đã nhận được hơn 5 triệu lượt xem trên Weibo cùng hàng nghìn bình luận tích cực. 

    “Bạn là hình mẫu lý tưởng cho phụ nữ chúng tôi”, một cư dân mạng Trung Quốc chia sẻ. 

    “Cô ấy là người đầy lạc quan. Mọi người hãy học tập cô ấy để tự nâng cao bản thân”, người khác bày tỏ quan điểm. 

    tiep vien hang khong 50 tuoi 1
    Tranh cãi quy định không tuyển tiếp viên hàng không trên 40 tuổi tại Trung Quốc. (Ảnh: Weibo)

    Câu chuyện mất việc của cô Hu còn trở thành đề tài tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội trước hành vi phân biệt tuổi tác trong thị trường lao động ở đất nước tỷ dân. 

    Theo zhihu.com, các hãng hàng không Trung Quốc không tuyển những tiếp viên trên 40 tuổi. Những tiếp viên hàng không đã chạm tới ngưỡng tuổi quy định sẽ bị điều chuyển sang làm các công việc khác. 

    “Việc một ứng viên ngoài 30 tuổi đi xin việc ở Trung Quốc là vô cùng khó khăn. Những người trên 40 tuổi thường bị các công ty xem là người già”, một cư dân mạng viết trên Douyin.

    “Khi một người phụ nữ khoảng 30 tuổi đi ứng tuyển, những người quản lý thường sẽ hỏi các câu hỏi như cô có ý định kết hôn hay không, hoặc khi nào định sinh con. Nhưng dù bạn có nói bao nhiêu lần về chuyện không muốn kết hôn hoặc sinh con, bên tuyển dụng cũng thường không tin bạn”, người khác nhấn mạnh. 

    Theo luật lao động của Trung Quốc, phụ nữ nghỉ hưu khi 50 tuổi và nam giới là 55 tuổi, nếu họ công tác trong những ngành nghề đòi hỏi thể lực cao hoặc công việc tự do. Nếu làm công chức nhà nước, hay tại các trường học hoặc bộ phận quản lý, độ tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 55 và nam giới là 60.  

    Theo Infonet