• Ở tuổi 26, Nguyễn Thị Ngọc Lan đã giành được học bổng toàn phần chương trình tiến sĩ ngành kế toán - tài chính của ĐH Bristol (nước Anh), đồng thời cô là người Việt đầu tiên được chọn vào Hội đồng quản trị tổ chức phi lợi nhuận Voscur.

    Thành tích "khủng"

    Từ thời THPT, khi còn ở Hải Dương, Nguyễn Thị Ngọc Lan đã nổi tiếng về thành tích học tập xuất sắc của mình. Đến khi theo học tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội), Lan luôn là sinh viên học tốt và là thủ khoa đầu ra của trường.

    Năm 2019, khi vừa tròn 22 tuổi, bằng tố chất xuất sắc, Lan giành được học bổng của 9 trường đại học tại Anh và Úc. Tuy nhiên, Lan chọn học bổng Think Big với giá trị khoảng 20.000 bảng Anh của ĐH Bristol. Trong thời gian đó, Lan là 1 trong 5 sinh viên trên thế giới được nhận học bổng thạc sĩ từ đại học này.

    Chưa dừng lại, năm 2021, ở tuổi 24 Ngọc Lan tiếp tục "săn" được học bổng toàn phần hệ tiến sĩ ngành kế toán - tài chính.

    Voscur vietnam 1
    Ngọc Lan, nữ du học sinh với trái tim rộng mở, hướng về cộng đồng. Ảnh: NVCC

    Chia sẻ về bí quyết săn học bổng, Ngọc Lan cho biết: "Thông thường, các đại học tại châu Âu sẽ chú trọng tới nghiên cứu khoa học, cho nên khi còn là sinh viên tôi đã nỗ lực tham gia và thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu nhất có thể. Từ đó, tôi đã có 6 công trình nghiên cứu khoa học về kế toán - tài chính, giáo dục, bảo tàng được xuất bản. Các công trình nghiên cứu khoa học này đã được đăng trên các tạp chí, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế".

    Ngọc Lan cho biết các đại học ngoại quốc rất thích sinh viên tham gia vào hoạt động cộng đồng. Vì thế cô đã lựa chọn nghiên cứu thêm về dự án khởi nghiệp "sản xuất quần lót tre có xử lý kháng khuẩn Chitosan cho nữ giới". Đây được coi là điểm sáng giúp cô "ghi điểm" và vượt qua nhiều ứng viên "săn" học bổng khác trên thế giới.

    Đến cuối năm 2022, Lan cùng 3 người bạn đã "chạm tay đến giấc mơ" khi được xướng tên ở lễ trao giải thưởng khởi nghiệp lớn nhất Trung Quốc dành cho du học sinh với dự án "máy dò tìm và phát hiện phóng xạ hạt nhân tầm xa – Alpha". Đây là dự án ứng dụng khoa học kỹ thuật vào cuộc sống, giúp tối ưu hiệu suất của việc tìm kiếm và xử lý rác thải hạt nhân, từ đó nâng cao chất lượng môi trường sống cho con người.

    Vào tháng 3.2023, khi chạm mốc 26 tuổi, Ngọc Lan được sinh viên đề cử là trợ giảng hay nhất của năm, một giải thưởng danh giá dành cho các trợ giảng tại ĐH Bristol.

    Kế đến tháng 5.2023, Lan vinh dự được trao giải người phụ nữ truyền cảm hứng của năm tại lễ trao giải thưởng quốc tế Việt Nam của Liên hiệp phụ nữ quốc tế Việt Nam - Vương quốc Anh nhân dịp 50 năm quan hệ Việt Nam – Anh.

    Người Việt đầu tiên vào hội đồng quản trị của tổ chức Voscur

    Tháng 12.2023, lần đầu tiên trong lịch sử hình thành, Voscur - tổ chức hỗ trợ và phát triển trong lĩnh vực doanh nghiệp xã hội, cộng đồng và tình nguyện (VCSE) đã điền tên Nguyễn Thị Ngọc Lan trong danh sách thành viên Hội đồng quản trị trên website của Voscur. Cô đã chính thức trở thành 1 trong 10 thành viên tổ chức phi lợi nhuận này sau khi thực hiện thành công buổi phỏng vấn với giám đốc điều hành. Ngọc Lan vinh dự là người Việt Nam duy nhất và trẻ tuổi trong bộ máy quản trị của tổ chức này.

    Voscur vietnam 1
    Ngọc Lan chính thức trở thành Ủy viên hội đồng quản trị của tổ chức phi lợi nhuận Voscur tại Anh. Ảnh: NVCC

    Ngọc Lan cho biết tổ chức Voscur được thành lập vào năm 1995 với trọng tâm là trao quyền, hợp tác, cung cấp nguồn lực và các chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực của các tổ chức địa phương. Đồng thời, kết nối và vận động chính quyền, các doanh nghiệp quan tâm đáp ứng nhu cầu hợp lý của người dân tại Bristol (nước Anh).

    Nói về cơ duyên trở thành thành viên danh dự này, Ngọc Lan kể: "Để hoàn thành dự án nghiên cứu định tính của tôi ở ĐH Bristol, tôi phải thực hiện phỏng vấn 40 nhà quản trị cấp cao tại các tổ chức và doanh nghiệp. Thế là tôi gặp bà Rebecca Mear, chủ tịch của dự án này và từ đó đã có những cuộc gặp gỡ, cuối cùng là đi chung đường với nhau".

    Để có được "cái gật đầu" vào hội đồng quản trị của tổ chức phi chính phủ này, Lan phải dùng chính đề tài nghiên cứu tiến sĩ về "sức khỏe tinh thần" của mình để trình bày. Cô kể lại: "Hầu hết chúng ta đều biết sức khỏe tinh thần quan trọng, nhưng làm sao để đo lường một thứ vô hình như thế là một bài toán khó nhưng càng khó thì tôi lại càng muốn thực hiện".

    Chia sẻ về bí quyết chinh phục người phỏng vấn, Ngọc Lan cho biết cô luôn chủ động và cố gắng tận dụng mọi cơ hội. Có nhiều ngày Lan phải thức dậy thật sớm, chống chọi với cái lạnh ở xứ sở sương mù, ngồi tàu suốt 3 tiếng đồng hồ để có cơ hội phỏng vấn một nhà quản trị cấp cao. Cô dành mọi thời gian mình có để tìm kiếm, kết nối với những nhà quản trị phù hợp và chuẩn bị cho các buổi phỏng vấn.

    Voscur vietnam 1
    Cô còn vinh dự được trao giải người phụ nữ truyền cảm hứng của năm tại lễ trao giải thưởng quốc tế Việt Nam của Liên hiệp phụ nữ quốc tế Việt Nam - Vương quốc Anh.

    Bên cạnh vai trò mới được bổ nhiệm là Ủy viên hội đồng quản trị, Ngọc Lan còn là nghiên cứu sinh năm thứ 3, trợ giảng năm thứ 2 (với 8 buổi đứng lớp/tuần) và Chủ tịch của cộng đồng các sinh viên Việt Nam tại ĐH Bristol. Đây cũng là một bước tiến lớn của cô trên hành trình đóng góp cho cộng đồng, tiếp nối những dự án nhân văn mà cô đã thực hiện trước đây như: dạy học tình nguyện tại trại trẻ mồ côi Hà Cầu, khởi nghiệp sản xuất quần chip từ tre.

    Theo Thanh Niên

  • Trên nhóm Du Lịch Khám phá Châu Âu, chị Nguyen Huong Thao đã chia sẻ hành trình "DU HỌC ANH, VÁC BA LÔ ĐI QUANH THẾ GIỚI" vô cùng thú vị:

    "Nay là ngày mình về Việt Nam sau hơn 1 năm du học Master tại Anh. Ngồi trên máy bay trở về nước, mình tranh thủ ghi lại một số điểm để các bạn trẻ, các bạn sắp đi UK hoặc đi du học ở nước nào đó có thêm thông tin, để hành trình du học và khám phá thế giới của các bạn thêm hiệu quả và rực rỡ.

    Thế giới đẹp lắm, mỗi nơi đều có một vẻ khác nhau. Nơi đẹp nhất là nơi chúng ta chưa từng đi qua. Khoảng thời gian đẹp nhất là khoảng thời gian không thể quay trở lại. Cùng nỗ lực chăm chỉ và tích cực trải nghiệm, để mỗi ngày đều là ngày vui. Live, not just exist.

    Tổng kết lại hành trình hơn 1 năm qua của mình:

    du lich 45 quoc gia 1

    I. Về việc du lịch khám phá

    Tinh thần đi khám phá lần này rất máu, khác hẳn lần đầu học Master tại Paris 14 năm trước. Dù lần trước có học bổng toàn phần của Chính phủ Pháp, đi làm thêm cũng dư dả nhưng mình chả đi du lịch đâu mấy cả. Đi quanh nước Pháp chỗ trường của các bạn học cùng Ngoại Thương và có đi sang Đức chơi thôi.

    Lúc từ Pháp về nước mình cầm được khối tiền tiết kiệm mang về. Nhưng rồi sau đó mình mới nhận ra và tự hỏi: tại sao hồi còn ở Pháp mình không tranh thủ đi du lịch các nước châu Âu đi, cầm số tiền đó về làm gì. Khi sống ở châu Âu thì đi chơi quanh châu Âu vừa tiện vừa rẻ. Vé máy bay, vé tàu xe rẻ rất rẻ mà lại không tích cực lên đường khám phá thì cũng tiếc thật.

    Mình bắt đầu tự học tiếng Anh năm 23 tuổi khi đó và ôm giấc mơ một ngày sẽ quay trở lại châu Âu du học. Giấc mơ đó ngốn 13 năm của mình mới thành hiện thực như lần này.

    Lần này thì: 4 ngày đầu sau khi đến Anh hồi cuối tháng 9/2022, mình đã đi đến nước khác đầu tiên là xứ Wales. Sau đó, trong 3 tháng đầu ở Anh mình đã đến thăm 12 thành phố lớn nhỏ khắp nước Anh, Wales và Scotland. Tiếp sau đó là bay đi rất nhiều các nước ở 3 châu lục: châu Âu, châu Mỹ và châu Phi. Mình, 37 tuổi, đã đặt chân đến:

    1. Việt Nam 
    2. Pháp 
    3. Đức 
    4. Thái Lan
    5. Singapore
    6. Campuchia
    7. England 
    8. Wales 
    9. Scotland
    10. Gibraltar 
    11. Mỹ
    12. Mehico
    13. Hy Lạp
    14. Ý
    15. Thụy Sỹ 
    16. Áo
    17. Liechtenstein 
    18. Tây Ban Nha
    19. Ba Lan
    20. Thụy Điển
    21. Đan Mạch
    22. Cộng hòa Séc
    23. Slovakia 
    24. Hungary 
    25. Bỉ
    26. Luxembourg 
    27. Ma-rốc
    28. Iceland 
    29. Na Uy
    30. Phần Lan
    31. Estonia 
    32. Hà Lan
    33. Canada 
    34. Quần đảo British Virgin  
    35. Antigua and Barbuda
    36. Curaçao
    37. Aruba
    38. Bắc Ailen
    39. Ailen
    40. Malta
    41. Bồ Đào Nha
    42. Slovenia 
    43. Croatia 
    44. San marino 
    45. Vatican

    Còn bạn? Bạn thích nước nào nhất?

    Như vậy, mình đã đến khám phá tổng tất cả 45 quốc gia trên thế giới. Trong đó riêng hơn 1 năm đi du học ở UK mình đi du lịch đến 41 nước, từ nước số 7 đến số 45 trong list. Thêm 2 nước Pháp và Đức, số 2 và 3 mình đã đến hồi 2009, và năm vừa rồi mình lại đi khám phá Pháp, Đức hơi bị nhiều ngày và kĩ càng.

    Con số 41 nước này nhiều hơn sự mong đợi của mình. Hồi trong năm mình có đọc 1 bài báo khá truyền cảm hứng nói về 1 bạn trai đạt học bổng Chevening, và trong hơn 1 năm ở UK du học bạn đã đặt chân đến 36 nước. Giờ nhìn lại con số 41, mình lại là một cô gái thấp bé, balo to hơn người, thì đó là cả hành trình dài đòi hỏi sức khỏe sức trẻ, sự dũng cảm, sự đầu tư thời gian để xin các loại Visa, và chuẩn bị tài chính để book các loại vé và chi phí cho chuyến đi.

    Với tổng hơn 100 chuyến bay, chuyến tàu và bus liên thành phố, mình vác ba lô lên đường liên tục, chuyến này nối tiếp chuyến kia. Cái hay là lần nào mình đi cũng vui, tinh thần cực kì phấn chấn, ko cảm thấy mệt mỏi rệu rã bao giờ và nụ cười luôn nở trên môi. Vui chứ! Vì bằng đấy chuyến đi là bao nhiêu các chuyến gặp gỡ với bạn học cũ-mới, đồng nghiệp cũ, học trò cũ và người thân trong gia đình. Mình may mắn có "cạ cứng" ở nhiều quốc gia trên thế giới, nên mình vừa kết hợp đi chơi, đi thăm mọi người và đi solo một mình đan xen trong suốt các chuyến đi của hơn 1 năm qua.

    du lich 45 quoc gia 1
    Chân dung chị Nguyen Huong Thao, người phụ nữ tài năng mạnh mẽ

    Các app ruột của mình khi đi du lịch gồm có:

    - Trip chấm com hoặc Opodo: để đặt vé máy bay giá rẻ

    - Trainline hoặc Omio: để đặt vé tàu, xe bus các kiểu khi di chuyển giữa các quốc gia gần nhau và liên thành phố

    - Booking chấm com hoặc Hostelworld: để đặt phòng hotel hoặc đặt phòng dorm ở chung với các bạn. Mình thường trả thêm 1 chút để ở phòng 4 người hoặc 6 người cho thân với các bạn cùng phòng hơn, bớt ồn ào, ngủ ngon hơn.

    Lại nói về Visa. Năm vừa rồi đầu tiên là mình xin visa đi Mỹ, sau đó đi Europe tour 3 lần với 3 lần vật vã xin Schengen visa (sau nhiều lần canh ngày canh đêm để có lịch hẹn với Đại sứ quán). Tiếp đó là xin visa đi Maroc và Canada. Gần đây nhất là mình lại hăm hở nộp visa đi Australia. Toàn là mình tự làm chứ không qua dịch vụ nên khâu chuẩn bị, đi phỏng vấn, chứng minh tài chính, giấy tờ các kiểu cũng ngốn kha khá thời gian. Nhưng vì yêu các cung đường nên chẳng ngại chi. 

    Vậy đó. 36 năm đầu đời mình đi có 6 nước. Đến năm 37 tuổi mình đi một lúc hơn 40 nước. Để có được hơn 1 năm này thì mình đã nỗ lực 36 năm qua. Nhất là hơn 10 năm trở lại đây mình đã nuôi ý chí đi du học lần 2 tại Anh, và nuôi ước muốn được đi ngao du khắp thế giới. Đến giờ nhìn lại thì thấy đó là một hành trình rất đẹp, dù tốn nhiều công sức và nhiều sự kiên trì trong nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm. Không bao giờ là quá muộn để thực hiện một ước mơ nào đó. Think big and dream big. Các bạn nhé!

    Trên đường đi khám phá, mình cũng đối diện với rất nhiều thử thách và có những thứ phải trả bằng mất mát, có những thứ phải trả bằng tiền ngu. Ví dụ như:

    - Bị trộm mở khóa ba lô lấy mất chiếc máy ảnh Sony mấy ngàn $ ở Croatia

    - Rớt não quên túi quà cáp trong túi riêng ở khoang hành lý máy bay ở Tây Ban Nha.

    - Suýt mất hành lý ở Slovakia vì bus họ đỗ không đúng giờ ở bến.

    - Xách hành lý đi bộ một mình ở nơi vắng người vào buổi tối, vừa đi vừa run khi di chuyển từ bến xe về hotel ở Bratislava - Slovakia và Venice Ý.

    - Làm rơi đâu mất thẻ ngân hàng ở Pháp, may mà có mang thêm 2 thẻ ngân hàng khác dự phòng. 

    - Suýt lỡ tàu nối chuyến ở Đức vì nhầm platform.

    - Mua sim đắt và mất tiền ngu ở Hy Lạp, Mỹ và Canada.

    - Bị mua kẹo đắt 84 euro 2 gói kẹo ở Strasbourg Pháp vì tội chọn và mix kẹo vào rồi mà không xem giá trước khi mua.

    - Đến nhầm điểm meeting point ở Iceland và Malta. Riêng ở Iceland chạy thục mạng đến kịp để lên xe đi tour đến Glacier Lagoon cùng Trang và Huyền, còn ở Malta thì mất trắng tiền tour vì nhầm điểm lên tàu thủy đi đảo.

    - Như hôm nay thì dù đã đặt Uber và lên đường ra sân bay sớm tận 4 tiếng, 11am bay, 7am đi để ra sân bay bay từ London về HN, vậy mà tắc đường ở London buổi sáng làm mình suýt lỡ chuyến bay. Mất tận gần 3h ngồi trên xe taxi mới đến được sân bay. Được cái mình trưởng thành là như này này: bình tĩnh, biết chấp nhận thực tại. Quá lo lắng sốt ruột cũng không thay đổi được gì, mình chọn vừa ngồi trên xe vừa động viên bác tài xế, khen bác điều khiển giỏi khi bác cố tìm cách đi tắt tránh các tuyến phố bị tắc. Thấy mình điềm tĩnh, bác cũng bớt sốt ruột, đỡ đập vô lăng, bớt lo lắng hộ mình vì các đoạn đường tắc, xe đứng yên trong vô vọng.

    Chắc lần sau anh em bay Vietnam Airlines chuyến 11am, bay thẳng London - HN thì nên ra sân bay từ 6h nếu đi Uber/taxi. Giờ đó vắng, giá đi rẻ hơn, ít traffic. Vì mình có nhiều hành lý nặng nên đi Uber, chứ ko đã đi tàu cho rẻ và khỏi lo tắc đường.

    Đi để lớn. Tuổi nào cũng vẫn sẽ thấy mình lớn hơn và trưởng thành hơn khi học được từ chính những khờ dại và sai lầm của bản thân. Dù khách quan hay chủ quan thì đó đều là những bài học, những kỉ niệm thêm gia vị làm cho chuyến đi thêm đáng nhớ.

    II. Về việc học

    1. Là đại diện duy nhất của Việt Nam đạt học bổng GREAT của Hội Đồng Anh và ĐH Westminster để theo học Master tại ĐH Westminster, London năm học 2022-2023.

    2. Tốt nghiệp Master loại xuất sắc distinction.

    3. Trong 1 năm học tại London mình không nghỉ học buổi nào, và thường đi học sớm. Trừ đúng giai đoạn gần 1 tháng đi Mỹ hồi tháng 3/2022 (có phép của giáo sư) để dự hội thảo ngành TESOL tại Portland, chạy 42km Los Angeles Marathon và tranh thủ đi khám phá các thành phố dọc Bờ Tây nước Mỹ + Mexico.

    4. Về cơ bản là mình chăm và học ngoan. Tích cực hỏi bài thầy cô. Ngay từ hồi ở Việt Nam trước khi sang Anh mình đã chủ động viết mail cho thầy course leader và trao đổi với thầy nhiệt tình để nắm được chương trình học. Tương tự, với bất cứ thầy cô nào dạy mình môn nào, sau buổi học đầu tiên, mình thường viết mail giới thiệu sơ qua về mình, về mục tiêu học tập đạt distinction trong năm học này và hỏi thầy cô các câu hỏi nếu có sau buổi học đầu và trong quá trình đọc thông tin về môn đó trên web của trường.

    Chủ động, chủ động và chủ động. Communication is key. Kết quả là sau 1 năm học thầy cô nào cũng rất quý mình. Tốt nghiệp xong là thầy cô viết mail hỏi mình có ở London không để mời mình đi cafe, hẹn mình đi ăn và khuyến khích mình theo đuổi con đường nghiên cứu học thuật. Tình cảm lắm!

    5. Ngày đầu bước chân đến UK mình đã ngồi lấy sổ viết ra tên các đề tài và các topic mà mình hứng thú để viết Luận văn cuối khóa. Sau này chính đề tài đầu tiên mình viết ngay dòng đầu là topic mình chọn để nghiên cứu. Đồng thời, mình ngồi đọc các thông tin của từng môn học trên trang web của trường. Ngồi viết ra từng môn xem kì này deadline của các bài là khi nào, môn đó học những gì.Học ở Anh được cái thông tin rất rõ ràng, trên web có hết. Chủ động tìm hiểu và quan trọng nhất là viết ra sẽ giúp ta có cái nhìn tổng quan về chương trình học, hạn chót phải làm và biết đường để sắp xếp thời gian học cho tốt còn...đi du lịch.

    6. Các trang web, phần mềm hữu ích để viết bài luận essay/coursework:

    1) Dùng Quilbot để paraphrase

    2) Dùng Grammarly bản premium để check lỗi ngữ pháp tiếng Anh

    3) Hỏi chat GPT để hiểu các khái niệm phức tạp, các thuật ngữ khó hiểu, để lấy thêm idea cho câu hỏi luận, để từ đó nghiên cứu và phát triển thêm cho bài viết có chiều sâu.

    7. Trong quá trình học tại UK, mình tích cực tham gia nhiều các buổi lễ hội âm nhạc concert lớn, mua vé đi xem musical show, tham gia chạy các giải marathon ở Anh và Mỹ, tham gia giải đua 3 môn phối hợp bơi-đạp-chạy London Triathlon. Và hăng hái tham gia các event, cuộc thi do Hội Sinh viên VN tại UK - SVUK, Cộng đồng VietPro và Hội người Việt tại Anh, Vietnamese Family Partnership (VFP) tổ chức.

    Vì tham gia nhiều các hoạt động nên mình thấy những ngày du học ở Anh ý nghĩa thêm bao nhiêu, thêm nhiều trải nghiệm và nhiều bạn mới - những người giỏi, sáng tạo và có cùng chí hướng. Ngồi gõ bài này suốt mấy tiếng trên chuyến bay. Chuẩn bị đến giờ hạ cánh. Về đến nhà có mạng là mình sẽ post bài này. Mình rất háo hức được trở về nhà ăn Tết và gặp lại mọi người. Nhớ Việt Nam quá rồi!

    Không bây giờ thì bao giờ. Hãy mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn để thực hiện ước mơ. Chúc các bạn học tốt, làm tốt và có nhiều trải nghiệm thú vị trong các hành trình khám phá!

    Cre: Nguyen Huong Thao / Du lịch Khám phá Châu Âu

  • Chính phủ Anh chính thức cấm sinh viên quốc tế bậc cử nhân đưa người thân đến quốc gia này kể từ ngày 1-1, nhằm hạn chế người nhập cư.

    anh cam du hoc sinh mang theo nguoi than
    Tuyên bố của Thủ tướng Anh Rishi Sunak trên mạng xã hội X - Ảnh: X

    Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh James Cleverly cho biết chỉ những du học sinh học chương trình sau đại học hoặc nhận học bổng do chính phủ nước này tài trợ mới được phép xin visa (thị thực) cho người thân. Ngoài ra, sinh viên quốc tế không thể chuyển đổi thị thực du học sang thị thực làm việc cho đến khi tốt nghiệp.

    Thủ tướng Anh Rishi Sunak viết tuyên bố trên mạng xã hội X: “Kể từ hôm nay, phần lớn sinh viên đại học nước ngoài không thể đưa người nhà đến Vương quốc Anh”.

    Chính phủ Anh đã công bố chính sách nói trên ở trang web chính thức của họ vào ngày 23-5-2023, trong bối cảnh số người di cư ròng (chênh lệch giữa số người đến và đi) nằm ở mức kỷ lục 745.000 người tính đến tháng 12-2022.

    Theo dữ liệu mới nhất của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố vào tháng 12-2023, số người di cư ròng của nước này tính đến tháng 6-2023 là 672.000 người.

    Nhiều chuyên gia cho rằng chính sách mới sẽ gây ảnh lớn đến các trường đại học phụ thuộc vào học phí của sinh viên nước ngoài, cũng như vị thế của Anh trên bản đồ du lịch thế giới.

    Giám đốc Viện Chính sách giáo dục đại học Anh (HEPI) Nick Hillman lo ngại sinh viên quốc tế sẽ chọn đến những quốc gia khác để du học.

    Vị chuyên gia cho biết học phí của nhóm sinh viên này trợ cấp chéo cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của Anh. “Sinh viên quốc tế mang lại lợi ích cho Anh về mọi mặt”, ông Hillman nói.

    Trong khi đó, Bộ Nội vụ Anh khẳng định thay đổi nói trên là một cách tiếp cận “cứng rắn nhưng công bằng”, giúp “thu hút những người thông minh và tài giỏi nhất” đến nước này và giải quyết tình trạng đến học chỉ để nhập cư.

    Theo báo SCMP, Chính phủ Anh đã cấp khoảng 152.980 thị thực cho người thân của các du học sinh tính đến tháng 9-2023.

    Theo Tuổi Trẻ

     

  • Thay vì bỏ 800 triệu đồng học Thạc sĩ ở Anh trong 1,5 năm, tôi thà dùng 400 triệu đồng đi du lịch, tiền còn lại để học ngoại ngữ.

    Tôi là người học ở Việt Nam nhưng đã làm việc ở nước ngoài một thời gian, tiếp xúc với nhiều chuyên gia phương Tây và cả các du học sinh về nước làm việc. Từ những kinh nghiệm có được, tôi xin phép đánh giá một cách công bằng về chuyện du học (không có chuyện chỉ ngồi ở Việt Nam mà phán xét theo kiểu một chiều).

    Tôi gặp rất nhiều bạn du học sinh ở Anh, Mỹ về nhưng toàn nói lý thuyết suông, không có kinh nghiệm thực chiến ở môi trường khác biệt như Việt Nam. Chưa kể, các bạn cứ thích chêm các từ tiếng Anh vào để trông có vẻ chuyên sâu, hiểu biết rộng, nhưng hiệu quả công việc thực tế lại không mấy đặc biệt. Thậm chí, kỹ năng ngôn ngữ của các bạn đó cũng không hơn gì người ở trong nước vì họ chỉ học một thời gian ngắn ở nước ngoài. Về nước một thời gian mà không chịu khó trau dồi tiếp thì các bạn sẽ tụt lại rất nhanh.

    lang phi du hoc anh

    Với tôi, du học chỉ quyết định được khoảng 50% thành công của một người mà thôi. Chỉ những bạn có tính cách chịu khó, đam mê với lĩnh vực nào đó mà ở Việt Nam không có môi trường đủ tốt để phát triển, cũng như mong muốn sau này ở lại trời Tây làm việc thì mới nên đi du học nước ngoài. Chứ thực tế, dù có bằng Tiến sĩ ở nước ngoài thì ra nghề cũng chỉ đi làm thuê, làm lâu năm mới mong có lương cao, còn lại chỉ gọi là bình dân trong xã hội phương Tây.

    Mức lương dành cho người tốt nghiệp đại học, Thạc sĩ ở Việt Nam sẽ chẳng phân biệt việc bạn học ở trong nước hay từ trời Tây trở về. Thế nên nếu bỏ mấy trăm triệu đồng đi Anh học Thạc sĩ rồi về nước đi làm lương tháng không nổi 20 triệu đồng ở thành phố thì bao giờ bạn mới gỡ lại được vốn đầu tư?

    Chưa kể, kiến thức học tập được ở nước ngoài mà không có chỗ vận dụng ở trong nước thì chỉ hai, ba năm là mai một hết. Thế nên, các bạn trẻ đừng quá kỳ vọng vào việc du học là liều thuốc thần kỳ, nó chỉ là có một cơ hội mới cho các bạn thử sức mà thôi. Còn nắm bắt được cơ hội để phát triển hay không là tùy vào mỗi người.

    Nếu không đi du học, bạn có thể dùng số tiền đó để đi nước ngoài và vẫn trải nghiệm được nhiều thứ hay ho, hoặc tham gia các khóa học ngôn ngữ ở trong nước với chi phí thấp hơn nhiều cũng mang lại cho bạn vốn ngoại ngữ đủ dùng. Ví dụ, thay vì bỏ 800 triệu đồng học Thạc sĩ ở Anh (trong 1,5 năm), bạn có thể dùng 400 triệu đồng để đi du lịch được cả châu Âu lẫn Mỹ (trong khoảng 2-3 tháng), số tiền còn lại dùng để đi học ngoại ngữ ở Việt Nam (do giáo viên nước ngoài dạy).

    Nếu sắp xếp được thời gian giữa làm và học thì bạn còn được tính thêm 1,5 năm kinh nghiệm làm việc full-time ở Việt Nam. Như vậy, tính ra còn hơn cả đi du học nhiều mà lại tiết kiệm hơn. Chỗ tôi làm cũng là công ty nước ngoài, nhiều Giám đốc đại diện ở Việt Nam toàn học trong nước tại các trường như Bách Khoa, Ngoại Thương, Kinh Tế, Ngân Hàng mà thôi.

    Tôi đi công tác nước ngoài suốt và thú thực là sống ở Việt Nam thích hơn nhiều vì còn có cơ hội thành công. Chứ ra nước ngoài, làm việc cật lực cũng giỏi lắm chỉ mua được một căn nhà, sống đời của một "phó thường dân". Những bạn trẻ ở Việt Nam nghe kể về cuộc sống ở trời Tây có vẻ hay ho và muốn được trải nghiệm, nhưng cứ chứ sang đó rồi mới thấm.

    Chú của tôi cũng làm Tiến sĩ ở Mỹ, mua nhà ở New York, làm việc cho IBM. Hai vợ chồng đều là người Việt, sang đó sống đã 15 năm rồi, nhưng chỉ dám đẻ một đứa con, mua một cái nhà nho nhỏ. Nhà này mua bằng hình thức trả góp và khả năng phải mất tới 30 năm mới trả hết nợ. Lâu lắm vợ chồng chú mới về Việt Nam một lần vì mỗi lần về là một lần khó khăn đủ thứ: ngồi máy bay cả chục tiếng, chi phí đi lại đắt đỏ...

    Sống ở thành phố bên Mỹ cảm giác lúc nào cũng cô đơn. Tất nhiên, ở đó vẫn có cộng đồng người Việt, nhưng thực chất thì bạn đâu thể chuyển chỗ ở, chuyển việc dễ dàng như vậy được. Công việc ở đâu thì người ta buộc phải sống ở gần đó. Dì tôi còn bảo, sau này già sẽ trở lại Việt Nam vì đứa con lớn chắc cũng lấy vợ Tây rồi có cuộc sống riêng. Nếu chỉ còn lại hai vợ chồng ở lại đó thì rất cô đơn.

    Theo VnExpress

  • Anh liên tục công bố các chính sách mới liên quan đến thị thực làm việc nhằm cắt giảm lượng người nhập cư đến quốc gia này, trong đó chiếm phần đáng kể là du học sinh và thân nhân của họ.

    du hoc sinh tim viec lam 1
    Sinh viên quốc tế theo học tại ĐH College London, cơ sở giáo dục hàng đầu nước Anh. 

    Siết thị thực làm việc

    Từ năm 2018, sinh viên quốc tế sau khi hoàn thành khóa cử nhân, thạc sĩ hoặc tiến sĩ tại các ĐH của Anh được phép ở lại nước này làm việc từ 2-3 năm tùy bậc học theo diện thị thực làm việc sau khi tốt nghiệp. Trong khoảng thời gian này, nếu được nhà tuyển dụng bảo lãnh, du học sinh có thể nộp đơn xin thị thực lao động lành nghề để làm việc lâu dài.

    Song, kế hoạch này của nhiều sinh viên quốc tế có thể bị chệch hướng. Bởi, chính phủ Anh ngày 4.12 công bố sẽ tăng mức lương tối thiểu mà lao động ngoại quốc phải đạt được để nộp đơn xin thị thực lao động lành nghề, từ 26.200 lên 38.700 bảng/năm (1,2 tỉ đồng). Động thái này chính thức có hiệu lực vào mùa xuân năm 2024 nhằm giảm số lượng người nhập cư vào Anh vốn đang ở mức kỷ lục, theo tờ The Guardian.

    Thị thực làm việc sau khi tốt nghiệp dành cho sinh viên quốc tế cũng sẽ bị chính phủ Anh xét lại vào tháng 9.2024 để ngăn chặn việc lạm dụng và bảo đảm tính trung thực lẫn chất lượng của lĩnh vực giáo dục ĐH, trang Times Higher Education dẫn lời Bộ trưởng Bộ Nội vụ James Cleverly. Mặt khác, báo cáo từ một cơ quan của chính phủ Anh chỉ ra rằng loại thị thực này có thể không thu hút được nhân tài cho quốc gia.

    Những quyết định trên làm nhiều du học sinh "vỡ mộng". Trả lời trang The PIE News, Tripti Maheshwari, giám đốc một tổ chức giúp sinh viên quốc tế tìm việc làm ở Anh, cho biết hàng trăm người đã nhắn tin cho cô để bày tỏ lo lắng sau khi quy định mới được ban hành. "Họ chọn đến Anh vì những chính sách được đưa ra vào thời điểm đó, và các thay đổi phải phù hợp với kế hoạch của họ", bà Maheshwari nêu quan điểm.

    du hoc sinh tim viec lam 1
    Anh là một điểm đến du học hấp dẫn một phần nhờ vào chương trình cho phép sinh viên quốc tế ở lại làm việc tối thiểu 2 năm sau khi hoàn thành khóa học chính quy.

    Theo báo cáo năm 2021 từ Cơ quan Thống kê giáo dục ĐH Anh (HESA), khoảng 15 tháng sau khi tốt nghiệp, đa số sinh viên được trả lương từ 24.000 đến 26.999 bảng, kém xa con số mà chính phủ nước này sẽ yêu cầu để cấp thị thực làm việc lâu dài. Trong khi đó, tính đến tháng 9.2023, hơn 100.000 người đã được cấp thị thực làm việc sau khi tốt nghiệp, theo dữ liệu từ Bộ Nội vụ Anh.

    Nhiều thay đổi vào năm 2024

    Việc nâng chuẩn thị thực lao động lành nghề và xét lại thị thực làm việc sau khi tốt nghiệp là những thay đổi mà chính phủ Anh đưa ra để giảm 300.000 người nhập cư ròng mỗi năm. Một số thay đổi khác là hạn chế sinh viên quốc tế mang theo thân nhân đến Anh, cấm sinh viên quốc tế chuyển sang thị thực làm việc trước khi hoàn thành chương trình đào tạo cũng như rút ngắn danh sách các ngành nghề ưu tiên.

    Động thái trên khiến nhiều chuyên gia lo ngại vì có thể tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng của lĩnh vực giáo dục ĐH. Tiến sĩ Alex Powell, giảng viên cao cấp và chủ nhiệm một số chương trình đào tạo luật tại ĐH Oxford Brookes, mô tả các quyết định của chính phủ Anh là một "vụ bê bối". "Bất kỳ thay đổi nào đối với thị thực làm việc sau khi tốt nghiệp đều sẽ 'khai tử' nhiều trường ĐH Anh", ông Powell chia sẻ.

    Tiến sĩ Chris Lintott, giáo sư vật lý thiên văn tại ĐH Oxford, thì lo ngại chính sách mới sẽ "cản đường" các nhân tài đến Anh vì cho rằng họ không thể trả nổi các chi phí liên quan. "Làm khó các nhà nghiên cứu mới vào nghề sẽ khiến chúng ta khó khăn hơn trong quá trình nghiên cứu khoa học, cũng như hạn chế cơ hội cho những sinh viên và nghiên cứu sinh người Anh", ông Lintott bày tỏ.

    Theo HESA, Việt Nam đứng thứ 20 về số du học sinh tại Anh trong năm 2022 với 7.140 người (không bao gồm bậc phổ thông). Đây là mức cao nhất được ghi nhận trong 5 năm trở lại đây. Trong đó, chi phí để theo học bậc cử nhân tại Anh dao động ở mức 10.000-26.000 bảng/năm (308-800 triệu đồng). Với ngành y, học phí có thể lên tới gần 68.000 bảng (2 tỉ đồng).

    Theo Thanh Niên

  • Việc cho phép sinh viên quốc tế và người phụ thuộc ở lại làm việc trong 2 năm sau khi tốt nghiệp khiến thị trường lao động Anh hấp dẫn hơn nhiều' nhưng không thu hút sinh viên tài năng.

    thit hu
    (Ảnh minh họa. Đặng Phương Chi/Vietnam+)

    Hệ thống thị thực việc làm của Anh dành cho sinh viên quốc tế sau khi tốt nghiệp có khả năng thúc đẩy nhập cư với mức lương thấp thay vì thu hút các tài năng toàn cầu vào các công việc trình độ cao.

    Theo phóng viên TTXVN tại London, nhận định trên được đưa ra trong báo cáo được Ủy ban tư vấn nhập cư (MAC), cơ quan tư vấn độc lập của chính phủ Anh, công bố ngày 12/12.

    Báo cáo nêu rõ việc áp dụng cơ chế thị thực cho phép sinh viên quốc tế và người phụ thuộc ở lại Anh làm việc trong 2 năm sau khi tốt nghiệp khiến Vương quốc Anh trở thành "điểm đến hấp dẫn hơn nhiều” đối với những người muốn tham gia vào thị trường lao động của nước này.

    Mặc dù vậy, theo MAC, cơ chế này không đảm bảo thu hút các sinh viên tài năng làm các công việc trình độ cao tại Anh sau khi tốt nghiệp.

    MAC cho biết, ngay cả trước khi cơ chế thị thực này được áp dụng vào năm 2021, sinh viên quốc tế tốt nghiệp thạc sỹ tại Anh đã làm việc với mức lương thấp trong năm đầu sau khi tốt nghiệp, và thu nhập tăng chút ít sau 5 năm. Kể từ đó, số lượng sinh viên quốc tế đến Anh tăng cao do các trường đại học chi phí thấp đề ra yêu cầu tuyển sinh ít khắt khe hơn.

    MAC cho rằng một bộ phận những sinh viên quốc tế tốt nghiệp và ở lại Anh theo cơ chế thị thực này sẽ nằm trong nhóm người lao động có mức lương thấp.

    Báo cáo của MAC khiến các trường đại học lo ngại có thể sớm phải đối mặt với việc thu hẹp hơn nữa thị thực cho sinh viên quốc tế, trong bối cảnh Thủ tướng Rishi Sunak đang nỗ lực giảm số lượng người nhập cư ròng cao kỷ lục.

    Số sinh viên tăng là một nguyên nhân khiến số lượng người nước ngoài đến Anh tăng, với hơn 620.000 thị thực sinh viên được cấp trong năm 2022. Tỷ lệ sinh viên đến cùng gia đình và ở lại Anh lâu hơn cũng đang tăng.

    Tuần trước, Bộ trưởng Nội vụ James Cleverly cho biết đã yêu cầu MAC xem xét cơ chế cấp thị thực cho sinh viên tốt nghiệp như một phần trong kế hoạch giảm nhập cư của chính phủ.

    Ông Cleverly khẳng định mục đích nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục đại học của Anh, đồng thời phục vụ lợi ích tốt nhất của đất nước để thu hút nhân tài toàn cầu vào những công việc trình độ cao.

    Các trường đại học tại Anh ngày càng phụ thuộc vào sinh viên quốc tế, vốn đóng học phí cao hơn so với sinh viên trong nước, để có ngân sách cho việc giảng dạy và nghiên cứu.

    Với học phí thu từ sinh viên quốc tế hiện chiếm gần 20% thu nhập, các trường đại học lo ngại những hạn chế mới đối với sinh viên thạc sĩ trong việc đưa gia đình đến Anh sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tuyển sinh quốc tế.

    Giám đốc điều hành tổ chức Universities UK, Vivienne Stern, cho rằng cơ chế thị thực việc làm sau tốt nghiệp dành cho sinh viên là một phần thiết yếu trong chính sách thu hút nhân lực của Anh, do đó cần bác bỏ mọi đề xuất yêu cầu hủy bỏ cơ chế này.

    Theo TTXVN

  • Từ học sinh trường làng đến á khoa đầu vào khoa tiếng Anh, thủ khoa đầu ra xuất sắc của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nữ sinh Hoàng Thị Cẩm Tú (SN 2000, quê ở Hà Tĩnh) được giữ lại làm giảng viên của trường. Trước đó, Cẩm Tú đã nhận được học bổng du học thạc sĩ của trường đại học top đầu nước Anh ngay từ năm 4 đại học.

    du hoc huddershire 1

    Nhìn về những kết quả đạt được thời gian qua, Hoàng Thị Cẩm Tú nói rằng, mọi bí quyết đều bắt nguồn từ sự cố gắng để tự tạo cơ hội cho mình.

    "Nói vậy là bởi, mình sinh ra trong gia đình làm nông, bố mẹ nuôi 4 anh em ăn học. Dù khó khăn, bố mẹ rất tiết kiệm nhưng chưa bao giờ tiếc tiền đầu tư giáo dục cho các con. Bố mẹ không nói nhiều mà làm nhiều, là tấm gương về sự kiên nhẫn, chăm chỉ để mình viết nên hành trang tươi sáng hơn", Tú chia sẻ.

    Vì thế, mặc dù suốt 12 năm học "trường làng", địa phương ít có trung tâm ngoại ngữ, gia đình không có điều kiện cho theo học với giáo viên bản ngữ nhưng Tú vẫn giành nhiều giải thưởng lớn về tiếng Anh. Để tự tạo cơ hội cho mình, Tú đã cải thiện kỹ năng nghe nói qua việc nghe nhạc tiếng Anh và lặp lại. "Ngày ấy, những từ cơ bản như “book”, “puzzle” mà mình phát âm mấy chục lần cũng không chính xác. Nhưng mình cố gắng chỉnh từng âm một, dần dần cũng đúng", Tú kể.

    du hoc huddershire 1
    Hoàng Thị Cẩm Tú là thủ khoa đầu ra xuất sắc của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2022.

    Lên đại học, với danh hiệu Á khoa đầu vào khoa tiếng Anh, Tú càng giống một cô gái "mọt sách". Năm nhất, Tú học cả ngày, nghiên cứu trước giáo trình mỗi khi lên lớp, học thuộc cả quyển sách dày mấy trăm trang.

    Nhưng rồi, Tú nhận ra bản thân đã học chăm, nhưng chưa học đúng. Từ việc ghi nhớ suông, Tú đã chuyển thành tìm hiểu logic của vấn đề, tự đặt ra và trả lời các câu hỏi “vì sao”, gắn kiến thức học thuật tưởng như khô khan vào các tình huống của chính mình.

    "Mình còn nhớ nhờ môn Ngữ âm – Âm vị học của tiếng Anh mà mình đã chữa ngọng “ch”/”tr” cho em trai mình. Nhờ đó, cùng một đơn vị kiến thức mà thời gian học của mình đã giảm đáng kể, không cần học nhồi nhét mỗi khi tới kỳ thi mà kết quả tốt hơn rất nhiều. Hầu hết kỳ học sau, mình gần như đạt điểm tuyệt đối, giành nhiều học bổng xuất sắc, và còn có thêm nhiều thời gian cho các hoạt động khác", Tú chia sẻ.

    du hoc huddershire 1
    Hoàng Thị Cẩm Tú luôn nỗ lực để tự tạo cơ hội cho chính mình.

    Thời sinh viên, Tú làm nhiều nhiệm vụ một lúc như dạy thêm gia sư, làm trợ giảng, biên tập nội dung, đánh máy, chấm bài kiểm tra… để tích lũy kinh nghiệm và kiếm thêm thu nhập. Để cân bằng các nhiệm vụ, Tú thường lên kế hoạch trước cho một tuần làm việc. Trong ngày, cô bạn dành thời gian mình tập trung nhất cho các đầu việc "khó nhằn" như soạn bài, tự nghiên cứu. Ngoài ra, Tú cũng tham gia nhiều hoạt động xã hội như chiến dịch Mùa hè xanh, hiến máu nhân đạo... để tăng số điểm rèn luyện.

    Nhờ điểm GPA xuất sắc, thành tích từ nghiên cứu khoa học, các hoạt động xã hội, Tú đã nhận được học bổng du học thạc sĩ của Đại học Huddersfield (Anh) ngay từ năm 4 đại học.

    du hoc huddershire 1
    Cẩm Tú năng động, nhiệt huyết tham gia các hoạt động xã hội.

    Sau khi tốt nghiệp thủ khoa, Tú được biết đến nhiều hơn và may mắn nhận vài lời mời hợp tác và làm việc từ các trường đại học, trường THPT, các trung tâm ngoại ngữ lớn với mức lương cao. Trước những cơ hội đó, Tú quyết định trở về và gắn bó với mái nhà Sư phạm, nơi chắp cánh cho cô thực hiện ước mơ.

    "Dù là một giảng viên trẻ nhưng mình nhận được sự tôn trọng tuyệt đối từ các em sinh viên, kể cả các em sinh viên chỉ thua mình vài tuổi.

    Đối với những sinh viên khả năng tiếng Anh còn yếu, mình nghĩ việc quan trọng nhất là tạo ra một lớp học thân thiện, thoải mái, kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy như trò chơi, video, và các hoạt động tương tác để tạo hứng thú cho các em. Mình chú trọng việc đưa những phần kiến thức học thuật vào những chủ đề mà các em quan tâm, vào các tình huống thực tiễn để giúp việc ghi nhớ dễ dàng và áp dụng hiệu quả", Tú nói.

    Tháng 1/2024, Tú sẽ bắt đầu hành trình du học Thạc sĩ ở Anh để tiếp tục hành trình nghiên cứu, tích lũy kiến thức. Tú cho rằng, ở mỗi giai đoạn, thành tích chỉ mang tính khoảnh khắc. Vì thế, cô luôn trân trọng những cơ hội mới để nâng cấp bản thân và xứng đáng với tên gọi "giảng viên trẻ".

    du hoc huddershire 1

    Những thành tích nổi bật của Hoàng Thị Cẩm Tú:

    - Huy chương Đồng cuộc thi tiếng Anh trên Internet lớp 11;

    - Giải Nhì thi học sinh giỏi tiếng Anh tỉnh Hà Tĩnh;

    - Á khoa đầu vào khoa tiếng Anh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2018;

    - Giải Nhất nghiên cứu khoa học cấp khoa và giải Nhì cấp trường;

    - Thủ khoa đầu ra xuất sắc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2022;

    - Nhận học bổng du học Thạc sĩ tại Anh khi còn là sinh viên năm 4;

    - Trở thành giảng viên khoa tiếng Anh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngay sau khi tốt nghiệp.

    Theo Tiền Phong

  • Diệu Linh đạt nhiều thành tích học tập xuất sắc trong suốt quá trình du học ở nước Anh.

    thac si anh xuat sac 1

    Nhắc đến các bạn du học sinh, chúng ta thường nghĩ đến những “học bá” với list thành tích học tập khủng, đi kèm nhiều hoạt động ngoại khóa ấn tượng. Đó cũng là cảm nhận của nhiều người khi biết về Diệu Linh (SN 1998), du học sinh đang học tập tại Anh. Cô nàng đã tốt nghiệp cả chương trình đại học và thạc sĩ loại xuất sắc, đồng thời sở hữu 8.0 IELTS.

    Chia sẻ về lý do chọn Anh để đi du học, Diệu Linh tâm sự: “Thứ nhất, chương trình học ở Anh ngắn hơn so với Mỹ và Canada khi học đại học mất 3 năm và học thạc sĩ là 1 năm. Từ đó mình tiết kiệm được chi phí học tập và sinh hoạt. Thứ hai, mình rất thích du lịch và ở Anh thì việc du lịch châu Âu khá dễ dàng.

    Cuối cùng, một bạn là người Anh sống tại Việt Nam đã nhắc đi nhắc lại với mình rằng: ‘The French have good food, the British have good table manners’ (tạm dịch: Người Pháp có thức ăn ngon, còn người Anh lại có phép tắc ăn uống tuyệt vời). Mình cảm thấy nước Anh rất giàu văn hoá, lịch sử và truyền thống. Mình muốn đặt chân đến Anh để kiểm chứng lời bạn nói, cũng như suy nghĩ của mình có đúng không”.

    thac si anh xuat sac 1
    Diệu Linh tốt nghiệp cả chương trình đại học và Thạc sĩ loại Xuất sắc

    DIỆU LINH (SN 1998)

    • 8.0 IELTS.
    • Giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi môn Ngữ văn tỉnh Yên Bái.
    • Huy chương Đồng kỳ thi học sinh giỏi khu vực Duyên hải và Đồng bằng Bắc bộ.
    • Top 5 học sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT cao nhất tỉnh Yên Bái.
    • Giải thưởng Hoa Trạng Nguyên dành cho học sinh xuất sắc.
    • Tốt nghiệp loại Giỏi chương trình Tiên tiến chuyên ngành Quản trị Kinh doanh quốc tế (ĐH Ngoại thương Hà Nội).
    • Học bổng trị giá 50% của University of Northampton (ĐH Northampton).
    • Tốt nghiệp Xuất sắc (GPA 4.0) ngành Marketing Management (Quản trị Marketing) ở University of Northampton (ĐH Northampton).
    • Tốt nghiệp Thạc sĩ loại Xuất sắc (GPA 4.0) ngành Strategic Marketing ở University of Sussex (ĐH Sussex) với điểm khóa luận cao nhất toàn khoá.

    Bí quyết gây ấn tượng với hội đồng tuyển sinh

    Khác với các bạn đi du học sau khi tốt nghiệp cấp 3, cơ hội xuất ngoại đến với Linh sau khi cô nàng học hết năm thứ 3 tại ĐH Ngoại thương Hà Nội. Bấy giờ, Linh du học theo chương trình chuyển tiếp, cho phép lấy 2 bằng đại học trong 4 năm. Thời điểm đó, cô nàng nhận được học bổng 50% của University of Northampton (ĐH Northampton) để theo học ngành Marketing Management (Quản trị Marketing). Đây cũng là mức học bổng cao nhất của trường dành cho học sinh quốc tế ở thời điểm đó.

    Sau khi tốt nghiệp đại học, Linh dự định sẽ học lên Thạc sĩ luôn. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên cô nàng quay về Việt Nam làm việc trong 2 năm tại các agency và tập đoàn lớn. Năm 2022, Linh mới quay lại học Thạc sĩ ngành Strategic Marketing (Chiến lược Marketing).

    Thời điểm đó, 9x nhận được mức học bổng cao nhất của trường dành cho học sinh quốc tế, kết hợp cùng học bổng Chancellor’s Masters nên được nhận mức hỗ trợ khoảng 8.000 GBP (khoảng hơn 240 triệu đồng).

    thac si anh xuat sac 1
    Linh quyết định chọn du học Anh vì thời gian học ngắn, từ đó giúp tiết kiệm chi phí sinh hoạt và học tập

    Theo Diệu Linh, điều khiến nữ sinh gây ấn tượng với hội đồng tuyển sinh có lẽ là sự tự tin, cá tính riêng và niềm yêu thích dành cho trường. Cô nàng quan niệm “muốn giao tiếp hiệu quả thì phải tìm được điểm chung”.

    Cụ thể, Diệu Linh nhấn mạnh điểm chung lớn nhất của mình và hội đồng tuyển sinh là sự quan tâm dành cho trường. Cô nàng chứng tỏ đã nghiên cứu về trường từ rất nhiều nguồn khác nhau. Thậm chí, Linh còn tìm hiểu giáo viên sẽ dạy, đồng thời đọc những nghiên cứu của thầy cô. Bên cạnh đó, Linh cũng hiểu được mong muốn tuyển sinh thêm sinh viên quốc tế của trường, cũng như xây dựng hình ảnh đẹp hơn trong mắt sinh viên Việt Nam.

    “Mình quyết định dành vài ngày chỉ để nghĩ xem bản thân có gì khác biệt. Khi được hỏi tại sao chọn trường, mình kể có một người bạn học ở đây và từng nói rằng ‘The best experience of his life that he always longs for going back’ (tạm dịch: Kỷ niệm tuyệt vời nhất trong cuộc đời mà bạn ấy sẽ luôn nhớ về mỗi khi nhìn lại). Mình cũng nói thêm chỉ apply duy nhất trường này vì tự tin vào bản thân và tin tưởng trường sẽ nhận ra tiềm năng trong mình.

    Sau đó, mình còn được hỏi về việc nếu được học bổng thì sẽ làm gì cho trường. Mình chỉ ra thực tế thông qua tìm hiểu, trường chỉ có một số lượng du học sinh Việt Nam nhất định. Đó là con số khiêm tốn so với những nơi khác, trong khi trường đang đầu tư nhiều cho việc tuyển sinh viên Việt Nam. Bên cạnh đó, mình cũng chỉ rõ các kênh mạng xã hội của trường đang thiếu hấp dẫn với các bạn sinh viên Việt Nam thế nào”.

    thac si anh xuat sac 1
    Linh tìm hiểu về trường rất kĩ trước khi quyết định apply

    Tốt nghiệp đại học và thạc sĩ loại Xuất sắc, đạt 8.0 IELTS

    Xuyên suốt quá trình học, Diệu Linh luôn cố gắng đạt thành tích cao trong học tập. Thành tích đáng tự hào nhất của Linh là luôn đạt điểm A cho tất cả môn. Nhờ thế, nữ sinh tốt nghiệp cả chương trình Đại học và Thạc sĩ loại Xuất sắc, đặc biệt còn đạt điểm cao nhất toàn khoá cho khoá luận tốt nghiệp Thạc sĩ.

    Diệu Linh chia sẻ 3 tip để đạt điểm cao trong suốt quá trình học:

    Thứ nhất, bắt đầu học tập nghiêm túc từ những ngày đầu tiên thay vì đợi đến lúc gần thi mới chăm chỉ. Ở Anh, giáo viên sẽ nói bao quát về môn học, nội dung học theo từng tuần, deadline, tiêu chí chấm bài. Nếu bạn lên kế hoạch học tập ngay từ khi đó thì sẽ kiểm soát được thời gian và cân đối được khối lượng công việc.

    Thứ hai, tận dụng tất cả những tài nguyên như thư viện, tài liệu online (sách, research…) và những người trợ giúp (giáo viên, cố vấn…).

    Cuối cùng, khi viết bài, hãy nhớ kỹ luôn bám sát vào assignment brief, đừng mắc lỗi chính tả, nghiêm cấm đạo văn và trích dẫn nguồn thật cẩn thận.

    “Mình đã nhiều lần được giáo viên khen về khả năng viết luận học thuật. Một giảng viên trong khóa học Thạc sĩ đã gửi email riêng, khen rằng bài luận của mình là bài viết hay nhất mà thầy từng đọc trong suốt thời gian giảng dạy tại trường. Cho đến bây giờ, đấy vẫn là lời khen khiến mình tự hào nhất”, cô nàng hạnh phúc khi nhớ lại.

    thac si anh xuat sac 1
    Diệu Linh luôn cố gắng đạt thành tích cao trong học tập

    Bên cạnh đó, Diệu Linh cũng đã sở hữu 8.0 IELTS, trong đó 2 kỹ năng Listening và Reading đều đạt điểm tuyệt đối (9.0).

    Bí quyết học ngoại ngữ của Linh là cố gắng yêu và cảm thấy quen thuộc với ngôn ngữ đó. Cô nàng yêu thích văn hoá Anh nên có thể dành hàng giờ đọc Harry Potter hay xem phim do diễn viên người Anh đóng.

    “Mình bật nhạc tiếng Anh như nhạc nền khi đang làm việc khác. Mình tập quen với việc xem phim có phụ đề. Mình chuyển dần sang đọc tiếng Anh, bắt đầu từ những quyển đơn giản như truyện cho trẻ em, truyện cổ tích đến tiểu thuyết, SGK. Dần dần, mình quen với việc sử dụng tiếng Anh và việc học rất tự nhiên”, Linh cho hay.

    Áp lực tài chính khi du học Anh

    Với Linh, quãng thời gian du học rất đáng nhớ vì nó đã giúp nữ sinh trưởng thành và tự lập hơn. Nhớ lại những ngày đầu mới đến Anh, Linh không quen nổi sự cô đơn. Có lần cô nàng đi tàu một mình, bị lạc đến một thị trấn xa lạ, trời vừa lạnh vừa mưa. Nỗi tủi thân bất chợt ập đến khiến Linh chỉ biết ngồi một góc khóc.

    “Sau khi khóc chán thì mình lại đứng dậy đi tiếp. Mình tập thích nghi dần với hoàn cảnh bằng cách làm quen với những người bạn mới, đi làm thêm, du lịch và không ngừng học tập. Đến một lúc cuộc sống của mình đủ bận rộn, mình không có thời gian nghĩ xem có khó khăn hay không”, Linh nhớ lại.

    thac si anh xuat sac 1
    Trong thời gian đầu du học, Linh gặp áp lực tài chính vì chưa kiếm được công việc làm thêm

    Mặc dù nhận được học bổng, song chi phí sinh hoạt ở Anh vẫn quá cao so với tưởng tượng của Linh, đặc biệt trong tình hình lạm phát như hiện nay. Những ngày mới du học còn khó khăn hơn bởi khi đó cô nàng chưa tìm được công việc làm thêm.

    Linh tâm sự về áp lực tài chính: “Mình tiêu sạch tiền tiết kiệm ở Việt Nam và còn phải nhờ bố mẹ giúp rất nhiều. Mình vẫn nhớ những ngày cuối tháng, vào siêu thị đắn đo mãi không biết mua gì vì cái nào cũng đắt. Những lần bạn rủ đi chơi, mình từ chối vì bận nhưng lý do chính là hết tiền”.

    Trong quãng thời gian du học, Linh có cơ hội làm quen với sinh viên quốc tế đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Trong số đó, có rất nhiều bạn bè xung quanh thuộc gia đình có điều kiện tài chính dư dả.

    “Khi bắt đầu thân với một người bạn từ Trung Đông, bạn đó cho mình xem ảnh nhà của bạn. Mình tỏ ra bình thường nhưng đấy là cái nhà to nhất mình từng thấy. Bạn thân khác người Thổ Nhĩ Kỳ, cả năm học thạc sĩ không nấu ăn bữa nào, chỉ ăn ngoài với order về. Bạn hâm mộ vì mình biết nấu ăn, còn mình hâm mộ bạn vì bạn giàu”, cô nàng hài hước kể lại về những người bạn của mình.

    thac si anh xuat sac 1
    Cuộc sống du học giúp Linh trưởng thành và tự lập hơn

    Mặc dù vậy, Linh chưa bao giờ thấy mất tự tin khi quen những bạn có nền tảng tài chính vững mạnh đó. “Mình thực sự không quan trọng điều kiện tài chính hay gia cảnh khi kết bạn. Thay vì so sánh hay ghen tị với người khác, mình thích nhìn lại những điều tuyệt vời mà mình đang có hơn”, cô nàng nói.

    Nói về dự định tương lai, Linh đang trong quá trình nộp hồ sơ để gia hạn visa cho phép ở lại Anh làm việc trong 2 năm tới. Cô nàng hi vọng sẽ tìm được công việc về Digital Marketing trong ngành giáo dục ở quốc gia này.

    Theo Kênh 14

  • Tìm hiểu những lợi ích, hạn chế và cân nhắc khi học bằng thạc sĩ ở Mỹ hoặc Anh để xác định nơi nào phù hợp nhất với mục tiêu và nguyện vọng của bạn.

    Tiếp tục con đường học vấn của bạn bằng cách theo đuổi bằng thạc sĩ là một cơ hội tuyệt vời để củng cố thông tin đăng nhập của bạn, mở rộng quan điểm của bạn và tạo sự khác biệt cho bạn so với các đồng nghiệp trong thị trường việc làm.

    Thử thách bản thân để theo đuổi bằng cấp ở nước ngoài sẽ bổ sung thêm những thách thức và lợi ích khi bạn học cách thích nghi với một môi trường xa lạ và hòa mình vào một nền văn hóa mới.

    du hoc anh va my

    Ưu và nhược điểm khi theo đuổi bằng thạc sĩ tại Anh

    Ưu điểm:

    Tiếp xúc với môi trường làm việc quốc tế: Các chương trình thạc sĩ tại Anh thu hút rất nhiều sinh viên quốc tế đến từ khắp nơi trên thế giới.

    Thời lượng chương trình ngắn hơn: Các chương trình thạc sĩ ở Anh thường kéo dài 1 năm so với hơn 2 năm ở Mỹ.

    Độ chuyên sâu của chương trình: Các chương trình thạc sĩ ở Anh có xu hướng chuyên môn hóa cao.

    Nhược điểm

    Học phí quốc tế đắt đỏ: Chi phí học phí cho các chương trình Thạc sĩ tại Anh có thể cao, đặc biệt đối với sinh viên quốc tế.

    Cơ hội tài trợ hạn chế: Có thể có những lựa chọn tài trợ hạn chế cho sinh viên quốc tế tại Anh.

    Trọng tâm hẹp: Sinh viên thường không tham gia các khóa học ngoài chuyên môn cấp bằng cụ thể của họ.

    Ưu và nhược điểm khi theo học thạc sĩ tại Mỹ

    Ưu điểm

    Nhiều lựa chọn chương trình: Mỹ có rất nhiều chương trình Thạc sĩ ở nhiều lĩnh vực chủ đề khác nhau.

    Cơ hội nghiên cứu nổi tiếng thế giới: Các trường đại học Mỹ sở hữu một số cơ sở nghiên cứu hàng đầu trên thế giới.

    Thêm tài trợ: Từ các khoản vay sinh viên liên bang đến học bổng và trợ cấp tư nhân, Mỹ có thể có nhiều lựa chọn tài trợ hơn mà bạn đủ điều kiện nhận.

    Nhược điểm

    Thời lượng chương trình dài hơn: Các chương trình thạc sĩ ở Mỹ thường kéo dài từ 2 năm trở lên.

    Chi phí tổng thể: Thời lượng chương trình dài hơn làm tăng tổng chi phí học phí và chi phí cơ hội.

    Sự quen thuộc: Mặc dù điều này có thể tốt và xấu, nhưng việc tiếp tục học trong hệ thống mà bạn đã quen sẽ mang lại ít cơ hội phát triển hơn so với những thách thức khi thích nghi với hệ thống khác.

    Những yếu tố khác cần xem xét

    Ngoài các hệ thống giáo dục, còn có những cân nhắc quan trọng bổ sung khi quyết định giữa việc theo đuổi bằng thạc sĩ ở Mỹ hay Anh như:

    - Yêu cầu về thị thực: Là một sinh viên quốc tế, bạn sẽ cần xin thị thực để học tập tại một trong hai quốc gia. Quy trình đăng ký, yêu cầu và chi phí khác nhau tùy thuộc vào quốc gia, vì vậy hãy đảm bảo bạn nghiên cứu và lên kế hoạch phù hợp.

    - Ngân hàng quốc tế: Nếu bạn chuyển đến từ một quốc gia khác để học tập, bạn sẽ cần có tài khoản ngân hàng địa phương. Tìm kiếm các ngân hàng cung cấp tài khoản sinh viên, chẳng hạn như HSBC.

    - Nhà ở: Tìm nhà ở giá cả phải chăng có thể là một thách thức, đặc biệt là ở các thành phố sinh viên nổi tiếng như London. Xem xét các lựa chọn như nhà ở đại học, căn hộ chung cư hoặc nhà trọ.

    - Chăm sóc sức khỏe: Ở Mỹ, chi phí chăm sóc sức khỏe có thể cao và sinh viên quốc tế có thể không đủ điều kiện nhận bảo hiểm thông qua trường đại học của họ. Còn tại Anh, sinh viên quốc tế thường đủ điều kiện được chăm sóc sức khỏe miễn phí hoặc chi phí thấp thông qua Dịch vụ Y tế Quốc gia.

    - Khả năng chuyển đổi bằng cấp: Nếu bạn dự định trở về nước hoặc làm việc quốc tế sau khi hoàn thành chương trình học của mình, điều quan trọng là phải nghiên cứu xem bằng cấp của bạn có được công nhận ở nước sở tại hay không.

    - Kỳ vọng: Văn hóa học thuật và nghề nghiệp ở Mỹ và Anh có thể khác nhau, ảnh hưởng đến trải nghiệm sinh viên và triển vọng việc làm trong tương lai của bạn. Hãy chuẩn bị để thích nghi với môi trường làm việc xa lạ và xem xét quốc gia nào có cơ hội tốt nhất cho các mục tiêu nghề nghiệp cụ thể của bạn.

    Theo giaoducthoidai

  • Những khoản vay sinh hoạt gần như hết sạch sau khi trả tiền thuê nhà. 

    nha o sinh vien dat do 1
    Natalia Gromek, sinh viên Đại học Bristol, cho biết những sinh viên xuất thân từ tầng lớp lao động như cô đang bị khánh kiệt khi theo đuổi việc học ở các thành phố lớn. Ảnh: Handout

    Sinh viên đại học tại England chỉ còn lại 50p để sống mỗi tuần sau khi dùng khoản vay sinh viên để trả tiền thuê phòng. Giá thuê nhà đã tăng gần 15% trong 2 năm qua. 

    Bên cạnh khoản vay đóng học phí thì sinh viên còn được vay tiền để sinh hoạt phí. Nhưng khoản vay này chỉ vừa đủ để trả tiền thuê mà không dư ra đồng nào. Đây là kết quả khảo sát của Quỹ từ thiện nhà ở sinh viên Unipol và Viện chính sách Giáo dục cao học (Hepi).

    Giá thuê nhà ở sinh viên trung bình hàng năm ở England là khoảng £7,566, trong khi khoản vay sinh hoạt phí năm nay là £7,590. Như vậy sinh viên chỉ còn lại £24/năm để trang trải chi phí sống, tương đương 50p/tuần.

    Chỉ những học sinh nghèo nhất mới đủ điều kiện được cấp khoản vay maximum, nhưng lúc đó chi phí thuê nhà cũng lên tới 76% khoản vay. Trong khi theo nguyên tắc thì tiền thuê chỉ nên chiếm không quá 30% thu nhập. Trong nhiều trường hợp, bố mẹ cũng không có tiền hỗ trợ con cái.

    Báo cáo vừa được công bố vào hôm nay, 26/10/2023, khảo sát thị trường cho thuê nhà ở sinh viên tại 10 thành phố đại học lớn bên ngoài London và Edinburgh. Báo cáo nhận thấy sinh viên ở Bristol phải trả tiền thuê nhà cao nhất, lên tới £9,200/năm. 

    Exeter xếp thứ 2 với £8,559. Glasgow chứng kiến giá thuê nhà tăng mạnh nhất lên tới 20% trong 2 năm qua, hiện sinh viên phải trả tiền thuê tới £7,548/năm. Giá thuê cao nhất ở những thành phố thiếu nguồn cung nhà ở sinh viên. 

    Nottingham cũng chứng kiến giá thuê nhà tăng 15% lên £8,427, Leeds tăng gần 15% lên £7,627, Bournemouth tăng 11% lên £7,396. Liverpool, Cardiff và Sheffield là những thành phố có mức giá thuê dễ thở nhất. 

    Những sinh viên gặp khó khăn tài chính buộc phải lựa chọn những con đường kiếm tiền rủi ro, thậm chí là bất hợp pháp. Chẳng hạn lén cho thêm người đến ở trong căn nhà thuê của mình, làm thêm giờ, thậm chí bỏ luôn đại học. 

    Bên cạnh những sinh viên xuất thân nghèo khó, ngay cả sinh viên có gia cảnh trung lưu cũng phải đi vay nợ nần, khiến trải nghiêm học tập của các em thành bi kịch. 

    Natalia Gromek, 22 tuổi, theo học môn tâm lý tại Đại học Bristol, và vừa hoàn thành tấm bằng cao học. Cô cho biết: "Dù được cấp khoản vay tối đa, nhưng tôi không có bố mẹ giúp đỡ về mặt tài chính, tôi cảm thấy cuộc sống quá đắt đỏ".

    Cô phải làm thêm để kiếm tiền, và phải làm cả ngày. Điều này ảnh hưởng tới khả năng học tập của cô và Natalie luôn rơi vào tình trạng căng thẳng. 

    Nick Hillman, giám đốc Hepi, cho biết: “Chúng ta phải tăng khoản vay sinh viên ít nhất bằng với lạm phát. Về dài hạn, chúng ta cần tăng nguồn cung nhà ở sinh viên, bằng cách giảm lãi suất cho vay đối với các dự án nhà ở sinh viên". Chính phủ từng tăng 2.8% khoản vay sinh viên nhưng như vậy là chưa đủ.

    Viethome (theo Guardian)

  • Trong video đăng tải trên kênh TikTok cá nhân, cô nàng đã chia sẻ những điều mình trải qua trong những ngày đầu du học tại London.

    Khi mới đến một đất nước xa xôi, điều mà ai cũng khó có thể tránh được chính là "sốc văn hóa" với vô vàn những điều mới lạ, thậm chí ngược hẳn ở Việt Nam. Người nhạy bén thì dễ dàng vượt qua nhưng cũng không ít người phải mất một thời gian khá dài mới thích nghi được.

    Đơn cử như cô nàng An Bảo Ngọc (quê ở Hà Nội), hiện đang sống và học tập tại London (Vương quốc Anh).

    Khi mới đặt chân tới London, cô nàng đã rất hứng khởi với nhiều háo hức về một cuộc sống mới ở thành phố xa hoa bậc nhất thế giới. Thậm chí cô nàng còn quay hẳn một video thể hiện nét mặt tươi vui, rạng rỡ, hứng khởi trong ngày đầu ở London. Nhưng ngay sau đó, cũng không ngoại lệ, Ngọc đã nhanh chóng bị "cú sốc văn hóa" khiến cô nàng giật mình.

    du hoc anh ben trai 2
    Trong video đăng tải trên kênh TikTok @bnainlondon, Ngọc đã chia sẻ những điều cô nàng trải qua trong những ngày đầu du học tại London.

    Trích lại đoạn video quay cảnh hào hứng lúc mới sang London, Ngọc nói vui: "Đáng lẽ, ở thời điểm quay clip này mình nên nói với bản thân một câu là 'Em gái à, hãy vui và hào hứng đi khi còn có thể'".

    Sau đó, cô nàng kể một vài "cú sốc" mình gặp: "Đầu tiên là thói quen đi bên trái đường. Mặc dù mình đã nghe qua từ trước rồi, nhưng việc đi taxi công nghệ sẽ làm cho mình trở nên ngớ ngẩn. Bởi vì mình cứ hay lao thẳng lên ghế bên phải và mở cửa ra thì thấy bác tài xế. Phải mất đến 2 tháng mình mới quen được.Thật ra thì cũng không có ảnh hưởng nhiều lắm đâu, vì muốn lái xe ở bên này thì chắc cũng phải mất 3 - 4 năm sống ở đây".

    du hoc anh ben trai 2
    Thói quen đi bên trái đường của người Anh khiến Ngọc bối rối.

    Điều nữa mà cô nàng Ngọc cảm thấy bị sốc khi ở London là chuyện giờ giấc sáng tối. Cô nàng cho mọi người thấy đồng hồ điện thoại đang báo 21h19 phút nhưng trời vẫn sáng choang, mặt trời vẫn ở trên cao tít.

    Cô nàng nói: "Mọi người có tin được đây là lúc 9h tối ở London không? Ừ, tin thế nào được chứ! Mùa hè thì phải 22h mới tối hẳn, còn mùa đông thì 4h chiều đã không thấy mặt trời nữa rồi. Điều này làm cho tất cả sinh hoạt buổi tối của mình đảo lộn kinh khủng vì mình chẳng biết giờ giấc ra sao mà ăn uống tắm giặt cả. Đang ngồi thấy trời rất sáng tưởng còn sớm, mở đồng hồ ra xem thì đã 21h rồi".

    du hoc anh ben trai 2

    Trong một video khác, Ngọc chia sẻ về chủ đề "Tư duy của mình đã thay đổi như thế nào khi sống ở Anh quốc?".

    Cô nàng chia sẻ: "Đầu tiên là câu chuyện đi lại, trước giờ mình bị say xe nên ở Việt Nam mình rất ngại đi xa, đặc biệt là di chuyển bằng phương tiện công cộng. Thế nhưng, khi sống ở đây thì mình mới nhận ra nếu không di chuyển bằng phương tiện công cộng thì mình chẳng đi được bằng cái gì cả.

    Đi bộ? Thời gian và công sức ở đâu? Mình buộc phải chấp nhận sự thật rằng London rất to, rất rộng, di chuyển 1-2 tiếng bằng tàu là điều hết sức bình thường. Hơn nữa, đi một thời gian sẽ quen. Đi tàu vừa nhanh, vừa tiện, vừa rèn cho mình tính đúng giờ. Thỉnh thoảng mệt ngồi ngắm cảnh chill cũng vui.

    Thứ hai, đó là thói quen đổi tiền Việt ra tiền bảng Anh để tính toán chi tiêu. Thực sự, phải đến khi đi làm thêm rồi, có tiền rồi, có thu nhập rồi mình mới nhận ra rằng không nên đổi tiền như thế. Nói thu nhập của người Anh cao thì cũng không phải. Hiểu một cách đơn giản là mức thu nhập sẽ nhiều hơn hoặc đủ so với chi tiêu".

    Theo Afamily

  • Kết quả khảo sát mới công bố cho thấy chi phí sinh hoạt cao, khó tìm chỗ là hai trong số những nguyên nhân chính khiến sinh viên quốc tế không chọn du học Anh.

    Đó là kết quả khảo sát ý kiến của du học sinh mới được công bố ngày 11.9 của tổ chức Erasmus Student Network UK (Mạng lưới sinh viên Erasmus ở Anh, gọi tắt ESN UK).

    Cuộc khảo sát được tiến hành với 1.003 người. Trong đó, khoảng 46% du học ở Anh, 34% ở nơi khác và 20% còn lại chưa từng du học.

    Đa số người học ở Anh đánh giá tình trạng khó tìm chỗ ở và giá thuê cao ở mức "cực kỳ có vấn đề", cao gấp đôi so với sinh viên học tập tại các quốc gia khác.

    vi sao khong du hoc anh
    Sinh viên bên ngoài University College London (UCL), Anh. Ảnh: REUTERS

    Khoảng 1/3 sinh viên học tập tại Anh cho rằng họ hoàn toàn không được trường ĐH hỗ trợ tìm chỗ ở. Bên cạnh đó, chi phí sinh hoạt và học phí cao cũng được xem là những rào cản lớn nhất khiến sinh viên quốc tế rời khỏi hoặc không chọn Anh.

    Một kết quả "tích cực" trong cuộc khảo sát là du học sinh đánh giá "nhìn chung rất hài lòng" với những hỗ trợ khác từ trường ĐH và hội sinh viên. Hầu hết sinh viên quốc tế du học ở Anh sẽ giới thiệu bạn bè đến nước này học tập.

    Tuy nhiên, báo cáo của ESN UK lưu ý, Anh thường được xem là nơi chào đón sinh viên quốc tế nhưng "việc học tập tại nước này trở nên quá phức tạp và tốn kém sau Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu từ năm 2020)".

    Khoảng 70,4% số người tham gia khảo sát (đã nhập cảnh Anh bằng thị thực sinh viên) cho rằng việc xin thị thực là "cả một vấn đề".

    Dù vậy, tờ The Economics Times hồi tháng 5 dẫn lại dữ liệu cho thấy số lượng sinh viên quốc tế tại Anh vẫn đạt mức cao kỷ lục là 559.825 người vào năm 2023, tăng 23,7% so với năm trước.

    Theo Thanh Niên

  • Chàng trai sinh năm 1995 đang giảng dạy ở 2 đại học danh tiếng là nhà khoa học Việt vừa nhận giải thưởng của Hiệp hội Hàng không Hoàng gia Anh.

    Nhà khoa học Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng của Hiệp hội Hàng không Hoàng gia Anh; bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chỉ trong 2 năm; giảng dạy tại 2 trường đại học danh tiếng; sở hữu bằng lái máy bay hạng nhẹ… Đó là những điều mà ít người nghĩ chàng trai sinh năm 1995 Nguyễn Huyền Đức đã làm được.

    nguyen huyen duc 1
    Tiến sĩ Nguyễn Huyền Đức đã có bằng lái máy bay hạng nhẹ vào năm 2017.

    Nhận giải thưởng danh giá

    Học hết lớp 11 chuyên vật lý tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam trước khi lên đường sang Anh, tại London, Nguyễn Huyền Đức hoàn thành chương trình trung học A-level sớm 1 năm và đoạt huy chương bạc trong kỳ thi học sinh giỏi vật lý toàn quốc tại Anh năm 2013.

    Năm 2019, anh tốt nghiệp ngành kỹ thuật hàng không tại Đại học Bristol, trước khi theo học bậc tiến sĩ tại đây và hoàn thành năm 2021.

    Cuối tháng 11 vừa qua, Nguyễn Huyền Đức được vinh danh là Gương mặt trẻ có đóng góp đặc biệt trong lĩnh vực hàng không năm 2022 (Young Persons’ Achievement Award) của Hiệp hội Hàng không Hoàng gia Anh (Royal Aeronautical Society- RaeS).

    Đây là giải thưởng của RAeS dành cho các cá nhân hoặc đoàn thể dưới 30 tuổi có thành tựu hoặc triển vọng đặc biệt trong ngành.

    Giải thưởng năm nay, tiến sĩ Nguyễn Huyền Đức là nhà khoa học duy nhất nhận giải thưởng cao nhất của RAeS dành cho những người dưới 30 tuổi. Ngoài ra, có 9 gương mặt trẻ khác được tuyên dương hoặc nhận các hình thức khen thưởng ở mức độ thấp hơn.

    nguyen huyen duc 1
    Nguyễn Huyền Đức nhận giải Gương mặt trẻ có đóng góp đặc biệt trong lĩnh vực hàng không năm 2022.

    Anh cũng là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng của Hiệp hội Hàng không Hoàng gia Anh (Royal Aeronautical Society- RAeS).

    Giải thưởng của RAeS là một trong những giải thưởng lâu đời và uy tín nhất của cộng đồng hàng không toàn cầu nhằm tôn vinh những cá nhân và các nhóm có thành tựu và phát minh xuất sắc trong ngành công nghiệp hàng không thế giới.

    Phát biểu tại Lễ trao giải năm 2022 diễn ra tại London, Chủ tịch RAeS Peter Round cho biết, giải thưởng của Hiệp hội ghi nhận và tôn vinh những đóng góp xuất sắc hàng năm của các giám đốc điều hành cấp cao, cũng như các nhà lãnh đạo tương lai của ngành hàng không trong lĩnh vực kỹ thuật, bay quốc phòng, đào tạo, nghiên cứu và giáo dục.

    “Thành tích của những cá nhân đoạt giải năm nay thể hiện các cam kết và đổi mới không ngừng hướng tới những thành tựu xuất sắc trong lĩnh vực hàng không và vũ trụ toàn cầu”, ông khẳng định.

    Đam mê bầu trời từ nhỏ

    Nếu điểm lại các thành tích của tiến sĩ Nguyễn Huyền Đức, có thể thấy anh luôn đạt được các thành tích học tập trong thời gian rất ngắn: Hoàn thành chương trình trung học A-level sớm 1 năm; tốt nghiệp ngành Kỹ thuật hàng không tại Đại học Bristol vào năm 2019; bảo vệ thành công luận án tiến sĩ kỹ thuật hàng không tại Đại học Bristol trong 2 năm (2019 - 2021) - chỉ bằng một nửa thời gian quy định để hoàn thành luận án tiến sĩ tại Anh.

    Tuy đạt được những thành tích lớn trong thời gian rất ngắn nhưng anh thừa nhận lý do và động lực lớn nhất là vì… ngại học.

    Ngại ở đây không phải là “chán học” mà bởi chàng trai trẻ mong muốn bên cạnh việc học, “bản thân còn được bay nhảy, nhìn ngắm, hưởng thụ cuộc sống”.

    Do đó, anh luôn tìm cách chuẩn bị sớm, sắp xếp khoa học để làm sao hoàn thành khối lượng bài đúng theo yêu cầu.

    “Trước khi sang Anh, tôi đã tìm hiểu nội dung các môn học chương trình trung học A-level bên này và chọn những môn có nhiều điểm tương đồng với chương trình học ở Việt Nam (thường là các môn tự nhiên) để giảm sức ép, nhờ đó có thêm thời gian để tìm hiểu cuộc sống, ngôn ngữ, văn hóa của người Anh.

    Tôi cũng đặt vấn đề học tiến sĩ với các thầy từ năm thứ ba đại học nên có thêm thời gian chuẩn bị và tìm hiểu đề tài trước khi chính thức bắt đầu khóa học tiến sĩ”, anh chia sẻ.

    Có lẽ chính việc hiểu rõ đam mê, biết rõ mong muốn và cả những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân cùng cách sắp xếp công việc hợp lý, thông minh nên anh không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn có thời gian để học và sở hữu bằng lái phi công tư nhân, dù chỉ mới 27 tuổi.

    “Tôi yêu thích máy bay từ bé, từ việc làm máy bay bằng bìa, bằng xốp đến những trò chơi điện tử trên máy tính của bố mẹ. Đó cũng là lý do tôi ham mê môn vật lý.

    Sau này qua các bài học lịch sử, tôi càng ngưỡng mộ tính sáng tạo, táo bạo của các chiến sĩ phòng không không quân Việt Nam.

    Tôi rất thích xem các chương trình phim tài liệu và phóng sự về ngành hàng không của đất nước và thế giới, đặc biệt là bộ phim Vùng trời.

    Sau này, tại Anh, tôi được tiếp cận với các ứng dụng của máy bay không người lái cho các dự án nghiên cứu núi lửa và bảo tồn động vật hoang dã của giáo sư Thomas Richardson. Những điều này càng củng cố đam mê chinh phục bầu trời của tôi”, anh chia sẻ.

    Luôn hướng về nguồn cội

    nguyen huyen duc 1
    Thông báo Giải thưởng Gương mặt trẻ có đóng góp đặc biệt trong lĩnh vực hàng không năm 2022 được trao cho Nguyễn Huyền Đức.

    Đi du học rồi làm việc xa đất nước đã hơn 10 năm nhưng khi chia sẻ với báo giới quốc tế và trong nước tại thời điểm nhận được giải thưởng danh giá, Nguyễn Huyền Đức luôn dành tình cảm đầu tiên và đặc biệt dành cho đất nước, cội nguồn.

    Anh cho hay, quãng thời gian học tập và lớn lên tại Việt Nam đã rèn cho mình nhiều kĩ năng quan trọng để có được thành công.

    “Người Việt mình luôn biết cách tận dụng, chắt lọc những tinh hoa dù là nhỏ nhất mà trời đất ban cho để biến nó thành những tác phẩm tinh xảo, phát triển thành những làng nghề.

    Điển hình như các sản phẩm thủ công từ lụa tơ sen, một loại vải mềm nhẹ được dệt từ những sợi tơ được lấy từ phần cuống của hoa sen, nay đã được bạn bè quốc tế công nhận là tinh xảo, có giá trị lớn.

    Hiệp hội Hàng không Hoàng gia Anh (Royal Aeronautical Society - RAeS) được thành lập năm 1866, là tổ chức hàng không uy tín gồm những hội viên là các tổ chức và tập đoàn hàng không trên toàn thế giới, trong đó có những tên tuổi lớn như Boeing, Airbus, BAE Systems, Viện Hàng không và Du hành vũ trụ Mỹ (AIAA), Hiệp hội doanh nghiệp hàng không châu Á (AsBAA), Cơ quan vũ trụ Anh (UKSA), Cơ quan quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA).

    Được lớn lên và bồi đắp từ tinh thần ấy, ở những năm đầu khi công việc còn nhiều khó khăn, tôi vẫn luôn giữ vững niềm tin, tập trung học tập, nghiên cứu để hướng tới đạt một trình độ nào đó trong lĩnh vực mình yêu thích. Và may mắn là cũng có những đóng góp được bạn bè quốc tế ghi nhận”, anh chia sẻ.

    Chàng tiến sĩ trẻ nhớ lại, khi mới sang Anh, một trong những khó khăn lớn nhất là vấn đề ngôn ngữ và văn hóa bản địa. Từ giỏi ngoại ngữ đến hội nhập là một khoảng cách lớn.

    Sự tự chủ và chủ động trong học tập, nghiên cứu khoa học cũng là vấn đề, đòi hỏi phải lên kế hoạch từ sớm. Song, anh cho biết, thời gian học tập tại Việt Nam, anh đã được rèn luyện sẵn những kĩ năng này nên công việc nhẹ đi rất nhiều.

    Chàng trai cũng tự nhận mình may mắn khi được sang Anh cùng với gia đình và luôn có bố mẹ động viên, ủng hộ trong việc học tập và lựa chọn công việc.

    Từ chối tiết lộ những thông tin liên quan đến gia đình, anh cho hay hiện tại vẫn chưa kết hôn và sự nghiệp nghiên cứu, giảng dạy vẫn được anh đặt lên hàng đầu.

    “Bên cạnh đó, tôi cũng luôn hướng đến những tấm gương các anh chị, cô chú người Việt đã gặt hái nhiều thành công ở nước bạn để từng bước định hướng và xác định lộ trình của riêng mình tại môi trường học thuật cạnh tranh như Anh Quốc”, anh nói thêm.

    Mong muốn đóng góp cho khoa học nước nhà

    Chia sẻ về ngành hàng không Việt Nam, tiến sĩ Đức cho biết, ngành hàng không trong nước đã phát triển mạnh trong lĩnh vực thương mại và kĩ thuật qua việc hợp tác với các công ty tên tuổi như Airbus, Boeing. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn có nhiều cơ hội trong những lĩnh vực liên quan trực tiếp hơn tới đời sống của người dân.

    “Ở Anh và nhiều nước phát triển, máy bay hạng nhẹ và không người lái dân sự được xem là vượt trội cho nhiều vấn đề cấp bách về môi trường và nghiên cứu khoa học, điển hình như các dự án của Giáo sư Thomas Richardson và khóa học Thạc sĩ về máy bay không người lái duy nhất tại Anh tại trường Đại học Bristol.

    Qua đó, tôi mong muốn sẽ có nhiều dự án tương tự tại Việt Nam trong tương lai, góp phần cải thiện những lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp hay năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường”, anh nói.

    Trong thời gian tới, Nguyễn Huyền Đức kỳ vọng có thể tiếp tục mở rộng nghiên cứu và nâng cao kiến thức chuyên môn với mong muốn được kết nối, hợp tác với bạn bè trong nước và quốc tế.

    Chàng trai trẻ cũng hy vọng được tham gia những dự án cụ thể với các đơn vị và cá nhân trong nước.

    Đầy hoài bão, lý tưởng và mạnh mẽ nhưng nét hồn nhiên, vô tư của chàng trai 27 tuổi vẫn thể hiện rõ ở Đức khi anh chia sẻ, dù học tập, làm việc tại Anh suốt thời gian dài, đi không ít quốc gia trên thế giới nhưng thú vui lớn nhất của Đức chính là được về thăm gia đình, bạn bè tại Việt Nam với lý do đơn giản là… được ăn ngon.

    Hiện tại, tiến sĩ Nguyễn Huyền Đức đang đảm nhiệm hai vị trí: Nghiên cứu về điều khiển tự động trong sản xuất vật liệu tổng hợp (composites) cho ngành hàng không tại Đại học Bristol và giảng dạy bộ môn điều khiển tự động cho một khóa học trực tuyến của trường đại học Cambridge (University of Cambridge), là nhà phê bình cho nhiều tạp chí học thuật hàng đầu.

    Kết quả nghiên cứu của tiến sĩ Đức xếp dài với 8 tài liệu khoa học trên tạp chí khoa học nhóm Q1 (Quartile 1 - nhóm tạp chí uy tín nhất) và giới thiệu 11 tài liệu khoa học tại các hội nghị chuyên ngành hàng không quốc tế tại Anh, Mỹ, Đức, Italy và Thụy Sĩ về nhiều chủ đề như động lực học máy bay, các phương pháp phân nhánh và điều khiển tự động, sản xuất vật liệu tổng hợp…

    Theo Baogiaothong

  • Do thiếu phòng trọ bên ngoài trường học, sinh viên quốc tế tại London, Anh, phải chen chúc trong những nơi ở có điều kiện tồi tàn, giá đắt đỏ.

    Khi anh Nazmush Shahadat từ Bangladesh đến London, Anh, theo học ngành Luật, anh không có nơi nào để ở. Kí túc xá đại học quá đắt trong khi các nhà trọ bên ngoài trường học đã hết sạch chỗ. Cuối cùng Nazmush phải thuê một căn hộ 2 phòng ngủ với 20 người đàn ông khác.

    Họ chen chúc nhau trên những chiếc giường tầng giữa những bộ chăn ga ẩm mốc, đầy rệp. Những buổi tối, Nazmush chỉ ngủ chập chờn vì bị đánh thức bởi tiếng ồn từ bạn cùng phòng. Trên người anh vẫn còn lưu lại những vết rệp cắn.

    Trong vài tháng đầu, Nazmush không thể gọi video về cho gia đình vì không muốn mọi người thấy cuộc sống bên này. Phải mất nhiều thời gian và công sức, Nazmush mới tìm được một phòng trọ nhỏ và chuyển ra ở riêng. Anh nhận thấy việc tìm chỗ ở có giá phải chăng tại London là vô cùng khó, nhất là với sinh viên quốc tế vì họ thiếu giấy tờ cần thiết để thuê nhà.

    du hoc sinh anh nha tro
    Sinh viên quốc tế gặp khó khăn khi tìm nhà ở Anh.

    Tương tự, chị Giulia Tortoricei, 19 tuổi, đến từ Italy, hiện đang sống cùng 2 người bạn trong một căn nhà cho thuê. Ba người đã mất cả năm ngoái để tìm được căn phòng phù hợp.

    “Giá cho thuê nhà ở London quá đắt. Năm ngoái tôi đến đây mà không có chỗ thuê, phải ở nhờ nhà của một người bạn cả tháng trời. Việc tìm nhà ở London rất căng thẳng”, chị Giulia cho hay.

    Các trường đại học ở thủ đô London đang mở rộng với tốc độ cao hơn so với khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng địa phương. Điều này dẫn đến nhiều sinh viên quốc tế không thể tìm được phòng trọ hoặc thuê phải những nơi ở kém chất lượng. Nếu có thể thuê phòng trọ, sinh viên quốc tế cũng phải trả giá cao hơn sinh viên trong nước, gây áp lực lên khả năng tài chính của nhóm này.

    Bà Nehaal Bajwa, thành viên Liên minh Sinh viên quốc gia (NUS), cho biết: Sinh viên quốc tế nhiều khả năng phải thuê nhà mà không có hợp đồng, trả trước một số tiền lớn hoặc phải chấp nhận những điều kiện không phù hợp. Nếu không chấp thuận, họ sẽ trở thành người vô gia cư.

    Người phát ngôn của Bộ Giáo dục Anh, cho biết: “Thu hút nhân tài quốc tế mang lại nhiều lợi ích cho các trường đại học và nâng cao sự phát triển trong nước. Bộ Giáo dục khuyến khích các trường đại học, nhà cung cấp chỗ ở tư nhân xem xét nhu cầu phòng ở của sinh viên quốc tế và có biện pháp hỗ trợ phù hợp”.

    Không chỉ sinh viên quốc tế, sinh viên Anh cũng gặp khó khăn khi tìm nhà tại thủ đô. Nhiều người phải thuê phòng trọ ở xa trường, nằm ở ngoại ô thành phố nên việc di chuyển đến trường xa và tốn kém.

    Trước tình hình trên, các tổ chức sinh viên Anh đã kêu gọi chính phủ nói chung và chính quyền địa phương nói riêng kiểm soát giá nhà ở cho thuê ở mức phải chăng để mọi sinh viên đều có khả năng tiếp cận dịch vụ nhà ở. Bên cạnh đó, các trường đại học cần tăng cường sắp xếp chỗ ở cho sinh viên trước khi nhập học, hỗ trợ các em qua bộ phận lưu trú của trường.

    Theo Cơ quan Thống kê Giáo dục đại học (HESA), trong năm học 2015 - 2016, hơn 113.000 du học sinh theo học tại các trường ở thủ đô. Con số này đã tăng 59% lên gần 180.000 du học sinh vào năm 2020 - 2021. London cũng là thành phố có đông sinh viên quốc tế tại Anh.

    Giaoducthoidai (theo BBC)

  • Nguyễn Hưng Quang Khải (sinh năm 2000) đang là nghiên cứu sinh ngành Toán tài chính tại Đại học Manchester, Anh Quốc với học bổng toàn phần dài 3,5 năm. Trước đó nam sinh cũng xuất sắc nhận học bổng 100% tại trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM và học bổng bán phần tham dự kỳ trao đổi sinh viên 6 tháng tại đại học UTS ở Úc.

    Nguyễn Hưng Quang Khải (quê Phú Yên) gây ấn tượng với nhiều giảng viên và bạn bè với thành tích đáng nể từ thời sinh viên. Quang Khải theo học ngành Toán tài chính tại trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. HCM và tốt nghiệp hạng xuất sắc với vị trí Á khoa của ngành.

    Theo chia sẻ của Khải, anh chàng còn có kinh nghiệm 2 năm làm việc tại một quỹ đầu tư tài chính với vị trí là Quantitative Researcher.

    Sau khi tốt nghiệp, Quang Khải không học thạc sĩ mà học thẳng lên tiến sĩ. Hiện tại anh chàng đang là nghiên cứu sinh ngành Toán tài chính tại Đại học Manchester, Anh Quốc với học bổng toàn phần do khoa Toán của trường cấp kéo dài 3.5 năm.

    tien si viet tai anh 1
    Nguyễn Hưng Quang Khải (sinh năm 2000) đang là nghiên cứu sinh ngành Toán tài chính tại Đại học Manchester, Anh Quốc với học bổng toàn phần dài 3,5 năm.

    Khoảnh khắc nhận được tin giành được học bổng toàn phần hệ Tiến sĩ, Quang Khải không che giấu được sự vui mừng và hãnh diện. Bởi Đại học Manchester là một trong những trường đại học nổi tiếng nhất Vương Quốc Anh và trên toàn thế giới với bề dày lịch sử gần 200 năm về đào tạo và nghiên cứu.

    Hiện tại, trường Khải theo học nằm trong top 32 trường đại học ở thế giới và top 10 trường đại học lớn nhất tại châu Âu.

    “Vậy là niềm mong ước bấy lâu để trở thành sự thật. Mình đã may mắn được theo học bậc Tiến sĩ ngành Toán tài chính vì đây cũng là ngành mình học ở đại học. Đây cũng là ngành khá thú vị đối với mình, khi mình được thấy những ứng dụng thiết thực, tuyệt đẹp trong thế giới tài chính”, Quang Khải nói thêm.

    Chia sẻ về quyết định theo đuổi ngành học chuyên sâu, anh chàng Phú Yên cho biết tài chính là ngành còn khá mới ở Việt Nam, Khải mong muốn dành ra thời gian dài để nghiên cứu, học tập để trong tương lai có kiến thức chuyên sâu hơn, từ đó có một số đóng góp nhỏ cho ngành Tài chính tại Việt Nam.

    Để chinh phục học bổng du học Tiến sĩ theo Khải là cả quá trình dài, bắt đầu từ những sự cố gắng phấn đấu khi còn ngồi trên giảng đường đại học.

    Ngay khi vào đại học, Quang Khải đã đặt ra nhiều mục tiêu, bao gồm có một bảng điểm thật tốt, tham gia và đạt giải nhiều cuộc thi lớn, tham dự trao đổi sinh viên, các hoạt động ngoại khóa. Đồng thời bắt tay vào nghiên cứu và tạo ra thành quả cho những dự án khoa học.

    Tất cả điều này sẽ giúp cho CV của anh chàng có tính cạnh tranh cao, từ đó thuận lợi hơn để đạt được học bổng. Quang Khải tâm sự: “Trải qua quá trình này điều mình nhận lại nhiều nhất không phải là học bổng, mà là sự nhẫn nại, kiên nhẫn, tư duy giải quyết vấn đề và bộ óc luôn tìm tòi, học hỏi”.

    tien si viet tai anh 1
    Để chinh phục học bổng du học Tiến sĩ theo Khải là cả quá trình dài, bắt đầu từ những sự cố gắng phấn đấu khi còn ngồi trên giảng đường đại học.

    Một số thành tích Khải đã đạt được như: Giải Nhất Olympic Kinh tế Lượng toàn quốc năm 2021, Huy chương Vàng kỳ thi Toán học Không Biên Giới tại Bulgaria năm 2018, Giải Vàng cuộc thi AlphaThon do World Quant tổ chức năm 2019, Top 8 học sinh đại diện Việt Nam tham dự Trại hè Khoa học Châu Á tại Indonesia năm 2018, giành bổng toàn phần 4 năm học tại trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM, học bổng Trao đổi Sinh Viên ISEP tại Úc năm 2020,... Tất cả đã tạo một bước đà vững chắc để anh chàng thực hiện ước mơ du học của mình.

    Trong quá trình chinh phục học bổng Tiến sĩ, Khải luôn nhận được sự trợ giúp của thầy quá trình apply có phần thuận lợi. Tuy nhiên, anh vẫn gặp phải những khó khăn liên quan tới giấy tờ, chuẩn bị khá gấp rút để kịp thời hạn. Trở thành nghiên cứu sinh ở độ tuổi khá trẻ nên Quang Khải cũng có nhiều áp lực vì vẫn còn non nớt về kinh nghiệm nghiên cứu, hơn nữa là phải sinh sống và học tập ở đất nước có văn hóa khác xa Việt Nam đôi lúc khiến anh chàng hơi lạ lẫm, cô đơn.

    tien si viet tai anh 1
    Sau khi hoàn thành chương trình Tiến sĩ Quang Khải hy vọng có cơ hội làm việc trong các tổ chức tài chính lớn hoặc quỹ đầu tư hàng đầu.

    Nhưng vượt lên những tâm lý khó khăn đó, chàng trai vẫn quyết tâm chinh phục con đường học thuật. Khải nhận thấy bản thân cần tiếp tục duy trì tinh thần học hỏi và sẵn sàng để thay đổi, phát triển. Khải luôn thử thách bản thân, nắm vững kiến thức mới, và tìm kiếm cơ hội học hỏi từ người khác mọi lúc mọi nơi.

    Đồng thời, theo Khải việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân cũng rất quan trọng để duy trì tinh thần sáng tạo và năng suất trong công việc nghiên cứu.

    Quang Khải hiện đang tập trung tối đa cho kế hoạch ngắn hạn là hoàn thành chương trình Tiến sĩ, xây dựng một nền tảng vững chắc cho sự nghiệp tương lai. Sau khi hoàn thành chương trình, Quang Khải hy vọng có cơ hội làm việc trong các tổ chức tài chính lớn hoặc quỹ đầu tư hàng đầu.

    “Mình muốn áp dụng kiến thức và mô hình tài chính mà mình học được vào thực tế để đóng góp cho ngành Tài chính và tạo ra giá trị cho tổ chức mà mình phục vụ. Điều này sẽ giúp mình phát triển nghề nghiệp của mình và đóng góp tích cực cho lĩnh vực này”, Khải cho biết.

    Theo Tiền Phong

  • Giá thuê nhà ở Anh khoảng 15-30 triệu đồng mỗi tháng, tùy vị trí và loại phòng, du học sinh cần cân nhắc ưu - nhược cũng như đọc kỹ hợp đồng trước khi thuê.

    Nguyễn Phương Anh hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Quy hoạch và Quản trị hàng không, Đại học Nottingham, và quản trị trang Chevening Việt Nam - Học bổng chính phủ Anh của Đại sứ quán Anh, với hơn 10.000 thành viên.

    Theo Phương Anh, du học sinh có thể tìm nhà qua nhiều nguồn như website của trường, nếu ở ký túc xá; các đại lý, ký túc xá tư nhân; hội nhóm sinh viên tại nơi học hoặc người quen ở Anh.

    Tiền thuê nhà chiếm khoảng 50% chi phí sinh hoạt hàng tháng của du học sinh. Giá thuê trung bình ở London là 500-1.000 bảng (gần 15-30 triệu đồng) một phòng, phụ thuộc vào cơ sở vật chất và khu vực sống (zone). London được chia thành 9 zone, khu 1, 2 là trung tâm nên giá thuê sẽ đắt hơn. Nếu ở các thành phố khác, với khoảng 500 bảng mỗi tháng là du học sinh có thể tìm được nhà.

    Giá nhà thường tính theo tuần, nên người thuê cần nhân với 52 tuần rồi chia cho 12 tháng nếu muốn tính mỗi tháng cần trả bao nhiêu tiền.

    thue nha du hoc sinh anh 1
    Phương Anh trong chuyến đi chơi ở Peak District, Anh, hồi tháng 7. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    4 kiểu nhà cho sinh viên thuê ở Anh:

    Ký túc xá của trường: Đây là lựa chọn an toàn, thường được các du học sinh nghĩ đến đầu tiên nếu không có nhiều kinh nghiệm hay không muốn mất thời gian.

    Ưu điểm của ký túc xá là thường nằm trong khuôn viên trường, xuống tầng là thư viện, hợp đồng rõ ràng, môi trường an toàn, lành mạnh, nội thất, dịch vụ đầy đủ, có thể chọn tự nấu ăn hoặc có bữa ăn sẵn. Đây cũng là môi trường tốt để giao lưu với bạn bè quốc tế.

    Nhược điểm của ký túc xá là đắt hơn so với thuê ngoài và diện tích thường chỉ 9-12 m2 mỗi phòng đơn. Nếu muốn ở ký túc xá trường, bạn cần lưu ý hạn nộp đơn để tránh hết phòng.

    Ký túc xá tư nhân: là loại nhà trọ xây dành riêng cho sinh viên, nhưng không thuộc quản lý của trường đại học nào. Do đó, bạn cùng nhà của bạn có thể học bất cứ trường nào loanh quanh.

    Nhược điểm lớn nhất của ký túc xá tư nhân là giá cao hơn so với những loại hình khác. Bù lại, bạn có thể tìm nhà một cách nhanh chóng, an toàn. Ngoài ra, những khu vực sinh hoạt chung như nhà bếp, hành lang luôn được dọn dẹp sạch sẽ.

    Thuê nhà riêng của người dân: Chủ nhà có thể là người bản địa, người nước ngoài, thậm chí người Việt ở Anh lâu năm. Tùy theo tình trạng căn nhà, bạn có thể ở chung với chủ hoặc không.

    Trong thời gian ở London, tôi từng thuê dạng phòng kiểu này. Một lần tôi ở chung nhà với chủ, còn một lần thì không. Ở Anh, cuộc sống riêng tư được coi trọng và mọi thứ được ghi rõ ràng trong hợp đồng nên bạn không cần lo lắng nhiều.

    Ưu điểm là giá phòng thường thấp hơn so với các loại hình khác. Ngoài ra, đây là cơ hội để trải nghiệm văn hóa đáng cân nhắc.

    Thuê nhà nguyên căn và ở chung một nhóm: Đây là lựa chọn phổ biến nhất. Bạn có thể chuyển đến một phòng trong căn hộ cùng với những người khác, hoặc cùng bạn bè, người quen của mình thuê riêng một căn.

    Nếu thuê nguyên căn nhà, bạn có một đặc quyền mà ba lựa chọn trên không có là được chọn người mình muốn ở cùng và chi phí rẻ hơn. Tuy nhiên, bạn cũng phải tự "gánh" tiền điện, nước, Internet, tự dọn dẹp nhà cửa. Ngoài ra, nếu ở cùng một nhóm sinh viên Việt Nam, dù có nhiều cái tiện, bạn cũng bỏ lỡ cơ hội được hòa mình vào môi trường quốc tế.

    thue nha du hoc sinh anh 1
    Phòng đôi ở zone 1 của London mà Phương Anh và bạn thuê với giá hơn 38 triệu đồng, năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    Sáu lưu ý khi thuê nhà:

    Các chi phí trong hợp đồng

    Phần này cần xác định rõ khi thuê nhà. Nếu mọi chi phí điện nước, ga, Internet đã bao gồm, bạn chỉ cần trả tiền nhà hàng tháng đúng ngày là xong. Nếu bạn không nấu cơm nhiều thì có thể cân nhắc chi phí này.

    Hai kiểu đại lý để thuê nhà

    Đại lý cũng là một kênh an toàn để tìm nhà. Có hai kiểu đại lý.

    Thứ nhất là chủ bất động sản, ví dụ các ký túc xá tư nhân. Họ xây với mục đích kinh doanh, có website, địa chỉ liên lạc và bộ phận marketing, quản lý riêng.

    Thứ hai, đại lý là trung gian kết nối người thuê và người cho thuê. Qua đại lý kiểu này sẽ mất thêm một khoản phí hoa hồng nhưng họ nhiều thông tin. Nếu có vấn đề gì, ví dụ chủ nhà không chịu trả tiền cọc, bạn cũng sẽ có một liên hệ để đòi.

    Thời hạn hợp đồng

    Hợp đồng thuê nhà ở Anh thường có thời gian 44 tuần hoặc 51 tuần. Thông thường, hợp đồng 51 tuần sẽ tốt hơn vì nếu bạn bắt đầu năm học từ tháng 9 mà thuê 44 tuần thì phải trả nhà tầm tháng 7. Đây là mùa thi, mùa khóa luận nên tìm nhà sẽ khá vất vả.

    Đọc kỹ hợp đồng và kiểm tra tình trạng nhà

    Trước khi thuê nhà, sinh viên phải đặt cọc khoảng 300 bảng (hơn 8,9 triệu đồng). Bạn có thể chuyển tiền từ Việt Nam qua các ngân hàng, hoặc nhờ người quen ở Anh chuyển khoản giúp.

    Đến nhận phòng, quản lý nhà sẽ đưa ra danh sách đồ đạc (tủ, bàn, ghế, chăn ga...) và đề nghị xem xét tình trạng phòng. Hãy kiểm tra kỹ đồ đạc xem có thiếu hoặc hỏng hóc hay không (tường bong tróc, nứt hay bẩn không...), rồi mới nhận nhà, tránh trường hợp bị trừ tiền đặt cọc sau này.

    Ưu điểm khi dùng chung bếp, nhà tắm

    Tùy điều kiện, nhu cầu và tính cách, bạn có thể cân nhắc thuê nhà chung bếp, nhà tắm hay riêng.

    Tôi không thích ở phòng studio (nhà bếp, nhà tắm riêng khép kín), vì phòng tầm 1.000 bảng mỗi tháng trở xuống khá nhỏ, sẽ ám mùi đồ ăn vào chỗ học và ngủ. Dùng chung bếp là lựa chọn tốt, vì nhà bếp thường rất rộng, tủ lạnh to. Hơn nữa, các bạn nước ngoài thường không nấu ăn và dùng nhiều đến bếp. Vì thế, bạn có thể mời bạn bè đến ăn uống thoải mái sau khi nói trước với bạn cùng nhà.

    Trước khi du học, tôi cũng ngại dùng chung nhà tắm, nhà vệ sinh khi ký túc xá có cả nam, nữ. Nhưng khi vào ở ký túc xá 10 người, chung hai nhà tắm, hai nhà vệ sinh, tôi thấy không vấn đề gì. Bạn đừng lo chuyện xếp hàng đi tắm mỗi ngày vì giờ tắm của các bạn nước ngoài thường là sáng sớm hoặc trưa hay tối muộn nên không trùng giờ.

    Bên cạnh đó, ở ký túc xá có người dọn dẹp không gian chung hàng tuần, thêm nước rửa bát và giấy vệ sinh thường xuyên. Đây cũng là một lợi thế cần cân nhắc, vì nhiều khi tình bạn đổ vỡ chỉ vì chuyện chia nhau cọ rửa nhà tắm.

    Thuê nhà gần trường, ga tàu

    Gần nghĩa là bạn có thể đi bộ đến trường, trong bán kính 2 km đi bộ khoảng 30 phút là ổn. Ở gần trường, bạn sẽ có những buổi sáng thanh thản, không cần phải chen qua tàu điện ngầm hay chờ xe bus. Trong khi nếu ở xa, bạn tốn thời gian và chi phí tàu xe. Khu quanh trường cũng an toàn, sạch sẽ hơn.

    Để tiết kiệm thời gian và hạn chế đi bộ một mình quá xa nếu về muộn buổi tối thì nhà thuê gần bến xe, tàu là điều cần cân nhắc.

    Nguyễn Phương Anh / VnExpress

  • Tôi bắt đầu đi sàn nhảy, đi bar. Đối với những người bạn tôi, chuyện này bình thường như bao trò vui khác. Nhưng đối với tôi đó là một chuyện trọng đại của cuộc đời. 

    Tôi sang Anh theo học khóa đào tạo đại học tại một trường tư thục ở một thị trấn nhỏ phía nam nước Anh tên là Lewis. Cuộc sống ban đầu thật khó khăn và tưởng chừng không thể vượt qua được. Mười bảy năm sống trong vòng tay cha mẹ, mọi thứ từ cơm ăn, giặt giũ, dọn dẹp đến cả soạn sách vở trước khi đi học cũng chẳng phải động tay vào vậy mà thoáng chốc mọi thứ thay đổi. Dường như quá khó khăn đối với một con người mà 17 năm nay chỉ biết đi học về nhà, ăn rồi ngủ.

    cau am du hoc anh
    Ảnh minh họa

    Thị trấn tôi ở thực sự rất nhỏ. Nếu bạn muốn đi hết thị trấn cũng chỉ mất khoảng 15 phút đi bộ, và cũng chỉ có một tuyến xe buýt duy nhất trong thị trấn. Ngày đầu đến trường tôi phải cố gắng rất nhiều mới có thể diễn đạt và hiểu được những gì những người ở trường nói. Cả tuần chẳng có việc gì ngoài việc đi đến trường rồi đi về nhà. Khác hẳn với cuộc sống nhộn nhịp, ồn ã ở Việt Nam. Và còn nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình, bạn bè lúc nào cũng thường trực không nguôi.

    Tôi hoang mang không tìm ra lối thoát. Sau khi sang Anh được 2 tuần tôi quay về Việt Nam. Gặp lại bố mẹ, gặp lại người thân, bạn bè tôi không thể tránh khỏi những ánh mắt thất vọng của mọi người. Chỉ duy nhất có một người an ủi và động viên tôi đó là mẹ. Mẹ cũng hiểu và thông cảm cho cảm xúc của tôi . Mẹ khuyên tôi ở lại và mẹ sẽ xin cho tôi vào học lại ở một trường cấp ba tốt trong thành phố. Nhưng dường như tôi không thể chịu được ánh mắt tràn trề thất vọng của bố và những người đã đặt hết niềm tin và hy vọng nơi tôi.

    Vậy là tôi quyết định quay lại Anh, nhưng lần này tôi chuyển trường lên London với hy vọng cuộc sống ồn ã ở đây có thể làm tôi nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ nhà của một cậu ấm như tôi. Vậy là lại một lần nữa bố mẹ đưa tôi ra sân bay với một hy vọng con trai mình sẽ vượt qua được những khó khăn đầu đời.

    London, thủ đô cổ kính với những toà nhà cổ, những cây cầu nổi tiếng và một nét đặc trưng nữa đó là những chiếc xe buýt hai tầng đỏ chạy dọc ngang. Nơi đây tập trung đủ tất cả màu da từ tất cả những quốc gia trên thế giới. Tôi, một chàng trai 17 tuổi với một gánh hy vọng của tất cả mọi thành viên trong gia đình, lạ lẫm với nền văn hoá phương tây, lạ lẫm với cách sinh hoạt, những món ăn và trên hết đó là không thể giao tiếp bởi vốn ngoại ngữ ít ỏi của mình. Sau tất cả cố gắng tôi cũng nhập được học và bắt đầu khóa học ngoại ngữ của mình.

    Ngày đầu tiên đến lớp, một cảm giác kỳ lạ trong tôi. Một tập thể với tất cả những màu da, sắc tộc đến từ khắp nơi trên thế giới. Tôi bỡ ngỡ, ngơ ngác nhưng thật may mắn trong lớp tiếng Anh đó có đến 4 người Việt Nam như tôi. Đó là một cảm xúc thật khó tả nhưng cũng chính là một cái bẫy chết người cho những ai muốn học tiếng Anh.

    Suốt cả khoá học tôi chẳng nói chuyện với bất cứ một người nước ngoài nào, mọi vấn đề khó khăn tôi đều dùng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình để trao đổi với những người bạn Việt Nam của mình. Sau cả một khoá học tôi nhận thấy trình độ ngoại ngữ của mình vẫn dậm chân tại chỗ. Buồn, chán nản tôi lại hoang mang không biết phải làm thế nào.

    Qua một vài người bạn, tôi quen được vài du học sinh đã sống ở đây vài năm rồi. Tôi đến nhà họ chơi. Một cảm giác thật khác với ngôi nhà mà tôi đang sống. Tôi sống một mình và hàng ngày chỉ có việc duy nhất và lặp đi lặp lại đó là đi học về, đi mua đồ ăn, tối về học rồi lên mạng tìm kiếm những người bạn nói tiếng Việt như tôi. Nhưng ở đây là một cuộc sống hoàn toàn khác. 5 sinh viên Việt Nam sống cùng nhau trong một căn nhà tràn ngập tiếng cười và những cuộc chơi mà tôi chưa bao giờ được tham gia trước đó. Tôi nhanh chóng hoà nhập với mọi người và sau khi được một lời đề nghị tôi đã chuyển đến đó và bắt đầu một cuộc sống mới của mình. Tôi nói một cuộc sống mới bởi vì tôi đã thay đổi hoàn toàn con người và cách sống của mình.

    Tôi hoà nhập rất nhanh, buổi tối thay vì học bài tôi ngồi đánh bài, xem phim hoặc chơi điện tử đến sáng. Tôi cảm thấy thực sự thoải mái với cuộc sống này. Những người bạn của tôi đều lớn hơn tôi vài tuổi. Hầu hết trong số họ đều là du học sinh đến với Anh quốc như một đất nước thứ hai, người thì từng học ở Mỹ, người đã từng học ở Singapore, người thì học ở Trung Quốc. Họ xuất thân từ những gia đình giàu có trên khắp mọi miền của dải đất hình chữ S thân yêu. Họ có xe hơi để đi lại và họ sống như một gia đình đoàn kết ở xứ sở sương mù này. Họ chơi cùng nhau, ăn uống cùng nhau. Nhưng không ai trong số họ nghĩ đến việc hoàn thành khoá học và quay trở về đất nước thân yêu của mình. Có những người đáng ra đã hoàn thành khoá học nhưng họ hiện vẫn dậm chân tại mức độ học ngoại ngữ. Nhưng tôi lại cảm thấy thoải mái khi có một cuộc sống như vậy.

    Thời gian trôi qua thật nhanh, những buổi đi học của tôi ít dần. Cuộc sống của tôi trôi qua thật vô nghĩa, ngày nào cũng như ngày nào. Tôi thức đêm, sáng mới bắt đầu đi ngủ, rồi đến chiều dậy nấu cơm, đến tối thì tụ tập xem phim, đánh bài nhậu nhẹt. Cánh cửa giao tiếp với những văn hoá những kiến thức dần dần thu hẹp lại với tôi. Tôi chìm đắm trong những cuộc vui vô nghĩa.

    Tôi bắt đầu cùng những người bạn đi sàn nhảy, đi bar. Đối với họ thực sự chuyện này hết sức bình thường và cũng như bao trò vui khác. Nhưng đối với tôi đó là một chuyện trọng đại của cuộc đời. Tôi đã đọc đã biết rất nhiều những câu chuyện nói về cuộc sống ở cái nơi mà khói thuốc, mùi rượu mạnh, mùi nước hoa và những ánh đèn quyện vào nhau đó. Tôi biết đó là một nơi mà mình không nên bước chân vào. Có bao nhiêu là cạm bẫy, bao nhiêu là trò vui giết người đang rình rập. Nhưng tôi tin vào bản thân và cũng tò mò muốn biết đó là thế giới như thế nào. Và thực sự có rất nhiều điều mà tôi chưa biết và thực sự chưa từng nghĩ đến.

    Tôi cùng những người bạn đến một sàn nhảy do người Việt mở, có thể nói đó là một sàn nhảy nổi tiếng trong giới người Việt ở London. Đúng như những gì tôi được biết trước đó mùi khói thuốc, mùi rượu, mùi nước hoa đắt tiền và hơn hết đó là tiếng nhạc chát chúa đập mạnh vào tai tưởng chừng không chịu nổi. Điều đầu tiên ấn tượng trong tôi đó là tất cả mọi người có mặt ở đây đều là người Viiệt, trừ những nhân viên phục vụ và bảo vệ. Tất cả mọi thành phần, tất cả mọi lứa tuổi đều có thể tìm thấy ở đây, du học sinh có, người lao động có, những đứa trẻ gốc Việt sinh ra va lớn lên tại Anh. Tất cả bọn họ tập trung chơi bời, nhảy nhót tạo thành một bức tranh thật ấn tượng trong mắt tôi.

    Tôi giật mình trở về với tiếng nhạc chát chúa bởi cái vỗ vai của một người bạn hỏi tôi uống gì. Tôi không biết uống rượu, không biết hút thuốc và thực sự cũng không muốn thử những thứ đấy. Vậy nên tôi nói tôi muốn uống Coca. Bạn tôi quay lại nhìn tôi với ánh mắt lạ lùng rồi dí cho tôi một cốc Vodka Coke (rượu pha với Coca). Tôi cầm cốc rượu giả vờ uống rồi vội vàng nhổ ra ngoài. Tôi phải tỉnh táo để có thể làm chủ được bản thân ở cái nơi mà cạm bẫy đầy rẫy này.

    Một lúc sau chúng tôi xuống sàn nhảy. Cả nhóm người Việt quây cụm lại, họ chuyền tay nhau điếu thuốc và sau này tôi biết đấy là cỏ (tài mà). Phải khó khăn lắm tôi mới có thể từ chối không phải đưa cái thứ đấy lên mồm. Được một lúc mọi người lại phân phát cho nhau một viên gì đó nhỏ nhỏ và qua kiến thức của tôi thì đó đích thị là thuốc lắc. Và đó là lần đầu tiên trong đời tôi được cầm cái thứ đó. Mọi người cùng bỏ cái thứ đó vào mồm rồi nuốt chửng. Tôi cũng vậy nhưng tôi bỏ thứ đó vào mồm rồi dùng lưỡi quấn chặt nó vào cái bã kẹo cao su tôi đang nhai rồi từ từ nhổ ra ngoài. Không ai phát hiện việc làm đó của tôi. Tôi nhảy cùng mọi người nhưng không quên để ý những biểu hiện của những người bạn của tôi. Họ bắt đầu thay đổi. Họ nhảy hăng hơn, mắt họ nhíu lại lờ đờ như nhưng con nghiện mà tôi đã được thấy trên TV. Tôi sợ, một cảm giác ớn lạnh ở sống lưng. Tôi đã và đang ở bên cạnh những cạm bẫy của cuộc đời.

    Tôi tự nhủ bản thân mình phải rất tỉnh táo và có thể tránh được những cạm bẫy chết người đấy. Sau 7 tiếng nhảy nhót, lắc lư theo tiếng nhạc chúng tôi ra về. Một số người bạn của tôi những người mà vừa "cắn" thuốc và chưa hết tác dụng thì ở lại tiếp tục tham gia ca 2 (từ 6h sáng đến 10h sáng).

    Tôi về nhà nằm suy ngẫm lại tất cả những thứ mà mình vừa tận mắt chứng kiến. Những thứ mà tôi chưa bao giờ hình dung ra. Thật sự rất kỳ lạ. Trí tò mò tiếp tục dẫn dắt tôi vào đó thêm nhiều lần nữa. Và vẫn như thế tôi dùng cách đó để tránh phải đưa cái viên thuốc nhỏ nhỏ đó vào dạ dầy của mình. Tôi không muốn thử cái cảm giác mà tôi đã nhìn thấy trên khuôn mặt những người bạn tôi. Tôi biết thêm được một loại thuốc nữa rất được ưa chuộng trong sàn, đó là "ke" một loại bột màu trắng như là bột phấn. Mọi người hít vào và sau đó sẽ có cảm giác bay bổng, ảo giác.

    Nếu có thể nói về cuộc sống ở đây bằng hai từ thì từ duy nhất có thể diễn tả được toàn bộ điều đó là "thác loạn". Tôi quen biết thêm được nhiều người. Đó là những du học sinh như tôi nhưng có lẽ họ khác tôi và bạn tôi ở một điều: họ vẫn đi học. Rồi đến những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở đây. Chúng thực sự có cách sống và cách nói chuyện khác hoàn toàn với những gì tôi tưởng tượng. Chúng mặc đồ giống như những người da đen thực sự: quần tụt, áo rộng thùng thình, quấn khăn, đội mũ hoặc có những kiểu tóc chẳng giống ai. Hầu hết đều dưới mười tám tuổi nhưng chúng có những ID (giấy tờ để chứng minh độ tuổi) giả để có thể vào được đây.

    Chúng nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh và với giọng điệu da đen không thể nhầm lẫn vào đâu được. Hầu hết trong số chúng có thể nói được một chút tiếng Việt. Nhưng rất ít trong số đó có thể hiểu được tiếng Việt. Chúng thật sự lột xác khi vào đây. Con gái thì trang điểm loà loẹt, quần áo ngổ ngáo. Con trai thì tóc tai chải chuốt, nước hoa thơm phức. Ít ai ngờ rằng chúng vẫn chỉ là những học sinh 16 - 17 tuổi.

    Sau những cuộc vui như vậy chúng vẫn đến trường và có thể vẫn là con ngoan trò giỏi trong mắt cha me những người mà hàng ngày hàng giờ phải vật lộn kiếm sống nơi đất khách quê người .

    Theo VnExpress / tác giả: ĐHV

  • Nhiều đại học xếp lịch học tập trung trong 2-3 ngày mỗi tuần để sinh viên có thời gian đi làm thêm.

    Từ năm ngoái, Đại học De Montfort ở Leicester đã thử nghiệm thời khóa biểu thu gọn. Thay vì học 4 môn cùng lúc với khoảng hai giờ một môn mỗi tuần, sinh viên sẽ học một môn liên tục trong nửa kỳ. Như vậy, họ vẫn đủ 4 môn một năm theo quy định.

    Cách làm này đang được nhiều trường áp dụng. Các tiết học và buổi thảo luận được sắp xếp chỉ trong 2-3 ngày chứ không rải rác cả tuần như trước. Việc này nhằm giúp sinh viên có thời gian đi làm thêm, vượt qua cuộc khủng hoảng sinh hoạt phí.

    Giáo sư Katie Normington, Phó hiệu trưởng Đại học De Montfort, đánh giá lịch học tập trung ảnh hưởng tích cực lên đời sống sinh viên.

    "Rất nhiều sinh viên đang làm việc và gánh nhiều trách nhiệm khác. Thời khóa biểu như vậy giúp các em sắp xếp thời gian tốt hơn", bà nói.

    dai hoc anh don lich hoc
    Ảnh: Ben Birchall/PA

    Nhiều người trẻ ở Anh gặp khó khăn tài chính khi bước vào kỳ học tới do gia đình không thể hỗ trợ, khoản vay sinh viên thì hầu như không đủ trả tiền thuê nhà. Theo UCAS, một tổ chức hỗ trợ tuyển sinh đại học, 2/3 sinh viên năm thứ nhất muốn làm việc bán thời gian để duy trì việc học. Nhiều người phải bỏ bữa, làm tăng ca và dựa vào thẻ tín dụng để "tồn tại". Số sinh viên đang làm thêm khoảng hơn 50%, tăng so với tỷ lệ 45% của năm 2022 và 34% năm 2021.

    Tại các khu vực nghèo nhất của London như Barking hay Dagenham, cuộc sống của nhiều người phụ thuộc hoàn toàn vào tiền làm thêm.

    "Họ làm việc gần 5 ngày mỗi tuần và dành thời gian còn lại để học. Đây không phải công việc bán thời gian nữa, mà là toàn thời gian. Sự nỗ lực của họ rất đáng nể", John Dishman, Phó hiệu trưởng kiêm Giám đốc điều hành Đại học Conventry, nói. Nhiều trường thành viên của đại học này cũng xếp lịch học 2-3 ngày mỗi tuần.

    Sự thay đổi của các trường nhận được phản hồi tích cực từ sinh viên. Nhiều cuộc khảo sát nội bộ năm ngoái cho thấy sinh viên học theo thời khóa biểu tập trung hài lòng hơn 10% so với sinh viên học theo lịch thông thường.

    Ngoài ra, quy định mới cũng tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên ở xa. Theo Giáo sư Normington, nếu chỉ cần đến trường một vài buổi nhất định, sinh viên sẽ đỡ tốn thời gian và chi phí di chuyển.

    Sinh hoạt phí hiện là mối lo hàng đầu của sinh viên Anh. Theo một khảo sát, 3/4 trong số 10.000 người cho rằng vấn đề sinh hoạt phí ảnh hưởng đến việc học của họ, thậm chí là nguyên nhân chính khiến họ cân nhắc bỏ học.

    VnExpress (theo The Guardian)

  • Theo thông tin từ tờ CNA, trong thời gian tới, Chính phủ Anh có kế hoạch cấm hầu hết sinh viên ở các bậc học mang theo thành viên gia đình.

    khong dau
    Khuôn viên Đại học King’s College London, Anh.

    Sau khi ban hành lệnh cấm sinh viên quốc tế ở bậc cử nhân mang theo người thân du học, Chính phủ Anh có kế hoạch mở rộng lệnh cấm để giảm số lượng di cư ròng. Thông tin trên khiến nhiều sinh viên, lãnh đạo trường đại học lo ngại.

    Đã gần 3 tháng sau khi Chính phủ Anh thông báo cấm sinh viên quốc tế ở bậc cử nhân mang theo người thân. Sinh viên đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, chiếm gần 1/4 tổng số sinh viên quốc tế tại Anh là những nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

    Theo thông tin từ tờ CNA, trong thời gian tới, Chính phủ Anh có kế hoạch cấm hầu hết sinh viên ở các bậc học mang theo thành viên gia đình. Bộ Nội vụ Anh cho biết mặc dù họ muốn nhiều sinh viên quốc tế đến Anh học tập nhưng số lượng người phụ thuộc mà sinh viên mang theo đang làm tăng số lượng người nhập cư, gây mất bền vững cho nước này.

    Trước thông tin về kế hoạch trên của Chính phủ Anh, anh Sourabh Mangal, sinh viên ngành Quản lý dự án tại ĐH Liverpool, cho biết, khi chọn trường và quốc gia du học, anh quan tâm nhất là vợ và con trai có thể đi cùng hay không.

    “Nếu sinh viên học thời gian ngắn, họ có thể ổn khi gia đình không ở bên. Nhưng nếu bạn học thạc sĩ hay tiến sĩ thì việc có gia đình bên cạnh là rất quan trọng vì họ mang lại sự hỗ trợ tốt nhất về mặt tinh thần và thể chất”, anh Sourabh chia sẻ.

    Nếu Chính phủ Anh tiếp tục cấm học viên cao học mang theo người thân, anh Sourabh dự định chuyển sang học tại Canada.

    Trong khi đó, các trường đại học có thái độ trái chiều. Một số trường lo lắng nếu lệnh cấm được mở rộng sẽ ảnh hưởng đến số lượng sinh viên quốc tế và nền kinh tế Anh. Số khác cho rằng việc giảm số người phụ thuộc làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lao động vốn đang nhức nhối.

    Ông Chris Chan, Phó Hiệu trưởng Đại học Portsmouth, “ngôi nhà” của nhiều nhóm sinh viên quốc tế như Bangladesh, Malaysia và Trung Quốc, cho biết: “Sinh viên quốc tế và người thân của họ làm phong phú nền văn hóa, sự đa dạng trong trường học và thành phố. Họ cũng đóng góp cho nguồn lao động của Anh”.

    Lệnh cấm của chính phủ có thể làm giảm áp lực lên các dịch vụ công cộng và nhà ở tại Portsmouth, nơi sinh vên chiếm 10% dân số thành phố. Nhưng nó cũng làm giảm sức hấp dẫn của các trường đại học nước này trên thị trường quốc tế.

    Chính phủ Anh muốn hạn chế du học sinh mang theo người thân nhằm giảm số lượng di cư ròng (chênh lệch giữa số người đến và đi). Đây cũng là lời hứa của Đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử năm 2019. Ngoài ra, các quy định mới sẽ giúp giảm áp lực lên các dịch vụ công cộng và nhà ở tại Portsmouth, nơi sinh viên chiếm 10% dân số thành phố.

    Chính phủ hy vọng việc thừa nhận ít người phụ thuộc từ nước ngoài hơn sẽ giúp giảm số lượng di cư ròng – một lời hứa quan trọng của Đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử năm 2019.

    Lệnh cấm đối với sinh viên quốc tế ở bậc cử nhân sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2024.

    Năm 2022, gần 136.000 thị thực Anh được cấp cho người thân của du học sinh, tăng gấp 8 lần so với năm 2019. Thị thực sinh viên lẫn thị thực người phụ thuộc vào sinh viên đều cho phép chủ sở hữu tìm việc làm ở Anh. Chính phủ Anh khuyến cáo thị thực đang bị lợi dụng để tìm việc làm. Cũng có lo ngại rằng người thân của du học sinh đang cạnh tranh với người dân địa phương về vấn đề nhà ở và việc làm.

    Giaoducthoidai (theo CNA)

  • Sau khi Pearson thông báo hủy bỏ kết quả một số bài thi tiếng Anh PTE Academic Online (phiên bản thi tại nhà) vì nghi ngờ gian lận, nhiều trường ĐH Anh lập tức có động thái cấm khiến hàng trăm thí sinh đối diện nguy cơ 'lỡ hẹn' du học.

    huy chung chi PTE 1
    PTE là bài thi tiếng Anh quốc tế ra mắt năm 2009 và đang là lựa chọn phổ biến cho mục đích du học, định cư, bên cạnh những chứng chỉ lâu đời như TOEFL, IELTS. Ảnh: Pearson

    Hủy bỏ tư cách nhập học

    PTE (Pearson Test of English) là bài thi tiếng Anh quốc tế ra mắt năm 2009 và đang là lựa chọn phổ biến cho mục đích du học, định cư, bên cạnh những chứng chỉ lâu đời như TOEFL, IELTS. Tuy nhiên, bài thi PTE học thuật tại nhà (PTE Academic Online) mới đây phải thu hồi hoặc hủy bỏ kết quả của một số thí sinh vì nghi ngờ gian lận, theo trang The PIE News.

    Cụ thể, vào đầu năm 2023, một số trường ĐH Anh đã bày tỏ lo ngại khi nhiều sinh viên quốc tế nộp kết quả thi PTE Academic Online với số điểm cao, thậm chí đạt mức tối đa là 90 điểm (tương đương khoảng 8.5 IELTS).

    Đáp lại vấn đề này, tập đoàn giáo dục Pearson, đơn vị tổ chức bài thi, thông tin rằng các đánh giá gần đây đối với một số thí sinh thi PTE Academic Online cho thấy có vi phạm trong quá trình làm bài. Ngay khi phát hiện ra vấn đề, Pearson đã lập tức thu hồi hoặc hủy bỏ điểm thi của các thí sinh liên quan.

    Quyết định này của Pearson không chỉ ảnh hưởng đến những trường hợp gian lận, mà còn tác động đến ít nhất hàng trăm du học sinh khác đã thi lấy chứng chỉ này. Lý do là vì các ĐH Anh đang tiến hành cấm bài thi PTE Academic Online và hủy bỏ tư cách nhập học của những ứng viên nộp loại chứng chỉ này.

    huy chung chi PTE 1
    Thông báo cấm chứng chỉ PTE Academic Online của ĐH Edinburgh. Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH

    Theo đó, một số trường như ĐH Edinburgh, ĐH Sussex thông báo ngừng chấp nhận các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế thi theo hình thức tại nhà. Các trường ĐH khác thì rút lại thư mời nhập học của những ứng viên có điểm thi PTE Academic Online bị thu hồi. Có trường thậm chí không chấp nhận kết quả bài thi này khi ứng viên nộp qua Clearing (hệ thống ghép đôi du học sinh chưa trúng tuyển với trường ĐH còn chỗ trống).

    Tình cảnh trên khiến nhiều sinh viên quốc tế phải tính đến phương án tham gia kỳ thi khác. Ngoài ra, một số ĐH cũng đang tạo điều kiện cho các thí sinh bị ảnh hưởng bằng cách phỏng vấn bổ sung hay cho làm bài kiểm tra thay thế. Tuy nhiên, có những lo ngại rằng các hoạt động này sẽ không thể hoàn tất trước khi bắt đầu kỳ học tới vào mùa thu năm nay.

    Tại sao có quyết định cấm?

    Bà Ula Tang-Plowman, đại diện ĐH Nottingham, cho biết tất cả trường ĐH Anh đều đang thực hiện nghiêm túc việc đánh giá bổ sung đối với ứng viên dùng điểm thi PTE Academic Online hoặc hủy bỏ tư cách nhập học và yêu cầu ứng viên thay thế bằng kết quả khác. "Việc tuân thủ quy định là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi", người này chia sẻ.

    Đại diện ĐH Southampton thì lý giải rõ hơn rằng quyết định cấm nhằm tuân thủ các yêu cầu về thị thực của Anh, cũng như đảm bảo tiêu chuẩn về trình độ ngôn ngữ giúp sinh viên quốc tế có thể phát triển. "Chúng tôi đang liên lạc từng ứng viên để thảo luận về hoàn cảnh và lựa chọn cụ thể của họ", người này chia sẻ.

    huy chung chi PTE 1
    Thông báo tạm thời ngưng chấp nhận bài thi PTE Academic Online của ĐH Sussex. Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH

    Trả lời The PIE News, Pearson nói không thể cung cấp số lượng thí sinh bị ảnh hưởng bởi quyết định thu hồi hoặc hủy bỏ kết quả PTE Academic Online trong giai đoạn này, nhưng cho biết đã tiến hành liên lạc, trao đổi. "Chúng tôi đang gửi voucher miễn phí cho những thí sinh bị ảnh hưởng để thi trực tiếp tại một trong 446 điểm thi trên thế giới", Pearson chia sẻ.

    Mặt khác, công ty tư vấn du học New Oriental Vision Overseas tại Trung Quốc cho hay có khoảng 200 học sinh, sinh viên của đơn vị này bị tác động bởi quyết định của Pearson và những ĐH Anh. Trong khi đó, đại diện của các trường ĐH Anh cho hay không chỉ Trung Quốc, nhiều du học sinh từ Nam Á cũng đang đối diện vấn đề tương tự.

    Pearson không phải đơn vị duy nhất hủy bỏ kết quả bài thi khi nghi ngờ gian lận. Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên hồi tháng 10.2022, Hội đồng Anh và IDP, hai đơn vị đồng tổ chức bài thi IELTS, khẳng định thường xuyên phân tích bài làm và kết quả trước khi thông báo điểm đến thí sinh.

    Nếu phát hiện vi phạm, kết quả thi sẽ được giám sát kỹ lưỡng và điều tra lại. Bảng điểm của các thí sinh này cũng bị tạm giữ trong trường hợp cần điều tra và có thể bị cấm thi trong thời gian điều tra. Ngoài ra, phần lớn trường hợp gian lận sẽ bị hội đồng khảo thí hủy kết quả thi, kể cả sau khi nhận bảng điểm, theo Hội đồng Anh và IDP.

    huy chung chi PTE 1
    Sinh viên quốc tế theo học tại ĐH Southampton, một trong những đơn vị cũng không công nhận kết quả bài thi PTE Academic Online. Ảnh: ĐH SOUTHAMPTON

    PTE phổ biến ra sao?

    PTE là bài thi tiếng Anh trên máy tính, có hai phiên bản chính là học thuật (Academic) và làm việc phi học thuật (General), với hình thức chủ yếu là làm kiểm tra trực tiếp tại điểm thi. Riêng với bài thi học thuật, hiện thí sinh đã có thể thi tại nhà. Đây là hình thức mới ra mắt từ cuối năm 2021.

    Trên trang chủ, Pearson cho rằng PTE được hơn 3.300 tổ chức giáo dục trên toàn cầu công nhận, trong đó có những trường danh giá như ĐH Oxford, ĐH Yale, Trường Kinh doanh Harvard. Con số này gần bằng 1/3 so với IELTS (hơn 11.000 đơn vị chấp nhận). PTE cũng được chính phủ các quốc gia Úc, Anh và New Zealand sử dụng cho mục đích thị thực.

    Theo Thanh Niên