Bộ Nội vụ giam giữ một em bé tám tháng tuổi có quốc tịch Anh trong trại nhập cư

Một em bé mới tám tháng tuổi đã bị Bộ Nội vụ giam giữ trong trại tạm giữ người nhập cư dù em bé này có quốc tịch Anh.

Chi tiết về vụ việc này được ghi lại trong một bộ hồ sơ tòa án, trong đó Bộ Nội vụ đã thắng vụ kiện cáo buộc Bộ giam giữ trái phép em bé và người mẹ Nigeria của mình.

Người mẹ, được gọi tên là TR trong hồ sơ, cùng con trai, JA, đã bị tạm giữ trong 12 ngày sau khi hồ sơ xin tị nạn của TR bị từ chối.

Dịch vụ Tư vấn Nhập cư IAS đã viết thư cho Bộ Nội vụ, trình bày rằng JA là một công dân Anh dựa trên quốc tịch của người cha và để chứng minh điều này, họ đã cố gắng cập nhật giấy khai sinh của cậu bé.

Là một công dân Anh, JA không thể bị trục xuất và TR nên được cho phép lưu lại Anh để chăm sóc con. Bộ Nội vụ đã bác bỏ luận điểm này và tiến hành giam giữ hai mẹ con.

Cuối cùng, tòa án tối cao đã ban hành lệnh tạm hoãn trục xuất và hai mẹ con được thả ra. Một tháng sau đó, người cha quốc tịch Anh của JA đã được ghi tên trong giấy khai sinh của cậu bé.

Sau một phiên xét xử tại một tòa án trung tâm London, TR và JA đã được đền bù lần lượt 20,000 và 5,000 bảng vì bị giam giữ nhầm.

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ đã kháng cáo lại quyết định này của tòa án với lý lẽ cho rằng quan tòa đã mắc sai lầm khi kết luận JA không thể bị tạm giữ vì là công dân Anh.

Trong phiên xét xử kháng nghị này, quan tòa Judith Farbey đã xử thắng kiện cho Bộ Nội vụ bởi lẽ tại thời điểm bị tạm giữ, chưa có bằng chứng chứng minh JA là công dân Anh và vì thế, Bộ Nội vụ hoàn toàn có cơ sở để cân nhắc việc trục xuất cậu bé.

Quan tòa nói: “Nếu quốc tịch của một cá nhân còn chưa rõ ràng, người đó có trách nhiệm phải chứng minh mình là người Anh để tránh việc mất quyền tự do theo bộ luật 1971.”

Tuy nhiên, quan tòa Farbey cũng cho phép phía gia đình được tiếp tục kháng nghị sau khi luật sư của họ, bà Amanda Weston, tranh luận rằng nếu Bộ không có quyền trục xuất JA, một công dân Anh, và vì cậu bé còn đang bú mẹ, mẹ của cậu bé cũng không thể bị trục xuất.

Quan tòa chỉ đạo đưa vụ án trở lại tòa án cấp thấp hơn và xét xử lại tại đây để có phán quyết mới.

Giờ đây, cậu bé đã chín tuổi. Mẹ cậu bé đến Anh vào ngày 6 tháng Mười năm 2007 và được cho phép lưu lại Anh đến ngày 9 tháng Một năm 2008. Cô đã ở lại quá hạn và vẫn lưu lại Anh.

JA ra đời vào tháng Chín năm 2009. Ban đầu, giấy khai sinh của cậu bé chỉ ghi tên người mẹ là TR mà không có tên cha.

Vào ngày 23 tháng Mười năm 2009, TR nộp đơn xin tị nạn và vào ngày 12 tháng Một năm 2010, Bộ Nội vụ từ chối đơn này.

ISA nộp đơn xin đại diện cho hai mẹ con vào tháng Tư năm 2010, nhưng JA và TR đã bị tạm giữ trong khoảng từ ngày 9 đến 21 tháng Năm năm 2010.

Phiên tòa tại tòa án địa phương diễn ra vào tháng Mười năm 2017 và phiên tòa kháng cáo diễn ra vào tháng Mười năm ngoái.

VietHome (Theo Guardian)