• Hyeon, một phụ nữ Việt Nam đã ly hôn với chồng Hàn, dựng lều sống 5 năm dưới gầm cầu ở Seoul vì "muốn ở gần con", trước khi bị cảnh sát bắt.

    Cảnh sát quận Dongdaemun ở thủ đô Seoul ngày 22/4 thông báo Hyeon, 44 tuổi, một phụ nữ Việt Nam nhập cư, đã bị bắt với cáo buộc phá hoại tài sản công cộng sau nhiều năm sống vô gia cư dưới gầm cầu Jungnang.

    Theo cảnh sát, Hyeon đến Hàn Quốc kết hôn với người chồng Hàn bị thiểu năng trí tuệ. Hai người có một con chung, song ly hôn vào năm 2016. Hyeon cho hay cô thường xuyên bị mẹ chồng bạo hành tinh thần vì "không chăm sóc tốt chồng con" và kém tiếng Hàn.

    Hyeon chuyển đến sống tại trung tâm chăm sóc phụ nữ vô gia cư trong hai năm, nhưng cho biết bị bắt nạt tại đây nên quyết định dựng một túp lều dưới gầm cầu Jungnang bên sông cùng tên, vốn là một nhánh sông Hàn, từ năm 2019 cho đến khi bị bắt.

    Trong 5 năm, do sống ở lều và không có địa chỉ cụ thể, Hyeon không nhận được trợ cấp cơ bản, sống nhờ tiền xin từ người qua đường.

    lay chong thieu nang
    Gầm cầu Jungnang nơi Hyeon dựng lều sống trong 5 năm qua. Ảnh: Korea Daily

    Giới chức quận Dongdaemun từng đề xuất đưa Hyeon tới trung tâm dành cho người vô gia cư, cũng như giúp cô học tiếng Hàn, nhưng cô từ chối. "Chúng tôi nhiều lần tìm cách thuyết phục cô ấy rời đi, nhưng cô ấy không chịu, khiến việc cung cấp chính sách trợ cấp gặp nhiều khó khăn", một quan chức chính quyền quận cho hay.

    Chính quyền đã yêu cầu Hyeon rời khỏi căn lều, nhưng người phụ nữ này không chấp hành. Ngày 26/3, Hyeon dùng búa đập phá và châm lửa đốt một chiếc máy trong nhà kho tại văn phòng quận. Đám cháy được kiểm soát sau 20 phút, không có thương vong về người.

    "Tôi tức giận với những người dọn dẹp sông Jungnang. Họ dán giấy yêu cầu tôi rời lều, còn chụp ảnh tôi nữa", Hyeon cho hay. "Tôi không muốn quay lại trung tâm dành cho người vô gia cư để tiếp tục bị bắt nạt. Tôi muốn sống gần con".

    Hyeon sẽ phải hầu tòa vào tháng sau.

    Phụ nữ Việt Nam kết hôn với chồng Hàn nhiều nhất trong số các cô dâu nước ngoài, chiếm 33,5%. Nhiều phụ nữ Việt chọn nhập tịch Hàn Quốc sau khi lấy chồng bản địa. Truyền thông nước này gần đây cho hay số lượng phụ nữ Việt kết hôn với đàn ông Hàn để lấy quốc tịch rồi ly hôn đang tăng vọt.

    VnExpress (theo Hankyung)

  • Người đàn ông 40 tuổi được miễn tố về hành vi lái xe khi say rượu vì bác sĩ xác nhận cơ thể anh ta mắc hội chứng "lên men tự động".

    Luật sư Anse Ghesquiere ngày 22/4 cho hay tòa án cảnh sát thành phố Bruges (Bỉ) đã tuyên trắng án cho thân chủ của cô sau khi thẩm phán xác định anh không có triệu chứng say rượu mà chỉ mắc hội chứng "lên men tự động" (ABS), tình trạng cực kỳ hiếm gặp khi cơ thể tự sản xuất rượu do nồng độ ethanol trong máu cao.

    Ba bác sĩ độc lập xác nhận anh này mắc chứng ABS. Trùng hợp là thân chủ của Ghesquiere cũng làm việc trong nhà máy bia, theo nữ luật sư. Trên thế giới chỉ có 20 người mắc bệnh này.

    Người đàn ông này đã bị cảnh sát kiểm tra vào tháng 4/2022 và có kết quả đo nồng độ cồn trong hơi thở là 0,91 mg/1 lít khí thở. Một tháng sau đó, anh lại bị kiểm tra và phát hiện nồng độ cồn là 0,71 mg.

    Bỉ quy định nồng độ cồn cho phép là 0,22 mg/1 lít khí thở, tương ứng với nồng độ cồn trong máu là 0,5 gram/lít. Vào năm 2019, người đàn ông từng bị phạt tiền và treo giấy phép lái xe dù khẳng định mình không uống rượu.

    uong ruou lai xe
    Cảnh sát Bỉ kiểm tra nồng độ cồn của lái xe. Ảnh: Belga

    Người đàn ông đã không biết về hội chứng của mình trước khi có các kết quả kiểm tra gần đây. Anh đang theo chế độ ăn ít carbohydrate để tránh cho dạ dày sản xuất nhiều cồn hơn.

    Lisa Florin, nhà y sinh học lâm sàng tại bệnh viện AZ Sint-Lucas, cho hay người mắc chứng ABS tự sản sinh cồn giống như trong đồ uống có cồn nhưng ít bị tác động hơn. Đây không phải chứng bệnh bẩm sinh mà bệnh có thể phát triển khi người mắc bệnh đường ruột. Bệnh nhân có thể biểu hiện các triệu chứng như ngộ độc rượu gồm nói ngọng, đi đứng không vững, mất chức năng vận động, chóng mặt và ợ hơi.

    ABS có thể khiến người ta bị phạt nếu bị kiểm tra thổi nồng độ cồn. Hội chứng này được ghi nhận lần đầu vào những năm 1970 ở Nhật Bản, nguyên nhân do nồng độ men ở dạ dày cao bất thường. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa phát hiện lý do nấm men phát triển trong ruột người. Một phụ nữ ở ngoại ô New York năm 2015 cũng được trắng án tội lái xe khi say rượu sau khi được chẩn đoán mắc ABS.

    VnExpress (Theo Reuters)

  • Cơ quan cảnh sát tỉnh Nambu, Hàn Quốc bắt giữ một người Việt nhập cư trái phép ở độ tuổi 20 vì không chịu tuân lệnh dừng xe và lái xe không có giấy phép.

    Theo KBC , cơ quan cảnh sát tỉnh Nambu, Hàn Quốc đã bắt giữ một người Việt Nam nhập cư trái phép ở độ tuổi 20 vì không chịu tuân lệnh dừng xe của cảnh sát và lái xe không có giấy phép.

    nguoi viet o han quoc 1
    Cảnh sát Hàn Quốc dùng trực thăng truy bắt người Việt lái xe 200km/h. (Ảnh: ikbc)

    Cụ thể, vào khoảng 3 giờ chiều 10/2 (giờ địa phương), anh A đang lái xe trên làn đường xe buýt gần đường hầm Yangji theo hướng Gangneung, đường cao tốc Yeongdong ở Yongin, thành phố Kyunggi, thì bỏ qua lệnh dừng xe của cảnh sát và bỏ trốn.

    Khi đó, xe tuần tra của cảnh sát đã không thể tăng tốc đuổi theo do nguy cơ xảy ra tai nạn nếu truy đuổi chiếc xe bỏ chạy. Cuối cùng cảnh sát điều trực thăng và đã bắt kịp người này.

    Qua điều tra của cảnh sát, họ xác định anh A là người Việt nhập cư trái phép, không có giấy phép lái xe và một trong ba hành khách trên cũng là người nhập cư trái phép. Cảnh sát Hàn Quốc đã bàn giao hai người nhập cư trái phép, trong đó có anh A, cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.

    nguoi viet o han quoc 1
    Phương tiện vi phạm. (Ảnh: Cảnh sát Hàn Quốc)

    Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc được trang bị nhiều phương tiện bao gồm xe ô tô, xe buýt, xe máy và trực thăng. Xe ô tô bao gồm Hyundai Elantra cỡ trung, Hyundai Sonata cỡ trung và SUV SsangYong Korando C. Trung bình có hai hoặc ba xe ô tô cảnh sát ở mỗi khu vực, tuy nhiên ở những khu vực đông đúc có thể có tới 7 xe. Trong khi đó, các xe máy được sử dụng là loại có dung tích động cơ từ 1.170-1.690cc, chủ yếu cho hoạt động giao thông.

    Cảnh sát Hàn Quốc cũng sử dụng xe buýt cảnh sát. Các mẫu xe hiện đang được sử dụng là Hyundai Universe và Hyundai Super Aero City, và đang chuyển dần sang xe điện.

    Đối với trực thăng, cảnh sát Hàn Quốc sử dụng nhiều loại trực thăng khác nhau như Bell 412, Bell 206L-3, AgustaWestland AW119 Koala, AgustaWestland AW109C, Bell 212, KAI KUH-1 Surion và Mil Mi-172.

    Kênh 14 (Nguồn: KBC)

  • Sau gần 1 năm kể từ khi vụ việc thương tâm, gia đình bé trai vẫn đang nỗ lực đòi lại công bằng cho con của mình.

    Cuối năm 2022, vụ việc liên quan đến bé trai 9 tháng tuổi người Việt nghi bị bảo mẫu tại nhà trẻ ở Hàn Quốc bạo hành đến tử vong đã nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Theo đó, bé trai được gọi là Cheon sinh vào tháng 3/2022 và là con của một cặp đôi người Việt sinh sống tại thành phố Hwaseong, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc.

    Được biết, cha của bé Cheon sang Hàn Quốc làm việc năm 2011. Hai vợ chồng kết hôn năm 2018 và hạ sinh bé trai vào tháng 3/2022. Do chồng bị bệnh phải nghỉ việc một thời gian, mẹ của bé là chị V.T.N mới buộc phải gửi bé tại một nhà trẻ và tiếp tục đi học, đi làm kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, chỉ 5 ngày sau khi bé Cheon được gửi đến nhà trẻ, vụ việc đau lòng đã xảy ra.

    Theo cảnh sát, vào khoảng trưa 10/11/2022, do bé mãi "không chịu ngủ", Kim (66 tuổi) là bảo mẫu tại nhà trẻ đã đặt gối và đè lên người bé suốt 14 phút. Sau khi thấy bé trai không có phản ứng gì, Kim quay sang xem điện thoại và để mặc bé bị phủ chăn suốt 3 tiếng đồng hồ. Sau khi hết giờ trưa, do không thấy bé trai tỉnh dậy, Kim được cho là đã thực hiện hô hấp nhân tạo cho bé trai nhưng không được nên đã lập tức gọi 911.

    tre bi ba hanh 1
    Hiện trường tại trung tâm giữ trẻ, nơi xảy ra vụ việc thương tâm

    Vào ngày 11/11/2022, nghi phạm Kim đã chính thức bị cảnh sát bắt giữ với tội danh "Ngược đãi và sát hại trẻ em". Tuy nhiên, tội danh của Kim đã được chuyển thành "Bạo hành trẻ em dẫn đến tử vong" với hình phạt 19 năm tù. Ngoài án tù, tòa án còn yêu cầu Kim phải hoàn thành chương trình điều trị lạm dụng trẻ em kéo dài 120 giờ và bị hạn chế làm việc trong các cơ sở liên quan đến trẻ em trong 10 năm.

    Thẩm phán cho biết: "Rất khó để kết luận rằng nghi phạm có ý định phạm tội giết người nếu chỉ dựa vào kết quả cái chết".

    tre bi ba hanh 1
    Phiên tòa tuyên án sẽ được diễn ra vào ngày 22/11 tới đây

    Cầm di ảnh của con trai trước tòa, cha của bé Choen nói: "Đè lên một đứa bé trong 14 phút. Thật vô lý khi tòa cho rằng đây không phải một vụ giết người. Bị cáo cũng chưa từng xin lỗi chúng tôi".

    Trước hình phạt kéo dài 19 năm tù của Kim, gia đình bé Cheon đã quyết định thực hiện kháng cáo với mong muốn mức hình phạt nặng nhất đối với kẻ ác. Tại phiên phúc thẩm hôm 20/9, bên công tố đã giữ nguyên đề nghị như ở phiên sơ thẩm với mức án là 30 năm tù đối với bảo mẫu tại nhà trẻ. Được biết, phiên tòa tuyên án sẽ diễn ra vào ngày 22/11 tới đây.

    Kênh 14 (Nguồn: Daum, Korean Herald)

  • Tờ The Korea Times đưa tin vợ chồng người Việt sinh sống tại Hàn Quốc quyết kháng cáo bản án 19 năm tù giành cho giáo viên nhà trẻ để tìm công lý cho con trai.

    Khi Vo Thi Nhung kết hôn vào năm 2018, chị đang là giáo viên mầm non tại Việt Nam. Năm 2020, chị Nhung mang thai và nghỉ việc để cùng chồng (Tran Anh Dong) sang Hàn Quốc định cư.

    Tháng 3-2021, con trai họ (Tran Viet Bach) chào đời tại TP Hwaseong, tỉnh Gyeonggi. Đến tháng 11-2022, hai vợ chồng gửi con tới nhà trẻ. Thế nhưng 5 ngày sau, bé Bach qua đời tại cơ sở này.

    Theo báo The Korea Times, khám nghiệm tử thi cho thấy cậu bé bị chết ngạt. Cảnh sát điều tra cho biết giáo viên nhà trẻ muốn ép cậu bé ngủ và đã dùng vũ lực đè lên bé trong 15 phút.

    Công tố viên đề nghị mức án cho giáo viên là 30 năm tù. Bởi theo công tố viên, cái chết của em bé là vụ giết người do lỗi bất cẩn nghiêm trọng, trong khi bị cáo nói do "tai nạn". Chủ tọa phiên tòa kết án người này 19 năm tù vào tháng trước.

    Hai vợ chồng đã kháng cáo, cho rằng phán quyết chưa đủ tính răn đe. Anh Tran nói với The Korea Times: "19 năm chẳng có nghĩa lý gì. Bà ấy giết một đứa trẻ mà chỉ phải ngồi tù 19 năm? Chúng tôi đang đấu tranh để bà ấy chịu mức án hơn 19 năm".

    vo chong viet o han quoc 1
    Hai vợ chồng và con trai tại nhà riêng khi bé còn sống. Ảnh: The Korea Times

    Anh Tran vẫn nhớ hình ảnh khỏe mạnh của con trai. "Bé hoàn toàn khỏe mạnh, ăn ngon ngủ tốt. Và con trai tôi đột ngột qua đời. Thật khó chấp nhận" – anh chia sẻ với The Korea Times.

    Dư luận Hàn Quốc nhiều lần rúng động vì những vụ ngược đãi trẻ em. Theo các chuyên gia, việc ngược đãi chủ yếu xảy ra ở nhà, nhưng cũng có những vụ trẻ em bị ngược đãi do giáo viên giữ trẻ.

    Hai vợ chồng anh Tran sống trong cảm giác tội lỗi vì đã gửi con trai đến nhà trẻ.

    Anh Tran cho biết thêm: "Tôi phải phẫu thuật lưng và vợ đi học. Chúng tôi cần sự giúp đỡ và coi cơ sở giữ trẻ vào ban ngày là giải pháp. Nghĩ lại mới thấy chúng tôi thật ích kỷ. Tôi có thể hoãn cuộc phẫu thuật. Vợ đi học sau cũng được".

    Gần 6 tháng sau vụ việc, hai vợ chồng phải phụ thuộc vào thuốc ngủ đi điều trị tâm lý. Anh Tran thú nhận: "Chúng tôi cảm thấy chính mình đã giết chết con". Cả hai không thông báo cho cha mẹ chính xác những gì đã xảy ra. Anh Tran noi: "Chúng tôi chỉ nói cháu đã mất không nói nguyên nhân thực sự. Chúng tôi không muốn nói ra sự thật bởi họ sẽ lo lắng và đổ bệnh mất".

    Hai vợ chồng cũng có cuộc sống không dễ dàng ở Hàn Quốc. Anh Tran bị thương tại nơi làm việc nhưng người chủ Hàn Quốc từ chối trả tiền điều trị. Anh phải tự chi trả tiền phẫu thuật. Hiện tại, hai vợ chồng trang trải cuộc sống dựa vào nguồn thu nhập của chị Nhung. Chị Nhung có thị thực sinh viên, kiếm được chút đỉnh từ công việc bán thời gian.

    Dẫu vậy, anh Tran nói rằng hai vợ chồng "vẫn muốn định cư ở Hàn Quốc và gầy dựng gia đình nhưng không phải bây giờ. Khi chúng tôi có con, chúng tôi sẽ không gửi cháu đến nhà trẻ cho đến khi cháu biết nói".

    Kang Hee-soo, người điều hành một tổ chức phi lợi nhuận, cho rằng đứa bé có thể đã được cứu nếu các nhân viên cẩn thận hơn. Ông nhấn mạnh rằng các luật hiện hành ở Hàn Quốc phải được sửa đổi để phụ huynh có quyền truy cập camera quan sát thường xuyên và dễ dàng. "Chỉ như thế, nhân viên tại các cơ sở giữ trẻ sẽ mới cẩn thận hơn" – ông Kang nói với The Korea Times.

    Theo Người Lao Động

  • Một nhóm người Việt Nam vừa bị cáo buộc làm giả giấy phép lái xe để giúp các đồng hương nhận bằng lái xe tại Hàn Quốc dễ dàng hơn, cảnh sát nước này cho hay.

    Cơ quan Cảnh sát thành phố Busan, Hàn Quốc hôm nay 29/5 thông báo họ đã giam giữ một người đàn ông Việt Nam 28 tuổi và bắt 4 người khác, song không giam giữ, với cáo buộc can thiệp vào dịch vụ công và làm giả giấy tờ tùy thân.

    Cảnh sát Busan cũng triệu tập 26 công dân Việt Nam khác. Đây là những người đã đưa tiền cho nhóm đối tượng trên để lấy giấy phép lái xe Hàn Quốc bất hợp pháp.

    (Ảnh minh họa)

    Trước khi bị bắt, nhóm 5 người Việt Nam đã đăng quảng cáo trên mạng xã hội, hứa hẹn sẽ giúp các đồng hương tại Hàn Quốc nhận bằng lái xe của nước sở tại nếu họ chưa có bằng lái xe của Việt Nam hoặc gặp khó khăn trong việc nhận bằng lái xe của Hàn Quốc.

    Theo quy định hiện hành, Việt Nam là một trong 136 quốc gia ký thỏa thuận với Hàn Quốc, trong đó cho phép những người đã có bằng lái xe của Việt Nam có thể đổi lấy bằng lái xe của Hàn Quốc mà không cần tiến hành thêm các thủ tục hoặc các bài kiểm tra bổ sung.  

    26 công dân Việt Nam đã gửi hộ chiếu, tờ khai đăng ký dành cho người nước ngoài, ảnh chứng minh thư và số tiền từ 700.000 won (khoảng 58,6 USD) - 1 triệu won đến nhóm người trên. Nhóm này sau đó sẽ “phù phép” ra các bằng lái xe giả của Việt Nam và gửi lại cho khách hàng.

    Các khách hàng Việt Nam sau đó tới các trung tâm sát hạch lái xe tại Hàn Quốc để đổi các bằng lái xe giả của Việt Nam lấy bằng lái xe của Hàn Quốc.

    Cảnh sát Hàn Quốc cho biết nhóm đối tượng người Việt thậm chí còn “chế” vé máy bay giả trở về Việt Nam. Các khách hàng mang số vé giả này tới các trung tâm sát hạch để nhận lại bằng lái xe giả của Việt Nam mà họ đã nộp trước đó. Sau đó, họ sẽ xé bỏ các bằng lái giả này để tiêu hủy chứng cứ.

    Điều đáng lưu ý là vì lý do nào đó, các trung tâm sát hạch đã không thu lại các giấy phép lái xe của Hàn Quốc khi trả các giấy phép lái xe của Việt Nam cho nhóm công dân người Việt. Do vậy, ngay cả khi đã được trả lại các bằng lái xe của Việt Nam, 26 người Việt vẫn lái xe tại Hàn Quốc với bằng do nước này cấp.

    Cảnh sát Hàn Quốc đang đề nghị Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) mở cuộc điều tra để phát hiện thêm đồng phạm tại Việt Nam của nhóm làm giả giấy tờ trên. Cảnh sát cũng khuyến cáo Cục Đường bộ Hàn Quốc, cơ quan phụ trách quản lý giấy phép lái xe, khắc phục các lỗ hổng trong chương trình trao đổi giấy phép lái xe dành cho người nước ngoài.

    Viethome (theo Dân Trí)