• Từng nghĩ sẽ không kết hôn, không sinh con thêm lần nào nữa, nhưng sự xuất hiện của Adam đã thay đổi mọi quyết định của Anh Thảo.

    me viet 2 con lay chong my 1

    9h khuya, Anh Thảo đặt cậu con trai hai tháng tuổi vào tay mẹ đẻ rồi bước ra xe đi làm. Ngoài trời, tuyết đã phủ kín khắp thành phố Holland (Michigan, Mỹ), nhưng Adam Demaat, chồng chị đã xách túi ra xe, cào tuyết và nổ máy sẵn. "Từ ngày có anh, lúc nào tôi bước lên xe cũng ấm áp. Xăng thì chẳng bao giờ phải đổ", người phụ nữ 34 tuổi kể.

    Hạnh phúc này cũng là điều mà cách đây mấy năm, Anh Thảo từng nghĩ cả đời mình sẽ không bao giờ có.

    Năm 2014, cuộc hôn nhân đầu tiên của Anh Thảo đổ vỡ. Vợ chồng ly hôn nhưng vì không muốn các con thiệt thòi, chị và chồng cũ vẫn cố sống chung cùng một căn nhà, có điều sự cố gắng này cũng chỉ có thể kéo dài thêm hai năm trước khi Thảo phải dắt hai con và mẹ già 72 tuổi ra đi. "Lúc ra khỏi nhà, chồng cũ bảo với tôi: Sẽ không có người nào dám yêu một kẻ như cô. Lúc đó, tôi đã nghĩ có lẽ mình rất tồi tệ", chị kể.

    Để quên đi nỗi buồn và có thu nhập nuôi sống gia đình, người phụ nữ Việt lao đầu vào công việc bất kể ngày đêm. Một người bạn thấy Thảo tối ngày công việc nên rủ đến nhà người quen cũng ở thuê cùng khu phố chơi. Đó là lần đầu tiên chị Thảo gặp Adam Demaat. Chàng trai người Mỹ phải lòng chị ngay từ cái nhìn đầu tiên. "Cô ấy xinh đẹp và thánh thiện", anh bảo với người bạn chung của hai người.

    me viet 2 con lay chong my 1
    Adam Demaat hơn chị Thảo một tuổi. Lần đầu gặp, ấn tượng của cô gái Việt đây là một chàng trai già hơn tuổi, bụi bặm nhưng hiền lành. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Sau hai lần đến nhà anh chơi, Anh Thảo cũng lịch sự mời Adam qua nhà mình. Nhưng sau lần đó, không đợi mời, anh đến nhà chị mỗi ngày. Thấy gia đình người Việt bày mắm tôm, cá kho, canh chua, bún mắm, bún riêu... món nào anh chàng Mỹ cũng ngồi ăn ngon lành. Xong bữa, mẹ con chị chưa kịp dọn, Adam đã bê chén bát ra rửa. Biết chàng trai có ý định với mình, Thảo không hề mặn mà và nói thẳng với anh: "Tôi sẽ không kết hôn hay sinh con lần nào nữa nên anh đừng cố gắng".

    Bà Nguyễn Thanh Loan, 72 tuổi, mẹ Anh Thảo cũng "chặn đường" chàng trai người Mỹ bằng vốn ngoại ngữ ít ỏi: "Cậu đừng có theo đuổi Thảo nữa, đến lúc cậu bỏ con tôi nó lại khổ". Bà cũng sợ con gái sẽ đi vào vết xe đổ của cuộc hôn nhân đầu.

    Bất chấp sự "cứng rắn" của mẹ con bạn gái, Adam vẫn kiên định: "Chỉ có Thảo bỏ con chứ con không đời nào bỏ Thảo đâu", chàng trai với bà Loan. Về sau anh tâm sự, lúc đó cũng hơi "thấy khó khăn" nhưng "tôi tin tình yêu của mình có thể làm cô ấy thay đổi".

    Hàng ngày, anh vẫn tới nhà chơi với hai con gái của Anh Thảo là bé Tâm (12 tuổi) và bé Thi (8 tuổi). Người bạn mới của mẹ dạy đứa lớn học bài, đọc truyện cho đứa nhỏ nghe khi mẹ chúng đi làm ca đêm. "Hồi đó tiếng Anh của tôi chưa tốt, có bài vở gì con nhờ giảng tôi cũng không hiểu hết mà giúp con. Từ lúc có anh, mọi thứ rắc rối đều trở nên dễ dàng", Anh Thảo kể. Hai đứa trẻ cười nhiều hơn khi có người chơi cùng mỗi tối.

    Nhận ra sự xuất hiện của Adam đã lấp đầy khoảng trống trong gia đình nên Anh Thảo dần mở lòng. "Em đồng ý làm bạn gái anh nhưng vẫn sẽ không kết hôn", chị trả lời khi anh ngỏ lời vài tháng sau đó. Người mẹ hai con ngạc nhiên khi Adam, vốn là con trai duy nhất trong gia đình đồng ý với điều kiện đó. Hai người dọn về sống chung.

    me viet 2 con lay chong my 1
    Đôi vợ chồng Việt - Mỹ chụp ảnh cưới tại Việt Nam. Họ kết hôn sau một năm yêu đầy biến cố. Adam là con trai duy nhất trong gia đình có 3 con, dẫu vậy, khi yêu, anh chấp nhận quyết định không kết hôn, không sinh con của bạn gái. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Từng trải qua một mối quan hệ tình cảm, nhưng Adam chưa bao giờ được bạn gái chuẩn bị bữa trưa cho đi làm trước khi đến với chị Thảo. "Hầu như tối nào cô ấy cũng nấu ăn cho gia đình. Tôi được quây quần bên mâm cơm có mẹ, những đứa trẻ và bạn gái. Thực sự rất ấm áp", Adam kể.

    Một lần, Adam đột nhiên bị ngất xỉu, ngã xuống sàn, mạch máu mắt bị vỡ. Đi làm về, Thảo nhìn thấy mắt bạn trai sưng vù thì òa lên khóc. Chị lập tức đưa anh đến viện làm xét nghiệm, điều trị. Suốt một tuần anh phải nghỉ làm ở nhà, chị Thảo lo từng bữa ăn, phụ anh những bất tiện khi sinh hoạt. "Cô ấy cho tôi cảm giác bình an của một gia đình. Tôi thấy mình thật may mắn khi có cô ấy ở bên", chàng trai nhớ lại. Kể từ đó, anh ra sức chăm sóc cho bạn gái và hai con riêng của cô.

    Nhưng với Thảo, mọi chuyện lại không dễ dàng như vậy. Ám ảnh bởi câu nói của chồng cũ khiến chị dằn vặt, càng nghĩ về sự chăm sóc của Adam chị vẫn thấy áy áy và cho rằng mình không xứng đáng với tình yêu này. "Đáng ra, Adam phải gặp được người phụ nữ tốt hơn. Một người có thể cho anh ấy mái ấm gia đình và những đứa con", chị nghĩ và thi thoảng lại kiếm cớ giận dỗi để chia tay bạn trai Mỹ.

    Một hôm, thấy Thảo trằn trọc mãi không ngủ, Adam hỏi lý do. Cô bạn gái nói hết những điều trăn trở. Chàng trai lại khẳng định việc không sinh con, không kết hôn không ảnh hưởng đến gia đình anh. Tuy nhiên, chị vẫn không thoát được suy nghĩ của mình. "Nếu em còn tiếp tục như vậy anh sẽ về nhà", Adam lớn tiếng. Đó là lần đầu tiên anh nổi giận với bạn gái.

    Lúc đó là hai giờ sáng, trời Holland những tháng mùa đông tuyết phủ kín, buốt lạnh. "Thôi anh ở hết đêm nay hẵng về", Thảo khuyên anh khi nhìn ra ngoài trời. "Nếu em vẫn muốn chia tay, anh ở đây có ý nghĩa gì nữa", Adam nói. "Vậy nếu anh về thì mang hết quần áo về hết đi", cô quát lên rồi lấy bao đựng rác nhét tất cả quần áo của bạn trai vào, ném ra cửa.

    Quay vào phòng, khi Adam đã rời đi, nỗi trống trải bủa vây lấy chị. Thấy mình đối xử tệ với Adam nên Thảo nhắn tin xin lỗi: "Chúc anh sẽ tìm được người phụ nữ có thể cho anh một gia đình hạnh phúc và những đứa con xinh đẹp". Adam không phản hồi.

    Trằn trọc mãi, bốn giờ sáng, chị nhìn ra cửa sổ, thấy xe Adam vẫn đậu trước cửa nhà nên nhắn hỏi: "Có phải xe hỏng không?". Không có hồi đáp, chị gọi điện, nhưng chàng trai Mỹ tắt máy.

    Hơn 6h, chị nhìn xuống dưới nhà, xe của anh không còn ở đó. Về phòng, chị mở Facebook thì thấy anh đã đổi ảnh đại diện vốn là hình hai người sang tấm khác. "Thôi, coi như mọi chuyện đã hết. Nhưng thà đau một lần rồi thôi", chị tự nhủ.

    Thảo nhắn tin tâm sự với chị gái và người bạn thân. Cả hai người đều mắng chị "không tiếc lời", phân tích mọi lẽ và kết luận: "Một người tốt như vậy tại sao lại bỏ lỡ". Như được đánh thức, giữa trưa, chị nhắn tin xin lỗi anh: "Em đã biết mình sai ở đâu rồi".

    "Em không có lỗi, chúng ta bắt đầu lại nhé. Với anh, em hoàn toàn không có lỗi", Adam nhắn lại ngay lập tức và chỉ ít phút sau đã quay lại với cái túi đựng rác đầy quần áo. "Anh hứa sẽ đem lại hạnh phúc cho em và các con", chàng trai ôm lấy cô gái Việt.

    Một tháng sau, Thảo sang nhà Adam ra mắt bố mẹ anh. Chỉ 10 phút lái xe mà người phụ nữ Việt thấp thỏm không yên. Chị lo sợ gia đình anh sẽ không đón nhận khi biết mình đã có hai con riêng. Tuy nhiên, bà Cindi và ông Randy, bố mẹ Adam, chào đón khách bằng những cái ôm. Mẹ Adam thi thoảng lại nhìn chị mỉm cười và khen bạn gái của con xinh đẹp. Sau lần gặp đầu, bà gửi đến căn hộ của chị Thảo một tấm thiệp: "Tôi rất vui vì biết Thảo và con trai tôi yêu nhau. Hy vọng hai đứa sẽ tiến triển tốt đẹp".

    me viet 2 con lay chong my 1
    Hiện tại, vợ chồng Adam sống cùng với hai con riêng của vợ, mẹ vợ. "Chỉ cần yêu thương chân thành, rào cản giữa con riêng của vợ với bố dượng sẽ không còn", anh Adam nói. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Lễ Giáng sinh, chị Thảo đưa hai con đến chơi nhà bạn trai. Ông Randy tổ chức các trò chơi cho bé Tâm. Bà Cindi dạy bé Thi làm bánh. "Chấp nhận đến với Adam nhưng tôi vẫn không dám mơ về một đám cưới. Chính bố mẹ anh đã giúp tôi tin mình xứng đáng có được tình yêu trọn vẹn", chị Thảo nói.

    Đám cưới tổ chức năm 2017, bé Tyler chào đời cùng năm đó. Hiện tại, vợ chồng chị Thảo có thêm con trai Tyson (2 tháng), bên cạnh hai con riêng của chị. Họ vừa chuyển đến căn nhà mới khang trang hơn, với năm phòng ngủ, để mẹ và các con của đôi vợ chồng Việt - Mỹ được sống quây quần, sung túc.

    Sau ca làm việc, chị Thảo trở về nhà khi chồng đã chuẩn bị sẵn bữa sáng cho cả gia đình. Thảo đi một vòng, lần lượt hôn lên trán những đứa con đang ngủ say và đánh thức chúng. "Nếu còn sức, em lại sinh thêm con cho anh, honey!", chị đùa với Adam.

    Theo Vnexpress

  • Từng dự định làm được bao nhiêu cũng dành hết cho du lịch, nhưng cuộc đời Anthony đột ngột chệch hướng khi gặp Tú Uyên. Muốn cưới cô, anh phải vay tiền mẹ vợ và ở rể.

    Anthony Le Donge run run mở gói quà mà cô bạn gái người Việt, Phạm Tú Uyên tặng cho anh trong ngày lễ Valentine. Trong hộp quà là hai đôi tất và một con gấu bông - thông điệp là một cái gật đầu với lời tỏ tình trước đó của anh. Chàng trai người Pháp xúc động thì thầm: "Cảm ơn em! Em là cô gái đầu tiên đáp lại tình yêu của anh".

    Tú Uyên mỉm cười. Cô nhớ lại lần gặp gỡ đầu tiên của hai người ở chợ đêm Luang Prabang, Lào, cách đây mấy tháng. Qua sự giới thiệu của một người chị họ, hai người đến điểm hẹn nhưng ngay khi thấy Anthony xuất hiện cùng với áo ba lỗ, quần soóc, tóc và râu rậm như dân du mục, cô gái Việt lập tức kéo tay chị họ định đi trốn.

    "Lần đầu nhìn thấy ngoại hình của anh ấy chỉ muốn bỏ chạy thật xa", Tú Uyên kể câu chuyện xảy ra cách đây gần bốn năm.

    vay tien me vo
    Tú Uyên và Anthony trong chuyến cô qua thăm tháng 4/2017. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Khi đó, Tú Uyên 33 tuổi, làm quản lý các căn hộ dịch vụ tại TP HCM. Gia cảnh, ngoại hình Uyên đều tốt, chỉ đường tình duyên lận đận. Anthony bằng tuổi cô nhưng đã có kinh nghiệm 5 năm làm trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn ở nhiều nước như Anh, Australia, Canada. Hai người gặp nhau khi chàng trai Pháp đang trong chuyến du lịch vòng quanh châu Á. Phải lòng cô gái Việt nên thay vì kết thúc hành trình ở Lào rồi về quê nhà Pháp, Anthony sang Việt Nam để có cơ hội gặp lại Tú Uyên. Trong cuộc gặp thứ hai, chàng trai cắt tóc, cạo râu, ăn mặc gọn gàng. "Anh ấy lột xác hẳn. Tôi bắt đầu có thiện cảm hơn vì thấy thực ra anh cũng để ý đến cảm nhận của tôi", cô gái chia sẻ.

    Sau ngày Valentine năm đó, tháng 4, cô bay qua Pháp thăm bạn trai. Tháng 5, Anthony sang Việt Nam lần nữa để ra mắt gia đình bạn gái. Uyên nhận ra "mình cần người đàn ông như anh ấy, chân thật, ấm áp và thích trẻ con". Còn Anthony, không còn đặt mục tiêu làm việc kiếm tiền đi du lịch nữa, kể từ khi yêu cô gái Việt, anh chỉ mơ về "ngôi nhà và những đứa trẻ".

    Mong muốn này đến nhanh hơn anh tưởng. Mới ba tháng chính thức yêu nhau, Uyên báo tin đã có bầu và muốn làm đám cưới. Gia đình và bạn bè Anthony khuyên anh nên cẩn thận, có thể cô gái muốn có quốc tịch Pháp nên bắt cưới. Họ cũng tư vấn hai người có thể sống chung không đăng ký kết hôn, hoặc phải làm hợp đồng tiền hôn nhân. "Trước đây tôi chưa từng nghĩ đến kết hôn vì không hy vọng có người yêu mình. Nhưng khi gặp Uyên, yêu và được đáp lại, tôi sẽ cố gắng để có một gia đình hạnh phúc", Anthony đã trả lời.

    Nhưng áp lực lớn nhất với chàng trai không phải chuyện kết hôn mà là tiền. Chuyến đi vòng quanh châu Á đã "đốt" hết số tiền anh có. Để kết hôn, anh cần ít nhất một năm tiết kiệm. Đang trong lúc loay hoay chưa biết xoay xở ra sao thì bà Hiền, mẹ của Uyên đề nghị cho chàng rể tương lai mượn tiền. "Tôi vô cùng cảm kích mẹ. Tôi hứa sau đám cưới sẽ đi làm trên tàu du lịch để nhanh có tiền trả", Anthony kể về khoản vay 5.000 đôla.

    Chưa kịp trút được gánh nặng tiền bạc thì chàng trai lại gặp phản đối gay gắt từ bố Uyên. Ông Kiên kịch liệt phản đối cuộc hôn nhân. "Nhà mình không nghèo và thiếu gì đàn ông Việt tốt mà con phải lấy chồng xa", ông nói.

    Ba mẹ con bà Hiền ra sức thuyết phục ông với lý lẽ "tình duyên của Uyên lận đận, bao năm mới gặp được người vừa ý". Họ hàng cũng kéo đến đả thông tư tưởng. Tình hình căng thẳng suốt nửa tháng. "Cuối cùng ba mình đồng ý với điều kiện Anthony phải ở rể ít nhất hai năm", Tú Uyên cho hay.

    Chàng trai đành chấp nhận điều kiện của ông bố vợ tương lai. Đôi uyên ương làm đám cưới vào tháng 7 năm đó.

    vay tien me vo 2
    Vợ chồng Tú Uyên bên gia đình nhà trai trong ngày cưới tháng 7/2017. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Hai tuần sau hôn lễ, Anthony chính thức bay qua Mỹ làm nhân viên phục vụ quầy bar trên tàu du lịch Disney Cruise. Công việc kỷ luật cao như quân đội, bắt đầu từ 5h sáng và kết lúc lúc nửa đêm, không có ngày nghỉ cuối tuần để thư giãn hay hồi phục sức khỏe. Phòng ngủ bé xíu, không hề có không gian riêng và liên tục thay đổi bạn cùng phòng.

    "Nhiều hôm mắt tôi thâm như gấu trúc. Muốn ngủ thêm nhưng chuông reo phải cố dậy. Cứ phải tự nhủ sắp được về gặp vợ con, không được bỏ cuộc", anh nói. Cùng đợt làm của anh đã có vài người bỏ cuộc trước bởi cường độ công việc quá căng thẳng.

    Anthony tâm sự, những khó khăn vất vả khi làm việc trên tàu không "thấm vào đâu" với sự dằn vặt vì không thể ở bên vợ trong giai đoạn mang bầu. Mỗi ngày anh đều phải tranh thủ nói chuyện với vợ vào giờ giải lao và tan ca. Qua video, anh thấy bụng vợ ngày một lớn. "Bao lần tôi hình dung ra cảnh chạm tay vào bụng vợ, cảm nhận được những cái đạp của con", anh nói.

    Kết thúc một năm đi làm để trả nợ mẹ vợ, Anthony bay về Việt Nam và bước vào thời kỳ ở rể. Ngày 3 bữa vợ chồng Anthony ăn cùng bố mẹ. Với 5 năm kinh nghiệm làm khách sạn nên chàng rể nhận hết việc rửa bát, lau dọn và hay cùng bố vợ xem tennis, đi câu.

    Hai tuần sau khi anh về thì vợ sinh. Từ lúc đó, mọi việc trong nhà một tay anh làm hết. Qua ba tháng, khi con cứng cáp, anh đi xin việc làm. Thi thoảng Anthony trổ tài nấu vài món Pháp cho gia đình. Vốn tiếng Việt của Anthony khá tốt nên lũ trẻ trong họ ai cũng thích.

    Ông Kiên chia sẻ: "Tôi sợ con gái qua đó bị người ta gạt, sống khổ sở nên ra điều kiện ở rể để xem cách cậu ấy đối xử với con và cháu mình thế nào". Sau một thời gian, thấy chàng rể hiền và ngoan. Nhìn cách con rể chăm con gái và cháu ngoại mình, ông yên tâm hẳn.

    vay tien me vo 2
    Vợ chồng Tú Uyên và anh Anthony thích cuộc sống giản dị, làm vừa đủ, sống hạnh phúc bên nhau. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Khi em bé tròn 16 tháng tuổi, vợ chồng ông Kiên gọi hai con lại cho phép về Pháp. Trước lúc về, ông cho cặp vợ chồng trẻ một khoản tiền lớn. Tuy nhiên, Anthony không mang về Pháp mà để lại ở Việt Nam như một khoản riêng cho vợ con. Về nước, với sự giúp đỡ của bố mẹ vợ, hai vợ chồng Tú Uyên cũng mua được một ngôi nhà nhỏ vùng ngoại ô. Hiện Anthony làm quản lý trong một nhà hàng và dự định mở một cửa hàng ăn nhanh.

    Hơn một năm qua Pháp, Tú Uyên có cuộc sống êm đềm bên chồng con. Gia đình nội sống quần tụ xung quanh. Uyên ấn tượng nhất thời điểm mới qua sống ở vùng Bretagne, con đến trường, cô cũng đi học. Trên những chuyến xe bus mỗi ngày, cô có dịp trải nghiệm toàn cảnh khu mình sinh sống với đường bờ biển trải dài, những cánh đồng cải vàng rực rỡ, đàn bò dê thẩn tha gặm cỏ... Ở đây, cô thường gặp một cô bé hay một anh chàng cầm ổ bánh mỳ đi bộ trên đường, các đôi tình nhân thể hiện tình yêu với nhau không chút e dè, các ông bà lão tay trong tay xách giỏ đi chợ... Tất cả đều bình yên và lãng mạn.

    "Ở Việt Nam mình không thiếu gì, chỉ thiếu người hiểu mình. Bên này dù được xem là kinh đô ánh sáng, mình lại sống giản dị, mà vẫn thấy thoải mái. Chỉ cần có chồng, có con bên cạnh, ngày nào cũng ôm hôn vui vẻ là đủ rồi", Tú Uyên bộc bạch.

    Theo VnExpress

  • Sống ở trang trại nhà chồng có 300 con bò, đi vài cây số mới thấy một nóc nhà, uống nước mưa, dùng điện từ năng lượng mặt trời, Thanh Thảo toan bỏ về nước.

    Tối 27/10, để mừng sinh nhật tuổi 24, Đỗ Thanh Thảo rủ chồng lái xe vượt 200 km về về Melbourne, Australia. Họ dự định sẽ đến ăn ở một nhà hàng sau 6 tháng ở lì trong trang trại với bò, cừu, ngựa, lạc đà và một chú chó già nhận nuôi ở trạm cứu hộ. Nhưng đi 10 km, rồi 20 km, họ vẫn không thể tìm thấy nhà hàng nào mở cửa do đại dịch. Đôi vợ chồng son suýt quên mất ngoài kia, cả thế giới đang "đóng băng" vì Covid-19.

    Mark Jackman, 36 tuổi, đành đưa vợ ngược về trang trại trên đồi. Họ cùng ăn món thịt nướng. Anh chồng vừa bê ba chiếc bánh ngọt nhỏ bằng lòng bàn tay thắp nến vừa hát: "Chúc mừng sinh nhật em Thảo ba tuổi". Tiếng cười rộn lên, phá tan sự yên tĩnh của đêm miền nam Australia.

    Đây là sinh nhật giản dị nhất và cũng là lần đầu cô gái Hà Nội đón tuổi mới mà không có ba mẹ, chị và em gái bên cạnh.

    theo chong lam nong 1
    Bao quanh nhà Thảo là đồi núi. Hàng ngày, cô phải đi chăn bò, đào đất, bón phân, tưới nước cho cỏ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Trước khi sang đây, Mark và Thảo đều là giảng viên tại một trung tâm tiếng Anh ở Hà Nội. Một lần, Mark bị ngã xe nên không lên lớp. Cả trường không ai hỏi thăm, duy nhất có Thảo nhắn tin cho anh. Thực ra, cô gái đang "bức xúc" vì dạy cùng một lớp nhưng anh nghỉ đột xuất, để cô một mình phải quản lý 20 học viên tinh nghịch. Sau lần đó, người này chú ý đến người kia hơn. Những lần trò chuyện, những buổi gặp gỡ dày lên, nuôi lớn tình yêu trong lòng họ.

    Nhưng ba mẹ Thanh Thảo không nghĩ vậy. Ba cô đã dự định sau khi ngôi nhà mới hoàn thiện sẽ xây một khu riêng để con gái mở trung tâm tiếng Anh. Chàng trai ngoại quốc bỗng nhiên xuất hiện, có ý định "ẵm con gái về xứ lạ" nên ba Thảo kịch liệt phản đối. Quan trọng hơn, họ lo Mark có thể đã có gia đình ở quê nhà, trách con "sống giữa thủ đô chứ có phải thiếu thốn mà phải lấy chồng Tây".

    Nhưng tiếp xúc với Mark, họ quý anh và nhận ra tình yêu của hai con nghiêm túc. Đôi trẻ được ba mẹ cho kết hôn sau khi chàng trai xứ chuột túi "nộp" chứng nhận độc thân cho mẹ vợ tương lai.

    theo chong lam nong 1
    Hôn lễ của Mark và Thảo được tổ chức ở Hà Nội, bên những người thân yêu của cô. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Sau đám cưới hồi tháng 9 năm ngoái, hai người định vào Quy Nhơn khởi nghiệp. Nhưng lúc này, bố mẹ Mark Jackman đều đã già. Trang trại ở quê nhà sớm muộn Mark cũng cần đảm nhiệm. Vì vậy, cả hai quyết định về quê chồng.

    Từng đến thăm trang trại của gia đình chồng một lần, Thanh Thảo cảm nhận không khí trong lành đến độ hít thở cũng thấy "oxy đi qua não". Nhưng đến sống, cô mới thấm hết cái khổ khi làm nông dân.

    Từ quốc lộ vào đến trang trại của gia đình là đường đồi quanh co, chỉ có hai nóc nhà, mỗi nhà cách nhau 1 km. Họ sống nhờ tích trữ nước mưa, dùng điện từ pin năng lượng mặt trời. Đêm xuống, bao quanh họ chỉ có màu đen đặc, tiếng gió cuộn với tiếng bò, tiếng dê. Mùa hè tới, rắn, rết xuất hiện khắp nơi. Có lần, Thảo hét toáng lên khi thấy một con rắn nhỏ đến tận cửa nhà, ngóc đầu nhìn cô.

    Nhà chồng nuôi 300 con bò. Cứ năm ngày, hai vợ chồng phải lùa gần 100 con từ đồi này sang đồi khác để tưới phân cho cỏ mọc lại. Hai vali chỉ toàn quần áo đi dạy, đi chơi, giày cao gót, mang từ Việt Nam sang, cô gái dồn vào một góc tủ.

    Mỗi sáng, Thảo cột cao mái tóc dài, mặc áo phông, đeo ủng, găng tay, đội mũ rộng vành cùng chồng lùa bò lên đồi. Cô gái Hà Nội chưa từng biết đến việc nhà nông giờ phải học cách cầm cuốc đào đất, trồng rau, cho bò uống sữa. Những ngày mưa bão, cây cối đổ rạp, hai vợ chồng cầm cưa đi đốn, sửa lại hàng rào. Có lần, Thảo phải vác cả con bê từ đồi cỏ về nhà vì nó bị mẹ bỏ. Hàng ngày, hai vợ chồng thay nhau pha sữa đổ vào bình bón như trẻ con.

    Một chiều, Mark lái xe chở vợ lên đồi lùa bò về. Đập vào mắt cô là hai con bò nằm sõng soài. Một con chết chẳng rõ lý do, một con bị kẹt vào hàng rào. Bế chúng trên tay, Thảo bị sốc. "Lúc đó, mắt tôi dại đi vì những thứ chưa từng thấy và làm bao giờ. Tôi nhớ Hà Nội đông đúc đến cồn cào, nhớ bữa cơm bên gia đình, nhớ quán trà sữa và thèm được chạy xe máy giữa con đường chật cứng người và khói bụi", Thảo kể.

    Bà Kim Dung, 49 tuổi, hay gọi sang hỏi han con gái những ngày đầu Thảo theo chồng. Nghe giọng, thấy con nói chuyện với mình mà chỉ ngồi thu lu một chỗ, bà biết con buồn. "Xa ba mẹ, lại sống ở nơi khác hẳn cuộc sống trước đó làm sao không buồn được. Nhưng gọi điện về, con bé chẳng bao giờ than thở một lời. Nó chỉ nói nhớ nhà, nhớ Hà Nội", người mẹ kể.

    Không thể thích nghi với cuộc sống mới, không dám chia sẻ vì sợ ba mẹ buồn, Thảo stress nặng. Cô hay nổi cáu với chồng. Mark hiểu vợ đang trải qua những ngày khó khăn vì mình nên luôn kiên nhẫn. Nhưng một lần, cả hai vào siêu thị, vì một lý do rất nhỏ, hai người cãi lộn. Mark xin lỗi nhưng về nhà rồi cô vợ vẫn tỏ ra khó chịu.

    Lúc chồng sang nhà bố đưa đồ ăn, Thảo bỏ khỏi nhà, không cầm điện thoại. Đêm đó, trong trí nhớ của cô là một ngày trời mưa bão. Gió rít từng cơn. Đường tối mịt mù vì không có điện. Mark lao xe đi tìm vợ thì thấy cô ướt sũng bên vệ đường. Anh chồng chạy tới dìu vợ lên xe. Nhưng về nhà, Thảo càng nổi loạn.

    "Cô ấy la hét nói không muốn ở đây nữa và đòi về Việt Nam", Mark kể. Anh giữ chặt hai vai để vợ bình tĩnh lại: "Em muốn ở đây hay về nước do em quyết định. Anh không cản em, nhưng đừng tự làm đau mình". Sau đó, Mark lặng lẽ nấu bữa tối, dặn vợ đi ngủ sớm để đầu óc tỉnh táo.

    theo chong lam nong 1
    Bón sữa cho những chú dê yếu ớt hoặc bị mẹ bỏ rơi là công việc quen thuộc của vợ chồng Thảo. Ảnh: Nhân vật cung cấp. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Cách hành xử của chồng đột nhiên làm Thảo hối lỗi. Đêm xuống, cô tĩnh tâm hơn. "Tôi nhận ra đây không phải là gia đình chồng nữa, mà là gia đình mình rồi. Không thể cứ tiếp tục để nỗi nhớ nhà khiến mình stress và hành xử trẻ con nữa. Phải coi đây là nhà của mình thì sẽ sống với một tâm thế khác", cô bừng tỉnh.

    Sáng hôm sau, Thảo dậy sớm, vác cuốc ra vườn làm luống trồng rau, trồng thêm cây ăn quả. Cô học lái xe ôtô và thi lấy bằng để không phụ thuộc chồng. Thi thoảng, Thảo tự lái xe lên phố để khuây khỏa. Một ngày, hết lên trang trại nuôi bò, lại về làm vườn, chăm động vật, hai vợ chồng lăn ra ngủ, chẳng còn thời gian để buồn chán và nghĩ ngợi.

    Thảo thường tranh thủ lúc rảnh rỗi chụp hình một chú bò mới sinh, cảnh đang cho dê con uống sữa bình hay cây đào đang ra hoa gửi cho ba mẹ. "Trước đây nó chưa nuôi con vật nào nhưng giờ lại biết yêu và trân trọng những thứ xung quanh đến vậy", bà Dung nói.

    Một lần, hai vợ chồng trẻ cùng đến Trạm cứu hộ để nhận nuôi một chú chó. Đi qua các chuồng, con nào cũng chạy ra vẫy đuôi, nhưng có một chú chó trắng muốt, to lớn chỉ ngồi gọn một chỗ, điềm tĩnh ngửi tay rồi nhìn theo... Nhân viên trong trạm nói nó ở đây nhiều năm nhưng vì to lớn, nhiều tuổi nên không ai chọn. Thảo và chồng quyết định đón về. Chú chó ngoan ngoãn, vâng lời và thích chui vào lòng mọi người. Thảo cũng bớt cô đơn khi có thêm chú chó làm bạn. Vợ chồng cô gọi nó là con.

    Cô cũng trân trọng cuộc sống mình đang có hơn khi nhìn thấy cảnh động vật, kể cả vật nuôi phải đấu tranh để sinh tồn. Bỗng nhiên, Thảo cảm giác tiếc nuối vì bỏ lỡ nhiều vẻ đẹp của thiên nhiên khi 23 năm trước đó chỉ quen với phố phường tấp nập.

    Sự chăm chỉ, bắt nhịp tốt với cuộc sống mới của cô con dâu ngoại quốc khiến bố mẹ chồng Thanh Thảo bớt bận lòng. "Chúng tôi chỉ cần con hạnh phúc, làm gì, ở đâu cũng được. Thấy thảo thích nghi nhanh với cuộc sống bên này, tôi rất mừng", ông David, 70 tuổi, bố chồng Thảo nói.

    Còn hạnh phúc như nhân đôi với Mark vì cô vợ trẻ trưởng thành mỗi ngày và điềm tĩnh hơn trong mọi việc.

    Đôi vợ chồng son dự định sẽ sống lâu dài ở trang trại, đặt những mục tiêu nhỏ để dần hoàn thiện mình. Ước mơ của họ là có thể mở một nhà hàng để thỏa đam mê ẩm thực và sở thích ăn uống.

    Sáng nay, Đỗ Thanh Thảo sẽ bắt đầu tuổi 24 ở một nơi cách xa quê nhà gần 8.000 km. Nơi đây, mở mắt ra, cô sẽ được hít căng lồng ngực thứ không khí mát lành và ngắm những ngọn đồi xanh mướt, nối tiếp nhau đến tận chân trời.

    Nguồn: VnExpress

  • Là mẹ chồng giàu nhất châu Á, bà Nita Ambani vừa tặng cho cô con dâu xinh đẹp của mình món quà cưới không thể nào quên, SCMP đưa tin.

    me chong giau nhat chau a 1
    L’Incomparable – vòng cổ kim cương đắt nhất thế giới – được nữ tỷ phú Ấn Độ mua tặng con dâu (ảnh: SCMP)

    Bà Nita Ambani là phu nhân của tỷ phú Ấn Độ giàu số 1 châu Á – ông Mukesh Ambani. Mới đây, Tập đoàn Reliance Industries của hai vợ chồng tỷ phú vừa thu về 123,8 tỷ USD vào khối tài sản khổng lồ, bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19.

    Gia tộc Ambani giờ không chỉ giàu nhất châu Á mà còn lọt top 10 gia đình giàu có nhất thế giới. Nguồn tiền của bà Nita Ambani và chồng chủ yếu đến từ các khoản đầu tư khổng lồ của Facebook và Google vào nền tảng kỹ thuật số của tập đoàn.

    Với độ giàu có “khủng”, mọi con mắt dư luận đều đổ dồn vào việc bà Nita Ambani sẽ tặng gì cho con dâu ngày cưới.

    Không làm công chúng phải “thất vọng”, nữ tỷ phú đình đám Ấn Độ đã mạnh dạn chi tiền sắm ngay chiếc vòng cổ kim cương có tên L’Incomparable (vô song) trị giá 55 triệu USD cho con dâu.

    L’Incomparable là chiếc vòng cổ kim cương nặng 407,48 carats. Điểm nhấn của chiếc vòng là viên kim cương màu vàng lớn nhất thế giới nặng tới 230 carats.

    L’Incomparable được Tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới công nhận là là vòng cổ kim cương đắt nhất hành tinh.

    Với món quà cưới siêu xa xỉ này, Shloka Mehta – con dâu bà Nita Ambani – có thể sẽ là nàng dâu mới hạnh phúc nhất hành tinh, SCMP bình luận.

    me chong giau nhat chau a 1
    Bà Nita Ambani và chồng – tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani (ảnh: SCMP)

    Ngoài khả năng điều hành kinh doanh cùng chồng, bà Nita Ambani cũng có lối sống rất xa hoa với trang phục, trang sức và bộ sưu tập siêu xe.

    Bà Nita Ambani từng đặt 25.000 bộ bát đĩa ăn của hãng Noritake (Nhật Bản). Mỗi bộ bát đĩa này có chứa 22 carat vàng và lô hàng có thể lên tới cả triệu USD. Hàng nghìn USD cũng được bà Nita Ambani chi để đặt son theo thiết kế phù hợp với từng bộ trang phục của mình.

    Bà Nita Ambani cũng sở hữu những chiếc túi xách có giá vài trăm nghìn USD từ các thương hiệu thời trang đình đám.

    Mẹ chồng “chịu chơi” nhất châu Á có bộ sưu tập trang phục – chủ yếu là Sari – lên tới hàng triệu USD. Sari là loại trang phục truyền thống của phụ nữ Ấn Độ, được các quý bà của quốc gia Nam Á ưa chuộng.

    Sinh nhật năm 2019, bà Nita Ambani được chồng tặng một chiếc máy bay Airbus A319 trị giá 60 triệu USD.

    Tháng 4 vừa rồi, Tập đoàn Reliance Industries đã quyên góp 68 triệu USD cho quỹ PM Cares của Thủ tướng Narendra Modi để ứng phó với Covid-19.

    680.000 USD cũng được bà Nita Ambani chuyển tới hỗ trợ chính quyền các bang Maharashtra, Gujarat.

    Nguồn: Dân Việt

  • Tám tháng ở Việt Nam, 3 lần ông Anthony bị cấp cứu do không hợp khí hậu, song ông quyết chỉ về Mỹ khi đón được bà Mỹ Hạnh theo cùng.

    Hạ cọ vẽ, bà Mỹ Hạnh, 64 tuổi, đang nhìn lại bức tranh mình vừa hoàn thiện thì ông Anthony T. Costanz bước lại quàng tay qua vai vợ, cùng ngắm tranh và liên tục cất lên những lời khen. Qua video, ông khoe gần 50 bức tranh trên tường phòng khách và tất cả quần áo ông đang mặc, đều là... vợ làm.

    Với Anthony, người vợ Việt này còn trên cả những gì ông mong đợi. "Tôi luôn ao ước lấy được một người giỏi nữ công gia chánh và hiền hậu như mẹ", người đàn ông 70 tuổi, gốc Italy, theo gia đình tới Mỹ lập nghiệp ở vùng cảng cá Monterey, California, chia sẻ. Tuy nhiên, qua hai cuộc hôn nhân thất bại, ông đành ở vậy nuôi con trai bằng nghề kinh doanh.

    lay chong 70 tuoi 1
    Ông Anthony và bà Mỹ Hạnh trong sinh nhật 63 tuổi của bà, tại nhà của họ ở Monterey, California. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Cách nửa vòng trái đất, bà Mỹ Hạnh cũng có một cuộc sống hôn nhân không trọn vẹn từ năm 24 tuổi, ở vậy và làm gia sư tiếng Pháp, tiếng Anh nuôi hai con. Khi con cái trưởng thành, có gia đình riêng, chỉ còn lại một mình bà trong căn hộ cũ rộng 24 m2 nhưng luôn có cảm giác trống trải.

    Noel năm 2015, bà Hạnh ngồi một mình, thẫn thờ cả tiếng rồi "chọn đại" một tài khoản mạng xã hội có ảnh đại diện là người đàn ông với bộ râu trắng như tuyết. Chát được hai câu, họ chuyển qua nói nói chuyện video để hiểu nhau hơn. "Ông ấy với vẻ ngoài như ông già Noel, lại xuất hiện đúng đêm Giáng sinh làm tôi thấy thật là kỳ diệu", bà Hạnh nhớ lại. Người này chính là ông Anthony.

    Quen nhau được một tuần, ông Anthony đặt vé sang Việt Nam. Khi đó ông 65 tuổi và lần đầu bay một chuyến dài hơn 20 tiếng, đến Sài Gòn đúng dịp Tết cổ truyền.

    Hai tuần đầu, bà Hạnh dẫn ông đi thăm thú một số nơi. Sang tuần thứ ba, bà mời ông về căn chung cư của mình ở quận 1. Ông Anthony cũng thành "khách mời danh dự" trong các buổi dạy tiếng Anh của người bạn già. Sống chung, ông mê mẩn sự trẻ trung, hiền lành và đặc điểm "không dùng mỹ phẩm" của bà. Bà Hạnh cũng nhận ra ông "thật thà và dễ tin người" đến độ nhờ bà giữ hộ toàn bộ tiền mang theo. "Ba tuần ngắn ngủi không đủ để hiểu rõ về nhau, nhưng chúng tôi đã phải lòng nhau", bà bộc bạch.

    Trước ngày quay về Mỹ, ông Anthony dắt bà Hạnh đi mua một chiếc nhẫn để đính ước. "Cô ấy chọn chiếc nhẫn đơn giản và rẻ nhất, chỉ 36 đôla. Tôi đã vô cùng bất ngờ", Anthony kể.

    lay chong 70 tuoi 1
    Bà Hạnh và các con hay gọi ông Anthony là "Ông già Noel" hay "Santa". Đây là bức tranh bà Hạnh vẽ về chuyện tình yêu của hai người.

    Anthony dành toàn bộ một tháng rưỡi sau đó để làm hồ sơ bảo lãnh bà Hạnh sang Mỹ. "Tôi chỉ mong nhanh gặp lại. Nghĩ đến cô ấy là tôi thấy đau tim", ông chia sẻ. Cuối tháng 2, người đàn ông Mỹ quay trở lại Việt Nam. Lần này ông ở cùng bà như một người chồng Việt thực thụ, dù phải đối mặt với những thử thách như không hợp khẩu vị đồ ăn hay nỗi sợ hãi đối với giao thông ở Việt Nam.

    Song khó khăn lớn nhất đối với Anthony là không gian sống. Ở Mỹ, ông sống ở vùng ôn đới, ở nhà có sân vườn rộng 300 m2, nay phải chôn chân trong căn hộ 24 m2 cùng với bà Hạnh, con trai lớn và gia đình con gái nhỏ. Có lần ông đã thắc mắc: "Sao em phải chăm lo từ đời con sang đời cháu?". Bà giải thích: "Tôi là người phụ nữ thế hệ 5X truyền thống, sống vì con vì cháu". Từ đó ông không hỏi thêm gì nữa.

    Ở cùng bà, ông có căn phòng riêng nhỏ cỡ 8 m2. Trời nóng khiến ông vã mồ hôi như tắm, phải cởi trần suốt cả ngày. Mỗi chiều, bà Hạnh thường cùng ông ra ngoài đi dạo, ngặt nỗi chỉ có thể loanh quanh khu vực chợ Bến Thành cạnh nhà, hít đủ khói bụi. Một đêm tháng 6, cả gia đình bà Hạnh hoảng hốt khi thấy ông bị khó thở, huyết áp tăng cao. Không thể bế được "ông Santa khổng lồ" này, con trai và con rể bà Hạnh đặt ông lên một chiếc ghế có bánh xe đưa đi cấp cứu. Hơn 20 năm "gà trống nuôi con", nay ốm đau được người phụ nữ Việt chăm sóc, khiến Anthony cảm giác như "được mẹ chăm thuở nhỏ". Đợi ông khỏe hẳn, bà Hạnh và các con khuyên nên trở về nước. Song ông nhất quyết không về. "Tôi biết tính cô ấy không ham định cư Mỹ. Cô ấy quyến luyến con cháu lắm. Nên tôi có thể chắc chắn nếu mình về nước thì không biết bao giờ cô ấy mới sang", ông giải thích.

    Chấp nhận ở lại đồng nghĩa ông phải tiếp tục sống trong điều kiện ăn ở thiếu thốn. Hết hạn visa mà bà Hạnh vẫn chưa được gọi phỏng vấn, ông Anthony đành đi du lịch sang Campuchia, sau đó nhập cảnh lại Việt Nam chứ không về nước. Ba tháng tiếp theo đúng đợt nắng nóng cao điểm. Người đàn ông Mỹ nhốt mình trong phòng điều hòa nhiều hơn và phải đi cấp cứu thêm hai lần nữa.

    Khi ông tỉnh lại, bà Hạnh ngồi bên giường khóc lóc, cố gắng khuyên ông về nước đi. "Tôi hứa chắc chắn sẽ sang", bà nói. Giọng ông yếu mà cương nghị: "Anh chờ đón được em mới trở về".

    Ở quê nhà, bạn bè và con trai liệt kê đủ rủi ro để khuyên ông trở về. Con trai ông, anh Tom Costanza, 28 tuổi, khuyên không được nên giận bố và giận luôn cả bà Hạnh. Sau này khi bà Hạnh sang, suốt nửa năm đầu anh không thân thiện, có ăn cơm chung cũng "im như thóc". Mãi sau này, ngày ngày chứng kiến bà Hạnh chăm bố, biến khu vườn trống trơn thành vườn hoa xinh đẹp thì anh chàng mới thay đổi.

    "Giờ thì con đã hiểu sao bố nhất quyết ở lại Việt Nam", một ngày anh chàng nói. Từ đó Tom và bà Hạnh thành một đội. Hễ muốn khuyên bố ăn kiêng hay vay mượn gì đó, anh đều nhờ bà Hạnh tác động vì biết bố chỉ nghe lời bà.

    lay chong 70 tuoi 1
    Ông Anthony, bà Hạnh cùng con và cháu gái bà tại , trong lần về nước hồi tháng 3/2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Hết hạn visa lần hai, Anthony lại đưa bà Hạnh đi du lịch Campuchia một lần nữa để được cấp visa lần 3. Ngày 20/9/2016, bà được lãnh sự quán Mỹ gọi phỏng vấn, một tuần sau thì nhận được visa Mỹ. Ngay tối hôm đó ông Anthony đặt vé máy bay về nước, lịch bay là chiều ngày hôm sau. "Tôi rời Việt Nam quá mau, không kịp trở tay. Nhưng vì 'ông Santa' đã ở Việt Nam 8 tháng chờ đợi nên tôi chiều theo ông ấy", bà chia sẻ.

    Ngày 28/9, bà Hạnh, khi đó 60 tuổi, ôm chặt 2 đứa con, 5 đứa cháu nhiều lần. Phía sau là quê hương với bao gương mặt thân thuộc, phía trước là vùng đất hoàn toàn mới, ngoài "ông Santa", bà chẳng biết một ai. "Hãy xem như một chuyến du lịch nhé mẹ. Nếu không thích nữa thì về với các con", lời hai người con vẫn văng vẳng bên tai bà Hạnh khi máy bay đã cất cánh.

    Chị Hương Trinh, 40 tuổi, con gái bà Hạnh kể, chính quãng thời gian ông Anthony cùng sinh hoạt trong căn nhà chật chội, chị và anh trai đã nhìn ra ông là hiền lành, dễ tính và yêu thương mẹ thật lòng. Đặc biệt họ tin tưởng mẹ mình, vốn vui vẻ, lạc quan và nhiều tài vặt, sẽ không khó để thích nghi môi trường mới.

    Sống với nhau ở Mỹ tròn 4 năm, đôi vợ chồng già thấy họ như được sinh ra cho nhau. Cả hai đều là người dễ ăn uống, tin người và hay mua đồ lặt vặt khi xem quảng cáo. Ông Anthony tạo niềm vui cho bà bằng việc mua nhiều mô hình lắp ghép, màu vẽ, máy may, vải vóc, đồng thời mở một trang web, đăng tải quảng cáo để vợ có thể kiếm tiền bằng cách nhận hàng may, sửa đồ, đan móc. Đến nay bà Hạnh đã có một số lượng khách hàng ổn định. Người đàn ông Mỹ cũng vừa trải qua một ca phẫu thuật giảm cân, để có thể sống lâu hơn bên vợ.

    Khoảng 3 tháng sau khi sang Mỹ, ông Anthony dẫn bà Hạnh tới ngân hàng chuyển các tài khoản thành đứng tên hai vợ chồng. Hôm đó ông lấy ra một hộp trang sức, bên trong là tất cả nữ trang mẹ ông để lại, nay tặng cho người vợ Việt, như để bù lại chiếc nhẫn đơn sơ ngày đính ước...

    "Tôi đã hứa đưa em sang đây là sẽ đảm bảo cho em về kinh tế, để có em bên cạnh, cùng nghỉ hưu với tôi", lời ông Anthony hứa thời mới yêu, giờ ông vẫn đang cùng bà thực hiện.

  • Đang tuyệt vọng vì bạn trai cắt đứt mọi liên lạc từ lúc được báo tin "đứa con của chúng mình đang hình hài", đột nhiên Nguyễn Huyền Trân nhận được tin nhắn từ mẹ anh.

    "Tôi rất lo lắng, nhưng sẽ nói chuyện với con trai về việc này", bà Julie Hale, 59 tuổi, ở London, nhắn cho cô gái là người yêu của Thomas David Selvey - con trai út của bà. Nhưng Huyền Trân không còn tin vào bất cứ thứ gì liên quan đến Thomas.

    Đó là câu chuyện của năm 2015, khi Huyền Trân, 22 tuổi, đang làm kế toán ở TP HCM. Cô và Thomas quen nhau qua một ứng dụng hẹn hò. Ngày đầu gặp nhau cũng là ngày cuối cùng chàng trai người Anh ở lại Việt Nam sau một tháng du lịch. Cuộc gặp ngắn ngủi nhưng sự hồn nhiên của cô gái bản xứ đủ khiến Thomas rung động. Vừa về nước, chàng trai đã đặt vé để một tháng sau quay lại Việt Nam.

    Sự lãng mạn, ga lăng của Thomas đã chinh phục hoàn toàn trái tim cô gái Việt. Suốt thời gian sang Việt Nam lần thứ hai, đôi trẻ thường xuyên quấn quýt bên nhau. Một tháng sau, cô gái lo lắng báo tin cho Thomas rằng mình đã có thai. "Anh không xác định gì cả. Anh với em ở quá xa nhau nên không thể cưới được", bạn trai nhắn với cô. Lúc đó, thu nhập của anh chỉ đủ đáp ứng cuộc sống một mình với đam mê du lịch. Thomas nói mình còn quá trẻ, chưa sẵn sàng lập gia đình và không dám nói chuyện này với bố mẹ. Huyền Trân chết lặng.

    "Em không muốn con mình có một gia đình không hoàn hảo. Nếu anh đã quyết định vậy, em sẽ bỏ đứa bé", cô gái Việt nhắn để thử lòng bạn trai. "Anh tôn trọng mọi quyết định của em", Thomas trả lời. Tuyệt vọng, cô quyết định bỏ con.

    Cái thai hơn bốn tuần tuổi, Huyền Trân một mình đến bệnh viện Từ Dũ định làm thủ thuật. Nhưng cứ đến cổng viện cô lại khóc, quay về. Sau ba lần như thế, Huyền Trân quyết định làm mẹ đơn thân. "Nỗi lo lớn nhất của tôi là làm thế nào nói sự thật với bố mẹ", cô gái Việt kể.

    Mãi đến khi cái thai bốn tháng, bố mẹ Huyền Trân mới biết. Tưởng "giông tố" sẽ ập xuống đầu, nhưng vợ chồng ông Nguyễn Văn Dứng nói với con gái: "Nó không nuôi thì bố mẹ sẽ cùng con nuôi cháu". Trút được gánh nặng nhưng đêm nào cô cũng khóc vì thương ba mẹ phải chịu điều tiếng không lành và nghĩ đến tương lai của đứa con không cha. "Đó là những ngày đen tối nhất đời tôi", Huyền Trân nhớ lại. Đã có lúc cô nghĩ đến việc lén sinh con rồi gửi nhà chùa hoặc đem cho.

    Trong lúc bế tắc, Trân tìm Facebook của anh trai Thomas kể sự tình. Tin nhắn đó được chuyển đến bà Julie Hale - mẹ của anh. Biết tin, người phụ nữ vội gặp con trai út nói chuyện.

    "Thomas nói rất lo lắng nhưng chẳng biết phải làm gì. Tôi bảo 'con sắp làm cha và phải thực hiện trách nhiệm đó nghiêm túc. Mẹ không thể sống khi biết cháu mình bị bỏ rơi'", bà Julie kể. Nghe câu nói đó, Thomas ôm chầm lấy mẹ.

    Bà Julie và con trai đều chủ động nhắn tin cho Huyền Trân. Thomas hỏi thời gian dự sinh để sắp xếp công việc bay sang, còn bà Julie xin địa chỉ nhà để gửi bỉm, sữa, đồ dùng cho đứa cháu sắp chào đời.

    ban trai hat hui 1
    Huyền Trân và bạn trai nối lại tình xưa sau nhiều tháng rạn nứt. Hiện tại, họ đã có hai con, một gái, một trai. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Ngày trở lại Việt Nam, ẵm con trên tay, Thomas thốt lên khi nhìn thấy con giống mình "như đúc" với đôi mắt màu xanh, sóng mũi cao và mái tóc vàng. Để chuộc lỗi với vợ, đêm đêm anh thức cùng Trân pha sữa, thay bỉm cho con. Chỉ một cái cựa mình của bé Freya, cũng khiến ông bố trẻ giật mình lo lắng.

    "Hóa ra anh không phải người xấu như mình vẫn nghĩ", Huyền Trân xét lại. Cô nhận ra thời gian họ bên nhau chưa nhiều, cũng không hứa hẹn điều gì. Đứa trẻ chính là mối duyên kết nối hai người ở hai đất nước xa lạ.

    15 ngày sau, vợ chồng bà Julie cũng bay tới Việt Nam thăm gia đình thông gia và cháu nội. Cái ôm ấm áp của người phụ nữ lần đầu gặp đã xóa nhòa mọi khoảng cách và lo lắng của cô gái Việt.

    Một tuần ở Việt Nam, bà Julie săn sóc, giặt giũ cho cháu nội và vun vén tình yêu cho con trai. Bà kể với Huyền Trân, Thomas đã buồn bã và lo lắng cho mẹ con cô thế nào trong những ngày xa nhau. Qua bà Julie, cô mới biết chồng đã "mít ướt" rất nhiều khi cô phải mổ cấp cứu lúc sinh con. "Hóa ra trong những ngày tôi lo lắng, hoảng sợ và cô đơn, anh cũng rất đau khổ. Cách yêu thương chân thành của anh và giờ là những lời kể của mẹ đã làm trái tim tôi ấm lại", cô tâm sự.

    ban trai hat hui 1
    Bà Julie thường sang nhà con trai và con dâu mỗi cuối tuần phụ trông cháu - điều hiếm thấy ở các quốc gia phương Tây. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Rời Việt Nam khi cháu nội và Huyền Trân vẫn ở lại khiến bà Julie buồn lòng. Người mẹ quyết định tìm mọi cách giúp các con đoàn tụ. Việc đầu tiên, bà xin phép bố mẹ Huyền Trân được đón hai mẹ con cô sang Anh.

    Ông Nguyễn Văn Dứng, bố Huyền Trân, kể: "Để chúng tôi yên tâm, bà ấy chụp rất nhiều ảnh ngôi nhà, thị trấn nơi mình sống để tôi biết con gái sẽ ở đâu. Bà ấy hứa khi sang Anh, sẽ đảm bảo Trân có cuộc sống hạnh phúc nhất có thể". Thấy các con thương yêu nhau thật lòng, gia đình Thomas tử tế, chân thành, vợ chồng ông gật đầu.

    Sau một năm hoàn tất thủ tục, mẹ con Thomas đón Huyền Trân và Freya sang đoàn tụ. "Giờ con tôi đã có cha, tôi còn có người chồng yêu thương và mẹ chồng tốt bụng, trách nhiệm", cô gái Việt lúc này đã đổi tên thành Celeste Nguyen, nói.

    Khi Huyền Trân sang Anh đôi vợ chồng trẻ được dọn về nhà riêng, cách gia đình chồng 30 phút lái xe.

    Cuộc sống ở nơi xứ người không dễ bắt nhịp. Nhưng đúng như lời hứa, bà Julie luôn cố gắng để con dâu "hạnh phúc nhất có thể".

    Mọi đồ đạc trong ngôi nhà của vợ chồng Celeste đều do mẹ chồng sắm sửa. Thấy con dâu ăn mì Ý với nước mắm, lần nào đến thăm, bà cũng xách theo vài chai. "Nước mắm chất đầy nhà, đến nỗi tôi phải bảo mẹ đừng mua bà mới thôi", cô dâu Việt kể. Đến siêu thị, cứ thấy đồ ăn "made in VietNam" là bà lại "khuân" về.

    Con gái được ba tuổi, Huyền Trân gửi trẻ để đi làm từ 9h sáng đến 7h tối tất cả các ngày trong tuần. "Con bé rất chăm chỉ và ngọt ngào", bà Julie nói lý do mình yêu quý con dâu. Lo con bị bóc lột sức lao động, cứ Huyền Trân đi làm chỗ mới, bà lại đến tận nơi "phỏng vấn" kỹ lưỡng chủ của cô về thời gian, điều kiện, môi trường làm việc.

    Huyền Trân chăm dọn dẹp, vun vén tổ ấm, nhưng Thomas - lúc này đã là kỹ sư thiết kế nội thất - lại lười việc nhà. Nhiều hôm đi làm về nhìn nhà cửa bừa bộn, cô nổi cáu với chồng. Hai người lại "chiến tranh lạnh". Bà Julie biết chuyện, trong lúc con dâu đi làm, bà xin nghỉ, cùng con trai dọn dẹp nhà cửa sạch bóng. Bà dặn anh mua hoa rồi giữ cháu để vợ chồng Thomas đi ăn tối làm lành. Người mẹ luôn nhắc con "Wife happy, life happy" (Vợ hạnh phúc, cuộc sống mới hạnh phúc).

    "Nhiều khi tôi thấy mẹ chiều cô ấy quá", chồng cô nói vui.

    ban trai hat hui 1
    Bà Julie thường xuyên đưa con dâu đi chơi, đi tham quan đây đó ở Anh để cô bắt nhịp tốt với cuộc sống ở đây. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Ngày Huyền Trân trở dạ sinh đứa con thứ hai, nhận điện thoại trong đêm, mẹ chồng cô mặc đồ ngủ, "đầu bù, tóc rối" lái xe đến. Nghe tin cô phải mổ cấp cứu, tính mạng nguy kịch, bà bất tỉnh vì lo lắng. Đến lúc con ra viện, cứ đi làm về, bà lại lật đật sang dọn dẹp, mang quần áo, tã lót của con dâu và cháu nội về nhà mình giặt. Bà mẹ chồng người Anh còn tìm hiểu phong tục Việt Nam để tổ chức lễ đầy tháng cho cháu nội.

    "Tôi thương con dâu vì không có người thân nào ở Anh. Lúc nào tôi cũng khuyến khích con bé kết bạn với người Việt", bà Julie nói. Bà cũng đã hoàn tất các thủ tục để đón mẹ đẻ Trân sang Anh thăm, nhưng vì Covid-19 nên chuyến thăm chưa thể thực hiện.

    Cô con dâu người Việt có chút hụt hẫng nhưng không quá buồn. Bởi từ lâu, tình yêu của mẹ chồng đã lấp đầy khoảng trống trong lòng cô.

    "Mẹ luôn nói anh Thomas thật may mắn khi cưới được tôi, nhưng tôi lại thấy mình mới là người may mắn - vì được làm con dâu của mẹ. Không có bà, tôi chẳng có được hạnh phúc trọn vẹn như bây giờ", cô vòng tay ôm hai con, cười rạng rỡ.

    Nguồn: VnExpress

  • Dịch này không biết có gia đình nào như em đây ko?

    Ở nhà có 2 vc + con chỉ ăn ngủ và lại tiếp tục ngủ để lấy đêm ngủ tiếp mà cũng cãi nhau với vợ

    Ở nhà mấy tháng nay rồi tinh thần thì bí bách, thể chất thì uể oải (em cũng chụi khó tập gym) vì cái lockdown COVID nay lại cộng thêm áp lực tinh thần đến từ vợ.

    Em tâm sự lên đây cho nó thoải mái vì cũng chẳng có ai để nói ra, mà có thì cũng không nói được, chẳng nhẽ lại điện cho mấy thằng bạn nói là tao cãi nhau với vợ.

    Chuyện cũng chẳng có gì, toàn là chuyện vu vơ bé tí, kiểu cắm cơm sao anh lại lấy nước này cắm mà không lấy nước kia, rồi tờ giấy con làm rơi anh đi qua sao không nhặt lên, hay bỉm con sao chưa thay...chấm chấm và chấm, thế rồi mỗi người một câu sinh ra to tiếng, mà mỗi lần 2vc to tiếng là y như rằng đã được lập trình sẵn:

    Em thì không cãi lại dc với vợ, tiện đây em nói cho các bác biet là con gái sinh ra bản năng đã hơn con trai ở khoản nói về độ nhiều (x3) và nhanh, cái này đã được khoa học chứng minh, đấy là lý do tại sao bé trai thường chậm nói hơn bé gái là vậy.

    2 phút đầu là như tội của ngày hôm nay.

    Phút thứ 5 là bắt đầu chuyện của tuần trước hay tháng trước.

    Sang đến phút thứ 7-10 thì xin chúc mừng em đã quay về quá khứ vô tận, tất cả những lỗi lầm của em đều hùa về như cơn gió đầu hè, vợ em có thể kể vanh vách bà không trượt phát nào như kiểu bà mày đứng đây từ chiều và chỉ đợi có thế.

    Và rồi em cũng ngậm mồm lại không nói gì vì em biết em khác cái nhà.

    Nhưng trong lòng em uất ức không thể nói thành lời.

    Em chấp nhận chịu trận ngồi nghe và ngồi nghe đến khi nào không chịu được nữa em đứng dậy chốt một câu dõng dạc: dm éo nói nữa, tao thua.

    Và em thế là em đi... em đi dc 5 bước vợ em chốt hạ 1 câu mà em éo biết là lúc nóng giận nói ra hay đấy là điều cô ấy muốn: dm mày đi đâu thì đi luôn đi , đi dc với con nào thì đi luôn. Bỏ tao tiếc đéo gì loại như mày.

    Nói thật với các bác chứ em đau lắm.

    da thung dung nia
    Ảnh minh họa

    Theo em tự đánh giá em thì em cũng là môt người chồng cũng dc cho là ok , yêu vợ thương con vì em có câu châm ngôn là vợ sống cả đời với mình, các con lớn nên nó xẽ bay đi tìm cuộc sống của nó như mình vậy thôi, nên em xác định là già là chỉ có 2 ông bà ở với nhau nên đặc biệt em ko có tính lăng nhăng, dù là trong tư tưởng em cũng ko.

    Em thì ko cờ bạc và cũng ko đam mê rượu chè, thỉnh thoảng đi bar sàn làm vài đường k với cái kẹo thế thôi. Đi làm thì làm thì em làm chủ, làm dc 10 đồng thì em đưa cho vợ đủ cả, cho vợ lọ việc gia đình nội ngoại rồi thích mua hay sắm sửa gì thì mua em cho thoải mái tiêu nhưng dc cái vợ em cũng là người chi tiêu ngăn nắp. Em là người đơn giản đến nỗi giản dị, ko đồ hiệu hay đồng hồ đắt tiền, đền quần áo em cũng ko thiết.

    Em đi ra ngoài đi dạo cho nó bớt căng thẳng với lại để cho cái đầu em nó thoáng và nguội xuống.

    1 tiếng sau em về và các bác biết gì vừa bắt đầu ko? Chiến Tranh Lạnh.

    Đấy, giờ thì em ngủ phòng khách, cơm thì tự ăn tự nấu, người trong một nhà nhìn thấy nhau như vô hình ko ai nói ai một câu gì. Các bác biết nó kinh khủng như nào ko, thường thì đã kinh như nào rồi, giờ cộng thêm cả tháng nay ở trong nhà đầu óc cứ quẫn giờ thêm quả này nữa nó x10.

    Người ta nói đi thật xa để về nhà, em thì có nhà mà chẳng muốn chở về.

    Nghĩ nó chán.

    Em cũng muốn làm lành với vợ, dù ai đúng ai sai thì thôi em cũng luôn là người chủ động, vợ mình mà đi đâu mà thiệt, là người phụ nữ đã chịu nhiều thiệt thòi, mang nặng đẻ đau, nuôi dạy con hy sinh vì gia đinh nhiều, em biết chứ.

    Nhưng cái gì cũng vừa vừa thôi, em đã là điều ấy gần chục năm rồi, cũng mệt rồi, em mệt thật sự.

    Thôi em nói đến đây thôi tay em mỏi rồi, để em xuống nấu cơm.

    Tiện đây em muốn gửi lời tới các bà vợ là hãy yêu thương chồng mình hơn nữa và hãy hỏi han chồng mình. Dành cho chồng mình những cử chỉ và lời nói yêu thương, bọn tôi ko cần nhiều thỉnh thoảng thôi, dù nói xong bọn tôi bảo là hôm nay bà bị hấp à. Bọn tôi nhiều lúc cũng yếu lòng bỏ mẹ.

    Nếu ko thì thôi cũng ko sao, chỉ cần hãy để cho cuộc sống nó bình yên trôi qua bởi cuộc sống trên đất khách quê người đã đủ khổ và thiếu thốn tình cảm lắm rồi.

    Em xin cám ơn các người vợ..

    Thân ái

    Huy LK

  • Ba năm yêu Sara Jubran, cô gái Palestine theo đạo Hồi, đến cái nắm tay Xuân Thọ cũng phải kìm nén. Tới ngày cưới, hai người mới trao nhau nụ hôn đầu tiên.

    Những ngày này, Trịnh Xuân Thọ, 27 tuổi, quê Đồng Nai, đang tận hưởng niềm hạnh phúc mỗi sáng được chở vợ đi làm, cùng ăn trưa hay cùng tập gym mỗi chiều tan sở...

    Năm 2011, Xuân Thọ sang Australia theo học tại một trường cao đẳng trước khi vào Đại học Kỹ thuật Sydney. Dù vừa học vừa làm, Thọ vẫn tranh thủ tham gia chương trình tình nguyện hỗ trợ tân sinh viên và cũng từ đây, anh quen với Sara Jubran - cô gái đồng môn khóa dưới người gốc Palestine có đôi mắt kiểu Trung Đông rất đẹp và cái sống mũi cao.

    Sara theo đạo Hồi, luôn phải giữ khoảng cách với người khác giới nên ngoài chào hỏi, hiếm khi Thọ có cơ hội trò chuyện. Nhiều lần chứng kiến cô gái nhiệt tình tham gia các hoạt động thiện nguyện, thiện cảm của chàng trai Việt cứ lớn dần. Có năm nhóm của Sara đi làm tình nguyện ở một vùng sâu của Indonesia, dù làm việc với toàn các đồng đội nam giới, cô gái vẫn chẳng ngại ngần tham gia đủ các công việc nặng nhọc như xây nhà, đào giếng nước sạch cho người dân.

    yeu co gai dao hoi 1
    Xuân Thọ và Sara ở Sydney. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Lần khác, cả nhóm vừa xuống xe lửa, gặp một người phụ nữ đứng tuổi vô gia cư, vạ vật cùng con gái trên sân ga, Sara quyết định ngồi lại, trò chuyện, hỏi han hoàn cảnh của hai mẹ con và gọi điện đến các trung tâm cứu trợ nhờ giúp đỡ. Khi có trung tâm nhận lời tiếp nhận, cô chờ tận đến khi có người tới, đưa họ về nơi ăn ở an toàn. "Hiếm có một ai dành hơn 2 tiếng vì một người xa lạ, chẳng màng đến công việc của mình như cô ấy", Thọ hồi tưởng.

    yeu co gai dao hoi 1
    Sara trong chuyến về Việt Nam làm đám cưới đầu năm 2020. Hơn 20 thành viên trong gia đình Sara cũng đã sang nhà trai và cùng nhau khám phá miền Tây sông nước. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Cô gái Palestine cũng có tình cảm đặc biệt với chàng trai Việt. "Đam mê, tham vọng và quyết tâm là ba phẩm chất đầu tiên thu hút tôi với Trevor (tên tiếng Anh của Thọ). Tôi tin người đàn ông như anh ấy sẽ mang đến cho người vợ và các con những điều tốt nhất", Sara chia sẻ.

    Đầu năm 2018, trên một chuyến tàu về nhà sau giờ làm, Thọ và Sara vẫn ngồi cách nhau một khoảng như thường lệ. Bất ngờ, Thọ lần đầu tiên nhìn thẳng vào đôi mắt Sara thổ lộ lòng mình. Như mọi phụ nữ Islam, Sara hơi cúi mặt, tránh ánh mắt đang nhìn mình nhưng vẫn gật đầu, nhận lời yêu của chàng trai Việt.

    Yêu nhau nhưng Thọ không ngờ những chuyện tưởng như bình thường của các cặp đôi như ngồi sát nhau, nắm tay hay ôm hôn... lại là "mơ ước xa xỉ" bởi đó đều là những chuyện cấm kỵ của đạo Hồi. Cứ hai tuần họ mới gặp nhau một lần và cũng chỉ ngồi cùng bàn ăn cơm trưa. Thi thoảng hẹn nhau về cùng chuyến tàu nhưng ở giữa ghế của đôi trai gái luôn luôn là khoảng cách "rộng mênh mông". Nhiều lần, Thọ buồn bực vì không thể gặp người yêu, dù chàng cách nàng có 5 phút chạy xe. Nhớ người yêu, anh mua trà sữa đặt ở gốc cây trước nhà để cô ra lấy, còn mình thì đứng nhìn từ xa.

    yeu co gai dao hoi 1
    Sara là cô gái cá tính mạnh và nhân hậu. Không theo nghiệp Taekwondo của gia đình, cô vẫn là một võ sĩ đai đen. Cô kiên quyết đề nghị tổ chức đám cưới của mình theo phong tục của cả hai nước Việt Nam và Palestine. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Ngoài không thể hẹn hò công khai, tình yêu của họ cũng gặp nhiều khó khăn do văn hóa khác nhau. Cô gái Trung Đông bộc bạch: "Khác biệt của hai nền văn hóa đã tạo ra xung đột cảm xúc giữa chúng tôi". Ví như việc Thọ vẫn mặc đồ ở nhà khi đến thăm gia đình chị gái bởi thói quen "người nhà nên xuề xòa" của người Việt. Trong khi đó, văn hóa của Sara là tới nhà ai phải mặc đàng hoàng. Hoặc người Việt chỉ lễ phép chào hỏi cha mẹ, người thân đã đủ, nhưng với Sara là phải ôm người thân, hôn lên trán.

    Cả Sara và Thọ đều biết họ sẽ gặp khó khăn khi thuyết phục gia đình. Thọ là con trai một nên bố mẹ luôn mong anh về "tắm ao ta". Gia đình Sara sống ở Australia nhiều năm nhưng cha mẹ cô vẫn muốn các con lấy một người cùng đạo. Hai bạn trẻ quyết định lập kế hoạch từng bước tác động gia đình. Sara kể về Thọ với anh trai cả và đề nghị tổ chức một cuộc gặp mặt. Sau buổi gặp, người anh khen chàng trai Việt "lịch sự, đĩnh đạc". Từ hôm đó, anh cả thường đưa vợ con đi ăn với Thọ và Sara, vừa để hiểu nhau, vừa tạo điều kiện cho đôi trẻ gặp gỡ.

    Trong văn hóa Palestine, đàn ông là trụ cột gia đình, có nghĩa vụ và trách nhiệm chu toàn cho vợ nhà cửa, ăn uống, trang phục... nên Thọ biết đây cũng sẽ là trách nhiệm nặng nề của anh. Khi mới ra trường, Thọ làm cho hệ cao đẳng của Đại học Kỹ thuật Sydney, thu nhập chỉ ở mức "vừa phải" nên anh quyết tâm tìm các cơ hội mới. Tháng 5/2018, chàng trai quê Đồng Nai được nhận vào vị trí Senior Officer ở bậc đại học với mức lương hàng năm trên 100.000 AUD.

    Sự ổn định công việc và tài chính giúp Thọ tự tin hơn trong lần ra mắt nhà bạn gái. Đến nhà cô, ngoài chào hỏi lễ phép như người Việt, Thọ mang theo quà và luôn chú ý giữ khoảng cách với phụ nữ trong nhà. Anh "thở phào" khi thấy ai cũng niềm nở và tỏ thái độ sẵn sàng chào đón mình.

    Cô gái người Palestine cũng chủ động học văn hóa Việt trước khi ra mắt gia đình bạn trai. Ngày về Đồng Nai, cô chào hỏi bằng tiếng Việt, làm quen nhanh với việc dùng đũa, ăn được cả mắm tôm, ốc. Cả nhà có mỗi ba Thọ ăn được hành muối, thế nhưng Sara lại thích món này nên cô càng "ghi điểm" trong mắt ba chồng tương lai.

    Tháng 4/2019, đôi uyên ương tổ chức lễ đính hôn ở Sydney và lễ cưới vào đầu tháng 2/2020 ở Biên Hòa. Hôn lễ của họ được tổ chức theo nghi thức của cả hai nền văn hóa Việt Nam và Palestine. Cô dâu diện trang phục áo dài Việt và áo Thon của dân tộc mình. Ngoài các bài hát Việt, những bài hát Ả Rập, những điệu múa của đất nước Palestine cũng đã được trình diễn trong hôn lễ đặc biệt này.

    "Tôi nhất quyết tổ chức đám cưới xen lẫn văn hóa để cả hai có thể tôn vinh sự khác biệt của mình, thông qua hai bên gia đình hiểu văn hóa của nhau và chấp nhận khác biệt", Sara chia sẻ.

    yeu co gai dao hoi 1
    Hôn lễ của Sara và Thọ được tổ chức tại Việt Nam theo cả nghi thức Việt và Palestine. 25 người thân và bạn bè của Sara, đến từ Australia, Jordan, Dubai về dự. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Sau đám cưới, Covid-19 đã khiến chuyến du lịch tuần trăng mật của cặp vợ chồng trẻ chưa thể thực hiện được nhưng bù lại, họ được làm việc tại nhà nên có nhiều thời gian hiểu và dung hòa lối sống của nhau.

    "Chúng ta, dù ở bất kỳ đâu trên thế giới này, đều có thể trở thành người một nhà, một khi cả hai tôn trọng sự khác biệt của nhau", cô dâu Việt nói.

    Theo VnExpress

  • Cặp đôi Việt Trinh và Jolin đã nên duyên với nhau chỉ nhờ một lần add friend bừa trên Facebook thôi đấy!

    Trong khi nhiều người than thân trách phận không hiểu vì sao hai mươi mấy năm cuộc đời mình không có một mảnh tình vắt vai thì ngược lại, có những người đi đâu cũng tìm thấy người yêu. Người ta đi ăn, đi xem phim, đi đổ rác hay thậm chí là lên mạng add friend, comment vu vơ luôn cũng "nhặt" được bạn trai/bạn gái kia kìa!

    Mới đây, một cô nàng có tên Hoa Việt Trinh (sinh năm 1995, mẫu ảnh/kinh doanh) đã kể câu chuyện tình cờ tìm thấy "chân ái" đời mình trong một lần rảnh rỗi add friend dạo. Việt Trinh tâm sự: "Thời gian trước mình cô đơn cũng đã lâu nên mong muốn tìm kiếm người yêu thế là rảnh rỗi cứ đi add friend dạo mấy bạn nam chờ xem ai có ngỏ lời thì mình sẽ tìm hiểu. Thấy Facebook đề xuất nick anh thì mình bấm add friend luôn mà cũng chẳng nghĩ ngợi nhiều. Ai dè anh chủ động "vẫy tay" với mình xong bắt đầu nói chuyện rồi hẹn hò và yêu luôn".

    viet trinh trai tay 1
    Cặp đôi Việt Trinh và Jolin.

    viet trinh trai tay 1
    Họ nên duyên nhờ 1 lần Việt Trinh add friend bừa người lạ sau đó Jolin đã chủ động vẫy tay để làm quen.

    Được biết, bạn trai của Việt Trinh là người Úc, có tên Jolin Richardson. Hiện tại, cặp đôi đã ở cạnh nhau được gần 1 năm và Việt Trinh cũng đã về Úc để thăm gia đình và bạn bè của người yêu.

    Ban đầu, cô nàng này cũng khá lo lắng vì đã nghe nhiều đến những vụ lừa đảo, gạ tình thông qua những mối quan hệ trên mạng. Tuy nhiên khi xem kĩ Facebook của Jolin, cô nàng thấy Facebook đã được lập từ lâu, nhiều hình chính chủ nên yên tâm rồi mới đồng ý hẹn hò ở ngoài. Cặp đôi sau đó rất tâm đầu ý hợp và trong suốt 1 năm qua hiếm khi nào cãi nhau.

    viet trinh trai tay 1
    Đẹp đôi quá đúng không?

    Về phía Jolin, anh chia sẻ ban đầu mình bị thu hút bởi vẻ ngoài xinh đẹp của Việt Trinh nên quyết tâm theo đuổi. Sau đó, chính tính cách của cô nàng đã khiến Jolin muốn gắn bó lâu dài.

    Quen bạn trai là người nước ngoài, Việt Trinh cũng e sợ những lời bàn tán ra vào răng cô nàng chỉ là người hám tiền hay thích "đào mỏ". Tuy nhiên, Việt Trinh tâm sự: "Người yêu mình không giàu đâu. Anh là giáo viên đi làm cũng rất vất vả. Mình có công việc nên cũng phải cố gắng chăm chỉ thôi. Ai nói gì mình không quan tâm chỉ cần gia đình, bạn bè biết và ủng hộ là được".

    Việt Trinh cũng tâm sự thêm về những định kiến giữa trai Tây và trai Việt: "Hẹn hò sẽ vui nếu bạn gặp đúng người thì dù là trai Tây hay trai Việt. Bạn trai mình thì được cái là rất tôn trọng phụ nữ, cái gì cũng hỏi ý kiến mình và luôn kiểu "lady first". Tuy nhiên, anh cũng bị thẳng thắn thái quá làm đôi khi mình bị ngượng".

    viet trinh trai tay 1
    Những khoảnh khắc ngọt ngào.

    viet trinh trai tay 1

    viet trinh trai tay 1

    viet trinh trai tay 1

    Câu chuyện của cặp đôi này hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý trên MXH. Cứ siêng năng add Facebook dạo có ngày nhặt được người yêu đấy các bạn ơi!

    Theo Kênh 14

  • Cee Jay đã kết hôn với bà xã người Việt và hiện có một cô con gái đáng yêu tên Upi.

    Cee Jay năm nay 31 tuổi người Nigeria là một trong những giáo viên Tiếng Anh và Youtuber khá hot hiện tại tại Việt Nam.  Yêu việt Nam ngay lần đầu đặt chân đến, Cee Jay đã kết hôn với bà xã người Việt và có một cô con gái đáng yêu tên Upi.

    Chia sẻ về hành trình làm bố tại Các ông bố nói gì, Cee Jay khiến nhiều khán giả đi từ sự bất ngờ đến cảm động.

    lay chong nigeria 1

    Chàng trai châu Phi lấy vợ Hà Nội, con chào đời liên tục lấy máy chụp bé

    Trong suy nghĩ của tôi từ trước đến nay, việc có con sẽ chỉ diễn ra khi mình đã thành đạt, có nhà có xe đầy đủ. Tôi và bạn gái đang yêu nhau nhưng không tính đến chuyện có con cái vì khi đó tôi còn nghèo. Tuy nhiên khi biết mình được lên chức bố tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Việc có con là một cái duyên và con cũng mang đến rất nhiều may mắn cho tôi. Nhớ lại suy nghĩ của mình ngày xưa, tôi ước gì mình đã có con từ sớm thì có lẽ cuộc sống bây giờ còn khác đi rất nhiều.

    lay chong nigeria 1

    Vợ muốn trải nghiệm sinh con dưới nước nên đến khi thai được 36 tuần, tôi lo liệu cho cô ấy bay sang Thái Lan và ở đó 2 tháng để chuẩn bị cho việc sinh nở. 3/8 con phải ra rồi nhưng tôi đưa vợ đến bệnh viện bác sĩ vẫn nói chưa được. Mãi đến ngày 13, vợ tôi mới có dấu hiệu đau và cả hai chuẩn bị tinh thần sẽ sinh con dưới nước. Cô ấy đau liên tục một ngày đêm ở nhà, cứ mỗi tiếng lại có một bác sĩ đến siêu âm để kiểm tra. Tới khi gần 33 tiếng, bác sĩ xem bảo có vẻ được rồi, cố gắng thử xem có được không. Cô ấy cố gắng rặn 30 phút, thấy đầu con rồi nhưng không vừa vì đầu con rất to.

    Bác sĩ nói "Nếu có bác sĩ nào có thể cho con ra được qua đường này, tôi sẽ nghỉ việc luôn".  Bác sĩ nói câu đó, tôi sốc. Trước khi con chào đời, tôi rất "ác cảm" với việc sinh mổ và không tin rằng trẻ cứ to thì phải sinh mổ.  Vậy nhưng khi bác sĩ nói thêm một câu "Nếu để con ở đây thêm 30 phút nữa, có khả năng sẽ phải cấp cứu". Vậy là tôi và vợ rất sợ hãi, đành phải quyết định mổ.

    lay chong nigeria 1

    lay chong nigeria 1

    Lúc đi siêu âm, tôi đã xác định con sẽ to hơn so với những em bé Việt Nam bình thường và hai vợ chồng quyết định sẽ hạn chế ăn để được sinh thường. Vậy nhưng cuối cùng, vợ tôi chuyển dạ 33 tiếng không được và cuối cùng phải sinh mổ, con chào đời, bé nặng tới 4,6kg. Khi nhìn thấy con, dù vợ tôi bảo sao con "xấu" thế nhưng tôi thấy bé như một công chúa, tôi vui kinh khủng và liên tục lấy máy chụp con.

    lay chong nigeria 1

    Ông bố Nigeria tự tay chăm con, chăm luôn cả vợ

    Lần đầu làm bố, tôi đã trải qua một biến cố không thể nào quên. Vợ tôi bị nhiễm trùng vết mổ sau sinh, phải nhập viện. Vậy là Ở Thái Lan tôi một tay bế con, một tay ôm giấy tờ lao lên đại sứ quán Việt Nam xin ký giấy làm passport cho con, lo liệu thủ tục đưa cô ấy về Hà Nội. Nhiều người ở đại sứ quán khi đó nhìn hình ảnh tôi thấy vô cùng thương. Chi phí đi sinh ở Thái, rồi lo liệu vé máy bay, điều trị cứ thế tăng dần trong khi tiền túi cạn kiệt, tôi quyết định cho vợ về Việt Nam điều trị.

    lay chong nigeria 1

    Bố mẹ tôi không ở Việt Nam nên về Hà Nội, cho vợ nhập viện xong, tôi lại một mình vừa chăm con ở nhà, vừa chăm vợ ốm ở viện. Tôi cứ tranh thủ khi con ngủ thì bật camera lên rồi lấy xe máy lao 15km từ nhà đến viện chăm vợ. Sau đó lại quay về. May mắn, con ngoan, không khóc chỉ ăn, ngủ, thay bỉm rồi lại ăn, ngủ nên mọi thứ cũng đỡ vất vả hơn.

    Trong quá trình chuẩn bị cho con chào đời, tôi đã đọc rất nhiều sách, xem rất nhiều video nên tôi biết khi nào ăn xong phải bế con vỗ lưng cho con ợ, con khóc thế nào là đói, là buồn ngủ, bao nhiêu lâu thì con ăn, bao lâu con ngủ.

    lay chong nigeria 1

    lay chong nigeria 1

    Quãng thời gian đó cuối cùng cũng qua nhanh. Từ trước đến giờ tôi rất muốn làm bố, cho đến khi có con gái, tôi cảm thấy mọi may mắn bắt đầu đến. Tôi cảm tưởng như cuộc đời đang chỉ chờ đợi con gái đến với mình và rồi mọi thứ sẽ bắt đàu suôn sẻ. Thời gian bên cạnh con không có gì bằng. Tôi muốn cám ơn vợ đã cố gắng hết mình để tin tưởng vào tình yêu của hai người, cảm ơn con đến với cuộc sống của hai bố mẹ. Nhờ con mà chúng tôi tìm lại được tình yêu, nhờ con mà hai bố mẹ đã quay trở lại bên nhau.

    lay chong nigeria 1
    Gia đình hạnh phúc hiện tại của Cee Jay.

    Theo giadinh

  • Bất chấp những lời dị nghị từ khi công khai yêu đến lúc về chung một nhà, các cặp vợ chồng này chứng minh tình cảm bền chặt, không tồn tại khoảng cách.

    0 vo chong doi dua lech chau a 1

    Karna Radheya (Indonesia) và Polly Alexandria Robinson (Anh) là cặp “chồng cú vợ tiên” nổi tiếng ở châu Á vì ngoại hình chênh lệch. Cả 2 gặp nhau ở đảo Bali tháng 8/2017, khi Karna là huấn luyện viên lướt sóng còn Polly làm mẫu ảnh. Ban đầu, Karna không thể tin cô gái xinh đẹp này sẽ chú ý đến mình. Tuy nhiên, qua những cuộc gặp gỡ, trò chuyện lâu ngày, Polly dần cảm mến và dành tình cảm cho chàng trai Indonesia. Hai người tổ chức lễ cưới vào cuối năm 2018.

    0 vo chong doi dua lech chau a 1

    Nhiều dân mạng từng chế giễu, cho rằng ngoại hình của cặp vợ chồng không cân xứng. Tuy nhiên theo thời gian, cả hai đã chứng minh điều ngược lại. Gần 2 năm sau đám cưới, chuyện tình xuyên biên giới của Polly và Karna vẫn hạnh phúc, thậm chí còn mặn nồng hơn trước. Đôi trẻ thường xuyên đăng tải các hình ảnh tình tứ thường ngày lên trang cá nhân. Ngoài công việc riêng, hai người sở hữu một nhà hàng nổi tiếng ở Bali.

    0 vo chong doi dua lech chau a 1

    Tháng 2/2018, lễ cưới của Lae Joi - diễn viên hài nổi tiếng Campuchia - và cô dâu Nong Kwan trở thành tâm điểm của truyền thông và cộng đồng mạng nước này. Đôi trẻ còn được đích thân ông Hun Manet - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia, con trai Thủ tướng Hun Sen - tới chúc phúc và tặng quà cưới trị giá 40 triệu riel. Bên cạnh những lời chúc mừng, Lae Joi - Nong Kwan nhận về không ít lời dị nghị, bàn tán về ngoại hình chênh lệch. Bỏ ngoài tai những lời không hay, vợ chồng họ vẫn sống bên nhau hạnh phúc.

    0 vo chong doi dua lech chau a 1

    Tháng 9 năm ngoái, cặp “đũa lệch” nổi tiếng thông báo lên chức khi chào đón con trai. Em bé được nhận xét kháu khỉnh và thừa hưởng cả nét của bố lẫn mẹ. Sau khi sinh con, Nong Kwan thường xuyên cập nhật ảnh chụp “thiên thần nhỏ” tại trang cá nhân. Diễn viên hài Lae Joi cũng để ảnh đại diện là hình cả gia đình bên nhau hạnh phúc. Những bình luận ác ý dành cho đôi trẻ ngày một ít đi, thay vào đó là lời bày tỏ sự ngưỡng mộ, chúc hạnh phúc.

    0 vo chong doi dua lech chau a 1

    Năm 2017, chuyện tình Vera Nanda Putri (Indonesia) và Jun Park (Hàn Quốc) khiến nhiều người ngạc nhiên vì trong khi “chàng” sở hữu vẻ ngoài ưa nhìn, “nàng” lại có thân hình mũm mĩm, gương mặt kém xinh. Nhiều dân mạng gọi Vera là nàng “vịt bầu” tìm được chàng hoàng tử đời mình. Họ gặp nhau ở xứ sở kim chi năm 2016 và nhanh chóng dành cho nhau tình cảm đặc biệt. Vượt qua rào cản văn hóa, ngôn ngữ và cả sự dị nghị của đám đông, đôi trẻ về chung một nhà vào tháng 2/2017.

    0 vo chong doi dua lech chau a 1

    Sau hơn 3 năm kết hôn, Vera - Jun ngày càng mặn nồng, gắn bó. Cặp vợ chồng thường xuyên khiến nhiều dân mạng ghen tỵ khi chia sẻ nhiều khoảnh khắc đời thường ngọt ngào bên nhau. Hai vợ chồng có kênh video chia sẻ về cuộc sống thường ngày như cùng nấu ăn, đi chơi, trải nghiệm văn hóa. Đi tới đâu, họ cũng không ngại dành cho nhau cái nắm tay thật chặt hay nụ hôn ngọt ngào.

    0 vo chong doi dua lech chau a 1

    Lưu Gia Vỹ - Lưu Dương (đến từ Trung Quốc) là một trong những đôi được nhiều người biết tới trên mạng xã hội nhờ những clip vui nhộn, dễ thương. Bên cạnh đó, sự chênh lệch cân nặng giữa hai người cũng nhận được nhiều sự chú ý. Từ lúc công khai yêu đến khi tổ chức lễ cưới vào tháng 3 năm ngoái, đôi trẻ phải đối mặt với nhiều bình luận không hay nhắm vào ngoại hình khác biệt. Tuy nhiên, họ không bận tâm, thường xuyên đăng tải loạt clip ngọt ngào.

    0 vo chong doi dua lech chau a 1

    0 vo chong doi dua lech chau a 1

    Sau gần một năm về chung một nhà, ngày 7/2 vừa qua, Lưu Gia Vỹ - Lưu Dương chào đón con trai đầu lòng, nặng 3,4 kg. Cậu bé được đặt tên là Lưu Ngoạn Ngoạn. Tin vui của gia đình nhỏ nhận được gần hàng nghìn bình luận chúc mừng của dân mạng. Hiện tại, cặp vợ chồng không còn chịu những lời công kích từ dân mạng mà thay vào đó, họ nhận nhiều hơn những bình luận chúc hạnh phúc, ngưỡng mộ.

    0 vo chong doi dua lech chau a 1

    Cuối tháng 4/2017, cặp Pen Visa - Lucy LuvElla (sống tại Phnom Penh, Campuchia) trở thành tâm điểm trên mạng. Diện mạo đối lập của đôi trẻ khi đó nhanh chóng trở thành đề tài bàn tán của dân mạng nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Không ít bình luận đồn đoán Pen giàu có mới "cưa" được cô gái xinh đẹp. Tuy nhiên, từng trả lời Zing, chàng trai khẳng định hồi mới quen, anh không những xấu hơn mà còn không giàu bằng vợ. Lucy một mực từ chối những anh chàng giàu có mà mẹ cô giới thiệu để kết hôn với Pen vào tháng 3/2015, sau 1 năm yêu nhau.

    0 vo chong doi dua lech chau a 1

    0 vo chong doi dua lech chau a 1

    Năm 2016, Pen và Lucy đón con gái đầu lòng, đặt tên là Bell. 3 năm sau, cặp vợ chồng có thêm một con gái, đặt tên là Bin. “Cuộc sống của chúng tôi vẫn vậy thôi, không thay đổi gì nhiều, có chăng là sự xuất hiện thêm một thành viên mới trong gia đình nên náo nhiệt hơn trước”, Lucy chia sẻ với Zing vào năm ngoái. Hai vợ chồng cô hiện mở công ty phân phối sản phẩm làm đẹp, có nhiều đại lý trong và ngoài Campuchia. Tại trang cá nhân, gia đình nhỏ vẫn thường xuyên chia sẻ các khoảnh khắc hạnh phúc, ngọt ngào bên nhau.

    Theo Zing

  • Ngày đi sinh em bé, cả họ hàng và gia đình nhà chồng của Thấm Mã nghỉ làm việc “hộ tống” cô đến bệnh viện.  

    Sinh ra ở vùng đất Vị Xuyên – Hà Giang nơi địa đầu Tổ quốc, Thấm Mã (29 tuổi, dân tộc Tày) đã phải lòng với chàng trai Blake (30 tuổi, Mỹ) trong một lần dạo chơi trên mạng xã hội vào năm 2017.

    Sau một năm tìm hiểu, cả 2 tiến tới kết hôn vào đầu năm 2018. Hiện nay tổ ấm nhỏ của Thấm Mã và ông xã người Mỹ đang có 1 nhóc tì tên Huxley, tên ở nhà là Khoai Tây (3 tháng tuổi). Khi chia sẻ về sự xuất hiện của con trai, bà mẹ trẻ luôn hài hước minh họa: “Đây là quả bom được Việt Nam và Mỹ hợp tác sản xuất vào tháng 4/2019 tại Việt Nam và nổ vào 1/2020 tại Mỹ”.

    co gai dan toc lay chong my 1
    “Đây là quả bom được Việt Nam và Mỹ hợp tác sản xuất vào tháng 4/2019 tại Việt Nam và nổ vào 1/2020 tại Mỹ”.

    Mang bầu ở Mỹ, muốn siêu âm thai phải đăng ký riêng bên ngoài

    Thấm Mã chia sẻ, năm cô 26 tuổi có theo dõi một trang báo nước ngoài, trong một lần vô tình bình luận vào đó và được ông xã để ý, sau đó 2 người kết bạn facebook và yêu nhau từ lúc nào không hay. Thỉnh thoảng anh đến Việt Nam thăm cô, cùng nhau đi du lịch. Sau một năm tìm hiểu cả hai tiến tới kết hôn vào đầu năm 2018.

    Sau ngày kết hôn cô và ông xã tiếp tục yêu xa do phải chờ thời gian bảo lãnh từ phía nước bạn. Quá trình này diễn ra trong vòng một năm, chính vì lý do đó mà kế hoạch sinh con của đôi vợ chồng trẻ phải lùi lại.

    co gai dan toc lay chong my 1
    Mang bầu ở nước Mỹ, Thấm Mã được chồng cho đi chơi nhiều nơi để giải tỏa tâm lý.

    Mãi đến đầu năm 2019 khi có hồ sơ bảo lãnh, anh Blake mới tạm dừng công việc và quay trở lại Việt Nam đón vợ về đoàn tụ. Cô nói: “Ngày anh xã về Việt Nam chờ để đi phỏng vấn định cư diện vợ chồng cùng mình cũng là lúc 2 đứa tính đến chuyện con cái. Sau ngày hai vợ chồng gặp lại nhau gần 2 tháng mình cảm thấy tức ngực, linh cảm cơ thể có thay đổi mình mua que về thử, kết quả báo hai vạch căng đét. Đánh thức chồng dậy xem, khoảnh khắc đó anh vui sướng không nói nên lời, ôm mình thật chặt và xoa vào bụng vợ ra vẻ rất hạnh phúc. Chờ đợi sau 4 tháng mình nhận được visa định cư, 2 vợ chồng quyết định bay về nước để sớm ổn định cuộc sống và chuẩn bị đón bé Khoai Tây chào đời”.

    Đã hơn 3 tháng kể từ ngày hạ sinh em bé, nhưng Thấm Mã vẫn nhớ y nguyên từ những ngày đầu ốm nghén tới khi nằm trên bàn mổ bắt con ra ngoài. Kể lại hành trình đó, bà mẹ dân tộc Tày chia sẻ, ba tháng đầu cô ốm nghén khá nặng, ăn uống rất hạn chế nhưng vẫn cố bổ sung vitamin dành cho bà bầu. Ba tháng cuối thai kỳ cô tập trung “nạp” cho mình mỗi ngày 2 cốc sữa không đường, ăn nhiều rau củ quả và đi khám đều đặn.

    co gai dan toc lay chong my 1
    Cô được gia đình nhà chồng hết mức yêu thương nên không bao giờ bị căng thẳng bất cứ điều gì.

    Theo lời Thấm Mã, ở nước Mỹ các mẹ bầu không siêu âm nhiều như Việt Nam, nếu muốn cô phải đăng ký siêu âm riêng, mỗi lần đi khám bác sĩ chỉ hỏi thăm tình hình sức khỏe, đo huyết áp lấy nước tiểu và kiểm tra cân nặng.

    Thai kỳ của cô trôi quá khá nhẹ nhàng khi nhận được sự quan tâm, chăm sóc của ông xã và gia đình nhà chồng. Dù đang bầu bí nhưng anh xã hài hước lại tâm lý đã tạo điều kiện cho vợ đi du lịch, tìm hiểu và khám phá nhiều nơi trên đất nước Mỹ nên cả thai kỳ cô không bị áp lực.

    Mặt khác chính sự thân thiện của họ hàng nhà chồng đã giúp cô hòa nhập và không bao giờ bị căng thẳng bất cứ điều gì, cũng nhờ vậy mà suốt 9 tháng bầu bí Thấm Mã và con rất khỏe mạnh, cả thai kỳ cô tăng 15kg và không bị phá tướng.

    Để lưu lại khoảnh khắc đáng nhớ khi mang thai bụng to, cô cùng chồng đã chụp một số bức hình và nảy ra ý tưởng độc lạ, Thấm Mã dí dỏm kể lại: “Hôm đó hai vợ chồng cười muốn vỡ bụng luôn, lúc đầu chúng mình định vẽ một cái mặt cười trên chiếc bụng bầu to bự nhưng không ngờ hình tròn của mặt cười bị méo mó trông ghê quá. Rồi mình nói với chồng tô đen xì hình tròn và không quên vẽ thêm dây nụ xòe cho giống quả bom. Sau này khi bé Khoai Tây được 3 tháng, nhà mình quyết định hóa trang khói đen khắp người chụp lại như chui ra từ “trận mạc”, 2 bức ảnh đó nằm cạnh nhau cho thấy như một hành trình cho ra em bé vậy”.

    Đi đẻ được cả gia đình chồng nghỉ việc "hộ tống" đến bệnh viện

    Thấm Mã cho biết, trước ngày dự sinh 3 ngày cũng là thời điểm tròn 5 tháng cô đặt chân đến nước Mỹ, sáng hôm đó cô bất ngờ bị vỡ ối, ngay lập tức được chồng lái xe đưa tới bệnh viện. Những tưởng đi đẻ không có bố mẹ đẻ ở bên sẽ tủi thân nhưng với bà mẹ lấy chồng Mỹ lại khác. Ngay khi vừa làm thủ tục nhập viện xong quay ra cô đã thấy đầy đủ các thành viên trong họ hàng và gia đình chồng có mặt để đồng hành bên cô và xem em bé ra đời. 

    Bà mẹ trẻ xúc động nhớ lại: “Ngày đi đẻ, tất cả các thành viên trong họ hàng và gia đình nhà chồng đều xin nghỉ việc để ở bên mình lúc mổ bắt em bé, điều đó khiến mình hạnh phúc lắm. Sang ngày thứ hai mình đau vết mổ khủng khiếp, thấy vợ nhăn nhó ông xã cúi xuống ôm vợ mà đôi mắt đỏ hoe, nắm lấy đôi bàn tay của vợ mà thì thầm những lời yêu thương”.

    co gai dan toc lay chong my 1
    Ngày đi đẻ, Thấm Mã không chỉ có chồng ở bên mà cả họ hàng và gia đình nhà chồng đều nghỉ việc để ở bên cô lúc vượt cạn.

    Do đến ngày sinh nhưng em bé không quay đầu nên Thấm Mã được chỉ định phẫu thuật. Lần đầu mổ đẻ khiến cô vô cùng lo lắng, may mắn trong suốt quá trình mổ ông xã luôn ở cạnh nắm tay và an ủi. Bé sinh ra được 4kg, 52cm, sau sinh bác sĩ chích lấy máu ở gót chân để làm xét nghiệm tổng quát, kiểm tra các số đo: Vòng đầu, ngực và phản xạ của bé.

    9X cho hay: “Ngay khi vừa sinh xong mình và con được đeo vòng đánh số rất cẩn thận. Khi thấy vợ tỏ ra lạ lẫm, ông xã liền giải thích việc đánh dấu tên 2 mẹ con là để tránh trường hợp bé bị bắt cóc, đến khi nào bác sĩ kiểm tra và cắt rồi mới được về nhà. Được biết ở bên này khâu quản lý trẻ sơ sinh được làm cực kỳ kỹ càng nhằm hạn chế các tình huống bỏ quên con, nhầm con, thậm chí bắt cóc trẻ, nghe xong mình cảm thấy càng yên tâm hơn với dịch vụ sinh đẻ ở đây”.

    co gai dan toc lay chong my 1
    Em bé sinh ra được đánh số và đeo vòng đầy đủ tên tuổi của 2 mẹ con.

    Sinh con ở Mỹ không chỉ được hỗ trợ toàn bộ chi phí mà Thấm Mã còn được các bác sĩ chăm sóc tận tình chu đáo với dịch vụ vô cùng chất lượng. Cô cho biết, nhân viên y tá và bác sĩ ở bệnh viện cô sinh vô cùng ân cần, chu đáo, mỗi sản phụ được ở một phòng riêng cho trước và sau sinh với đầy đủ tiện nghi tivi, mạng internet, bồn tắm, ghế sofa, giường ngủ nghỉ cho người nhà, mọi người được ra vào thăm thoải mái.

    Quá trình chờ đẻ luôn có sự túc trực của nhân viên y tế bên cạnh. Đêm sau sinh họ sẽ giúp chăm bé để để mẹ ngủ nếu cần. Sản phụ được dạy cách chăm sóc cho trẻ sơ sinh. Đồ ăn uống sau sinh thì có thực đơn riêng do mình lựa chọn, ngày 3 bữa hễ cứ đến giờ ăn và uống thuốc sẽ có người đem vào, sau khi ăn xong họ đến dọn, đến giờ uống thuốc y tá bóc thuốc và đưa ca nước tận miệng cho uống. “Trước đây mình nghe nói đi đẻ ở nước ngoài sướng lắm, sau trải nghiệm lần đầu sinh nở này mình thấy đúng là tuyệt vời thật sự” – mẹ trẻ nói.

    co gai dan toc lay chong my 1
    Cả hai vợ chồng cô đều có quan điểm, sống hạnh phúc để tạo ra đứa con hạnh phúc. Nhờ vậy mà bé Khoai Tây rất ít khi quấy khóc.

    Cô kể tiếp, về hành trang đi đẻ mẹ bầu sẽ không cần đem theo bất cứ thứ gì, bệnh viện có đầy đủ hết cho 2 mẹ con. Bé sẽ có đầy đủ sữa, quần áo tã lót, khi ra viện cũng được tặng đồ. Cô vẫn chưa hết ngạc nhiên với những dịch vụ ở nơi đây, sau sinh hai ngày sẽ được xuất viện, trước khi về nhà phải chọn bác sĩ riêng để họ chỉ cách tự chăm sóc tại nhà và sẵn sàng giải thích mọi thắc mắc.

    Điều cô ấn tượng nhất với việc làm cha mẹ trên đất nước này chính là chuyện chăm sóc con ra sao do toàn quyền của của bố mẹ quyết định. Cô không lo sợ việc ai soi xét hoặc nhắc nhở, nhờ vậy bà mẹ bỉm sữa khá thoải mái trong việc chăm con sau sinh.

    Hiện nay bé Khoai Tây đã tròn 3 tháng, sức khỏe mẹ cũng đang dần hồi phục. Bé rất hay cười và cũng đã biết phân biệt người lạ. Mẹ dân tộc không giấu được cảm xúc: “Quả thật làm mẹ là điều tuyệt vời nhất. Được mang thai và sinh con ở đất nước phát triển như Mỹ có lẽ không gì tuyệt vời hơn với mỗi phụ nữ khi thực hiện thiên chức mang nặng đẻ đau”.

    co gai dan toc lay chong my 1
    Sau sinh cô thường xuyên được chồng đưa ra ngoài hít hà không khí trong lành nơi ngoại ô và không quên lưu lại những hình ảnh đẹp của gia đình.

    Theo Gia Đình

  • Trong tình yêu, một khi trái tim rung động là phải nhanh chân tiếp cận, mạnh dạn làm quen. Biết đâu, cuối cùng chúng ta vẫn có thể thành công có được trái tim người ấy.

    Những câu chuyện về các cô gái "cưa đổ" bạn vẫn thường nhận về nhiều lời khen ngợi. Đơn giản bởi con gái thường vẫn rụt rè, chẳng dám chủ động trong các mối quan hệ. Tuy nhiên, thời đại bây giờ khác xa rồi nhé.

    Cô bạn Tăng Cát Lâm đã kể về câu chuyện "cưa đổ trai Tây" của mình. Sau khi đăng lên mạng, chuyện tình yêu ấy đã nhận về được hơn 31 nghìn lượt yêu thích của cộng đồng mạng.

    trai tay cuc pham 0
    Câu chuyện thu hút nhiều sự chú ý.

    Hai lần tỏ tình thất bại, bị block thẳng tay

    Tăng Cát Lâm 22 tuổi, hiện đang sinh sống tại Nordhausen (Đức). Bạn trai cô là Finn Julian Bossen, bằng tuổi và sống ở Flensburg. Cả hai bên nhau được 1 năm nay.

    "Mình gặp anh ấy ở một hội thảo ở trường Finn học. Mình thấy thích anh ngay từ lần gặp đầu tiên nên chủ động xin số làm quen. Finn hiền lắm, hơi lạnh lùng một chút nhưng nói chuyện lại thân thiện vô cùng. Mình nhắn tin cho anh hằng ngày, áp dụng mấy 'chiêu' như: giả bộ rủ đi cà phê, đem đồ mình nấu mang qua cho anh ấy ăn, nhờ chỉ bài… Nói chuyện qua lại nhiều hơn thì anh cũng coi mình như một người bạn thân thiết luôn đó", Cát Lâm chia sẻ.

    trai tay cuc pham 0
    Câu chuyện thu hút nhiều sự chú ý.

    Nói chuyện với nhau được 1 tháng, Cát Lâm mạnh dạn nói lời tỏ tình qua tin nhắn. Tuy nhiên, Finn ngay lập tức từ chối bằng lời nói khá nhẹ nhàng: "Mình không có tình cảm với bạn. Mình nghĩ chúng ta chỉ nên làm bạn thôi".

    Cát Lâm kể tiếp: "Sau lần thứ nhất mình vẫn không từ bỏ ý định và quyết tâm tỏ tình lần 2 vào khoảng 2 tuần sau. Khi đó, mình đến hẳn nhà anh ấy để tỏ tình, ai dè anh từ chối luôn. Như chưa đủ để 'cảnh cáo', anh còn block luôn tài khoản mạng xã hội của mình. Khi ấy mình bắt đầu nghĩ Finn 'chảnh' quá, tức nên chẳng thèm tìm cách liên lạc nữa".

    Tuy nhiên, điều Cát Lâm không thể ngờ rằng sự im lặng của cô suốt 1 tuần đã khiến cho Finn thay đổi. Anh dần dần nhận ra hình như mình cũng có chút rung động trước Cát Lâm.

    "1 tuần sau ngày tỏ tình thất bại và bị block, chẳng nói với nhau câu nào thì anh nhắn tin để hẹn mình đi ăn. Anh còn bảo nhớ và muốn gặp nữa. Công cuộc tìm hiểu kéo dài 2 tuần và sau đó, cả hai đứa chính thức ở bên nhau.

    Khi tỏ tình, mình có nói là: 'Bạn sẽ không tìm được ai yêu bạn như mình đâu'. Anh đáp lại luôn: 'There's plenty of fish in the sea' (Sẽ còn nhiều người khác nữa mà). Bây giờ mình suốt ngày đem ra trêu anh ấy thôi", Cát Lâm tâm sự.

    trai tay cuc pham 0
    Cặp đôi Cát Lâm và Finn.

    trai tay cuc pham 0
    Finn sở hữu nhan sắc nổi bật.

    Đúng là đôi khi, những sự tấn công dồn dập cũng không bằng khoảng lặng để người ta nghĩ lại. Có lẽ, Finn quá quen với sự quan tâm từ Lâm nên khi vắng nó đi, anh mới có cơ hội nhìn lại, nhận ra tình cảm thật sự của mình.

    Ngày ra mắt "đáng nhớ" của chàng Tây!

    Cát Lâm đã trải qua vài mối tình trước đó, Finn thì chưa. Cô gái Việt Nam này là mối tình đầu của anh. Họ đã cùng nhau vượt qua nhiều chuyện vui buồn bên nhau.

    Lâm tâm sự: "Hai đứa mình giận nhau thường xuyên luôn vì tính mình trẻ con lắm, hay giận vô cớ. Nhiều khi khó chịu trong người cứ cáu bẳn. Finn người lớn hơn, lúc có chuyện thì sẽ lắng nghe, xin lỗi rồi cũng biết nói ngọt ngào lắm, mọi chuyện cứ dần dần ổn lại thôi".

    trai tay cuc pham 0
    Cả hai cùng nhau đi du lịch nhiều nơi.

    Một năm bên nhau, tình yêu của Lâm và Finn càng ngày càng trở nên thắm thiết. Tuy vậy, cũng có những lúc cô khiến anh chàng Tây phải suy nghĩ vì những câu nói của mình.

    "Đợt Noel mình hơi có chút vấn đề nên cũng khó ở, tự nhiên cảm thấy không còn yêu Finn nữa. Mình nói với anh rằng hết cảm giác yêu rồi. Finn cứ im lặng chẳng nói gì cả. Một buổi tối, mình vừa qua nhà thì thấy anh ấy trang trí phòng bằng nến và hoa, rồi tặng mình cái lịch mùa vọng anh tự làm cả buổi.

    Trong mỗi ô là hình của hai đứa và bánh kẹo, kèm theo lời nhắn của bạn nữa. Lịch truyền thống của Đức thì từ ngày 1-24/12, mỗi ngày sẽ có món quà nhỏ trong một ô. Mình xúc động lắm, từ đó cũng bỏ luôn cái tật nghĩ linh tinh rồi nói linh tinh nữa", Cát Lâm kể.

    trai tay cuc pham 0

    Yêu nhau được 1 năm, cả Lâm và Finn đều đến nhà đối phương để ra mắt. Ở Đức, Lâm có bác ruột và họ hàng, ai cũng mong ngóng để xem người yêu bản địa của cháu sẽ như thế nào.

    "Khi về ra mắt ở nhà mình, anh ấy bị mình ép ăn trứng vịt lộn, trứng bách thảo, dồi trường rồi sợ luôn đến giờ. Chắc đó là kỷ niệm nhớ đời mất. Gia đình mình ai cũng mến anh ấy vì hiền lành, lễ phép quá. Dù không nói chuyện qua lại với mọi người được nhiều nhưng anh ấy vẫn thường xuyên hỏi han sức khỏe ba mẹ mình ở Việt Nam nên ba mẹ cũng thích bạn lắm", Lâm chia sẻ thêm.

    trai tay cuc pham 0

    trai tay cuc pham 0
    Hình ảnh Finn đến ra mắt ở gia đình Lâm.

    Trước khi về nhà Finn, cô cứ lo ngại rằng gia đình anh sẽ không thích mình nhưng thực tế lại hoàn toàn khác biệt.

    Lâm tiếp tục: "Lúc đó, mình lo ngại chuyện bất đồng ngôn ngữ vì tiếng Đức của mình chưa thật sự tốt lắm. Mình chuẩn bị sẵn rượu vang và ít bánh trái Việt Nam để làm quà. Ba mẹ anh ấy đều rất thích. Ba anh còn bảo rằng ông từng học một khóa nấu ăn món châu Á. Mình cứ lo ngại chuyện văn hóa xa lạ họ sẽ không thích, khó tiếp nhận nhưng không phải, họ rất thích văn hóa phương Đông".

    trai tay cuc pham 0
    Cô cũng thoải mái khi về nhà người yêu.

    Trước khi về nhà Finn, cô cứ lo ngại rằng gia đình anh sẽ không thích mình nhưng thực tế lại hoàn toàn khác biệt.

    Bạn bè Cát Lâm sau khi thấy hình ảnh cô và Finn thì đều xuýt xoa vì anh thật sự đẹp trai. Nhiều người còn tỏ thái độ lo lắng cho Lâm vì yêu trai đẹp rất nhiều rủi ro. Tuy nhiên, cô vẫn vững vàng với sự lựa chọn của chính mình.

    "Kiểu khó khăn khi yêu rồi sợ nọ sợ kia chắc đúng với người mình yêu không toàn tâm toàn ý. Còn nếu anh ấy thật lòng yêu thương mình thì dù vẻ bề ngoài thế nào, xấu đẹp ra sao mình cũng sẽ không bị khổ sở hoặc lo được lo mất".

    Cát Lâm và Finn dự định sau khi học xong xuôi sẽ về chung một nhà. Hi vọng rằng, cặp đôi này sẽ có một cái kết thật đẹp cho câu chuyện tình yêu của mình nhé.

    Theo Nhịp Sống Việt

  • Hải Minh cải trang vào Iraq tìm Husam với manh mối duy nhất là tấm ảnh của anh và tên công ty, sau 5 tháng mất liên lạc.

    4h chiều mỗi ngày, điện thoại của Hải Minh, 27 tuổi đổ chuông đều như đặt báo thức. Màn hình hiện lên một người đàn ông với đôi mắt màu xanh lơ, tên Husam Najim Abdulwahed, 34 tuổi. 15 phút trò chuyện nhanh như chớp mắt. Trước lúc tắt máy, Husam, kỹ sư dầu khí làm việc tại công ty Awar Al Khaleej gửi định vị  mình cho Minh. Bữa nay anh ở ngoài khơi tỉnh Dhi Qar, Iraq, cách bạn gái gần 6.800 km.

    "Sau lần hiểu nhầm một năm trước, Husam luôn gửi định vị để tôi yên tâm", Hải Minh chia sẻ. Hai người đã có mối tình sâu đậm sau hơn 3 năm yêu.

    Hải Minh vẫn giấu gia đình chuyến đi Iraq tìm bạn trai. Sự việc đã qua, cô không muốn mọi người lo lắng cho mình nữa. Ảnh: H.M.

    Tháng 7/2016, Hải Minh, trợ lý giám đốc tại một khách sạn 5 sao tại TP HCM, đi công tác Ai Cập. Husam cũng đến đây tham gia đào tạo và ký kết hợp đồng. Tình cờ hai người chung khách sạn, phòng cạnh nhau.

    "Tính mình lẩm cẩm nên cứ hay quên đồ đạc, mỗi lần đi ra vào là nói chuyện ồn ào. Anh ấy khó chịu nên đã gõ cửa nhắc nhở", Minh kể. Vì chuyện đó, Minh tặng một hộp cà phê Việt cho Husam thay lời xin lỗi. Nhưng cô biện bạch "đó là khu vực công cộng, ồn một chút cũng chẳng sao. Anh không cần quá khó tính". Husam bật cười, nói cô "lạ đời, tự dưng xin lỗi rồi lại chê người khác khó tính".

    Những ngày sau, họ thường gặp nhau dưới sảnh khách sạn và nói chuyện xã giao, sau đó trao đổi ứng dụng Whatsapp để trò chuyện nhiều hơn bằng tiếng Anh. Trước ngày thứ 5 Minh rời đi, Husam mời cô đi dạo quanh thành phố bằng xe jeep. Trong nửa ngày, họ chia sẻ với nhau về quê quán, tuổi tác và công việc. Husam cũng khoe đã ký kết hợp đồng thành công. Anh mua tặng ba mẹ Minh khăn dệt nổi tiếng Ai Cập. Cô tặng lại một hòn đá, mua trong chuyến du lịch Mexico năm trước.

    Lúc đi ngang qua một nhà thờ Hồi giáo ở thủ đô Cairo, Husam dẫn Minh vào. Sau một hồi làm lễ, bất ngờ anh nói một câu bằng tiếng Ả Rập mà sau đó có người dịch cho cô biết là: "Tôi hy vọng có thể cùng cô ấy hạnh phúc suốt đời dưới chứng giám của đấng Alla. Và tôi đã gặp được".

    Minh cảm động cay mắt bởi tình cảm người đàn ông đạo Hồi này dành cho mình. Khi anh ngỏ lời cầm tay, cô đã đồng ý. "Tôi không hiểu sao mình lại đồng ý nhanh như vậy, chỉ biết cảm giác là mình muốn", cô bộc bạch.

    Ngày Minh về nước, Husam đưa đồ của cô lên xe và nhắn: "Chúng ta sẽ gặp nhau sớm thôi".

    5 ngày không đủ khiến Minh yêu, nhưng đã làm cô tin và thiện cảm với Husam. Không như những chàng trai Ả Rập cô biết - ngọt ngào và lãng mạn - Husam có vẻ ngoài nghiêm nghị như chính công việc của mình. "Tôi cảm giác anh ấy đủ mạnh mẽ để có thể lo lắng cho tôi, bởi tôi vốn tự lập và mạnh mẽ", Minh bộc bạch.

    Yêu xa, cả hai trò chuyện thường xuyên. Thỉnh thoảng anh dạy cho cô tiếng mẹ đẻ, câu mà Minh được nghe nhiều nhất là انا احبك (anh yêu em). Mỗi sáng ngủ dậy, Husam luôn nhắc Minh gọi điện cho ba má vì cô là con một. Anh cũng kể về mẹ già và anh chị mình, sống cách thủ đô Bahgdad 500 km. Xem tivi có tin tức nào về Việt Nam là anh lập tức nhắn tin cho cô hỏi đủ thứ. Họ đã gặp nhau thêm 2 lần ở Dubai và Malaysia trong những năm sau đó.

    Ngoài trừ những đợt phải đi giàn khoan thì những ngày còn lại Husam nhắn tin, gọi điện cho Minh đúng giờ. Nếu có đi giàn khoan, anh luôn nói trước với cô 4-5 ngày, một năm chưa bao giờ lỡ hẹn. Có những lúc ra khơi mất sóng, không liên lạc được khiến Minh lo lắng, Husam luôn kiên nhẫn xin lỗi. Anh đáp lại bằng việc quay video, gửi ảnh việc mình đang làm để cô yên tâm.

    Biến cố đến vào tháng 7/2018, khi thời gian này Husam nhận được bản kiểm tra sức khoẻ, biết việc mình tiếp xúc với chất độc hại có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh con. Anh nói yêu Minh nhưng "không có ý định kết hôn và sẽ sống cô độc đến già". Dù cô động viên và chấp nhận chuyển đến đất nước khác để sống, miễn bên nhau, Husam vẫn một mực nói không thể.

    "Tôi rối bời, nghi ngờ anh đã có vợ con. Tôi nghĩ nếu mình giữ im lặng thì Husam sẽ cầu xin tha thứ, nhưng một tuần trôi qua vẫn không có hồi âm", cô kể.

    Lòng cô khi ấy rối như tơ vò, nghĩ mình yêu lầm người, bị lừa. Cô nhắn: "Em biết gánh nặng này rất nặng, nhưng anh không chỉ có một mình, em sẽ gánh cùng anh", nhưng đổi lại vẫn chỉ là im lặng. "Tôi gọi cho nhà mạng Iraq và biết số điện thoại của anh vẫn hoạt động. Tôi tin anh đang cố tình không trả lời mình", Minh đau khổ. Cuối cùng cô chặn số liên lạc, xoá whatsapp.

    Một tuần sau khi chặn số, Minh nhận được cuộc gọi từ số máy lạ, nói Husam đang bị tai nạn. Lý trí lúc này không cho cô tin nữa, nên tiếp tục chặn số đó. Cô xin nghỉ phép không lương đi tình nguyện ở Kenya để nguôi ngoai nỗi đau. 

    Anh Husam đang là kỹ sư dầu khí tại thành phố cảng Umm Qasr, miền nam Iraq. Ảnh: Husam Najim Abdulwahed.

    Ngày 17/10 năm đó, cô mở lại whatsapp, lòng nghĩ "một lần nghe Husam nói không còn yêu thì sẽ cam tâm từ bỏ". Ngay khi vừa đăng nhập, cô nhận được rất nhiều tin nhắn của Husam, đọc 30 phút mà không hết và cả những bức hình anh nằm viện.

    "Anh nói bị ngộ độc, phải dùng ống thở. Tôi rối bời, hoảng loạn, hình dung ra cảnh anh thoi thóp trên giường bệnh. Tôi nhắn tin, điên cuồng gọi lại, nhưng anh ấy như bốc hơi khỏi thế giới này", cô hồi tưởng.

    Hải Minh bới tung tất cả để tìm Husam. Cô định vị con tàu anh làm việc, tìm ra 70 cảng mà tàu đi qua, gọi điện từng nơi nhưng không nơi nào có tên người đàn ông mà cô đã yêu 2 năm qua.

    Ngày 26/10/2018, cô bay tới Ai Cập, trở lại khách sạn nơi hai người gặp nhau lần đầu tiên để hỏi thăm thông tin nhưng họ không cung cấp được. Cô đăng lên trang tìm người tại Iraq, tìm kiếm từ tên và những bức ảnh của Husam với bạn bè, gia đình, cũng chẳng có tác dụng...

    "Thứ duy nhất tôi có là bức hình anh ở nơi làm việc. Tôi dự định bay sang Iraq để tìm anh theo tên công ty và địa điểm trong bức hình này. Ai cũng bảo tôi điên rồ, nhưng tôi sợ hãi đánh mất anh, sợ sẽ phải hối hận suốt đời", cô giãi bày.

    Đầu tháng 12 năm đó, cô trùm kín người, trang điểm đậm giả làm người Hồi giáo vào Iraq. Vị trí con tàu trong bức hình Husam gửi ở cảng Umm Qasr Naval Base, cách thủ đô Baghdad 7 tiếng xe bus. Đặt chân được tới đây nhưng Minh không thể vào trong vì đó là khu vực quân sự. Cô loay hoay tìm cả buổi sáng mà tất cả chỉ có thông tin bằng tiếng Ả Rập, không có tiếng Anh. Nghĩ đến quãng đường mình đã đi, đổi lại không một tin tức về bạn trai, cô khóc sưng mắt dưới trời nắng nóng.

    Sau đó một nhiếp ảnh gia người gốc Australia, chuyên chụp các con tàu đã giúp Minh vào bên trong. Tại đây gặp ai cô cũng hỏi về con tàu Husam làm việc, cũng như cho xem ảnh của anh. Một số người cho biết Husam làm kỹ sư ở đây được 5 năm và tàu của anh đang đi giàn khoan, chưa biết khi nào sẽ về.

    Những ngày tiếp theo, Minh lân la khu vực bến cảng, hỏi thăm những người ngoài biển trở về. Phơi nắng trong tiết trời khô nóng ban ngày, lạnh giá ban đêm, khiến cô bị ốm. Tới ngày thứ 7, người sốt, cô vẫn bám trụ ở bến cảng từ sáng tới chiều muộn.

    Đêm 15/12, Minh đang thiu ngủ thì bất chợt chủ nhà báo có người tìm. Cô không nghĩ đó là Husam cho tới khi anh bằng xương bằng thịt đứng trước mặt cô.

    "Người tôi đỏ lừ vì sốt và mệt. Tay chân tôi run rẩy, không có ai đánh mà tôi cứ khóc như mưa. Hai đứa ôm nhau rồi nấc lên như thể không có sự hiện diện của chủ nhà và anh nhiếp ảnh", cô gái kể.

    Mọi hiểu lầm ngày hôm sau được hoá giải hết. Husam đưa cho Minh xem giấy tờ bị suy hô hấp do ngộ độc dầu, nằm viện mất 2 tuần. Thời gian đó anh ở ngoài khơi, không có sóng điện thoại, đó là lý do tại sao cô không gọi được. Sau này giận cô nên anh đã xoá tài khoản.

    Minh cũng hỏi "tại sao nói dối tên" thì Husam đưa ra hộ chiếu. Lúc này cô mới vỡ lẽ, âm tiếng Ả Rập đọc thì giống nhưng viết lại khác nhau. "Anh chưa từng nói dối em. Anh yêu em. Điều đó sẽ không bao giờ thay đổi trong suốt cuộc đời này", người đàn ông ngoan đạo ấy đỏ hoe mắt, nói.

    Sau hiểu lầm "long trời lở đất", tình yêu của Minh và Husam dường như không thể tách rời nữa. Tháng 6 vừa qua, Hunsam và anh, chị mình đã về ra mắt ba mẹ Hải Minh, xin cưới hỏi. Anh chiều theo quyết định của cô là làm lễ theo truyền thống Việt Nam.

    Ngày về, Husam cầm tay ba má Minh khóc, kể về tuổi thơ mồ côi cha nên luôn khát khao có đủ bố mẹ. Vì thế anh dự định sau lễ cưới và ổn định công việc bên Singapore, sẽ đón bố mẹ của cả hai sang để tiện chăm sóc. Tiệc báo hỉ của Minh và Husam đã đặt tại một nhà hàng ở quận 3, TP HCM đầu năm tới.

    * Tên cô gái đã thay đổi.

    Theo VnExpress

  • Trải qua sóng gió của cuộc hôn nhân đầu, nữ Việt kiều đang có cuộc sống viên mãn bên người chồng Pháp giàu có.

    Cuộc hôn nhân vội ở tuổi 18 

    Nhắc đến cuộc hôn nhân đầu, chị Vũ Thị Lanh (SN 1987 - Hải Phòng) nghèn nghẹn kể chồng cũ hơn chị 5 tuổi.

    “Anh để ý tôi từ năm 16 tuổi. 18 tuổi, anh xin phép cưới. Gia đình chồng thuộc diện bề thế ở địa phương nên đám cưới được tổ chức khá hoành tráng”, chị Lanh nói.

    Nữ Việt kiều Vũ Thị Lanh

    Tuy nhiên cuộc sống hôn nhân của họ nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Năm 2005, con trai đầu lòng chào đời những tưởng là sợi dây hàn gắn, giúp hai vợ chồng xích lại gần nhau. Tuy nhiên, rạn nứt ngày càng trầm trọng. Sau đó, chị sang nước ngoài lao động. Khi con trai 3 tuổi, họ chính thức ly hôn.

    Chị gửi con cho bà ngoại, tiếp tục quay lại Pháp. Ở nơi đất khách quê người, nỗi nhớ con quặn thắt, chị chỉ biết tập trung vào công việc, gửi tiền về nuôi con. 

    “Đó là quãng thời gian tôi bị khủng hoảng, mất phương hướng. Tôi tự than trách số phận mình sao quá đắng cay…”, chị chia sẻ.

    Mối duyên với doanh nhân người Pháp

    Năm tháng bên Pháp, chị Lanh nếm trải không ít những nhọc nhằn. Thời gian này, chị gặp và quen biết người đàn ông Pháp tên Thierry Pennel, kinh doanh dược phẩm, hơn chị khá nhiều tuổi.

    Chị Lanh bên người chồng thành đạt.

    Cảm nhận ban đầu của chị, đó là người tốt bụng. Anh cũng từng đổ vỡ trong quá khứ. Từ sự đồng điệu về hoàn cảnh, hai người chớm nảy nở tình yêu. Chị hoàn toàn không hay biết anh là một người giàu có.

    “Anh không tặng quà xa xỉ mà dùng sự chân thành chinh phục tôi. Tôi né tránh, anh càng tấn công. Mãi sau này tôi mới biết anh là một triệu phú”, chị Lanh nhớ lại.

    Sự kiên trì của anh đã khiến trái tim đầy tổn thương của chị Lanh hồi sinh. 5 năm sau, anh ngỏ lời cầu hôn: “Tối đó, anh rủ tôi đi dạo rồi bất ngờ lồng vào tay tôi chiếc nhẫn kim cương cầu hôn. Khoảnh khắc đó, tôi vỡ òa vì hạnh phúc”.

    Ảnh cưới của cặp đôi.

    Hai người chính thức về chung một nhà bằng đám cưới ấm cúng tại Pháp. Từ đây, cuộc đời người phụ nữ ấy bước sang một trang mới đầy hoan ca. Anh Thierry đón con trai chị Lanh sang Pháp đoàn tụ.

    Ông xã dành cho mẹ con chị Lanh tình yêu thương vô bờ.

    “Anh thương con tôi thiếu thốn tình cảm nên cố gắng bù đắp, cho con đi học trường nổi tiếng. Thierry nói, hai mẹ con xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp nhất”.

    Hai con riêng của chồng luôn yêu quý, dành sự trân trọng với mẹ kế. Thương các con, chị bàn với chồng hoãn kế hoạch sinh em bé, toàn tâm toàn ý chăm sóc 3 đứa trẻ.

     “Tôi rất tự hào về các con, chúng giỏi và ngoan. Có việc gì đều nhắn cho mẹ hỏi ý kiến. Ngược lại, tôi luôn chia sẻ mọi tâm tư với con.

    Hiện tôi đi lại giữa Pháp và Việt Nam kinh doanh bất động sản, chồng sang Thượng Hải (Trung Quốc) mở rộng thị trường. Đợt nào tôi ở Việt Nam, các con tự đặt vé về thăm mẹ”, nữ Việt kiều tâm sự.

    Hai con lớn học bên Pháp, còn con bé - con trai chị, anh Thierry đưa sang Thượng Hải học.

    Chị Lanh tự hào vì con trai được chồng nuôi dạy chu đáo.

    “Con trai tôi có thể đọc thông, viết thạo 4 thứ tiếng, giỏi piano. Tất cả đều nhờ bố Thierry uốn nắn. Ngoài dạy cách sống, chồng tôi còn dạy các con kinh doanh”, chị Lanh nói tiếp.

    Chia sẻ về người chồng ngoại quốc, chị Lanh xúc động bày tỏ: “Anh là người lịch thiệp. Công việc bận rộn nhưng anh duy trì thói quen 6h sáng dậy nấu đồ ăn cho cả nhà.

    Buổi tối, ông xã dành thời gian dạy học và trò chuyện với các con. Anh quan niệm, cho con vật chất đủ đầy nhưng phải theo sát bước chân của chúng. Tất cả việc dạy dỗ con đều do anh đảm đương”, nữ đại gia đất Cảng kể.

    Chúc vợ ngủ ngon hay nắm tay vợ thật chặt mỗi khi sang đường là sự săn sóc ấm áp anh dành cho chị. Anh lãng mạn đến mức không đợi đến ngày lễ cũng mua quà tặng vợ.

    “Thấy ở đâu có đồ đẹp là anh dẫn vợ đi mua, dù tôi không đòi hỏi. Ngày trước làm mẹ đơn thân, cả năm tôi không dám mặc bộ quần áo mới.

    Về làm vợ Thierry, anh chủ động sắm đồ hiệu cho tôi dùng. Ngoài tình yêu, tôi còn dành cho anh sự ngưỡng mộ, cảm kích”.

    Một số món đồ hiệu anh Thierry tặng vợ. Trong đó có đồng hồ Hublot trị giá khoảng 500 triệu đồng.

    Do công việc kinh doanh, anh Thierry thường xuyên đến nhiều quốc gia khác nhau. Những chuyến công tác đó, anh đều đưa vợ theo.

    “Tôi đã đặt chân đến khoảng 20 nước, gồm: Monaco, Đức, Nhật, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Canada… Thierry nói muốn nắm tay vợ đi khắp thế gian”, đôi mắt rạng ngời, chị Lanh bộc bạch.

    Bước qua đau buồn, nữ Việt kiều đang có cuộc sống viên mãn.

    Về làm dâu gia đình giàu có, chị Lanh nhận được sự yêu thương của mẹ chồng. Vợ chồng chị sống ở trung tâm thành phố Lyon (Pháp), mẹ chồng ở vùng ngoại ô. Bà muốn chuyển số tài sản lớn cho con dâu, tuy nhiên, chị từ chối.

    Chị Lanh đồng hành bên chồng đến nhiều nước trên thế giới.

    “Tôi nói mẹ làm di chúc cho các con riêng của chồng. Tôi cũng có lòng tự trọng, không muốn mọi người nghĩ mình lấy Thierry vì tiền bạc”, người phụ nữ sinh năm 1987 kể.

    Theo Vietnamnet

  • Marie Chevallier, một người Pháp gốc Việt trở thành nàng dâu Hoàng gia Monaco hồi tháng 7, đã xuất hiện công khai lần đầu cùng gia đình chồng trong sự kiện quan trọng của công quốc.

    Cô Marie Chevallier cùng chồng trong màn ra mắt công chúng với tư cách nhân vật hoàng gia (Ảnh: EPA)

    Vào tháng 7, cô Chevallier, tên tiếng Việt là Hoa, đã thành hôn với Louis Ducruet, người gọi Thân vương đang trị vì công quốc Monaco Albert II là bác ruột. Anh đứng thứ 15 trong danh sách kế vị ngai vàng của Monaco dù chưa có tước hiệu hoàng gia.

    Ngày 19/11, nhân dịp lễ kỷ niệm Quốc khánh Monaco, cô Chevallier đã lần đầu tiên tham gia vào sự kiện Hoàng gia của công quốc này với tư cách con dâu. Cô đã xuất hiện trên ban công cung điện của Hoàng thân Albert II tại Monte Carlo trước sự chứng kiến của đông đảo công chúng.

    Thân vương Albert II và Thân Vương phi Charlene cùng cặp sinh đôi 4 tuổi, Hoàng tử Jacques và Công chúa Gabriella xuất hiện ở ban công cung điện hoàng gia (Ảnh: Getty)

    Các thành viên gia đình Hoàng gia Monaco đứng đầu là Thân vương Albert II và Thân Vương phi Charlene đã vẫy tay chào người dân Monaco trong buổi lễ quan trọng.

    Cô Chevallier, 27 tuổi, có cha người Pháp, mẹ người Việt, thành thạo 3 thứ tiếng Pháp, Anh, Tây Ban Nha. Mẹ chồng của cô là Công chúa Stéphanie xứ Monaco, em gái Thân vương Albert II. Trong màn ra mắt công chúng đầu tiên với tư cách cô dâu Hoàng gia, cô Chevallier chọn một chiếc váy màu xanh nhạt thanh lịch, đi đôi giày màu da, cùng chiếc mũ màu sáng.

    Cô Chevallier (ngoài cùng bên trái) cùng chồng và các nhân vật Hoàng gia Monaco đứng tại ban công trong buổi lễ (Ảnh: EPA)

    Dailymail đánh giá cô dâu mới của Hoàng gia Monaco đã lựa chọn màu sắc khá nổi bật và khá khác biệt với các thành viên nữ khác khi họ phần lớn đều mặc áo khoác và áo cổ cao trong thời tiết khá lạnh ở Morte Carlo.

    Cô Chevallier và chồng trong đám cưới tổ chức hồi tháng 7 (Ảnh: Instagram)

    Theo Royal Fashion, cô Chevallier gặp chồng khi cả 2 là sinh viên trường kinh doanh SKEMA, Pháp. Chevallier đã tốt nghiệp cử nhân quản trị kinh doanh. Sau đó, cô tiếp tục theo học tại đại học Western Carolina ở Mỹ với chuyên ngành giáo dục tiếng Pháp và marketing.

    Cặp đôi được cho đã biết nhau từ năm 2011 và hẹn hò trong vài năm. Theo Vogue, cặp đôi này đã “yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên”. Năm ngoái, anh Ducruet đã cầu hôn bạn gái tại một khu nghỉ dưỡng sang trọng tại Hội An, Việt Nam trong chuyến du lịch của 2 người. Họ thường xuyên chia sẻ những khoảnh khắc tình yêu nồng nhiệt trên mạng xã hội Instagram.

    (Ảnh: Getty)
    Vợ chồng cô Chevallier chụp ảnh với Công chúa Stephanie (Ảnh: Getty)

    Bài liên quan: Cô gái gốc Việt hạnh phúc trở thành nàng dâu hoàng gia Monaco

    Theo Dân Trí

  • Mimi Morris vừa gây xôn xao với siêu sinh nhật có sự tham gia của Vũ Khắc Tiệp, Hồ Ngọc Hà.

    Kết hôn với ông Don Morris – CEO của Morris Group International (Tập đoàn Quốc tế Morris) với 9 chi nhánh, văn phòng trên toàn thế giới, Mimi Morris – một người phụ nữ Việt nghiễm nhiên trở thành triệu phú đô la. Mimi sống trong căn biệt thự bề thế nguy nga trên đất Mỹ trị giá lên tới 800 tỷ, dàn siêu xe kín gara và có cuộc sống xa hoa, thượng lưu, hàng hiệu “dát” từ đầu đến chân. Thậm chí con trai Mimi Morris cũng được mẹ cho mặc toàn hàng hiệu với giá cao chót vót, từ LV, Gucci cho đến D&G.

    Nữ triệu phú đô la Mimi Morris là phu nhân của CEO của Morris Group International (Tập đoàn Quốc tế Morris).
    Mimi Morris vừa gây xôn xao truyền thông Việt mời ông bầu Vũ Khắc Tiệp sang Mỹ dự sinh nhật do chính nhà mốt D&G trang trí.
    Trong Vlog, Vũ Khắc Tiếp hé lộ một phần không gian sống của Mimi Morris tại biệt thự trị giá 800 tỷ xa hoa.

    Mimi Morris có mối quan hệ rất thân với Hồ Ngọc Hà và vô số người đẹp có tiếng khác như Diễm My, Lê Thúy, Hà Kiều Anh. Ngoài ra, Vũ Khắc Tiệp cũng là cái tên không thể thiếu trong danh sách này. Tuy nhiên, cô lại khá kín tiếng.

    Nữ triệu phú Việt ở Mỹ còn có mối quan hệ thân thiết với Hồ Ngọc Hà.

    Chỉ đến gần đây, sau khi xuất hiện trong Vlog của ông bầu Vũ Khắc Tiệp với vai trò chủ nhân bữa tiệc sinh nhật U50 do chính tay nhà mốt Dolce & Gabbana tổ chức với chi phí lên đến 8 tỷ đồng, nhiều cư dân mạng ở Việt Nam mới biết đến cái tên Mimi Morris. Đương nhiên, khối tài sản hoành tráng và cuộc sống bỉm sữa của nữ triệu phú đô la người Việt trở thành chủ đề gây tò mò.

    Mimi Morris rất cưng chiều quý tử nhỏ.

    Có rất nhiều thông tin bất ngờ về Mimi Morris mà đến bây giờ, nữ triệu phú mới đích thân hé lộ.

    Đã có tới 3 con chứ không chỉ 1

    Trong những bức ảnh tại bữa tiệc sinh nhật xa hoa tuổi U50 của Mimi Morris, nhiều người chú ý tới một bé trai tóc vàng trong bộ vest đỏ đắt tiền được Mimi Morris vô cùng cưng chiều. Tất cả đều cho rằng cậu bé là con của nữ triệu phú Việt. Điều đó đúng nhưng hóa ra chưa đủ. Mimi Morris hiện đã có tới 3 con.

    Một cậu con trai lớn 28 tuổi, con gái thứ 2 hiện 24 tuổi và một bé nhỏ năm nay 6 tuổi. Các bé đều sinh ở Mỹ, sử dụng Tiếng Anh làm ngôn ngữ chính tuy nhiên bé Hannah, con gái lớn của Mimi Morris rất giỏi Tiếng Việt.

    Gia đình của Mimi Morris với 3 đứa trẻ.

    Tôi sống hơi khép kín, không thích lên báo Việt nhiều, không muốn ồn ào. Tôi lúc nào cũng thích đông con nhưng ở Mỹ nuôi một đứa bé thật sự không dễ dàng. Cách đây 6 năm, sau khi 2 đứa lớn đã vào đại học, thật sự tôi hơi buồn nên quyết định có thêm em bé”, nữ triệu phú Mimi Morris chia sẻ lý do vì sao lại sinh thêm con ở tuổi ngũ tuần.

    Con trai nhỏ tuổi nhất của nữ triệu phú năm nay mới lên 6.
    Tuổi 50, Mimi Morris trước đó đã sinh hai con. Hiện tại hai con lớn của nữ triệu phú đã 28 và 24 tuổi.

    Mimi Morris cũng cho biết thêm tuy sống ở Mỹ đã lâu nhưng chị vẫn có gia đình ở Việt Nam và thường xuyên đưa các con về thăm bà ngoại đồng thời làm từ thiện cho những trẻ em gặp hoàn cảnh khó khăn ở quê hương.

    Triệu phú đô la không có... vú em hỗ trợ

    Là phu nhân tỷ phú, vậy nhưng không ai ngờ, Mimi Morris lại không cần nhờ tới bất cứ một vú em nào để giúp cô chăm sóc cậu con trai nhỏ tuổi.

    Tôi thích tự tay chăm sóc chồng con. Gia đình tôi không có vú em. Thậm chí, tôi chưa bao giờ cho ai đụng đến con mình, trừ anh chị và bố của nó. Tôi muốn chính mình dạy dỗ và chăm sóc gia đình chứ không phải người giúp việc”, nữ triệu phú tiết lộ gây sốc.

    Một ngày của Mimi Morris thường bắt đầu từ 4h30 sáng, chị sẽ dậy làm đồ ăn sáng cho chồng con rồi đưa bé nhỏ đi học. Sau khi quay về nhà, nữ triệu phú sẽ dành 2 tiếng trong phòng tập gym và làm việc đến 3 giờ chiều. Sau khoảng thời gian đó là lúc nữ triệu phú Việt sẽ tự mình đi đón con, đưa con ra công viên rồi về nhà lo cơm nước cho gia đình, tắm rửa, cho bé đọc sách rồi đi ngủ lúc 7h30 tối. Tất cả đều là những công việc thuần túy mà mọi bà mẹ bỉm sữa đều thực hiện mỗi ngày.  

    Nữ triệu phú tự mình đưa con đi học.
    Mimi Morris không để ai chạm vào con trai nhỏ ngoài chồng và hai con lớn.

    Hai con lớn của Mimi Morris hiện đều đang làm việc cho công ty của bố. Tuy là những “Rich Kid” chính hiệu nhưng tên của những đứa trẻ này không bao giờ xuất hiện trên báo vì Mimi Morris luôn dạy con sống giản dị và chăm chỉ. Đặc biệt, tất cả những đứa trẻ đều làm việc rất chăm chỉ.

    Riêng cô con gái Hannah thậm chí thân thiết và gắn bó với mẹ như hai chị em.

    Cách dạy của tôi là vừa làm mẹ, vừa làm bạn với con để lắng nghe tất cả những điều mẹ chúng chia sẻ. Tôi nuôi con theo cả hai kiểu Việt và Mỹ, cái nào tốt thì tôi dạy con. Nhưng tựu chung thì các bé sống theo cách của người Mỹ nhiều hơn vì bố bọn trẻ là người Mỹ”.

    Con gái lớn của Mimi Morris đúng chuẩn Rich Kid thực thụ.
    Cô bé khá kín tiếng và thân thiết với mẹ.

    Câu chuyện phía sau cuộc sống xa hoa dát kim cương của nữ triệu phú đô la Mimi Morris càng khiến hình ảnh của cô trở nên đẹp hơn trong mắt cư dân mạng. Một người phụ nữ Việt dù có ở đâu, tài năng và giỏi giang, thành đạt đến mấy vẫn luôn là người phụ nữ của gia đình, thích chăm chút cho tổ ấm và những đứa con.

    Theo Khám Phá

  • Bạn của Trần Thị Trang, cô gái Việt bị chồng Mỹ giết hại tàn nhẫn, vứt xác bên đường ở California, nói bản án 15 năm cho đến chung thân là không đủ cho kẻ đã giết Trang.

    “Cô ấy rất vui tính, thân thiện và rất tốt bụng với mọi người”, Brianna Vo nói với FOX40 qua FaceTime.

    Cô Vo đã di cư sang Mỹ vào năm 2015, một năm trước Trang.

    Chồng của Trang, Michael Abeyta, đã bị kết án vì giết và vứt xác cô bên đường ở hạt Placer, bang California. Theo FOX40, với sự trợ giúp của Bộ Ngoại giao Mỹ, cha mẹ của Trang đã có thể qua Mỹ dự phiên kết án ngày 1/10.

    Trần Thị Trang trong một tấm ảnh chụp năm 2014. “Thật bi thảm khi cô gái trẻ này đến đất nước của chúng ta (Mỹ) để học tập, rồi đem lòng yêu thương và cưới phải một con quái vật", trợ lý trưởng của ủy viên công tố - ông Jeff Wilson nói. Ảnh: FBNV.

    Cô gái tốt bụng, hết lòng yêu thương chồng

    “Chúa ơi, tôi và tất cả bạn bè của tôi, chúng tôi đã rất sốc đến nỗi không thể tin vào sự thật, bởi vì cô ấy rất tốt bụng”, Vo nói. “Cô ấy không gây nên tội tình gì để đáng bị giết như vậy”.

    Những người leo núi đã tìm thấy xương của Trang rải rác bên đường Foresthill ở hạt Placer vào ngày 27/1/2018.

    Bốn tháng trước đó, Trang đăng trên Facebook về một buổi tối ăn pizza và xem phim với chồng, nói rằng: “Bây giờ, tôi chỉ muốn mãi ở bên anh ấy”.

    Cặp đôi gặp nhau tại bang Florida, khi Abeyta đang theo học tại Đại học Trung tâm Florida còn Trang đang theo học Đại học Tây Florida. Họ nhanh chóng kết hôn ở Las Vegas và chuyển đến hạt Sacramento.

    Vo cho biết bạn của cô không nói nhiều về mối quan hệ của Trang với chồng, chỉ nói rằng cô gái 22 tuổi này thực sự đang yêu.

    Vo cho biết cô cảm thấy Trang đã cô đơn ở một đất nước mới, mong muốn tìm kiếm một mối quan hệ, và bỏ qua bất cứ điều gì có thể phá hỏng kịch bản cuộc sống hoàn hảo mà Trang đang cố tạo ra cho mình, theo FOX.

    Vo cho biết cô có những người bạn sống gần cặp vợ chồng khi họ ở Florida.

    “Một số người trong số họ biết người chồng, và họ khuyên cô rằng hắn không phải người tốt, và cô nên cân nhắc điều đó”, cô Vo nói.

    “Bạn có biết cảm giác khi yêu, người ta không thực sự cân nhắc những gì mọi người xung quanh nói về người kia”.

    Các nhà nghiên cứu bệnh học không thể thể xác định chính xác Trang đã bị giết như thế nào và các cảnh sát hạt Placer vẫn không thể xác định được động cơ vụ sát hại.

    15 năm tù là chưa đủ đối với người chồng máu lạnh giết cô dâu Việt

    “Thực sự rất buồn. Vì vậy, tôi nghĩ rằng 15 năm là không đủ cho kẻ đã giết cô ấy. Tôi nghĩ hắn xứng đáng chịu án lâu hơn”, cô Vo nói.

    Trong phiên tòa xử người chồng máu lạnh hạt Placer hôm 1/10 có sự hiện diện của cha mẹ nạn nhân bay từ Việt Nam tới, ủy viên công tố của hạt cho biết Abeyta đã nhận tội giết người cấp độ hai hồi tháng 7.

    Trung sĩ cảnh sát hạt Placer, ông Matt Hardcastle, chia sẻ: "Thật may vì tạm có một cái kết (khép lại vụ án) cho gia đình nạn nhân. Các thám tử đã làm việc hết mình trong vụ này, trong đó có cả những cảnh sát thuộc ban tuần tra".

    Michael Abeyta bị tuyên có tội và lãnh án tù từ 15 năm tới chung thân. Ảnh: Fox40.

    Trước khi Trang bị sát hại, hai vợ chồng mới chỉ dọn tới Citrus Heights, bang California vào mùa thu. Tuy nhiên, Tran bị sảy thai. Theo lời ủy viên công tố, thời điểm xảy ra biến cố này cũng là lúc mối quan hệ giữa Tran và chồng trở nên xấu đi.

    "Thật bi thảm khi cô gái trẻ này đến đất nước của chúng ta để học tập, rồi đem lòng yêu thương và cưới phải một con quái vật. Thay vì ly dị, hắn quyết định giết vợ và vứt thi thể cô ấy trong rừng", trợ lý trưởng của ủy viên công tố - ông Jeff Wilson nói.

    Vào ngày 27/1/2018, thi thể của Tran - lúc đó 22 tuổi, được tìm thấy nằm rải rác trong một khu vực có nhiều bụi cây thấp dày đặc, chỉ cách đường Foresthill vài chục mét về phía bắc.

    Sau đó, nạn nhân được xác định đã chết vào ngày 11/10/2017.

    Vào sáng sớm 10/10/2017, một số tài xế đi ngang qua khu vực này nói rằng họ nhìn thấy một người đàn ông đang có cố gắng đẩy ôtô xuống đoạn đường trong khu vực mà về sau những người đi leo núi tìm thấy xương của Tran.

    Chiếc xe hơi - thuộc loại Toyota Camry, sau đó được kéo đi nơi khác và các thám tử thậm chí tìm thấy nó tại một bãi chứa xe. Hộ chiếu của Tran được tìm thấy bên trong xe.

    Trung sĩ Hardcastle nói với Fox40: "Một trong các cảnh sát của chúng tôi nhớ lại rằng vào đêm đó, họ kéo một chiếc xe từ khu vực mà cô gái được tìm thấy về sau. Chúng tôi đã truy ra người gọi báo cảnh sát và từ đó tìm đến nơi chiếc xe bị kéo".

    Theo lời ông Wilson, trong thời gian Tran biến mất, Abeyta không thể hiện bất cứ dấu hiệu lo lắng nào. Thay vào đó, trong khi những người thân đang tìm kiếm Tran, Abeyta vẫn dửng dưng tiệc tùng, sử dụng ma túy và cặp kè các cô gái khác. Abeyta bị bắt hôm 1/2/2018.

    Bài liên quan: 15 năm tù cho gã chồng Tây vẫn lăng nhăng sau khi sát hại vợ Việt

    Theo Zing

  • Cặp đôi cưới nhau ngay sau khi gặp mặt ở Mỹ vì cô dâu Việt mang thai nhưng một sự cố không mong muốn sau đó đã khiến mọi việc vượt quá tầm kiểm soát.

    Michael Abeyta và Trang Tran. Ảnh: Placer County Sheriff/FB

    Theo Daily Mail, Michael Abeyta, 30 tuổi, bị kết án hôm 1/10 tại hạt Placer, thành phố Sacramento, bang California, Mỹ vì trực tiếp liên quan tới cái chết của cô vợ người Việt Trang Tran năm 2017.

    Abeyta đã nhận tội giết người cấp độ hai và phải chịu bản án 15 năm tù.

    Cái chết của cô dâu Việt bắt nguồn từ sự cố ngoài ý muốn khi cô sảy thai. Ảnh: DM

    Văn phòng cảnh sát trưởng hạt Pacer bắt đầu điều tra cái chết của cô dâu Việt sau khi những người đi bộ phát hiện phần còn lại của thi thể hồi tháng 1/2018.

    Trong quá trình điều tra, lực lượng chức năng nhận được manh mối quan trọng khi một sĩ quan cảnh sát trông thấy Abeyta cố đẩy một chiếc xe xuống bờ kè dốc gần hồ Clementine hồi tháng 10/2017. Địa điểm này cũng là khu vực phát hiện phần còn lại của thi thể cô dâu Việt.

    Khi các nhà điều tra tìm thấy chiếc xe tại một bãi kéo địa phương, họ phát hiện hộ chiếu của Trang Tran ở trong xe.

    Theo giới chức địa phương, Abeyta gặp Trang Tran tại đại học Central Florida sau khi cô gái Việt di chuyển bằng máy bay từ Việt Nam qua Mỹ. Sau lần gặp ấy, cả hai kết hôn vì Trang Tran mang trong mình "giọt máu" của Abeyta.

    Tuy nhiên, khi Trang Tran bị sảy thai, cuộc hôn nhân của cặp đôi ngày một xấu đi và cuối cùng dẫn đến sự việc đau lòng.

    Các nhà điều tra còn hé lộ Abeyta vẫn tiệc tùng, đàn đúm, lăng nhăng trong khi gia đình Trang Tran lo lắng vì sự mất tích cô dâu Việt.

    Hồi tháng 2/2018, người đàn ông 30 tuổi bị bắt vì cáo buộc giết vợ. Lúc bị sát hại, cô vẫn mang thị thực sinh viên. Các điều tra viên không mô tả chi tiết người vợ bị giết hại như thế nào, nhưng xác nhận Abeyta đã bỏ thi thể nạn nhân trong rừng.

    Sau khi sát hại vợ, Abeyta dành thời gian cho tiệc tùng, gái gú và chất kích thích. Ảnh: DM

    "Thật bi thảm khi cô gái này tới đất nước của chúng ta để học tập nhưng đã yêu nhầm phải kẻ máu lạnh này. Thay vì ly dị, hắn lại sát hại vợ và phi tang xác nạn nhân trong rừng.

    Trong khi gia đình và bạn bè của Trang Tran lo lắng vì sự mất tích bí ẩn của nạn nhân, Abeyta vẫn có thời gian lăng nhăng, sử dụng chất kích thích và tiệc tùng - không có chút quan tâm nào tới người vợ mất tích.

    Tội ác của hắn sẽ mãi mãi không bị phát hiện nếu những người đi bộ không tìm thấy thi thể và nhân chứng không đứng ra làm chứng. Hai sĩ quan điều tra Brian Mattison và Chris Joyce đã làm việc không biết mệt mỏi để vạch mặt kẻ sát nhân", Jeff Wilson, chánh văn phòng luật sư quận, cho biết. 

    Cha mẹ của cô Tran, sống ở TP.HCM, đã sang Mỹ dự phiên tòa vào ngày 1.10.

    Theo Dân Việt

  • Kiến trúc sư Đặng Tố Nga từng là giảng viên Đại học Kiến trúc Hà Nội và tạm nghỉ 2 năm trước để hoàn thành các nghiên cứu tại Italy. Hiện chị sinh sống tại thành phố Torino với người chồng hơn 7 tuổi, là kiến trúc sư và con gái 15 tuổi.

    lay chong quy toc 1

    Theo Tố Nga, gia đình chồng chị thuộc dòng dõi quý tộc Italy. Nhiều đời trước từng là bá tước. Hiện nay chế độ quân chủ ở đây không còn tồn tại, nhưng mọi nề nếp, tác phong trong gia đình vẫn được lưu giữ, tức là "giữ tinh thần quý tộc chứ không phải sự giàu có, xa hoa". 

    Trong nhà, con cái luôn có lễ nghi phép tắc với ông bà, cha mẹ, không tự do như các gia đình hiện đại ở Italy. Bữa ăn là thời gian cả nhà quây quần nên những ai có mặt đều tôn trọng các quy tắc của gia đình: không vào bàn ăn muộn bất kể đang làm gì dang dở, người nào ăn xong trước cũng không được phép đứng lên...

    "Bà nội chồng tôi luyện cho các cháu ngồi ăn theo đúng phép lịch sự bằng cách cho mỗi đứa kẹp 2 cái khăn ăn vào nách, đứa nào làm rơi khăn lúc ăn là bị phạt", chị chia sẻ. 

    Một buổi tối gần đây, người phụ nữ Việt nói với chồng, anh Marco: "Bạn bè em cứ hỏi làm dâu nhà quý tộc có khó khăn gì không? Nhưng em thấy đơn giản, chẳng có gì khác ngoài mấy luật lệ về tác phong, cư xử. Bố mẹ anh cũng dễ tính".

    Marco vội phản bác: "Em thấy đơn giản vì được cha mẹ xây dựng cho cái nếp từ bé. Bố mẹ anh chỉ dễ với em, chứ thật ra họ khá khắt khe. Anh yêu Sonja 2 năm nhưng chưa dám dẫn về nhà lần nào. Yêu Elizabetta 5 năm chỉ dẫn về nhà một lần. Và một người nữa thì em đã biết thế nào rồi đấy".

    lay chong quy toc 1
    Chị Tố Nga giảng dạy tại Đại học Kiến Trúc từ 2007 đến 2017. Cả gia đình chị và chồng đều làm ngành kiến trúc. Ảnh: Đ.T.N.

    Cô gái ấy người Columbia, đã ở bên Marco 3 năm. Sau nhiều lần cô đề nghị đưa về nhà, Marco cũng dẫn về ăn trưa vào một ngày chủ nhật. Tất cả tròn mắt ngạc nhiên khi thấy cô rắc phô mai Parmesan lên đĩa mỳ ngao. "Người Italy không bao giờ rắc pho mai lên mỳ hải sản. Hành động đó tương đương với việc đổ nước mắm vào cốc chè đỗ đen của nước ta vậy", Tố Nga giải thích.

    Khi nghe tiếng dao dĩa của cô có âm lượng hơi to, mọi người lại liếc mắt nhìn nhau. Khi chị rót nước vào cốc với khuỷu tay nâng cao, anh vội đỡ lấy chai nước để giúp chị, vì đã hiểu ánh mắt của cả nhà.

    Tại nhà Marco, hết mỗi món ăn mọi người lại thay đĩa và dao dĩa khác. Riêng cô gái này cứ dùng đĩa đó hết món này sang món khác. Trên đĩa có dính sốt của món mỳ giờ lại lẫn vào với salad. Mọi người vẫn không nói gì. Đến khi chị để miếng bánh mỳ lên thành đĩa thì em trai của Marco không nhịn được nữa buột miệng nói: "Sao chị lại để bánh mỳ lên thành đĩa ăn thế? Có đĩa để bánh mỳ riêng mà".

    Cô gái đó đã không chiếm được cảm tình của gia đình Marco ngay từ lần đầu tới thăm. Vì vậy khi biết tin họ chia tay nhau, cả nhà vui mừng.

    Khi yêu Tố Nga, Marco nhìn thấy sự chỉn chu trong tác phong ăn nói của chị nên tự tin mời về nhà. Nhưng qua bạn bè, Nga đã được biết về sự "kỹ tính" của gia đình anh nên không dám nhận lời. Chàng trai đã sắp đặt để Tố Nga làm quen với anh và em trai của mình trước. Họ đều quý mến cô ngay lần đầu gặp.

    Đến tháng thứ 5 yêu nhau, chị mới đồng ý về nhà. Bố mẹ anh rất hiền và thân thiện, khác hoàn toàn những gì chị tưởng tượng. "Lần đầu đến nhà, bố anh nói: 'Cuối cùng thì tôi cũng được gặp cô gái nổi tiếng này!".

    Cô gái Việt ngạc nhiên. Hóa ra ông đã nghe nhiều người thân kể về mình trước đó. Bố Marco hỏi Nga về gia đình, Việt Nam, tôn giáo và chính trị..., còn mẹ anh thích "tám chuyện" về Khổng Tử. "Bữa trưa diễn ra rất tốt đẹp. Ứng xử trên bàn ăn thì tôi đã được rèn từ nhỏ rồi, thậm chí ở nhà tôi còn khắt khe hơn. Ông bà còn giữ tôi lại ăn tối xong mới cho về", chị kể.

    Sau này về làm dâu, Tố Nga được ông bà yêu thương. Bố chồng hay tặng quà cho nàng dâu. Mẹ chồng thường giặt quần áo, dạy chị làm gốm, cắt may quần áo, thêu thùa...

    "Để thuận lợi bước chân vào gia đình quý tộc thì chỉ cần sử dụng đúng 'mật mã mở cửa' của họ là mọi thứ sẽ vô cùng dễ dàng. Cả tôi và chị dâu chồng đều không xuất thân quý tộc, nhưng được cha mẹ dạy dỗ kỹ càng từ nhỏ", nữ kiến trúc sư chia sẻ.

    lay chong quy toc 1
    Chị Nga và chồng kết hôn được 16 năm. Ảnh: Đ.T.N.

    Bản thân chị Đặng Tố Nga sinh ra trong một gia đình có bố nguyên là hiệu trưởng Đại học Kiến trúc, mẹ làm ở Bộ Y tế. Bố chị thường dạy các con: "Chỉ nghe một câu là đủ biết trình độ học vấn của bạn, chỉ cần quan sát một phút ở bàn ăn là biết văn hoá ứng xử của bạn".

    Đơn giản nhất với món rau muống luộc, ông dạy chị kỹ thuật luộc rau xanh, sau đó vớt ra rổ cho ráo nước, rồi phải gắp từng cọng rau vào đĩa xếp thẳng hàng để khi ăn, mọi người gắp dễ dàng, chứ không bị kéo lên cả búi.

    "Bố tôi đã đi rất nhiều nước và ông thường kể về những miền đất đã đi qua, từ đó truyền cho tôi tinh thần nhập gia tuỳ tục. Mẹ tôi làm trong ngành dược nên vô cùng sạch sẽ, ngăn nắp. Không phải dân ngoại giao, nhưng đến nước nào bà cũng học một bài hát bằng tiếng nước đó. Mỗi lần gặp người nước ngoài, mẹ tôi sẽ hát bài đó, họ cảm động lắm", chị kể.

    Trước khi du học Italy năm 1997, cô sinh viên đã cất công tìm hiểu văn hoá và các phép tắc lịch sự của họ. Nga vẫn còn nhớ mãi hồi mới sang được một cậu bạn người bản địa mời về ăn tối cùng với các bạn người Việt. "Rất may là tôi đã đọc được rằng người Italy ăn từng món một chứ không bày tất cả lên bàn ăn như ta, nên tôi không ăn đến no bụng ngay từ món đầu tiên giống các bạn mình", chị Nga kể.

    Cái nếp mà Tố Nga có được không phải ở chỗ bố mẹ chị đã dạy phải ăn đồ Italy như thế nào, mà đã truyền cho chị ý thức học hỏi văn hoá xứ người, văn hoá ngoại giao. 

    "Nhập gia tuỳ tục là điều được răn dạy trong gia đình tôi và tôi nghĩ cũng là một điều rất quan trọng trong văn hoá Việt, để khi đi nước ngoài bạn không làm cho người Việt bị mang tiếng 'xấu xí'", nữ giảng viên bộc bạch.

    Viethome (theo VnExpress)