Mối làm ăn đáng ngờ giữa IS và Thổ Nhĩ Kỳ

moi-lam-an-dang-ngo-giua-is-va-tho-nhi-ky

Đoàn xe chở dầu của IS dài hàng chục km bị Nga không kích. Ảnh: RT

Bộ Quốc phòng Nga hôm 27/11 công bố hình ảnh các cuộc không kích của chiến đấu cơ Nga nhắm vào những đoàn xe bồn chở dầu nối đuôi nhau dài hàng chục km. Các xe này đang rời khu vực do Nhà nước Hồi giáo (IS) kiểm soát, hướng về biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, theo kênh RT, sau cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Francois Hollande, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định hoạt động buôn lậu dầu mỏ từ khu vực do IS kiểm soát sang Thổ Nhĩ Kỳ phải bị chặn đứng.

"Các phương tiện, mang theo dầu, đậu thành hàng dài quá đường chân trời", ông Putin nói và cho biết quy mô của hoạt động kể trên đã được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, hồi giữa tháng này. Tại đây, ông Putin đưa ra những hình ảnh được máy bay do thám Nga chụp lại, cho thấy những "đường ống dẫn dầu sống", kéo dài từ khu vực do IS và các lực lượng phiến quân tại Syria kiểm soát vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo IBTimes, việc máy bay Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi hôm 24/11 không phải lý do duy nhất khiến ông Putin giận dữ. Kể từ khi sự việc xảy ra tới nay, nhà lãnh đạo Nga đã nhiều lần nhắc lại mối quan ngại, từng được nhiều quốc gia khác nêu lên trước đó, rằng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn mua dầu lậu từ IS.

Theo tờ Guardian, IS kiểm soát khoảng 6 khu vực sản xuất dầu. Chuyên gia khẳng định nhóm này bán dầu cho các trung gian tại vùng lãnh thổ người Kurd, và những người này sau đó bán lại cho khách hàng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.

Trên thực tế, từ rất lâu trước khi ông Putin tỏ thái độ tức giận trước dòng chảy dầu lậu ồ ạt từ lãnh địa IS kiểm soát sang Thổ Nhĩ Kỳ, vấn đề cũng đã được chính các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ nêu lên.

Nghị sĩ Ali Edibogluan, thành viên quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thuộc đảng Cộng hòa Nhân dân đối lập, hồi tháng 6 năm ngoái tuyên bố IS đã thu về khoảng 800 triệu USD từ việc bán dầu lậu từ Syria và Iraq vào Thổ Nhĩ Kỳ, tờ Al Monitor đưa tin. Cụ thể, nghị sĩ này cho biết các giếng dầu tại mỏ Rumaila ở miền bắc Syria, hay các mỏ gần Mosul, Iraq, chính là nơi IS sản xuất và đưa dầu sang Thổ Nhĩ Kỳ.

moi-lam-an-dang-ngo-giua-is-va-tho-nhi-ky-1

Sơ đồ đường đi của dầu lậu từ lãnh địa IS tại Syria tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ . Ảnh: FT (Xem hình cỡ lớn)

Nhóm khủng bố này đã lắp đặt những tuyến đường ống giúp "chuyển dầu sang Thổ Nhĩ Kỳ và biến nó thành tiền mặt", Edibogluan nói. "Việc Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác với hàng nghìn phần tử có tâm lý như vậy là cực kỳ nguy hiểm".

Ông Ediboglu còn cho rằng không thể có chuyện tình báo Thổ Nhĩ Kỳ không biết đến hoạt động của IS. "Các chiến binh từ châu Âu, Nga, các nước châu Á và Chechnya đang đổ tới Syria và Iraq với số lượng lớn bằng con đường đi qua Thổ Nhĩ Kỳ. Có thông tin cho hay ít nhất 1.000 người Thổ Nhĩ Kỳ đang giúp các chiến binh nước ngoài xâm nhập vào Syria và Iraq để gia nhập IS. Cơ quan tình báo quốc gia (MIT) cũng bị nghi có liên quan. Chuyện này không thể diễn ra mà MIT không biết", ông quả quyết.

Dầu mỏ đem về thu nhập khoảng 40 triệu USD mỗi tháng cho IS, tờ New York Times dẫn số liệu của Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong bài viết đăng ngày 12/11.

Việc nhóm này có thể kiếm tiền từ bán dầu mỏ trên thị trường phi pháp là nhờ "một thị trường chợ đen tồn tại từ lâu và bám rễ sâu", tờ Financial Times hồi tháng 10 năm ngoái dẫn lời ông David Cohen, thứ trưởng tài chính Mỹ phụ trách chống khủng bố và tình báo tài chính, nhận định.

Ông Cohen khi đó ước tính IS thu về khoảng một triệu USD mỗi ngày từ bán dầu cho các trung gian tại Thổ Nhĩ Kỳ, cộng đồng người Kurd ở Iraq và chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Nghi ngờ ngó lơ cho buôn lậu

Theo Al Monitor, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nhìn chung làm ngơ cho hoạt động buôn lậu tại khu vực phía nam, không chỉ với dầu mỏ từ Syria và Iraq, mà mọi loại hàng hóa khác.

"Hoạt động kinh tế ngầm không chỉ áp dụng với dầu mỏ mà  cả các hàng hóa và vật dụng phổ thông khác, như trà. Nếu ai đó gọi một ly trà tại miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, người phục vụ thường hỏi 'ông/bà muốn trà thường hay trà lậu?'".

Điều này xảy ra dựa theo một logic. "Cuộc chiến hơn 30 năm giữa chính phủ và đảng Công nhân Người Kurd (PKK) khiến khu vực phía nam trở nên nghèo đói, làm giảm nguồn thu từ nông nghiệp, dẫn đến buôn lậu trở thành nguồn thu nhập duy nhất cho nhiều ngôi làng", bài báo của Al Monitor viết. "Những ngôi làng ủng hộ chính quyền (chống PKK) được hưởng lợi đặc biệt từ sự ngó lơ của chính phủ, như một dạng bù đắp cho lòng trung thành của họ".

Nói cách khác, việc dầu được IS buôn lậu qua biên giới vào Thổ Nhĩ Kỳ "không chỉ là vấn đề chống khủng bố, mà còn là vấn đề của kinh tế địa phương".

Con trai tổng thống bị nghi buôn dầu lậu

moi-lam-an-dang-ngo-giua-is-va-tho-nhi-ky-2

Bilal Erdogan, con trai Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, trong bức ảnh chụp với các phần tử bị nghi là IS tại Istanbul. Ảnh: Twitter

Một cuộc bố ráp tháng 5 vừa qua do đặc nhiệm Mỹ thực hiện tấn công vào nơi ẩn náu tại Syria của tên Abu Sayyaf đã hé lộ những mối liên hệ "không thể chối cãi" giữa giới chức Thổ Nhĩ Kỳ và thủ lĩnh cấp cao IS, theo tờ Guardian.

Abu Sayyaf, chiến binh người Tunisia, là kẻ phụ trách hoạt động bán và chuyển dầu mà IS khai thác từ các mỏ phía đông Syria tới thị trường chợ đen. Những người mua đến từ Thổ Nhĩ Kỳ là khách hàng chính.

Sau cuộc đột kích, đặc nhiệm Mỹ đã thu giữ "hàng trăm thiết bị lưu trữ di động và tài liệu", một quan chức cấp cao phương Tây tiết lộ với tờ Observer. Những tài liệu này cho thấy mối liên hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và IS là "rõ ràng" và "không thể phủ nhận".

Trong một bức ảnh được kênh RT đăng tải mới đây, con trai Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, ông Bilal Erdogan, 35 tuổi, được cho là đã cùng ăn tối với những người bị nghi là thủ lĩnh cấp cao của IS tại một nhà hàng ở Istanbul.

Theo Zerohedge, những cáo buộc về việc con trai Tổng thống Erdogan tham gia hoạt động buôn lậu dầu mỏ tại Syria, thu mua và bán ra thị trường thế giới đã xuất hiện từ lâu. Trở về Thổ Nhĩ Kỳ năm 2006 sau thời gian học và lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Harvard, Mỹ, Bilal là một trong ba cổ đông lớn tại công ty vận tải biển BMZ Group Denizcilik.

Ngoài việc vận chuyển dầu từ Iraq tới các thị trường châu Âu, các công ty của Bilal còn bị cho là chuyển lậu cả dầu của IS.

"Tổng thống Erdogan tuyên bố, theo công ước về vận tải quốc tế, không hề có sự vi phạm pháp luật nào liên quan tới các hoạt động của Bilal, và con trai ông ấy đang kinh doanh bình thường với các công ty được thành lập tại Nhật", Gursel Tekin, phó chủ tịch đảng Cộng hòa Nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ (CHP) nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây. "Nhưng trên thực tế Bilal Erdogan đã lún sâu tới tận cổ trong mối quan hệ với khủng bố. Chỉ có điều, chừng nào bố ông còn tại vị, ông ta sẽ được miễn trừ khỏi mọi xét xử của pháp luật".

Hoàng Nguyên