Trung Quốc - đối tượng công kích của ứng viên tổng thống Mỹ

Ứng viên đảng Cộng hoà Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: MMC

Ứng viên đảng Cộng hoà Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: MMC

Trong 20 năm qua, các chính khách Mỹ không ngừng nâng giọng chỉ trích một Trung Quốc đang trỗi dậy, ví dụ như sự khuếch trương của nước này tại Biển Đông, hàng hóa Trung Quốc cướp đoạt cơ hội việc làm của người dân Mỹ hay như các đợt tấn công mạng từ các nhóm hacker được Bắc Kinh tài trợ.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, các ứng viên tổng thống Mỹ bất kể đến từ đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ, bắt đầu phải đối mặt với một thách thức khác là một Trung Quốc đang bước vào suy thoái.

"Xu thế đi xuống của nền kinh tế Trung Quốc đem dến những thách thức hoàn toàn khác với các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người lao động Mỹ", bình luận viên David Sanger của New York Times nhận định. "Đây là những loại hình thách thức mà không thể được giải quyết thông qua cấm vận hay bố trí quân sự tại khu vực Thái Bình Dương".

Các ứng viên đảng Cộng hòa chỉ trích rằng, Tổng thống Barack Obama có thái độ mềm yếu trước khả năng sức hưởng của Bắc Kinh dần thay thế Washington. Các chính khách này coi việc chính phủ không có những phản ứng phù hợp trước vụ việc thông tin của hơn 22 triệu nhân viên liên bang bị đánh cắp, trong khi đã xác nhận được tin tặc có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Thống đốc bang Wisconsin Scott Walker gần đây kêu gọi hủy bỏ chuyến thăm chính thức đến Mỹ sắp tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. "Người Mỹ đang mệt mỏi bởi phải ứng phó với việc thị trường mất giá, mà ở góc độ nào đó là bởi kinh tế Trung Quốc đang suy giảm và sự thao túng của họ với kinh tế tạo nên", chính khách này nói. Nhưng vào năm 2013, ông Walker từng đến Trung Quốc để quảng bá sản phẩm của bang mình, và còn ca ngợi tầm quan trọng của thị trường này với hàng hóa Mỹ.

Trước đó, ứng viên Donald Trump cũng từng viết trên tài khoản Twitter của mình rằng: "Thị trường đang sụp đổ, mà đây tất cả là bởi sự quy hoạch tồi tệ và việc cho phép Trung Quốc cùng châu Á chi phối nghị trình". Tuy nhiên, con trai của tỷ phú này đang được giao nhiệm vụ quản lý những dự án đầu tư mới của đế quốc khách sạn Trump, trong đó có dự án tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc xây dựng một phương thức khả thi xử lý hiệu quả quan hệ với Trung Quốc không chỉ là một bài toán khó với ông Obama, mà còn cả với tổng thống Mỹ tương lai. "Không khó để miêu tả những thách thức mà một nước lớn đang trỗi dậy đem đến, nhưng để tìm ra giải pháp có sức thuyết phục thì lại không đơn giản như vậy", ông Sanger bình luận.

Trong bài phát biểu hôm 28/8 tại bang Nam Carolina, Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio cho biết mối uy hiếp của Trung Quốc với lợi ích kinh tế Mỹ ngày càng lớn và là yếu tố nguy hiểm ngày càng tăng cao với an ninh nội địa của nước này.

Nhưng khi được hỏi về đối sách của ông với Trung Quốc, các giải pháp mà ông Rubio đưa ra không có nhiều điểm khác biệt với chính quyền Obama. Ông kêu gọi nới rộng ngân sách quốc phòng để có thể bố trí nhiều phi cơ và tàu chiến Mỹ hơn ở châu Á. Về kinh tế, ông chủ trương Mỹ cần tăng tốc thúc đẩy Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng như tăng cường quan hệ thương mại với các nước đồng minh trong khu vực.

Ngoài ra, thế khó của tổng thống Mỹ tương lai là Washington hiện không xác định được trong những năm sắp tới mình phải đối diện với một Trung Quốc hùng mạnh hay một Trung Quốc suy thoái.

"Sức ảnh hưởng của hai khả năng trên đều dễ bị thổi phồng", ông Kurt Campell, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ cho biết. "Trước đây, tồn tại vấn đề đánh giá cao quá mức sự cường thịnh của Trung Quốc. Trong khi hiện nay, chúng ta cần giành nhiều thời gian hơn để suy nghĩ về những ảnh hưởng mà sự suy thoái của nước này đem lại".

Chuyên gia tư vấn chính sách Frank Jannuzi thuộc Quỹ Mansfield cho rằng, sở dĩ các ứng viên tổng thống Mỹ lợi dụng vấn đề Trung Quốc trong bối cảnh kinh tế nước này rơi vào bất ổn để, là bởi họ có thể tận dụng hai mối lo ngại trong xã hội Mỹ. Một là suy thoái kinh tế Trung Quốc sẽ tác động như thế nào đến đời sống của người dân Mỹ, hai là sự lo ngại của của giới hoạch định chính sách tại Washington với các đường lối đối ngoại ngày càng cứng rắn của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, việc các ứng viên tổng thống Mỹ tập trung công kích Trung Quốc vào thời điểm này được cho là sẽ đẩy Washington vào thế bị động hơn, đặc biệt trong bối cảnh TPP đang bước vào giai đoạn đàm phán then chốt.

"Phát ngôn của ông Walker và các ứng viên khác là vô trách nhiệm, khiến chính phủ Mỹ rơi vào thế thủ", cựu chuyên gia phân tích của Cục Tình báo Trung ương Mỹ Chris Johnson nhận định.

Chính phủ của Tổng thống Obama với sự ủng hộ của những nghị sĩ đồng quan điểm của đảng Cộng hòa, đã thành công trong việc thuyết phục Quốc hội chấp thuận không thêm vào TPP điều khoản đề phòng hành vi thao túng tiền tệ. Nhưng, việc Trung Quốc hạ giá đồng nhân dân tệ khiến một số nước thành viên TPP phải hạ giá đồng bản tệ, kết hợp với sự công kích của các ứng viên tổng thống Mỹ, khiến vấn đề trên lại trở thành tâm điểm thảo luận tại Washington.

Mặt khác, việc Trung Quốc trở thành đối tượng bị công kích tại Mỹ có thể khiến Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có thái độ cứng rắn hơn trong chuyến thăm Mỹ giữa tháng 9 tới, nhất là khi uy tín chính trị trong nước của ông đang bị ảnh hưởng do tình hình kinh tế hiện nay.

"Tập Cận Bình rất có thể muốn chứng minh là mình không mềm yếu, cũng không chịu vào thế yếu", chuyên gia Campell nói. "Ông ấy đến Washington là muốn được tôn trọng, nên tôi không cho rằng sẽ có những phát ngôn hòa dịu hơn về vấn đề tranh chấp trên biển và tấn công mạng".

Đức Long