Uy trước, quyền sau

Bà Theresa May và ông Jean Claude Juncker

Nữ thủ tướng Anh Theresa May được Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker chào đón tại trụ sở Uỷ ban ở Brussels

Tân thủ tướng Anh Theresa May vừa trải qua 100 ngày cầm quyền đầu tiên.

Vì người phụ nữ này của đảng Bảo thủ Anh lên nắm quyền trong bối cảnh chính trị nội bộ rất đặc biệt và nhờ chính bối cảnh tình hình ấy nên dư luận trên đảo quốc không khắt khe nhiều về việc bà thủ tướng mới chưa làm được nhiều.

Việc nước Anh ra khỏi EU (Brexit) đeo đẳng bà Theresa May như hình với bóng suốt thời kỳ làm thủ tướng Anh, bất kể lâu hay mau.

Sau 100 ngày cầm quyền, bà Theresa May vẫn khiến cả dân chúng ở Anh lẫn EU có nhiều câu hỏi để ngỏ hơn số câu hỏi được trả lời.

Điều chắc chắn nhất ở bà Theresa May là Brexit không bị đảo ngược. Thật bi hài làm sao khi bà May trên cương vị thành viên chính phủ từng phản đối Brexit, thì nay lại là người chịu trách nhiệm hàng đầu và trước hết trong việc tiến hành quá trình đàm phán với EU đưa nước Anh ra khỏi EU, có nghĩa là thực hiện Brexit.

Ngoài ra, thiên hạ còn được biết rằng bà May không để cho quốc hội Anh tham gia phán quyết về Brexit và chính phủ Anh sẽ khởi động đàm phán với EU về thực hiện Brexit. Những câu hỏi lớn khác như quan hệ giữa nước Anh và EU sẽ như thế nào, chiến lược cho nước Anh sau khi đứng ngoài EU và xã hội cũng như chính trường nước Anh rồi đây ra sao... thì đều chưa thấy bà May trả lời.

Hay nói theo cách khác, người ta chưa thấy bà May hành động cụ thể gì nhiều.

Lý do chỉ có thể ở chỗ bà May phải tạo dựng uy trước khi sử dụng quyền. Bà May phải củng cố và thống nhất nội bộ đảng cầm quyền, xoa dịu phe phản đối Brexit để chính trường và nội bộ xã hội không bị phân hóa thêm. Nội bộ phải yên thì mới có thể tính đến chuyện với bên ngoài.

 

VietHome(Theo Báo Thanh Niên)