Visa du học Anh và những thay đổi lớn từ năm 2012

Bắt đầu từ năm 2011, Vương quốc Anh cải cách quy định visa sinh viên. Theo đó, số tiền chứng minh tài chính được nâng lên và các sinh viên quốc tế xuất sắc sẽ có thêm nhiều cơ hội ở lại làm việc tại Anh sau khi tốt nghiệp.

Các thay đổi này đã dần tiến hành từ đầu năm 2011 và có một số thay đổi lớn áp dụng từ tháng 4/2012.

Theo đó, quy định mới sẽ mở rộng cơ hội cho sinh viên ở lại Anh sau khi tốt nghiệp.

Các sinh viên quốc tế xuất sắc sau khi tốt nghiệp vẫn có cơ hội ở lại Anh. Kể từ ngày 6/4/2012, để được ở lại, sinh viên sẽ phải được mời làm một công việc có chuyên môn bởi một nhà tuyển dụng được công nhận bởi Cục Biên giới Anh với mức lương từ 20.000 bảng Anh/năm trở lên. Quy định này thay thế cho quy định về làm việc sau tốt nghiệp trước đây, trong đó cho phép sinh viên ở lại làm các công việc không yêu cầu chuyên môn.

"Quy định này nhằm đảm bảo sinh viên quốc tế sau khi được đào tạo bài bản ở Anh, hoặc là ở lại Anh tiếp tục phát triển kỹ năng, sự nghiệp qua những công việc tốt, hoặc là quay trở về nước để đóng góp cho sự phát triển tại quốc gia mình, thay vì ở lại Anh làm những công việc không chuyên môn như bán hàng trong siêu thị hay phục vụ nhà hàng.", ông James Sharp, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Cục Biên giới Anh, giải thích.

Ngoài ra, lần cải cách visa sinh viên này cũng đem lại cơ hội ở lại Anh cho những sinh viên xuất sắc có những ý tưởng sáng tạo, có tầm ứng dụng cao trên thế giới. Quy định visa dành cho Doanh nhân trẻ mới tốt nghiệp (Graduate Entrepreneur) có 3 yêu cầu chính: sinh viên phải hoàn thành một khóa học được cấp bằng tại Anh, phải chứng minh ý tưởng tốt và năng lực điều hành qua kế hoạch kinh doanh cụ thể tại Anh, và được bảo lãnh bởi trường đang theo học. Chính các trường nơi sinh viên theo học sẽ là "đơn vị bảo lãnh" nhập cảnh cho sinh viên. Cục Biên giới Anh cho biết, trong năm đầu tiên triển khai (2012), sẽ có khoảng 1.000 visa được cấp theo chương trình này.

Bên cạnh mở rộng cơ hội xin visa cho những sinh viên xuất sắc, lần cải cách visa sinh viên này của Anh cũng nâng cao yêu cầu chứng minh tài chính.

Theo đó, sinh viên theo học các trường tại London cần chứng minh có tối thiểu 1.000 bảng Anh/ tháng (thay vì 800 bảng Anh như quy định cũ) để trang trải các chi phí sinh hoạt trong suốt khóa học. Với sinh viên học tại những vùng khác ngoài London, số tiền cần chứng minh là 800 bảng Anh/ tháng (thay vì 600 bảng Anh như quy định cũ).

"Đây là lần tăng đầu tiên kể từ năm 2008, và nó phản ánh đúng giá cả, mức sống hiện nay ở Anh. Quy định này hoàn toàn không gây khó dễ cho sinh viên quốc tế muốn theo học ở Anh, mà nhằm đảm bảo sinh viên có đủ tiền trang trải cho cuộc sống ở Anh, có một cuộc sống thuận lợi tại Anh và có thể tự lập tài chính trong suốt quá trình học", ông James Sharp,  cho biết.

Trong cải cách quy định visa sinh viên lần này, sinh viên quốc tế cũng sẽ bị thắt chặt quy định về thời gian làm việc và thực tập.

Theo quy định mới, thay vì có thể ở lại thực tập tối đa bằng 1/2 thời gian của khóa học, nay sinh viên bậc dưới đại học chỉ có thể ở lại thực tập trong khoảng thời gian bằng1/3 (trên tổng thời gian khóa học), sinh viên đại học hoặc cao học vẫn có thể ở lại tối đa 50% thời gian toàn khóa học để thực tập.

Ông James Sharp cho biết, "Những thay đổi này nhằm mục đích loại bỏ tình trạng lạm dụng hệ thống visa sinh viên và đảm bảo chỉ những sinh viên giỏi và tốt nhất có thể theo học và ở lại làm việc tại Vương quốc Anh, đảm bảo và nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục của Vương quốc Anh".

"Điều quan trọng là Vương quốc Anh vẫn tiếp tục thu hút được những sinh viên quốc tế giỏi đến học tập. Những quy định mới này không có ý định làm nản lòng sinh viên Việt Nam muốn sang Anh học tập, mà muốn thu hút và mở rộng cơ hội học tập, làm việc tại anh cho các sinh viên giỏi đạt đủ các yêu cầu của chúng tôi.", ông James Sharp nói thêm.

Năm 2011, Cục Biên giới Anh đã duyệt trên 3.700 hồ sơ visa của sinh viên Việt Nam, tăng 7% so với năm 2010. Cũng trong năm 2011, 95% sinh viên Việt Nam nộp hồ sơ xin visa du học dài hạn tại Anh đã được cấp visa. Ông James Sharp cho biết, 5% sinh viên không xin được visa du học tại Anh là do không chứng minh được tài chính hoặc sai sót trong hồ sơ xin visa.

Ông cũng khuyên sinh viên Việt Nam nên trực tiếp làm và nộp hồ sơ xin visa thay vì thuê các công ty tư vấn du học, cũng như đọc kỹ các quy định về hồ sơ, giấy tờ, chứng minh tài chính... trước khi nộp hồ sơ xin visa để đảm bảo thành công cho việc xin visa

Theo VnExpress