Hồ sơ cần chuẩn bị và cách trả lời phỏng vấn xin tị nạn

Trong bài này chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về hệ thống xin tị nạn và nhập cư, rào cản mà mọi người phải đối mặt khi làm thủ tục, và những điều nên làm để vượt qua cuộc phỏng vấn đó.

process photo cropped

Phỏng vấn tị nạn (hay gọi là phỏng vấn nội dung)

Cuộc phỏng vấn xin tị nạn sẽ diễn ra khi người phỏng vấn của bộ Nội vụ hỏi bạn kĩ hơn về lí do xin tị nạn. Cuộc phỏng vấn có thể kéo dài vài giờ và bạn sẽ được hỏi rất nhiều câu hỏi. Bạn cũng có thể sẽ bị hỏi cùng một câu hỏi nhưng theo nhiều cách khác nhau.

Đó có thể sẽ là một cuộc phỏng vấn kéo dài và khó khăn, và cũng là phần quan trọng nhất trong quá trình xin tị nạn của bạn.

Bạn có thể sẽ được hỏi những câu rất khó nói. Hãy chuẩn bị tâm lý rằng người ta không tin lời bạn. Người của bộ Nội vụ sẽ nói thẳng rằng họ không tin bạn. Nên có bạn bè, hàng xóm bên cạnh để tâm sự trước và sau cuộc phỏng vấn sẽ giúp bạn có tâm lý tốt hơn.

Nếu bạn có luật sư riêng, họ có thể yêu cầu bạn kể chuyện của mình trước khi phỏng vấn. Việc này sẽ giúp bạn không phải kể lại nhiều lần những câu chuyện đau lòng như tai nạn hay bạo lực.

Nếu bạn không thể tham gia phỏng vấn, bạn cần có lí do thuyết phục, thông qua luật sư nếu có. Nếu ốm cần có giấy của bác sĩ, nếu gặp vấn đề khi đi lại, cần có giấy của đơn vị giao thông.

Nếu không có lí do tốt bạn có thể sẽ bị từ chối phỏng vấn lại và sẽ bị từ chối luôn đơn xin.

Nếu bạn là người trưởng thành thì luật sư sẽ không được đi cùng vào cuộc phỏng vấn.

Ghi âm và ghi chép lại cuộc phỏng vấn

Bạn có quyền được ghi âm lại cuộc phỏng vấn. Bạn cần yêu cầu trước qua văn bản, sớm ít nhất 24 giờ. Việc này là rất quan trọng và bạn cần xin lại bản ghi âm sau khi cuộc phỏng vấn kết thúc. Thứ này sẽ có lợi trong trường hợp bạn bị từ chối với lí do không rõ ràng.

Người phỏng vấn là nam hay nữ

Bạn có quyền yêu cầu người phỏng vấn là nam hay nữ. Bạn cũng sẽ cần yêu cầu sớm nhất có thể để bộ Nội vụ sắp xếp.

Thông dịch viên

Bộ Nội vụ sẽ bố trí thông dịch viên cho buổi phỏng vấn. Bạn có quyền yêu cầu người đó là nam hay nữ. Bạn cũng có thể báo lại nếu cảm thấy người thông dịch không đúng hoặc không chuyên nghiệp. Điều này cũng liên quan đến việc bạn nên xin lại bản ghi âm của cuộc phỏng vấn để đưa cho luật sư của mình.

Những khác biệt nhỏ trong việc thông dịch cũng có thể gây ra ảnh hưởng lớn, vì thế bạn nên thận trọng trong việc này.

Mốc thời gian, vấn đề về văn hoá

Trong cuộc phỏng vấn bạn sẽ được yêu cầu kể chuyện theo trình tự thời gian thống nhất từ trước đến sau, hoặc có thể được hỏi bất kì một chi tiết nào nếu nó làm người phỏng vấn nghi ngờ.

Nếu bạn không nhớ mốc thời gian cụ thể, hãy nói là không nhớ. Hãy cố nhớ chi tiết nhất về thời điểm, mùa trong năm hay những điều xảy ra đồng thời khi đó, như một dịp lễ hay mùa thu hoạch.

Nếu bạn cố đoán ngày tháng và rồi nó không khớp, câu chuyện của bạn sẽ bị nghi ngờ.

Người phỏng vấn rất có thể sẽ không hiểu về văn hoá hay tục lệ đất nước của bạn và dẫn đến hiểu sai ý, nếu có thể hãy làm mọi thứ rõ ràng nhất có thể.

Bằng chứng

Bạn cần có bằng chứng cho câu chuyện đã xảy ra với mình. Ở giai đoạn phỏng vấn này thì nó thường chỉ là lời khai của bạn. Những thứ đó thường đã được xem trước và bộ Nội vụ sẽ hỏi những chỗ họ thấy không khớp hoặc không cảm thấy đó là sự thật.

Việc kể lại những chuyện đau khổ đã xảy ra với mình thường rất khó khăn, nhưng việc đó là rất quan trọng đối với quá trình xin tị nạn của bạn.

Chứng cứ văn bản

Thường những thứ này khó mà có được ở ngoài đời. Nhưng nếu có bạn cần đưa trước cho luật sư để họ xem có nên trình ra hay không. Bạn cũng có thể đưa chúng ra trong buổi phỏng vấn, hoặc muộn nhất năm ngày sau cuộc phỏng vấn.

Không bao giờ được đưa ra những văn bản mà bạn không chắc là thật. Điều đó sẽ làm bạn rơi vào tình thế nghiêm trọng. Luật sư của bạn nên nhờ các chuyên gia từ nước của bạn để chứng thực xem giấy tờ đó có phải là hợp pháp không. 

Viethome (theo Right to Remain)