Tower Bridge: Vẻ đẹp vượt thời gian

Trong tổng số 24 cây cầu bắc ngang sông Thames ở London, cầu Tháp (Tower Bridge) ngay từ khi hoàn thành đã là biểu tượng, là thành tựu vĩ đại nhất của thời kỳ Victoria (1837 - 1901).

anh-1

Cây cầu này vừa trải qua sinh nhật lần thứ 120 hồi tháng 7/2014, và hiện vẫn là điểm tham quan hấp dẫn của du khách khắp thế giới khi đến Anh Quốc. Tower Bridge góp phần không nhỏ giúp London có lực hút du khách rất mạnh, trong bảng xếp hạng Chỉ số Thành phố điểm đến toàn cầu MasterCard 2014, London chiếm vị trí số 1. Năm 2014 dự kiến có 18,7 triệu du khách đến London bằng đường hàng không.


Cha đẻ của cầu Tháp London
Những ngày rỗi rãi ở London, ưa thích nhất là tản bộ dọc theo bờ Bắc sông Thames để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các cây cầu khi hoàng hôn buông xuống. Mất hàng giờ đi bộ, bắt đầu từ cầu Albert lên thượng nguồn, qua các cầu: Vauxhall, Lambeth, Wesminster, Chelsea, Thiên niên kỷ, cầu London..., cầu Tháp London luôn là điểm dừng chân lâu nhất, bởi đây là cây cầu đẹp nhất trên sông Thames, từng trải qua hai cuộc chiến thế giới tàn khốc, 22 đời thủ tướng của Vương quốc Anh. Ngày 30/6/1894, hơn 10.000 người đã chứng kiến buổi lễ khánh thành cây cầu do Hoàng tử Xứ Wales (sau là vua Edward VII) cử hành. Kể từ khi xây dựng cho đến tận hôm nay, cầu Tháp London vẫn là biểu tượng hoàn hảo về kiến trúc, đại diện cho vẻ đẹp vượt thời gian của các cây cầu trên đất nước Anh.

Vào năm 1876, sự phát triển về giao thông ở London đặt ra nhu cầu bức thiết phải xây dựng thêm một cây cầu bắc ngang sông Thames. Bài toán khó là nếu xây dựng một cây cầu thông thường thì chỉ giải tỏa được giao thông trên bộ, nhưng sẽ cản trở tàu bè vào các cảng nhỏ. Chính quyền thành phố lập một ủy ban cầu đường đặc biệt với mong muốn tìm ra giải pháp cho việc thiết kế cầu băng ngang dòng Thames, đáp ứng nhu cầu giao thông cả trên sông và trên bộ.

Một cuộc thi thiết kế cầu được mở rộng ra công chúng và có đến 50 bản vẽ được gửi đến, vụ việc trở nên phức tạp với rất nhiều tranh cãi giữa các thành viên của hội đồng tuyển chọn. Mất đến 8 năm tuyển lựa (1876 - 1884), bản thiết kế của Horace Jones được chọn và việc thi công được thực hiện hai năm sau đó.

Trong giới kiến trúc của London ở thế kỷ XIX, Horace Jones (1819 - 1887) là một nhân tài, với kiến thức nền là quãng thời gian nghiên cứu kiến trúc cổ điển tại Ý và Hy Lạp. Khi về lại Anh lập nghiệp năm 1843, Horace Jones khẳng định tên tuổi qua các công trình quan trọng như Văn phòng Công ty Điện tín Anh và Ireland, Văn phòng Đảm bảo chủ quyền ở Piccadilly, tòa thị chính...

Bản vẽ cây cầu Tháp London của Horace Jones chính là sự kết hợp tài tình các phong cách kiến trúc cổ điển kiểu Tây Âu và tính năng hiện đại để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, với giải pháp phối giữa cầu treo ở hai nhịp nối bờ, mặt sàn cầu nhịp giữa hai tháp chính có thể nâng lên, hạ xuống để thuyền bè và các phương tiện giao thông trên bộ qua lại. Cầu Tháp London đang được thi công dở dang thì ngày 27/5/1887, cha đẻ của bản vẽ cây cầu này đột ngột qua đời.

Công trình nghệ thuật

Nhìn từ xa, cầu Tháp London thực là một công trình nghệ thuật. Hai tòa tháp cao vút mang phong cách kiến trúc Gothic, nối với nhau bằng sàn cầu và hai lối đi bộ trên không dài 82m, cách mặt sông đến 44m. Vào năm 1910, hai lối đi không được sử dụng mãi cho đến 1982, khi người ta biến lối đi này thành không gian triển lãm về lịch sử hình thành cũng như những câu chuyện liên quan đến cầu Tháp London.

Các chi tiết, đường nét trang trí trên cầu Tháp London là sự tạo hình mang tính mỹ thuật cao, tạo nên một vẻ đẹp từ tổng thể đến chi tiết cho toàn cây cầu. Do vậy, du khách đến cầu Tháp London thường dành hàng giờ đồng hồ để tìm hiểu, chạm tay vào những bức phù điêu, đinh ốc..., hoặc tìm những góc đẹp để lưu lại những khuôn hình về cây cầu này. Sau những giây phút khám phá nét đẹp cầu Tháp, tham quan không gian triển lãm, điều được chờ đợi là hình ảnh mặt sàn cầu nâng lên một góc 86 độ để tạo độ tĩnh không cho thuyền bè qua lại. Thời gian nâng mặt sàn cầu có thể kiểm tra theo lịch trước từ địa chỉ website

 http://www.towerbridge.org.uk/TBE/EN/BridgeLiftTimes/

Ngoài kiến trúc độc đáo, cầu Tháp London có một nét đẹp khác là màu sơn. Màu sơn xanh - trắng hiện tại của cầu có từ năm 1977 (trước đó cầu được sơn màu nâu), nhân kỷ niệm ngân khánh của Nữ hoàng Anh, màu sơn này có tuổi thọ 25 năm, và để sơn lại toàn bộ cây cầu này, các thợ sơn đã dùng hết 22.000 lít sơn cùng với 44.000 giờ lao động.

Nhầm lẫn

Cạnh cầu Tháp London về hạ nguồn phía Tây có một cây cầu nổi tiếng khác là cầu London - cây cầu đầu tiên được xây dựng băng ngang dòng sông Thames từ thế kỷ I. Trải qua rất nhiều đổi thay của lịch sử, cầu được xây lại ới mang phong cách trung cổ (1176 - 1832), đến phong cách thời kỳ Victoria (1832 - 1968), kiến trúc cầu bê tông hiện tại được hoàn thành năm 1971.

Ở thế kỷ XIV, cầu London là nơi bêu đầu những kẻ phản loạn đế chế Anh thời bấy giờ, người đầu tiên bị hành hình là anh hùng William Wallace (1305), tục bêu đầu trên cầu London được duy trì đến tận năm 1660. Cầu London cũng là nơi khai sinh luật đi đường bên trái năm 1733, sau đó trở thành luật giao thông đường bộ của Anh.

Du khách khi đến tham quan London, nhiều người nhầm lẫn khi định danh cầu Tháp London (London Tower Bridge) và cầu London (London Bridge). Sự nhầm lẫn nổi tiếng nhất về hai cây cầu xảy ra trong thương vụ mua bán vào ngày 18/4/1968. Ông chủ dầu mỏ Robert McCulloch ở tiểu bang Missouri, Mỹ, khi nghe rao bán cầu London đã quyết định mua với giá 2.460.000 đô la và lầm tưởng rằng ông đang mua cầu Tháp London.

Cầu London sau đó được tháo dỡ, các phiến đá được đánh số cẩn thận, đưa xuống tàu và bắt đầu một hải trình dài sang đất Mỹ, cập cảng ở California và tiếp tục được vận chuyển bằng đường bộ đến Arizona. Cầu London được Công ty Sundt phục dựng lại nguyên bản tại thành phố hồ Havasu, bang Arizona ngày 10/10/1971.

Theo báo DNSG