Một ngày của nữ hoàng Anh

Theo thông lệ do nữ hoàng Anh Quốc Victoria quy định vào năm 1843, sáng nào cũng vậy, khi nữ hoàng ăn bữa sáng, bên ngoài cửa sổ phòng ăn phải có dàn nhạc tấu các bản nhạc trong thời gian chừng nửa giờ. Lệ này được tất cả các triều vua Anh tuân theo

uk queen vietnam

Ngày nay nữ hoàng Elizabeth II vẫn giữ lệ nói trên, tuy chồng bà là hoàng thân Philip (còn gọi là công tước xứ Edinburgh) rất không thích. Có thể vì ông đã quá già (90 tuổi) để thưởng thức các điệu nhạc kèn trống.

Sinh hoạt buổi sáng. Nữ hoàng Elizabeth ngủ dậy lúc 8 giờ, sau đó cùng chồng ăn bữa sáng theo kiểu Anh, gồm các món trứng, giăm-bông, nước quả và mật ong. Rồi bà đọc báo trong nước và các tin tức về thể thao. bà ưa thích nhất là môn đua ngựa.

10 giờ, nữ hoàng đến phòng làm việc gặp các trợ lý của mình. Phần lớn những buổi tiếp này diễn ra trong không khí nhẹ nhàng thoải mái chứ không phức tạp như các nghi thức cung đình. Sau đó, bà bỏ ra ít nhất 2 giờ để đọc thư từ, công văn giấy tờ đựng trong các hòm thư. Gọi là hòm thư, thực ra là hai chiếc cặp da. Một chiếc màu đỏ là công văn giấy tờ từ Bộ Ngoại giao gửi tới. Một chiếc cặp màu đen là công văn giấy tờ do quốc hội gửi đến. Chỉ nữ hoàng và thư ký riêng của bà mới có chìa khóa mở hai chiếc cặp này. Thái tử Charles, con trai nữ hoàng, từ năm 30 tuổi được giao nhiệm vụ làm trợ lý riêng cho nữ hoàng, cũng có quyền đọc các giấy tờ trong hai cặp này.

Việc đọc và trả lời các thư từ, giấy tờ chiếm mất khá nhiều thời gian. Theo thống kê, tính cho đến nay nữ hoàng Elizabeth đã nhận được hơn 3 triệu thư từ và đã gửi đi khoảng 100.000 điện tín tới những người sống trăm tuổi ở Anh và các nước trong khối Thịnh vượng chung. Bà cũng gửi hơn 280.000 thiệp mừng tới các đôi vợ chồng kỷ niệm lễ cưới kim cương. Nữ hoàng Elizabeth gửi thư điện tử đầu tiên từ một căn cứ quân sự, vào năm 1976.

Bữa ăn trưa. Kết thúc vào công việc buổi sáng, nữ hoàng ăn trưa một mình hoặc cùng một thành viên của hoàng gia. Hằng năm có khoảng hơn chục lần vào trưa thứ năm, nữ hoàng và hoàng thân Philip cùng ăn trưa không chính thức với 7 nhân vật được bà lựa chọn trước. Chế độ này do hoàng thân Philip đặt ra từ năm 1956 nhằm thắt chặt mối quan hệ giữa nữ hoàng với các nhân vật ngoài hoàng tộc.

Theo một cuốn sách viết về sinh hoạt của nữ hoàng, trong lúc các vị thực khách ngồi chờ nữ hoàng tới, người phục vụ sẽ dẫn một đàn chó giống chó xứ Wales rất ngộ nghĩnh xinh đẹp vào phòng để tạo không khí vui vẻ thoải mái, giúp các vị khách bớt hồi hộp.  

Được nữ hoàng Anh Quốc tiếp kiến là một vinh dự rất lớn. Năm 2006, danh thủ bóng đá Gerrard (đội trưởng đội bóng đá Liverpool) từng được nữ hoàng mời vào cung điện Buckingham gặp bà, khi về anh nói với các bạn là mọi vinh dự khác, kể cả danh hiệu Quả bóng vàng châu Âu, cũng không bằng vinh dự được nữ hoàng tiếp kiến. Nữ hoàng từng tiếp người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng Neil Armstrong, phi hành gia đầu tiên bay lên vũ trụ Yuri Gagarin và phụ nữ đầu tiên bay ra ngoài không gian Valentina Tereschkova.

Theo thói quen từ nhỏ, sau bữa trưa, bao giờ nữ hoàng cũng thay bộ trang phục khác. Sau đó bà dành cả buổi chiều đi thăm các nơi, như bệnh viện, nhà trẻ..., dự lễ trao phần thưởng cho những người được hoàng gia lựa chọn hoặc thụ phong các danh hiệu, tước hiệu, hoặc cắt băng khánh thành công trình mới xây dựng. Kể từ năm 1952, bà đã trao hơn 400.000 phần thưởng và chủ trì hơn 500 lễ thụ phong.  

Bữa ăn tối. 17 giờ, nữ hoàng quay về cung điện Buckingham để uống trà với bánh ngọt. Đây là bữa ăn phụ mà giới thượng lưu quý tộc nước Anh không bao giờ bỏ. Bữa ăn phụ này đánh dấu sự kết thúc một ngày làm việc. bây giờ là thời gian nữ hoàng dành cho gia đình. Sau bữa tối, bà xem truyền hình. Nếu thái tử Charles có mặt ở cung điện Buckingham thì hai mẹ con thường cùng nhau đến phòng chiếu phim; trong phòng này có một ban nhạc nhỏ theo hầu, chuyên chơi các bản nhạc.

Thỉnh thoảng cung điện Buckingham có mở tiệc chiêu đãi khách. Nữ hoàng mời khách ăn tối ở phòng vũ trường, nơi có thể chứa được 170 thực khách. Trong phòng có trang trí nhiều loại đèn giấu sau các nhành hoa, dùng để làm hiệu lệnh cho nhân viên phục vụ tiệc.

Nếu đèn sáng màu đỏ thì nhân viên phục vụ đứng nguyên tại chỗ quy định. Khi xuất hiện ánh đèn màu da cam thì họ phải thay đĩa thức ăn cho khách, dù là khách đã ăn hết thức ăn trong đĩa hay chưa. Khi đèn chuyển sang màu xanh lá cây tức là lệnh tiếp món ăn khác.

Ngày xưa từng có lệ: khi nhà vua đặt dao và nĩa lên bàn ăn thì người phục vụ đứng chầu phía sau phải mang đĩa của nhà vua đi. Ngày nay nữ hoàng Elizabeth II không hoàn toàn bỏ lệ ấy, chỉ có điều bà thay bằng ánh đèn.

Nữ hoàng ăn rất ít, cho nên bao giờ bà cũng là người đầu tiên đặt muỗng, nĩa xuống bàn, nhưng vì để khách vẫn có thể ăn tiếp, bà chuyển sang dùng món salad và thưởng thức món này rất chậm.

Hằng ngày, trước khi đi nằm, bao giờ nữ hoàng cũng kiểm tra một lượt xem các ngọn đèn trong cung Buckingham đã tắt đúng quy định chưa. Bà rất tiết kiệm vì ngân sách chi cho việc phục vụ bà rất tốn kém, từng bị một số đại biểu quốc hội eo sèo cho nên đã phải giảm bớt. Mọi người bảo nhau: Nữ hoàng thì cũng là đàn bà cả thôi.

Nữ hoàng thích ở đâu?

Vợ chồng nữ hoàng sống tại cung điện Buckingham từ năm 1952 tới nay, tức từ năm bà lên ngôi vua. Năm ấy bà mới 26 tuổi và lập gia đình được 5 năm. Cung điện Buckingham xây dựng năm 1703. Hình như vì cảm thấy không khí tòa lâu đài này có vẻ lạnh lẽo u uất hay sao đấy mà vợ chồng nữ hoàng Elizabeth II đều không thích ở đây. Hằng năm, họ đều dành ra 20 tuần lễ đến nghỉ tại pháo đài Balmoral ở xứ Scotland hoặc lâu đài Sandringham ở xứ Norfolk (đều thuộc nước Anh).

Buckingham là nơi nữ hoàng ở, làm việc và tiếp khách. Cung điện này có tất cả 690 phòng, trong đó có 14 phòng tiếp khách, 52 phòng dành cho khách tạm trú, 188 phòng làm chỗ ở cho nhân viên, 92 phòng làm việc, 78 phòng tắm... Có thể nói cung điện này quá rộng lớn so với Nhà Trắng ở Washington. Ngoài ra, còn có tầng ngầm, chuồng ngựa, bể bơi, phòng chiếu phim, sân quần vợt trong nhà.

Tổng số nhân viên làm việc ở đây có 550 người, làm cả ngày hoặc nửa ngày. Một số người thực ra chẳng có công việc gì cụ thể mà chỉ như một thứ “đồ trang sức”, thí dụ: người dạy ngỗng, các học giả và nhà thơ của cung đình. Nữ hoàng có riêng một đội danh dự gồm 14 cô gái, chỉ dùng đến khi có những nghi lễ chính thức. Theo thống kê, cho tới nay tổng cộng bà đã thưởng hơn 80.000 bánh tráng miệng pudding trong ngày Giáng sinh cho đội ngũ nhân viên khổng lồ của mình.

Theo CCNE