Du lịch Anh: 24 giờ ở London

Nếu bạn chỉ có 24 giờ để nghỉ lại một thành phố tại Vương quốc Anh bạn sẽ ở đâu và làm gì? Andrew Davis thuật lại 24 giờ của mình ở London.

Tôi quyết định nghỉ lại London trong vòng 24 giờ, thành phố thủ đô sôi động, nổi tiếng về lịch, văn hoá và cuộc sống xã hội sôi nổi. Mặc dầu hệ thống giao thông vận tải London (xe buýt, tàu hoả, tàu điện ngầm) đa dạng và thuận lợi nhưng hầu như cả ngày tôi đi bộ để khám phá thành phố này. Đây luôn là cách tốt nhất để phát hiện khả năng thích nghi của bạn, tìm hiểu một thành phố và biết được những gì thú vị nhất mà nó đem lại.

Khởi hành từ ga Waterloo

Tôi bắt đầu khám phá thủ đô London vào một sớm thứ Bảy tại ga Waterloo. Từ đây bạn có thể tới thủ đô Paris và Brussels trong vòng 2 tiếng rưỡi. Tàu hỏa liên vận Eurotrain từ ga Waterloo sẽ đưa bạn đến thẳng trung tâm thủ đô London.

 

 

Cách ga khoảng 2 phút, bánh xe đu quay khổng lồ London Eye nằm bên bờ Nam của sông Thames sẽ cho bạn thấy toàn cảnh các khu phố và tượng đài nổi tiếng tại trung tâm London từ trên cao. Cung điện Westminster, Nhà quốc hội, Công viên Hoàng gia, Nhà thờ St. Paul, tòa nhà Swiss Re hình “quả dưa chuột”, Tháp London và Tate Modern là những nơi trong số nhiều địa điểm mà bạn nên tới thăm.

Sau khi đi đu quay trên London Eye, tôi dừng lại nhấm nháp chút gì đó và chiêm ngưỡng cảnh tháp đồng hồ Big Ben và Tòa nhà Quốc hội từ mặt đất. Rồi tôi đi qua Phòng trưng bày Mỹ thụât hiện đại Saatchi, Rạp chiếu phim Quốc gia và Dali Universe (địa điểm nên tham quan), đi qua Cầu Westminster và tới Quảng trường Trafalgar qua khu Whitehall, một trong những phố lớn nhất London và trung tâm hành chính của Chính phủ Anh.

 

 

Khi đi được nửa đường qua khu Whitehall, tôi đi vòng qua khu diễu binh của sỹ quan kỵ binh tới Công viên St.James, nơi thường được coi là công viên đẹp và yên tĩnh nhất tại khu vực trung tâm Lon don. Góc công viên nằm cạnh hồ là một nơi lý tưởng để nghỉ nghơi và quên đi sự náo nhiệt tại trung tâm thành phố.

Sau khi thư giãn khoảng 20 phút, tôi quay trở lại với sự náo nhiệt thường ngày, trước hết là đến quảng trường Leicester qua ngõ hẹp nối Phòng Trưng Bày nghệ thuật quốc gia và Phòng Trưng bày quốc gia về tranh chân dung. Quảng trường Leicester nằm tại trung tâm khu giải trí phía Tây London. Đây là nơi bạn có thể mua vé giảm giá tại các rạp hát trong khu vực West End (từ các quầy bán vé chính thức) và xem phim mới nhất có sự tham gia diễn xuất của các minh tinh màn bạc.

 

 

Ăn trưa

Đi bộ khoảng 5 phút là bạn tới Vườn Covent nằm về phía Đông qua Long Acre. Đây thực ra không phải là khu vườn mà là một khu công cộng sống động và náo nhiệt nơi tuyệt vời để uống một tách trà hay cà phê trong khi chiêm ngưỡng những kiểu kiến trúc và những màn trình diễn lạ lùng của các diễn viên đường phố. Giữa một khu đất rộng là một khu chợ bày bán nhiều đồ cổ và đồ thủ công, tôi đi xem chừng nửa giờ, sau đó tôi quyết định đi ăn trưa.

Tôi thả bộ qua sông tìm nơi ăn trưa và sau đó quyết định dùng bữa tại quán George Inn ở khu Southwark. George Inn là một trong những quán cổ nhất tại London và có truyền thống văn trương ấn tượng; toà nhà hiện nay được xây từ năm 1676 và gắn liền với tên tuổi nhà văn viết tiểu thuyết Charles Dickens (1812 – 1870), cách đó không xa là một quán còn cổ kính hơn, đó là nơi gặp gỡ đầu tiên của những người hành hương trong chuyện The Canterbuyry Tales, tác phẩm văn học cổ điển Anh thế kỷ 14 của Geoffrey Chaucer. Quán George cho ta một cái nhìn xuyên suốt lịch sử thành phố London; đây cũng là nơi để ăn một bữa trưa tươm tất.

Đối với những ai muốn nuông chiều thói phàm ăn của mình thì đã có chợ Borough, chợ bán thực phẩm tốt nhất trung tâm London năm ngay gần phố Borough High Steet.

 

 

Thành phố lúc ban trưa

Sau khi đã ăn trưa no nê, tôi tới Tate Modern, một trong những đại diện ưu tú nhất của nghệ thuật hiện đại tại London và thế giới. Nằm cách chợ Borough khoảng 10 phút đi bộ. Tate Modern nằm trong khu vực trước đây là nhà máy điện, bên cạnh rạp Globe của Shakespeare đã được tôn tạo. Khi tôi tới thăm Tate Modern, tác phẩm “mặt trời nhân tạo” của nghệ sĩ Olafur Eliasson người đan mạch gốc Iceland chiếu rọi đại sảnh Turbine với ánh sáng lân tinh, rất ngoạn mục nhưng làm du khách hơi có cảm giác chóng mặt.

Sau khi khám phá phòng trưng bày rực rỡ và đa dạng tại Tate Modern, tôi thả bộ dọc khu phố lớn Bankside, khu vực hấp dẫn phía bờ Nam, rồi băng qua Tower Bridge, cây cầu nổi tiếng được chụp ảnh nhiều nhất. Trên đường đi đến Tower Hill và Trung tâm Tài chính London, tôi dừng bước trên con phố dành cho người đi bộ để ngắm chiếc cầu.

City of London (được gọi là “khu vực một dặm vuông”) là trung tâm tài chính của London và cũng là cái nôi lịch sử của thành phố London, đây là trung tâm London thời La Mã và London thời trung cổ. Mặc dù cảnh quan đã thay đổi không còn nhận dạng được nữa nhưng Chợ Leadenhall, gần Ngân hàng Trung Ương Anh ngày nay, toạ lạc trên khu vực Toà án La Mã cách đây gần 2000 năm.

 

 

Nếu bạn muốn lần theo lịch sử lẫy lừng và đa sắc của thành phố London thì Tháp London, Bảo tàng London, Guildhall (một toà nhà tại trung tâm hành chính của thành phố) và nhà thờ St. Paul là những nơi bạn nên dừng chân ghé thăm trong chuyến du lịch của mình.

Sau khi rảo quanh khu vực “một dặm vuông”, tôi quyết định sẽ quay về khu West End để ăn tối. Vì trời đang tối dần nên đây là lần đầu tiên tôi sử dụng phương tiện giao thông công cộng để cho đôi chân mình được nghỉ ngơi.

Đi tàu điện ngầm

Phương tiện giao thông công cộng nhanh và thuận tiện nhất tại London là tàu điện ngầm mà người dân thành phố London và khách du lịch thường gọi là “Tube - Tàu ống". Tuyến tàu điện ngầm tôi sử dụng duy nhất trong 24 giờ tại Vương quốc Anh là Central Line, tuyến đường màu đỏ chạy từ đông sang tây hiện diện trên tấm bản đồ Tàu điện ngầm London nổi tiếng thế giới. Tôi lên tàu tại ga Bank vào khoảng 8h30 tối và sau 10 phút đã tới Oxford Circus.

Tôi vào khu Chinatown để ăn tối; đây là khu vực sôi động, rực rỡ ánh đèn quanh phố Gerrard, Wardour và đường Saftesbury. Rất rẽ và tôi có thể tự chọn gồm mọi thứ từ cơm, mì trứng, cháo, cánh gà, nem, bánh bao, hải sản và nhiều món ăn kèm.

 

 

Khu Chinatown nằm giữa Soho, một khu vực sôi động tràn ngập rạp chiếu phim, quán bar, quán café và một số rạp hát nổi tiếng thế giới tại khu West End. Xích lô là phương tiện đi lại rất phổ biến trong khu vực này và rất tiện lợi để đưa bạn tới nơi cần đến. Tuy nhiên, tôi quyết định tới một câu lạc bộ đêm cách trung tâm thành phố một vài dặm.

Câu lạc bộ sang trọng

Tôi trở lại tuyến đường Central Line vào lúc 10 giờ và tới một câu lạc bộ đêm tại Shepherd’s Bush Green, phía tây London. Ginglik (tiếng Quảng đông là “công phá”) nằm ở phía dưới Shepherd’s Bush Green. Không khí nhộn nhịp bên trong là sự pha trộn khá độc đáo của loại nhạc điện tử và nhạc nhảy, với cách bài trí có ghế bành và ghế có tay vịn kiểu cổ, có bia Nhật, nội thất thiết kế ấm cúng và nghệ thuật theo trường phái hiện đại.

Khi tôi rời khỏi câu lạc bộ thì đã sang ngày hôm sau. Chẳng cần phải nói thì cũng mệt phờ. 24 giờ của tôi tại London thật thú vị và vui vẻ. Tôi đã có cơ hội tìm hiểu lịch sử, chiêm ngưỡng kiến trúc hiện đại nổi tiếng thế giới và đã tìm hiểu nét văn hoá đầy ấn tượng của thành phố. London là một thành phố lớn và trải rộng với nhiều điều thú vị đáng để khám phá. Trong vòng 24 giờ thì chỉ có thể tìm hiểu một phần rất nhỏ trong số đó. Đơn giản là tôi lúng túng với sự lựa chọn: 24 giờ của tôi tại London cũng có thể dễ dàng được thực hiện tại một trong nhiều thành phố và thị trấn tại Vương quốc Anh, những nơi mà giờ đây tôi cũng mong muốn được khám phá.

Theo duhocanh