Sự thật nước Anh qua lời kể của một du học sinh

Ngày tôi nói chuyện với bố mẹ để xin phép sang Anh du học cũng đơn giản lắm, chẳng có mục đích to tát gì như mở mang đầu óc hay đó là ước mơ từ lâu lắm rồi đâu, chẳng qua đó là vì chán học hành tại môi trường đại học đầy tiêu cực thôi. Chuyện tiêu cực thế nào thì cũng dài lắm, chỉ những đứa bạn quyết định đi thì mới hiểu được, bạn đọc cứ mặc định thế đi. Bố mẹ cũng thương con nên cũng đồng ý vay mượn cho con đi học, nghĩ tới đây tôi xin lạm quyền để nói đôi lời: Con cám ơn bố mẹ đã cho con cơ hội để có được ngày hôm nay, tôi cũng xin cảm ơn những bạn đã giúp đỡ hay chơi đểu mình, cháu xin cảm ơn chú hàng xóm đã dẹp đường hộ cháu.Trước khi đi tôi cũng không hề háo hức vì chỉ đi có một năm thôi mà, tranh thủ gặp bạn bè mỗi người một chút, đồ đạc thì có bố mẹ ở nhà đóng gói, chỉ đi là đi thôi.

Ngày ra sân bay, trời Hà Nội nóng nhưng người lại khoác một đống áo khoác để giảm cân cho hành lí. Toát hết mồ hôi nhưng nhìn về phía bố mẹ đang vẫy tay chào tạm biệt, bỗng dưng trong lòng có một cảm xúc khó nói, đây là lần đầu tiên tôi rời xa vòng tay che chở của bố mẹ. Lúc lên máy bay cùng hai thằng bạn, cũng chẳng có gì đặc biệt, ngồi chơi, trêu nhau, xem phim, ăn rồi ngủ, nhưng nó lại phản ánh phần lớn những hoạt động sinh hoạt chính của chúng tôi tại nước Anh. Sau chuyến bay dài dằng dặc và thời gian chờ transit, cuối cùng chúng tôi đã đến được sân bay Heathrow, London. Vạn sự khởi đầu nan, sau 1 tiếng chạy vòng vòng trong sân bay, tôi nhận ra là hành lí của mình đã bị thất lạc. Sau khi thông báo cho nhân viên sân bay, tôi nhận được lời hứa sẽ cố gắng tìm kiếm và một túi quà cho người trúng thưởng, bao gồm những vật phẩm có giá trị như: lược, khăn tắm, kem và bàn chải đánh răng. Thôi kệ, có mới nới cũ, à không, cái cũ không đi thì cái mới sao tới. Cảm nhận về cuộc sống đi du học thì tôi đoán cũng chẳng khác gì cảm giác sinh viên từ tỉnh lẻ lên thành phố học, cái gì cũng to lớn và đầy phức tạp.

Đầu tiên là hệ thống giao thông công cộng, bao gồm tàu điện và bus, mạng lưới chằng chịt như mê cung, hệ thống tính tiền tự động đủ khiến những người mới tới như tôi cảm thấy khá hoang mang, nếu không có người hướng dẫn chắc tới đêm cũng chẳng về được đến nhà. Điều buồn cười là các trung tâm du học chỉ hướng dẫn bạn là nên mang nhiều mì tôm và một con dao chặt thịt thật sắc chứ không hề đả động tới những thứ cơ bản như đi lại. Kể ra thì cũng phải mất kha khá tiền ngu để sử dụng thành thục hệ thống này, nhưng đó lại là một chủ đề khác. Nếu nói về kỉ niệm đầu tiên ở đây thì có lẽ là việc bị đàn cá sấu bao vây ngay khi tới nước Anh. Khi nhớ lại thì vẫn cảm thấy rợn người, đầy nguy hiểm và hơi xấu hổ. Nhưng phải thề là cực kì đáng sợ, rít hết bao thuốc mới đủ bình tĩnh kể lại chuyện này. Chúng tôi được ở nhờ nhà người quen một hôm tại London trước khi về Bristol.

 

Đây là một căn hộ trong khu tập thể khá cũ, thế nên hệ thống vệ sinh cũng thuộc loại ơ kìa rồi. Và đó chính là sự khởi đầu của rắc rối. Bỏ qua những chi tiết nhỏ nhặt, và chuyển thẳng qua cảnh tôi bị đàn cá sấu bao vây, dập nước mà bọn chúng vẫn lì lợm ngoi lên, rất hung hãn và như trêu ngươi, bọn tao không lặn đấy, mày làm gì được người ta nào. Bạn bị giam trong căn phòng kín, bị bọn cá sấu đe doạ, không dám tự mình thoát ra vì xấu hổ. Mọi hi vọng để thoát hiểm bị bào mòn và trôi dần qua từng đợt dập nước. Quẫn bách và chán chường tưởng chừng không lối thoát. Tôi quyết tâm vào lần hành động cuối cùng, chờ nội lực thật đầy đủ, ra đòn nhanh và hiểm ác ngay khi lũ quái thú đang lơi lỏng. Và điều kì diệu đã xảy ra, đàn cá sấu đã bị cơn đại hồng thuỷ cuốn trôi. tôi chỉ muốn hét lên Yeah thật lớn nhưng lại cố kìm nén trong lòng vì sợ người trong nhà bảo mình điên. Mãi về sau tôi mới được một sư huynh võ công cao cường ở đây truyền cho Bí kíp diệt cá sấu, rất đơn giản và đầy hiệu quả nhưng không phải ai cũng biết, điểm cốt yếu trong bí kíp này là phải biết sử dụng nội lực kết hợp với ngoại lực. Trong mỗi phòng vệ sinh thường có cái ca hoặc vô chậu gì đó, bạn chỉ cần hứng nước vào những thứ đó, khi dập nước thì tống ngay nước từ ca/xô/ chậu vào, đàn cá sấu sẽ ra đi trong vòng một nốt nhạc, chúc các bạn thành công.

Cuộc sống du học bắt đầu từ những thứ nhỏ nhặt như đi chợ, nấu nướng giặt giũ, phân công công việc trong nhà. Nhà có năm người, mỗi người một tính, một khẩu vị riêng nên cũng hơi lằng nhằng, kể mấy cái chi tiết này ra thì đến vài đêm cũng không hết mà cũng không có gì quá thú vị để kể. Nếu bạn nghĩ đi du học thì được đi chơi nhiều lắm, du lịch châu âu hay các địa danh nổi tiếng thì có lẽ sẽ đúng với những người khác nhưng đó lại là điều không xảy ra với ngôi nhà của 5 thằng chúng tôi. Với số tiền sinh hoạt hàng tháng chỉ đủ mua trả tiền nhà và tiền ăn, dư ra được mấy đồng thì gom góp mấy món quần áo loại rẻ tiền để thay đổi. Chi phí đi lại tàu xe cũng khá đắt, kết hợp với tính lười có sẵn thì cả nhà quyết định bế quan toả cảng. Có nghĩa là, ngoại trừ thời gian đi học và đi chợ thì tất cả về nhà đóng cửa lại, không đi lang thang, không giao du với hội sinh viên Việt Nam, nhà của chúng tôi cũng khá nổi tiếng vì không ai biết mặt 5 thằng này là ai. Nói vậy chứ ở nhà cũng khối trò vui, nào là chơi game thâu đêm, đánh bài xuyên tối, rình mò chơi đểu nhau, nghịch ngợm nấu nướng mà có đứa bị ngộ độc.... Ầm ĩ đến nỗi mà đạp gãy cả cầu thang, nhà bên cạnh phải rao bán.... 

Awu4cJA7D8fnTvDsieoZ

Cuộc sống cứ thế diễn ra như một dịp cắm trại dài ngày, khá nhiều kỉ niệm đáng nhớ nên quên gần hết, có lẽ chục năm nữa ngồi lại thì lôi ra trêu nhau được. Kỉ niệm đáng nhớ nhất không thể không nhắc tới là vụ kì án H ăn phân, việc này cũng khá tế nhị và để giữ thể hiện cho Dương Hiếu nên tôi xin phép không nêu tên nhân vật chính mà tạm gọi là nhân vật H. Hôm đó cả nhà rủ nhau nướng thịt xiên, công việc nấu ăn tất nhiên là do hai đầu bếp Long và H đảm nhiệm. Nhà không có bếp than để nấu mà chỉ có bếp ga nên H đề xuất phải có một tấm sắt để thịt lên nướng thì mới ngon. Cu cậu liền ra vườn sau nhà và kiếm được tấm sắt thật, việc nấu nướng khá mất thời gian nên ba thằng khác rút lên nhà chơi game, bỏ mặc 2 con ong chăm chỉ nấu nướng. Long cũng không thể chờ vụ nướng nủng nên bắc chảo lên rán cho nhanh, H vẫn quyết tâm với món ngon của mình nên cặm cụi nướng tiếp. Đến bữa ăn, H nhất quyết không dành phần thịt nướng cho ai, vừa ăn vừa khen ngon. Không cho thì thôi, ăn thịt rán cũng ngon.

Sáng hôm sau khi tôi ra vườn hít tí khí trời thì phát hiện ra một bí mật kinh khủng liên quan tới tấm sắt. Thường thì chất thải từ nhà vệ sinh sẽ được theo đường ống chảy xuống cống ở sau vườn, để chất thải đỡ bắn lung tung giữa phần ống và cống nên có nắp để che. Có lẽ bạn đã đoán được phần nào cái tấm sắt kia là cái gì rồi chứ. Tin dữ được tung tin ngay lập tức và cả nhà ra kiểm chứng, H cố nôn oẹ nhưng nuốt từ tối qua thì nôn thế nào được hả em, may mình ko ăn phần của nó. Một trận cười không dứt diễn ra....

Mấy thằng cứ thế tưng tửng mà sống, rồi cũng qua nửa học kì, chúng tôi đón cái tết xa nhà đầu tiên. Bài hát Xuân này con không về, được bật lại trong ngày 30 tết. Có lẽ đến lúc đó chúng tôi mới nhận ra là mình cũng nhớ nhà lắm, nhớ cảnh chuẩn bị mua đào quất, sắm sửa đồ cúng cùng gia đình. Đến lúc này cả bọn mới tham gia hội sinh viên Việt Nam ở đây để gói bánh chưng, bánh tét, tổ chức buổi liên hoan của những đứa con xa nhà, có ca hát, có bắn pháo bông, rồi ai lại về nhà đấy. Nhà chúng tôi có lẽ là đặc biệt nhất khi còn tổ chức riêng lễ cúng đêm giao thừa. Việc nấu ăn và cúng bái được giao cho chuyên gia nấu ăn và phật học Dương Hiếu với sự giám sát chặt chẽ của cả nhà. Ban thờ tự chế là tủ quần áo, có đầy đủ bát hương và mâm ngũ quả, đây cũng là lần đầu tiên dưa chuột được xuất hiện. Mấy món ăn chuẩn bị cũng trang trí rất đẹp dù chẳng biết là ăn nổi không. Gần tới giờ phút giao thừa, 5 đứa chụp chung một kiểu ảnh và bắt đầu màn cúng bái. Chuyên gia H có nghiên cứu trong lĩnh vực này nên được cử làm nhiệm vụ chính, 4 thằng ở sau cúng theo thôi, mấy đứa tự nhủ phải thật nghiêm túc trong giây phút giao thời này, nhưng nghiêm túc chả được bao lâu thì 4 thằng đằng sau lại lăn ra cười vì thằng chuyên gia nó cúng cả tiếng anh lẫn tiếng Việt, lúc cúng còn nói ngọng nữa. Một thằng cười là cả lũ cười, lúc cả 4 thằng nhịn cười thì thằng chuyên gia lại tiếp tục màn nhầm lẫn L với N ....

Trước khi đi du học ai cũng nghĩ mình sẽ đi làm thêm để đỡ phải xin thêm gia đình, có đồng ra đồng vào đi chơi. Nhưng khổ nỗi ở một thành phố bé thì mật ít ruồi nhiều, Hồ sơ xin việc gửi đi đa số đều không nhận được hồi âm. Có lẽ tôi là người may mắn nên được ông anh giới thiệu làm việc cho nhà hàng Việt Nam duy nhất ở thành phố này. Chân tay thì vụng về, chưa làm việc lao động chân tay bao giờ nên bê khay có hai bát phở mà tay cũng run run. Nhưng cũng phải quyết tâm để được nhận làm thôi, cần cù bù ngu si vậy. Ngoài thời gian được tính lương vào buổi tối, tôi còn làm thêm vào buổi chiều, khoảng thời gian chẳng có mấy khách, gọi một cách văn hoa là trainning thêm, nâng tay nghề, còn trắng ra là làm công không ăn lương. Hàng tuần nhận những đồng lương đầu tiên cũng hãnh diện lắm, cũng có tiền mua thêm mấy thứ đồ ăn linh tinh, hay ra hẳn butcher mua 4 cân đùi gà....

Làm việc cho khách Tây thì khá nhẹ nhàng nhưng nếu là khách người Việt thì bạn sẽ bị sai vặt đủ thứ, một người khách ra bên ngoài gặp chúng tôi và nói: các em thông cảm, hồi xưa họ cũng đi làm vất vả như các em, bây giờ có tiền nên ra oai một chút thôi, mình lấy đấy làm kinh nghiệm để sau này có tiền thì cũng không hành động như người ta. Cuộc sống cứ thế trôi qua. Nhưng rồi đến một ngày, một ngày đi làm sớm, sau này mình nghĩ lại, tây nó làm giờ giấc theo quy củ, đi sớm quá là không tốt. Hôm đó tôi đến sớm hơn thường lệ gần một tiếng, giúp ông anh đang làm ca sớm hơn chuẩn bị một số thứ cho buổi tối đông khách. Cũng đang tầm chiều nên chẳng có khách, 2 thằng vừa làm vừa nói chuyện, bỗng dưng chị chủ quán giọng ngái ngủ quát: sao thằng K đã đến muộn rồi còn không chuẩn bị dọn cơm. Như một thói quen, tôi trả lời: đã đến giờ làm của em đâu. Rồi bài ca không phải giờ thì không làm à, miếng ăn là miếng nhục, cố nuốt để làm cho xong công việc. Việc làm đầu tiên đã kết thúc như vậy đấy. làm việc cho tây thì mọi thứ đều rõ ràng, còn làm việc cho chủ Việt Nam thì phải tuỳ chủ và tuỳ cảm xúc của chủ. tiền lương của lần đi làm đó tôi đổ hết vào chiếc máy ảnh và ống kính đầu tiên, một người bạn giúp tôi trải qua cuộc sống xa nhà cho tới tận bây giờ.

Sau đợt nghỉ làm cũng là đợt ôn thi tốt nghiệp. Đấy, 9 tháng học trôi qua nhanh không, chớp mắt là cũng sắp về nước rồi. Mọi thứ sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch nếu như tôi không quyết định lên London kiếm việc để chơi nốt mấy tháng cho đỡ tiếc cái hạn visa. Sóng gió từ đây mới chính thức bắt đầu.....

Theo báo du học