• Bài viết tâm huyết tiếp theo về Global Talent Visa của bạn Trystan Nguyen, Viethome xin chia sẻ lại cho những ai quân tâm:

    "Bài này để giải tỏa tâm lý cho các bạn, tiếp nối bài viết trước về chương trình Global Talent Visa của chính phủ Anh, với kinh nghiệm cụ thể trường hợp của mình nên sẽ hơi dài, các bạn ráng đọc nhé

    Ban đầu mình cũng nghĩ như các bạn, dịch ra Tài Năng Toàn Cầu thấy ghê gớm lắm nên đọc cho biết thôi chứ mình là cái đinh gì, đọc danh sách giải thưởng toàn Quả Cầu Vàng, Oscar, MTV này nọ, nghĩ dẹp luôn ko có cửa!!!! Lúc đọc sơ các tiêu chí, mình nhẩm lại thì có đủ hết những cái họ cần. Mình đọc lại liên tục vì nghĩ chắc họ cho thông tin tóm tắt nên thiếu, lúc đăng ký chi tiết chắc sẽ khó hơn. Nhưng mình đã nhầm! Họ viết sao trên web là yêu cầu vậy thôi. Mình xin thư tiến cử họ cho kết quả trong 5 ngày, xin visa 2 ngày ra kết quả luôn trong nốt nhạc. Lúc nhận được visa trong tay mình vẫn còn chưa tin.

    Mình nói vậy vì mình khá chắc nhiều bạn cũng có cảm giác như mình lúc đó, bán tín bán nghi, cũng chùn chân chút. Nhưng không nên các bạn. Cứ tự tin đi. Mình sẽ giải thích thêm 2 chữ may mắn là đối với mình, còn với các bạn, nếu đã biết rồi thì cứ cái gì còn thiếu, các bạn bỏ thêm chút thời gian và lên kế hoạch để đạt được nó một cách "chủ động" và nhanh nhất có thể.

    May mắn với mình là sao? Là vì nghề nghiệp của mình là Marketing, Retails, Nhà hàng, Tài chính, Kế Toán, là khối ngành kinh tế, mình làm đủ hết. Nhưng may mắn mình nhận được lại đâm bang đến từ sở thích ca hát của mình các bạn ạ!

    Mình bắt đầu đi hát từ thời sinh viên ở đại học kinh tế TPHCM, không có qua trường lớp đào tạo nhạc hay ca hát, mình cũng ko biết chơi nhạc cụ luôn, cũng chỉ xem ca hát là thú vui mỗi cuối tuần để giải tỏa căng thẳng sau giờ làm, cũng có đi thi mấy cuộc thi từ thời sinh viên để thử cảm giác sân khấu lớn. Qua đây du học thì cũng có hát nhiều cho cộng đồng.

    Nói ra mang nhục, vì đó giờ mình chưa có một bản thu âm nào gọi là tử tế để lưu lại giọng, ngay cả thu clip cũng toàn bạn bè ngồi dưới thu lại chứ mình cũng chả có, mình hát trong âm thầm vậy đó, nhiều bạn bè còn chả biết là mình đi hát, gia đình mình thì khỏi lun, chỉ biết loáng thoáng phong phanh. Tạm gọi là ca sĩ mà ko có bản thu nghe hơi chói.

    Vậy đó mà mình đã thành Global Talent nhờ ca hát. Các bạn tin nổi ko?!!! Thêm nữa, loại visa này bắt đầu từ tháng 12/2020, các chứng cứ mình có hầu như là từ trước đó, cho nên khâu chuẩn bị hồ sơ nhanh cái rẹt, vì hầu hết là có sẵn. Thế mới nói trời ném cho cục hên!

    Nói cho dài, giờ thì mình chia sẻ đã cung cấp gì cho Arts Council England, là hội đồng xét duyệt tài năng thuộc lĩnh vực của mình. Lúc đăng ký mình không ghi talent là ca sĩ, mình ghi là Performing Art, nghe chung chung hơn. Vì mình toàn hát live và biểu diễn sân khấu, các bằng chứng mình có là liên quan đến nó nhất. Ở bài này là ví dụ của mình, các bạn trong nhóm nghệ thuật văn hoá sẽ có sự tương đồng nhiều hơn như: thiết kế thời trang, vũ công, sân khấu, điện ảnh, kỹ xảo hình ảnh, dựng phim…. nói chung là nghệ thuật.

    uk global talent visa

    CÓ 2 NHÓM GIẤY TỜ PHẢI CUNG CẤP

    1. 3 thư tiến cử từ người đứng đầu của các tổ chức văn hoá nghệ thuật mà mình đã từng cộng tác. Ít nhất đến từ 2 quốc gia, và 1 bắt buộc từ UK. Nội dung thì phải theo hướng dẫn họ ghi rất rõ trên web, không dc bỏ sót cái nào. Người viết thư phải là người đứng đầu tổ chức liên quan. Bạn phải nhờ họ cung cấp thêm CV (liệt kê tiểu sử để hội đồng biết người viết thư là ai). Quan trọng nhất là người viết phải cho biết tài năng của bạn sẽ được dùng và phát triển ở Anh như thế nào.

    Tổ chức càng lâu đời và uy tín ở quốc gia của họ càng tốt. Mình hoạt động 7 năm ở UK và các nước châu Âu, đi diễn nhiều nên quen nhiều. Nhiều tổ chức giới thiệu mình là tổ chức văn hoá cộng đồng, lịch sử 10/20/30 năm uy tín ở UK và EU. Người ta cần có 3 là đủ, mình sợ rớt nên trừ hao xin luôn 7 cái, ba đến từ UK, và 4 đến từ Châu Âu. Mình định xin thêm các tổ chức ở Việt Nam như Đài Truyền hình hay mấy công ty sự kiện, vì mình có từng làm show với họ. Nhưng thôi để tổ chức ngoài VN cho họ tin mình là Global.

    Vậy bí quyết là gì. Đi nhiều nước, quen nhiều người sẽ tăng cơ hội và nhận được sự trợ giúp. Mấy bạn nếu ở Việt Nam và chưa từng qua đây, nhưng có thể tự liên hệ với các tổ chức bên này, tạo mối quan hệ công việc với họ. Vì trên thư phải nói vì sao người viết quen bạn mà giới thiệu bạn.

    2. 10 bằng chứng chứng minh bạn là global talent thuộc 3 nhóm sau. Lưu ý bạn chỉ cần 2 trong 3 nhóm là đủ.

    2.1 Giải thưởng quốc tế

    Nếu có giải lớn theo danh sách họ cho thì bạn có thể đăng ký thẳng visa luôn. Còn nếu bạn thắng giải nhỏ hơn thì đó là lý do họ mở đường cho bạn bằng việc để một cơ quan xem xét trường hợp của bạn. Nếu ko có cái này thì bạn tập trung vào hai nhóm còn lại.

    Giải thưởng quốc tế cứ hiểu đơn giản là cuộc thi được tổ chức ở cấp quốc tế, hoặc quốc gia phạm vi rộng hơn nước Anh. Đừng làm quá nó lên. Các giải thưởng phải là cấp độ chuyên nghiệp làm nghề. Giành được trong vòng 5 năm trước khi đăng ký

    Mình thắng may mắn có 2 giải chuyên nghiệp:

    Quán Quân Giọng Hát Việt Toàn Cầu 2019: cái này mặt dù cuộc thi cho người Việt nhưng được tổ chức ở Đan Mạch và thí sinh là người Việt nhưng lại đến từ nhiều nước trên thế giới như Thuỵ Điển, Đức, Hà Lan, Nauy, Phần Lan, Anh, Việt Nam… nên vẫn được tính là giải thưởng quốc tế.

    Giải Khuyến Khích Ngôi Sao Tiếng Hát Truyền Hình HTV 2011: cái này thì để trừ hao vì nó hơn 5 năm, phạm vi Việt Nam nhưng là cấp quốc gia ngoài nước Anh nên cũng tạm gọi là quốc tế đối với họ.

    Lúc đi thi mình chỉ đi cho vui thôi để được hát sân khấu lớn thôi, chứ ai ngờ có ngày lại thắng và dùng nó đâu. Các bạn có thể tìm kiếm các cuộc thi tương tự hay được tổ chức ở Châu Âu, Mỹ…. mạnh dạn thi kiếm giải, nhất nhì ba tư gì cũng dc, miễn có giải thì vui hơn

    2.2 Sự ghi nhận của truyền thông quốc tế

    Bạn phải được truyền thông ở ít nhất hai quốc gia viết bài bình luận về bạn và tài năng của bạn. Có thể là báo giấy, báo mạng, tạp chí ngành nghề…

    Mình có một số bài viết về mình trên báo, từ các trang web cộng đồng ở Anh, châu Âu, Việt Nam. Cái này rất dễ. Nếu bạn có tư liệu thì có thể liên hệ các trang báo để đưa bài đánh giá về bạn. Báo tiếng Việt cũng được. Chỉ cần dịch ra tiếng anh và chứng thực là ok

    2.3 Các bằng chứng về hoạt động làm nghề của bạn: như các xuất bản, phân phối sản phẩm, các buổi biểu diễn… phải ít nhất từ hai quốc gia giống như trên

    Có hàng chục loại bằng chứng. Có thể là các Poster/tờ rơi chương trình bạn tham gia, các hợp đồng biểu diễn chuyên nghiệp, các phát hành đĩa, link nhạc online, video clips… Họ có viết rất cụ thể về các quy định này trên web

    Trường hợp của mình thì mình không có thu âm hay phát hành nhạc, sản phẩm của mình là những chương trình tiết mục mình biểu diễn ở sân khấu. Cái này đơn giản với mình, vì mình đi diễn nhiều năm, hay đi show ở Việt Nam, Anh, Châu Âu nên mình có hàng chục poster quảng cáo có mặt mình và địa điểm tổ chức trên đó. Họ chỉ cần ít nhất 2-3 cái từ 2-3 nước, nhưng mình edit thu nhỏ trên các trang A4 cho họ 3 files 30 chục cái, toàn show ở Anh và Châu Âu nên dư lun.

    Các bạn lưu ý, những chương trình và giải thưởng ở cấp độ sinh viên sẽ không được tính là bằng chứng. Nó phải ở cấp chuyên nghiệp hết các bạn nhé. Ngoài các bằng chứng trên ra thì những cái bên dưới sẽ không được tính là bằng chứng, nhưng nó sẽ là chỉ dẫn và hỗ trợ thêm cho hội đồng đánh giá. Cho nên đây là những thứ mình đã kèm thêm:

    -CV: Liệt kê tiểu sử nghề nghiệp liên quan, số lượng events, chương trình mình từng diễn, cho họ thấy lợi ích kinh tế và tạo giá trị về văn hóa của mình.

    -Cover letter: Cái này nên thắm thiết và viết rõ thêm bạn là ai, kế hoạch làm gì trong tương lai, ko có cũng chả sao, CV cũng ok rồi.

    -Các giải thưởng huy chương vàng, giải nhất ca hát sinh viên, bằng khen trung ương hội sinh viên, giấy khen làm tình nguyện 4 năm mùa hè xanh ở Việt Nam, nói chung bao nhiêu giấy khen liên quan đến leadership, thiện nguyện, âm nhạc, văn hóa và cộng đồng… mình cung cấp hết để cho họ biết quá trình mình lăn lộn như thế nào mặc dù ko có học nhạc.

    Global Talent visa là chính sách cũ được đổi tên từ visa Tier 1 (Exceptional Talent) nhưng mở rộng để thêm loại Exceptional Promise dành cho những bạn đang ở giai đoạn đầu sự nghiệp và cần thời gian hơn để chín muồi. Có thể nói đây là cách UK làm dễ hơn chính sách nhập cư nhằm thu hút nhân tài, ko cho lọt ai luôn. Ban đầu mình đinh ninh nếu may mắn họ sẽ cho mình dạng 5 năm là Exceptional Promise nên mình làm giấy tờ toàn trừ hao làm thêm. Ai dè họ cho mình luôn Exceptional Talent loại 3 năm. Cảm giác nếu mình biết trước mình khỏi tốn 3-4 năm đi học ở UK, 2 cái bằng thạc sĩ coi như bỏ ^^, họ cũng chả cần chứng minh tiếng Anh. Nhưng nói chứ nếu bạn chọn sống ở UK thì vẫn phải biết và thậm chí nên biết giỏi một tí để mà làm hồ sơ cho chuyên nghiệp, đằng nào lúc đăng ký định cư cũng phải cần. Có visa này mình thấy rất vui, kiểu những thứ mình làm trước giờ chơi chơi nhưng lại được công nhận, nhưng công việc chính của mình vẫn là ngành kinh tế, chỉ là cuối tuần mình sẽ được tự do ca hát cho cộng đồng, bay đi đâu cũng được thoải mái nên sẽ bớt ràng buộc hơn so với hồi visa lao động T2.

    Qua ví dụ của mình thì năng khiếu vài tài năng của mình chỉ là phần nhỏ thôi, lúc mới bắt đầu hát năm 17-18 ở trường kinh tế, nhiều người la mình vì hát phô, sai chính tả… nên cũng phải tự mài và trau dồi chứ để tự nhiên là ko sài được các bạn ơi. Hầu hết những cái mà mình cho họ thấy đó là thời gian mình cọ sát và tôi luyện từ cuộc sống. Ngay cả bây giờ mình vẫn chưa dám gọi mình là ca sĩ, chỉ là người hát rong thôi, và mình giữ như vậy để tạo cảm xúc cho riêng mình.

    Còn với các bạn, nếu bạn có tham vọng lớn, bạn nghĩ mình giỏi một thứ nào đó trong những thứ mình đăng, vì còn chần chừ gì nữa, lên kế hoạch và chủ động thôi. Bài này là tham khảo cho các bạn khối văn hóa nghệ thuật. Nhưng về tinh thần và cách nhìn của các hội đồng về định nghĩa hai chữ Global Talent sẽ là khá giống nhau: là khả năng phát triển cá nhân của chính bạn và tạo giá trị cho cộng đồng. Ở những bài sau, mình sẽ chia sẻ thêm về các kỹ năng mình nghĩ các bạn trẻ sẽ cần và có thể là tham khảo thêm từ những lĩnh vực khác nếu các bạn gợi ý, mình sẽ tìm hiểu và trả lời. Còn bây giờ chúc các bạn may mắn nhé^^

    Nguồn: Trystan Nguyen (https://www.facebook.com/TrystanNguyen.Global) 

  • Các doanh nghiệp Anh sẽ có nhiều cơ hội tuyển dụng lao động lành nghề hơn sau những thay đổi trong Quy tắc Nhập cư do Bộ trưởng di trú công bố vào ngày 9 tháng 9.

    Những thay đổi này quy định các nghề nghiệp như bác sĩ thú y, kiến ​​trúc sư và nhà thiết kế web sẽ được thêm vào danh sách nghề nghiệp thiếu hụt nhân lực (SOL), cho phép người lao động thuộc các ngành này này được ưu tiên nhận visa làm việc Tier 2 khi đến Vương quốc Anh làm việc.

    Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các nhà tuyển dụng có thể quảng cáo tuyển dụng nhân lực thuộc mọi quốc tịch, giúp các ông chủ dễ dàng tiếp cận với những tài năng quốc tế mà họ rất cần.

    Bộ trưởng Di trú Seema Kennedy nói: “Cung cấp cho các doanh nghiệp có trụ sở tại Anh quyền tiếp cận những tài năng toàn cầu sáng giá nhất là ưu tiên chính của chính phủ.

    “Đó là lý do tại sao chúng tôi tạo điều kiện cho các nhà tuyển dụng dễ dàng thuê nhân công lành nghề, chẳng hạn như bác sĩ thú y và nhà thiết kế web, những người đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của đất nước.”

    Danh sách nghề nghiệp thiếu hụt Tier 2 (SOL) là danh sách các nghề nghiệp được Ủy ban Tư vấn Di cư (MAC) công nhận là thiếu nguồn nhân lực trên quy mô toàn quốc và được họ đánh giá là có thể phần nào đáp ứng nhờ nguồn lao động di cư ngoài EEA.

    Đáp lại các khuyến nghị của Ủy ban Tư vấn Di cư độc lập khi xem xét danh sách nghề nghiệp thiếu hụt vào tháng 5 năm 2019, Quy tắc Nhập cư đã được sửa đổi cho phù hợp, đưa các thay đổi thành luật.

    Khi xem xét danh sách nghề nghiệp thiếu hụt, MAC đã cân nhắc một loạt các yếu tố như việc liệu sự thiếu hụt có mang quy mô quốc gia hay không và liệu để người lao động nhập cư lấp đầy khoảng trống này có hợp lý hay không.

    Ngoài việc bổ sung SOL, Quy tắc Nhập cư đã được sửa đổi để thể hiện rõ nét hơn cam kết của chính phủ về việc chuyển giao 480 trẻ em không có người thân theo mục 67 của Đạo luật Di trú 2016 càng sớm càng tốt.

    Các quy tắc mới cập nhật sẽ đảm bảo rằng những trẻ em trong diện chuyển giao theo mục 67 sẽ được cấp với ‘quyền lưu trú mục 67’ khi đến Anh. Hình thức lưu trú này cho phép các em học tập, làm việc, tiếp cận các quỹ cộng đồng và chăm sóc sức khỏe, và đó là một lộ trình hướng tới định cư mà thông thường các em sẽ không có được. Hiện tại, những đối tượng chuyển đến Anh theo mục 67 chỉ nhận được ‘quyền lưu trú mục 67’ nếu đơn xin tị nạn của các em không được chấp thuận.

    Bộ Nội vụ cũng hợp lý hóa quy trình kiểm tra tiếng Anh để đảm bảo các bác sĩ, nha sĩ, y tá và nữ hộ sinh đã vượt qua bài kiểm tra tiếng Anh được cơ quan chuyên môn có liên quan chấp nhận sẽ không phải làm một bài kiểm tra khác trước khi nhập cảnh vào Vương quốc Anh bằng visa Tier 2. Thay đổi này sẽ giúp các bệnh viện và phòng khám trên toàn quốc tuyển dụng được nhân viên nhanh chóng hơn.

    VietHome (Theo Gov.uk)

  • Ông Sajid Javid cho biết ông muốn thu hồi các quy tắc cứng rắn về việc cho phép du học sinh ở lại Anh làm việc với lý do rằng nước Anh cần có thái độ linh hoạt, nhạy cảm hơn đối với người nhập cư.

    Trong các bình luận đi ngược lại cách tiếp cận từ trước đến nay của bà Theresa May, Bộ trưởng Nội vụ, một trong những người đang có tham vọng ngồi vào chiếc ghế thủ tướng, cho biết ông sẽ nới lỏng các quy tắc hiện hành chỉ cho du học sinh sáu tháng làm việc sau khi học xong.

    “Tôi muốn thấy nhiều sinh viên quốc tế đến nước ta hơn,” ông Javid phát biểu tại một sự kiện ở London được tổ chức bởi Thinktank British Future.

    “Nếu họ đến đây, học tại các trường đại học lớn của chúng ta, nếu họ muốn làm việc sau đó, chúng ta sẽ giúp họ ở lại và làm việc dễ dàng hơn, và sẽ không nói rằng, các bạn phải trở về nhà, chỉ vì lợi ích của việc đó. Chúng ta cần một thái độ tích cực hơn. Tôi nghĩ đất nước sẽ hoan nghênh điều này.”

    Ông Javid đã nhắc lại quan điểm này trong một bài viết trên tờ Financial Times: Thật vô nghĩa khi ép những người thông minh nhất và dám nghĩ dám làm nhất trên thế giới về nhà ngay sau thời gian ở đây.”

    Thông báo của ông đã nhận được sự hoan nghênh từ ông Jo Johnson, cựu bộ trưởng các trường đại học, người đang tìm cách sửa đổi dự luật di trú để thay đổi giới hạn sáu tháng trở lại thời hạn hai năm như trước đó.

    Trong một bài đăng trên Twitter, ông Johnson cho biết ông rất vui mừng trước động thái này, gọi kế hoạch thay đổi này là một “chiến thắng thực sự cho quyền lực mềm của Vương quốc Anh.”

    Tại sự kiện British Future, Javid nhắc lại ý định hủy bỏ mục tiêu chính thức lâu đời nhưng không bao giờ đạt được của đảng Bảo thủ là hạn chế di cư ròng hàng năm vào Vương quốc Anh ở mức hàng chục nghìn người.

    “Tôi đã nói rằng tôi sẽ không đề ra mục tiêu,” ông nói. “Tôi chỉ nghĩ rằng thật vớ vẩn khi đặt mục tiêu mà bạn sẽ không bao giờ đạt được. Ngoài ra, mọi chuyện nên được quyết định dựa trên những gì bạn nghĩ rằng đất nước cần, và cái chúng ta cần cũng thay đổi theo thời gian.”

    Ông nói rộng hơn về lợi ích của việc nhập cư và cách ông cảm thấy rằng việc kiểm soát những con số sau Brexit có thể thay đổi thái độ của công chúng.

    “Tôi nghĩ rằng mọi chuyện rất tuyệt vời đối với nước Anh. Tôi nghĩ rằng chúng ta có lẽ đã trở thành một xã hội tồi tệ hơn nhiều ngày nay – tôi không chỉ muốn nói đến khía cạnh kinh tế, mà còn về mặt văn hóa -  nếu chúng ta không có được cách tiếp cận nhập cư từ các chính phủ trước đó trong vài thập kỷ qua, ông nói. “Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng chúng ta nên bị ám ảnh bởi những con số chung, miễn là con số đó được kiểm soát bởi chính phủ, và nó dựa trên những gì bạn cảm thấy cần.”

    VietHome (Theo Guardian)

  • Từ ngày 29 tháng 3 năm 2019, visa start-up mới của chính phủ đã bắt đầu được áp dụng cho người đăng ký mới. Được công bố vào tháng 6 năm ngoái, loại visa này ra đời nhằm mục đích thay thế cho Tier 1 (Graduate Entrepreneur) nhưng mang theo kỳ vọng rằng nó có thể giúp Vương quốc Anh thu hút những tài năng toàn cầu và duy trì vị thế điểm đến hàng đầu thế giới cho sáng tạo và kinh doanh của nước Anh.

    Nói một cách đơn giản, mục đích là visa khởi nghiệp sẽ giúp thu hút những người có tham vọng thành lập doanh nghiệp, từ đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng bằng cách tăng mức năng suất và tạo việc làm lương cao cho cư dân địa phương, mang lại lợi ích cho toàn bộ nền kinh tế.

    Vì vậy, hy vọng rõ ràng rất cao - nhưng loại visa này có đáp ứng được kỳ vọng?

    Đầu tiên, tin tốt là Bộ Nội vụ đã có một cách tiếp cận tiến bộ hơn trong cách đối xử với doanh nhân nước ngoài. Đối với người mới bắt đầu, những người xin visa khởi nghiệp không cần phải chứng minh rằng họ đã có tiền đầu tư vào doanh nghiệp để đảm bảo thị thực.

    Và trong khi visa Tier 1 (Graduate Entrepreneur) chỉ dành cho sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học thuộc Vương quốc Anh, visa khởi nghiệp dành cho bất kỳ ai có ý tưởng chuyển thành kế hoạch kinh doanh khả thi, có nghĩa là các doanh nhân tài năng và đầy tham vọng không còn bị ngăn cản thành lập doanh nghiệp ở Anh do thiếu vốn hoặc bằng cấp của Vương quốc Anh.

    Người xin visa có thể nộp đơn từ bên ngoài Anh hoặc chuyển sang lộ trình visa start-up từ visa Tier 1 (Graduate Entrepreneur), trong khi đó Tier 2 và Tier 4 phải chịu một số hạn chế nhất định. Mọi người cũng có thể chuyển từ loại visa viếng thăm nếu họ đã thực hiện các hoạt động được phép như một doanh nhân tương lai.

    Ai có thể nộp đơn?

    Người xin thị thực khởi nghiệp cần phải hoàn thành hai bộ tiêu chí, đó là Phần W3 và Phần W5 của Quy tắc Nhập cư.

    Phần W3 bao gồm các yêu cầu chung (nghĩa là chúng áp dụng cho cả các loại visa khác và không chỉ đối với visa start-up). Người nộp đơn cần trên 18 tuổi và vượt qua bài kiểm tra tiếng Anh ở cấp độ B2. Quy định trước đây là cấp độ trung cấp B1.

    Người nộp đơn cũng cần phải đáp ứng yêu cầu tài chính bằng cách cho thấy họ đã tiết kiệm được £945 trong khoảng thời gian 90 ngày trước khi nộp đơn. Họ không cần cung cấp bằng chứng về các khoản tiết kiệm nếu thư từ đơn vị bảo chứng của họ xác nhận rằng họ đã được tài trợ ít nhất £945.

    Phần W5 nói về sự cần thiết phải được bảo chứng bởi một tổ chức chấp nhận ý tưởng kinh doanh của ứng viên. Điều này chính là rào cản lớn nhất cho các ứng viên tiềm năng.

    Ai sẽ đánh giá ý tưởng kinh doanh?

    Giống như người tiền nhiệm visa Tier1, visa khởi nghiệp sẽ thuê các đơn vị độc lập bên ngoài đánh giá ý tưởng kinh doanh. Họ sẽ nghiên cứu kỹ một ý tưởng dựa trên tiêu chí về sự đổi mới, khả năng tồn tại và khả năng mở rộng của nó.

    Bộ Nội vụ đã lên danh sách một nhóm các đơn vị thúc đẩy và ươm mầm kinh doanh có kỹ năng hỗ trợ các doanh nhân xây dựng các doanh nghiệp và mở rộng quy mô. Bên cạnh đó là các trường đại học và các tổ chức giáo dục đại học khác.

    Các tiêu chí để trở thành đơn vị bảo chứng là gì?

    Điểm nổi bật trong hướng dẫn của Bộ Nội vụ cho các đơn vị bảo chứng là sự tự do và linh hoạt.

    Đầu tiên, họ có thể chọn chỉ bảo lãnh cho những cá nhân quen thuộc với họ hoặc những người mà họ đã làm việc cùng. Đối với danh sách các đơn vị bảo chứng bị chi phối bởi các trường đại học, các sinh viên tốt nghiệp có khả năng bị hạn chế nếu các tổ chức chỉ xác nhận sinh viên cũ của họ. Điều này cũng làm suy yếu mục tiêu mở cửa cho tất cả các nhà sáng tạo và doanh nhân của loại visa mới.

    Thứ hai, trong khi Bộ Nội vụ đã đưa ra ba tiêu chí chính cho các đơn vị bảo chứng  - sáng tạo, mức độ khả thi và khả năng mở rộng - hướng dẫn cũng thừa nhận rằng các đơn vị sẽ có tiêu chí riêng cho ý tưởng kinh doanh thành công và khuyến khích họ thực hiện phương pháp của riêng mình. Mặc dù điều này sẽ cho phép các đơn vị đánh giá ý tưởng theo cách quen thuộc với họ, nhưng nó sẽ dẫn đến các tiêu chí rất khác nhau được áp dụng bởi các đơn vị bảo chứng khác nhau và có thể tạo ra nguy cơ không công bằng và lạm dụng.

    Các tiêu chí chính đã được bổ sung trong Phần W5.2 của Quy tắc nhập cư:

    • Sáng tạo - ứng viên có kế hoạch kinh doanh độc đáo, đáp ứng nhu cầu thị trường mới hoặc hiện có và / hoặc tạo ra lợi thế cạnh tranh không?
    • Mức độ khả thi - người nộp đơn có, hoặc họ đang tích cực phát triển, các kỹ năng, kiến ​​thức, kinh nghiệm và nhận thức thị trường cần thiết để điều hành doanh nghiệp thành công?
    • Khả năng mở rộng - có bằng chứng về kế hoạch có cấu trúc và tiềm năng tạo việc làm và tăng trưởng vào thị trường quốc gia hay không?

    Đây rõ ràng là một bước tiến đáng kể so với các yêu cầu của visa Tier 1, loại visa chỉ yêu cầu một ý tưởng chính chủ và đáng tin cậy. Chính phủ chỉ muốn những ý tưởng tham vọng và thành công nhất được chứng thực. Nhưng phát triển ý tưởng kinh doanh non trẻ vốn dĩ rất rủi ro. Phần lớn sẽ thất bại, các cơ sở ươm tạo và thúc đẩy kinh doanh hàng đầu thường nhận hỗ trợ rất nhiều doanh nhân, bởi họ chỉ cần một tỷ lệ nhỏ thành công để có thể mang lại lợi nhuận tài chính đáng kể cho các khoản đầu tư của họ.

    Với suy nghĩ này, chính phủ nên suy nghĩ lại về việc có cần thiết chỉ phân phối cho các đơn vị 25 chỉ tiêu bảo lãnh mỗi năm. Bộ Nội vụ đang đặt niềm tin rất lớn vào các đơn vị chứng thực, tin tưởng họ có thể đánh giá các hồ sơ dựa trên kỹ năng trong việc nuôi dưỡng các ý tưởng kinh doanh. Do đó, việc hạn chế số lượng là vô nghĩa.

    Visa sẽ được cấp trong bao lâu?

    Visa được cấp trong khoảng thời gian hai năm hoặc thời gian còn lại của hai năm nếu người nộp đơn trước đó đã có visa Tier 1 hoặc các hạng mục khởi nghiệp. Sau khi hết hai năm, người đó có thể chuyển sang danh mục nhà kiến tạo (innovator) dựa trên cùng một ý tưởng kinh doanh, miễn là họ vẫn có được sự chứng thực. Nhưng quá trình chuyển đổi sẽ không tự động vì các tiêu chí cho một visa innovator nghiêm ngặt hơn.

    Cố vấn và kiểm tra tiến độ

    Chính phủ cũng muốn các cơ quan bảo chứng đảm nhận vai trò cố vấn cho các doanh nhân mà họ hỗ trợ. Đối với visa khởi nghiệp, các đơn vị sẽ được yêu cầu kiểm tra tiến độ từ sáu đến 12 tháng sau khi doanh nhân nhận được visa.

    Chắc chắn các cuộc gặp mặt này có thể đảm bảo rằng ý tưởng của doanh nhân vẫn đi đúng hướng, giúp tăng cơ hội thành công. Tuy nhiên, các cuộc gặp mặt này còn có một mục đích khác. Bộ Nội vụ muốn các đơn vị bảo chứng có thể hài lòng rằng người xin visa đã duy trì tiến độ hợp lý và đang tiếp tục thực hiện nó, hoặc đang theo đuổi các ý tưởng kinh doanh sáng tạo, khả thi và có thể mở rộng khác. Nếu họ không hài lòng về điều này, đơn vị bảo chứng được Bộ Nội vụ yêu cầu rút lại bảo chứng của họ. Dựa vào đó, Bộ Nội vụ có thể cân nhắc thu hồi visa của doanh nhân.

    Các cuộc gặp gỡ này sẽ rất quan trọng vì doanh nhân chỉ được ở lại Vương quốc Anh khi đơn vị bảo lãnh đồng tình với tiến độ. Hướng dẫn của bộ không đưa ra giải thích cụ thể thế nào là tiến trình hợp lý, do đó người xin visa có thể cảm thấy mơ hồ về việc liệu dự án họ đưa ra có hợp lý hay không. Điều này có thể khiến nhiều người cảm thấy rất bất an về tương lai của họ và có nguy cơ bị đánh giá một cách bất công cùng rất ít cơ hội để khắc phục.

    Bộ Nội vụ có thể tính đến điều gì khác khi đưa ra quyết định?

    Một khi người nộp đơn nhận được sự bảo chứng, họ vẫn chưa chắc chắn nhận được visa. Họ vẫn phải làm đơn xin visa và rõ ràng Bộ Nội vụ sẽ không chỉ đơn giản đóng dấu visa chỉ dựa trên sự chứng thực từ các đơn vị bên ngoài. Phụ lục W chỉ ra rằng Bộ Nội vụ sẽ xem xét các yếu tố khác sau khi nhận đơn xin visa:

    • Các tài liệu người xin visa đã nộp và độ tin cậy của chúng
    • Lịch sử học hành, công việc và tình trạng nhập cư của người nộp đơn
    • Tuyên bố gửi cho các cơ quan chính phủ khác về công việc trước đây và hoạt động khác ở Anh của người nộp đơn
    • Bất kỳ thông tin liên quan nào khác

    Bộ Nội vụ cũng có thể yêu cầu thêm bằng chứng từ cơ quan bảo chứng và có thể yêu cầu người nộp đơn tham dự một cuộc phỏng vấn.

    Kết luận

    Việc Visa Start-up nhờ tới các chuyên gia bên ngoài để đánh giá ý tưởng là một cách tiếp cận táo bạo và tiến bộ nhưng nếu Bộ Nội vụ bỏ qua các khuyến nghị của họ thì tham vọng lớn và lợi ích kinh tế có thể sẽ không thành hiện thực. Hiện nay, các hồ sơ đã bắt đầu được chuyển tới hệ thống, chúng ta hãy cùng xem liệu đây chỉ là một hình thức đổi tên visa hay là một thay đổi thực sự trong thái độ, hướng tới thu hút doanh nhân nước ngoài đến Vương quốc Anh.

    VietHome (Theo Free Movement)

  • Visa Tier 1 cho phép người nước ngoài đến Anh theo diện đầu tư một dự án mới hoặc đầu tư vào một dự án sẵn có. Đây là một lựa chọn định cư phổ biến với nhiều người, kể cả những người đã tốt nghiệp ở Anh hay các lao động có kỹ năng ở nước ngoài. 

    Quá trình đầu tư kéo dài 5 năm trước khi bạn có thể nộp đơn xin định cư vĩnh viễn, và bạn có thể đưa theo gia đình. 

    Việc nộp đơn xin Visa Tier 1 cần lưu ý những điều sau đây:

    1. Tài chính, lựa chọn 1 - £200,000

    Đây là lựa chọn phổ biến nhất. Bạn phải có ít nhất £200,000 để đầu tư vào Anh, và bạn phải chứng minh được đây là:

    - Tiền của bạn

    - Tiền của một bên thứ ba cho bạn toàn quyền xử lý (như vợ/chồng, đối tác, một nhà đầu tư khác...)

    - Số tiền thuộc về tài khoản chung của bạn và vợ/chồng hoặc đối tác, nhưng họ sẽ không nộp đơn xin Visa Tier 1.

    Số tiền này phải nằm trong tài khoản của bạn ít nhất 90 ngày. Nếu dưới 90 ngày hoặc tiền do bên thứ 3 nắm giữ, thì bên thứ 3 phải xác nhận rằng số tiền này bạn được toàn quyền sử dụng cho đến khi tiền được chuyển hẳn vào tài khoản của bạn, hoặc của dự án bạn có ý định đầu tư.

    2. Tài chính, lựa chọn 2 - £50,000

    Lựa chọn này chỉ áp dụng nếu bạn nhận được khoản tài trợ từ các doanh nghiệp sau:

    - Các quỹ đầu tư đã đăng ký với chính phủ Anh, hoạt động dưới sự kiểm soát của Financial Conduct Authority (FCA - Cơ quan Kiểm soát Tài chính).

    - Các doanh nghiệp (start-up) đang gọi vốn ở Anh và được Department for International Trade (DIT - Sở Thương mại Quốc tế) cấp phép.

    - Các cơ quan chính phủ (hoặc các đơn vị có liên quan tới chính phủ) ở Scotland, Wales và Bắc Ailen với mục đích là mở rộng một doanh nghiệp hoặc thành lập doanh nghiệp mới. 

    3. Phí sinh hoạt

    Bạn phải chứng minh mình có đủ tài chính để chu cấp cho bản thân và những người phụ thuộc. Số tiền này không liên quan tới khoản tiền đầu tư. 

    Đối với những người xin visa vào Anh, bạn phải chứng minh mình có ít nhất 3,310 bảng trong tài khoản tiết kiệm (đã được mở ít nhất 90 ngày tính đến ngày nộp đơn). Đối với những người xin visa Leave To Remain, khoản tiền này là 945 bảng.

    4. Khoản tiền đầu tư nằm ở UK hay ngoài UK

    Khoản tiền đầu tư phải được gửi vào một tổ chức tài chính hoạt động hợp pháp, chẳng hạn như ngân hàng hay hiệp hội nhà ở. Nếu tiền không gửi vào một tài khoản ở UK, thì nó phải được quy đổi ra đồng bảng Anh và không thuộc diện bị phong tỏa (được tự do sử dụng bất cứ lúc nào).

    5. Kế hoạch đầu tư

    Nếu đây là lần đầu tiên nộp đơn xin visa Tier 1 thì bạn phải trình một kế hoạch đầu tư. Bạn phải trình bày tươm tất về khoản đầu tư của mình. Cụ thể: đầu tư vào lĩnh vực gì, hoạt động như thế nào, kết quả nghiên cứu thị trường chỉ ra đối tượng khách hàng của bạn, mục tiêu doanh thu và lợi nhuận... Càng chi tiết và thuyết phục càng tốt. Các số liệu của bạn không nên chung chung, doanh thu phải căn cứ vào các thông số và kế hoạch rõ ràng. Bạn phải chứng minh mình có những kỹ năng cần thiết trong lĩnh vực này, cũng như tầm nhìn và tham vọng của bạn đối với khoản đầu tư.

    6. Kiểm tra độ thành thật của ứng viên

    Phần lớn ứng cử viên rớt ở vòng này. Nếu nộp đơn xin visa lần đầu, bạn phải vượt qua bài kiểm tra này. Nếu đã nộp đơn xin visa vài lần thì Bộ Nội vụ cũng có thể yêu cầu bạn phải làm bài test này. Bộ Nội vụ sẽ cân nhắc tất cả các yếu tố liên quan đến ứng viên. Rồi họ sẽ quyết định bạn có đáng tin không, bạn có thực sự muốn đầu tư ở Anh hay không, khoản tiền có phải thuộc quyền sử dụng của bạn hay không, bạn có ý định làm việc gì khác mà không khai báo hay không. 

    7. Phỏng vấn với Bộ Nội vụ/ Đại sứ quán

    Trong quá trình kiểm tra độ thành thật của ứng viên, bạn có thể được gọi lên phỏng vấn. Cuộc phỏng vấn rất nghiêm ngặt và có thể kéo dài. Họ sẽ hỏi về hồ sơ lý lịch của bạn, chuyên môn, kế hoạch tài chính và đầu tư. Điều then chốt là bạn phải nắm rõ kế hoạch đầu tư của mình. Bộ Nội vụ có quyền đòi hỏi thêm thông tin và bạn phải cung cấp trong vòng 28 ngày kể từ ngày được yêu cầu.

    Viethome (theo Lexoo)