• Anh Nurideen cho biết mình chỉ có chưa đầy hai tuần để kiếm đủ tiền xin thị thực ở lại Anh quốc, nếu không có thể bị buộc phải bỏ vợ và hai cô con gái nhỏ ở lại.

    Nurideen Bashir - 37 tuổi, một nhạc sĩ từ Washington DC, cho biết đến ngày 19 tháng 2, anh phải quyên góp "hơn 5.000 bảng" cho tất cả các chi phí xin thị thực cho vợ / chồng để có thể ở lại Southall với gia đình.

    Nurideen di chuyển giữa London và Hoa Kỳ kể từ khi gặp vợ là chị Fahima - 31 tuổi, hơn 13 năm trước trên Myspace. Anh Nurideen chỉ được ở lại London trong thời gian ngắn do hạn chế về thị thực và cặp đôi đã trải qua khoảng thời gian dài xa nhau.

    Anh Nurideen giải thích: “Mọi việc trở thành kiểu đi rồi về”, Nurideen giải thích - kể từ khi có đứa con đầu lòng, họ hầu như phải sống xa nhau, ở Mỹ và Anh trong khi quyết định nơi ở để 2 con gái là bé Layan - sáu tuổi và bé Isra một tuổi, ổn định cuộc sống.

    Người cha cho biết: "Tôi muốn gắn bó với các con mình nhiều nhất có thể", trước đây anh đã phải xa các con gái trong 6 tháng. "Việc này rất khó khăn, đứa nhỏ còn chưa biết gì. Tuy nhiên, tôi phải bỏ mặc đứa lớn đang khóc trên đường tới sân bay. Con bé đã viết thư bảo tôi đừng đi. Việc đó rất đau lòng”.

    14nurideenGia đình anh Nurideen và chị Fahima

    Tuy nhiên, hiện anh Nurideen phải đối mặt với một vấn đề khác: "Họ bắt đầu thắc mắc nếu bạn đi lại liên tục”. Anh Nurideen tuyên bố lực lượng biên phòng ngày càng quan tâm về tình trạng cư trú của anh: "Tôi bị lực lượng biên phòng tra hỏi mỗi khi đến Anh”.

    Nurideen cho biết anh cần huy động tiền để xin thị thực theo diện hôn thê, vì không thể tiếp tục ở lại Anh bằng giấy phép du lịch sáu tháng.

    Một luật sư nhập cư thông báo Nurideen cần nộp hơn 5,000 bảng cho VISA nhập cư trong 2-3 tuần tới để ở lại với gia đình, hoặc "lần tới Anh tiếp theo, tôi có thể bị từ chối nhập cảnh."

    Bộ Nội vụ tuyên bố lệ phí thị thực được đặt ở mức "giúp cung cấp các nguồn lực cần thiết để vận hành hệ thống biên giới, nhập cư và quốc tịch".

    Mặc dù lệ phí nhập cảnh là 1,523 bảng cho người theo diện có vợ hoặc chồng là công dân Anh quốc, người nộp đơn vẫn phải trả phụ phí Y tế Nhập cư - lên đến hơn 1,500 bảng.

    Anh Nurideen cho biết mình cũng cần đóng phí luật sư "1.000 bảng", cộng với phí ưu tiên "800 bảng", phí đặt hẹn xin thị thực và các "phí khác".

    Năm 2019, gia đình anh quyết định sống ở London và Nurideen bắt đầu xin thị thực hôn thê. Nhưng trong vòng vài tháng kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu, "mọi thứ đóng cửa" và chị Fahima mất công việc bảo mẫu trông trẻ tư trước và sau giờ học.

    Khi tình hình tài chính của gia đình ngày càng khó khăn, ước mơ sống chung nhanh chóng tan vỡ. Nurideen có làm việc tại nhà trong thời gian phong tỏa tuy nhiên gia đình vẫn phần lớn dựa vào tiền tiết kiệm.

    Anh Nurideen nói: "Chúng tôi không thể chứng minh thu nhập trong thời gian nộp đơn xin thị thực và không có luật sư". Mục tiêu của anh ấy là ở lại Vương quốc Anh vĩnh viễn, và lý tưởng nhất là nhập tịch ngay khi đủ điều kiện.

    14nurideenNurideen hiện đang huy động tiền càng nhanh càng tốt và đã thiết lập một trang GoFundMe

    Nurideen bày tỏ sự thất vọng vì phí thị thực đắt, và cần phải gia hạn sau hai năm rưỡi trong quy trình "cũng khắt khe và đòi hỏi nhiều như việc xin thị thực ban đầu”.

    Gia hạn thị thực cho vợ / chồng ở Vương quốc cho phép người nộp đơn tiếp tục lưu trú cho đến khi nộp đơn xin ở lại vô thời hạn (ILR) sau năm năm và trở thành công dân Anh.

    Để đủ điều kiện cho thị thực ban đầu, người nộp đơn phải nộp lệ phí; giấy đăng ký kết hôn; bằng chứng một trong hai vợ chồng có quốc tịch Anh hoặc là người theo diện định cư; 12 tháng bảng lương và thư từ chủ lao động của "vợ/chồng bảo trợ".

    Đây là điều kiện chứng minh yêu cầu thu nhập tối thiểu là 18,600 bảng (sẽ tăng lên nếu có trẻ em phụ thuộc trong đơn đăng ký); bằng chứng người nộp đơn có thể nói tiếng Anh; và bằng chứng về chỗ ở thích hợp cho người nộp đơn và vợ/chồng, theo đó nơi ở không chật chội và đáp ứng các quy định về sức khỏe cộng đồng.

    Anh Nurideen và chị Fahima cũng phải xuất trình bằng chứng về cuộc hôn nhân của họ, bao gồm các tài liệu như thư từ và tin nhắn - một quá trình "xâm phạm riêng tư hơn những gì bạn có thể mong đợi".

    Anh Nurideen: "Chắc chắn phải có một cách dễ dàng hơn nhiều. Tôi ước nó đơn giản như làm bài kiểm tra quan hệ cha con và tôi có thể vượt qua chuyện này. Tôi muốn ở đây hơn bất cứ nơi nào khác".

    Người phát ngôn của Bộ Nội vụ cho biết: “Bộ Nội vụ không thể xem xét đơn đăng ký cho đến khi đơn được hoàn thành. Sau khi được nộp, tất cả các đơn đều được xem xét cẩn thận tùy theo hoàn cảnh cá nhân của người nộp đơn, trên cơ sở bằng chứng được cung cấp và tuân theo Quy tắc Nhập cư".

    "Thu nhập từ phí đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo khả năng điều hành hệ thống biên giới và di cư bền vững, giảm thiểu gánh nặng cho người đóng thuế”.

    Viethome (Theo My London)

  • Bài viết tâm huyết tiếp theo về Global Talent Visa của bạn Trystan Nguyen, Viethome xin chia sẻ lại cho những ai quân tâm:

    "Bài này để giải tỏa tâm lý cho các bạn, tiếp nối bài viết trước về chương trình Global Talent Visa của chính phủ Anh, với kinh nghiệm cụ thể trường hợp của mình nên sẽ hơi dài, các bạn ráng đọc nhé

    Ban đầu mình cũng nghĩ như các bạn, dịch ra Tài Năng Toàn Cầu thấy ghê gớm lắm nên đọc cho biết thôi chứ mình là cái đinh gì, đọc danh sách giải thưởng toàn Quả Cầu Vàng, Oscar, MTV này nọ, nghĩ dẹp luôn ko có cửa!!!! Lúc đọc sơ các tiêu chí, mình nhẩm lại thì có đủ hết những cái họ cần. Mình đọc lại liên tục vì nghĩ chắc họ cho thông tin tóm tắt nên thiếu, lúc đăng ký chi tiết chắc sẽ khó hơn. Nhưng mình đã nhầm! Họ viết sao trên web là yêu cầu vậy thôi. Mình xin thư tiến cử họ cho kết quả trong 5 ngày, xin visa 2 ngày ra kết quả luôn trong nốt nhạc. Lúc nhận được visa trong tay mình vẫn còn chưa tin.

    Mình nói vậy vì mình khá chắc nhiều bạn cũng có cảm giác như mình lúc đó, bán tín bán nghi, cũng chùn chân chút. Nhưng không nên các bạn. Cứ tự tin đi. Mình sẽ giải thích thêm 2 chữ may mắn là đối với mình, còn với các bạn, nếu đã biết rồi thì cứ cái gì còn thiếu, các bạn bỏ thêm chút thời gian và lên kế hoạch để đạt được nó một cách "chủ động" và nhanh nhất có thể.

    May mắn với mình là sao? Là vì nghề nghiệp của mình là Marketing, Retails, Nhà hàng, Tài chính, Kế Toán, là khối ngành kinh tế, mình làm đủ hết. Nhưng may mắn mình nhận được lại đâm bang đến từ sở thích ca hát của mình các bạn ạ!

    Mình bắt đầu đi hát từ thời sinh viên ở đại học kinh tế TPHCM, không có qua trường lớp đào tạo nhạc hay ca hát, mình cũng ko biết chơi nhạc cụ luôn, cũng chỉ xem ca hát là thú vui mỗi cuối tuần để giải tỏa căng thẳng sau giờ làm, cũng có đi thi mấy cuộc thi từ thời sinh viên để thử cảm giác sân khấu lớn. Qua đây du học thì cũng có hát nhiều cho cộng đồng.

    Nói ra mang nhục, vì đó giờ mình chưa có một bản thu âm nào gọi là tử tế để lưu lại giọng, ngay cả thu clip cũng toàn bạn bè ngồi dưới thu lại chứ mình cũng chả có, mình hát trong âm thầm vậy đó, nhiều bạn bè còn chả biết là mình đi hát, gia đình mình thì khỏi lun, chỉ biết loáng thoáng phong phanh. Tạm gọi là ca sĩ mà ko có bản thu nghe hơi chói.

    Vậy đó mà mình đã thành Global Talent nhờ ca hát. Các bạn tin nổi ko?!!! Thêm nữa, loại visa này bắt đầu từ tháng 12/2020, các chứng cứ mình có hầu như là từ trước đó, cho nên khâu chuẩn bị hồ sơ nhanh cái rẹt, vì hầu hết là có sẵn. Thế mới nói trời ném cho cục hên!

    Nói cho dài, giờ thì mình chia sẻ đã cung cấp gì cho Arts Council England, là hội đồng xét duyệt tài năng thuộc lĩnh vực của mình. Lúc đăng ký mình không ghi talent là ca sĩ, mình ghi là Performing Art, nghe chung chung hơn. Vì mình toàn hát live và biểu diễn sân khấu, các bằng chứng mình có là liên quan đến nó nhất. Ở bài này là ví dụ của mình, các bạn trong nhóm nghệ thuật văn hoá sẽ có sự tương đồng nhiều hơn như: thiết kế thời trang, vũ công, sân khấu, điện ảnh, kỹ xảo hình ảnh, dựng phim…. nói chung là nghệ thuật.

    uk global talent visa

    CÓ 2 NHÓM GIẤY TỜ PHẢI CUNG CẤP

    1. 3 thư tiến cử từ người đứng đầu của các tổ chức văn hoá nghệ thuật mà mình đã từng cộng tác. Ít nhất đến từ 2 quốc gia, và 1 bắt buộc từ UK. Nội dung thì phải theo hướng dẫn họ ghi rất rõ trên web, không dc bỏ sót cái nào. Người viết thư phải là người đứng đầu tổ chức liên quan. Bạn phải nhờ họ cung cấp thêm CV (liệt kê tiểu sử để hội đồng biết người viết thư là ai). Quan trọng nhất là người viết phải cho biết tài năng của bạn sẽ được dùng và phát triển ở Anh như thế nào.

    Tổ chức càng lâu đời và uy tín ở quốc gia của họ càng tốt. Mình hoạt động 7 năm ở UK và các nước châu Âu, đi diễn nhiều nên quen nhiều. Nhiều tổ chức giới thiệu mình là tổ chức văn hoá cộng đồng, lịch sử 10/20/30 năm uy tín ở UK và EU. Người ta cần có 3 là đủ, mình sợ rớt nên trừ hao xin luôn 7 cái, ba đến từ UK, và 4 đến từ Châu Âu. Mình định xin thêm các tổ chức ở Việt Nam như Đài Truyền hình hay mấy công ty sự kiện, vì mình có từng làm show với họ. Nhưng thôi để tổ chức ngoài VN cho họ tin mình là Global.

    Vậy bí quyết là gì. Đi nhiều nước, quen nhiều người sẽ tăng cơ hội và nhận được sự trợ giúp. Mấy bạn nếu ở Việt Nam và chưa từng qua đây, nhưng có thể tự liên hệ với các tổ chức bên này, tạo mối quan hệ công việc với họ. Vì trên thư phải nói vì sao người viết quen bạn mà giới thiệu bạn.

    2. 10 bằng chứng chứng minh bạn là global talent thuộc 3 nhóm sau. Lưu ý bạn chỉ cần 2 trong 3 nhóm là đủ.

    2.1 Giải thưởng quốc tế

    Nếu có giải lớn theo danh sách họ cho thì bạn có thể đăng ký thẳng visa luôn. Còn nếu bạn thắng giải nhỏ hơn thì đó là lý do họ mở đường cho bạn bằng việc để một cơ quan xem xét trường hợp của bạn. Nếu ko có cái này thì bạn tập trung vào hai nhóm còn lại.

    Giải thưởng quốc tế cứ hiểu đơn giản là cuộc thi được tổ chức ở cấp quốc tế, hoặc quốc gia phạm vi rộng hơn nước Anh. Đừng làm quá nó lên. Các giải thưởng phải là cấp độ chuyên nghiệp làm nghề. Giành được trong vòng 5 năm trước khi đăng ký

    Mình thắng may mắn có 2 giải chuyên nghiệp:

    Quán Quân Giọng Hát Việt Toàn Cầu 2019: cái này mặt dù cuộc thi cho người Việt nhưng được tổ chức ở Đan Mạch và thí sinh là người Việt nhưng lại đến từ nhiều nước trên thế giới như Thuỵ Điển, Đức, Hà Lan, Nauy, Phần Lan, Anh, Việt Nam… nên vẫn được tính là giải thưởng quốc tế.

    Giải Khuyến Khích Ngôi Sao Tiếng Hát Truyền Hình HTV 2011: cái này thì để trừ hao vì nó hơn 5 năm, phạm vi Việt Nam nhưng là cấp quốc gia ngoài nước Anh nên cũng tạm gọi là quốc tế đối với họ.

    Lúc đi thi mình chỉ đi cho vui thôi để được hát sân khấu lớn thôi, chứ ai ngờ có ngày lại thắng và dùng nó đâu. Các bạn có thể tìm kiếm các cuộc thi tương tự hay được tổ chức ở Châu Âu, Mỹ…. mạnh dạn thi kiếm giải, nhất nhì ba tư gì cũng dc, miễn có giải thì vui hơn

    2.2 Sự ghi nhận của truyền thông quốc tế

    Bạn phải được truyền thông ở ít nhất hai quốc gia viết bài bình luận về bạn và tài năng của bạn. Có thể là báo giấy, báo mạng, tạp chí ngành nghề…

    Mình có một số bài viết về mình trên báo, từ các trang web cộng đồng ở Anh, châu Âu, Việt Nam. Cái này rất dễ. Nếu bạn có tư liệu thì có thể liên hệ các trang báo để đưa bài đánh giá về bạn. Báo tiếng Việt cũng được. Chỉ cần dịch ra tiếng anh và chứng thực là ok

    2.3 Các bằng chứng về hoạt động làm nghề của bạn: như các xuất bản, phân phối sản phẩm, các buổi biểu diễn… phải ít nhất từ hai quốc gia giống như trên

    Có hàng chục loại bằng chứng. Có thể là các Poster/tờ rơi chương trình bạn tham gia, các hợp đồng biểu diễn chuyên nghiệp, các phát hành đĩa, link nhạc online, video clips… Họ có viết rất cụ thể về các quy định này trên web

    Trường hợp của mình thì mình không có thu âm hay phát hành nhạc, sản phẩm của mình là những chương trình tiết mục mình biểu diễn ở sân khấu. Cái này đơn giản với mình, vì mình đi diễn nhiều năm, hay đi show ở Việt Nam, Anh, Châu Âu nên mình có hàng chục poster quảng cáo có mặt mình và địa điểm tổ chức trên đó. Họ chỉ cần ít nhất 2-3 cái từ 2-3 nước, nhưng mình edit thu nhỏ trên các trang A4 cho họ 3 files 30 chục cái, toàn show ở Anh và Châu Âu nên dư lun.

    Các bạn lưu ý, những chương trình và giải thưởng ở cấp độ sinh viên sẽ không được tính là bằng chứng. Nó phải ở cấp chuyên nghiệp hết các bạn nhé. Ngoài các bằng chứng trên ra thì những cái bên dưới sẽ không được tính là bằng chứng, nhưng nó sẽ là chỉ dẫn và hỗ trợ thêm cho hội đồng đánh giá. Cho nên đây là những thứ mình đã kèm thêm:

    -CV: Liệt kê tiểu sử nghề nghiệp liên quan, số lượng events, chương trình mình từng diễn, cho họ thấy lợi ích kinh tế và tạo giá trị về văn hóa của mình.

    -Cover letter: Cái này nên thắm thiết và viết rõ thêm bạn là ai, kế hoạch làm gì trong tương lai, ko có cũng chả sao, CV cũng ok rồi.

    -Các giải thưởng huy chương vàng, giải nhất ca hát sinh viên, bằng khen trung ương hội sinh viên, giấy khen làm tình nguyện 4 năm mùa hè xanh ở Việt Nam, nói chung bao nhiêu giấy khen liên quan đến leadership, thiện nguyện, âm nhạc, văn hóa và cộng đồng… mình cung cấp hết để cho họ biết quá trình mình lăn lộn như thế nào mặc dù ko có học nhạc.

    Global Talent visa là chính sách cũ được đổi tên từ visa Tier 1 (Exceptional Talent) nhưng mở rộng để thêm loại Exceptional Promise dành cho những bạn đang ở giai đoạn đầu sự nghiệp và cần thời gian hơn để chín muồi. Có thể nói đây là cách UK làm dễ hơn chính sách nhập cư nhằm thu hút nhân tài, ko cho lọt ai luôn. Ban đầu mình đinh ninh nếu may mắn họ sẽ cho mình dạng 5 năm là Exceptional Promise nên mình làm giấy tờ toàn trừ hao làm thêm. Ai dè họ cho mình luôn Exceptional Talent loại 3 năm. Cảm giác nếu mình biết trước mình khỏi tốn 3-4 năm đi học ở UK, 2 cái bằng thạc sĩ coi như bỏ ^^, họ cũng chả cần chứng minh tiếng Anh. Nhưng nói chứ nếu bạn chọn sống ở UK thì vẫn phải biết và thậm chí nên biết giỏi một tí để mà làm hồ sơ cho chuyên nghiệp, đằng nào lúc đăng ký định cư cũng phải cần. Có visa này mình thấy rất vui, kiểu những thứ mình làm trước giờ chơi chơi nhưng lại được công nhận, nhưng công việc chính của mình vẫn là ngành kinh tế, chỉ là cuối tuần mình sẽ được tự do ca hát cho cộng đồng, bay đi đâu cũng được thoải mái nên sẽ bớt ràng buộc hơn so với hồi visa lao động T2.

    Qua ví dụ của mình thì năng khiếu vài tài năng của mình chỉ là phần nhỏ thôi, lúc mới bắt đầu hát năm 17-18 ở trường kinh tế, nhiều người la mình vì hát phô, sai chính tả… nên cũng phải tự mài và trau dồi chứ để tự nhiên là ko sài được các bạn ơi. Hầu hết những cái mà mình cho họ thấy đó là thời gian mình cọ sát và tôi luyện từ cuộc sống. Ngay cả bây giờ mình vẫn chưa dám gọi mình là ca sĩ, chỉ là người hát rong thôi, và mình giữ như vậy để tạo cảm xúc cho riêng mình.

    Còn với các bạn, nếu bạn có tham vọng lớn, bạn nghĩ mình giỏi một thứ nào đó trong những thứ mình đăng, vì còn chần chừ gì nữa, lên kế hoạch và chủ động thôi. Bài này là tham khảo cho các bạn khối văn hóa nghệ thuật. Nhưng về tinh thần và cách nhìn của các hội đồng về định nghĩa hai chữ Global Talent sẽ là khá giống nhau: là khả năng phát triển cá nhân của chính bạn và tạo giá trị cho cộng đồng. Ở những bài sau, mình sẽ chia sẻ thêm về các kỹ năng mình nghĩ các bạn trẻ sẽ cần và có thể là tham khảo thêm từ những lĩnh vực khác nếu các bạn gợi ý, mình sẽ tìm hiểu và trả lời. Còn bây giờ chúc các bạn may mắn nhé^^

    Nguồn: Trystan Nguyen (https://www.facebook.com/TrystanNguyen.Global) 

  • Bài viết tâm huyết của bạn Trystan Nguyen, Viethome xin chia sẻ lại cho những ai quân tâm:

    Trước khi vô đề thì mình không kinh doanh hay làm dịch vụ du học hay thị thực gì cả nhà nhé. Với nguyện vọng là để chia sẻ các thông tin bổ ích cho mọi người, mình chỉ là một đứa ăn may, khi ngày nọ phát hiện ra loại visa này, tự đăng ký, rồi trời thương nó thành công.

    Đối với mình thì là sự siêu may mắn và rất tình cờ vì tất cả những thứ mình làm hồi trước giờ tưởng là sở thích vui chơi ngoài công việc, ai ngờ có ngày nó giúp mình. Và giờ với một đống kinh nghiệm, mình chỉ muốn chia sẻ và lan tỏa, biết đâu sẽ giúp được một ai đó, giúp mình trả ơn trời, để nếu biết rồi thì các bạn không cần chờ may mắn, cứ bay nhanh hơn và vươn xa hơn nhé! 

    ĐỐI TƯỢNG NÊN ĐỌC:

    Bất kể không phân biệt người GIÀU hay người NGHÈO. Mọi quốc tịch ở khắp nơi trên thế giới. Nếu BẠN hay CON, CHÁU, BẠN BÈ, NGƯỜI THÂN của bạn có tài năng/năng khiếu trong các lĩnh vực dưới đây và có ý định muốn sống/định cư tại UK, thì đây chính là cơ hội để các bạn thử sức hoặc định hướng cho người thân của mình! Đặc biệt dành cho các bạn sinh viên có hoài bão và muốn ra biển lớn. Nếu một mình không được thì có thể lập team để ai cũng là Talent!

    dinh cu anh quoc global talent visa

    Sau Brexit, nước Anh đang thu hút nhân tài trong các lĩnh vực sau:

    1. Học thuật hay nghiên cứu (science, medicine, engineering, humanities)

    2. Nghệ thuật và văn hóa (combined arts, dance, literature, music, theatre or visual arts, architecture, fashion design, film and television, including animation, post production and visual effects)

    3. Công nghệ kỹ thuật số (financial technology (‘fintech’), gaming, cyber security, artificial intelligence)

    GIỚI THIỆU VISA

    Global talent là loại visa giá trị bậc nhất hiện nay, cho phép bạn được sinh sống và làm việc vô cùng tự do tại UK với hầu như rất ít các ràng buộc như các loại khác. Nó quyền lực ở chỗ:

    - Bạn không nhất thiết phải từng du học hay phải có bằng cấp ở UK

    - Bạn không bị chi phối hay bị phụ thuộc bởi những người bảo lãnh (như chủ lao động, vợ chồng, người thân… vì bạn không cần họ để xin visa này)

    - Bạn có thể mở công ty, kinh doanh riêng hoặc làm việc tự do

    - Bạn có thể xin định cư vĩnh viễn nhanh nhất nếu đủ 3 hoặc 5 năm sống ở UK. Thời gian 3 năm có thể cộng gộp quãng thời gian trên các visa khác trước đây như T1, T2…

    - Bạn có thể mang theo gia đình của mình đến UK

    - Bạn không cần chứng minh tài chính, chỉ cần chứng minh “Tài Năng”.

    - Giới hạn duy nhất là ko được làm việc như những vận động viên thi đấu thể thao

    HỒ SƠ ĐĂNG KÝ VISA

    Nghe khá đơn giản, chỉ cần 1 trong 2 thứ:

    1. Thắng một giải thưởng quốc tế nằm trong danh sách sau: https://www.gov.uk/government/publications/global-talent-eligible-prize-list. Những giải thưởng này quá lớn và nổi tiếng, cỡ Grammy, Quả Cầu Vàng… nên nếu khó quá, bỏ qua, mình đi đường thứ hai:

    2. Đạt được thư tiến cử (Endorsement) của một cơ quan/hội đồng thẩm định tài năng trực thuộc chính phủ Anh. Mỗi lĩnh vực tài năng sẽ có một Cơ quan/hội đồng riêng, họ sẽ xét duyệt các bằng chứng bạn cung cấp để quyết định bạn có phải là Global Talent hay không. Nếu thành công bạn có thể dùng nó để đăng ký visa. Hầu như các trường hợp Global Talent đều đi theo hướng này (kể cả mình).

    Link thông tin và đăng ký visa: https://www.gov.uk/global-talent

    Phí đăng ký visa tổng cộng là £608. Nếu bạn cần đăng ký Endorsement thì phí này chia làm hai £456 cho giai đoạn 1 xin Endorsement và £152 cho giai đoạn 2 xin visa. Ngoài ra nếu thành công sẽ phải đóng bảo hiểm quốc gia (national insurance). Visa nào cũng giống vậy.

    ĐĂNG KÝ ENDORSEMENT

    Bước khó nhất là “đăng ký để được endorsement”, mỗi lĩnh vực sẽ có sự khác nhau, tuy nhiên điểm chung là bạn phải “đã đi làm và đạt thành tựu” trong lĩnh vực bạn đăng ký. Nếu bạn chỉ là sinh viên, chưa đi làm chuyên nghiệp hoặc tạo ra tiền từ lĩnh vực đó thì sẽ là chưa đủ. Do đó ai thấy mình có tài thì phải đi kiếm tiền từ cái tài đó, ít ít cũng được, nhưng phải ra trận từ từ. Các thành tựu có thể là giải thưởng quốc tế của riêng bạn, hoặc bạn không thắng nhưng được đề cử, hoặc bạn giành được nó thông qua các công việc đội nhóm (Ví dụ bạn có thể lập team chế tạo phần mềm đi thi đấu quốc tế rồi thắng cuộc, giải của team nhưng bạn có góp phần trong đó). Các hội đồng xét duyệt sẽ đánh giá bạn trên 2 tiêu chí để xem bạn là “Exceptional Talent/ Recognised Leader” hay là “Exceptional Promise/ Emerging Leader”. Điểm khác biệt giữa 2 loại như sau

    - Exceptional Talent/ Recognised Leader: Bạn đã thành công, có thành tựu và được ghi nhận trong lĩnh vực tài năng của mình. Do đó chỉ cần 3 năm visa là bạn có thể vào thẳng định cư. Mình may mắn được xếp vào hạng này luôn.

    - Exceptional Promise/Emerging Leader: Bạn là một tài năng mới nổi trong lĩnh vực của bạn, nhưng thành tựu chưa đủ lớn và hứa hẹn sẽ thành công. Do đó bạn sẽ cần 5 năm trên visa này mới có thể vào định cư.

    Điều kiện để đăng ký endorsement:

    Ở lĩnh vực học thuật và nghiên cứu khoa học: bạn có thể đăng ký endorsement theo một trong bốn dạng (3 dạng nhanh có là được luôn, và dạng cuối thì phải mất thời gian chứng minh hơn)

    - Có job offer như một nhà nghiên cứu academic or researcher (Fast track)

    - Có individual fellowship (Fast track)

    - Có tài trợ nghiên cứu được duyệt bởi UK Research and Innovation (UKRI) (Fast track)

    - Nếu không có 3 cái trên, thì có thể đăng ký để được hội đồng xét duyệt

    Link tham khảo https://www.gov.uk/global-talent-researcher-academic

    Ở lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số: bạn sẽ cần ít nhất 3 bức thư giới thiệu từ người đứng đầu các tổ chức được Tech Nation công nhận. Kèm với đó là 10 bằng chứng thuộc 2 nhóm sau để chứng minh bạn là global talent: Các báo cáo/dữ liệu kinh doanh công nghệ, và các bằng cấp, giải thưởng liên quan đến tiêu chí đánh giá. Sẽ có dạng nhanh nếu bạn tham gia một số chương trình phát triển được công nhận. Link tham khảo: https://www.gov.uk/global-talent-digital-technology/eligibility

    Ở lĩnh vực nghệ thuật và văn hóa: bạn sẽ cần ít nhất 3 bức thư giới thiệu từ người đứng đầu các tổ chức liên quan ở các nước khác nhau, trong đó 1 bức thư phải đến từ UK. Kèm với đó là 10 bằng chứng thuộc ít nhất 2 trong ba nhóm sau để chứng minh bạn là global talent: Các giải thưởng quốc tế, Các ghi nhận truyền thông quốc tế, Sự hiện diện quốc tế. Mình bên này chuyên nghề Kế toán, nhưng đây là lĩnh vực đăng ký của mình. Nghe đống bằng chứng thấy sợ nhưng thật sự thì không. Mọi người xem link tham khảo: https://www.gov.uk/global-talent-arts-culture

    Đây là bài giới thiệu về visa nên mình tạm viết đến đây thôi! Các bạn tranh thủ đọc và tìm hiểu rõ hơn ở các link mình đưa bên trên nhé. Ở bài sau mình sẽ viết chi tiết đã chuẩn bị như thế nào cho hồ sơ của riêng mình để làm ví dụ. Mình sẽ cập nhật ở trang facebook của mình (https://www.facebook.com/TrystanNguyen.Global) để các bạn quan tâm có thể theo dõi và thắc mắc. Đọc sơ qua sẽ thấy các tiêu chí hơi nhiều và khó, nhưng không khó đâu các bạn, chỉ mất chút thời gian chiến đấu và rèn luyện kỹ năng mềm thì phần đông sẽ qua được thôi! Các bạn thoải mái share bài nhé! Mình hy vọng sẽ giúp được càng nhiều người càng tốt! Chúc cả nhà đầy năng lượng, quyết tâm và quyết thắng !!!

    Nguồn: Trystan Nguyen (https://www.facebook.com/TrystanNguyen.Global)

  • Phán quyết mang tính cột mốc này sẽ được áp dụng cho hàng ngàn nạn nhân buôn người ở Anh.

    Có hàng ngàn nạn nhân buôn người trên khắp nước Anh, nhưng hệ thống nhập cư phức tạp khiến họ vô cùng uể oải chán chường suốt nhiều năm trời. Tuy nhiên một tòa án tối cao đã vừa đưa ra phán quyết mang tính cột mốc. Phán quyết này nói rằng nạn nhân buôn người nên được cấp visa ở lại Anh (leave to remain).

    Trước khi phán quyết này được đưa ra, những người mà chính phủ Anh mặc dù đã thừa nhận họ là nạn nhân buôn người, nhưng vẫn trục xuất họ về nước. Điều này đẩy các nạn nhân vào con đường bị buôn bán trở lại bởi cùng một băng đảng.

    Vì lý do đó, nhiều người đã nộp đơn xin tị nạn ở UK vì lý do nhân quyền. Sau đó họ phải chờ đợi suốt nhiều năm trong tình trạng pháp lý mập mờ trước khi hồ sơ của họ được Bộ Nội vụ và tòa án ngó ngàng tới.

    Suốt thời gian này họ không được phép làm việc, học tập hay hưởng trợ cấp. Cuộc đời của họ dừng lại ngay đó mà không thể tiến về phía trước. 

    Vào hôm thứ Ba ngày 12/10/2021, tòa án phán quyết rằng những nạn nhân buôn người đã nộp đơn xin ở lại UK thì toàn bộ nên được cấp visa leave to remain hết. Phán quyết này sẽ được áp dụng cho hàng ngàn người đã được xác nhận là nạn nhân buôn người. 

    Luật này được đưa ra sau khi một phụ nữ Việt Nam 33 tuổi kiện Bộ Nội vụ. Người phụ nữ này đã bị ép hành nghề mại dâm tại thành phố Vinh, Việt Nam trong vòng 6 tháng hồi năm 2016. Sau đó, cô bị tổ chức buôn người đưa sang Anh, băng qua nhiều quốc gia như Nga, Ukraine và Pháp trước khi đến Anh vào tháng 11/2016 trong một thùng xe tải.

    Từ tháng 11/2016 - 3/2018, cô bị ép phải làm việc trong nhà thổ và trong trại cần sa. Đến tháng 4/2018, cô được công nhận là nạn nhân buôn người. Nhưng đến tháng 10/2018, cô bị truy tố tội âm mưu sản xuất cần sa và bị kết án có tội tại tòa án Preston Crown Court. Vào tháng 12/2018, cô bị tuyên án 28 tháng tù giam.

    Đến tháng 5/2019, luật sư của cô tiếp tục bào chữa rằng cô là nạn nhân buôn người, nhưng Bộ Nội vụ nói họ không có thông tin gì về hồ sơ của cô trong hệ thống. Đến tháng 7/2019, Bộ Nội vụ mới tìm ra được các dữ liệu xác nhận cô là nạn nhân buôn người, nhưng tháng 10/2019 Bộ này vẫn giam cô trong trại cấm túc nhập cư. 

    Mặc dù Bộ Nội vụ đã công nhận cô là nạn nhân buôn người, nhưng đơn kháng cáo xin tị nạn của cô vẫn chưa được xử lý. Vì vậy cô đã nộp đơn kiện Bộ Nội vụ. 

    Những ảnh hưởng tiêu cực của việc bị buôn bán làm nô lệ đã được kê khai chi tiết với bằng chứng rõ ràng trong hồ sơ nộp lên tòa án. Cô được chẩn đoán mắc chứng PTSD (rối loạn căng thẳng sau sang chấn), lo lắng và rối loạn trầm cảm.

    Trong phán quyết của mình, Thẩm phán Linden nói: ''Việc từ chối cấp visa cho nạn nhân buôn người đã biến nguyên đơn trở thành nạn nhân của môi trường thù địch do Đạo luật Nhập cư 2014 gây ra (Immigration Act 2014)''.

    Luật sư của cô, ông Ahmed Aydeed thuộc đoàn luật sư Duncan Lewis Solicitors, rất hoan nghênh phán quyết này. Ông nói: ''Chúng tôi rất mừng khi thân chủ của chúng tôi, cùng những nạn nhân đã sống sót từ nạn buôn người, sẽ không còn bị bỏ rơi giữa hai thế giới. Tình trạng pháp lý mập mờ đã tước đi nhân phẩm và đẩy họ vào con đường bị bóc lột nặng nề hơn''.

    ''Có được tấm visa quý báu, những nạn nhân này sẽ được quyền học lập, rèn luyện và cuối cùng có thể đi làm. Điều này không chỉ tốt cho họ mà cũng giảm nhẹ gánh nặng tài chính đối với đất nước''. 

    Phát ngôn của Bộ Nội vụ nói: ''Phán quyết không nói rằng chúng tôi phải cấp visa leave to remain cho tất cả nạn nhân nô lệ hiện đại, chúng tôi sẽ cẩn thận xem xét phán quyết này và tiến hành kháng cáo nếu cần''. 

    Bộ Nội vụ được cho thời hạn tới ngày 19/10/2021 để kháng cáo nhưng hiện chưa thấy thông tin gì về việc kháng cáo của Bộ.

    nan nhan buon nguoi duoc cap visa o lai Anh

    Viethome (theo Guardian)