• Một người đàn ông đã thiệt mạng sau khi bị nam thanh niên tâm thần đẩy vào trước mũi tàu điện ngầm đang lao đến ở New York (Mỹ).

    Cảnh sát New York cho biết nạn nhân 54 tuổi, chưa được xác định danh tính, bị đẩy ra trước mũi chuyến tàu số 4 đang lao tới ở khu East Harlem tối 25/3. Nghi phạm Carlton McPherson, 24 tuổi, bị bắt tại hiện trường và sau đó bị cáo buộc tội giết người.

    Truyền thông địa phương và các nhân chứng cho biết McPherson bị rối loạn tâm thần đã nhiều năm. "Điều tra sơ bộ xác định đây là cuộc tấn công vô cớ. Nạn nhân bị đẩy xuống đường ray khi tàu đang vào ga", cảnh sát cho hay.

    McPherson từng bị bắt hồi tháng 1 vì nhổ nước bọt vào một phụ nữ trên tàu. Tuy nhiên, cáo buộc sau đó bị hủy và anh ta được tự do.

    tai nan duong sat
    Nghi phạm Carlton McPherson (giữa) bị áp giải hôm 26/3. Ảnh: NY Post

    Sự việc xảy ra chưa đầy một tháng sau khi Thống đốc New York Kathy Hochul triển khai 750 lính Vệ binh Quốc gia để giám sát và bảo vệ hơn 400 ga tàu điện ngầm trong mạng lưới giao thông rộng lớn của thành phố. Những tháng gần đây, New York ghi nhận tình trạng bạo lực nghiêm trọng ở các ga tàu điện ngầm, khiến người dân thành phố lo sợ đi tàu điện ngầm.

    Trước đó, Thị trưởng New York Eric Adams đã công bố kế hoạch tăng cảnh sát tuần tra trên các tuyến tàu điện ngầm, khi số vụ phạm tội tăng gần 20% trong hai tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2023.

    Tháng trước, một người thiệt mạng và 5 người bị thương trong vụ nổ súng tại ga tàu điện ngầm ở New York, ngay trước giờ cao điểm. Cũng trong tháng này, một lái tàu vô cớ bị chém vào cổ, khi ông đang nhoài người qua cửa sổ quan sát lúc tàu đi vào nhà ga quận Brooklyn.

    Gần đây, một phụ nữ mất cả hai chân do bị bạn trai đẩy xuống đường ray sau cuộc cãi vã. Tháng 10/2023, một phụ nữ phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch do bị đẩy ra trước đoàn tàu đang vào ga.

    VnExpress (theo AFP, NBC, NY Post)

  • me che chan cho con

    Bị ngã xuống đường ray ở Bihar, người mẹ lấy thân ôm chặt hai con và thoát chết trong gang tấc khi đoàn tàu đi qua.

    Người phụ nữ chưa rõ danh tính cùng gia đình ngày 23/12 đến nhà ga Bihar ở đông Ấn Độ để lên chuyến tàu tới Delhi. Tuy nhiên, trong lúc đám đông chen lấn trên sân ga, cô và hai con ngã xuống đường ray.

    Một số người tìm cách kéo ba mẹ con lên, song đoàn tàu đúng lúc đó bắt đầu lao qua. Video ghi lại sự cố cho thấy người mẹ lập tức cúi rạp người, dùng thân mình che chắn cho hai con ngay dưới gầm tàu.

    Người phụ nữ lấy thân che chắn cho con khi tàu đi qua ở nhà ga Bihar, đông Ấn Độ. Video: NDTV

    Khi đoàn tàu đi qua, những người trên sân ga lập tức nhảy xuống đường ray để hỗ trợ đưa ba mẹ con tới nơi an toàn.

    Theo truyền thông Ấn Độ, chồng của người phụ nữ đã lên tàu sau khi bị chia tách khỏi vợ con. Người đàn ông này sau đó lập tức nhảy khỏi tàu và chạy bộ về ga Bihar. Ba mẹ con được đưa đến bệnh viện và không ai bị thương trong sự cố.

  • Là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới phát triển đường sắt, nhưng nay Anh đang tụt lại so với thế giới và gặp nhiều vấn đề liên quan tới loại hình giao thông này.

    Hàng loạt vấn đề

    Khi dịp kỷ niệm 200 năm ra đời tuyến đường sắt công cộng đầu tiên trên thế giới, nối Stockton và Darlington ở phía Đông Bắc nước Anh vào năm 1825 đến gần, ngành đường sắt giàu lịch sử ở quốc gia này lại đang rơi vào tình trạng hỗn loạn.

    duong sat anh lac hau 1
    Người lao động ngành đường sắt Anh đình công khiến phòng vé có nguy cơ đóng cửa. Nguồn: PA Images.

    Gần như ngày nào, thông tin về những vấn đề liên quan đến hệ thống đường sắt Anh cũng xuất hiện trên các bản tin thời sự. Từ các cuộc biểu tình của người lao động, cơ sở hạ tầng xuống cấp, chi phí vận hành tăng, đến việc đóng cửa phòng vé tại các nhà ga, thiếu nhân viên, tàu chạy trễ. Gần đây nhất là việc hủy bỏ dự án khổng lồ xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao 2 (HS2).

    Do tắc nghẽn khi di chuyển, cơ sở hạ tầng đường sắt xuống cấp nghiêm trọng ở Victoria dẫn tới các cuộc đình công trong ngành liên tục diễn ra khiến người dân Anh ngày càng không có thiện cảm với dịch vụ đường sắt. Quyết định hủy bỏ dự án HS2 cũng đối mặt với rất nhiều tranh cãi.

    Dự án HS2 ban đầu được khởi xướng để kết nối London với các thành phố phía Bắc như Birmingham, Manchester và Leeds với mục tiêu giảm khoảng cách phát triển giữa miền Bắc và miền Nam của Vương quốc Anh.

    Thông báo trên cũng dấy lên phản ứng dữ dội từ các nhà lập pháp và lãnh đạo doanh nghiệp cùng nhiều người từ chính nội bộ Đảng Bảo thủ.

    Từ quy mô ban đầu là một siêu dự án kết nối toàn nước Anh, hiện HS2 chỉ còn là một tuyến liên kết dài 140 dặm (225km), tổng mức đầu tư bị đội lên 108 tỷ USD và không cải thiện được tình hình di chuyển hiện tại.

    Quá trình triển khai ý tưởng, HS2 vấp phải phản đối mạnh mẽ từ các cộng đồng dọc tuyến đường. Người dân phàn nàn về việc cảnh quan bị phá hủy và tình trạng gián đoạn di chuyển trong quá trình xây dựng. Những người ủng hộ môi trường cũng biểu tình rầm rộ nhằm kêu gọi bảo vệ những khu rừng cổ thụ và hệ sinh thái lân cận.

    Trong khi đó, những người ủng hộ dự án này từ ban đầu hiện đang thất vọng vì sự cắt giảm quá mạnh.

    Kỹ sư đường sắt Gareth Dennis cho biết: "Mục tiêu ban đầu là đưa vào vận hành 17 chuyến tàu mỗi giờ kết nối nhiều thành phố lớn nhất giờ đây bị giảm xuống chỉ còn một vài chuyến tàu nhanh mỗi giờ giữa London và Birmingham. Đó là một sự cắt giảm đáng kể".

    "Cơn ác mộng" trên các chuyến tàu

    Theo quan điểm của chính quyền Thủ tướng Sunak, quyết định cắt giảm dự án HS2 sẽ tiết kiệm 44 tỷ USD. Ông Sunak khẳng định, số tiền tiết kiệm sẽ được phân phối lại cho các chương trình giao thông khác trên khắp đất nước, bao gồm cả đường bộ và đường sắt.

    duong sat anh lac hau 1
    Tình trạng quá tải tại ga tàu Anh. Nguồn: AP.

    "Tất cả vùng ngoại ô London sẽ nhanh chóng nhận được khoản đầu tư tương đương hoặc nhiều hơn so với dự án HS2", Thủ tướng Sunak nói.

    Trong khi chờ đợi hành động từ phía chính phủ, nhiều hành khách đường sắt của Anh tiếp tục phải chịu đựng tình trạng di chuyển chậm mà nhiều người phải thốt lên "không thể chấp nhận được".

    Gần đây, diễn viên hài James Nokise đã gây sốt sau khi đăng một bài bình luận trên Twitter về hành trình dài tới 11 giờ từ London đến Edinburgh. Theo đó, hàng trăm hành khách đã bị mắc kẹt trên hành trình đến Scotland sau khi một chuyến tàu bị hủy và các chuyến tàu sau đó nếu không chật kín khách thì cũng bị hủy.

    Nguyên nhân sâu xa

    Theo hãng tin CNN, một trong những nguyên nhân khiến đường sắt nước Anh gặp nhiều vấn đề như hiện tại xuất phát từ quá trình tư nhân hóa vội vã từ giữa những năm 1990.

    Thời điểm đó, cơ quan đường sắt Anh British Rail thuộc sở hữu Nhà nước được chia thành 25 công ty khu vực và hàng nghìn nhà thầu tư nhân nhỏ hơn tham gia vào nhiều quá trình, từ bảo trì tàu đến dịch vụ sửa chữa đường ray hay vệ sinh.

    Trong ba thập kỷ qua, mối quan hệ giữa các công ty này ngày càng phức tạp, tốn nhiều chi phí và khó quản lý, cuối cùng dẫn đến việc không biết quy trách nhiệm cho ai khi có sự cố xảy ra.

    Trước khi đại dịch Covid-19 nổ ra, vấn đề hàng đầu đối với ngành đường sắt Anh vẫn là đáp ứng nhu cầu hành khách. Trên mạng lưới đường sắt cũ kỹ có niên đại từ thế kỷ 19, các công ty ra sức chạy thêm nhiều chuyến trong khi không đầu tư sửa chữa, kéo theo tình trạng thường xuyên chậm, muộn hoặc đôi khi phải hủy chuyến.

    Sau đại dịch Covid-19, sụt giảm về số lượng hành khách do các biện pháp phong tỏa đã ảnh hưởng đến lợi nhuận và lần này, mối quan hệ hợp tác giữa các đơn vị tư nhân bị chia rẽ sâu sắc.

    Theo Văn phòng Đường sắt và Đường bộ Anh (ORR), kể từ năm 2020, chính phủ Anh đã tái quốc hữu hóa hệ thống đường sắt, chi hơn 40 tỷ USD để duy trì hoạt động trong giai đoạn 2020 - 2022, tăng cao so với mức khoảng 13 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2018 - 2020.

    Trong khi đó, doanh thu bán vé lại giảm từ 150 - 200 triệu USD mỗi tháng do lượng người đi lại trong tuần giảm mạnh.

    Chính phủ Anh đã đề xuất thành lập một cơ quan mới - Great British để quản lý ngành đường sắt quốc gia. Tuy nhiên, sau hai năm được đưa ra, ý tưởng này vẫn chưa thành hiện thực.

    Trong cuộc khảo sát, lấy ý kiến người dân của chính phủ Anh về kế hoạch đóng cửa khoảng 860 địa điểm bán vé ở các nhà ga, đã có hơn 600.000 ý kiến phản đối. Tuy hiện nay phần lớn vé tàu hiện được bán trực tuyến nhưng các nhà vận động cho rằng việc đóng cửa các cơ sở bán vé sẽ ảnh hưởng đến khách du lịch, người lớn tuổi, người khuyết tật, người có thu nhập thấp và những người không có kỹ năng tiếp cận dịch vụ số.

    Theo Baogiaothong

  • Một người mẹ 2 con đã mất 1 tay và 1 chân sau khi bị 2 đoàn tàu cán qua người tại London. Chỉ đến khi bị cán qua đến lần thứ 2 mới có người đến cứu cô. 

    Sarah de Lagarde, đến từ Camden, lúc đó đang trên đường từ công ty về nhà vào ngày 30/9/2022. Xuất phát từ ga Liverpool Street, khi đến ga High Barnet, cô đã vô tình rơi xuống đường ray ở sân ga của đường Northern Line. Không ai nhìn thấy cô gặp nạn. 

    Sarah de Lagarde 1
    Sarah rơi vào khe hở giữa sân ga và đoàn tàu. Ảnh: Getty Images

    Sarah đã đi đường Northern Line hàng triệu lần. Sau khi tan sở cô từ Liverpool Street đến Moorgate để đón đường Northern Line. Cô định về nhà ở Camden Town để sắp xếp hành lý cho chuyến đi du lịch nước ngoài với gia đình. Nhưng cô đã ngủ quên trên tàu, khi tỉnh giấc cô phát hiện mình đã ở High Barnet - ga cuối cùng của đường Northern Line. 

    Lúc đó đã là 9h53 tối, Sarah bước xuống tàu giữa lúc trời đang mưa. Cô chợt nhận ra mình phải quay lại tàu để trở về nhà ở Camden Town. Cô bước một chân hướng lên tàu nhưng bị hụt chân và lọt xuống khe hở vào lúc 9h54 phút. Trong vòng 3 giây, Sarah đã biến mất dưới khe hở giữa sân ga và đoàn tàu. Cô bị vỡ mặt.

    Cô bất tỉnh, mũi và răng cửa bị gãy, đùi bị thương sâu. Cô nằm bất tỉnh bên dưới thân tàu, chỉ vài phút nữa là tàu sẽ khởi hành. Túi xách của cô vẫn nằm lại trên sân ga, đó là bằng chứng duy nhất cho thấy cô đã ở đó. 

    6 phút sau đó, tàu khởi hành, cán gần như đ.ứt lìa cánh tay phải của cô. Cánh tay lỏng lẻo này đã bay mất 3 ngón tay.

    "Tôi không được chết. Tôi phải về nhà. Các con đang chờ tôi. Làm ơn ai đó giúp tôi. Tôi tên Sarah. Tôi không muốn chết", Sarah gào thét trong vô vọng sau khi tỉnh dậy. Nhưng không có ai nghe thấy. 

    Sau khi mò mẫm được điện thoại, cô vẫn còn đủ tỉnh táo để tránh không bị điện giật (đường ray có điện). Nhưng cô không thể mở khóa điện thoại vì ứng dụng Face ID không nhận ra gương mặt máu me của cô, tay cô quá ướt không thể nhấn mật khẩu. 

    Sau đó cô nghe tiếng rầm rập từ đoàn tàu đằng xa. Vào lúc 10h05 phút tối, đoàn tàu thứ 2 cán qua Sarah nghiền nát chân phải của cô. Tất cả diễn ra trong vòng 11 phút sau khi cô ngã xuống. Nằm phía dưới con tàu, Sarah tự nhủ với chính mình "Tôi không được chết. Tôi phải về nhà. Các con đang chờ tôi". 

    Sarah de Lagarde 1
    Sarah mất 1 tay và 1 chân

    2 phút sau đó, Sarah vẫn nằm dưới thân tàu, một tài xế ở sân ga đối diện nghe thấy tiếng rên rỉ nên đến xem xét. Trong bảng báo cáo về vụ việc, anh này cho biết, ban đầu anh không nhìn thấy Sarah nhưng có nghe thấy tiếng phụ nữ nói "Xin hãy giúp tôi". Chỉ khi nhìn xuống phía dưới đoàn tàu, anh mới phát hiện ra cô. "Lúc đó tôi rất luống cuống, tôi không hiểu làm sao cô ấy lại bị kẹt dưới con tàu mà không ai phát hiện ra", anh nói. 

    Anh liền gọi cho cấp trên vào lúc 10h08 phút, và gọi cho một nhân viên khác vào lúc 10h11 phút. Chuông cảnh báo hoạt động chậm trễ vì lý do kĩ thuật và đường dây điện thoại nối với phòng kiểm soát liên tục bị ngắt quãng. 

    Vào lúc 10h18 phút, Lính cứu hỏa tới, Cảnh sát giao thông đến lúc 10h37 phút, trực thăng cấp cứu có mặt lúc 10h39 phút. Sarah cuối cùng đã được giải thoát khỏi toa tàu 20 tấn vào lúc 10h58 phút - tức hơn 1 tiếng sau khi cô rơi xuống. 

    Báo cáo của TfL sau đó nói rằng không có vi phạm nào về an ninh và an toàn, và vụ tai nạn được cho là kì lạ. Nhưng Sarah phản bác, cô nói rằng: "Tại sao khe hở này lại rộng tới mức đủ cho một người trưởng thành lọt xuống?".

    Sarah đã gửi đơn khiếu nại đến TfL vào tháng 9/2023, cho rằng họ đã thờ ơ với tai nạn của cô. Nếu TfL không nhận trách nhiệm, vụ việc sẽ được chuyển lên Tòa án Tối cao. Sarah yêu cầu TfL phải chi trả cho việc chữa trị của cô. Sarah cũng cho rằng lẽ ra người lái tàu thứ 2 phải nhìn thấy cô, đã có rất nhiều cơ hội để cứu cô trước khi đoàn tàu thứ 2 cán nát chân cô. 

    "Tóc của tôi màu trắng và áo khoác của tôi màu hồng neon, sáng hơn cả hoa. Họ không thể không nhìn thấy tôi", Sarah nói. 

    Người tài xế đầu tiên cũng không phát hiện ra Sarah. Trong tờ tường trình, anh này cho biết mình vừa trở lại buồng lái sau khi đi vệ sinh. Anh có nhìn thấy một chiếc túi xách ở sân ga, anh đã nhặt lên và mang đến phòng tiếp nhận tài sản thất lạc, nhưng anh không nhìn thấy Sarah. 

    Sarah nói cô muốn nhìn thấy sự thay đổi tích cực từ TfL trong việc bảo vệ hành khách, chứ không phải chỉ là những lời bào chữa. 

    Từ năm 2006 - 2018, đã có 2.516 vụ tai nạn liên quan đến việc hành khách rơi xuống khe hở giữa sân ga đoàn tàu. Nghĩa là mỗi tháng có tới 16 vụ. 

    Chồng của Sarah hiện đang gây quỹ để chi trả cho việc điều trị của cô, cũng như chi phí lắp chi giả. Chi phí cho tay chân giả có thể từ £15,000 - £100,000 vì sau một thời gian lại phải thay cái mới cho vừa vặn. 

    "Tôi sẽ phải già đi với 1 chân 1 tay bị cụt. Tôi có thể trở thành gánh nặng của các con. Thay vì kiếm tiền nuôi con, chúng lại phải kiếm tiền nuôi tôi", Sarah nói. Hiện cô đang muốn gặp Thị trưởng Sadiq Khan để bàn về việc bồi thường cho tai nạn khủng khiếp này. 

    Viethome (theo MyLondon)

  • Công ty đường sắt dính "tai bay vạ gió" khi hai thanh niên đột nhập ga vào ban đêm, trèo lên toa tàu nghịch ngợm và khi bị bỏng đã quay ra khởi kiện đòi bồi thường.

    Jeffrey Klein và Brett Birdwell 17 tuổi, đều sống ở Stroudsburg, Pennsylvania (Mỹ), đến thăm người thân ở Lancaster nhân dịp nghỉ hè.

    Ngày 10/8/2002, họ đi trượt ván trong khu phố và vào khoảng 22h đến bãi đậu xe gần một giao lộ trong khu thương mại của thành phố. Cách đó 15 m là đường phụ của Tổng công ty đường sắt quốc gia (Amtrak), nơi công ty vận chuyển Norfolk Southern, đã đỗ một đoàn tàu 29 toa sau chuyến đi từ ngày hôm trước.

    Amtrak cho Norfolk Southern thuê đường ray để đậu các chuyến tàu ở đó phòng trường hợp sân ga của Norfolk Southern chật kín.

    Bị thu hút bởi đoàn tàu đồ sộ, họ tìm cách lẻn vào và nhìn thấy ở mỗi toa đều có thang dẫn lên nóc đoàn tàu. Hai thanh niên hiếu kỳ quyết định leo lên và xem quang cảnh thành phố như thế nào. Họ tỉnh táo, không sử dụng rượu bia, chất kích thích.

    Jeffrey và Brett không hay biết về sự hiện diện của một dây điện, không cách điện, 12.500 volt, treo lơ lửng phía trên đoàn tàu ở khoảng cách 2m.

    Vài phút sau khi các cậu lên nóc toa tàu, họ bị hút vào dòng điện này và đã gây sốc cho Jeffrey, khiến cậu bị bỏng độ 2 và độ 3 trên 75% cơ thể. Brett, người đang đi phía sau Klein trên nóc tàu, đã đến giải cứu bạn. Cậu ta kéo bộ quần áo đang cháy khỏi người bạn, và chính cậu cũng bị bỏng độ 2 trên 12% cơ thể.

    vu kien duong satMột con tàu của Amtrak tiến vào ga. Ảnh: Herald Net

    Gia đình hai thanh niên này đã kiện Amtrak và Norfolk Southern. Họ nộp đơn ngày 4/3/2004. Trong 31 tháng tiếp theo, các bên đã trải qua quá trình điều trần, hòa giải nhưng không có kết quả.

    Các phụ huynh vẫn buộc Amtrak phải chịu trách nhiệm của chủ đất với trẻ vị thành niên dù chúng thực hiện hành vi xâm phạm lãnh thổ, tài sản. Còn Norfolk Southern phải chịu trách nhiệm của bên không phải là chủ đất nhưng tạo ra tình trạng nguy hiểm trên mảnh đất đó.

    Phiên tranh tụng bắt đầu từ 10/10/2006 và diễn ra 11 ngày, tại Tòa án Quận của Pennsylvania, Philadelphia.

    Luật sư của hai thanh niên lập luận rằng lẽ ra dây điện không nên được cấp điện trong khi đoàn tàu đang đậu và ít nhất cũng phải có biển cảnh báo nguy hiểm điện áp cao. Đoàn tàu của Norfolk Southern được kéo lên đường ray bằng động cơ diesel, tức là không cần đường dây diện này. Trong khi các đoàn tàu khác cần đến đường điện này đều đang dừng nghỉ, không hoạt động.

    Các nguyên đơn cáo buộc, cả Amtrak và Norfolk Southern đều biết rằng công chúng thường ít biết hoặc không rõ ràng về sự nguy hiểm của đường dây điện. Hai công ty và các công ty đường sắt nói chung từ lâu đã yêu cầu tất cả nhân viên làm việc trong khu vực có nguồn điện phải tham gia khóa đào tạo hàng năm và các bài kiểm tra về sự nguy hiểm của dây điện.

    Khóa đào tạo cảnh báo rằng các đường dây điện có điện áp cao nguy hiểm, điện áp trong các đường dây điện đủ mạnh để "hút" ai đó mà người đó không cần chạm vào dây. Một người không bao giờ được trèo lên nóc toa tài đang đậu dưới một đường dây như vậy trừ khi đường dây đó đã được ngắt điện và nối xuống đất, nội dung khóa đào tạo nêu.

    Bằng chứng khác, Cục Quản lý Đường sắt Liên bang, trong một báo cáo trước Quốc hội năm 1971, đã cảnh báo, "công chúng nói chung không nhận thức được sự nguy hiểm của dây điện, đặc biệt là trẻ vị thành niên có nguy cơ gặp nguy hiểm từ chúng và ngành đường sắt nên áp dụng việc sử dụng các biển báo về những nguy hiểm của dây điện này".

    Trong khi đó, hai cậu thanh niên đều khai không biết dây điện là gì và sự nguy hiểm của nó, đặc biệt là rủi ro phóng điện hồ quang. Jeffrey nói lần duy nhất cậu đi tàu hỏa là năm 12 tuổi, và Brett cũng vậy. Họ đều không được dạy ở trường hay được bố mẹ nói về đường dây điện hoặc thậm chí là điện áp cao.

    Jeffrey sau vụ việc đã trải qua 75 ngày trong viện bỏng, Đại học Temple, trải qua 12 ca phẫu thuật và có những vết sẹo nghiêm trọng, trong khi bạn cậu mất 12 tháng mới hồi phục.

    Luật sư bị đơn lập luận, Amtrak và Norfolk Southern, với tư cách là chủ sở hữu đất đai, họ có "quyền miễn trừ trách nhiệm toàn diện" chống lại những kẻ xâm phạm. Tức là, nếu người xâm phạm bất hợp pháp vào tài sản, lãnh thổ của họ và xảy ra thương tích, họ không phải bồi thường.

    Hai thanh niên thực tế chỉ còn vài tháng tròn 18 tuổi, nhận thức đầy đủ về sự nguy hiểm của việc trèo lên toa tàu. Hơn nữa, bản chất việc đột nhập lãnh thổ và tài sản của người khác mà không có sự cho phép, là vi phạm pháp luật, luật sư nêu.

    Họ cũng cho rằng, người sở hữu đất không có nghĩa vụ thực hiện bất kỳ cuộc điều tra nào về việc liệu trẻ em, vị thành niên có xâm phạm hoặc có khả năng xâm phạm vào lãnh thổ hợp pháp của họ không. Thực tế Amtrak cũng chưa từng bị cá nhân nào đột nhập nên không có nghĩa vụ phải đặt biển cảnh báo nguy hiểm.

    Kết quả, sau mười một ngày xét xử, bồi thẩm đoàn nhận thấy Amtrak phải chịu 70% trách nhiệm đối với thương tích của các cậu bé và Norfolk Southern chịu 30%. Tòa tuyên Jeffrey được hưởng hơn 17 triệu USD, Brett hơn 7 triệu USD tiền bồi thường, tổng số tiền bên bị đơn thua kiện phải trả là hơn 24,2 triệu USD.

    Amtrak và Norfolk Southern sau đó kháng cáo tháng 3/2008, xin giảm tiền bồi thường song bị thẩm phán liên bang đã bác bỏ bằng một phân tích dài 60 trang.

    Ông viết Amtrak và Norfolk Southern chỉ có "quyền miễn trừ trách nhiệm toàn diện" chống lại những kẻ xâm phạm, khi họ đặt biển cảnh báo, biển cấm, điều mà họ đã không làm.

    Thẩm phán cho rằng, nơi nào nguy hiểm đều cần đặt biển cảnh báo, không quan trọng có hay không, ít hay nhiều người qua lại. Amtrak và Norfolk Southern không đặt biển báo, là sai phạm rõ ràng.

    Thẩm phán công nhận Amtrak đúng một điểm: Các nguyên đơn là những người xâm phạm tài sản của họ. Nhiệm vụ của Amtrak là hạn chế những hành vi đột nhập sai trái. Song điều này không đồng nghĩa, họ được phớt lờ những thiệt hại gây ra từ sơ suất của họ.

    Riêng về hành vi đột nhập, thẩm phán khẳng định "chắc chắn các nguyên đơn sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình".

    Bản án nhận nhiều dư luận trái chiều. Một số ý kiến cho rằng phán quyết vô lý khi bảo vệ những kẻ xâm phạm bất hợp pháp vào tài sản của người khác và dành sự thông cảm cho Amtrak khi dính một vụ kiện "trên trời rơi xuống".

    Vụ kiện khiến bị đơn tổn thất 24 triệu USD, được Hội luật sư Mỹ đánh giá là một trong những sai lầm pháp lý đắt giá nhất lịch sử.

    VnExpress (Theo US Court, NBC, Lancaster Online)

  • Hai tàu chở khách và tàu chở hàng hư hại nặng sau cú va chạm ở bang Odisha (Ấn Độ), trong khi thi thể nạn nhân la liệt khắp nơi.

    tai nan duong sat an do 1

    Một toa của đoàn tàu Shalimar - Chennai bị xé toạc sau vụ ba đoàn tàu va chạm tối 2/6 ở Balasore, bang Odisha, miền đông Ấn Độ. Giới chức Ấn Độ cho biết ít nhất 288 người thiệt mạng và 900 người bị thương.

    Tai nạn xảy ra khi tàu tốc hành Bengaluru - Howrah bị trật đường ray, khiến một số toa tàu lật ngang và đè lên đoạn đường sắt cạnh bên, đúng lúc tàu tốc hành Shalimar - Chennai di chuyển tới. Đoàn tàu chở khách này đâm thẳng vào các toa vừa lật, rồi va chạm với tàu chở hàng đỗ gần đó.

    Hiện chưa rõ nguyên nhân tai nạn, nhưng các bằng chứng sơ bộ cho thấy đoàn tàu hoặc đường ray đã gặp trục trặc kỹ thuật gây ra thảm kịch.

    tai nan duong sat an do 1
    Một toa tàu lật ngang trên đường ray sau cú va chạm. Giới chức Ấn Độ lo ngại còn nhiều nạn nhân mắc kẹt trong các toa tàu.

    Đây được coi là một trong những tai nạn đường sắt chết chóc nhất ở Ấn Độ kể từ sau vụ hai đoàn tàu va chạm gần New Delhi hồi tháng 8/1995, khiến 358 người thiệt mạng.

    tai nan duong sat an do 1

    Toa của tàu tốc hành Bengaluru - Howrah bị biến dạng sau cú đâm cực mạnh. Hiện chưa rõ nguyên nhân khiến đoàn tàu này trật đường ray, gây ra tai nạn.

    Một số nguồn tin trong ngành đường sắt Ấn Độ cho hay tàu Shalimar - Chennai đã chạy với vận tốc 130 km/h (tốc độ tối đa cho phép tại khu vực này) trước khi va chạm với các toa của đoàn tàu Bengaluru - Howrah.

    Hầu hết các vụ va chạm tàu hỏa trước đó ở Ấn Độ đều do lỗi của con người hoặc phương tiện đã lỗi thời.

    tai nan duong sat an do 1
    Người dân cùng lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân mắc kẹt tại hiện trường vụ tai nạn.

    Giới chức địa phương cho biết đang gấp rút triển khai các hoạt động cứu hộ và đặt toàn bộ bệnh viện, trường y ở các khu vực lân cận Balasore trong tình trạng báo động, sẵn sàng ứng cứu nạn nhân.

    Quan chức Odisha nói rằng đã cử các lực lượng chống thiên tai, lính cứu hỏa, hàng trăm nhân viên cảnh sát cùng 30 bác sĩ và 60 xe cứu thương tới hiện trường.

    tai nan duong sat an do 1

    Nhiều người dân sống gần nơi xảy ra vụ tai nạn đã vội vàng đến hiện trường hỗ trợ các nạn nhân sau khi nghe thấy tiếng động lớn từ vụ va chạm.

    "Người dân địa phương sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi. Họ không chỉ kéo các hành khách khỏi toa tàu mà còn tìm kiếm hành lý giúp chúng tôi và lấy nước uống", Rupam Banerjee, nạn nhân sống sót sau vụ tai nạn, kể lại.

    tai nan duong sat an do 1
    Lực lượng cứu hộ tìm kiếm người sống sót tại hiện trường.

    Thủ hiến Odisa Naveen Patnaik đã tuyên bố để tang một ngày tưởng niệm các nạn nhân vụ tai nạn.

    Lãnh đạo cơ quan đường sắt Ấn Độ Ashwini Vaishnaw cho biết mỗi nạn nhân thiệt mạng sẽ được bồi thường hơn 12.000 USD. Hành khách bị thương trong vụ tai nạn sẽ nhận bồi thường 600-2.400 USD.

    Ấn Độ là quốc gia có mạng lưới đường sắt lớn thứ tư thế giới, với tổng chiều dài hơn 126.000 km. Hệ thống này là một phần quan trọng trong lịch sử hiện đại và quá trình phát triển kinh tế của Ấn Độ, theo các chuyên gia.

    Tuy nhiên, hệ thống đường sắt tại Ấn Độ gặp một số vấn đề như bảo dưỡng kém và hạ tầng xuống cấp. Năm 2021, Ấn Độ ghi nhận gần 18.000 tai nạn đường sắt, khiến hơn 16.400 người thiệt mạng, đa số các trường hợp được ghi nhận là "ngã từ trên tàu hoặc va chạm với người trên đường ray".

    Người sống sót kể khoảnh khắc ba đoàn tàu va chạm

    Hành khách sống sót cảm thấy kinh hoàng khi chứng kiến thi thể các nạn nhân ở khắp nơi sau vụ tai nạn tàu hỏa làm hơn 290 người chết.

    "Một âm thanh chói tai vang lên. Đoàn tàu của chúng tôi giật mạnh lại rồi đứng im. Tôi nhìn ra ngoài và thấy 4 toa bị trật bánh, các thi thể mắc kẹt phía dưới", Vidhan Jena, hành khách trên tàu Bengaluru - Howrah, kể lại vụ va chạm giữa hai tàu khách và một tàu hàng ở Balasore, bang Odisha, miền đông Ấn Độ tối 2/6.

    Hành khách này cho hay ông đã bị sốc khi nhìn thấy thi thể la liệt ở hiện trường, giữa những tiếng kêu khóc của người bị thương. "Đó là một cảnh tượng khủng khiếp", ông nói.

    Swapan Kumar, hành khách trên toa S5 của tàu tốc hành Shalimar - Chennai, cho hay anh đang ngủ trên giường thì "mọi người đột nhiên ngã nhào". "Tôi chạy ra khỏi toa tàu và thấy còn nhiều người đang mắc kẹt, la hét", Kumar kể.

    "Tôi bị đánh thức khi đoàn tàu trật bánh. Khoảng 10-15 người ngã đè lên tôi. Tôi bị thương ở tay và cổ", một hành khách sống sót trên tàu Bengaluru - Howrah kể lại. "Khi xuống tàu, tôi thấy nhiều thi thể không còn nguyên vẹn ở khắp nơi, một số người bị biến dạng khuôn mặt".

    Hành khách Vandana Kaleda cho biết khi cô vừa bước ra khỏi nhà vệ sinh thì đoàn tàu bất ngờ nghiêng, khiến mọi thứ đảo lộn. "Tôi mất thăng bằng, mọi người ngã đè lên nhau. Tôi bị sốc và không hiểu chuyện gì vừa xảy ra", Kaleda kể lại, thêm rằng cô cảm thấy may mắn vì sống sót.

    Một nhân chứng gần hiện trường cho biết âm thanh "to như sấm" vang lên khi vụ va chạm xảy ra. "Chúng tôi chạy đến nơi và thấy rất nhiều người chết. Thật đau lòng", người này nói.

    Hình ảnh từ hiện trường cho thấy lực lượng cứu hộ trèo lên tàu để tìm kiếm người sống sót. Giới chức bang Odisha cảnh báo thương vong tiếp tục tăng do vẫn còn nhiều người đang mắc kẹt trong các toa. Hàng trăm thanh niên đã xếp hàng chờ bên ngoài bệnh viện công ở thành phố Soro, bang Odisha để chờ hiến máu cấp cứu các nạn nhân.

    Ảnh: ANI/India Express/NDTV

    Theo VnExpress

  • Ít nhất 110 người đã bị thương và thiệt mạng sau vụ va chạm trực diện giữa một đoàn tàu chở hàng và một đoàn tàu chở khách ở Đông Bắc Hy Lạp.

    Vụ tai nạn xảy ra rạng sáng 1/3 gần Tempe, cách thủ đô Athens khoảng 233 km. Vào thời điểm xảy ra sự cố, trên đoàn tàu chở khách có 350 người. Lực lượng cứu hộ đã kéo nhiều người sống sót ra khỏi đống đổ nát.

    Cơ quan chức năng xác nhận có 26 người thiệt mạng và 85 người bị thương. Khoảng 20 người bị thương được cho là đang trong “tình trạng nguy kịch”. Một số toa tàu đã bị trật bánh trong vụ va chạm.

    “Đó là vụ va chạm rất mạnh. Thực sự là một ngày kinh hoàng. Thật khó diễn tả cảnh tượng này”, Costas Agorastos, Thống đốc khu vực Thessaly của Hy Lạp nói, đồng thời cho biết thêm rằng khoảng 250 người sống sót đã được sơ tán đến Thessaloniki trên xe buýt.

    tau hy lap va cham 1
    Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: AP

    tau hy lap va cham 1

    Các hành khách có mặt trên hai đoàn tàu vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn nói rằng họ cảm thấy "bị rung lắc mạnh" trước khi đoàn tàu mất điện, buộc họ phải đập vỡ cửa sổ để thoát khỏi các toa tàu bị lật.

    30 xe cứu thương đã nhanh chóng đến hiện trường để điều trị những người bị thương. Nhiều bệnh viện ở Larissa gần đó hiện đang hoạt động trong chế độ “khẩn cấp”.

    Lực lượng cứu hỏa cũng có mặt để dập tắt ngọn lửa bùng phát trên một số toa tàu. Nguyên nhân vụ tai nạn hiện chưa được tiết lộ.

    tau hy lap va cham 1

    tau hy lap va cham 1

    tau hy lap va cham 1

    tau hy lap va cham 1

    tau hy lap va cham 1

    Theo Tiền Phong

  • Một bé trai 10 tuổi thiệt mạng sau khi bị tàu hỏa đâm và kéo lê hàng trăm mét ở thành phố Recklinghausen - Đức.

    Theo Reuters, vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra ở TP Recklinghausen, thuộc khu công nghiệp Ruhr, miền Tây nước Đức. Lực lượng cứu hộ đã triển khai một máy bay không người lái để tìm kiếm các nạn nhân khác (nếu có).

    Thông tin sơ bộ từ nhà chức trách địa phương tối 2-2 cho thấy một bé trai 10 tuổi thiệt mạng và một bé trai 9 tuổi bị thương nặng sau khi bị đoàn tàu chở hàng đâm phải.

    Truyền thông bản địa cho hay 2 đứa trẻ bị đoàn tàu kéo lê hàng trăm mét khi nó di chuyển qua khu công nghiệp Ruhr.

    be trai gap nan
    Ông Herbert Reul tại hiện trường tối 2-2. Ảnh: Reuters

    Khoảng 35 lính cứu hỏa và nhân viên cứu hộ được huy động tới hiện trường. Có mặt tại đó tối 2-2, Bộ trưởng Nội vụ Herbert Reul của bang North Rhine-Westphalia nói rằng bé trai 9 tuổi đang giành giật sự sống.

    "Trẻ em, tàu hỏa và ở độ tuổi còn nhỏ như vậy, những gì xảy ra ở đây thật kinh khủng. Hy vọng cha mẹ các em sẽ có đủ sức mạnh để vượt qua nỗi bất hạnh lớn này" - ông Reul cho biết.

    Cũng tại Đức, hồi tháng 9-2019, một bé trai 8 tuổi chết thảm vì bị đẩy ra trước tàu cao tốc đang lao tới. Báo The Guardian dẫn lời cảnh sát Đức cho biết bé trai và mẹ bị đẩy vào đường ray ở TP Frankfurt.

    Cậu bé bị tàu cao tốc lao tới đâm tử vong, trong khi mẹ em may mắn lăn được vào khoảng trống giữa hai đường ray nên thoát chết trong gang tấc.

    Nghi phạm đẩy mẹ con cậu bé - một người đàn ông 40 tuổi - bị các hành khách khác truy đuổi và khống chế tại nhà ga rồi bàn giao cho cảnh sát.

    Nghi phạm có ý định đẩy một phụ nữ thứ ba vào đường ray nhưng cô phản ứng kịp nên không hề hấn gì. Bước đầu, hắn được xác định đến từ Eritrea, quốc gia ở châu Phi và không quen biết các nạn nhân.

    Cách đó hơn 1 tuần, một phụ nữ 34 tuổi cũng bị đẩy ra trước đầu tàu ở thị trấn Voerde, bang North Rhine-Westphalia - Đức và bị đâm chết. Cảnh sát sau đó bắt được nghi phạm, người gốc Kosovo Serbia và tạm giam. Hắn cũng không quen biết nạn nhân.

    Theo Người Lao Động

  • Nữ hành khách cố gắng bước lên khi tàu đang đóng cửa đã bị ngã xuống đường tàu, khiến một công ty đường sắt Úc bị tòa tuyên buộc phải bồi thường hơn 1.1 triệu AUD.

    kien tung nga xuong duong tau
    Bà Chol được đưa đi cấp cứu sau tai nạn. ẢNH CHỤP MÀN HÌNH DAILY TELEGRAPH

    Trang News.com.au ngày 22.9 đưa tin tòa án tại Úc vừa phán quyết rằng Công ty đường sắt Sydney Trains phải bồi thường hơn 1.1 triệu AUD cho một nữ hành khách bị thương nặng khi bị ngã xuống đường tàu.

    Sự việc được camera an ninh ghi lại vào lúc 14 giờ 18 ngày 4.8.2016 tại ga Auburn, khi hành khách Aluk Majok Chol đang lên tàu thì bị ngã xuống đường sắt giữa tàu và sân ga.

    Thẩm phán Richard Cavanagh cho rằng “không có gì tranh cãi” về tình huống tai nạn kinh hoàng trên.

    Khi đó, chỉ vài giây sau khi đoàn tàu đậu tại nhà ga, nữ hành khách (hiện 52 tuổi) xách các túi mua sắm và đi đến cửa tàu, nhưng cửa bắt đầu đóng.

    Bà Chol giơ tay phải cùng chiếc túi xách ra ngăn lại, nhưng cửa vẫn đóng và kẹp dây xách của chiếc túi trong lúc tàu bắt đầu di chuyển khiến bà bị ngã xuống khu vực giữa rìa sân ga và đoàn tàu bắt đầu chạy.

    “Kết quả tai nạn khiến bà bị thương nặng”, theo thẩm phán Cavanagh. Bà Chol cho biết đã bị thương “thê thảm” khiến bà cần điều trị tích cực và chăm sóc cho đến cuối đời.

    Trong khi đó, Sydney Trains cho rằng bà Chol “là tác giả của vận rủi của chính mình”, đồng thời cho rằng bà đã say xỉn và không thể giữ thăng bằng. Luật sư của phía công ty cũng cho rằng nữ hành khách trên “tự đặt mình vào vị trí nguy hiểm” khi cố tìm cách đóng cửa.

    Tuy nhiên, thẩm phán đứng về phía bà Chol khi cho rằng tai nạn gây ra do sự lơ là của một nhân viên bảo vệ, khi không đảm bảo rằng bà an toàn trước khi cho phép đoàn tàu khởi hành. Thẩm phán cũng không chấp nhận cáo buộc rằng bà say xỉn.

    Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng nhiều hành khách cố nhảy lên toa tàu vào phút cuối, và các nhân viên không thể trì hoãn lịch trình chỉ vì điều đó.

    Theo phán quyết, Sydney Trains phải bồi thường cho bà Chol 1,179,368.53 AUD, bao gồm chi phí cho những thiệt hại chung, chi phí chăm sóc trong thời gian qua và trong tương lai, chi phí chữa trị trong tương lai và các chi phí khác.

    Theo Thanh Niên

  • Một bé trai 8 tuổi đã tử vong sau khi mẹ con cậu bị một người cố tình đẩy xuống đường ray tại ga tàu trung tâm thành phố Frankfurt, cảnh sát Đức cho biết.

    Cậu bé bị một con tàu cao tốc liên thành phố đâm phải và đã tử vong ngay lập tức. Mẹ em sống sót nhờ lăn được vào một kẽ hở an toàn giữa hai thềm ga, và không bị thương.

    Nghi phạm đã bị các hành khách chứng kiến vụ việc đuổi theo và khống chế. Sau đó, cảnh sát xác nhận người đàn ông 40 tuổi này đã bị bắt.

    Cảnh sát đứng trên một đường tàu đang tạm ngưng hoạt động tại nhà ga Frankfurt hôm 29/7.

    Vụ việc xảy ra vào khoảng 10h sáng 29/7 ở đường tàu số 7 thuộc nhà ga, một trong những ga tàu đông đúc nhất nước Đức. Mẹ cậu bé đang ở trong trạng thái bị sốc và đang được điều trị - một phát ngôn viên cảnh sát cho biết.

    “Các hành khách chứng kiến tai họa này đã đuổi theo thủ phạm. Chúng tôi đã bắt giữ được y”, phát ngôn viên cho biết. Bà cho biết thêm rằng, người đàn ông này đã cố đẩy một người thứ 3 vào đường ray, “nhưng cô ấy đã tự bảo vệ được mình”. 

    Cảnh sát cho biết, nghi phạm được cho là đến từ Eritrea. Tên này đang bị cảnh sát giam giữ và động cơ gây án vẫn chưa được làm rõ. Cảnh sát tin rằng nghi phạm và các nạn nhân không quen biết nhau. Sáu đường tàu của nhà ga đã tạm ngưng hoạt động trong nhiều giờ liền.

    Vụ việc này xảy ra sau khi một phụ nữ 34 tuổi vừa tử vong cách đây 9 ngày, do bị đẩy ra trước một con tàu liên tỉnh tại Voerde, bang North Rhine-Westphalia. Nghi phạm người gốc Kosovo, tên là Jackson B, hiện đang bị cảnh sát bắt giữ. Y không quen nạn nhân.

    Các nhân chứng nói với cảnh sát rằng, hung thủ tiếp cận người phụ nữ từ phía sau, không nói gì và đẩy cô vào đường ray. 

    Hành khách đợi tàu ở Đức đang được khuyến cáo quan sát thềm ga để nhận biết các khuôn mặt đang tỏ ra căng thẳng hoặc bồn chồn, và đứng cách gờ của đường ray ít nhất 2 mét.

    Viethome (theo Vietnamnet)

  • Một công ty đường sắt đã bị phạt 1 triệu bảng sau khi một hành khách trẻ tử vong do thò đầu ra khỏi cửa sổ của một chuyến tàu đang di chuyển với tốc độ 61mph.

    Simon Brown, 24 tuổi, đã chết trên chuyến tàu Gatwick Express đi đến trạm Wandsworth ở phía nam London sau khi đầu anh va chạm với một giàn tín hiệu.

    Anh Brown, trú tại East Grinstead, West Sussex, đã tì người ra ngoài ô cửa sổ không khóa và bị thương nghiêm trọng vào ngày 7 tháng 8 năm 2016.

    Hãng đường sắt Govia Thameslink (GTR), đơn vị điều hành dịch vụ, đã thừa nhận vi phạm quy định sức khỏe và an toàn trong phiên điều trần trước đây về cái chết của anh Brown.

    Tại Tòa án Tối cao Southwark, khi đưa ra bản án cho công ty này, thẩm phán Jeffrey Pegden QC đã ra lệnh cho công ty phải trả khoản tiền phạt 1 triệu bảng cùng £52,267 chi phí tòa án.

    Tòa án Southwark được biết một bản cảnh báo không thò đầu ra khỏi cửa sổ đã bị dán lẫn lộn với nhiều ký hiệu khác trên cửa.

    Anh Brown, được mô tả trước tòa là một "người yêu thích tàu hỏa", đã bị thương nặng vùng đầu và ngã gục xuống.

    Kỹ thuật viên của công ty Hitachi Rail Europe này đã chết ngay lập tức.

    GTR đã thừa nhận tội danh không đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho hành khách đi tàu.

    Giám đốc điều hành GTR Patrick Verwer nói: "Tôi rất xin lỗi về cái chết của anh Brown và hoàn toàn thấu hiểu nỗi đau khổ sâu sắc mà sự cố bi thảm này đã gây ra cho gia đình và bạn bè của anh ấy".

    Ian Prosser, giám đốc an toàn của Văn phòng Đường sắt kiêm Chánh Thanh tra Đường sắt, cho biết: "Chúng tôi xin chia buồn cùng gia đình và bạn bè của anh Simon Brown vào thời điểm đặc biệt khó khăn này.

    "Chúng tôi hài lòng rằng tòa án đã nhận ra mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội và phản ánh điều này trong bản án đã được thông qua.

    "Vẫn còn một số chuyến tàu có cửa sổ tương tự trên mạng lưới và chúng tôi đã viết thư cho các nhà khai thác, hướng dẫn họ hành động ngay lập tức để ngăn chặn thảm kịch tương tự xảy ra lần nữa."

    Gia đình anh Brown tuyên bố: "Gia đình cảm ơn thẩm phán vì đã nhận ra rằng ‘cái chết không cần thiết và bất ngờ’ của Simon là ‘kết quả trực tiếp’ của việc GTR không thực hiện nghĩa vụ của mình đối với mọi hành khách trên tuyến Gatwick Express.”

    Tại thời điểm qua đời, anh Brown vừa bắt đầu một công việc mới là kỹ thuật viên của hãng Hitachi gần Bristol, làm việc cho South Rail với tư cách là kỹ sư vận hành.

    Vào tháng 7 năm ngoái, nhân chứng Kirstin Duffield, người đang đi trên tuyến Gatwick Express cùng con gái khi anh Brown gặp nạn, đã nói với điều tra viên rằng cô đã nghe thấy một tiếng va đập mạnh và một người đàn ông tại khu vực hành lang đang ngã lăn trên sàn tàu.

    Cô vội vàng chạy đến chỗ anh Brown nhưng không thể làm được gì vì chấn thương của anh quá nghiêm trọng.

    VietHome (Theo Mirror)

  • Một học sinh 14 tuổi đã đưa cặp sách của mình cho các bạn giữ hộ trước khi bị tàu hỏa đâm chết ngay trước mắt hàng chục học sinh.

    Học sinh Lớp 9, được biết đến với tên gọi là Sam, cũng đã chuyển điện thoại của mình cho bạn giữ trước khi qua đời tại nhà ga Chertsey, ở Surrey, vào thứ Hai (15/7).

    Sự cố xảy ra vào khoảng 4 giờ chiều, khi khoảng 50 học sinh có mặt tại sân ga.

    Một bà mẹ cho rằng cậu bé Sam đã bị bắt nạt - nhưng Trường Salesian cho biết họ không ghi nhận bất cứ thông tin nào về việc này.

    Nhiều bó hoa và lời nhắn gửi đến cậu bé xấu số đã được đặt tại ga xe lửa.

    Một học sinh cho biết: "Thật kinh khủng. Bạn cháu cũng có mặt ở đó và nhìn thấy toàn bộ sự việc. Họ nói rằng bạn ấy đã bị bắt nạt. Chỉ còn bốn ngày nữa là hết năm học và lẽ ra bạn ấy phải được giúp đỡ.

    "Cháu từng nhìn thấy bạn ấy ở trường và bạn ấy có vẻ hạnh phúc. Nhưng cháu nghĩ mọi người không bao giờ biết chuyện gì đang xảy ra với ai đó. Đó thực sự là một cú sốc."

    Cậu bé nói thêm rằng Sam đã đưa cặp và điện thoại cho bạn bè trước khi chết.

    Một bà mẹ kể lại rằng con trai bà đã nhìn thấy cậu học trò thường xuất hiện một mình trong sân chơi của trường.

    Cô nói: "Con trai tôi thường thấy Sam ở sân chơi. Con tôi chưa bao giờ thấy cậu ấy bị tấn công thể xác nhưng nó biết rằng cậu ấy đang bị bắt nạt. Thật kinh khủng."

    Tuy nhiên, một phát ngôn viên của trường nói rằng không có thông tin về việc cậu bé bị bắt nạt.

    Giáo viên chủ nhiệm James Kibble đã viết: "Chúng tôi vô cùng đau buồn khi phát hiện ra rằng, sau một sự cố ở nhà ga Chertsey, một học sinh Lớp 9 của chúng tôi đã qua đời.

    "Đây là một tình huống cực kỳ khó khăn với tất cả mọi người, nhưng với niềm tin, lòng trắc ẩn và sức mạnh của cộng đồng nhà trường, tôi tin tưởng rằng chúng tôi sẽ luôn hỗ trợ lẫn nhau.

    "Cộng đồng sẽ cùng tưởng niệm em học sinh xấu số và chia buồn cùng gia đình em vào thời điểm vô cùng buồn bã này''.

    Cơ quan Cảnh sát Giao thông Anh cho biết: "Cảnh sát đã được gọi đến trạm Chertsey vào lúc 4 giờ chiều ngày 15 tháng 7 sau xuất hiện thông tin về thương vong trên đường ray. Nhân viên y tế cũng có mặt nhưng thật đáng buồn là cậu bé 14 tuổi đã tử vong tại hiện trường.

    "Gia đình nạn nhân đã được thông báo và đang nhận được hỗ trợ”

    VietHome (Theo Mirror)

  • Ba người thiệt mạng tại hiện trường sau khi bị một con tàu đâm ở phía nam London.

     Hiện trường vụ đâm tàu
    Hiện trường vụ đâm tàu. 

    Cảnh sát được triệu tập tới ga tàu Loughborough Junction ở phía nam London vào lúc 7h30, sau khi có thông tin một số thi thể được tìm thấy trên đường ray tàu. Ba người đàn ông ở độ tuổi ngoài 20. Những bình xịt được phát hiện nằm gần đường ray.

    Lực lượng cứu hộ đến hiện trường nhưng ba người đã chết. Cảnh sát đang tìm hiểu hoàn cảnh và lý do những người này nằm trên đường ray.

    "Đội của tôi đang làm việc miệt mài để tìm hiểu điều gì đã xảy ra, vì sao ba người này mất mạng trên đường ray", thanh tra cảnh sát Gary Richardson cho biết.


    VietHome(Theo Xã Luận)