• Ít nhất 300 người đang đi trên ba chiếc thuyền di cư từ Senegal đến Quần đảo Canary của Tây Ban Nha đã mất tích, theo nhóm hỗ trợ người di cư Walking Borders cho biết hôm Chủ nhật (9/7).

    Helena Maleno từ tổ chức Walking Borders nói rằng hai chiếc thuyền, một chiếc chở khoảng 65 người và chiếc còn lại có khoảng 50 đến 60 người, đã mất tích 15 ngày kể từ khi họ rời Senegal để đến Tây Ban Nha.

    nguoi di cu chim xuong
    Những chiếc thuyền gỗ được người di cư sử dụng để đến Quần đảo Canary. Ảnh: Reuters

    Chiếc thuyền thứ ba rời Senegal vào ngày 27 tháng 6 với khoảng 200 người trên tàu. Maleno cho biết gia đình của những người trên tàu đã không nhận được tin tức gì kể từ khi họ rời đi.

    Cả ba thuyền đều rời Kafountine ở phía Nam Senegal, cách Tenerife thuộc quần đảo Canary, khoảng 1.700 km. "Các gia đình đang rất lo lắng. Có khoảng 300 người đến từ cùng một khu vực của Senegal. Họ đã rời đi vì tình hình bất ổn ở Senegal", Maleno nói.

    Quần đảo Canary ngoài khơi bờ biển Tây Phi đã trở thành điểm đến chính của những người di cư cố gắng đến Tây Ban Nha, ngoài ra còn có một số lượng nhỏ hơn cũng đang tìm cách vượt biển Địa Trung Hải để đến đất liền Tây Ban Nha.

    Con đường di cư Đại Tây Dương, một trong những con đường nguy hiểm nhất trên thế giới, thường được sử dụng bởi những người di cư từ châu Phi cận Sahara để sang châu Âu.

    Ít nhất 559 người - bao gồm 22 trẻ em - đã thiệt mạng vào năm 2022 khi cố gắng đến Quần đảo Canary, theo dữ liệu từ Tổ chức Di cư Quốc tế của Liên hợp quốc.

    Nghean24h (theo Reuters)

  • Đài BBC hôm Chủ Nhật (9/7) đã đình chỉ một trong những người dẫn chương trình ngôi sao của họ, sau những cáo buộc rằng anh này đã trả hàng chục nghìn bảng cho một thiếu niên để chụp những bức ảnh khiêu dâm.

    Đài truyền hình này cho biết rằng họ nhận được khiếu nại vào tháng 5, nhưng chỉ nhận được cáo buộc với những tình tiết mới vào thứ Năm vừa rồi và họ đã thông báo cho "cơ quan chức năng" về vụ việc.

    bbc dinh chi

    Cảnh sát London cho biết, họ đã nhận được thông tin ban đầu từ BBC nhưng chưa có cáo buộc chính thức nào được đưa ra. "Chúng tôi sẽ yêu cầu thêm thông tin trước khi xác định những hành động cần làm tiếp theo", cơ quan này nói trong một tuyên bố.

    The Sun, tờ báo đầu tiên đưa tin về các cáo buộc, dẫn lời mẹ của thanh niên nói rằng người dẫn chương trình nam giấu tên đã trả cho thiếu niên này hơn 35.000 bảng Anh trong vòng 3 năm để có được những hình ảnh đó.

    Người mẹ nói với tờ báo rằng cậu thiếu niên đã sử dụng tiền cho các cơn nghiện cocaine. Gia đình đã khiếu nại với BBC vào ngày 19 tháng 5, nhưng người dẫn chương trình nói trên đã không bị đình chỉ công việc ngay lập tức.

    Bộ trưởng Văn hóa Anh, Lucy Frazer, đã tổ chức các cuộc họp khẩn cấp với Tổng giám đốc BBC, Tim Davie, trước đó vào Chủ nhật về các cáo buộc mà bà mô tả là "quan ngại sâu sắc".

    BBC, đài truyền hình có nguồn thu chính từ phí thuê bao hộ gia đình xem TV, cho biết họ "nghiêm túc xem xét mọi cáo buộc" và có "các quy trình nội bộ chặt chẽ để chủ động giải quyết các cáo buộc đó".

    Công Luận (theo Reuters)

  • Đó là những con tàu cá chở quá tải, nhồi nhét người lênh đênh trên biển Địa Trung Hải với hy vọng một ngày có thể may mắn cập bến châu Âu.

    "Những cỗ quan tài nổi"

    Một trong số đó là tàu cá chở quá tải, chìm ngoài khơi thị trấn Pylos, miền Nam Hy Lạp vào sáng sớm 14/6. Đến thời điểm này, giới chức Hy Lạp xác nhận có 78 người thiệt mạng. Tuy nhiên, Cảnh sát Hy Lạp lo ngại có khoảng 500 người vẫn mất tích vì một số người sống sót sau thảm kịch cho biết, có khoảng 100 trẻ em bị nhồi dưới hầm tàu.

    Theo thông tin mới nhất, ngày 15/6, hãng truyền thông Skai TV dẫn lời giới chức Hy Lạp cho hay đã có 9 nghi phạm buôn người trong vụ việc này bị bắt giữ. Tất cả đều là nam giới gốc Ai Cập.

    Theo hãng tin Guardian, nhóm nghi phạm này đối mặt với các cáo buộc giết người hàng loạt.

    nguoi di cu dia trung hai 1
    Tàu cá được cho là chở tới 750 người gặp nạn tại vùng biển ngoài khơi Hy Lạp hôm 14/6 (Ảnh: Reuters)

    Hãng Guardian dẫn một số nguồn tin thuộc Chính phủ Hy Lạp cho biết, hoạt động tìm kiếm cứu hộ sẽ được tiếp tục cho tới ít nhất sáng 16/6. Tuy nhiên, cơ hội trục vớt con tàu là rất thấp vì khu vực xảy ra tai nạn nằm trong vùng biển quốc tế có mực nước sâu.

    Đánh giá về cơ hội tìm thấy người sống sót, ông Nikos Spanos - cựu Đô đốc thuộc lực lượng tuần duyên Hy Lạp, cho biết: “Chúng tôi đã thấy nhiều trường hợp tàu cá cũ như thế này tìm cách vượt Địa Trung Hải từ Libya. Những con tàu này hoàn toàn không đủ tiêu chuẩn đi biển mà chẳng khác nào những cỗ quan tài nổi”, ông Spanos nói.

    Cũng theo Guardian, giới chức Hy Lạp đã giải cứu 104 người trong vụ đắm tàu. Tất cả đều là nam giới trong độ tuổi 16 - 40.

    Phó thị trưởng TP Kalamata - ông Giorgos Farvas cho biết những người này tới từ Afghanistan, Pakistan, Syria và Ai Cập. Nhiều người bị sốc tâm lý và kiệt sức. Khoảng 30 người đã được điều trị tại bệnh viện do viêm phổi và kiệt sức nhưng không gặp nguy hiểm tới tính mạng.

    Quyền Bộ trưởng Di cư Hy Lạp Daniel Esdras cho biết, quốc gia này sẽ xem xét yêu cầu tị nạn của những người sống sót nhưng những người không thuộc diện được bảo hộ sẽ buộc phải về nước.

    Tranh cãi về trách nhiệm

    Theo hãng tin Guardian, giới chức Hy Lạp đã bị chỉ trích vì không hành động kịp thời để giải cứu người di cư trong vụ đắm tàu ngày 14/6.

    Trong khi một số nhà hoạt động về vấn đề người di cư cho biết, họ nhận được rất nhiều cuộc gọi khẩn cấp từ con tàu vào thời điểm tai nạn xảy ra, các quan chức Hy Lạp lại khẳng định con tàu đã nhiều lần từ chối đề nghị giúp đỡ và khăng khăng tiếp tục hành trình tới Italy.

    Lực lượng tuần duyên Hy Lạp cho biết, họ nhận được thông báo về tàu chở người di cư ở vùng biển ngoài khơi nước này vào sáng 13/6. Sau đó, các quan chức thuộc cơ quan tìm kiếm cứu hộ của Hy Lạp đã liên lạc với một số người có mặt trên tàu bằng điện thoại vệ tinh.

    Những người này cho biết, hành khách trên tàu rất cần thực phẩm, nước uống nhưng vẫn muốn tiếp tục hành trình tới Italy.

    Ông Nikos Alexiou - phát ngôn viên lực lượng tuần duyên Hy Lạp cho biết: “Chúng tôi đã theo sát đề phòng trường hợp họ cần hỗ trợ nhưng họ đã từ chối”.

    nguoi di cu dia trung hai 1
    Lực lượng chức năng tại TP Kalamata, Hy Lạp di chuyển thi thể người thiệt mạng sau vụ chìm tàu chở người di cư (Ảnh: Reuters)

    Một số tàu buôn gần đó đã tiếp tế thực phẩm, nước uống và theo dõi tàu cá cho tới sáng sớm ngày 14/6. Đến lúc đó, một người trên tàu dùng điện thoại vệ tinh báo cáo động cơ gặp trục trặc. Khoảng 40 phút sau, con tàu bắt đầu rung lắc dữ dội rồi chìm xuống biển.

    Liên quan tới sự việc này, đêm 15/6, hàng nghìn người biểu tình đã tham gia mít tinh tại Thủ đô Athens và TP Thessaloniki, miền Bắc Hy Lạp, kêu gọi Liên minh châu Âu nới lỏng các chính sách về nhập cư và tị nạn nhằm ngăn chặn thảm kịch tái diễn. Một nhóm người biểu tình tại Thủ đô Athens đã ném bom xăng vào cảnh sát, khiến lực lượng chức năng phải sử dụng hơi cay để trấn áp.

    Trong chuyến thăm TP Kalamata ngày 15/6, cựu Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đưa ra quan điểm: “Chính sách di cư mà châu Âu thực hiện trong nhiều năm qua đã biến Địa Trung Hải và một số vùng biển khác thành những nấm mồ dưới nước”.

    Dự án Người di cư mất tích của Liên hợp quốc đã ghi nhận hơn 20.000 trường hợp tử vong và mất tích ở Địa Trung Hải kể từ năm 2014, khiến đây trở thành một trong những tuyến đường di cư nguy hiểm nhất thế giới.

    Baogiaothong (theo Guardian)

  • Italy đang nỗ lực giải cứu thêm 1.200 người di cư trên 2 chiếc thuyền lênh đênh trên Địa Trung Hải sau khi đã cứu được khoảng 2.000 người vào cuối tuần qua.

    Đây là thông tin do Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Italy đưa ra vào ngày 10/4.

    Theo nguồn tin trên, hiện có khoảng 800 người di cư đang chen chúc trên một thuyền đánh cá chở quá tải ở vùng biển của Italy, cách bờ biển thành phố Syracuse trên đảo Sicily 190 km về phía Đông Nam.

    Hiện hoạt động giải cứu người di cư trên thuyền này do ba thuyền tuần tra và một tàu thương mại thực hiện. Tuy nhiên, việc giải cứu được đánh giá là "phức tạp" do quá đông người di cư.

    Thuyền thứ hai chở 400 người di cư cũng đang ở vùng biển của Italy, cách Capo Passero, cực Nam đảo Sicily, 273,5 km về phía Đông Nam. Hiện hai tàu thương mại đang hỗ trợ hoạt động giải cứu những người di cư trên thuyền này.

    Trong một thông báo đăng trên Twitter vào ngày 10/4, tổ chức phi chính phủ Alarm Phone điều hành đường dây nóng dành cho người di cư gặp nạn cho biết, những người trên thuyền đang "hoảng loạn".

    giai cuu nguoi di cu
    (Ảnh: EPA)

    Trước đó, Alarm Phone dẫn lời một phụ nữ trên thuyền cho biết, chiếc thuyền khởi hành từ Libya đã mất thuyền trưởng, trong khi một số người cần được chăm sóc y tế. Ba người đã nhảy khỏi thuyền, trong đó có một người bị bất tỉnh.

    Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Italy cho biết, ngoài hoạt động giải cứu đang diễn ra, khoảng 2.000 người di cư đã được giải cứu kể từ ngày 7/4 vừa qua.

    Trong những ngày gần đây, hàng nghìn người di cư đã tới các cảng biển ở Italy, đặc biệt là đảo Lampedusa, sau khi liều mình lênh đênh trên những tàu, thuyền tạm bợ để vượt qua hành trình đầy nguy hiểm từ Bắc Phi.

    Trước đó, vào ngày 9/4, tổ chức cứu trợ ResQship của Đức cho biết, ít nhất 2 người di cư đã thiệt mạng và khoảng 20 người bị mất tích do thuyền chở họ bị chìm trong đêm 8/4, sau khi rời Tunisia. Tàu của tổ chức này đã cứu được 22 người trên thuyền gặp nạn này và đưa họ đến Lampedusa.

    Theo số liệu của Bộ Nội vụ Italy, kể từ đầu năm đến nay, hơn 14.000 người di cư đã đến nước này, cao hơn nhiều so với con số 5.300 người trong cùng kỳ năm 2022, và 4.300 người trong cả năm 2021.

    Theo VTV

  • Ít nhất 58 nạn nhân thiệt mạng sau vụ đắm thuyền chở người di cư ở miền nam Italy ngày 26/2.

    Sự việc xảy ra gần làng Steccato di Cutro, khu nghỉ mát bên bờ biển phía đông nam vùng Calabria. Manuela Curra, quan chức địa phương, cho biết con thuyền khởi hành từ thành phố Izmir, miền đông Thổ Nhĩ Kỳ, từ ba ngày trước. "Theo những người sống sót, có khoảng 140 đến 150 người đã ở trên thuyền", bà nói.

    Lực lượng bảo vệ bờ biển Italy cho biết đã cứu được 80 người trên con thuyền đắm, trong đó 20 người phải nhập viện, và đang nỗ lực tìm kiếm thêm những người sống sót khác. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết khắc nghiệt khiến nhiệm vụ trở nên rất khó khăn.

    chim thuyen ngoai khoi italy 1
    Lực lượng cứu hộ có mặt tại địa điểm xảy ra vụ chìm thuyền ở làng Steccato di Cutro, vùng Calabria, tây nam Italy, ngày 26/2. Ảnh: AP.

    "Đây là một thảm kịch nghiêm trọng cho thấy cần phải hành động kiên quyết chống lại hoạt động di cư bất hợp pháp", Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Piantedosi nói. Cần ngăn chặn những cuộc vượt biển lâu nay vẫn tạo ra "ảo mộng" cho người di cư về một cuộc sống tốt đẹp hơn ở châu Âu, làm giàu cho những kẻ buôn người và dẫn tới "các thảm kịch như hôm nay", ông cho hay.

    chim thuyen ngoai khoi italy 1
    Xác con thuyền dạt vào bờ biển Italy. Ảnh: AP.

    Trên kênh Telegram, lực lượng cứu hỏa thông báo đã vớt được 28 thi thể và con thuyền chở những người di cư đã mắc cạn gần bờ biển.

    Hãng tin Adnkronos cho biết con thuyền chở hơn 100 người, trong khi AGI, hãng thông tấn khác của Italy, nói rằng trong số các nạn nhân thiệt mạng có cả trẻ em.

    Theo Adnkronos, con thuyền chở người di cư từ Iran, Pakistan và Afghanistan đã va phải đá khi biển động. Italy là một trong những đích đến chính của những người di cư cố gắng vào châu Âu bằng đường biển.

    VnExpress (theo Reuters)

  • Giới chức Bulgaria phát hiện 18 người di cư từ Afghanistan chết ngạt cạnh một chiếc xe tải và bắt 4 người liên quan sự việc.

    Cảnh sát hôm 17/2 phát hiện xe tải gần làng Lokorsko, cách thủ đô Sofia 20 km về phía đông bắc. Bộ Nội vụ Bulgaria nói rằng chiếc xe tải chở 52 người di cư được giấu trong container chở gỗ. 34 người sống sót, trong đó có 5 trẻ em, đã được đưa tới bệnh viện ở thủ đô Sofia.

    18 thi thể nằm rải rác trên bãi cỏ xung quanh chiếc xe. "Theo báo cáo sơ bộ, họ chết vì ngạt thở. Quá nhiều người ở trong không gian quá nhỏ", lãnh đạo Cơ quan Điều tra Quốc gia Bulgaria Borislav Sarafov nói. "Với số lượng nạn nhân này, đây là sự cố chết chóc nhất liên quan người di cư ở Bulgaria".

    nhoi nhet nguoi di cu
    Cảnh sát và nhân viên y tế khẩn cấp tại hiện trường phát hiện 18 người di cư chết ngạt gần thủ đô Sofia, Bulgaria ngày 17/2. Ảnh: AFP.

    Sarafov cho biết những người di cư từ Afghanistan đã vượt biên trái phép sang Thổ Nhĩ Kỳ và trốn trong rừng hai ngày trước khi được đưa lên xe tải gần thành phố Yambol ở đông nam Bulgaria.

    Các nạn nhân đã chết 10-12 giờ trước khi thi thể của họ được tìm thấy, trong khi những kẻ buôn lậu đã bỏ trốn. "Những người ở trong xe tải này đã bị thiếu oxy. Họ rét, ướt sũng và chắc chắn đã không ăn gì trong vài ngày", Bộ trưởng Y tế Asen Medjidiev cho hay.

    Bộ Y tế cho biết trong số những người thiệt mạng có một đứa trẻ khoảng 6 hoặc 7 tuổi, nhưng ông Sarafov nói nạn nhân nhỏ tuổi nhất là một thiếu niên.

    4 người Bulgaria đã bị bắt vì tình nghi liên quan. Atanas Ilkov, quan chức cảnh sát cấp cao, cho biết các cáo buộc sẽ được đưa ra khi có đủ bằng chứng.

    Sự việc xảy ra khi quốc gia Balkan đang phải vật lộn với sự gia tăng các vụ vượt biên trái phép. Là thành viên EU, Bulgaria cũng là cửa ngõ để người di cư từ Trung Đông và Afghanistan vào các nước trong khối. Bulgaria đã cố gắng thắt chặt an ninh nhằm ngăn chặn số lượng người tìm cách vượt biên ngày càng tăng.

    Bulgaria đã tăng cường kiểm soát dọc hàng rào thép gai dài 234 km bao phủ gần như toàn bộ biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Cảnh sát biên giới đã ngăn chặn 164.000 vụ "vượt biên bất thường" trong năm 2022, so với 55.000 năm 2021, số liệu của Bộ Nội vụ cho thấy.

    Sofia đã yêu cầu EU cấp 2,1 tỷ USD để củng cố hàng rào biên giới và cải thiện hoạt động giám sát, nhưng Brussels cho đến nay vẫn từ chối.

    Tháng 8/2015, khi cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu lên đến đỉnh điểm, thi thể 71 người di cư, trong đó có một bé gái, được tìm thấy sau xe tải đông lạnh bị bỏ lại ở Áo. Tòa án Hungary đã kết án tù chung thân một công dân Afghanistan và ba người Bulgaria vì vụ án.

    VnExpress (theo AFP, Reuters)

  • Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ Libya và cảnh sát địa phương đã vớt được 11 thi thể trong vụ đắm tàu. Những người được giải cứu đã được đưa đến bệnh viện trong điều kiện sức khỏe xấu.

    nguoi di cu chet duoi
    Nhân viên y tế Libya chuyển thi thể người di cư trong vụ chìm thuyền ngoài khơi Sabratha, Libya, ngày 26/11/2021. (Ảnh: Hamza al-Ahmar/Anadolu Agency)

    Ngày 15/2/2023, Liên hợp quốc cho biết hàng chục người di cư được cho là đã thiệt mạng trong vụ đắm tàu ở ngoài khơi bờ biển Libya và chỉ có 7 người sống sót được cứu cho đến nay. 

    Theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) của Liên hợp quốc, ít nhất 73 người di cư mất tích và bị cho là đã thiệt mạng do tàu chở họ bị đắm ở ngoài khơi bờ biển Libya trong ngày 14/2.

    Tàu chở khoảng 80 người đã rời thị trấn Qasr Al-Akhyar, cách thành phố Tripoli khoảng 75km về phía Đông, và gặp nạn khi đang trên hành trình đến châu Âu.

    IOM cho biết đến nay, Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ Libya và cảnh sát địa phương đã vớt được 11 thi thể. Những người được giải cứu hiện đã được đưa đến bệnh viện trong điều kiện sức khỏe xấu.

    Địa Trung Hải hiện là tuyến đường biển nguy hiểm nhất đối với người di cư. Theo IOM, vụ đắm tàu nói trên đã làm tăng số người di cư thiệt mạng trên tuyến đường biển này kể từ đầu năm đến nay lên 130 người.

    Số liệu thống kê cho thấy trong năm ngoái có hơn 1.450 người di cư đã thiệt mạng khi đi qua tuyến đường này để đến châu Âu. Nếu tính từ năm 2014, số người thiệt mạng và mất tích trên tuyến đường này là hơn 17.000 trường hợp.

    IOM đã kêu gọi các quốc gia triển khai những hành động cụ thể nhằm tăng cường khả năng tìm kiếm và cứu hộ, đồng thời thiết lập các cơ chế an toàn để giảm thiểu số người thiệt mạng.

    Trong khi đó, tại Panama, Tổng thống nước này Laurentino Cortizo cho biết ít nhất 15 người di cư hướng đến Mỹ đã thiệt mạng vào sáng 15/2 khi xe buýt chở họ va chạm với xe buýt nhỏ trên đường cao tốc ở huyện Gualaca thuộc tỉnh Chiriqui.

    Hiện những người bị thương đang được điều trị.

    Theo TTXVN

  • Lực lượng bảo vệ bờ biển Tây Ban Nha đã giải cứu 3 người di cư trốn trên bánh lái của một tàu chở dầu đi từ Nigeria đến quần đảo Canary (Tây Ban Nha).

    tron tau di cu
    Ba người di cư ngồi trên bánh lái của con tàu chở dầu trong hành trình từ Nigeria đến quần đảo Canary (Tây Ban Nha). Ảnh: EFE Canarias/Twitter

    Trong một bức ảnh được lực lượng bảo vệ bờ biển đăng trên Twitter hôm 28/11, ba người này được cho là đang ngồi trên bánh lái của tàu chở dầu và hóa chất Alithini II, Guardian đưa tin.

    Theo Marine Traffic, một trang web theo dõi tàu biển, tàu Alithini II treo cờ Malta đã đến Las Palmas ở Gran Canaria vào chiều 28/11 sau chuyến đi kéo dài 11 ngày từ Lagos ở Nigeria.

    Lực lượng bảo vệ bờ biển cho biết trên Twitter rằng những người di cư đã được đưa vào cảng và được nhân viên y tế chăm sóc vì tình trạng mất nước và hạ thân nhiệt.

    “Đây không phải là lần đầu tiên và cũng sẽ không phải là lần cuối cùng. Những người đi chui theo tàu không phải lúc nào cũng gặp may mắn như vậy”, Txema Santana, một nhà báo và cố vấn di cư cho chính quyền quần đảo Canary, thông tin trên Twitter.

    Lượng người di cư đến quần đảo Canary đã tăng đáng kể từ cuối năm 2019. Ngoài ra, vào tháng 10/2020, bốn người đã trốn trên bánh lái của một tàu chở dầu từ Lagos. Họ đã lẩn trốn trong 10 ngày trước khi bị cảnh sát phát hiện vào thời điểm con tàu đi vào Las Palmas.

    Quần đảo Canary của Tây Ban Nha là một cửa ngõ phổ biến cho những người di cư châu Phi đang cố gắng đến châu Âu. Dữ liệu của Tây Ban Nha cho thấy di cư bằng đường biển đến quần đảo này đã tăng 51% trong 5 tháng đầu năm so với một năm trước đó, Reuters đưa tin.

    Theo Zing

  • nguoi me nem con xuong bien 1
    Chỉ huy đội tàu cứu hộ RNLI cho biết việc phải tiếp xúc thường xuyên với những cảnh tượng như vậy khiến các đồng nghiệp của anh vừa căng thẳng vừa đau lòng. Ảnh: PA

    Những người mẹ nhập cư ném những đứa trẻ sơ sinh về phía đội cứu hộ, van xin họ cứu chúng từ những chiếc xuồng xập xệ băng qua eo biển Anh, một thành viên trong Đội Tàu Cứu hộ Quốc gia Hoàng gia (Royal National Lifeboat Institution - RNLI) cho biết.

    Anh Simon Ling, trưởng đội tàu cứu hộ, cho biết đội của anh thường xuyên phải chứng kiến những tình cảnh hỗn loạn, những tiếng gào thét khi ứng cứu những chiếc xuồng gặp nạn giữa biển.

    Anh chia sẻ trên chương trình Today của đài BBC Radio 4: "Có những chiếc xuồng cao su ọp ẹp chở đầy đàn ông, phụ nữ và trẻ em phải vật lộn trong điều kiện nguy hiểm, di chuyển trên một trong những kênh đào bận rộn nhất thế giới".

    "Công việc của chúng tôi vô cùng ám ảnh. Chúng tôi thường xuyên nhìn thấy cảnh phụ nữ và trẻ em túm tụm ở giữa con tàu, đàn ông ngồi bên mạn xuồng. Khoảng cách giữa đỉnh xuồng và mặt biển rất thấp, do đó chiếc xuồng dễ có nguy cơ bị nước tràn vào và lật úp".

    "Rất hỗn loạn, người ta la thét, những người mẹ ôm chặt những đứa con sơ sinh. Đôi khi họ ném con về phía đội cứu hộ nhờ chúng tôi tóm lấy đứa trẻ. Vô cùng bấp bênh".

    "Giữa tình huống như vậy, chúng tôi rất khó để định vị và cũng rất khó để mọi người bình tĩnh lại. Chúng tôi muốn cứu được thật nhiều người càng nhanh càng tốt nhưng rất khó".

    nguoi me nem con xuong bien 1
    Một tình huống cứu người di cư mới đây ở Dover. Ảnh: PA

    nguoi me nem con xuong bien 1
    Anh Simon Ling, trưởng đội tàu cứu hộ, cho biết đồng nghiệp của anh phải làm việc trong môi trường vô cùng chết chóc, hỗn loạn. Ảnh: PA

    nguoi me nem con xuong bien 1
    Đội của anh thường xuyên phải đối mặt với những tình huống ngàn cân treo sợi tóc. Ảnh: PA

    Anh Ling cho biết những tình huống căng thẳng như vậy ảnh hưởng rất nặng nề đến tinh thần của những tình nguyện viên cứu hộ. Đôi khi họ không muốn tiếp tục làm công việc tình nguyện này nữa, dù đã được hỗ trợ tâm lý. 

    Tổ chức từ thiện này có tỉ lệ người bỏ cuộc là từ 5-10%. Anh Ling nói: "Tình nguyện là công việc rất khó, điều này xảy ra ở tất cả đội RNLI. Nhưng chúng tôi vẫn tuyển những tình nguyện viên mới. Chúng tôi nhanh chóng huấn luyện và trang bị để họ sẵn sàng tham gia cứu người".

    RNLI từng đăng tải một đoạn phim "đáng sợ" ghi lại từ camera gắn trên mũ bảo hiểm của đội cứu hộ. Họ có nhiệm vụ đi cứu 5 người di cư ở ngoài khơi phía nam. 5 nạn nhân này bao gồm 1 gia đình 4 người, trong đó có 1 bé gái 14 tuổi đến từ Afghanistan. 

    Một tình nguyện viên cho biết họ được huấn luyện để phản ứng trong các tình huống như phát hiện "10 thi thể trôi nổi trên mặt biển". Anh nói: "Nỗi sợ của chúng tôi không phải là liệu có người chết hay không, mà khi nào thì nhìn thấy người chết".

    nguoi me nem con xuong bien 1
    Tổ chức từ thiện có tỉ lệ bỏ việc là 5-10%. Ảnh: PA

    Những chiếc xuống luôn nhét đầy người, khoang xuồng nhầy nhụa nước biển, bãi nôn, dầu nhớt. Đứng trước tình huống bấp bênh có thể biến thành bi kịch trong tích tắc, ai cũng hoang mang đến khô miệng.

    Anh Ling nói: "Đội chúng tôi có một nỗi sợ không nói thành lời là chiếc xuồng có thể gãy đôi nếu mọi người dồn về 2 phía. Đưa được họ lên xuống cứu hộ là điều rất khó...mọi thứ quá sức hỗn loạn".

    Anh từng nhìn thấy những người phụ nữ lớn tuổi chụm tay lại nhìn lên trời cầu nguyện, gương mặt họ tràn ngập nổi kinh hoàng. Trẻ con thì được giữ yên bằng cách cho chúng xem phim hoạt hình Peppa Pig trên điện thoại. 

    Một số người được cứu trong tình trạng lạnh cóng, kiện sức và mất nước. Một số người bị mù hoặc điếc, cụt tay chân hoặc có thai.

    Tuy nhiên công chúng lại phản đối hoạt động cứu hộ này, họ nói sẽ không quyên tiền cho tổ chức từ thiện nữa vì họ cho rằng cứu những người di cư là tiếp tay cho nạn buôn người. Tuy nhiên một số khác lại tiếp tục ủng hộ.

    Một người tên Marcus McSorley viết trên Twitter: "Nhiệm vụ của RNLI là cứu người và họ xứng đáng được động viên".

    Tổ chức từ thiện cũng cho biết họ nhận được rất nhiều những tin nhắn hỏi thăm, và nhiều người muốn giúp đỡ để cứu được nhiều mạng sống hơn trên biển.

    Viethome (theo Metro) 

  • Cảnh sát Hy Lạp giải cứu một nhóm 92 người di cư bất hợp pháp được phát hiện trong tình trạng không có quần áo và một số người bị thương gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

    nguoi di cu khong quan ao
    Hy Lạp đã xây dựng một bức tường biên giới để ngăn người di cư vào châu Âu. Ảnh: AP

    Cảnh sát Hy Lạp ngày 15/10 cho biết tất cả người di cư được giải cứu đều là nam giới. Họ được phát hiện ở gần sông Evros, nơi đánh dấu biên giới giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, theo Reuters.

    Cuộc điều tra của cảnh sát Hy Lạp và cơ quan biên giới EU Frontex cho thấy các bằng chứng những người di cư đã vượt sông vào lãnh thổ Hy Lạp bằng xuồng cao su từ Thổ Nhĩ Kỳ.

    "Các cảnh sát đã phát hiện 92 người di cư bất hợp pháp trong tình trạng không có quần áo, một số người trong nhóm có thương tích trên cơ thể", cơ quan cảnh sát cho biết.

    Hiện chưa rõ vì sao những người di cư lại ở trong tình trạng k.hỏa t.hân.

    Theo AP, giới chức trách Hy Hạp cáo buộc phía Thổ Nhĩ Kỳ đã ép 92 người di cư cởi bỏ quần áo trước khi đi qua biên giới.

    Bộ trưởng Di trú Hy Lạp Notis Mitarachi đăng trên Twitter rằng cách Thổ Nhĩ Kỳ đối xử với nhóm người di cư này là “sự xấu hổ đối với nền văn minh”. Ông cho biết Hy Lạp mong đợi phía Thổ Nhĩ Kỳ sẽ điều tra vụ việc.

    Phía Thổ Nhĩ Kỳ chưa đưa ra phản hồi.

    Hồi năm 2015-2016, Hy Lạp từng ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng di cư châu Âu. Khoảng một triệu người tị nạn trốn chạy chiến tranh và đói nghèo ở Syria, Iraq và Afghanistan đã vào nước này, chủ yếu qua biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

    Từ đó đến nay, số lượng người di cư đến Hy Lạp đã giảm. Tuy nhiên, các nhà chức trách Hy Lạp cho biết gần đây ngày càng có nhiều người cố gắng vào Hy Lạp qua biên giới đất liền với Thổ Nhĩ Kỳ và các đảo của nước này.

    Hy Lạp đã thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng thỏa thuận năm 2016 với Liên minh châu Âu, trong đó Ankara đồng ý kiềm chế dòng người di cư đến châu Âu để đổi lấy hàng tỷ euro viện trợ.

    Phía Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ đang tăng cường các biện pháp để ngăn chặn nạn buôn người.

    Zing (theo Reuters)

  • Hơn 20 người được cho là đã thiệt mạng sau khi hai chiếc thuyền chở người di cư bị chìm hôm mùng 6/10 vừa qua.

    Hơn 20 người được cho là đã thiệt mạng sau khi hai vụ đắm tàu chở người di cư bị chìm ở bờ biển Hy Lạp. Theo đó, một chiếc tàu chở gần 100 người đã va phải đá tại vùng biển gần đảo Kythira, phía Nam Hy Lạp và chiếc còn lại chở khoảng 40 người bị đắm gần hòn đảo Lesbos vào ngày 6/10.

    nguoi di cu duoc cuu 1
    Khoảnh khắc những người di cư bị Lực lượng Bảo vệ bờ biển được giải cứu

    Theo ông Nikos Kokkalas, phát ngôn viên của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hy Lạp, những người may mắn sống sót sau vụ đắm tàu tại Kythira đến từ Afghanistan, Iran và Iraq, trong khi những người trong xác tàu Lesbos được cho là đến từ các nước châu Phi.

    Các quan chức Hy Lạp cho biết rằng ít nhất 80 người đã được giải cứu bởi Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hy Lạp vào tối hôm xảy ra hai sự việc trên. Theo đoạn video được Lực lượng này công bố, có thể thấy những người di cư đang cố gắng bám trụ trên các vách đá dựng đứng nhằm tìm cơ hội sống sót. Thậm chí nhiều người còn đang cố gắng vùng vẫy dưới biển để chờ phao cứu sinh được thả xuống.

    nguoi di cu duoc cuu 1
    Người dân nhìn ra những mảnh vỡ trôi nổi sau khi một chiếc thuyền chở người di cư bị chìm ngoài khơi đảo Kythira

    nguoi di cu duoc cuu 1
    Những người may mắn được giải cứu ngồi trên thuyền trở về đất liền

    Bên cạnh những người được giải cứu thành công, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hy Lạp cũng trục vớt được khoảng 17 thi thể, trong đó có 16 phụ nữ và một bé trai tại ngoài khơi bờ biển Lesbos của Hy Lạp. Ít nhất 5 người được cho là đã thiệt mạng trong sự cố đắm thuyền còn lại, xảy ra ngoài khơi đảo Kythira.

    Ông Nikos Kokkalas phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia: "Những người phụ nữ được giải cứu vẫn đang trong tình trạng hoàn toàn hoảng loạn, vì vậy chúng tôi vẫn đang cố gắng tìm hiểu chính xác điều gì đã xảy ra".

    Được biết, khu vực ngoài khơi bờ biển Lesbos, ở phía đông Aegean, Hy Lạp là trung tâm của nhiều cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu vào năm 2015 và 2016 khi hàng trăm nghìn người cố gắng vượt qua hòn đảo bằng thuyền từ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ.

    Hiện tại, chiến dịch cứu hộ vẫn đang tiếp tục được tiến hành, các thợ lặn đã được cử đến để tham gia giải cứu những người mất tích.

    Kênh 14 (theo New York Times, NBC News)

  • Giới chức Syria ngày 23/9 cho biết ít nhất 73 người đã thiệt mạng sau khi một con tàu chở người di cư khởi hành từ Lebanon chìm ở ngoài khơi bờ biển Syria.

    chim tau cho di dan 1
    Người phụ nữ hôn ảnh người con thiệt mạng trong vụ đắm tàu ở ngoài khơi Syria hôm 22/9. Ảnh: AFP

    "Số nạn nhân vụ đắm tàu đã lên tới 73 người", Bộ trưởng Y tế Syria Hassan al-Ghabash tuyên bố, nói rằng 20 người sống sót đang được điều trị tại bệnh viện ở cảng Tartus, Syria, AFP đưa tin.

    Bộ trưởng Giao thông Lebanon Ali Hamie nói rằng hơn 100 người, phần đông là người Lebanon và Syria, đã ở trên con thuyền nhỏ bị chìm hôm 22/9 ở ngoài khơi thành phố Tartus. Con tàu xuất phát từ cảng Tripoli ở Lebanon.

    "Tôi đang thảo luận với Bộ trưởng Giao thông Syria về việc nhận lại thi thể từ nước này", ông Hamie nói, cho biết thêm 5 người được cứu là công dân Lebanon.

    chim tau cho di dan 1
    Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân và người sống sót sau vụ chìm tàu ở ngoài khơi Syria hôm 22/9. Ảnh: AFP.

    Đây được cho là vụ đắm tàu chết chóc nhất từ Lebanon những năm gần đây. Vào năm 2021, nước này ghi nhận số người di cư rời đất nước đến châu Âu tăng đột biến.

    Hồi tháng 4, một chiếc thuyền chở đầy người di cư bị Hải quân Lebanon truy đuổi đã chìm, khiến hàng chục người thiệt mạng. Vụ việc dấy lên nhiều tranh cãi khi những người trên tàu nói hải quân đã đâm vào con tàu, trong khi các quan chức cho hay nhóm buôn lậu người đã liều lĩnh bỏ trốn.

    Hôm 13/9, Tuần duyên Thổ Nhĩ Kỳ thông báo 6 người di cư thiệt mạng, bao gồm 2 trẻ em, trong một vụ đắm tàu khác. Con tàu khởi hành từ Tripoli và đang cố đến Italy.

    Hầu hết tàu chở di dân đi từ Lebanon sẽ hướng đến Cyprus, một thành viên Liên minh châu Âu (EU), cách Lebanon khoảng 175 km về phía tây.

    Theo Zing

  • Ít nhất 8 người di cư được phát hiện đã chết đuối trong quá trình vượt sông Rio Grande để vào Mỹ từ Mexico.

    Hôm 1/9, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) đã vớt được 6 thi thể trong quá trình ứng cứu một đám đông người di cư đang cố tìm cách vượt sông Rio Grande để vào Mỹ. Cùng ngày, phía lực lượng Mexico đã phát hiện thêm 2 thi thể khác trên sông Rio Grande.

    Đây được cho là những người di cư bị chết đuối khi đang cố tìm cách vượt sông Rio Grande sau những ngày mưa lớn, khiến dòng nước chảy đặc biệt nhanh và mạnh, CBP cho biết trong một tuyên bố hôm 2/9.

    Hiện các thông tin chi tiết về quốc tịch và độ tuổi của các nạn nhân vẫn chưa được công bố.

    Cũng trong tuyên bố, CBP cho biết đã giải cứu được 37 người di cư khác khỏi dòng nước chảy xiết và bắt giữ 16 người. Trong khi đó, các quan chức Mexico đã bắt giữ 39 người di cư khi nhóm này đang cố tìm cách vượt sông.

    Một quan chức CBP giấu tên cho rằng đây là vụ tai nạn lớn nhất tại sông Rio Grande trong nhiều năm qua. Lực lượng chức năng ở cả hai bên biên giới Mỹ - Mexico đang tiếp tục tìm kiếm những nạn nhân khác.

    nguoi di cu vuot song
    Lực lượng tuần tra biên phòng tại thành phố Eagle Pass, bang Texas thường xuyên phải điều cano để giải cứu nạn nhân cố vượt sông. Ảnh: New York Times

    Khu vực Del Rio, bao gồm Eagle Pass, bang Texas (Mỹ) đã nhanh chóng trở thành tuyến đường bận rộn nhất cho những người di cư cố gắng sang Mỹ kể từ năm 2020. Tuyến đường này cần vượt qua Thung lũng Rio Grande, thuộc bang Texas (Mỹ), vốn là tâm điểm làn sóng di cư tới Mỹ trong thập kỷ qua.

    Người dân từ nhiều quốc gia biên giới với Mỹ, trong đó có nhiều gia đình có con nhỏ, vẫn bất chấp vượt qua dòng sông Rio Grande đặc biệt nguy hiểm để qua biên giới Mỹ. Việc vượt sông này là một thách thức ngay cả đối với những người bơi giỏi do dòng chảy của sông rất mạnh và có thể thay đổi nhanh chóng.

    Trong những thập kỷ qua, hàng nghìn người đã thiệt mạng khi cố gắng vượt qua sông Rio Grande để sang thành phố Eagle Pass qua Mỹ. Vào tháng 8, giới chức Mỹ đã phát hiện thi thể của hơn 200 người di cư tìm cách vượt biên trong khoảng thời gian từ tháng 10/2021 đến tháng 7/2022.

    Theo Zing

  • nguoi di cu o hungary
    Ảnh minh họa

    Vụ va chạm xảy ra ở khu vực gần làng Bocsa cách thủ đô Budapest 122km về phía Nam. Xe ôtô chở 15 đã không dừng lại tại chốt kiểm soát của cảnh sát và đâm trực diện vào một ôtô khác trước khi bốc cháy.

    Ít nhất 3 người di cư đã thiệt mạng và 11 người khác bị thương trong vụ tai nạn ô tô chở họ xảy ra ngày 5/8 ở miền Nam Hungary. Cảnh sát cho biết vụ tai nạn do một kẻ buôn người gây ra. 

    Theo cảnh sát, vụ va chạm xảy ra ở khu vực gần làng Bocsa cách thủ đô Budapest 122km về phía Nam. Xe ôtô chở 15 đã không dừng lại tại chốt kiểm soát của cảnh sát và đâm trực diện vào một ôtô khác trước khi bốc cháy.

    2 người đã thiệt mạng tại chỗ, trong khi người thứ 3 tử vong sau khi được đưa đến bệnh viện. 11 người bị thương đang được điều trị trong bệnh viện.

    Cảnh sát cho biết thêm đã bắt giữ lái xe mang quốc tịch Gruzia, đối tượng tình nghi là kẻ buôn người di cư đã gây ra vụ tai nạn này. 

    Tuần trước, cố vấn của Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết từ đầu năm đến nay, 157.000 người di cư đã đến biên giới nước này, tăng mạnh so với con số của năm ngoái.

    Ông Orban, người có quan điểm cứng rắn trong vấn đề người di cư, hồi tháng trước cho biết ông sẽ thành lập một cơ quan an ninh biên giới mới nhằm ngăn chặn tình trạng gia tăng này.

    Năm 2015, Thủ tướng Orban đã dựng các hàng rào thép gai ở biên giới Hungary để ngăn người di cư, đồng thời triển khai những chính sách nghiêm ngặt đối với người xin tị nạn./.

    Theo TTXVN

  • Ba anh em nhà Olivares bắt đầu hành trình tìm đến nước Mỹ với đầy hoài bão, nhưng giấc mơ của họ đã chết ngạt trong chiếc xe container định mệnh ở Texas.

    Không khí bên ngoài ngôi nhà của gia đình Olivares ở San Marcos Atexquilapan, Mexico, đặc quánh bởi khói củi cháy quyện với hương trầm.

    Trước mặt tiền của ngôi nhà hai tầng khiêm tốn là ba vòng hoa khổng lồ, dành cho Misael, Yovani và Jair. Những bức ảnh chụp ba anh em họ đặt ở trung tâm của dàn hoa. Nét mặt tự nhiên, không nếp nhăn cho thấy họ trẻ như thế nào khi bắt đầu chuyến hành trình định mệnh về phía bắc vài tuần trước.

    Mirael và Yovani đều 16 tuổi. Người lớn tuổi nhất là Jair, anh trai của Yovani, cũng chỉ đôi mươi. Họ còn quá trẻ để chết, đặc biệt trong một hoàn cảnh khủng khiếp khi bị bỏ rơi bên trong chiếc xe tải không máy lạnh, nước uống, trên một con đường hoang vắng ở San Antonio, Texas, cách nhà khoảng 1.300 km, theo BBC.

    Ba anh em họ nằm trong số 53 người di cư từ Mexico, Honduras, Guatemala và El Salvador đã chết hồi tháng 6, vì say nắng và mất nước trong vụ buôn người chết chóc nhất lịch sử Mỹ.

    so phan nguoi di cu my mexico 1
    Ba anh em họ Yovani Valencia Olivares và Misael Olivares Monterde đều 16 tuổi, Jair Valencia Olivares 20 tuổi. Họ nằm trong số 53 người thiệt mạng trong chiếc xe container ở Texas, Mỹ, hồi tháng 6. Ảnh: BBC

    Giấc mơ tìm kiếm chân trời mới

    Giờ đây, thi thể của ba người đàn ông trẻ tuổi đã trở lại ngôi làng nơi họ bắt đầu chuyến đi định mệnh. Quan tài của họ đặt cạnh nhau trong căn phòng phía trước ngôi nhà của gia đình. Và toàn bộ người dân San Marcos Atexquilapan đang bày tỏ sự kính trọng và thương tiếc cùng gia đình.

    “Theo một cách nào đó, giờ tôi bình tĩnh hơn một chút vì tôi từng quá lo lắng cho chúng”, bà Yolanda, mẹ của hai anh em Jair và Yovani, chia sẻ khi dân làng đến thắp nến trước bàn thờ của họ.

    Tuy nhiên, sự lo lắng khi ấy đã bị thay thế bằng một cảm giác mất mát sâu sắc. "Dù tôi biết mình sẽ không bao giờ gặp lại chúng, ít nhất tôi sẽ có một nơi để tang và mang hoa đến cho con mình”, bà nói.

    Tại đám tang, những người đàn ông đang xẻ thịt 6 con lợn mới giết mổ, do nông dân trong làng ủng hộ, hai con lợn khác treo trên lưng một chiếc xe bán tải. Trong khi đó, những người phụ nữ nấu một món hầm cay với thịt lợn, ăn kèm bánh tamales và nước ngọt.

    Đó là những món ăn xoa dịu, dành cho một cộng đồng vốn đang rất cần chút niềm ủi an. Các hoạt động nấu nướng và nghi thức tang lễ truyền thống dường như cũng giúp gia đình nạn nhân tạm phân tâm khỏi nỗi buồn.

    Ba chàng trai nhà Olivares rời làng để tìm kiếm một điều: Cơ hội làm ăn lớn hơn. Họ không chạy trốn bạo lực hay tội phạm có tổ chức.

    Họ chỉ là những chàng trai trẻ hy vọng đến được Austin, Texas, để kiếm đủ tiền gửi về cho gia đình, và tìm những cơ hội mới vượt ngoài chân trời ở ngôi làng nơi họ sinh ra.

    Song sự nguy hiểm trong hành trình này là câu chuyện mà các cộng đồng miền núi ở bang Veracruz, Mexico, đều biết quá rõ.

    "Chúng tôi biết có rủi ro nhưng chúng đã thấy những người khác đến được (Mỹ), thậm chí cả những cô gái trẻ, và điều đó thúc đẩy các con tôi cố gắng", bà Yolanda đau buồn giải thích. "Chúng đã có kế hoạch, muốn xây nhà, mở cơ sở kinh doanh chứ không chỉ ngồi đây đóng giày".

    Bước ngoặt số phận

    Toàn bộ làng San Marcos Atexquilapan là một dây chuyền sản xuất giày và bốt lâu đời.

    Tomas Valencia, một người anh em họ của 3 nạn nhân, cho biết: “Chúng tôi có thể làm được 80 đôi giày vào một ngày đẹp trời”. Điều đó tạo ra thu nhập khoảng 30-40 USD/tuần, "nhưng nếu sản xuất ít hơn, chúng tôi kiếm được ít hơn".

    Điều đó khiến Tomas từng nghiêm túc xem xét việc tham gia hành trình mạo hiểm giống như những người anh em họ của mình - một sự cám dỗ dường như đã xâm chiếm tâm trí của hầu hết người trẻ trong thị trấn.

    Tuy nhiên, anh chỉ mới kết hôn một năm trước và giờ đây chứng kiến ​​cái chết kinh hoàng của những người anh em, Tomas đã quyết định ở lại, ít nhất là cho đến bây giờ.

    Những xưởng sản xuất giày gia đình, nghề nông hay chăn nuôi, không thể chiến thắng sức hút từ công việc ổn định, được trả bằng USD ở Mỹ.

    “Nếu mọi thứ vẫn tiếp diễn theo cách này, chúng tôi có thể sẽ kết thúc giống như một số ngôi làng khác quanh đây - trở thành một làng ma. (Nơi đây) sẽ chỉ còn người già bị bỏ lại, tất cả người trẻ sẽ ra đi”, ông Juan Valencia, một thợ đóng giày đã nghỉ hưu, cho biết.

    Ông cho rằng trừ khi các nhà máy sản xuất giày quy mô lớn được thành lập trong khu vực, họ sẽ không thể ngăn những người trẻ đi di cư, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế suy thoái do đại dịch Covid-19. Con trai của ông Valencia cũng đang tự tìm đường đến Mỹ và họ đã không nhận được tin tức từ anh trong 8 ngày qua.

    Trong khi đó, theo cha của Misael, ông Gerardo Olivares, kết thúc bi thảm của con trai ông sẽ không khiến những người khác phải đau lòng hay sợ hãi quá lâu. Ông cũng không nghĩ họ nên như vậy.

    “Những người trẻ nên tìm kiếm ước mơ của mình. Không phải ai cũng có chung một bi kịch. Mỗi người đều có số phận riêng", ông nói.

    Sau bữa ăn, tiếng chuông nhà thờ vang lên và 3 chiếc quan tài được nâng lên vai cha, chú và bạn bè của các chàng trai. Họ đi qua thị trấn đến nhà thờ, những người đưa tang hát một bài thánh ca nhẹ nhàng theo sau những chiếc quan tài, nhiều người trong số họ lau nước mắt.

    Có lẽ họ nghĩ rằng chỉ cần bước ngoặt số phận xoay chuyển một chút, những chàng trai trẻ này có thể đã đến được Austin, Texas, tìm kiếm công việc mới thay vì bị chôn cất ở quê hương lúc này.

    Sau đám tang, dân làng cùng nhau uống aguardiente - đồ uống có cồn của người dân địa phương - và bia.

    Một trong những người chú của các chàng trai xấu số, tên Oscar, đã cho các phóng viên xem đoạn video trên điện thoại di động. Đó là lần liên lạc cuối cùng giữa gia đình và các chàng trai trong chuyến hành trình của họ. Trong đó, họ nằm trên chiếc giường đơn tại một nhà nghỉ rẻ tiền hoặc một nơi trú ẩn của người di cư, ở miền Bắc Mexico.

    Họ cởi trần trong cái nóng ngột ngạt, mỉm cười và vẫy tay chào gia đình. Không lâu sau đó, Jair, Yovani và Misael được đưa lên một chiếc xe container với hy vọng tràn đầy, nhưng ước mơ tuổi trẻ của họ đã chết ngạt cùng với 50 người khác.

    Theo Zing

  • Những kẻ buôn người trái phép đã bỏ lại chiếc xe đông lạnh đóng kín cùng với hàng trăm người nhập cư bên trong tại một tuyến đường cao tốc ở Mexico.

    nguoi di cu bi bo lai tren xe tai
    Đoàn người nhập cư đi bộ trên đường cao tốc Huehuetan, Mexico ngày 7/6/2022. Ảnh: AP

    Theo đài phát thanh địa phương Azreca, sự việc xảy ra tại khu vực phía Nam của bang Veracruz vào tối 27/7. Những người nhập cư này cho biết họ đang trên hành trình đến biên giới Mỹ thì lái xe bỏ mặc. Vì xe đóng kín nên không có khí ô xy để thở, họ đã phải cố gắng phá nóc xe để thoát ra. May mắn thay, người dân khu vực xung quanh đã chạy đến giúp họ khỏi bị chết ngạt. 

    Giới chức Mexico cho biết nhóm người nhập cư trái phép này chủ yếu đến từ Honduras, El Salvador, Guatemala, Venezuela và Haiti, trong đó có một số trẻ em. Khi lực lượng chức năng đến, bên trong xe có 94 người và trên 100 người khác được cho là đã bỏ chạy khỏi hiện trường. 

    Một số người đã bị thương khi phải nhảy khỏi nóc xe đông lạnh. Hàng chục người khác đã phải nhập viện điều trị do cơ thể bị bầm tím và có triệu chứng ngạt thở. 

    Các băng nhóm buôn lậu người ở Mexico thường nhồi nhét người nhập cư vào trong những chiếc xe tải chật kín để đưa họ qua biên giới trái phép. 

    Tháng trước, ít nhất 50 người nhập cư đã chết ngạt trong xe tải sau khi bị bỏ rơi dưới cái nóng như đổ lửa tại San Antonio, Texas.

    Trong thông báo liên quan, Nhà Trắng miêu tả sự việc trên là vô cùng kinh hoàng và đau lòng. Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) thống kê từ năm 2014 đến nay đã có khoảng 6.430 người nhập cư bị thiệt mạng hoặc mất tích khi trên đường đến nước Mỹ. 

    Theo Tiền Phong

  • Việc buôn lậu người nhập cư xuyên biên giới đã trở thành lĩnh vực kinh doanh trị giá hàng tỷ USD ở Mỹ, khi số lượng người tìm cách vượt biên đến nước này ngày càng tăng.

    Nhìn từ đường phố, ngôi nhà nhỏ màu nâu không có gì nổi bật nhưng lại tạo cảm giác dễ chịu. Tuy nhiên, ở sân sau của nó là một ngôi nhà di động mà sau này, một công tố viên đã mô tả là “ngôi nhà kinh hoàng”, theo New York Times.

    Nó được phát hiện vào năm 2014, khi một người đàn ông gọi đến báo rằng ông Moises Ferrera, cha dượng của anh, một người di cư từ Honduras, đang bị giam giữ ở đó và bị tra tấn bởi những tội phạm buôn người đã đưa ông vào Mỹ.

    Người đàn ông cho biết những kẻ bắt giữ cha dượng của anh muốn có nhiều tiền hơn. Họ dùng búa đập liên tục vào tay ông Ferrera, đe dọa sẽ tiếp tục cho đến khi gia đình ông gửi tiền.

    buon nguoi o my 1
    Các công tố viên cho biết lãnh đạo của một băng nhóm buôn người đã ra lệnh tra tấn người di cư phía sau ngôi nhà này. Ảnh: New York Times

    Ngành kinh doanh tỷ USD tại Mỹ

    Khi các đặc vụ liên bang và cảnh sát trưởng đến ngôi nhà này, họ phát hiện ông Ferrara không phải là nạn nhân duy nhất. Điều tra cho thấy những tội phạm buôn người đã bắt giữ hàng trăm người di cư để đòi tiền chuộc ở đó. Họ dùng những cách tra tấn tàn bạo như cắt tứ chi của người di cư và hãm hiếp phụ nữ.

    “Những gì đã xảy ra ở đó là chủ đề khoa học viễn tưởng, phim kinh dị - và một thứ mà chúng tôi đơn giản sẽ không thấy ở Mỹ”, công tố viên Matthew Watters nói với bồi thẩm đoàn. Ông cho rằng các băng đảng tội phạm có tổ chức đã đưa nỗi kinh hoàng này qua biên giới.

    Tuy nhiên, nếu đó là một trong những trường hợp đầu tiên, nó không phải là trường hợp cuối cùng. Hoạt động buôn người di cư ở biên giới phía nam nước Mỹ đã bùng nổ trong 10 năm qua, từ một mạng lưới rải rác của những “chó sói đồng cỏ” tự do thành ngành kinh doanh quốc tế trị giá hàng tỷ USD do tội phạm có tổ chức kiểm soát.

    Cái chết của 53 người di cư ở San Antonio vào tháng trước là vụ buôn người chết chóc nhất ở quốc gia này cho đến nay. Vụ việc xảy ra khi các hạn chế biên giới của Mỹ bị thắt chặt, từ đó thúc đẩy người di cư tìm kiếm sự hỗ trợ của những tội phạm buôn người để vào Mỹ.

    Trong khi những người di cư từ lâu đã phải đối mặt với nhiều vụ bắt cóc và tống tiền tại các thành phố biên giới ở Mexico, những vụ việc như vậy đang gia tăng ở phía Mỹ, theo các nhà chức trách liên bang.

    Trong năm qua, các đặc vụ liên bang đã đột kích các ngôi nhà tạm giữ hàng chục người di cư gần như hàng ngày.

    Theo Guadalupe Correa-Cabrera, một chuyên gia về buôn lậu tại Đại học George Mason, mức phí người di cư phải trả thường dao động trong khoảng 4.000 USD nếu họ đến từ Mỹ Latin, và lên tới 20.000 USD nếu họ phải di chuyển từ châu Phi, Đông Âu hoặc châu Á.

    Trong nhiều năm, những "chó sói đồng cỏ" độc lập đã trả cho các băng đảng khoản thuế để đưa người di cư qua lãnh thổ mà họ kiểm soát dọc theo biên giới. Các tổ chức tội phạm vẫn gắn chặt với đường dây kinh doanh truyền thống của chúng - buôn lậu ma túy - vốn mang lại lợi nhuận lớn hơn nhiều.

    Điều đó bắt đầu thay đổi vào khoảng năm 2019, Patrick Lechleitner, quyền Phó giám đốc Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ, nói. Theo ông, số lượng lớn người tìm cách vượt biên đã khiến cho việc buôn lậu người nhập cư trở thành một kênh kiếm tiền không thể cưỡng lại được đối với một số băng đảng.

    Các tổ chức kinh doanh có những đội ngũ phụ trách những vấn đề riêng biệt, và tất cả đều hỗ trợ một ngành công nghiệp có doanh thu đã tăng từ 500 triệu USD vào năm 2018 lên khoảng 13 tỷ USD ngày nay, theo Cơ quan Điều tra An ninh Nội địa.

    Tiền mất, tật mang

    Những người di cư được di chuyển bằng máy bay, xe buýt và các phương tiện cá nhân. Phương tiện chở người di cư hòa cùng 20.000 xe tải di chuyển hàng ngày trên xa lộ I-35 đến và đi từ Laredo, cảng đất liền nhộn nhịp nhất của Mỹ.

    Các nhân viên Tuần tra Biên giới được bố trí tại các trạm kiểm soát chỉ kiểm tra một phần nhỏ các phương tiện để đảm bảo giao thông được ổn định.

    Chiếc container được phát hiện vào ngày 27/6 ở Texas đã đi qua một trạm kiểm soát mà không gây ra nghi ngờ gì. Vào thời điểm nó dừng lại trên một con đường hẻo lánh ở San Antonio, hầu hết trong số 64 người bên trong đã chết.

    buon nguoi o my 1
    Những phương tiện chở người di cư bất hợp pháp thường hòa cùng hàng chục nghìn chiếc xe khác lưu thông trên đường. Ảnh: New York Times.

    Trước đó, vụ việc xảy ra tại ngôi nhà ở Texas năm 2014 cũng đã khiến thủ phạm bị bắt giữ. Một phiên tòa sau đó đã cung cấp cái nhìn sống động bất thường về các thủ đoạn tàn bạo của hoạt động buôn lậu.

    Giới chức thực thi pháp luật liên bang cho biết mặc dù bắt cóc và tống tiền xảy ra với tần suất nhất định, các phiên tòa với nhân chứng hợp tác là tương đối hiếm. Lo sợ bị trục xuất và do không có giấy tờ, người thân của những người di cư bị bắt cóc hiếm khi gọi điện báo chính quyền.

    Ông Ferrera, 54 tuổi, nạn nhân bị tra tấn, lần đầu tiên di cư đến Mỹ vào năm 1993. Ông đi tới các công trường xây dựng ở Los Angeles và San Francisco, nơi ông kiếm được số tiền gấp 10 lần khi ở Honduras. Ông đã trở về nhà vài năm sau đó.

    “Vào những ngày đó, bạn không cần một con sói đồng cỏ”, ông nói.

    Khi lên đường vào đầu năm 2014, ông Ferrera biết rằng mình sẽ phải thuê một kẻ buôn lậu để đi qua biên giới. Ở Piedras Negras (Mexico), một người đàn ông hứa sẽ hướng dẫn ông đến tận Houston. Mario Pena, con trai của ông Ferrera, cho biết ông đã chuyển khoản 1.500 USD để thanh toán.

    Sau khi đến Texas, ông Ferrera và một số người di cư khác được đưa đến xe kéo ở Carrizo Springs. Không lâu sau, con của ông Ferrera nhận được một cuộc gọi yêu cầu trả thêm 3.500 USD.

    Pena nhớ lại rằng các cuộc gọi trở nên thường xuyên và đầy tính đe dọa. Những tội phạm buôn người để cho anh nghe thấy tiếng thét và rên rỉ của người cha dượng, mỗi khi một chiếc búa giáng xuống ngón tay ông.

    Anh Pena đã xoay sở để chuyển được 2.000 USD qua Western Union, nhưng khi những kẻ bắt giữ nhận ra rằng họ không thể thu tiền vì đó là ngày chủ nhật, chúng đã tăng cường tấn công.

    Anh Pena đã gọi 911.

    Theo Jonathan Bonds - một trong những đặc vụ, các nhân viên thực thi pháp luật đã tìm thấy ông Ferrera trong tình trạng “bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất, với rất nhiều máu trên người".

    Sau khi ra làm chứng và hỗ trợ lực lượng thực thi pháp luật, ông Ferrera được phép ở lại Mỹ. Tuy nhiên, ông đã phải trả giá cho cuộc sống mới của mình bằng một đôi tay không còn sức sống.

    Theo Zing

  • Hơn 600 người di cư trên một thuyền đánh cá có hành trình vượt biển Địa Trung Hải đã được lực lược bảo vệ bờ biển Calabria và một tàu chở hàng giải cứu ở mỏm phía Nam của nước này vào ngày 23/7.

    Ngày 24/7, giới chức Italy cho biết hơn 1.000 người di cư đã tới nước này chỉ trong vài giờ đồng hồ trong khi đó hàng trăm người di cư khác đã được giải cứu khi gặp nạn ở ngoài khơi Calabria và đang đợi được tiếp nhận.

    Cụ thể, giới chức Italy cho biết hơn 600 người di cư trên một thuyền  đánh cá có hành trình vượt biển Địa Trung Hải đã được lực lược bảo vệ bờ biển Calabria và một tàu chở hàng giải cứu ở mỏm phía Nam của nước này vào ngày 23/7.

    nguoi di cu tren dia trung hai
    (Ảnh minh họa)

    Những người này đã được đưa đến nhiều cảng biển ở Sicily và Calabria vào sáng hôm sau. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng tìm thấy 5 thi thể người di cư đã thiệt mạng trước đó trên biển. 

    Tại đảo Lampedusa, khoảng 522 người di cư từ các nước như Afghanistan, Pakistan, Sudan, Ethiopia và Somalia đã đến đảo này vào tối 23/7 trên 15 thuyền khởi hành từ Tunisia và Libya.

    Trước đó, cùng trong ngày, chính quyền đảo cũng đã tiếp nhận 350 người di cư. Hãng thông tấn Ansa của Italy cho hay cơ sở hạ tầng tại Lampedusa đang quá tải khi phải tiếp nhận 1.200 người di cư trong khi sức chứa tối đa là 300 người.

    Nhiều tổ chức phi chính phủ vẫn đang thực hiện nhiệm vụ giải cứu người di cư gặp nạn trên biển Địa Trung Hải. Tổ chức SeaWatch cho biết đã tiến hành 4 đợi giải cứu người di cư vào ngày 23/7, trong đó tàu SeaWatch3 đã tìm thấy và cứu giúp hơn 420 người di cư.

    Trong khi đó, tàu OceanViking, do tổ chức SOS Mediterranean vận hành, đã giải cứu 87 người di cư, bao gồm cả trẻ nhỏ không có người thân đi cùng.

    Thống kê của Bộ Nội vụ Italy cho biết từ đầu năm đến ngày 22/7, nước này đã ghi nhận 34.000 người di cư đến đây, cao hơn so với mức 25.500 người của cùng kỳ năm ngoái và 10.900 của năm 2020.

    Giới chuyên gia nhận định, các nước Địa Trung Hải nằm trên các tuyến đường di cư lớn vào châu Âu có thể sẽ ghi nhận hơn 150.000 lượt người di cư trong năm nay trong bối cảnh lương thực thiếu hụt do cuộc xung đột tại Ukraine đe dọa làm bùng phát một làn sóng di cư mới từ châu Âu và Trung Đông.

    Theo TTXVN

  • 46 nguoi trong xe container thi the

    Theo hãng tin AP, một quan chức Mỹ cho biết ít nhất 40 người được tìm thấy đã chết bên trong chiếc xe đầu kéo trong một vụ buôn lậu người di cư ở San Antonio (Texas - Mỹ).

    AP cho biết 15 người khác còn sống đã được đưa đến bệnh viện ở San Antonio. Các thi thể được tìm thấy hôm 27-6. Quan chức Mỹ nói trên yêu cầu AP giấu tên vì thông tin chưa được phép công bố rộng rãi.

    40 thi the trong xe dau keo 1
    Lực lượng chức năng đã phong tỏa đoạn đường nơi có chiếc xe đầu kéo chứa 42 thi thể trong container - Ảnh: AP

    Các bức ảnh mà AP và hãng tin Reuters chụp từ ngoài dải băng phong tỏa, cũng như một đoạn clip 26 giây quay từ ngoài nơi phong tỏa và bằng fiycam vừa được ABC News đăng tải, cho thấy hàng chục xe cảnh sát, xe cứu thương và xe cứu hộ đậu dày đặc trên một đoạn đường xung quanh chiếc xe đầu kéo với container đã được mở.

    Theo Reuters, một quan chức thực thi pháp luật đã thông báo với họ tóm tắt vụ việc. Đài truyền hình KSAT của San Antonio đưa tin có tổng cộng 42 (hoặc 46) thi thể trong xe tải, trích dẫn nguồn tin không xác định của cảnh sát San Antonio.

    Chiếc xe tải được tìm thấy bên cạnh đường ray ở một khu vực hẻo lánh thuộc ngoại ô phía Nam TP San Antonio. Cảnh sát San Antonio hiện chưa trả lời yêu cầu bình luận từ phía báo đài.

    Giới chức Mexico đến hiện trường

    Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard cho biết Lãnh sự nước này Ruben Minutti đang đến hiện trường. Theo ông Ebrard, hiện chưa rõ quốc tịch của các nạn nhân. Trong khi đó, Tổng lãnh sự quán Mexico tại San Antonio cho biết sẽ cung cấp hỗ trợ cần thiết nếu có bất kỳ người Mexico nào liên quan đến vụ việc trên.

    40 thi the trong xe dau keo 1
    Lực lượng thực thi pháp luật Mỹ điều tra tại hiện trường trên 40 thi thể bên trong chiếc xe tải đầu kéo ở San Antonio, bang Texas, ngày 28/6/2022. Ảnh: KSAT/TTXVN

    Thông tin mới nhất từ lực lượng cứu hỏa San Antonio, không có trẻ em nào trong số những người thiệt mạng. 3 người đã bị bắt giữ. Trong số 16 nạn nhân sống sót, được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, có 12 người lớn và 4 trẻ em. Lực lượng chức năng không tìm thấy nước trong chiếc xe này, nhiều khả năng những người trong xe bị nóng, kiệt sức.

    Trước đó, hãng truyền thông KSAT ở San Antoino dẫn các nguồn tin cho biết 46 người đã được tìm thấy trong tình trạng đã tử vong bên trong xe tải đầu kéo 18 bánh, ở đường Qintana, thành phố San Antonio, bang Texas (Mỹ), trong khi 16 nạn nhân còn sống đã được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, với các tình trạng khác nhau.

    Theo báo New York Times, chiếc xe đầu kéo này đã bị bỏ lại tại một khu vực hẻo lánh, gần đường ray tàu hỏa. Toàn bộ những người trong xe được cho là người di cư không có giấy tờ, nhập cảnh trái phép vào Mỹ. Nhà chức trách liên bang đang tiến hành điều tra vụ việc.

    46 nguoi xe container 1
    Chiếc xe tải bị bỏ lại ở ven đường quốc lộ Quintana. Ảnh: FoxNews

    46 nguoi xe container 1
    Cận cảnh chiếc xe tải chứa người nhập cư trái phép. Ảnh: FoxNews

    46 nguoi xe container 1
    Cảnh sát địa phương đang khẩn trương làm rõ nguyên nhân vụ việc. Ảnh: FoxNews

    San Antonio đang trải qua đợt nắng nóng, với mức nhiệt trong ngày 27/6 lên tới 39,4 độ C. Theo Ban an toàn giao thông đường cao tốc quốc gia, nhiệt độ trong xe đầu kéo có thể lên tới hơn 46 độ C.

    Đây có thể là thảm họa nghiêm trọng nhất liên quan đến người di cư tìm đường đến Mỹ trong những năm gần đây. Vào năm 2017, một vụ việc tương tự cũng diễn ra ngay ở San Antonio. Khi một chiếc container chở 40 người nhập cư bất hợp phát bị bỏ lại ven đường. Tám người trong đó đã tử vong tại hiện trường, thêm 2 người được đưa vào bệnh viện không qua khỏi. Tài xế bị kết án tù chung thân.

    Theo TTXVN

  • Định cư bất hợp pháp và nghèo đói, Mary phải sống những tháng ngày đầy cơ cực và bất an tại Đức, dù đang gần đến ngày sinh.

    "Cô đang sống ở đâu?", nữ hộ sinh Maike Jansen hỏi khi kiểm tra sức khỏe cho Mary (tên đã được thay đổi), một thai phụ người Ghana đang mang thai 32 tuần. "Tôi không có nơi ở", Mary trả lời. "Lúc tôi sống chỗ này, lúc ở chỗ khác".

    "Thật khó khăn nếu cô không có một nơi ở cố định", Jansen trả lời, bày tỏ nỗi thương cảm cho hoàn cảnh của thai phụ. Mary gật đầu, tay siết chặt mẩu khăn giấy.

    Cô không có giấy tờ định cư hợp pháp ở Đức, không có tiền, không có chỗ ở cố định, không được bảo vệ và cũng không được chăm sóc y tế, cuộc sống mà theo mô tả của Mary không khác gì "địa ngục".

    "Nếu có ai đó làm gì tôi, tôi không được lên tiếng, cũng không thể làm gì họ. Điều duy nhất có thể là im lặng và quên đi", Mary cho hay.

    Lý do là cô sợ bị trục xuất khỏi Đức. Những người định cư trái phép ở Đức như Mary sẽ bị truy tố và trục xuất nếu chẳng may bị phát hiện, nên họ luôn phải sống chui lủi nay đây mai đó và tránh gây chú ý, như không đi xe buýt, không tới bệnh viện...

    Điều này khiến nhiều người trong số họ không được thăm khám và điều trị kịp thời khi mắc bệnh, hoặc không được theo dõi sức khỏe thai kỳ thường xuyên.

    Nữ hộ sinh Maike Jansen (trái) đang khám cho Mary tại phòng khám của tổ chức từ thiện Andocken, thành phố Hamburg, Đức hồi tháng 10/2019. Ảnh: DW

    Tuy nhiên, Mary có lẽ đã may mắn hơn những người khác khi nhận được sự giúp đỡ từ Andocken, tổ chức từ thiện được nhà thờ tài trợ ở thành phố Hamburg, phía bắc nước Đức. Quan trọng hơn là ở đây, mọi thông tin của cô sẽ không được tiết lộ với nhà chức trách địa phương. 

    Mỗi ngày, có nhiều người như Mary tìm đến phòng khám của Andocken để chờ đợi được các bác sĩ đa khoa, sản khoa và nhân viên y tế thăm khám, điều trị miễn phí.

    Trong lần thăm khám mới đây, Mary được bác sĩ phụ khoa Teresa Steinmüller chẩn đoán bị huyết áp cao, béo phì, nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Tất cả đang đe dọa tới sức khỏe và sự phát triển của đứa con trong bụng cô.

    Theo bác sĩ Steinmüller, cuộc sống bấp bênh không giấy tờ và nỗi sợ bị trục xuất sẽ khiến Mary luôn cảm thấy bất an và căng thẳng, nghiêm trọng hơn là mất ngủ, trầm cảm, và tăng nguy cơ sẩy thai hoặc sinh non.

    "Họ luôn phải sống trong nỗi lo sợ thường trực. Họ rất cần sự giúp đỡ, hỗ trợ", bác sĩ Steinmüller cho biết.

    Mary chỉ còn một quả thận, nguyên nhân khiến cô không thể trở về Ghana và bị mắc kẹt ở châu Âu. Cô trước đó tới Anh để hiến thận cho một người họ hàng, nhưng người này chết vì phẫu thuật không thành công, để lại cô một mình, bơ vơ không có giấy tờ tùy thân ở châu Âu.

    Sau đó, cô tìm đường tới Đức và cuối cùng là thành phố Hamburg. Cuộc sống bất hợp pháp khiến cô không thể tìm được một công việc cố định, thay vào đó là những công việc tạm bợ, bấp bênh với đồng lương ít ỏi.

    Việc sống chui lủi còn dẫn tới nhiều hệ quả nghiêm trọng khác như đứa con cô đang mang trong bụng có thể không được chứng sinh khi ra đời. Điều này đồng nghĩa về mặt pháp luật, đứa trẻ chưa được công nhận là con của cô và có nguy cơ bị tách khỏi mẹ trong trường hợp cô bị phát hiện định cư trái phép.

    Đứa con của Mary sẽ chỉ được công nhận sau khi chào đời nếu bố đứa bé là người Đức hoặc là cư dân hợp pháp ở Đức và thừa nhận quyền làm cha. Trong trường hợp đó, Mary cũng được cư trú hợp pháp ở Đức cho đến khi đứa trẻ đủ 18 tuổi. Đây là cách duy nhất và cô hy vọng cha đứa bé sẽ đồng ý.

    "Tôi cầu Chúa rằng ông ấy sẽ công nhận đứa trẻ là con mình", Mary chia sẻ với Jansen.

    Tuy nhiên, cho tới lúc điều đó xảy ra, Mary vẫn phải vật lộn một mình với cuộc sống cơ cực ở Đức. Mary cho biết cô còn một đứa con gái nhỏ đang nhờ họ hàng chăm sóc ở Ghana, nên cô phải cố gắng để có thể trở về với con.

    "Tôi phải chiến đấu và sẽ không để bản thân gặp bất cứ nguy hiểm nào, vì tôi còn phải trở về Ghana để chăm sóc con gái tôi", Mary cho biết.

    Theo Jansen, câu chuyện của Mary không hiếm gặp, bởi cô và các nhân viên ở tổ chức Andocken đã giúp khoảng 200 phụ nữ có hoàn cảnh như vậy mỗi năm. Họ phần lớn đến từ Ghana và các nước châu Phi khác, số ít khác đến từ châu Á và các nước Mỹ Latinh. Họ không thể trở về quê hương, nhưng cũng không biết tương lai mù mịt ở nơi đất khách quê người rồi sẽ đi về đâu. 

    Theo VnExpress