• thiet bi gay chay
    Thiết bị gây cháy được tìm thấy trong một tiệm nail ở Monroe, Ohio (Mỹ) vào tháng 2/2023.

    Chủ một tiệm nail ở West Chester đã âm mưu một kế hoạch nhằm phá hoại tiệm nail đối thủ. Công cụ được sử dụng ở đây là một thiết bị gây cháy nổ tự chế, Tại tòa án liên bang vào ngày 24/4/2024, cô nói mình cảm thấy rất nhục nhã và xin lỗi vì những gì đã làm. 

    Kim Vu, 46 tuổi, nói rằng mình đã khổ cực nuôi dạy 3 đứa con thành người tốt. Một người đang làm cho FBI, một người đang phục vụ trong Lực lượng quân dự bị. Còn Kim Vu là một y tá có đăng ký hành nghề.

    "Tôi vẫn không biết...tại sao mình lại làm thế. Tôi cảm thấy tội lỗi, rất tồi tệ", Kim Vu nói trong phiên tòa ở thành phố Cincinnati, Ohio (Mỹ). 

    Luật sư cho biết âm mưu của Kim Vu đã bị chặn đứng khi nhân viên của tiệm nail đối thủ tình cờ phát hiện ra thiết bị này và mang nó ra ngoài. Nguyên nhân xuất phát từ sự thù địch của Kim Vu đối với chủ tiệm nail đối thủ. 

    "Cô ấy hành động vì lòng thù ghét", luật sư trình bày. Cho dù âm mưu của Vu không thành công, nhưng tội ác của cô không vì thế mà giảm đi mức độ nghiêm trọng. 

    Thẩm phán tuyên án Kim Vu 3 năm 10 tháng tù. Vì Vu có bệnh và phải đi khám theo lịch, nên cô sẽ được gia hạn tới giữa tháng 7 mới phải vào tù. 

    Âm mưu phá hoại tiệm nail đối thủ

    Tháng 1/2023, Kim Vu bàn bạn kế hoạch với một phụ nữ 30 tuổi tên Cierra Bishop. Người phụ nữ này có nhiệm vụ chế ra thiết bị kích nổ từ xa. Theo kế hoạch thì thiết bị sẽ được kích nổ vào buổi đêm. 

    Những tin nhắn trao đổi giữa 2 người đã được trình lên tòa án. Cierra Bishop nhắn tin nói rằng sẽ mất nhiếu thời gian để chế tạo vì đây là thiết bị không dây. Thiết bị này sẽ được đổ đầy acetone.

    Kim Vu trả lời: "Em gái, hãy tin và chờ chị hết năm nay. Chị sẽ giúp em mở tiệm riêng". 

    Bishop đáp lại: "Chế tạo bom để kiếm sống lol". Kim Vu cũng cười hùa theo. 

    Thẩm phán nhấn mạnh rằng kế hoạch của Kim Vu diễn ra trong nhiều tháng và thiết bị này có thể giết chết hoặc làm ai đó bị thương nặng. "Bị cáo không hề quan tâm, không hề có lòng trắc ẩn với người khác", thẩm phán nói.

    Vào ngày 5 tháng 2/2023, Cierra Bishop và một phụ nữ khác tên Makahla Rennick, đã lái xe đến tiệm nail đối thủ và 2 người bước vào cùng nhau. Rennick chọn dịch vụ pedicure. 

    Trước khi ra ngoài, Rennick đã đặt 1 cái túi phía sau 1 cái bàn. Sau đó cô ta và Bishop lái xe đi. 

    Một nhân viên đã phát hiện ra thiết bị này, nó bốc mùi như gas. Người nhân viên này mang nó ra ngoài và đặt gần một thùng rác lớn.

    Một lúc sau người nhân viên quay lại kiểm tra thì thấy nó đang bốc cháy, vì vậy người này gọi 911. 

    Cả Bishop và Rennick đều đã nhận tội. 

    "Tiệm của chúng tôi sắp phá sản"

    Chủ của tiệm nail đối thủ không tham dự phiên tòa, nhưng đã gửi một lá thư để luật sư đọc trước tòa. Trong thư viết rằng Kim Vu và họ từng là bạn, và họ không ngờ Vu lại âm mưu phá hoại việc làm ăn của họ. 

    Một năm sau sự việc, tiệm nail này đã chứng kiến lượng khách sụt giảm hơn 30% và có nguy cơ đóng cửa.

    Viethome (theo Cincinnati Enquirer)

  • Nói về thanh tra State Board California – cơ quan làm luật và giám sát thi hành quy định vệ sinh của ngành làm đẹp tại đây, anh Benjamin Thái, người có hơn 20 năm trong ngành, hiện đang làm nail tại Las Vegas, cho biết: “Tôi từng làm cho rất nhiều tiệm nail lớn, nhỏ của người Việt ở nhiều bang, trong đó vài năm làm tại California. Tôi thấy thanh tra của State Board tại đây là khó nhất, kiểm tra vệ sinh rất gắt, luôn tìm cách phạt thợ và chủ những lỗi không đáng và tiền phạt luôn rất cao”.

    Anh nói thêm, “những nơi tôi làm ngoài California, cụ thể là Las Vegas vài năm nay, thanh tra của State Board vào kiểm tra rất thân thiện, không gây cho chủ và thợ áp lực như ở California. Chỉ trừ khi thợ hoặc tiệm mắc lỗi vệ sinh nặng thì mới phạt, còn lỗi nhẹ chỉ cảnh cáo. Nếu tiệm sau khi kiểm tra không vi phạm gì, thì khoảng 1 năm sau họ mới quay lại.”

    Theo chia sẻ của anh thì ở Las Vegas, thanh tra của State Board xuống xét, nếu có phạt, chỉ phạt chủ tiệm thôi. Vì chủ phải chịu trách nhiệm nhắc nhở chuyện giữ vệ sinh, không phạt thợ. Còn California thì phạt thợ khi thấy thợ vi phạm, rồi phạt luôn chủ. Mấy tiểu bang khác ở miền Đông còn dễ hơn. Thường mỗi năm State Board xuống tiệm chỉ một lần.

    stateboard kiem tra 1

    Tiệm nào bị khách gọi than phiền, thì State board sẽ xuống liền. Họ sẽ xét kỹ, nếu đúng như lời khách than phiền, họ ghi giấy phạt ngay và tháng sau sẽ xuống kiểm tra tiếp. Nếu thấy mọi chuyện êm xuôi, thì năm sau mới quay lại. “Vì một thanh tra của State Board phải kiểm tra 50 – 60 tiệm nail/năm nên một năm chỉ có thể kiểm tra một lần. Tiệm nào vi phạm thì mới quay trở lại nhiều lần trong năm.

    Thường thanh tra cũng không moi móc cho ra để phạt. Nếu tiệm chưa từng bị phạt, không bị khách than phiền lên State Board thì họ chỉ kiểm tra cơ bản, tiệm có sạch sẽ và máy hút khử mùi hôi hóa chất có hoạt động tốt không, nước nóng, nước lạnh ra sao. Thợ có bằng hành nghề và đồ nghề có để trong hộp khử trùng không. Trừ khi tiệm nào đã ghi vào hồ sơ đã vi phạm thì mới bị kiểm tra khắt khe.

    Anh Thái kết luận, “từ trước đến nay, thợ hoặc chủ tiệm nail tại California luôn gặp khó khăn hơn đồng nghiệp tại các bang khác, vì sự cạnh tranh giá ở California rất cao, do nhiều thợ và tiệm nail quá. Bạn bè tôi tại California than quá chừng, thu nhập không nhiều bằng các bang khác, ngành nail không còn thời hoàng kim nữa, kiếm tiền chật vật hơn. Thêm luật gắt gao, và tiền phạt thì rất cao, với thái độ thanh tra khi vào tiệm luôn căng thẳng. Nghĩ đến những điều đó, nên dù có người thân tại California, tôi vẫn không muốn quay về California là vậy.”

    Chủ tiệm và thợ nail làm gì khi bị phạt hoặc khi bị cố tình làm khó?

    Nhiều năm trước nhân viên State Board của California vào kiểm tra, thường bỏ qua cho thợ, không phạt thợ, mà chỉ phạt chủ, vì họ cho rằng chủ là người chịu trách nhiệm, cần phải nhắc nhở thợ giữ vệ sinh. Nhưng thường những lỗi vi phạm đều do thợ gây ra, chính vì họ không phạt thợ, nên lỗi lầm ngày càng nhiều hơn. Những năm gần đây họ bắt đầu chú đến phạt chủ và phạt luôn thợ.

    Theo quy định của State Board, bất cứ tiệm nail nào 3 lần bị phạt dù là lỗi nhỏ, State Board có quyền rút giấy phép hoặc vẫn cho mở cửa, nhưng phải đóng 5 – 10 ngày liên tiếp, tùy lỗi nặng, nhẹ trong tháng đó. Trong thời gian đóng tiệm, chủ phải dán lên cửa tấm bảng đã vi phạm vệ sinh do State Board đưa. Còn thợ nail cũng vậy, ngưng làm việc bao nhiêu đó ngày và bị ghi lại điểm xấu vào hồ sơ.

    Ông Phước, chủ tiệm ở thành phố Brea, nói, “tôi muốn mọi người phải chú ý điều này vì nhiều người không nắm luật, là khi bị phạt thì cứ nộp phạt cho yên thân, dù bị oan. Họ đâu biết chính State Board khi đã phạt, buộc mình đóng phạt rồi họ có quyền quay lại và kiểm tra từ 3 – 6 tháng. Việc vi phạm, họ tính trong suốt thời gian bằng nail của mình, không phải chỉ tính trong 1 năm đó. Do vậy vi phạm 1 lần, nhiều năm sau bị 1 lần nữa, thì họ vẫn giữ lại việc này để đúng 3 lần vi phạm sẽ buộc đóng cửa hoặc ngưng một thời gian với thợ”.

    stateboard kiem tra 1

    Sau khi đã đóng cửa đủ ngày, thì thanh tra viên có quyền quay lại tiệm từng bị phạt bất cứ lúc nào, khi tiệm không vi phạm, thì chủ vẫn phải trả tiền cho chuyến đi của thanh tra, nếu tiệm vi phạm lỗi nữa, thì họ có quyền buộc tiệm phải đóng cửa lần 2.

    Ông Phước khuyên: “Nếu bị phạt, mà thấy lỗi mình không đáng như vậy, thì không nên nộp phạt, hãy gửi thư khiếu nại lên State Board và đề nghị được ra Appeals Hearing để gặp Disciplinary Committee (Ủy Ban Xem Xét Kỷ Luật của State Board). Nhiều chủ và thợ người Việt hay than phiền nhân viên State Board vào tiệm quát tháo, phạt những lỗi rất vô lý, nhưng các thợ và chủ tiệm nail lại không có bằng chứng, thành ra họ thắng mình.”

    Ông Phước đề nghị, “chủ tiệm có quyền đi theo thanh tra viên, để xem họ chụp những gì, mình cũng chụp lại để chứng minh người đó phạt không đúng. Chứ không nên để họ làm trời, làm đất gì trong tiệm mình. Vì khi họ chụp hình những nơi mà họ cho rằng tiệm mình dơ. Họ có những dữ kiện để phạt mình, thì mình cũng phải có lại đủ hình ảnh để chứng minh là họ sai. Khi mình không có hình ảnh, chỉ nói miệng, thì sẽ không cãi lại được”.

    Ví dụ một cái chậu rửa chân do dùng lâu ngày bị cũ, họ chụp ngay chổ bị tróc, rồi phạt mình vì chậu dơ. Nếu mình không chụp hình nguyên cái chậu lúc đó để chứng minh chậu này cũ, mà gần đến ngày ra tòa, khoảng 6 tháng sau, mới đi chụp, thì bằng chứng đó không hiệu quả. Thông thường, thanh tra viên không muốn chủ tiệm đi theo xem họ chụp những gì, rồi mình chụp lại để làm bằng chứng. Thành ra họ tỏ thái độ khó chịu, quát mắng, thậm chí phạt mình tội ngăn cản làm việc.

    Hãy nhớ một điều, tiệm của mình là nơi công cộng, mình có quyền đi theo, chụp lại những việc họ làm, kể cả chụp hình thanh tra viên. Điều này không hề sai luật. Chủ có quyền chụp lại những gì họ chụp, không cản trở, mà chỉ đứng sau lưng họ để chụp, vì vậy chủ không phạm luật. Nếu họ quát tháo, chúng ta có quyền nói rằng họ làm vậy là sai.

    Một số điều State Board cần thay đổi

    Ông Phước nói, “chúng tôi luôn phải tuân thủ luật lệ, không làm sai luật, nhưng cũng yêu cầu nhân viên State Board phải làm đúng. Thanh tra viên không nên lạm dụng quyền hành, họ vào kiểm tra tiệm nail theo cảm tính nhiều, họ nói sạch là sạch, dơ là dơ. Đa phần chủ tiệm hay thợ gốc Việt do hạn chế về tiếng Anh, nên không thể cãi lại trước những ghi phạt vô lý, hoặc nếu đủ tiếng Anh, thì khi trình bày vấn đề, họ vẫn không chịu nghe. Đây là điều mà các chủ tiệm và thợ nail đang gặp”.

    Rất nhiều thợ bị phạt, họ không đồng ý và gửi đơn đến Ủy Ban Xem Xét Kỷ Luật. Nhưng do quá đông người chờ Appeals Hearing, nên thời gian gặp Ủy Ban Xem Xét Kỷ Luật kéo dài, có khi gần 1 năm. Sự chậm trễ này làm cho nhiều bằng nail của thợ cũng đến ngày phải đổi sau mỗi 2 năm, phía State Board thì từ chối cấp bằng mới, nêu lý do phải đợi Ủy Ban Xem Xét Kỷ Luật giải quyết khiếu nại của thợ xong mới cho đổi bằng. Nếu chủ tiệm không biết việc này và vẫn để thợ làm, thì khi thanh tra State Board vào tiệm, họ sẽ phạt 1000 USD

    Theo vnailnews

  • Trong văn hóa ứng xử của người Mỹ, để thể hiện sự hài lòng cho dịch vụ thì họ hay cho thêm người phục vụ một khoản tiền nhỏ, hay gọi là tiền tip. Theo pháp luật, tiền tip không bắt buộc phải có tại nhiều bang, ngoại trừ vài trường hợp như nhân viên phục vụ cho tiệc cưới hay nhóm người đi ăn chung thì chủ tiệm ghi thông báo trước là sẽ tự tính và cộng thêm % tiền bo cho nhân viên. Tuy nhiên, tỉ lệ % mà khách cho thường tính dựa trên tổng số tiền hóa đơnmức độ hài lòng;

    • 10% cho là không mấy hứng thú,
    • 15% cho là hài lòng,
    • 20% cho là tốt,
    • 20% trở lên à quá thỏa mãn với dịch vụ và phong cách phục vụ

    tip

    Vấn đề chia tiền tip trong tiệm nail

    Một vấn đề về tiền tip thường xảy ra tại các tiệm nail là khi khách tip chung số tiền cho nhiều thợ phục vụ họ. Việc này dễ gây nên sự bất hòa vì số tiền chia có thể không công bằng với sức lao động hoặc số tiền của dịch vụ.

    Ví dụ: khách yêu cầu 2 dịch vụ là mani & pedi với giá $35 và 2 thợ. Sau khi hoàn tất, khách tip $7 cho 2 thợ.

    • Nếu chia tiền đều nhau là $3.5/thợ hoặc $3 cho mani và $4 cho pedi thì chắc chắn thợ làm pedi sẽ nghĩ không công bằng bởi công làm nhiều hơn và giá dịch vụ cũng cao hơn.
    • Nếu chia $2 cho mani và $5 cho pedi thì thợ làm mani có thể không đồng ý vì thấy ít.

    Cách chia tiền tip trong tiệm nail

    Công thức giúp chia số tiền tip công bằng là dựa trên tỉ lệ: giá một dịch vụ/ tổng giá trên billx tiền tip.

    Ví dụ: $35 cho dịch vụ mani (giá $12) & pedi (giá $23) và khách tip $7 cho 2 dịch vụ, số tiền tip cho thợ làm mani là $2.4 ($12/$35 X $7) và thợ pedi là $4.6 ($23/$35 X $7).

    Một vấn đề cũng hay xảy ra là chủ không muốn khách tip qua thẻ tín dụng, vì chủ tiệm phải trả phí xử lý trên tổng số tiền tip cho công ty cung cấp dịch vụ sử dụng thẻ. Theo luật (Labor Code Section 351) của California thì chủ không được khấu trừ bất cứ số tiền nào liên quan đến số tiền tip của nhân viên mà khách cho.

    Các vấn đề cần lưu ý khác

    Nếu làm trong lĩnh vực nhà hàng hay làm đẹp, số tiền tip nhận được qua thẻ hoặc tiền mặt thì cũng nên khai và đóng thuế đầy đủ. Tiền tip cũng được tính là nguồn thu nhập. Điều này quan trọng với những ai muốn làm hồ sơ bảo lãnh người thân.

    Theo luật Labor Code Section 351, các chủ tiệm phải trả số tiền tip cho nhân viên không quá thời gian kỳ lương tới.

    Chủ tiệm cần kiểm soát để đề phòng một số thợ tự viết tiền tip vào phiếu tính tiền trả bằng thẻ tín dụng của khách.

    Cần phục vụ chu đáo những khách thường tip nhiều mỗi khi đến tiệm vì rất dễ mất họ nếu sơ ý không làm tốt.

    Khách thường dễ cho tiền tip hơn khi bạn tự thu và thối lại trực tiếp cho họ, thay vì để khách đến quầy tính.

    Theo VNailnews

  • "600.000 USD/năm là số tiền mà Jenny Nguyễn kiếm được tại Mỹ. Cô không có bằng đại học nhưng đã làm việc với hãng Google, Apple và nhiều người nổi tiếng", tờ CNBC viết.

    tiem nail jenny nguyen 1
    Cô gái người Mỹ gốc Việt kiếm 14,5 tỷ đồng/năm nhờ làm móng (Ảnh: Andrew Evers).

    Hai bàn tay trắng ở thành phố lớn

    Jenny Nguyễn (29 tuổi) là một nghệ sĩ làm móng nổi tiếng và là một chủ tiệm nail lớn ở Los Angeles (Mỹ). Tiệm của cô cung cấp nhiều dịch vụ, từ làm móng đến nối mi.

     Từ việc sử dụng các loại sơn gel, sơn bóng, đá quý, nhãn dán và các vật dụng khác, Jenny đã có thể tạo ra khung cảnh đám mây phức tạp hoặc một bó hoa mùa xuân trên đầu ngón tay của ai đó. Mỗi bản thiết kế thường mất 2-3 tuần để hoàn thành.

    Một số khách hàng là người nổi tiếng thường lui tới tiệm của Jenny là Paris Hilton và Hailey Bieber. Các thiết kế của cô cũng đã được giới thiệu trong các chiến dịch quảng cáo cho các công ty như Apple, Converse và Chanel.

    Theo các tài liệu thuế mà tờ CNBC thu thập được, vào năm 2022, tiệm làm đẹp của cô đã kiếm được hơn 600.000 USD (khoảng 14,5 tỷ đồng). Trong năm 2023, con số này dự kiến tăng khi lượng khách hàng của cô ngày càng "khủng".

    Jenny học ngành sư phạm tại Đại học Hofstra ở New York. Tuy nhiên, cô đã bỏ năm cuối đại học để làm việc toàn thời gian, giúp đỡ ba mẹ hỗ trợ tài chính cho 3 người em của cô.

    Thời điểm đó, gia đình Jenny cùng sống ở New York. Cô lần đầu tiên chuyển đến Los Angeles vào năm 2019, tìm kiếm nơi nghỉ ngơi sau mùa đông khắc nghiệt của New York. Vào thời điểm đó, Jenny trở thành giáo viên dạy thay cho một khu học chánh công lập và dự định tiếp tục sự nghiệp giảng dạy của mình ở Los Angeles. 

    "Tôi đã không kiếm đủ tiền để sinh hoạt từ việc dạy học", Jenny nhớ lại. Cô biết mình muốn thử một công việc mới, trong một ngành mới, nhưng không biết chính xác mình nên làm gì tiếp theo. 

    Vì vậy, cô quyết định thử làm việc cho chính mình. Jenny nói: "Tôi luôn bị thu hút bởi việc kinh doanh vì thích sự cạnh tranh. Tôi thích làm việc cho chính mình hơn là nghe người khác bảo tôi phải làm gì".

    Sau giai đoạn Covid-19, Jenny đã theo dõi những bộ móng của nghệ sĩ nổi tiếng trên mạng xã hội. Lúc đó, cô tự hỏi rằng: "Sao mình không thử làm móng cho họ?".

    Làm việc đến đêm muộn

    Jenny không mất quá nhiều thời gian để hoàn thiện tay nghề. Đầu năm 2021, cô nhận được giấy phép làm móng trực tuyến sau khi chi khoảng 9.000 USD (hơn 219 triệu đồng) và mất vài tuần để học tập.

    Lúc này, Jenny bắt đầu quảng cáo dịch vụ của mình cho khách hàng trên Instagram, tiếp cận các nhiếp ảnh gia và cung cấp dịch vụ làm móng miễn phí.

    tiem nail jenny nguyen 1
    Dù kiếm được nhiều tiền, Jenny vẫn làm việc đến đêm và không nghỉ cả ngày cuối tuần (Ảnh: Andrew Evers).

    Những thiết kế của cô nhanh chóng thu hút lượng người theo dõi trên TikTok và Instagram - nơi những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội và trợ lý của những người nổi tiếng sẽ nhắn tin cho cô và yêu cầu các cuộc hẹn. 

    Jenny nói: "Phương tiện truyền thông xã hội và sự giới thiệu của khách hàng đã giúp tôi xây dựng cơ sở khách hàng của mình".

    Vào tháng 1/2022, Jenny mở cửa hàng làm móng ở trung tâm TP Los Angeles. Cô cho biết tiệm thường đón khoảng 300 khách hàng/tuần. Cơ sở kinh doanh của cô hiện có 16 nhân viên, trong đó có chồng của Jenny, Bryan Trường, người đồng sở hữu và quản lý tiệm với cô.

    "Trở thành một doanh nhân rất cô đơn và căng thẳng. Nhưng khi bắt đầu tuyển dụng thêm nhiều người, tôi cảm thấy tốt hơn rất nhiều và tôi có thể phát triển công việc kinh doanh của mình nhanh hơn. Vậy nên, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau", Jenny bộc bạch.

    Jenny chia sẻ rằng cô vẫn làm việc đến tối muộn và vào cuối tuần để phát triển công việc kinh doanh của mình. Đặc biệt, trong những tuần rơi vào thời điểm bận rộn, cô ước tính mình làm việc từ 80 đến 100 giờ. 

    Song, Jenny chưa từng than thở mà cho rằng thời gian dài làm việc là xứng đáng để cô theo đuổi một công việc sáng tạo mà cô yêu thích và được trả lương hậu hĩnh. 

    "Nghệ thuật làm móng luôn thú vị và khiến mọi người vui vẻ. Tôi rất biết ơn khi được làm công việc này", Jenny cười, nói.

    Dân Trí (theo www.cnbc.com)

  • Nghi can Nguyễn Thanh Minh, 54 tuổi, giờ đây phải đối mặt với cáo buộc trọng tội hiếp dâm-giết người, và trộm cắp, sau khi có kết quả giảo nghiệm nữ nạn nhân 17 tuổi, theo thông báo trên trang web của Sở Cảnh Sát Dothan, Alabama (Mỹ), hôm Thứ Năm, ngày 14/12/2023.

    Vào ngày 9/12/2023, cảnh sát phát hiện thi thể của một cô gái gốc Việt 17 tuổi trong nhà của cô ở Dothan vào khoảng 12 giờ 54 phút trưa. 

    TS minh 1536x1048
    Bị cáo Nguyễn Thanh Minh, 54 tuổi. (Hình: Dothan Police Department)

    Theo đài truyền hình News4, tên của nạn nhân là Dương Thị Thùy Trang. Cảnh sát cho biết thi thể nạn nhân có những vết thương do xô xát. 

    Sở Cảnh Sát Dothan nhanh chóng vào cuộc điều tra, bắt giữ nghi can Nguyễn Thanh Minh, bị tình nghi giết người. 

    Thi thể nạn nhân được chở đến bệnh viện địa phương, sau đó được giảo nghiệm tại Cục Pháp Y Alabama ở Montgomery. Khám nghiệm tử thi cho thấy nạn nhân trẻ tuổi bị tấn công tình dục. 

    Ngoài ra, các nhà điều tra còn phát hiện đồ đạc cá nhân trong phòng của nạn nhân bị mất. Một cuộc điều tra tỉ mỉ sau đó giúp cảnh sát truy tìm và thu hồi tài sản bị mất.

    Với thông tin bằng chứng mới này và với sự tham khảo ý kiến của Biện Lý Cuộc Houston County, ngày 13 Tháng Mười Hai, nghi can Minh bị truy tố một tội hiếp dâm-giết người và một tội giết người - trộm cắp.

    Theo trang tin True Crime Daily, nạn nhân là con của bạn gái cũ của nghi can Minh. Nghi can và mẹ của nạn nhân là đồng nghiệp trong một tiệm nail. 

    Hiện nay nghi can bị giam tại nhà tù Houston County Jail không được tại ngoại hậu tra. 

    Theo Người-Việt

  • Chủ tiệm làm móng WaterCreek Nails and Spa (ở Salt Lake City, Utah, Mỹ) cho biết vụ đột nhập gây thiệt hại hàng ngàn Mỹ kim, nhưng chữ nghĩa mang tính thù hằn hung thủ để lại làm tình hình trở nên tồi tệ hơn.

    Sabrina Nguyễn, có cha mẹ là chủ tiệm làm móng, cho hay có người đột nhập vô tiệm vào sáng sớm Thứ Năm, ngày 7/12/2023.

    “Chúng tôi thật may mắn khi lúc đó có người ở ngoài dắt chó đi dạo và chứng kiến điều này,” Sabrina Nguyễn nói. “Cô ấy thật gan dạ và lúc đó cô đã tới xem có chuyện gì. Gã đàn ông tiến tới gần, xin cô ấy một ít rượu vodka… sau đó cô gọi cảnh sát.”

    nail nguoi viet bi dot nhap
    Tiệm làm móng WaterCreek Nails and Spa bị đột nhập và đập phá, xịt sơn kỳ thị hôm 7 Tháng Mười Hai, 2023, ở Salt Lake City, Utah (Hình: Instagram @sabbrinaat)

    Sabrina Nguyễn cho biết kẻ phá hoại lấy một tảng đá lớn đập bể cửa trước rồi tiến tới quầy tiếp tân. “Ông ta rút hết dây điện kết nối với máy quay an ninh… và thậm chí còn bới tung két và lấy đi vài trăm đô la,” Sabrina Nguyễn nói.

    Sabrina Nguyễn nói một cái bồn rửa tay bị kéo lìa khỏi tường, làm nước tràn ra và rò rỉ qua các cơ sở kinh doanh bên cạnh.

    “Nước làm hư ghế và hệ thống điện trên ghế làm móng chân,” cô thuật lại.

    Kẻ phá hoại húc ngã xe đẩy của thợ làm móng, đập bể một vài dụng cụ và phun đầy sơn lên ghế, tường và tủ làm móng chân. Lúc Sabrina Nguyễn nhận được cuộc gọi từ cảnh sát, cô nói lúc đó cô cũng chuẩn bị sẵn tinh thần để đối diện với mớ hỗn độn. Cô nói những gì cô nhìn thấy còn kinh khủng hơn nhiều.

    Một thông điệp thù hằn được phun bằng sơn với cỡ chữ lớn màu đen trên tường.

    “Khi tôi nhìn thấy dòng chữ đó trên tường thì câu chuyện về vụ đột nhập không còn như tôi nghĩ,” cô nói.

    Cha mẹ Sabrina Nguyễn di cư qua Hoa Kỳ từ Việt Nam. Cô cho biết họ có được cửa tiệm này được 10 năm mà không gặp vấn đề gì. Và cô nói rằng cô đã phải tâm sự với mẹ khó khăn như thế nào sau vụ phá hoại.

    “Mẹ tôi không biết tội ác thù ghét là gì, nên để giải thích cho bà hiểu về loại tội phạm này thật sự là buổi trò chuyện khó khăn và cũng làm bà giật mình thức tỉnh,” Sabrina Nguyễn nói.

    Sabrina Nguyễn cho biết thông điệp trên tường như một sự công kích cá nhân.

    Gia đình cô đang san sẻ câu chuyện này để những người khác đề phòng.

    Sabrina Nguyễn cho biết từ khi cô đăng những tấm hình mô tả chi tiết sự việc lên Instagram, gia đình cô nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ cộng đồng.

    Sabrina Nguyễn cho biết gia đình muốn mở cửa trở lại trong vài tháng tới, nhưng họ đang phải đối diện với sự chậm trễ trong việc vận chuyển và sửa chữa, điều này càng trở nên tệ hại hơn trong dịp lễ.

    Sabrina Nguyễn cho biết ưu tiên hàng đầu là niêm phong cửa trước. Cô cho biết họ vẫn chưa thể đặt lịch hẹn sửa chữa vì các công ty và nhà thầu đều bận rộn dịp lễ lạc.

    Hôm Thứ Hai, 11 Tháng Mười Hai, Sở Cảnh Sát Salt Lake City xác nhận đang điều tra sự việc theo hướng tội phạm thù hận. Nghi can rời khỏi nơi gây án cùng với hai người đàn ông khác. Cảnh sát cho biết diện mạo ba người đàn ông này không đủ chi tiết để công bố nhưng các thám tử đang nỗ lực nhận dạng danh tánh bọn họ.

    Bất kỳ ai có thông tin về vụ án có thể gọi cảnh sát theo số 801-799-3000 với số hồ sơ là 23-274253.

    Trên toàn Hoa Kỳ, Hội Đồng Bang Giao Mỹ-Hồi Giáo tuyên bố:

    “Chúng tôi bày tỏ tình đoàn kết của cộng đồng Hồi Giáo với người Mỹ gốc Á ở Utah trước sự việc đáng oán trách này. Không người Mỹ nào sẽ phải đối diện với các cuộc tấn công hoặc đe dọa có động cơ thù ghét. Các viên chức dân cử và lãnh đạo cộng đồng phải lên tiếng gay gắt hơn trước mức độ hận thù và chia rẽ ngày càng gia tăng mà chúng ta đang chứng kiến trên toàn nước Mỹ.”

    Theo Người-Việt

  • Hiện nay nghề nail - nghề làm chăm sóc, làm đẹp móng khá phát triển. Không chỉ trong nước, lao động Việt Nam còn ra nước ngoài làm việc. Thu nhập nghề nail của lao động nước ngoài thậm chí lên tới cả vài chục nghìn đô mỗi tháng.

    Thu nhập nghề nail trong nước thế nào?

    Do nhu cầu làm đẹp của chị em tăng cao, nên các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp trong đó có chăm sóc móng cũng tăng dần theo. Hiện nay ở hầu khắp mọi miền, từ thành thị tới nông thôn đều mọc lên các quán làm nail. Lao động làm công việc này tương đối đông đảo, thu nhập nghề nail khá đa dạng.

    Khảo sát thực tế cho thấy mức thu nhập nghề nail của lao động làm ở các thành phố lớn khoảng từ 10-15 triệu đồng/1 người/tháng, ở khu vực nông thôn cũng được từ 7-10 triệu đồng/tháng. Riêng với một số lao động có trình độ tay nghề kỹ thuật cao thu nhập có thể cao hơn, gấp đôi, thậm chí là gấp 3 với những người làm chủ cơ sở nail. Đây là mức thu nhập khá so với thu nhập nghề sale, thu nhập nghề cắt tóc... hay các nghề khác. '

    thu nhap nghe nail o dau cao nhat 1
    Công việc làm nail khá nhẹ nhàng nhưng thu nhập nghề nail thì khá hậu hĩnh với lao động, nhất là lao động làm việc ở nước ngoài. Ảnh: T.V

    Nguyễn Thị Linh (Hà Nội) cho biết, cô mới học nghề nail chưa lâu, hiện chủ yếu làm bán thời gian nhưng thu nhập cũng bằng cả tháng lương của nhân viên văn phòng.

    Linh cho hay: "Một ngày tôi chỉ làm từ 2-3 tiếng, tranh thủ buổi tối hoặc buổi trưa. Mỗi bộ móng lấy 100-140.000 đồng. Tính ra một ngày 2 bộ thì một tháng cũng có 5-6 triệu đồng", Linh kể.

    Công việc không quá vất vả, đổi lại thu nhập lại khá cao, nhưng đó là thu nhập nghề nail của các lao động tại Việt Nam. Thực tế, thu nhập nghề này tại nhiều quốc gia khác trên thế giới cao hơn rất nhiều.

    Thu nhập nghề nail ở Mỹ bao nhiêu?

    Không riêng ở Việt Nam, nghề làm nail cũng rất thịnh hành ở các quốc gia phát triển. Theo tính toán, thu nhập nghề nail của một thợ làm nail ở Mỹ có thể nhận mức lương từ 3.000 - 5.000 USD/tháng (khoảng 70 - hơn 100 triệu đồng/tháng) hoặc cao hơn, còn ở Séc hay các quốc gia khác, mức thu nhập nghề nail có thể vào khoảng 2.500-3.000 USD/tháng (khoảng 60 - 70 triệu đồng/tháng). Thời gian làm việc của lao động làm nail ở các quốc gia phát triển cũng ngắn hơn. Thường lao động chỉ làm 8 -10 tiếng/1 ngày và tuần làm 6 ngày.

    Rất đông lao động làm nail ở Mỹ, Anh hay các quốc gia châu Âu là lao động Việt Nam.

    Chị Võ Tâm (Việt Nam), 40 tuổi cùng chồng sống và làm nghề nail tại Mỹ đã được 10 năm. Chị Tâm cho biết, công việc làm nail không quá phức tạp nhưng cũng cần thợ phải giỏi tay nghề.

    Theo chị Tâm, chỉ cần 24 -30 phút là chị có thể làm được 1 bộ móng tay cho khách. Tiền cho một bộ móng đắp bình thường chưa có sơn gel, vẽ móng có giá khoảng 65-70 USD (khoảng 1,5 -1,7 triệu đồng/1 bộ móng tay).  Có ngày đông khách vợ chồng chị làm được vài chục bộ móng.

    thu nhap nghe nail o dau cao nhat 1
    Chị Võ Tâm, thợ làm nail ở Mỹ. Thu nhập nghề nail của vợ chồng chị có tháng lên tới cả vài chục nghìn đô. Ảnh: V.T

    Cũng theo chị Tâm, thường chị làm 6 tiếng/1 ngày, 1 tuần làm 5 ngày. Công việc nhẹ nhàng, thu nhập cao "làm chơi ăn thật". Đôi khi vừa làm nail chị vừa quay video làm Youtube. Vì là chủ nên thu nhập của vợ chồng chị rất khá. Tháng kiếm được vài trăm triệu là chuyện bình thường.

    "Đôi khi muốn sang nhượng quán, bỏ nghề bởi vì làm thế đủ tiền tiêu rồi, thế nhưng nghĩ lại tiếc nên làm tiếp", chị Tâm cười.

    Tuy nhiên, cũng theo chị Tâm, không phải lao động nào cũng gắn bó với công việc này lâu dài (nhất lao động làm nghề nail thuê cho các chủ quán). Thu nhập khá nhưng thực chất ở Mỹ, mức thu nhập này cũng chỉ thuộc hàng trung bình. Đó là chưa kể một số lao động sau thời gian học "mót" nghề ra mở tiệm tay nghề chưa vững, khi ra thành phố lớn gặp phải sự cạnh tranh cao nên phải đóng cửa.

    Theo Dân Việt

  • Kortney Hairston nói người thợ làm móng chỉ cầm điện thoại của bà trong vài phút rồi làm một việc bà không hề hay biết. Bây giờ bà cảm thấy bị xâm phạm và tổn thương. Đặc biệt là khi biết người thợ vẫn còn làm việc ở tiệm nail đó.

    “Tôi chỉ không muốn bất kỳ ai khác cảm thấy giống như tôi ngày hôm đó,” Hairston nói với Đài ABC7.

    Hairston cho biết buổi làm móng như thường lệ cùng nhóm bạn trở thành cơn ác mộng. “Tôi làm một việc thường làm ở tiệm làm móng. Tôi chưa bao giờ tự hỏi rằng tôi có thể tin tưởng ai đó rồi đưa điện thoại cho người ta cầm giùm hay không,” Hairston nói.

    Hairston nói bà và người bạn đang làm móng ở tiệm Gel Nails trên phố Farnam Street (Omaha, Nebraska, Mỹ) vào ngày 6 tháng 11/2023.

    “Người thợ nail nói cho ông ta xem mẫu móng mà tôi muốn làm rồi bảo tôi đi rửa tay. Tôi không nghĩ ngợi gì. Và cứ thế tôi đi rửa tay.”

    Bà để điện thoại mở cùng tấm hình mẫu bộ móng bà muốn làm, bà đi rửa tay rồi khi quay lại thì người thợ làm móng tên Adam Nguyễn xin đi vệ sinh.

    “Ông ấy bước ra từ phòng vệ sinh rồi đưa điện thoại cho tôi như thế này,” Hairston nói. “Lúc đó tôi vẫn không nghĩ gì, chỉ là tự hỏi vì sao ông ấy lại cầm điện thoại của tôi nhưng vì tôi biết ông ấy đang cần xem hình. Có lẽ ông ấy vừa đưa điện thoại ra khỏi ghế, dời nó ra khỏi bàn.”

    tiem lam mong xam pham khach

    Hairston cho biết sau khi Adam Nguyễn làm xong móng tay cho mình, bà trả tiền rồi rời đi, nhưng không thể thoát khỏi cảm giác có điều gì đó không bình thường.

    “Tôi về nhà, mọi thứ cứ lởn vởn trong đầu, và tôi chợt, ồ, hình như có điều gì đó không ổn thì phải,” Hairston nói. “Và tôi không thể tống khứ những suy nghĩ luẩn quẩn ra khỏi đầu.”

    Hairston quyết định kiểm tra tin nhắn. Đó là lúc bà phát giác có một tin nhắn bị xóa, với tập tin gồm bảy hình phô bày thân thể của chính bà. Gửi tới một số điện thoại mà bà không biết. Bà đưa số điện thoại đó vào Cash App.

    “Đó là lúc khuôn mặt ông ấy hiện lên trong cái vòng tròn nhỏ,” Hairston nói. “Rồi sau đó tôi tự nói, khoan đã. Tôi nhìn vào tin nhắn. Rồi tôi kiểu như, chờ đã. Bất giác, tôi nói, ‘thật ư?’ Và đúng, mọi chuyện đã xảy ra.”

    Ngày hôm sau, Hairston gọi cho Gel Nails, nhưng họ không muốn tiếp chuyện nên bà báo cảnh sát.

    Theo ghi nhận từ cảnh sát, họ tin rằng Adam Nguyễn gửi hình và băng thu hình khỏa thân của Hairston vào điện thoại di động của ông, cho nên họ buộc ông ta tội Xâm Nhập Bất Hợp Pháp, một khinh tội.

    “Một trong những đoạn clip ông mà ông ấy tải được tôi quay cách đây 2 năm,” Hairston nói.

    Phóng viên ABC7 đã tới Gel Nails để tìm lời giải thích. Adam Nguyễn đang ở bên trong làm móng cho một nữ khách hàng. Cả ông và người quản lý Gel Nails đều từ chối xuất hiện trước ống kính, nhưng Adam Nguyễn nói với phóng viên là ông đã phạm sai lầm và xin lỗi.

    Hairston đang cố gắng chữa lành vết thương lòng, bà muốn những người khác rút kinh nghiệm.

    Adam Nguyễn nói với phóng viên rằng ông ấy đã xóa tất cả hình ảnh và đoạn phim. Người quản lý ban đầu từ chối nói về sự việc vì ông ấy không có mặt ở đó khi sự việc xảy ra.

    Sau đó, Gel Nails đưa ra tuyên bố liên quan tới sự việc:

    “Các sự việc xảy ra vào đầu tuần này thực sự sửng sốt và không hề phản ảnh giá trị nhân viên hoặc doanh nghiệp của chúng tôi. Chúng tôi không bỏ qua cho hành động của Adam và sát cánh cùng người phụ nữ dũng cảm đứng lên bảo vệ chính mình và báo cảnh sát điều này. Adam đã bị khiển trách và sa thải khỏi tiệm của chúng tôi.”

    Đài ABC7 cũng liên lạc với Hiệp Hội Smart Gen của Omaha về việc khai thác kỹ thuật số. Tổng Giám Đốc và nhà sáng lập Amie Konwinski cho biết người dùng cần bảo đảm điện thoại được khóa bằng mật khẩu mạnh, đặc biệt nếu có hình ảnh riêng tư. Ngoài ra, hãy nhắc nhở nhau rằng không có gì sẽ thực sự bị xóa. 

    Theo Người Việt

  • “Nail Queen 2023,” cuộc thi hoa hậu ngành nail của đài truyền hình SBTN, đã bước sang năm thứ nhì trước sự cổ vũ và tham dự của đông đảo thí sinh cũng như khán giả khắp nơi.

    nail queen 1
    Ba thí sinh đoạt giải cao nhất trong cuộc thi “Nail Queen 2022”: Phi Phi Tạ (Hoa Hậu, giữa), Diệp Nhi (Á Hậu 1, phải) và Tiffany Nguyễn (Á Hậu 2, trái). (Hình minh họa: Đài truyền hình SBTN)

    Năm nay, hai cuộc thi bán kết và chung kết giải “Nail Queen 2023” sẽ được phát hình trực tiếp trên hệ thống SBTN vào hai ngày Thứ Bảy, 28 và Chủ Nhật, 29 Tháng Mười, vào lúc 1:30 PM,” bà Kim Nhung, giám đốc sản xuất, cho biết.

    Căng thẳng và hào hứng

    Như năm ngoái, “Nail Queen 2023” cũng sẽ đưa khán giả qua những tâm trạng, lúc vui, lúc buồn và có lúc hồi hộp căng thẳng vì thử thách nhưng đầy hào hứng và đáng nhớ.

    Từ lâu, những người gốc Việt trong giới làm nail vẫn âm thầm phục vụ và vô tình thúc đẩy ngành nail thành một kỹ nghệ bạc tỷ tại Hoa Kỳ. Đó chính là lý do để SBTN tổ chức cuộc thi “Nail Queen” lần đầu vào năm 2022, nhằm vinh danh những phụ nữ làm việc trong ngành này.

    “Họ cần phải được nhắc đến và cám ơn vì đã nuôi dưỡng biết bao nhiêu công dân hữu ích trong đủ mọi ngành nghề cho Hoa kỳ,” bà Kim Nhung nói. “Họ là những người quên mình vì gia đình, vì con cái.”

    Bà Kim Nhung nói thêm: “Mục đích của ‘Nail Queen’ là đề cao vẻ đẹp toàn diện, từ ngoại hình đến tâm hồn cũng như sự duyên dáng của những phụ nữ làm việc trong ngành nail, một ngành có rất đông người gốc Việt chúng ta.”

    “Đây là lần thứ nhì một cuộc thi như thế này được tổ chức. Năm ngoái, dù mới là lần đầu mà chúng tôi đã được quá đông người hưởng ứng. Đúng ra chúng tôi phải làm ‘Nail Queen’ từ lâu rồi.”

    Con người toàn diện

    Để lọt vào vòng bán kết, các người đẹp đã phải trải qua các cuộc thi tay nghề với những thử thách gay go như thiết kế hình logo SBTN trên móng tay theo một đề bài và thiết kế tự do theo một đề bài khác trong thời gian 1 giờ.

    “Tuy nhiên, số điểm trong cuộc thi tay nghề này sẽ không ảnh hưởng đến vòng chung kết,” bà Kim Nhung nhấn mạnh. “Nhưng có cô sẽ có giải thưởng riêng cho phần này rồi tiếp tục vô chung kết.”

    Một điều làm cho ban tổ chức cảm thấy được khích lệ là năm nay, số thí sinh tham dự đông hơn năm ngoái rất nhiều.

    “Thí sinh vẫn thuộc tuổi từ 20 đến 50 nhưng thuộc nhiều lãnh vực khác nhau trong ngành nail như các bà chủ, quản lý tiệm nail, quản lý tiệm nail supplies…,” bà nói.

    Bà trầm trồ: “Đừng tưởng phụ nữ mình đến tuổi 50 là ‘quá đát’ nha. Rất nhiều người nhờ biết giữ gìn sức khỏe và thân thể nên còn ‘mướt’ lắm, không thua gì các cô còn trẻ. Quả thật là phụ nữ Việt trẻ rất lâu.”

    Đông đảo thí sinh

    Không chỉ có phụ nữ gốc Việt, thí sinh thuộc các cộng đồng bạn như Philippines, Nam Hàn, Mexico, và Trung Đông cũng tham dự đông hơn.

    “Năm nay có một thí sinh gốc Iran làm chúng tôi rất ngưỡng mộ. Cô biết mình phải vượt qua nhiều thí sinh gốc Việt nhưng vẫn bình tĩnh và cương quyết để lọt vào vòng bán kết,” bà cho hay.

    nail queen 1
    “Nail Queen 2023” sẽ chọn ra những người đẹp lên ngôi hoa hậu tại đài SBTN. (Hình: Ban tổ chức cung cấp)

    Năm ngoái, trong cuộc thi hoa hậu nail lần đầu tiên, ba người đẹp đi vào “lịch sử Nail Queen” là Phi Phi Tạ (Hoa Hậu), Diệp Nhi (Á Hậu 1) và Tiffany Nguyễn (Á Hậu 2).
    Ngoài ra, Hoa Hậu Phi Phi Tạ còn được trao giải duyên dáng, trang phục và ăn ảnh trong lúc Á Hậu Tiffany Nguyễn đoạt giải thân thiện.

    Nhận thức rằng người có nhan sắc và tài năng đều hiện diện trong mọi lãnh vực, ban tổ chức cuộc thi quyết định phải tìm ra những đóa hoa thầm lặng quý báu để giới thiệu trước công chúng toàn cầu.

    Với ý muốn bầu chọn con người toàn diện, hoa hậu “Nail Queen” không chỉ có nhan sắc là đủ.

    Cả hoa hậu và hai á hậu, trước khi được tổng kết số điểm, đã phải trả lời những câu hỏi như “chức hoa hậu Nail Queen có ý nghĩa gì và các cô sẽ làm gì khi đoạt giải.”

    Năm ngoái, Hoa Hậu Phi Phi Tạ trả lời: “Em sẽ mang hình ảnh người thợ nail ra thế giới và em sẽ phải sống lành mạnh, lương thiện và đạo đức để giúp đỡ người khác.”

    Á Hậu Diệp Nhi nói: “Em rất tự hào làm việc trong ngành nail và muốn cho mọi người cùng tự tin vào nghề của mình.”

    Á Hậu Tiffany Nguyễn đáp: “Nếu là hoa hậu, em sẽ có một diễn đàn để nói về tình trạng sức khỏe và môi sinh của thợ nail.”

    Các giám khảo của cuộc thi “Nail Queen 2023” là tài tử Kiều Chinh, MC Diệu Quyên và ba nhà bảo trợ lớn.

    “Hiện giờ chúng tôi dự trù ba ghế này sẽ dành cho đại diện công ty Shureihi, đại diện Advance Beauty College và đại diện Srar World Furniture nhưng chưa chắc 100%,” bà Kim Nhung phỏng đoán.

    Cho đến giờ, năm nay, nhà bảo trợ lớn nhất là Shureihi, công ty chuyên về các sản phẩm cho sắc đẹp và sức khỏe.

    Theo Người Việt

  • sang my lam nail

    "600.000 USD/năm là số tiền mà Jenny Nguyễn kiếm được tại Mỹ. Cô không có bằng đại học nhưng đã làm việc với hãng Google, Apple và nhiều người nổi tiếng", tờ CNBC viết.

    Hai bàn tay trắng ở thành phố lớn

    Jenny Nguyễn (29 tuổi) là một nghệ sĩ làm móng nổi tiếng và là một chủ tiệm nail lớn ở Los Angeles (Mỹ). Tiệm của cô cung cấp nhiều dịch vụ, từ làm móng đến nối mi.

     Từ việc sử dụng các loại sơn gel, sơn bóng, đá quý, nhãn dán và các vật dụng khác, Jenny đã có thể tạo ra khung cảnh đám mây phức tạp hoặc một bó hoa mùa xuân trên đầu ngón tay của ai đó. Mỗi bản thiết kế thường mất 2-3 tuần để hoàn thành.

    Một số khách hàng là người nổi tiếng thường lui tới tiệm của Jenny là Paris Hilton và Hailey Bieber. Các thiết kế của cô cũng đã được giới thiệu trong các chiến dịch quảng cáo cho các công ty như Apple, Converse và Chanel.

    Theo các tài liệu thuế mà tờ CNBC thu thập được, vào năm 2022, tiệm làm đẹp của cô đã kiếm được hơn 600.000 USD (khoảng 14,5 tỷ đồng). Trong năm 2023, con số này dự kiến tăng khi lượng khách hàng của cô ngày càng "khủng".

    Jenny học ngành sư phạm tại Đại học Hofstra ở New York. Tuy nhiên, cô đã bỏ năm cuối đại học để làm việc toàn thời gian, giúp đỡ ba mẹ hỗ trợ tài chính cho 3 người em của cô.

    tiem nail jenny nguyen 1
    Cô gái người Mỹ gốc Việt kiếm 14,5 tỷ đồng/năm nhờ làm móng (Ảnh: Andrew Evers).

    Thời điểm đó, gia đình Jenny cùng sống ở New York. Cô lần đầu tiên chuyển đến Los Angeles vào năm 2019, tìm kiếm nơi nghỉ ngơi sau mùa đông khắc nghiệt của New York. Vào thời điểm đó, Jenny trở thành giáo viên dạy thay cho một khu học chánh công lập và dự định tiếp tục sự nghiệp giảng dạy của mình ở Los Angeles. 

    "Tôi đã không kiếm đủ tiền để sinh hoạt từ việc dạy học", Jenny nhớ lại. Cô biết mình muốn thử một công việc mới, trong một ngành mới, nhưng không biết chính xác mình nên làm gì tiếp theo. 

    Vì vậy, cô quyết định thử làm việc cho chính mình. Jenny nói: "Tôi luôn bị thu hút bởi việc kinh doanh vì thích sự cạnh tranh. Tôi thích làm việc cho chính mình hơn là nghe người khác bảo tôi phải làm gì".

    Sau giai đoạn Covid-19, Jenny đã theo dõi những bộ móng của nghệ sĩ nổi tiếng trên mạng xã hội. Lúc đó, cô tự hỏi rằng: "Sao mình không thử làm móng cho họ?".

    Làm việc đến đêm muộn

    Jenny không mất quá nhiều thời gian để hoàn thiện tay nghề. Đầu năm 2021, cô nhận được giấy phép làm móng trực tuyến sau khi chi khoảng 9.000 USD (hơn 219 triệu đồng) và mất vài tuần để học tập.

    Lúc này, Jenny bắt đầu quảng cáo dịch vụ của mình cho khách hàng trên Instagram, tiếp cận các nhiếp ảnh gia và cung cấp dịch vụ làm móng miễn phí.

    tiem nail jenny nguyen 1
    Dù kiếm được nhiều tiền, Jenny vẫn làm việc đến đêm và không nghỉ cả ngày cuối tuần (Ảnh: Andrew Evers).

    Những thiết kế của cô nhanh chóng thu hút lượng người theo dõi trên TikTok và Instagram - nơi những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội và trợ lý của những người nổi tiếng sẽ nhắn tin cho cô và yêu cầu các cuộc hẹn. 

    Jenny nói: "Phương tiện truyền thông xã hội và sự giới thiệu của khách hàng đã giúp tôi xây dựng cơ sở khách hàng của mình".

    Vào tháng 1/2022, Jenny mở cửa hàng làm móng ở trung tâm TP Los Angeles. Cô cho biết tiệm thường đón khoảng 300 khách hàng/tuần. Cơ sở kinh doanh của cô hiện có 16 nhân viên, trong đó có chồng của Jenny, Bryan Trường, người đồng sở hữu và quản lý tiệm với cô.

    "Trở thành một doanh nhân rất cô đơn và căng thẳng. Nhưng khi bắt đầu tuyển dụng thêm nhiều người, tôi cảm thấy tốt hơn rất nhiều và tôi có thể phát triển công việc kinh doanh của mình nhanh hơn. Vậy nên, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau", Jenny bộc bạch.

    Jenny chia sẻ rằng cô vẫn làm việc đến tối muộn và vào cuối tuần để phát triển công việc kinh doanh của mình. Đặc biệt, trong những tuần rơi vào thời điểm bận rộn, cô ước tính mình làm việc từ 80 đến 100 giờ. 

    Song, Jenny chưa từng than thở mà cho rằng thời gian dài làm việc là xứng đáng để cô theo đuổi một công việc sáng tạo mà cô yêu thích và được trả lương hậu hĩnh. 

    "Nghệ thuật làm móng luôn thú vị và khiến mọi người vui vẻ. Tôi rất biết ơn khi được làm công việc này", Jenny cười, nói.

    Dân Trí (theo www.cnbc.com)

  • Trong 1,000 tiệm Nail Việt Nam thì có đến 999 tiệm là vi phạm vào luật pháp. Hai vi phạm nghiêm trọng nhất là “bóc lột sức lao động” và “trốn thuế”.

    Gần đây, không ít những tiệm Nail của Việt Nam đã bị Bộ Lao Động “sờ gáy.” Có tiệm đã phải điều đình ngoài tòa và chi trả ra hơn $750,000 cho lương thợ. Nhưng nguy hiểm nhất vẫn là “Sở Thuế (IRS).” Bởi vì Sở Lao động chỉ phạt tiền, nhưng Sở Thuế thì có khả năng tịch biên tất cả tài sản của người vi phạm. Ngoài mất tiền của ra, vì là tội hình sự, nên sự tù tội khó mà tránh khỏi đối với người vi phạm. Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn không hiểu tại sao các chủ tiệm Nail, và ngay cả thợ Nail lại nghĩ mình thông minh hơn Sở Thuế?

    Nước Mỹ được mệnh danh là nước đứng đầu trên thế giới, đó là nhờ hệ thống thuế khoá, thu góp chặt chẽ rõ ràng. Nhờ sự đóng góp thu thuế này mà chính phủ đã có nhiều ngân sách hơn để chi tiêu hữu dụng trong việc đối nội và đối ngoại. Vì vậy, muốn duy trì chỗ đứng đầu trên thế giới này, chính phủ Mỹ không thể nào lỏng lẻo trong khâu chốt thu thuế cả. Muốn như vậy, chắc chắc là những nhân viên phục vụ trong nghành thuế, họ phải được đào tạo một cách kỹ lưỡng, chuyên nghiệp, mà không phải là những “tay mơ” không rõ luật, hay hiểu luật mù mờ. Luật của Sở Thuế đến ngay cả những người luật sư không chuyên nghiệp về thuế khoá cũng phải chịu thua, huống chi là những người bình thường thiếu hiểu biết về luật như chúng ta.

    tiem nail tron thue

    Chắc bạn còn nhớ, câu chuyện thuế của vợ chồng ông/bà Clinton lúc còn làm Tổng thống phải không? Câu chuyện bắt đầu khi hồ sơ thuế của ông/bà Clinton trong việc đầu tư vào công ty WhiteWater không rõ ràng, thì lập tức Sở Thuế đã “sờ gáy” ông bà, dù ông Clinton lúc đó đang là một vị nguyên thủ quốc gia. Cả hai vợ chồng ông bà Clinton đều là những luật sư, thế mà họ cũng phải “xính vính” để đưa ra những chứng cớ, và phải mướn những luật sư chuyên về thuế vụ để giải quyết vấn đề này. Và kết quả là, sau khi rời chức vụ tổng thống thì ông/bà Clinton vẫn còn nợ tiền luật sư lên đến hơn triệu đô.

    Vậy, xin hỏi Bạn những người chủ Nail của chúng ta lại là ai mà dám tự tin là có thể “trốn được thuế”? Chắc chắn họ chẳng là ai cả, ngoài việc họ tự nghĩ mình “quá thông minh”, nên có thể “vượt rào” mà không ai phát hiện. Sau đây là một vài vi phạm nghiêm trọng về luật pháp:

    1. Vi Phạm Của Thợ Nails

    Bất cứ một công dân nào có quyền đi làm trên nước Mỹ đều phải đóng thuế. Mức thuế qui định thường thay đổi theo hằng năm, và tỷ lệ phần trăm đóng thuế cũng khác nhau, tuỳ theo mức độ thu nhập. Bình thường, mỗi công nhân sẽ lãnh lương vào mỗi cuối tuần trên mẫu đơn W2 bao gồm: số lương được tính theo số giờ làm việc nhân cho mức lương tối thiểu theo qui định của chính quyền của tiểu bang hay liên bang. Số tiền tổng cộng đó, sẽ trừ đi số tiền đóng cho an sinh xã hội, tiền bảo hiểm thất nghiệp, tiền bảo hiểm y tế v.v. và người chủ sẽ phải gánh chịu một nửa số thuế của an sinh xã hội và bảo hiểm thất nghiệp (7.6%) này cho người thợ. Tùy theo một số nghành nghề, ngoài tiền lương lao động theo số giờ ra, thì những nhân công này còn nhận thêm những tiền thưởng khác (tip) qua phục vụ, và những tiền thưởng này cũng phải khai thuế như thường.

    Nghành Nail là một nghành trong phục vụ (service), nên thường, nhân công luôn có tiền thưởng (tips). Đa số thì tiền thưởng là tiền mặt, cho nên, thông thường những người thợ Nail thường giấu mà không khai. Cứ thử tưởng tượng, bạn làm trong một nghành “bắt buộc” có tiền thưởng, và giả dụ bạn khai với lợi tức thu nhập ít nhất là $1,000/1tháng hay $12,000/1năm. Nếu cứ bình quân một phục vụ của bạn là $30 thì bạn có ít nhất 400 phục vụ trong một năm. Chẳng lẽ trong 400 lần phục vụ đó, không có ai cho bạn một đồng tiền thưởng nào. Điều này có thể xẩy ra trên đất nước khác, nhưng với nước Mỹ thì hầu như khó có thể xẩy ra. Vậy mà trong những mẫu đơn khai thuế hằng năm của những người thợ Nail lại không có khai khoản này, Bạn nghĩ Sở Thuế họ có tin không?

    Vi phạm thứ hai khá phổ thông là “Khai Man Lương Bổng.” Đây cũng là một trong những việc thường xẩy ra giữa thợ và chủ Nail. Vì không muốn đóng thuế ra nhiều, hay vì muốn lãnh tiền trợ cấp và bảo hiểm sức khỏe, mà các thợ Nail thường làm “áp lực” với các chủ Nail theo hình thức 50/50. Nghĩa là 50% thì trả theo lương check để khai thuế và 50% còn lại được trả bằng tiền mặt (để trốn thuế). Không biết từ đâu, và từ ai chỉ dậy, mà những người thợ Nail lại nghĩ rằng họ lấy tiền mặt thì có thể “trốn thuế.” Trên căn bản, mặc dù chủ Nail chịu trả tiền mặt cho thợ, họ vẫn có thể khai thuế theo dạng tiền thưởng hay hoa hồng. Trách nhiệm của người thợ là khi nhận được tiền đó thì họ phải khai thuế. Vậy làm sao mà trốn thuế đây?

    2. Vi Phạm Của Chủ Nails

    Bất cứ một người chủ nào cũng phải có bổn phận phải khai báo thuế vụ cho nhân viên của mình bao gồm gồm mẫu đơn thuế, trừ thuế, giữ thuế và đóng tiền thuế cho Sở Thuế. Có muôn ngàn vấn đề mà

    người chủ cần phải làm. Nếu làm sai, Sở Thuế có thể phạt nặng hay tịch biên tài sản cả thương nghiệp lẫn cá nhân nếu người chủ vi phạm nghiêm trọng.

    Cách “lách luật” thông dụng mà các chủ Nail hay dùng là phương pháp IC (independent contractor) hay giới Nail gọi là “làm ăn chia.” Phương pháp IC tuy có nhiều điều, nhưng đơn giản thì không khác gì là phương pháp cho mướn chỗ.

    Theo qui định, người mướn chỗ sẽ không theo bất cứ một qui định nào liên quan đến công việc, chính sách hay cách thức phục vụ của tiệm Nail. Họ là những người mướn chỗ độc lập (Independent Contractor). Họ phải có trách nhiệm đóng thuế, điều hành, quản lý, tiếp thị, và phục vụ theo cách của họ. Thay vì họ phải mướn một chỗ quá rộng, họ phải trả chi phí cao, thì họ chịu mướn một phần nhỏ của tiệm Nail, thế thôi.

    Tiếc thay, các chủ tiệm Nail vì thiếu kinh nghiệm và hiểu biết về luật thuế cộng thêm các nhà “khai thuế” cố vấn “tay mơ”, họ nghĩ rằng họ có thể qua mặt luật pháp bằng cách cứ “mướn thợ” theo dạng IC thì sẽ không gặp rắc rối về luật thuế.

    Nhưng họ lại không biết rằng, khi họ đã thuê mướn và phân công, hoặc trả lương cho thợ thì những người thợ đó không phải là IC nữa mà là nhân viên của họ. Khi đã là nhân viên của họ, thì họ phải có trách nhiệm khai thuế, giữ thuế và đóng thuế theo đúng qui định, nếu không họ sẽ vi phạm về luật thuế. Trong thời gian vừa qua, Sở Thuế vẫn tỏ ra “lơ là” với việc khai thuế của các chủ Nail và thợ Nail, khiến cho không ít các chủ và thợ Nail đều nghĩ rằng mình có thể “thông minh” hơn Sở Thuế và có thể qua mặt Sở Thuế dễ như trở bàn tay. Sự thật thì không phải vậy. Họ không biết rằng họ đang được “vỗ cho béo” để làm thịt ngon hơn, chính là chính sách mà Sở Thuế Mỹ vẫn ưa dùng.

    Để giúp Bạn hiểu rõ hơn, chúng tôi sẽ đưa ra một “trường hợp đặt biệt” của một nghành nghề rất phổ biến trong cộng đồng người Việt lúc xưa, đã bị Sở Thuế dùng cách thức “Vỗ Cho Béo” như thế nào.

    Từ năm 1985-1993 nghành may mặc gia công được phát triển rầm rộ trong cộng đồng người Việt tại California. Đâu đâu bạn cũng thấy những cửa tiệm may gia công nằm san sát nhau. Có những khu phố mà cả con đường dài 4 đến 5 dặm không có cửa tiệm nào khác ngoài nghành may mặc.

    Cũng giống như các chủ tiệm Nail bây giờ, các chủ cơ sở may mặc cũng dùng dạng mướn nhân công Mễ và Việt theo dạng IC (Independent Contractor) và trả bằng tiền mặt. Sự làm ăn và phát triển mạnh mẽ của nghành may gia công đã tạo ra không ít những người Việt trở thành triệu phú trong khoảng vài ba năm.

    Ai cũng nghĩ, cứ đà này thì ai vào nghành may cũng đều giầu to cả. Và thế là họ cứ đua nhau đầu tư vào nghành may và cứ “copy nguyên xi cách làm” của người đi trước. Khoảng 8 năm sau, khi những người chủ các cơ sở may gia công đã bắt đầu có cơ ngơi, thì cũng chính là lúc Sở Thuế bắt tay vào làm việc.

    Chỉ trong vòng chưa đến 2 năm thì 99% các cơ sở may gia công đều bị đóng cửa. Các chủ cơ sở tiệm may, không những tài sản doanh nghiệp và cá nhân đều bị tịch biên, vì không trả đủ tiền thuế và tiền lời rất nặng (31% mỗi năm), mà không ít người đã phải chịu thêm cảnh tù đầy, tán gia bại sản. Bao nhiêu công sức đều tiêu tan theo mây khói, và từ đó nghành may gia công của người Việt tại California coi như tàn lụi.

    Nghành Nail của cộng đồng người Việt bây giờ cũng giống hệt như nghành may lúc trước. “Vỗ cho béo” của Sở Thuế Mỹ xem ra lại làm cho cộng đồng người việt nghành Nail khó tránh khỏi thảm hoạ diệt thân. (Nếu Bạn trong nghành Nail thì chắc chắn Bạn cũng nghe không ít thì nhiều, về tin những tiệm nail mà người chủ bị phạt trung bình lên đến $300,000-$400,000. Và nếu bạn để ý kỹ thì Bạn sẽ thấy bây giờ Sở Thuế đã bắt đầu phạt nhiều hơn, so với trước đây. Và đó chính là dấu hiệu mà Sở Thuế đang bắt đầu chiến dịch “Vỗ cho Béo” đối với nghành nail của người Việt.)

    3. Vi Phạm Luật Treo Bảng

    Theo luật pháp Mỹ, bất cứ một công ty nào trên nước Mỹ nếu có thuê mướn nhân công đều phải treo hai tấm poster trong đó phải bao gồm những điều khoản, đạo luật của Liên Bang và Tiểu Bang như: Luật Lao động, lương giờ, chống kỳ thị, luật thấp nghiệp, không hút thuốc lá v.v. Đây là việc bắt buộc chứ không phải được quyền tự chọn. Nếu công ty nào vi phạm (không treo) thì sẽ bị phạt vạ lên đến $17,000 theo mức phạt như sau:

    • Thiếu bảng niêm yết về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp (OSHA) là $ 7,000.
    • Thiếu Đạo luật Nhân viên Nói Dối Bảo vệ Liên Bang năm 1988, phải đối mặt với một khoản tiền phạt lên đến $ 10,000.
    • Không hiển thị các Cơ Hội Làm Việc Bình Đẳng tăng lên đến $ 210 trong năm 2014.v

    Tiếc thay, 98% tiệm Nail của Việt Nam chẳng hề thấy treo các bảng quy định bắt buộc nêu trên.

    Nguồn: viet.usdeltarealty.com

  • Theo quan sát của tôi, khi ở Việt Nam bạn có thể là kỹ sư, giáo viên, nhân viên văn phòng, kinh doanh, nông dân nhưng lúc qua Mỹ đều có thể làm nail. Vì đây là nghề mưu sinh nơi đất khách xem ra thích hợp với người Việt ở sự tỉ mỉ, khéo léo và tính nghệ thuật không đòi hỏi quá cao và cả không cần phải biết tiếng Anh.

    nghe nail tieu nong 1
    Một tiệm nail ở Mỹ. Ảnh: Vo Ngoc Anh

    Thói quen ‘chợ VN’ ở các tiệm nail

    Do trong tiệm nail thợ vừa làm vừa nói chuyện, các thói tiểu nông từ VN mang qua được thể hiện rất rõ. Chuyện vợ chồng nhà người ta, chuyện ai đó bị tai nạn, chuyện con cái nhà ai không ngoan, chuyện nhà bị trộm…chuyện nào cũng dễ dàng được kể đi kể lại, bàn tán, bình phẩm với nhau.

    Ở tiệm nail, chuyện từ nhà ra phố được truyền đi một cách nhanh chóng. Cách nhìn hiện đại có thể thấy, mỗi tiệm nail như một tờ báo. Chỉ khác thông tin thường thiếu sự xác minh, theo kiểu nghe kể lại.

    Nói một cách khác, các tiệm nail giữ cho cộng đồng người Việt tại Mỹ dù sống trong khu vực vài thành phố cạnh nhau vẫn có tính thông tin như một làng quê truyền thống của người Việt.

    Tính lắm điều, nhiều chuyện trong các tiệm nail như không gian để người Việt gần gũi với thói quen không khác ở quê nhà. Nhưng không phải người phụ nữ Việt nào cũng thích điều này.

    Gần nhà tôi ở Tacoma, bang Washington có chị Hân, qua Mỹ lúc gần 50 tuổi. Ngay khi đến Mỹ chị chọn cách đi làm nail như nhiều đồng hương. Làm hơn 6 tháng chị nghỉ, xin chuyển tới một công ty dù thu nhập ít hơn.

    Chị Hân nói, không thể tiếp tục làm nail là vì tính người Việt với nhau. Mới vào chưa giỏi nghề bị ăn hiếp theo kiểu “ma cũ bắt nạt ma mới”.

    Người làm lâu hơn, họ biết ai là khách sộp (tip nhiều) dùng chiêu để dành, dù người khách đó theo lượt sẽ là đến phiên mình. Đến việc chia phe, người này nói xấu những người họ không ưa. Đây cũng là những lý do phổ biến tôi nghe được từ nhiều người phải chia tay với nghề nail.

    Mặt trái nữa là không ít tiệm nail của người Việt cũng là nơi thể hiện sự phân biệt chủng tộc. Sự phân biệt không giấu giếm trong người Việt về màu da nào cho tiền tip cao. Phân biệt chủng tộc công khai trên không gian mạng với tiếng Việt khi giới thiệu “tiệm khu Mỹ trắng”, thay vì nói khu khách sang để tuyển thợ. Cũng may cho họ, dân Mỹ chẳng có mấy người biết tiếng Việt.

    Và con số không nhỏ người Việt vẫn tiếp tục sang Hoa Kỳ, góp phần thêm đông đảo vào lực lượng làm nail, duy trì nuôi dưỡng tiếp những định kiến, thói quen phát ngôn, suy nghĩ, hành xử “từ quê” đem sang.

    nghe nail tieu nong 1
    Một tin quảng cáo tìm thợ. Ảnh: Vo Ngoc Anh

    Nước Mỹ ‘khát’ thợ nail

    Trên cả nước Mỹ đang có hơn 10 triệu việc làm cần người làm, trong đó có cả việc chờ người tại các tiệm nail.

    Mấy năm đại dịch vừa qua, số hồ sơ được xét duyệt để vào Mỹ chậm lại, trong đó có người Việt, làm cho nguồn thợ nail mới trở nên ít hơn. Điều này dẫn đến nhiều tiệm nail đều trong tình trạng thiếu thợ, giữa bối cảnh người Mỹ vẫn tiêu tiền nhiều từ năm 2021 đến nay.

    Trên các trang Facebook của cộng đồng người Việt ở Mỹ ngày nào cũng có tin từ các tiệm nail tuyển thợ.

    Người từ Việt Nam mới qua Mỹ dễ dàng bắt đầu công việc mới với nghề làm nail. Họ có thể chọn cách học xong trong vòng 3 – 6 tháng rồi làm, hoặc chỉ ghi danh lấy giờ và họ đi làm rèn tay nghề ngay tại tiệm nail.

    Cách thứ hai này không đúng luật cho cả trường dạy và chủ tiệm nail. Dù vậy, tại các thành phố có sự dễ dãi, các trường dạy nail chấp nhận điều này để có học viên và tiệm nail có người làm. Học phí để có được bằng nail không quá cao, chỉ khoảng hai nghìn USD.

    Nhiều bạn trẻ gốc Việt ngày thường đi học, nhưng cuối tuần, dịp hè họ gắn với nghề nail. Đây là cách các bạn trẻ này có thêm thu nhập bằng nghề tạm thời tốt hơn so với nhiều công việc khác.

    Có không ít người đã ra trường, đi làm với công việc đúng chuyên môn, cuối tuần, ngày nghỉ họ vẫn gắn với việc đi làm nail để thêm thu nhập.

    Không ít bạn trẻ từ Việt Nam sang Mỹ với lý do du học, nhưng trên thực tế thời gian tại các tiệm nail của họ nhiều hơn ở trường. Các bạn này thường ở lại hợp pháp sau đó bằng cách kết hôn với người cư trú hợp pháp ở Mỹ. Và thường sau đó họ không bao giờ tốt nghiệp được trường đại học nào tại Mỹ.

    Nghề nail không phải trả lương cao, nhưng nhờ có tiền tip (tiền bo) nên tổng thu nhập trong ngày không thấp, có thể nói là đồng lương hậu hĩnh.

    Bên cạnh trả lương theo ngày (bao lương), tại nhiều tiểu bang còn có cách thợ chia tiền với chủ tiệm nail trên số tiền khách hàng trả cho chi phí dịch vụ họ được làm (ăn chia). Thường thợ nail lấy 60%, chủ lấy 40% từ số tiền của khách.

    Nghề nail góp phần không nhỏ vào sự khấm khá của cộng đồng người Việt trên đất Mỹ. Tôi có người quen đến Mỹ hơn chục năm, cả hai vợ chồng đi làm nail. Giờ họ làm chủ hai tiệm nail lớn, nắm trong tài sản hàng triệu đô. Khối tài sản mà nhiều người Mỹ mơ ước.

    Người Việt đa phần vẫn chỉ chọn nghề nail

    Phở là món ăn nổi tiếng nhất của người Việt ở Mỹ. Nhưng nghề phổ biến nhất của cộng đồng gốc Việt tại Mỹ thì đó là nghề làm nail. Tiệm nail có mặt ở hầu hết các khu buôn bán, trung tâm thương mại ở Mỹ.

    Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, theo khảo sát cộng đồng người Mỹ của Cục điều tra dân số ước tính, khoảng 12% người Mỹ gốc Việt tham gia lao động trong ngành nail.

    Thống kê của Hội Nghề Làm tóc và Thẩm mỹ của tiểu bang California có 80% thợ nail và thợ thẩm mỹ được cấp phép trong tiểu bang là người gốc Việt.

    Còn tại Texas, trong một báo cáo được đăng trên trang website của Đại học Rice ở Houston, Texas năm 2021, con số này khoảng 76%. Các tiểu bang có đông người gốc Việt khác, số người Việt gắn với làm nail cũng không hề nhỏ.

    Ở những tiểu bang có ít người Việt sinh sống hơn lại có kiểu làm gọi là làm nail xuyên bang. Theo đó, người Việt này từ tiểu bang khác đến một tiểu bang ít người Việt sinh sống để làm nail.

    Làm nail xuyên bang phải chịu cảnh xa gia đình, nhưng bù lại có mức thu nhập cao hơn. Trong tất cả thợ nail có gốc gác nhập cư ở Mỹ, người Việt chiếm 74%.

    Bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả Võ Ngọc Ánh, sinh sống tại thành phố Tacoma, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ.

    Theo BBC Vietnamese

  • Sau nhiều năm chăm chỉ làm ăn ở Mỹ, hai vợ chồng gốc Việt Julie Tran và Andy Hoang đã tạo dựng được cơ ngơi tiệm nail khang trang.

    Khi từ VN đến Mỹ hơn 20 năm trước, bà Julie Tran chưa từng nghĩ sẽ có ngày mở được một tiệm nail (làm móng) của riêng mình. Thế nhưng, cửa hàng LA Nails của bà Tran cùng chồng, ông Andy Hoang, tháng trước đã khai trương mặt bằng mới khang trang, rộng 158 m2 trên Đại lộ Calumet ở TP.Valparaiso thuộc bang Indiana. Trang The Times of Northwest Indiana mới đây đăng tải câu chuyện về thành công của đôi vợ chồng gốc Việt này.

    LA Nails 1
    Tiệm nail LA Nails trên Đại lộ Calumet ở TP.Valparaiso thuộc bang Indiana. Ảnh: JULIE TRAN

    Trong hơn 10 năm qua, hai vợ chồng bà Tran quản lý LA Nails ở địa điểm ngay đối diện. Ngay khi có cơ hội mở rộng tiệm nail của mình, ông bà chủ LA Nails không hề do dự. “Việc kinh doanh đang diễn ra suôn sẻ. Chúng tôi chuyển sang bên kia đường vì tiệm mới rất dễ tìm và chúng tôi không phải lo bị mất khách”, bà Tran cho biết.

    Nỗ lực để thành công

    Để có được thành quả trên, bà Tran đã nỗ lực phấn đấu suốt thời gian dài. Năm 2000, ở tuổi 29, bà Tran một mình từ VN sang Mỹ với chỉ vỏn vẹn 1.200 USD (khoảng 28,4 triệu đồng hiện nay) trong túi. Bà tự học tiếng Anh bằng cách xem phim và đọc nhãn các món hàng trong siêu thị.

    Ban đầu, bà Tran đến TP.Jacksonville, bang Illinois sống với một người họ hàng. Gần một năm sau, bà chuyển đến TP.Houston, bang Texas cùng một người bạn và dự định học đại học vì không thể sử dụng tấm bằng cử nhân hóa học mang từ VN sang.

    Tuy nhiên, bà nhanh chóng nhận ra rằng chỉ với công việc làm thêm ở tiệm nail, bà không thể chi trả học phí. “Lương rất thấp, mà tôi thì cần phải kiếm nhiều tiền hơn. Tôi đã nói chuyện với chú của mình. Ông ấy nói nếu muốn kiếm tiền dễ hơn, tôi phải đến những bang lạnh hơn”, bà Tran nhớ lại.

    Vì vậy, bà Tran bắt đầu quá trình tìm việc. Sau khi nhận được một cuộc gọi từ LA Nails ở Valparaiso, bà Tran chuyển đến Indiana. “Lần đầu tiên đến Valparaiso, tôi đã nhìn xung quanh và nghĩ “mình đang đi đâu thế này?” vì tôi đã rời Houston, một thành phố rất lớn. Dù vậy, nhờ làm việc không ngơi nghỉ, ngay cả cuối tuần, tôi bắt đầu kiếm nhiều tiền hơn”, bà Tran kể. Chỉ hai năm sau, vào tháng 4.2004, bà mua lại cửa hàng LA Nails.

    LA Nails 1
    Hai vợ chồng Julie Tran và Andy Hoang, chủ tiệm LA Nails Ảnh: JULIE TRAN

    Cùng nhau xây dựng cuộc sống

    Bà Tran và chồng biết nhau từ trước khi bà sang Mỹ định cư. Năm 2003, khi bà về VN thăm gia đình, họ bắt đầu yêu thương nhau và rồi tiếp tục duy trì liên lạc bằng các ứng dụng nhắn tin, gọi điện qua mạng. “Ngày nào chúng tôi cũng nói chuyện điện thoại sau khi tôi tan làm đến lúc một người ngủ quên vì trái múi giờ”, bà Tran nhớ lại.

    Dù cách nhau nửa vòng trái đất, tình yêu của hai người vẫn luôn mặn nồng. Họ thành hôn vào năm 2005 và ông Hoang cũng đầu tư vào tiệm nail LA Nails. Hai vợ chồng vẫn phải xa nhau thêm 5 năm nữa.

    Đến tháng 11.2010, bà Tran mới có thể đón chồng sang Mỹ. “Tôi phải trở thành công dân Mỹ trước rồi mới có thể bảo lãnh cho chồng sang. Đó là một quá trình dài và khó khăn”, bà Tran chia sẻ.

    Ông Hoang cho biết đã học tiếng Anh 7 năm ở VN nên hòa nhập với môi trường mới ở Mỹ khá nhanh. Hiện cả hai vợ chồng đều cùng nhau quản lý tiệm nail. Họ còn thuê thêm 3 người phụ giúp. “Bây giờ tôi đã xây dựng được cuộc sống ở Valparaiso. Nhiều bạn bè của tôi đều ở đây và họ rất tốt với tôi. Tôi biết ơn mẹ tôi, chồng tôi, nhân viên của tôi và các khách hàng đã đến tiệm nail của tôi. Họ đã giúp tôi luôn tiến về phía trước và đóng vai trò quan trọng trong thành công của tôi”, bà Tran nói.

    Theo Thanh Niên

  • Nghề làm nail trong cộng đồng người Việt ở Mỹ có một ma lực khủng khiếp. Bất kể bạn là cô gái đang thanh xuân đẹp đẽ hay người sắp 60 gối mỏi tay run, một khi đã sống được với nail rồi thì khó rút chân ra.

    ma luc nghe nail
    Ảnh minh họa: freepik

    Nhiều bạn bè ở Việt Nam, sắp sang Mỹ định cư hay hỏi tôi:
    - Nghề nào dễ kiếm tiền nhất ở Mỹ?
    - Làm nail.
    - Nghề nào cực nhất ở Mỹ?
    - Làm nail.
    - Nghề nào dễ nổi khùng nhất ở Mỹ?
    - Làm nail.
    - Nghề nào bạc nhất nước Mỹ? Làm nail luôn hả?
    Họ tự hỏi rồi cũng tự trả lời luôn.

    Thời điểm cực thịnh nhất của nghề nail là những năm 1980 tới trước năm 2008. Nhà nhà làm nail, người người làm nail. Một bộ full-set ngày đó tới 50 USD. Tiệm nào cũng đông nườm nượp khách.

    Nhưng từ năm 2008, khủng hoảng kinh tế lan rộng, nghề nail cũng suy thoái. Việc kiếm tiền trở nên chật vật hơn khi người Mỹ cắt giảm nhu cầu làm đẹp. Các chủ tiệm cạnh tranh không lành mạnh, đẩy giá xuống cực thấp để hút khách về mình. Bộ full-set giảm xuống còn 30 USD, có nơi chỉ 20 USD. Nhiều người làm nail thường mua nhà to, xe đẹp, đâm ra thiếu nợ lớn ở ngân hàng. Tới khủng hoảng, trả không nổi nên bị lấy nhà, lấy xe.

    Những năm gần đây, nghề nail cũng dần trở lại vị trí “huy hoàng”. Nhiều tiệm mới được “build” (xây) mọc đầy đường. Chủ kiếm được nhiều tiền hơn. Thợ dư rủng rỉnh. Nhưng có điều giá vẫn rẻ òm, cố đẩy mà lên hổng nổi. Nhiều thành phố đông dân nghèo, một bộ full-set còn có 15 USD. Ngồi cả ngày làm gãy lưng chắc mới kiếm được tiền. Mùa hè còn vậy, mùa đông ế chắc lắm.

    Tôi giờ học hành thành tài, ra trường có việc làm quản lý bất động sản lương bổng ổn định, được đi đây đó khắp nơi, cũng nhờ những đồng tiền anh chị tôi chăm chỉ lẫn đắng cay kiếm được trong các hãng xưởng, tiệm tóc với nail, những ngày chập chững sang Mỹ định cư, để tôi yên tâm đến trường tìm cho mình con chữ.

    Tôi khẳng định một điều, ở Mỹ, không có nghề nào dễ kiếm tiền như nail hết. Nếu người mới sang không biết tiếng Anh tiếng u, phải đi lặt rau, làm cá, chặt thịt trong chợ hay phụ bếp, bồi bàn, lương chẳng được là bao đã vậy còn cực khổ kinh hồn. Xin vô mấy công ty của Mỹ làm lao công, quét dọn, nhặt rác, lau nhà vất vả cũng chẳng thua ai.

    Hai nghề chân tay nhiều người Việt theo đuổi là tóc với nail cũng có “số phận” khác nhau. Nếu như thợ hớt tóc phải học cả năm trời, tốn ngàn giờ, với giá mấy ngàn đô la, trải qua kỳ thi khó khăn mới được cấp bằng hành nghề thì nghề nail lại dễ thở hơn nhiều lần.  

    Nhiều người quen tôi tiếp xúc, dù luôn miệng bảo chán làm cái nghề này lắm nhưng nail có một ma lực khủng khiếp, đã đặt chân vào rồi, khó mà rút ra được. Nghề này không được đãi ngộ, phải chiều chuộng bao lượt khách lạ lẫn quen, ngày ngày hít hóa chất độc hại bay đầy trong tiệm hay cắn răng, nhắm mắt giả lơ trước sự chèn ép của đồng nghiệp. Bất kể bạn là cô gái hay chàng trai đang thanh xuân đẹp đẽ, hay những cô chú tuổi sắp sáu mươi, gối mỏi, tay run, một khi đã sống được với nail rồi khó mà rút chân. Đơn giản, số tiền kiếm được mỗi ngày đủ đảm bảo cho họ một cuộc sống đủ đầy.

    Vẫn chưa bỏ nghề dù rất muốn

    Tôi hay nhớ cô bạn xinh đẹp thuở sinh viên luôn từ chối sự giúp đỡ của gia đình vì ba má còn nuôi mấy đứa em. Cô xin vào tiệm nail làm kiếm tiền đóng học phí. Gặp tiệm cũng dễ, rảnh lúc nào vô lúc đó để làm. Thợ nào cũng né làm chân, đẩy hết qua cho cô.

    Bạn bảo nhiều bữa về nhà, hai tay mỏi nhừ, bưng tô cơm lên mà nghĩ tới những bàn chân to đùng, da dẻ dày khui, mang giày suốt tháng quanh năm của người Mỹ mà nuốt không trôi miếng ăn đang lừng khừng ngay cuống họng.

    Phải bỏ nghề khi ra trường kiếm việc văn phòng làm thôi. Đó là ước mơ giản dị và nhỏ nhoi nhất của bạn. Nhưng ông trời vốn trêu ngươi, bạn đi xin việc khắp nơi, được nhận rồi, nhưng hễ nghe tới lương là… rút.

    Có lần cô ấy xin vô công ty tôi làm. Tôi bảo bên này thư ký chỉ nhận chưa tới 15 USD/giờ, rồi phải đóng thuế thu nhập nữa. Chịu nổi không? Tất nhiên là không. Khi đã quen với xấp tiền mặt lãnh mỗi hai tuần, quen với những đồng tiền "tip" tuy lẻ tẻ nhưng dồn lại cũng lên cả ngàn USD mỗi tháng, thì việc lãnh cái check ra bị trừ một nùi thuế và phí, làm sao đủ để trả tiền xe, tiền nợ học phí và giúp đỡ ba má trả bớt tiền nhà và nuôi mấy đứa em.

    Hai đứa ra trường đã gần 15 năm. Bạn giờ có chồng, đẻ cái, sinh con. Thỉnh thoảng gặp nhau, những vết dị ứng hóa chất vẫn hằn trên đôi tay. Tôi vẫn một chỗ làm hoài. Bạn vẫn chưa bỏ nghề dù rất muốn. Hai vợ chồng mới mua cái nhà. Ráng cày thêm một hai năm nữa, rồi kiếm cái tiệm nào nho nhỏ cho bớt cực, có thời gian rảnh cho con.   

    Nhà văn Nguyễn Hữu Tài

    Viethome (theo Thanh Niên)

  • tho nail nhay nghe

    Trên nhóm Người Việt California, bạn Oh Trading đã chia sẻ câu chuyện của một người anh từng làm nail nhưng lại sa lầy trong ngành địa ốc giữa bối cảnh giá xăng tăng. Hãy cùng gỡ rối giúp bạn ấy nhé:

    ''Người bạn em trước đây làm nail xuyên bang, tay nghề rất tốt. Về Cali được hơn hai năm nay, lúc đại dịch là không làm nails luôn từ đó tới giờ. Trong lúc nghỉ không làm nails, ảnh đi học nghành Real Estate mất hơn một năm trời. Và ảnh lấy được bằng Địa Ốc Real Estate được 6 tháng nay, nhưng không kiếm được tiền, không có khách mua và không bán được căn nhà nào hết, tốn tiền xăng rất nhiều vì xăng mắc và mileages xe càng tăng. Agent ở khu Bolsa ra nghề càng lúc càng đông, đông còn hơn người mua nhà nữa, cạnh tranh khốc liệt, lấy commission thấp, còn tặng lại tiền buyer này nọ, trong khi vật giá sinh hoạt đều tăng, tiền nhà, tiền thực phẩm, tiền ăn, tiền xăng đều tăng.

    Ảnh buồn quá ngồi tâm sự và hỏi em:

    1. Ở Cali tiệm nails cần toàn Thợ Nữ, thợ nữ trẻ tuổi, trong khi anh nghỉ làm nails hơn 2 năm nay, tuổi anh thì trên 40 dưới 50 nên anh mất tự tin, cảm thấy lạc hậu. Không biết xin đi làm nails lại còn được nữa không? Gần hai mươi năm anh làm nails xuyên bang vậy mà về Cali trong tình thế này, anh cảm thấy lo sợ, khi muốn vô lại nghề nails và nhà anh có người lớn tuổi phải để mắt trông chừng, nên anh không đi làm nails xuyên bang được nữa.

    2. Nghề Địa Ốc anh thấy bấp bênh quá, mới vô nghề như anh nữa năm trời trôi qua, anh không kiếm được đồng nào hết, còn bị lỗ vốn mất tiền( Tiền đi học, tiền đi thi, tiền membership MLS, tiền Supra Key, tiền xăng, tiền xả giao ăn uống, công sức và thời gian là coi như bỏ đi, không tính tới rồi đó nha.

    3. Vậy anh phải chọn con đường nào đây? Thời gian cuộc đời anh không còn nhiều nữa, anh không thể quyết định sai lầm hoài là tiêu đời luôn…(mua tiệm nails sai lầm, đầu tư nhà 2008 sai lầm mất tiền, Stock chứng khoáng 2009 sai lầm mất tiền , Stock bankruptcy anh bị mất nhiều tiền) Anh cảm thấy đi học và lấy bằng địa ốc ở vùng này, đó là một sai lầm lớn của anh, mất tiền trong khi kiếm không ra tiền. Cái tội đứng núi này trông núi nọ.!!!( Ủa, mà anh ta cũng chịu học hỏi và cầu tiến mà? Phải không mấy Anh Chị?)

    Vậy thì trong trường hợp này, anh ta phải phân tích và tính toán làm gì cho đúng ạ? Các anh chị và các bạn thấy anh ta phải chọn con đường nào để tránh bớt sai lầm? Làm Nails? Hoặc làm Real Estate? Hoặc làm cả hai?''

    Dưới đây là một số góp ý hữu ích của cộng đồng mạng:

    Bạn Ngoc Nguyen gợi ý: ''Mình cũng lấy bằng địa ốc được hơn 1 năm. Có một chút chia sẻ cùng bạn. Trước khi lấy bằng địa ốc mình có tiệm nail nho nhỏ. Sau đó mình bán đi để làm agent địa ốc. Lúc bán mọi người bảo mày đang ổn định mà lại bán đi làm địa ốc thấy ko ổn lắm. Nhiều người có bằng mà giỏi lắm mà cũng bỏ nghề và có bán được đâu. Nhưng mình yêu nghề này vì trước khi sang Mỹ mình cũng làm Realtor. Mình đã chuẩn bị hành trang như sau:

    1. Làm agent tại công ty máy cà thẻ (có residual income- giúp khách hàng tiết kiệm và mình cũng có tiền luôn) khi có một lượng khách ổn định rồi mình bắt đầu học và lấy bằng địa ốc.

    2. Khi có Income đủ cover chi phí từ máy cà thẻ là bắt đầu mình thì đỗ và bắt đầu vào làm địa ốc. Không bị áp lực kiếm tiền từ nghề này nên mọi thứ đến đều đều. Năm đầu tiên 2021 cũng khá là khó khăn cho 1 Realtor thắng offer cho khách nhưng mình cũng đạt 14 transaction cho 2021 (mua - bán - cho thuê) chỉ tiêu của mình cũng chỉ là 12 thôi nhưng mình vượt qua. Bạn hãy kiên trì và tập trung. Chúc bạn thành công!''

    Bạn Cherry Ly gợi ý: ''Vấn đề theo mình thấy (nhà anh có người lớn tuổi cần để mắt trông chừng) xin hỏi ai là người trông chừng ? Nếu anh ấy là người phải take care người lớn tuổi thì đi làm nail thôi và xin chổ nào gần nhà nhất, có thể từ nhà ra tiệm 5 phút lái xe để tiện chạy về lo cho người (lớn tuổi), ví dụ như bạn cho Bác ăn xong rồi đi làm, tới giờ ăn thì về lo, lúc nào cũng phải trực phone khi bác gọi phải Bắc phone liền,.... anh ấy phải nghĩ (an phận) thì làm nail là giờ giấc OK nhất rồi , nhưng khi xin việc phải trình bài rõ ràng cho người chủ biết trường hợp của anh''.

    Bạn Kim Nguyen cho rằng: ''Theo em nghĩ Texas và Florida là tốt nhất cho ảnh phát triển nghề Nail và Realtor, chúc anh may mắn''.

    Bạn Sophia Luff gợi ý: ''Theo mình nghề địa ốc cũng như bảo hiểm, muốn làm tốt ngoài việc có license thi cần có kinh nghiệm và nhiều mối quan hệ tốt. Anh bạn mới học xong thì cần phải có thời gian trải nghiệm, học hỏi rồi mới thành công được . Thời gian dài ngắn tùy thuộc khả năng mỗi người. Vấn đề là không có thu nhập thì làm sao theo đuổi ước mơ? Theo mình ảnh nên lấy ngắn nuôi dài, đi làm Nail hoặc nghề gì đó mà ảnh cảm thấy có thể có tiền để có thu nhập tạm thời và nghề đó có thể linh động thời gian để ảnh vẫn có thể duy trì công việc địa ốc, mong ảnh đừng nản chí, lập kế hoạch , cố gắng thực hiện được kế hoạch lập ra. Chúc ảnh thành công nhé!''

    Bạn Angelvan Trinh cho rằng: ''Bây giờ ở nơi đâu cũng rất cần thợ nail, theo mình nghĩ anh ấy đã có sẵn tay nghề rồi thì sẽ dễ thích nghi với hiện tại thôi, chỉ cần là mình có muốn hay không thôi, vừa làm nail vừa làm địa ốc cả hai hỗ trợ cho nhau thì có lẽ tốt hơn''.

    Bạn Tuyen Nguyen bình luận: ''Cái gì cũng cần kiên nhẫn và thời gian. Anh ấy cần tự sắp xếp lại thế mạnh của mình và cả nhu cầu mong muốn của mình thế nào nữa. Cân đo lại sẽ được gì và cần hy sinh gì, rồi quyết định 1 con đường và giữ vững ý chí để vượt qua khó khăn mà đi. Tuổi 40 hay hơn nữa cũng không phải là vấn đề để bắt đầu cho công việc mới, vì nó theo mình cả đời còn lại. Có điều, cần lựa chọn cho mình con đường phụ hợp nhất theo điều kiện có thể của mình''.

    Bạn Long Nguyễn cho rằng: ''Ở tầm tuổi này, chỉ có thể chọn nghề thích ít hay thích nhiều mà thôi, nếu ko muốn nói là "nghề nó chọn mình chứ ko phải mình chọn nghề". Đừng chọn nghề mà mỗi sáng mở mắt nghĩ tới "nó" là tuột mút. Thấy đủ là đủ, an nhiên trong cuộc sống''.

    Bạn Jennifer Ly chia sẻ: ''Khuyên anh hãy lạc quan lên! Anh vẫn còn trẻ mà, anh làm Nail tập trung làm bột và update những mẫu bột mới, mình tin anh vẫn có thể làm đến 60 tuổi. Vi mình đã từng thấy có người nam gần 60 vẫn làm bột được''.

    Bạn Mai Pham bình luận: ''Bây giờ cứ tiếp tục làm Nail tay phải và nghành địa ốc tay trái chứ ngồi mà chờ bán được căn nhà thì cũng không dễ. Tuổi của anh ta vẫn còn nhỏ tiếp tục làm Nail được mà, đừng bi quan, tôi đây đã 65 về hưu rồi mà vẫn còn làm Nail đây. Chúc anh gặp may mắn và chọn đúng đường anh đi''.

    Bạn Ivy Tue Ha chia sẻ: ''Thương! Cảm giác đã từng có rất nhiều tiền và mất đi, cảm giác từ một người chủ xuống làm nghề thấp hơn, cảm giác chông chênh không biết rồi sẽ làm gì ra sao khi tuổi đã lớn..etc... mình hiểu. Tất cả những cảm giác này thật đáng sợ , vì mình cũng đá hàng U40. Vậy nên hiểu lắm và thương lắm những người chênh vênh ở lứa tuổi này. Vì không có đủ thời gian để làm lại từ đầu. Nên phía trước luôn thấy mờ mịt. Tất cả cảm giác này mình có đủ khi mới qua Mỹ và sống vài năm ở Mỹ.

    Nhưng mình quyết tâm đi tìm kiếm điều gì mình thật sự mong muốn và tìm hiểu con người của mình. Tìm hiểu đánh giá so sánh nghề nghiệp và số $ mang lại và sức khỏe và cuộc sống. Cuối cùng mình nhận ra mình cần phải đi từ thấp đến cao, bỏ qua quá khứ mình đã ở vị trí cao đó và xuống vị trí thấp hơn để thích nghi với môi trường sống của mình.

    Hãy quên hình ảnh của mình trong quá khứ, gác bỏ những bộ veston, giày da nghiêm chỉnh, và hãy mặc lên người một chiếc áo thun và quần đùi cùng đôi dép lào để lăn xả vào cuộc sống. Và chấp nhận thực tế những gì mình đang có, và tự nhủ, sức khỏe và năng lượng sống của mình là quan trọng nhất. Vì không có sức khỏe và năng lượng sống thì mình không còn có thể nhìn thấy những điều tích cực và niềm vui trong những việc nhỏ nhặt.

    Và nên ở gần những người tích cực (không có người tích cực có thời gian ngồi với mình, thì chọn những cuốn sách mang tên những người tích cực đó để truyền lửa cho mình). Khi tinh thần mình phấn trấn trở lại, mình tự nhiên hòa nhập được những vị trí thấp nhất trong công việc , rồi mình sẽ đi đến nơi mình cần đến là một vị trí cao hơn lần nữa.

    NHƯNG: phải tập tịnh tâm trí mình lạ , tâm có tịnh thì trí mới mở và giúp mình nhận xét quan sát thấu đáo những sự việc diễn ra trong cuộc sống xung quanh mình, khi đó trí ta sáng suốt + với tinh thần năng lượng sống tràn đầy và sức khỏe dồi dào, tự nhiên ta sẽ thấy cơ hội và từ trường may mắn sẽ đến với mình.

    Đó là tất cả trải nghiệm up and down trong cuộc sống của mình. Và hiện nay mình rất ổn với những gì mình đang có, mình vẫn làm nail và đang có rất nhiều goal và từng bước chinh phục chúng. Và mình vẫn luôn quan sát mình "on the way" vì mình hiểu rõ mình muốn gì và cần gì và là ai. Đó là điều quan trọng.

    Hiện nay, mình tập trung toàn lực vào đầu tư vào bản thân mình là chính. Đầu tư kỹ năng, update level, coi trọng tinh thần và thể xác của mình. Ngoài giờ làm việc mình về nhà tự học tập nghiên cứu, học ngoại ngữ (tự học trên các app, mình đang học 4 ngoại ngữ cùng 1 lúc, vì học ngoại ngữ giúp não bộ mình năng động hơn  giữ mình busy , không để lãng phí thời gian ngồi suy nghĩ vẩn vơ và ra ngoài tụ tập nhậu nhẹt hoặc bà 8 thì thật lãng phí thời gian và sức lực của mình).

    Ngoài ra mình còn nghiên cứu update nghề nghiệp của mình (nail design, Pattern Maker - nghề mình yêu thích nhất) . Trong quá trình nghiên cứu, mình càng thấy nhiều hơn cơ hội nghề nghiệp và thu nhập thụ động mang lại trong tương lai nếu mình học và thực hành thành công trên lĩnh vực mình thích).

    Nói như vậy để anh thấy cái nhìn cho một bức tranh rộng mở hơn và tìm được lối thoát nào trong mê cung mà anh đang lạc vào. Chúc anh ấy sớm mau chóng nhìn nhận ra được điều gì là cần thiết trong cuộc sống của mình. Tặng anh một câu: Cuộc sống là một con chiến mã, mà chiến mã thì ta không dễ thu phục nó nếu ta không đủ nội công thâm hậu''.

    Bạn Trần Minh Kiệt cho rằng: ''Về làm Nail đi anh, kiếm vùng mễ hoặc màu những khu đó khách vẫn rất thích nam nếu tay nghề anh thật sự tốt, Good luck anh''.

    BạnThy Le gợi ý: ''Mình thấy tạm thời anh ấy làm lại nghề nails, lấy ngắn nuôi dài, vừa làm nails có tiền lo cho cuộc sống rồi tìm khách hàng bán nhà song song, mình biết nhiều tiệm nails trên Los Angeles hay các thành phố lân cận Los cần thợ nails lắm, anh ấy đã có tay nghề sẵn giờ làm lại không khó đâu, mua báo người Việt xem đi, mình thấy cần thợ nails nhiều lắm hay cài app Yelp đó, trên đó có số điện thoại các tiệm nails 4-5 sao quá trời, vô các tiệm đó nếu tay nghề giỏi, biết bột kiếm 7-8.000d/1 tháng là bình thường, thậm chí được 10.000d/1 tháng luôn. Còn tay nghề bình thường thì 4-5.000d/1 tháng đó, vì mình có người quen vừa làm chủ và làm thợ những chổ đó rồi. Còn không thì khuyên anh ấy đi làm hãng đỡ, rồi từ từ tìm khách hàng bán nhà''.

    Bạn Trần Đại Long bình luận: ''Anh này có chí cầu tiến chỉ là không gặp thời, vẫn là nên lấy ngắn nuôi dài , làm nail trong tuần, còn thứ 7 - Chủ Nhật dẫn khách đi xem nhà. Người lớn tuổi phải chăm thì gửi ai đó chăm giúp''.

    Trên đây là những bình luận chia sẻ của bạn đọc. Nhìn chung, khi muốn đổi nghề, bạn không nên đổi cái rụp. Nên bớt thời gian làm nghề hiện tại và tranh thủ thời gian trau dồi nghề mới. Đến khi nào nghề mới vững vàng, bạn hãy thôi hẳn nghề cũ. Đừng để mình rơi vào cảnh bơ vơ giữa đường, cái gì cũng muốn, cái gì cũng tiếc. Đừng tiếc nuối quá khứ, hiện tại và tương lai mới là quan trọng.

    Viethome (Cre: Oh Trading /  nhóm Người Việt California)

  • chu tiem nail duoc bao nhieu tu tho

    Hầu hết các thợ đều cho rằng chủ rất giàu và chuyên ăn bớt, ăn xén của thợ. Điều này có thật sự đúng không? Dưới đây là bài phân tích của bạn Long Kim về thu nhập của chủ, đăng trên group Người Việt Cali. Hy vọng thợ đọc xong sẽ hiểu tỉ lệ ăn chia 6/4 hiện nay đã không còn phù hợp nữa:

    "Gần đây đang có rất nhiều bàn cãi xung quanh việc ăn chia giữa chủ và thợ nails, tôi xin là người ở giữa giải thích ăn chia trong nghành nails cho mọi ngưòi hiểu.

    Từ nhiều năm nay thì nguyên tắc ăn chia bất di bất dịch giữa thợ nail và chủ ngưòi việt là 6/4 và tiền tip 100% là của ngưòi thợ. Đặc biệt có một nguyên tắc nữa là số tiền trả luơng cho thợ thì bắt buộc phải là 50% tiền mặt và 50% tiền check. Ăn chia này có vẻ rất hợp lý từ hàng chục năm về trưóc khi mà đa số các tiệm nail đều trả luơng thợ theo form 1099 contractor có nghĩa là ngưòi thợ hoàn toàn không phải là emmloyee của tiêm mà chỉ là ngưòi làm hợp đồng tới muớn chỗ ở tiệm làm rồi ăn chia commission.

    Giả thiết ngưòi thợ làm khách là $100 và khách cho tiền tip là $20 total là $120 thì tiền sẽ đuợc chia như sau: thợ 60% x$100 = $60 +$20 tip = $80 total

    Ngưòi chủ sẽ trả thợ $40 check ( form 1099) + $40 cash = $80 total. Đến cuối năm khai thuế thì ngưòi chủ chỉ khai tổng số tiền thẻ credit card chạy vào nhà bank trừ đi total $ trong form 1099 trả thợ còn ngưòi thợ cũng chỉ khai thuế số tiền trong form 1099 chủ trả check, nói chung là hồn ai ngưòi đó giữ không ai liên quan ai về thuế má, về cơ bản thì phưong pháp này khá êm ấm cho cả 2 bên vì cũng có một phần khá lớn khách hàng trả tiền mặt cho tiệm nên chủ cũng có thể lo đuợc 50% trả luơng cash cho thợ.

    Tuy nhiên thì những năm gần đây mọi chuyện đã thay đổi theo chiều hưóng rất tệ cho chủ tiệm nail vì khách hàng đa số không xài tiền mặt nữa mà đa số xài thẻ credit card để có điểm thưỏng và tiện lợi nên để trả 50% luơng tiền mặt cho thợ bắt buộc chủ phải gánh thuế income này cho thợ, giá mặt bằng liên tục tăng theo lạm phát, việc kiếm thợ ngày càng khó khăn vì một số thợ lâu năm nghỉ hưu, lớp trẻ sanh ra ở mỹ không muốn làm nail và di dân từ việt nam qua ít dần và nhiều ngưòi sau này có tiền nên không muốn làm nail.

    Một khó khăn nhất là chính phủ đã siết chặt 1099 và bắt các tiệm trả luơng form W2 coi thợ như 1 nhân viên nên chủ tiệm sẽ phải trả khoảng 7.5% social security & medicare benefit cho thợ. Để có đuợc lợi nhuận như xưa thì chủ tiệm chỉ có thể ăn chia 5/5 thay vì 6/4 nhưng vì việc cạnh tranh kiếm thợ khó khăn nên chủ tiệm gần như không thay đổi đuợc nguyên tắc 6/4 và 50% tiền mặt .

    Giả thiết ngưòi khách trả credit card $100 và $20 tiền tip lúc này ngưòi thợ sẽ nhận $80 total như bài toán ăn chia 6/4 ở trên( $40 check W2 + $40 cash)

    Ngưòi chủ nhận $40 nhưng khi khai thuế thì ngưòi chủ sẽ phải claim $80 income( $120 -$40 check W2 = $80)

    Ngưòi chủ sẽ phải trả cho thợ social security & medicare benefit 7.5% x $40 =$3.12

    Ngưòi chủ sẽ phải trả income $40 cash cho thợ lấy trung bình 20% x$40 = $8

    Credit card fee 3% x $120 = $3.6

    Như vậy ngưòi chủ sẽ phải trả chính phủ & credit card fee cho thợ $3.12 + $8 + $3.6 = $14.72

    Số tiền real income ăn chia từ thợ sẽ là $40 -$14.72 = $25.28 như vậy ngưòi chủ hưỏng 25.28 % thay vì 40% như thời trả lương 1099

    Nếu trung bình ngưòi thợ làm khoảng $1500/ tuần thì luơng ngưòi thợ sẽ là 60%x$1500 = $900

    Ngưòi chủ ăn chia đuợc 25.28% x $1500 = $379.20

    Một tháng ngưòi chủ sẽ thu về từ 1 ngưòi thợ là $379.20 x 4 tuần = $1516.8

    Nếu tiệm có 2 thợ thì tiền chủ thu về 1 tháng $1516.8 x 2 thợ = $3033.6

    Nếu tiệm có 3 thợ thì tiền chủ thu về 1 tháng $1516.8 x 3 thợ = $4550.4

    Nếu tiệm có 4 thợ thì tiền chủ thu về 1 tháng $1516.8 x 4 thợ = $6067.2

    Nếu tiệm có 5 thợ thì tiền chủ thu về 1 tháng $1516.8 x 5 thợ = $7584

    Nếu tiền mưón tiệm + tiền supplies + tiền điện nước + bảo hiểm, phone,+ chi phí tiệm lớn hơn tiền thu về thì tiệm sẽ lỗ. Giả thiết tiệm có 5 thợ mà chủ không làm gì mà tiền muớn tiệm và chi phí hết $6000/ tháng thì chủ tiệm chỉ bỏ túi $7584 -$6000 = $1584 / tháng

    Nếu tiệm có ít hơn 5 thợ mà ngưòi chủ không làm thì không thể nào sống đuợc chưa nói gì tới luơng cao bằng thợ, chính vì vậy mà rất nhiều chủ chỉ coi như có thợ để trả tiền mưón tiệm và số tiền chủ làm bao nhiêu là dư bỏ túi chọn. Nếu một ngưòi muốn mở tiệm nails ra mà không làm chỉ quản lý thì phải cần ít nhất có 10 thợ thì luơng mới bằng thợ

    Tất nhiên mỗi tiệm có những hoàn cảnh khác nhau và chủ tiệm ăn chia hoặc trừ tiền fees khác nhau nên những bài tính trên không phải là chính xác cho tất cả các tiệm nhưng mong rằng cả chủ tiệm và thợ sau khi nhìn vào những con số này thì thông cảm cho nhau hơn để cùng đoàn kết vui vẻ kiếm tiền vì ai cũng có những chi phí và nỗi khổ riêng cần đuợc thấu hiểu và cảm thông''.

    Bài liên quan: Tỉ lệ 6-4 đang kết liễu sự phát triển của ngành nail như thế nào?

    Nguồn: Long Kim / group Người Việt Cali

  • Cách đây hai mươi năm lúc mới chân ướt chân ráo đến Mỹ, bơ vơ nơi xứ lạ quê người, tôi chẳng biết làm gì để sinh sống. Tình cờ,  gặp một người Việt qua đây từ năm 75 đang làm tóc cho một tiệm Mỹ trong Mall, chị hỏi tôi:

    - Em khéo tay không" Xin tiền trợ cấp đi học nail đi. Nghề này kiếm tiền nhiều lắm! 

    Tôi hồ đồ kêu lên:

    - Làm Nail" Qua Mỹ không học gì lại đi học nail .Thôi em chẳng thích nghề này đâu.

    Hồ đồ cũng phải vì nghe chị Hồng nói tôi nghĩ ngay đến mấy con bé làm móng tay trong chợ Vườn Chuối, khu xóm nhà tôi ở VN. Mỗi đứa chỉ cần một thùng đồ nghề cỏn con với dăm cây kềm cắt da,  vài cây dũa,  chục chai nước sơn,  mấy cái chậu be bé để ngâm tay ngâm chân là chúng có thể đi làm dạo từ đầu chợ đến cuối chợ. Thỉnh thoảng có tiệc tùng, muốn làm đẹp nhưng mắc cỡ tôi đâu dám ra chợ ngồi làm móng tay. Thế là làm sang tôi kêu một con bé đến nhà làm với đồ đạc riêng của mình (cho bảo đảm an toàn, vệ sinh ấy mà) và trả thêm cho nó tí tiền.

    Lúc ấy ở VN tôi cũng không giàu có gì nhưng vẫn có thành kiến với nghề làm nail lắm. Huống hồ gì bây giờ mới qua Mỹ, cửa thiên đàng đang rộng mở lại biểu đi làm nail - đời nào tôi chịu! Hơn nữa,  nghề nail  lúc ấy cũng còn xa lạ,  chưa rầm rộ,  thịnh hành như bây giờ nên tôi chẳng màng gì đến lời gợi ý hấp dẫn của chị Hồng.

    Thành phố Myrtle Beach- nơi dun rủi gia đình tôi đến lập nghiệp khi mới qua Mỹ là một thành phố du lịch hiền hòa,  vui nhộn. Khí hậu khá lý tưởng- mùa hè giống Vũng Tàu,  mùa đông giống Đà Lạt. Khi tôi đến đây, Myrtle Beach chỉ có khoảng ba, bốn trăm người VN. Nói đúng hơn chỉ vài chục gia đình người Việt gồm cả già, trẻ, lớn, bé. Vì thế tôi vẫn thân thương gọi Myrtle Beach là "Ở một nơi ai cũng quen nhau".

    Đa số người Việt ở đây đều làm cho hãng điện tử AVX Corporation. Có người làm từ năm 75 đến nay,  có người là Supervisor,  dăm ba người làm Technician,  còn đa số là Operator. Người cũ dắt díu, chỉ dạy người mới tạo thành một cộng đồng VN nhỏ bé nhưng rất đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.

    Chúng tôi yên thân yên phận trong`thế giới nhỏ này vì công việc tương đối nhẹ nhàng, thích hợp; lương bổng thỏa đáng; bảo hiểm sức khỏe tốt; over time làm thoải mái có thêm thu nhập khỏi phải kiếm thêm job nữa. Nói chung, phần lớn người Việt ở đây nên nhà nên cửa đều nhờ vào hãng điện tử này.

    Cuộc sống đang yên ổn, thì một ngày kia trong hãng bắt đầu xuất hiện vài người lạ mặt- họ từ các nước xa xôi đến đây. Tin rò rỉ từ những người Technician VN: Hãng sắp sửa đưa jobs ra nước ngoài! Và điều mỉa mai là họ có bổn phận training công việc cho những người lạ mặt đó, để rồi tất cả chúng ta đều mất việc làm.

    Trong hãng bắt đầu xầm xì, bàn tán và rồi mọi việc xảy ra đúng như sự tiên đoán của mọi ngườ i- hãng bắt đầu cho layoff  từ từ. Những người làm việc khoảng năm,  mười năm cũng bắt đầu tập nhìn ra thế giới bên ngoài. Khi ấy chúng tôi mới khám phá ra rằng : lâu nay, trong khi chúng tôi cặm cụi làm việc trong hãng điện tử thì bên ngoài có hai gia đình VN, âm thầm làm nail và âm thầm...hốt bạc vì xuyên dọc bờ biển dài từ North xuống South chỉ duy nhất có hai tiệm Nail phục vụ du khách,  nhất là những tháng mùa hè đông đúc, nhộn nhịp.

    Thế là những người VN bị lay off đầu tiên bắt đầu đi học, đi làm nail, mở tiệm và cuộc sống lại tiếp diễn tuy có xao động hơn với nghề nghiệp mới.

    Sau khi hưởng sáu tháng tiền lương trợ cấp thất nghiệp, thành kiến về nghề nail vẫn lởn vởn trong đầu khiến tôi phân vân, lưỡng lự khi bạn bè hối thúc đi học nail. Thấy họ làm được,  kiếm tiền nuôi con ăn học đàng hoàng, tôi đành chịu thua thành kiến để thử dấn thân vào nghề mà sau này nhiều người trong cuộc thường ngao ngán: Đường vào nghề nail có trăm lần vui, có vạn lần...sầu!

    nghe nail nguoi viet o my

    Không đơn giản như ở VN. Trước tiên tôi phải ghi danh vào trường Dudley Beauty College học sáu tháng. Tốt nghiệp xong phải đi thi lấy bằng đàng hoàng mới được ra làm nail. Đoạn đường đi học cũng lắm đoạn trường,  gian nan. Ở VN đi làm nail có cần học hành gì đâu thế mà bên Mỹ  này khi vào lớp tôi phải học đủ thứ. Nào là,  khi làm nail phải biết bàn tay có 5 ngón,  cấu trúc của ngón tay,  móng tay như thế nào, xương tay,  xương chân ra sao ..vv... Rồi thì có bao nhiêu loại máu,  hồng huyết cầu,  bạch huyết cầu... Lại còn phải học thêm hàng trăm thứ bệnh về da, bệnh nào bệnh nấy thật dễ sợ khiến tôi phát...hoảng và có cảm giác mình đi học để ra làm...bác sĩ chứ không phải làm nail! Khó nhất là các từ chuyên môn phải nhớ để đi thi lý thuyết. Vì thế,  mỗi ngày bà giáo đều bắt chúng tôi phải học thuộc từ ba đến năm chương. Thật ra,  những kiến thức này tôi đã học từ hồi ở VN nhưng bây giờ phải học bằng tiếng Anh nên rất khó khăn.Tôi đi học làm nail mà khổ sở,  vất vả với cuốn tự điển Anh-Việt kè kè bên mình.

    Sang phần thực hành tương đối đỡ bị stress hơn nhưng hồi nào đến giờ người ta làm nail cho mình, tôi chưa cầm tay ai làm nail bao giờ. Thấy tôi lọng cọng cầm cái dũa thực tập trên bàn tay giả, bà giáo người Mỹ ngạc nhiên :

    - Ủa, trò chưa biết làm nail hả"

    Lạ nhỉ! Chưa biết mới đi học chứ. Chắc bà giáo nghĩ người VN nào sanh ra cũng đều biết làm nail cả! Sau naỳ tôi hiểu ra, ngày trước bà giáo dạy nail ở các tiểu bang có nhiều người VN. Hầu hết các học sinh đi học đều đã đi làm nail  hoặc đã biết làm nail. Họ đi học chỉ để lấy giờ,  đi thi lấy bằng ra làm việc hợp pháp.

    Ngoài việc làm móng tay thông thường và sơn như ở VN gọi là Manicure,  bên Mỹ này còn dạy làm móng bột gọi là Acrylic Nails rất thịnh hành và Design hoa lá cành trên các móng tay giả , dài. Các hóa chất dùng đắp móng bột thường gây dị ứng. Những học sinh mới thực tập lần đầu thường cảm thấy nhức đầu,  chóng mặt. Có người bị chảy nước mắt, nước mũi hoặc ngứa ngáy rất khó chịu. Trong trường chỉ dạy căn bản để đi thi. Khi ra làm việc chúng tôi phải học hỏi kinh nghiệm,  thực hành rất nhiều mới làm được dạng móng bột này.

    Vạn sự khởi đầu nan! Cuối cùng tôi cũng tốt nghiệp,  ra trường, đi thi lấy được cái bằng Nail (đây là cái bằng thứ nhì tôi có được sau  bằng lái xe kể từ ngày qua Mỹ) rồi trịnh trọng cho vào khung hình thật đẹp. Khoác thêm cái áo blouse  trắng,  ngắm mình trong gương tôi mỉm cười an ủi:

    -Trông cũng hách đấy chứ!  Cứ như bà... đốc tờ !

    Khi tới gõ cửa các tiệm Nails kỳ cựu trong thành phố tôi mới biết nghề nail này cũng có tính cách “gia đình trị“ lắm. Mặc dầu tiệm đông khách,  trong tiệm chỉ có hai vợ chồng và một cô cháu nhưng họ nhất định không nhận người ngoài,  nhất là thợ mới ra nghề như tôi. Họ chủ trương không dạy nghề cho ai cả- nhất là người ngoài!

    Nghề nail ngoài sự đòi hỏi khéo tay,  tỉ mỉ,  kiên nhẫn laị phải “làm dâu trăm họ” vì khách hàng mỗi người một tính nên chuyện buồn vui trong tiệm rất nhiều. Nhớ ngày đầu tiên đi làm tôi chỉ được làm thợ phụ như dán móng,  tháo móng,  sửa ngón bị gãy, sơn tay con nít...vv.. Khi thạo việc được giao làm bộ móng tay đầu tiên tôi hồi hộp và vui mừng lắm. Thấy cô khách trẻ dễ thương,  tôi vui vẻ vừa làm việc vừa hỏi chuyện để cô ta không để ý đến sự căng thẳng của tôi. Vừa đắp được mấy móng bột,  cô gái vùng vằng xô ghế đứng dậy la lớn giữa tiệm :

    - Help! Help! I’m a model. Anyone help me !

    Tôi sượng sùng đứng lên theo,  nhủ thầm: "Model thì kệ model chứ! Làm gì mà la dữ dzậy"".

    Cô chủ tiệm có lẽ đã quen với những cảnh này nên vội chạy đến vỗ về khách:

    - Bình tĩnh nào!  Ngồi xuống đây tao làm cho.

    Chị cầm bàn tay khách lên xem,  nói nhỏ với tôi:

    -Trời ơi! Chị đắp móng nào móng nấy dày cui bảo sao nó không la làng !

    Chị lại quay sang khách rối rít xin lỗi và ngồi xuống sửa,  làm nốt bàn tay kia cho cô khách model xinh đẹp. Khuôn mặt cô gái đã dịu xuống nhưng vẫn không thèm nhìn tôi. Tuy chẳng lo mất job vì chỉ mới làm không công để học nghề nhưng tôi cũng feel hurt lắm trước những cặp mắt tò mò,  thương hại  trong tiệm.

    Nghề dạy nghề, từ từ tôi cũng làm được (chứ chưa làm đep !). Nghề nail đòi hỏi phải có đôi mắt tinh tường và sự nhanh nhẹn,  khéo léo. Tôi thì đã đeo kính lão,  lại thích cà kê dê ngỗng nói chuyện với khách nên rất chậm chạp. Trong tiệm đùa giởn gọi tôi là "bà rùa". Tôi thích thú với tên gọi này vì cô chủ thấy hợp lý thường giao cho tôi những bà khách già, mắt mũi kèm nhèm. Tôi có làm chậm hay sơn xấu họ cũng chẳng thấy gì để than phiền. Những bà khách già cô đơn lại thích tâm sự ,  săn sóc,  hỏi han nên hợp với tôi lắm.

    Dần dà tôi cũng có được một số khách quen dễ thương. Thành kiến về nghề nail trong tôi trước đây không còn nữa. Tôi vui thích và cố gắng trau dồi công việc của mình. Những kiến thức học được ở trường Nail đã giúp tôi rất nhiều trong việc chia xẻ với khách hàng về việc chăm sóc sức khỏe.Tôi quan niệm ngoài việc làm đẹp, khách hàng phải quan tâm vấn đề sức khỏe thể hiện qua móng tay,  móng chân của mình. Nhiều bà khách vui tính, thường đùa gọi  tôi là "đốc tờ"!

    Một khám phá khác khiến tôi rất bất ngờ, thích thú là người Mỹ cũng rất thích xem bói. Ngày xưa tôi học Văn Khoa ban Tâm ly, lại có trí nhớ tốt nên qua những câu chuyện khách tâm sự,  tôi biết bà nào có bao nhiêu ông chồng,  bà nào ly dị mấy lần,  tình duyên rối rắm ra sao,  con cái xấu tốt thế nào nên thỉnh thoảng làm nail xong, tôi thường lật ngữa bàn tay khách,  nhìn vào những đường chỉ tay để đoán về số mệnh,   tính tình,  tình duyên gia đạo của mấy bà khách...nhẹ dạ! Bắt mạch đoán mò thôi nhưng nhiều bà tin lắm! Có nhiều bà khách tới tiệm tìm tôi- không phải để làm nail mà là xem bói! Riết rồi tôi phải từ chối vì sợ cô chủ phiền lòng:

      -Tôi không phải thầy bói. Tôi là bác sĩ tâm lý! Muốn tôi...nói,  phải làm nail  trước đã.

    Thế là vui vẻ cả làng!

    Có nhiều bà khách thì mập ơi là mập! Họ thường nhìn những cô thợ nail thon thả với ánh mắt ngưỡng mộ và tò mò:

    - Tụi bây có "secret" gì không" Hay:

    - Tụi bây ăn gì vậy" chắc là không có Hamburger hay Pizza đâu !

    Tôi vừa cười vừa đùa:

    - Chẳng có gì "secret" cả.  Only rice and...nước mắm !

    "Rice" đa số người Mỹ đều biết nhưng nước mắm thì không! Tôi phải chạy vào phòng ăn phía sau,  bê nguyên chai nước mắm "hai con cua" hôi rình đem lên cho mấy bà khách xem làm cô chủ la oai oái.

    Tôi lại có dịp trổ tài làm bác sĩ về diet:

    - Muốn ốm tụi bây phải ăn uống kiêng cử,  đừng ăn nhiều thịt, mỡ. Phải ăn nhiều rau và nhất là đi bộ. Mỗi ngày chịu khó dạo biển một tiếng đồng hồ!

    Chúa ơi! điều này hơi qúa đáng, nhưng không lẽ thưa rằng:

    - Chúng tôi làm việc quần quật suốt ngày,  thì giờ đâu mà dạo biển. Về nhà còn phải lo cơm nước,  giặt giũ,  hầu hạ chồng con còn hơn exercise nữa thì lấy đâu ra chút mỡ thừa nào!

    Chuyện vui buồn trong tiệm nail thì nhiều lắm. Bên cạnh đó tôi cũng thường đọc,  theo dõi các tạp chí chuyên ngành của Mỹ về nghề Nail. Phải công nhận người VN rất thông minh và nhậy bén trong lĩnh vực này. Họ phát minh ra nhiều điều mới lạ và thường dẫn đầu trong các cuộc thi làm nail trên thế giới. Cả một kỹ nghệ nails phát triển và hầu như người Việt đang chiếm lĩnh thị trường nail trên toàn nước Mỹ.

    Khi hãng điện tử đóng cửa hẳn thì phần lớn người VN ở đây ra làm nail. Không ai muốn làm công cho ai nên đa số đều mở tiệm. Cung ít hơn cầu,  họ phải đăng báo kiếm thợ ở các tiểu bang khác. "Nail xuyên bang"  đổ xô về TP Myrtle Beach đem theo phong trào Manicure,  Spa Pedicure (mà nguời Việt thường gọi là " làm chân tay nước") từ các thành phố lớn tạo nên bộ mặt mới,  sầm uất cho TP du lịch với những tiệm Nails lớn đẹp, lộng lẫy.Cuộc sống của những người VN hiền hòa ở đây,  tuy ít nhiều xao động nhưng khấm khá hơn và nhất là yên tâm để tiếp tục lo cho con cái vào đại học.

    Việc học dậm chân tại chổ,  không tiến ắt phải lùi thì nghề nail cũng vậy! Thế hệ làm nail  chúng tôi dần dần tụt hậu và lớp trẻ sau này tiến lên với những kỹ thuật hiện đại,  tân kỳ hơn tạo ra những bộ móng tay tinh xảo,  nghệ thuật. Không muốn bị "đào thải" nên tôi nghĩ đến chuyện rút lui khỏi "chiến trừơng nail". Ngày con gái tốt nghiệp đại học, nó ôm tôi thỏ thẻ:

    - Mẹ làm...bác sĩ  đã lâu chắc mệt rồi! Con muốn mẹ nghỉ ngơi. Nay con đi làm nuôi mẹ.

    Thế là tôi quyết định "gác cọ" nghỉ hưu,  đi chơi để bù lại những tháng ngày vất vả.

    Ở nhà được một năm,  chưa có cháu ẵm bồng tôi cũng buồn và nhớ mấy bà khách già dễ thương. Mùa hè đông khách,  thỉnh thoảng các tiệm quen ơi ới gọi tôi :

    - "Bà rùa" ơi! ra giúp một tay đi. Bà ra cầm tay coi bói giữ khách hộ.

    Không khí tiệm Nails bây giờ tuy đông đúc,  phồn thịnh hơn thời của chúng tôi  nhưng thật xô bồ,  bát nháo khiến tôi ngại ngần mỗi khi bước vào tiệm. Lâu nay,  song song với sự phát triển, tiến bộ của nghề nail  tôi cũng nghe nhiều điều không mấy tốt đẹp về nghề này. Trăm nghe không bằng mắt thấy. Trong tiệm khách đông thật mà thợ cũng đông- trai có,  gái có. Những cô gái trẻ đi làm nail mặc váy ngắn củn cởn,  tóc nhuộm vàng khè, nói năng bặm trợn, thô tục, kèn cựa nhau dành khách. Thậm chí có nơi còn đánh lộn, chửi nhau bằng tiếng Việt ỏm tỏi. Có những cô thợ vừa làm pedicure cho khách vừa kẹp cổ điện thoại di động nói chuyện với bạn, thỉnh thỏang ré lên cười hay chửi thề, chẳng màng đến những ánh mắt khó chịu của khách hàng.

    Tiệm Nails càng nhiều, thợ càng đông, sự cạnh tranh của nghề nail càng lớn tạo nên sự chia rẻ, thù hằn nhau giữa chủ và chủ,  giữa chủ và thợ,  giữa thợ và thợ. Mạnh người nào người đó phá giá tạo nên một "chiến trường nails" khốc liệt, ảnh hưởng đến nhiều gia đình VN từ lâu nay vẫn sinh sống bằng nghề này một cách đàng hoàng.

    Người Việt tỵ nạn chúng ta may mắn tới được Hoa Kỳ- một đất nước có nhiều cơ hội thuận lợi để học hỏi, phát triển tài năng, tri thức. May mắn hơn nữa đối với những người không có trình độ cao. Nghề nail đã nuôi sống,  giúp đỡ bao gia đình chúng ta để có thể lo cho con cái ăn học thành tài như ngày nay.

    Trong tình hình kinh tế suy thoái, khủng hoảng hiện nay. Bao nhiêu người dân Mỹ thất nghiệp, bao nhiêu gia đình tan nát, mất nhà cửa Người Việt chúng ta với nghề nail lâu nay đã có cuộc sống căn bản, ổn định.Tuy ảnh hưởng ít nhiều nhưng nhìn quanh chúng ta vẫn còn may mắn hơn bao nhiêu người khác, kể cả người bản xứ.

    "Không có nghề nào xấu, chỉ có người xấu mà thôi". Nghề Nail cũng như những nghề làm đẹp khác cho con người, cho xã hội- là những nghề cao quý, lương thiện,  đáng trân trọng. Đừng để đồng tiền làm mất đi tư cách, phẩm chất, danh dự của con người và nhất là để chúng ta không mặc cảm,  xấu hổ khi nhắc tới nghề nghiệp của mình.

    Đừng tự hạ thấp hoặc đánh mất giá trị của một nghề mà  nhờ nó mà trên đất nước Hoa Kỳ này, đa số người Việt chúng ta đang được cưu mang, nhờ nó mà biết bao bạn trẻ được nuôi cho ăn học để  đạt  tới đủ loại bằng cấp, đủ loại địa vị. Vất vả, cực nhọc" Có sao đâu. Chúng ta phải luôn luôn hãnh diện:

    - Vâng! Tôi là “đốc tờ'' Nail!

    Tác giả Hải Âu (nguồn Việt Báo)

  • Một tiệm nail do người Việt làm chủ ở Milwaukee, Wisconsin, Mỹ, đóng cửa vào Tháng Giêng năm nay, có thể là vì sau khi có một vụ tranh cãi với nhóm Original Black Panthers ở địa phương.

    tiem nail dong cua 1
    Tiệm Jade’s Nails & Spa ở Milwaukee Wisconsin lúc còn mở cửa vào năm 2018. (Hình: Google Maps)

    Tiệm nail đó là Jade’s Nails & Spa, tọa lạc trên đường Brady, bị nhóm Original Black Panthers of Milwaukee tố cáo đối xử không đàng hoàng với một nữ khách hàng gốc Phi Châu, còn gọi bà là “chó cái,” và còn chế giễu phong trào “Black Lives Matter.”

    Ông Darryl Farmer, còn được gọi là “King Rick,” đăng hai video trên Facebook cho thấy cảnh khoảng 10 người thuộc nhóm Original Black Panthers of Milwaukee vào tiệm Jade’s Nails & Spa vào đầu Tháng Giêng. Tuy video được đăng vào ngày 17 Tháng Giêng, nhưng sự việc xảy ra vào ngày 2 Tháng Giêng, một ngày sau khi “nữ khách hàng gốc Phi Châu bị kỳ thị.”

    Trên Facebook, ông Farmer tự gọi mình là “lãnh đạo và tướng quân của Black Panthers khắp Hoa Kỳ và nhiều nước khác.”

    Nhật báo Người Việt liên lạc với ông Farmer qua Facebook để hỏi về sự việc này, nhưng chưa có câu trả lời.

    Ngoài ra, nhật báo Người Việt tìm cách liên lạc với chủ tiệm nail, nhưng không được, vì tiệm nay đã đóng cửa và không có số điện thoại để liên lạc.

    Trong video, nhóm Original Black Panthers vào tiệm Jade’s Nails & Spa và hỏi chủ tiệm là ai. Một nhân viên nói chủ tiệm không có ở đó.

    Sau đó, ông Farmer nói với nhân viên đó: “Tuần trước, một phụ nữ gốc Phi Châu đến đây làm nail thì bị chửi bới, bị gọi là ‘chó cái,’ và bị hét lên là ‘Black Lives Matter.’ Ông có nhớ chuyện đó không? Ông không được đối xử với phụ nữ da đen trong cộng đồng của chúng tôi thiếu tôn trọng như vậy.”

    “Ông miệt thị một phụ nữ da đen, gọi cảnh sát đến đuổi người đó, và còn chế giễu ‘Black Lives Matter.’ Chúng tôi đến đây để nói quý vị ngừng thái độ đó lại. Tôi nói vậy quý vị nghe rõ chưa?,” ông Farmer nói tiếp trong video.

    Sau khi nói chuyện với nhân viên của tiệm nail này, nhóm Black Panthers hô hào “No Justice No Peace” (không có công lý thì không có yên bình), rồi chuẩn bị bỏ đi.

    Trước khi đi, họ còn dặn những khách hàng gốc Phi Châu khác không nên đến tiệm Jade’s Nails vì họ không tôn trọng người da đen.

    tiem nail dong cua 1
    Hồ sơ cho thấy giấy phép hành nghề của tiệm Jade’s Nails & Spa đã hết hạn từ năm 2019. (Hình: Wisconsin Department of Safety and Professional Services)

    Trong video thứ hai, có mặt hai cảnh sát viên Milwaukee tại tiệm nail, một ông da trắng và một bà da đen. Nữ cảnh sát viên có thái độ rất hòa nhã với nhóm Original Black Panthers. Nữ cảnh sát viên đó còn gọi ông Farmer là “tướng quân” (general) và còn xin xem lại video mà nhóm này thu hình từ lúc vào tiệm Jade’s Nails & Spa.

    Sau đó, bà mời nhóm Original Black Panthers ra khỏi tiệm nail, cho rằng những người trong tiệm đã hiểu rõ thông điệp của nhóm này, và còn nói rất cảm kích vì Original Black Panthers đã đến nơi này.

    Báo mạng Wisconsin Right Now cho biết vào ngày 4 Tháng Tư, phóng viên của họ đến tiệm Jade’s Nails & Spa thì thấy tiệm này đã đóng cửa với bảng hiệu đã tháo xuống, bên trong trống trơn, và còn cắt điện thoại.

    Wisconsin Right Now phát hiện tiệm Jade’s Nails & Spa đóng cửa vào ngày 4 Tháng Tư, nhưng ông Farmer cho biết trên Facebook vào ngày 17 Tháng Giêng, tiệm nail này đã đóng cửa. Lúc ông báo tin này là cùng ngày với ngày đăng video nhóm Original Black Panthers đến tiệm để nói về vụ một khách hàng bị kỳ thị.

    Sau khi nghe tin tiệm nail đó đóng cửa, ông Farmer viết: “Chúng tôi hãnh diện công bố tiệm Jade’s Nails đã đóng cửa nhờ vào nỗ lực của Original Black Panthers và cộng đồng. Họ miệt thị phụ nữ của chúng tôi và phải trả giá đắt, phải đóng cửa.”

    Tuy được đăng vào ngày 17 Tháng Giêng, hai video có cảnh nhóm Original Black Panthers of Milwaukee vào tiệm Jade’s Nails & Spa mới được lan truyền nhiều trên mạng xã hội trong thời gian gần đây, và phản ứng của cư dân mạng về hai video đó theo hai chiều.

    Nhiều người cho rằng hành động của nhóm Original Black Panthers là đúng để bảo vệ quyền lợi của người gốc Phi Châu. Trong khi đó, nhiều người thì cho rằng đây là một vụ thù ghét người Á Châu, và còn thắc mắc tại sao các cơ quan truyền thông dòng chính không đưa tin về sự việc trong khi có nhiều vụ thù ghét người Á Châu đang xảy ra khắp Hoa Kỳ.

    Báo Wisconsin Right Now còn cho rằng lý do Jade’s Nails & Spa phải đóng cửa là các vấn đề pháp lý.

    Theo hồ sơ từ Sở An Toàn và Dịch Vụ Chuyên Nghiệp Wisconsin, có một tiệm nail tên Jade’s Nails & Spa mà giấy phép hành nghề đã hết hạn từ năm 2019.

    Không chỉ vậy, hồ sơ của Tòa Khu Vực Milwaukee County cho thấy chủ tiệm nail Jade’s Nails & Spa phải ra tòa để nghe phán quyết về việc đóng cửa tiệm vì chủ đất tố cáo họ nợ $65,000 tiền thuê nhà. Hồ sơ tòa án còn cho thấy tiệm nail đã đóng cửa trước ngày phải dọn ra.

    Cho tới nay, vẫn chưa biết lý do thật sự vì sao tiệm Jade’s Nails & Spa đóng cửa.

    Theo Người Việt

  • “Tôi ra ngoài trong nỗi sợ hãi nhưng tôi biết rằng nếu không đi làm thì tôi sẽ không có tiền và chẳng thể đoán trước điều gì sẽ đến với tôi và các con”, bà Araceli nói.

    Bà Araceli là một phần của ngành công nghiệp làm nail ở New York với chủ yếu nhân viên là phụ nữ nhập cư gốc Á và Latin.

    Ngay cả khi Covid-19 buộc các tiệm nail ở New York phải đóng cửa, bà vẫn tiếp tục đi làm để có thể duy trì thu nhập.

    Trên thực tế, ngay từ trước đại dịch, những người thợ làm nail đã phải đối mặt điều kiện làm việc khắc nghiệt. Họ phải trải qua nhiều giờ hít thở với mùi hóa chất độc hại và thường xuyên phải đối mặt với việc bị ăn chặn tiền lương.

    Đại dịch Covid-19 đã đặt những người lao động như bà Araceli vào vị trí thậm chí còn nguy hiểm hơn bao giờ hết.

    Theo báo cáo của The NY Nail Salon Workers Association (Tạm dịch: Hiệp hội lao động làm móng tại New York), 29% nhân viên làm nail ở New York cho biết họ có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, con số cao gần gấp ba lần so với tỷ lệ toàn thành phố.

    goc khuat nghe nail
    Các nhân viên làm nail, phần lớn là người da màu thuộc tầng lớp lao động, phải đối mặt với tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 ở mức báo động. Ảnh: Getty.

    "Vật tế thần" bị mắc kẹt

    Tại California, các nhân viên làm nail, chủ yếu là người Việt hoặc người Mỹ gốc Việt, đã bị đổ lỗi một cách vô lý khi số ca nhiễm của bang tăng mạnh vào mùa xuân năm 2020."Vật tế thần" bị mắc kẹt

    Nỗi sợ hãi về nạn phân biệt chủng tộc càng dâng cao khi Thống đốc Gavin Newsom tuyên bố ngành công nghiệp làm nail là nguồn gốc của sự bùng phát Covid-19, mặc dù các nhà hoạt động thông báo văn phòng thống đốc đã bác bỏ tuyên bố trong cuộc họp riêng.

    Giữa bối cảnh đó, các tiệm làm nail vẫn đang vật lộn để tồn tại giữa các lệnh đóng cửa và mở cửa trở lại.

    Ông Tony Nguyen, điều phối viên chương trình tại California Healthy Nail Salon Collaborative, cho biết tiền thuê mặt bằng đang tăng lên trong khi việc làm ít đi.

    Nhiều phụ nữ lớn tuổi lo ngại rằng họ sẽ không được gọi trở lại làm việc sau đại dịch. Một số khác lại lo lắng về sự an toàn khi họ chưa được tiêm chủng.

    An toàn trở thành điều quá xa xỉ với những lao động ngành nail. Ông Nguyen nói: “Bạn sẽ ở đó trong 8 hoặc 10 tiếng làm việc. Và một số khách hàng thậm chí không thích đeo khẩu trang”.

    Bà Prarthana Gurung, giám đốc chiến dịch và truyền thông của Adhikaar, một tổ chức phi lợi nhuận ở New York, chia sẻ: “Nhiều người sẽ quay trở lại làm việc vì họ phải gánh một khoản nợ lớn”.

    “Họ sẽ nói rằng ‘Tôi phải trở lại làm việc - tôi không có lựa chọn nào khác. Tôi phải nuôi các con mình’", bà cho biết.

    Không thể tiếp nhận trợ cấp

    Bà Gurung nhận định: “Ngay sau lệnh phong tỏa, toàn bộ ngành công nghiệp làm nail sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp 100%”.

    Một số lao động đủ tiêu chuẩn nhận viện trợ từ chính phủ nhưng trước tiên họ phải truy cập vào trang web và đăng ký trực tuyến. Tuy nhiên theo bà Gurung, đó là việc “gần như không thể” đối với một số thợ làm móng ở New York vì khả năng ngôn ngữ và kiến thức công nghệ hạn chế.

    “Có một khoảng cách lớn về mặt tiếp cận thông tin”, bà Gurung nói. “Vì vậy mọi người không nhận được viện trợ đúng lúc hoặc không nhận ra những lợi ích mà họ có thể nhận được”.

    Tình trạng nhập cư phi pháp khiến việc tiếp cận hỗ trợ tài chính thậm chí còn khó hơn.

    Nhiều nhân viên làm nail ở New York không có giấy tờ tùy thân đồng nghĩa với việc họ không đủ tiêu chuẩn để hưởng bảo hiểm thất nghiệp và các khoản hỗ trợ khác.

    The NY Nail Salon Workers Association đã khảo sát hơn 1.000 thành viên, hầu hết là người Latin, và nhận được kết quả với hơn 81% nói rằng họ không được chính phủ trợ giúp trong đại dịch.

    Ưu tiên thấp

    Các kỹ thuật viên làm nail cũng như nhân viên chăm sóc khách hàng phải làm việc trực tiếp với khách hàng trong cả tháng trời. Vậy nhưng, không giống như nhân viên cửa hàng hay tài xế giao hàng, họ không được ưu tiên tiêm vaccine tại New York.

    Nhiều người chỉ được đặt lịch hẹn sau khi chiến dịch tiêm chủng mở rộng cho nhiều nhóm tuổi hơn.

    Bất chấp những hứa hẹn về việc vaccine sẽ được cung cấp rộng rãi cho người dân, những người da màu thuộc tầng lớp lao động vẫn khó có thể tiếp cận chúng.

    Sự chênh lệch về tỷ lệ tiêm chủng giữa người da màu và người da trắng vẫn tồn tại ở Mỹ. Và khoảng cách đó cần được thu hẹp để ngăn chặn dịch bệnh phát triển nghiêm trọng hơn.

    Bà Araceli, thành viên trong Nail Salon Workers Association (tạm dịch: Hiệp hội công nhân làm móng), là một bà mẹ đơn thân có hai cậu con trai. Việc được tiêm chủng vaccine sẽ có ý nghĩa lớn, có thể giúp cuộc sống của họ được đảm bảo và kiểm soát tốt hơn trong khi công việc hiện tại của bà đối mặt nhiều rủi ro.

    “Là những người lao động, chúng tôi xứng đáng được coi là ‘thiết yếu’ bởi chúng tôi đi làm như bất kỳ người nào khác,” bà nói.

    Hy vọng nào cho những người làm nail tại Mỹ

    Để giải quyết những vấn đề này, các nhà lập pháp New York đang bàn luận về kế hoạch Excluded Workers Fund (tạm dịch: Quỹ Người lao động bị loại trừ). Kế hoạch đầy tham vọng này sẽ trợ cấp thất nghiệp cho những người trước đây không đủ điều kiện.

    Một số người lao động đang tuyệt thực, kêu gọi các nhà lập pháp tiểu bang cam kết đầu tư 3,5 tỷ USD cho quỹ. Nhưng trong thời gian chờ đợi, khoản cứu trợ có sẵn phần lớn vẫn đến từ chính cộng đồng làm móng thông qua tổ chức cơ sở.

    Bà Gurung cho rằng mặc dù cộng đồng của bà đã phải chịu nhiều thiệt thòi mất mát, đại dịch đã khiến người lao động phải hành động. Họ đã học cách sử dụng đường dây nóng để truy cập thông tin và tiếp cận các nguồn viện trợ tốt hơn.

  • RIVERSIDE, California (NV) – Chủ một tiệm nail ở Riverside kể nhận được một lá thư có nội dung thù ghét và kêu cô rời khỏi Hoa Kỳ vì là người Á Châu.

    Theo đài KTLA, chủ tiệm Top 10 Nails, xin gọi là Jackie để giấu tên thật, kể lại: “Điều đó làm rất buồn vì mình là một cựu chiến binh. Tôi từng phục vụ đất nước này, và sẵn sàng hy sinh tính mạng để làm điều đó. Bây giờ, những người này kêu tôi về quê đi. Nước Mỹ là quê của tôi.”

    DP tiem nail Riverside thu ghet A Chau
    Tiệm Top 10 Nails ở Riverside. (Hình: Google Maps)

    Cô Jackie lớn lên ở Riverside, nơi có tiệm nail của gia đình. Cô cho biết nhận được lá thư thù ghét vào những ngày cuối tuần vừa qua.

    Lá thư đó có những từ ngữ kỳ thị người Á Châu, và còn cho rằng cô Jackie “không được sống ở Hoa Kỳ” và “không ai muốn cô sống ở Mỹ.”

    Lá thư còn viết: “Đa số khách hàng của cô đều nghĩ vậy. Họ chỉ giả bộ thích cô thôi, nhưng không chịu được sự xấu xí, hôi hám và tởm lợm của cô.”

    Nghi can còn kêu cô Jackie nên dán lá thư đó trong tiệm nail để nhân viên và khách hàng đọc được.

    “Lá thư đó thật tàn nhẫn và đê tiện. Gia đình tôi có nhiều điều kết nối với Hoa Kỳ,” cô nói.

    Cô cho biết, mẹ cô là người Á Châu, cha là người gốc Phi Châu, nên cô từng bị trêu chọc vì là con lai. Không chỉ vậy, cô còn kể ngoại cô từng làm việc tại các xưởng đóng tàu khi quân đội Mỹ đóng quân Việt Nam.

    Cô Jackie nói thêm: “Điều này làm tôi rất đau buồn vì sinh ra và lớn lên ở đây. Tôi rành nơi này như sân sau nhà.”

    Cảnh sát viên Ryan Railsback của Riverside cho rằng lá thư đó rất “kinh tởm” và không ai nên đọc một lá thư có nội dung thù ghét như vậy.

    Ông Railsback còn nói lá thư này rất giống lá thư gửi đến một doanh nghiệp ở San Bernardino County.

    Sở Cảnh Sát Riverside đang điều tra sự việc này theo hướng tội thù ghét. Sự việc này xảy ra vài ngày sau vụ một cụ bà gốc Á Châu ở Seal Beach nhận được một lá thư đe dọa.

    Vì tình trạng thù ghét người Á Châu đang gia tăng khắp Hoa Kỳ, các cơ quan công lực kêu gọi công chúng báo cáo khi thấy những vụ kỳ thị xảy ra.

    Cô Jackie, một cựu lính Hải Quân, cho biết cô không sợ hãi nữa, và kêu gọi nạn nhân của các tội thù ghét lên tiếng.

    Theo Người Việt