• Nhận của du khách hơn 69 tỉ đồng nhưng không tổ chức tour Hàn Quốc và Nhật Bản, chủ công ty du lịch đã bỏ trốn.

    Nhiều du khách Thái Lan được cho là đã trả tổng cộng ít nhất 100 triệu baht (hơn 69 tỉ đồng) cho một công ty lữ hành mà họ cáo buộc không cung cấp các dịch vụ như đã hứa trong các chuyến du lịch trọn gói tới Hàn Quốc và Nhật Bản. Du khách đã nộp đơn kiện lên Cục Điều tra Trung ương Thái Lan (CIB).

    Luật sư Ronnarong Kaewphet hôm thứ hai 1.4 đã dẫn những người khiếu nại đến văn phòng CIB để khởi kiện một công ty điều hành tour du lịch có trụ sở tại quận Bang Bua Thong của Nonthaburi, theo Bangkok Post.

    du lich thai lan
    Du khách Thái Lan đang tìm hiểu các tour du lịch tại một hội chợ. Ảnh: Bangkok Post

    Công ty du lịch gần đây đã đột ngột đóng cửa, khiến nhiều khách hàng không có vé máy bay tới điểm đến như trong hợp đồng và nhiều người khác bị mắc kẹt không có chỗ ở hoặc phương tiện di chuyển sau khi ra nước ngoài.

    Một trong những nạn nhân là Santichai Sikul, 51 tuổi, cho biết ông cùng 30 người trong đoàn du lịch đã đến thăm Nhật Bản từ ngày 24 đến 29.3.

    Nhóm ông đã trả cho công ty 400.000 baht (khoảng 278 triệu đồng) cho chuyến đi, nhưng sau khi đến nơi không thấy chỗ ở hay phương tiện đi lại nào được đặt trước cho họ.

    Trưởng đoàn du lịch của công ty cuối cùng đã phải tự bỏ tiền túi trả 500.000 baht để thuê phòng và phương tiện đi lại cho khách. Ông Santichai cho biết, công ty du lịch không gửi tiền cho người dẫn đoàn để trang trải việc đặt chỗ và các chi phí khác đồng thời cũng chưa trả lương cho người này.

    Một người khiếu nại khác, Wimolwan, cho hay cô đã mất 1,198 triệu baht (765 triệu đồng) cho công ty. Cô đặt và thanh toán chuyến du lịch Nhật Bản cho mình và 6 người thân trong gia đình từ ngày 9 đến 17.4. Việc đặt phòng không được thực hiện và cô không thể liên lạc được với công ty du lịch.

    Trước đây, cô đã từng sử dụng dịch vụ của công ty hai lần và không hề có vấn đề gì.

    Benyapa Boonwattanasitthi, 42 tuổi, chủ doanh nghiệp lữ hành, cho biết công ty của cô được công ty lữ hành nói trên ký hợp đồng phụ để sắp xếp chỗ ở và tour du lịch tại Hàn Quốc cho khách hàng. Cô đã trả trước 400.000 baht cho việc sắp xếp và cũng không thể liên hệ với công ty du lịch.

    Luật sư Ronnarong tin rằng hơn 100 người, khách hàng của công ty du lịch, đã bị lừa tổng cộng ít nhất 100 triệu baht.

    Theo Thanh Niên

  • Nhóm du khách nữ vui vẻ, hào hứng tự tay cấy lúa cùng bà con nông dân, song đoạn clip đã gây tranh cãi nặng nề.

    Một đoạn clip ghi lại cảnh nhóm các cô gái mặc bikini lội xuống ruộng trong lúc bà con nông dân ở Bali, Indonesia đang cấy lúa đã "gây bão" trên mạng xã hội. Người đăng tải đoạn clip viết: "Mặc bikini trên ruộng lúa là chuyện bình thường hiện nay".

    Theo đoạn clip, trong lúc chị em phụ nữ là nông dân ở Bali đang bì bõm dưới bùn để cấy lúa, nhóm du khách nữ cũng lội xuống ruộng để trải nghiệm. Họ cầm từng bó mạ rồi cấy xuống ruộng. Có lẽ, đây là lần đầu tiên các cô gái làm công việc này, nhưng ai cũng vui vẻ và phấn khích.

    nhom du khach mac bikini
    Hình ảnh các nữ du khách mặc bikini lội ruộng gây tranh cãi (Ảnh cắt từ clip).

    Khi xem đoạn clip có thể thấy tiếng cười đùa, trò chuyện thoải mái giữa nhóm nông dân và các nữ du khách. Nhận thấy sự hào hứng của các du khách, chị em nông dân không ngần ngại trao từng bó mạ non để các cô gái thử sức với công việc khá vất vả trên đồng ruộng.

    Sự việc thú vị đã nhận được nhiều chú ý của những người dân xung quanh. Hiếm khi họ chứng kiến các du khách thích thú với công việc chân lấm tay bùn.

    Tuy vậy, sau khi đoạn clip được đăng tải đã làm dấy lên nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng, việc mặc bikini lội xuống ruộng là sự thiếu tôn trọng với văn hóa bản địa.

    "Người Bali rất lịch sự và thân thiện. Việc mặc bikini ở ngoài đường như vậy liệu có được chấp nhận không, đó là vấn đề tôn trọng văn hóa địa phương", một cư dân mạng nói.

    "Những cô gái mặc bikini không tôn trọng người dân Bali", một người khác bày tỏ.

    "Mặc bikini ở biển thôi, vui lòng đừng mặc bikini tại ruộng lúa. Chúng tôi coi trọng ruộng lúa của gia đình và còn làm đền thờ nhỏ ở đó. Đây không phải là chuyện đùa", một cư dân mạng sống ở Bali bày tỏ.

    Với người Bali, ruộng lúa và đền, núi là địa điểm được coi trọng (Ảnh: Sky).

    Một cư dân mạng khác gay gắt: "Nếu họ muốn giúp đỡ nông dân nên mặc quần áo lịch sự, không phải nơi nào ở đảo này cũng được mặc bikini".

    Bên cạnh đó, có những người nhìn nhận sự việc theo góc độ đơn giản và không quá phức tạp.

    "Không có vấn đề gì cả, trông họ vui vẻ mà", một cư dân mạng nêu ý kiến.

    Một người khác cho rằng: "Dù gì đi nữa, họ cũng đang giúp đỡ nông dân cơ mà".

    Đến nay, chính quyền Bali chưa lên tiếng về sự việc. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cơ quan chức năng của hòn đảo đã đưa ra những quy định nghiêm ngặt. Nguyên nhân xuất phát từ việc nhiều du khách ăn mặc hở hang hoặc có hành động trái với thuần phong mỹ tục.

    Hồi tháng 6, thống đốc tỉnh Bali Wayan Koster đã ban hành 12 điều nên và không nên làm để du khách lưu ý khi du lịch tới đây.

    Trong đó, có quy định mặc quần áo, trang phục phù hợp, ứng xử ở các địa điểm thờ cúng linh thiêng, tôn trọng nghi lễ truyền thống. Bộ quy định này sẽ được in và phát cho hành khách ngay tại sân bay quốc tế Denpasar - nơi đón hàng triệu hành khách đến mỗi năm.

    Ngoài ra, cơ quan chức năng Bali đã ban hành lệnh cấm du khách leo lên 22 ngọn núi và núi lửa ở đảo này do đây là các địa điểm linh thiêng. 

    Sau khi có nhiều du khách coi thường pháp luật, lái xe máy gây ảnh hưởng giao thông, cơ quan chức năng Bali đã cấm việc cho thuê xe máy với khách du lịch. 

    Theo Dân Trí

  • Lại một vụ tai nạn thương tâm nữa liên quan đến chụp ảnh selfie, lần này là hai du khách người Anh mạo hiểm đứng lên dãy lan can của một bãi biển ở Tây Ban Nha.  

    Vào lúc 7h15 phút ngày 3/7, hai du khách người Anh đã rơi từ độ cao khoảng 12 mét xuống đất tử vong ở bãi biển Punta Prima, gần khu nghỉ dưỡng Torrevieja, Tây Ban Nha. Mới đây, cảnh sát đã công bố danh tính của họ - đó là Daniel Vivian Mee, 25 tuổi và người bạn Jayden Dolman, 20 tuổi.

    Hai du khách gặp nạn khi chụp selfie (Ảnh: Solarpix)

    Theo điều tra ban đầu, hai du khách cùng một người bạn nữa rủ nhau đến bãi biển Punta Prima hóng gió. Trong phút ngẫu hứng, Daniel và Jayden đã trèo lên lan can để chụp ảnh selfie. Trong đó có người đột nhiên mất thăng bằng, anh vội vàng bấu vào người bên cạnh theo bản năng tự nhiên nhưng ngờ đâu lại kéo theo bạn cùng rơi xuống, đập vào cầu thang phía dưới.

    Nạn nhân lớn tuổi hơn - Daniel - đã tử vong tại hiện trường. Còn Jayden được trực thăng cứu hộ đưa đi cấp cứu nhưng đã qua đời vào sáng hôm sau do vết thương quá nặng. 

    Bãi biển Punta Prima là nơi xảy ra tai nạn.
    Hiện trường nơi 2 du khách rơi xuống từ độ cao 12 mét.

    Người thứ ba có mặt lúc đó, theo nguồn tin địa phương nói là anh Lewis Higgins, 24 tuổi, không gặp chấn thương về thể chất nhưng cũng được đưa đến bệnh viện vì cú sốc tâm lí. Dường như Lewis đã đứng bên trong lan can khi tai nạn bất ngờ xảy ra, cảnh sát đang chờ anh hồi phục hoàn toàn để lấy lời khai làm rõ vụ việc.

    Trong khi đó, gia đình các nạn nhân thiệt mạng đã bay từ Anh đến Tây Ban Nha để làm thủ tục đưa thi thể về quê nhà an táng. Người bà con của Jayden, cô Nicola Rea, bày tỏ lòng tiếc thương: "Anh ấy ra đi khi còn quá trẻ. Chúng tôi rất đau khổ khi mất đi một chàng thanh niên tốt bụng, tôi rất buồn cho sự mất mát của Jayden và gia đình anh".

    Toàn cảnh bãi biển đẹp Punta Prima. Kì du lịch hè chỉ vừa bắt đầu nhưng trên thế giới đã xảy ra nhiều tai nạn đáng tiếc như cá mập tấn công, tử nạn vì chụp selfie,... Điều này nhắc nhở mọi người luôn phải cẩn trọng trong các chuyến đi xa.

    Vụ việc đang gây xôn xao cộng đồng mạng ở Anh do đây là cái chết thứ 3 trong tuần liên quan đến bất cẩn của du khách khi đi du lịch nước ngoài. Bên cạnh đó, tai nạn lần này còn báo động tình trạng bất chấp chụp selfie ở nơi hiểm trở gây ra những kết cục thương tâm. Thực ra khi đi du lịch, bất kì ai cũng dễ trở nên hưng phấn và bốc đồng, mong muốn ghi lại những bức ảnh độc đáo nhất nhưng hãy suy nghĩ kĩ về cái giá đắt của nó. Chụp ảnh "sống ảo" để làm gì khi bạn chẳng còn cơ hội ngắm nhìn hay chia sẻ nó lên mạng xã hội nữa?

    Viethome (theo Helino)

  • Bên cạnh các du khách dành tiền tiết kiệm để đi phượt hay kiếm việc làm trên đường, suốt mấy năm gần đây, ở châu Á đã rộ lên “trào lưu” du lịch ăn xin. Họ không những xách theo ba lô mà còn trang bị nón mũ, thau nồi đựng tiền lẻ và quan trọng nhất là 1 bản mặt dày, rất dày!

    Du lịch là một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất đời người – nó giúp chúng ta mở mang đầu óc, biết tới và cảm thông với nhiều hoàn cảnh ở các nơi khác nhau, các nền văn hóa khác nhau đồng thời cũng để lại những kỉ niệm không thể nào quên. Tuy vậy, du lịch cũng là một hoạt động khá xa xỉ, hầu hết mọi người phải đổ mồ hôi làm việc để tiết kiệm trước mỗi chuyến đi.

    Vậy nên, có một sự chua chát không hề nhẹ khi nhìn thấy các vị khách Tây ba lô đang tràn xuống các con phố ở châu Á để… ăn xin, đòi hỏi được dân địa phương “tài trợ” cho chuyến chu du của mình!

    (Ảnh: creatingambassadors)

    Có nghịch lí quá không với trường hợp một vị khách từ nền kinh tế phồn thịnh nào đó lại đến một quốc gia đang phát triển để xin tiền đi chơi? Mà nguồn thu từ du lịch lại đóng góp đáng kể cho các quốc gia này nữa. Nếu bạn không thể đem tới nguồn thu, làm lợi cho người dân địa phương hay chí ít là tự lo lấy những chi phí sinh hoạt của bản thân, tốt nhất là nên ở nhà chuẩn bị. Việc đi đây đi đó nhưng với sự ích kỷ chỉ khiến mọi người thấy ngán ngẩm và làm xấu mỹ quan mà thôi!

    Giới chức một số địa phương ở châu Á đã chứng kiến quá nhiều khách du lịch nước ngoài tới ăn xin và quyết đưa ra biện pháp mạnh. Hòn đảo thiên đường Bali của Indonesia chẳng hạn, họ lên tiếng rằng: “Chúng tôi đã thấy quá đủ những du khách rắc rối đến từ Úc, Anh hay Nga… Chúng tôi dự định sẽ báo cáo hết các trường hợp này cho lãnh sự quán các nước để kiểm soát tình hình trong tương lai”.

    Dĩ nhiên, cũng có trường hợp du khách gặp chuyện bất trắc và cần nhờ tới sự giúp đỡ của cư dân địa phương. Tuy nhiên, không thể phủ nhận tình trạng một bộ phận đáng kể du khách phương Tây đổ xuống phố châu Á ăn xin là có thật và đang phổ biến hơn. Bộ ảnh dưới đây sẽ cho thấy điều đó, do người dùng Li tổng hợp, chia sẻ trên trang Boredpanda và chỉ sau 1 ngày đăng đã có 38k lượt thích.

    “Mỗi nhà mỗi cảnh” – bạn sẽ bất ngờ trước độ sáng tạo thiên biến vạn hóa của những người ăn xin lười biếng dưới đây.

    Một chị đang ăn xin kết hợp tập thiền?! Không xa lắm là bà cụ bán ve chai để kiếm sống hàng ngày… (Ảnh: TonsTweetings)
    Quần áo, giày dép bảnh bao nhưng hành động thật khó coi quá! Nơi ăn xin lại là khu chợ của những người lao động vất vả, đang chắt chiu từng đồng để lo cho cửa tiệm hay mái ấm của gia đình họ (Ảnh: peteryuill)
    Ở Hồng Kông: “Du lịch vòng quanh thế giới NHƯNG KHÔNG CÓ TIỀN. Giúp tôi nhé?” (Ảnh: HKFP)
    “Giúp chúng tôi đi quanh thế giới”. Ơ kìa, chị đã có hộ chiếu của 1 nước châu Âu/Mỹ/Úc ngon lành hơn rất nhiều người rồi đấy?
    Khách Nga biểu diễn “xiếc em bé”… Ông bố bà mẹ dùng chính ĐỨA CON CỦA MÌNH để kiếm tiền đi du lịch đã bị bắt giữ ở Bukit Bintang, Malaysia (Ảnh: zac.abdulcheah)
    “Thêm 1 gã đê tiện nữa ăn xin ở Seoul, ngồi gần với những người lớn tuổi và nghèo khó – không tài nào hiểu được vì sao anh Tây cao to khỏe mạnh này lại phải cạnh tranh với mình?”.
    “Người ta ăn xin vì không có sự lựa chọn, tôi ăn xin để tạo nên sự khác biệt” (Ảnh: jriverfort)
    Ban đầu, bà mẹ ôm đứa con ra xin tiền “vì bị chồng bỏ”. Mấy hôm sau, ông chồng xuất hiện để phụ giúp “công việc”! (Ảnh: begpacker)
    “Xin chào, tên tôi là Sergey và đã đi quanh châu Á 5 tháng. Hồng Kông thật tuyệt nhưng đắt đỏ quá, tôi hết sạch tiền rồi hãy giúp tôi tiếp tục cuộc hành trình này nhé”!!!
    Chị gái này chắc là tay ăn xin sành điệu nhất Seoul, túi xách đồng hồ mắt kính thật “xịn sò”! Ban đầu chị còn giả vờ không nghe hiểu tiếng Anh khi bị cảnh sát hỏi, nhưng mánh này hơi cũ rồi chị ơi.
    Một người phụ nữ hành nghề từ năm 2014, nói tiếng Đức hoàn hảo nhưng mỗi lần “tác nghiệp” lại nhận mình từ 1 nước châu Âu/Mỹ/Úc đang mất thẻ tín dụng và cần sự giúp đỡ.
    Bố mẹ với con nhỏ 4 tuổi ăn xin ở Hồng Kông.
    Anh chàng Ukraine này ít ra không ăn xin mà bán những bức ảnh của mình với “giá tùy ý”. Địa điểm ở Đài Bắc, Đài Loan.
    Ở Hội An (Ảnh: pallantejm).
    Ở Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội (Ảnh: RevolioClockbergSr)

    Một loại hình kiếm tiền đầy “sáng tạo” của khách Tây ba lô: Cung cấp dịch vụ ôm ấp có tính phí!

    Đã từ rất lâu, vấn nạn khách Tây ăn xin là chủ đề gây bức xúc dư luận. Tuy nhiên, loạt ảnh vừa được chia sẻ trên đây lại làm bùng lên ngọn lửa tức giận của nhiều cư dân mạng. Một câu nói rất thường được dân mạng sử dụng trong trường hợp này: “Họ nghĩ mình là ai? Nếu đi xa để vậy chỉ để ăn xin thì về nước gấp đi nhé”.

    Còn bạn nghĩ như thế nào về những trường hợp đáng xấu hổ của hàng loạt du khách kể trên? Hãy chia sẻ quan điểm dưới phần bình luận nhé.

    Viethome (theo Helino)

  • Từ ngày Instagram phổ biến thì tình hình càng tồi tệ hơn. Nhiều du khách đứng chắn trước cửa nhà dân để chụp ảnh gây huyên náo và còn mắng chủ nhà khi được nhắc nhở.

    Chưa bao giờ mà đi du lịch lại thuận lợi như hiện nay nhờ sự phát triển của các phương tiện vận tải và việc tìm thông tin trên mạng đã rất dễ dàng. Hơn nữa, chúng ta còn được cổ vũ nhiệt tình bởi các travel blogger, những người đam mê du lịch ở vô số nền tảng khác nhau như YouTube, Facebook, Instagram... Tuy nhiên chuyện gì cũng có 2 mặt của nó, nhiều thành phố trên thế giới như Amsterdam của Hà Lan đã nỗ lực giảm lượng du khách vì quá tải. Một số địa phương khác thì kêu trời vì ý thức quá "lỗi lõm" của một bộ phận du khách.

    Mới đây, The Sun đưa tin các hộ dân sống trên những con phố đẹp nhất nước Anh cũng chịu tình trạng trên. Suốt thời gian dài, họ đã rơi vào vô vàn tình huống oái oăm vì những du khách một tay cầm gậy tự sướng, một tay cầm đồ ăn thức uống kéo tới trước cửa nhà mình chụp hình.

    Thậm chí có nhiều influencer chia sẻ bí kíp chụp ảnh đẹp ở các con phố nổi tiếng của Anh (Ảnh: YouTube)

    Các du khách có thể đến từ Nga, châu Á, Nam Mỹ hay bất kì đâu trên thế giới nhưng họ đều lăm lăm tìm đến những con phố trứ danh như Notting Hill ở London, The Cotswolds và Circus Lane của Edinburgh, làng Bibury ở hạt Gloucestershire. Đây đều là những khu dân cư với lối kiến trúc đẹp, khung cảnh thơ mộng hứa hẹn những bức ảnh... ngập tràn like trên Instagram!

    Chuyện chẳng gì đáng nói nếu như du khách nhẹ nhàng chụp một bức ảnh rồi đi. Nhưng không, nhiều nhóm bạn tụ tập đông đúc chắn cả lối đi của người dân, tạo đủ 1001 kiểu dáng khác nhau, thậm chí thoải mái bày đồ ăn thức uống bên thềm nhà.


    Những bức hình yên bình trên Instagram...

    Người dân sống trên đường Notting Hill suốt chụp năm nay đã miễn nhiễm với những lời khen từ du khách, họ thừa hiểu không gian sống của mình đầy màu sắc tươi đẹp, đã đi vào phim ảnh nổi tiếng. Tuy vậy, họ vẫn không thể tặc lưỡi cho qua trước sự "lộng hành" của thế hệ Instagram. 

    Bà Ingrid năm nay đã 90 tuổi, ngụ tại Notting Hill được 40 năm nhưng đang cảm thấy mệt mỏi hơn bao giờ hết. "Du khách dường như ngày càng đông và thô lỗ hơn" - bà giải thích."Họ ngồi trên bậc tam cấp nhà tôi và gây huyên náo dữ dội. Và khi con gái tôi ra nhắc nhở thì bị nạt nộ lại".


    ... nhưng hậu trường chụp ảnh lại gây phiền hà cho người dân

    Người hàng xóm Ari cũng có chia sẻ tương tự. Cô cho biết khoảng 8-9 giờ sáng hàng ngày, vừa mở cửa ra đã cảm thấy khu nhà mình giống như công viên Disneyland. Bởi xung quanh là hàng loạt bạn trẻ đang thoải mái tán chuyện, thậm chí một người còn tỳ vào cửa nhà Ari để chụp hình. Để giảm bớt "độ đẹp" thu hút mọi ánh nhìn, Ari đã không sơn sửa nhà cửa thường xuyên như trước. Nhiều lần, cô còn dùng chiêu "photobombing" (xuất hiện đột ngột trong bức hình của du khách) để cho bõ tức!

    Một cư dân khác lại đặt thùng quyên góp trước nhà và đề nghị du khách bỏ vào 1 bảng Anh sau mỗi lần chụp ảnh, cho biết số tiền sẽ dùng làm từ thiện.


    Du khách thoải mái chụp ảnh trên cầu thang, cửa ra vào. Nhiều người còn ăn uống vấy bẩn hay gõ cửa trêu đùa gia chủ.

    Di chuyển sang làng Bibury thuộc hạt Gloucestershire, tình hình cũng không khá hơn. Người dân đã đạt đến giới hạn chịu đựng vì sự quá quắt của một số du khách. Ước tính ngôi làng giáo dân này đón tới 3.000 lượt khách mỗi ngày trong những tháng mùa hè.


    Làng Bibury vốn cổ kính êm đềm...

    Ông Richard Williams - người đứng đầu Hội đồng giáo xứ Bibury cho biết: "Một lượng đáng kể dân làng đã phải chuyển đi nơi khác sinh sống. Một người bạn của tôi đã sống ở đây hơn 30 năm, khi du khách bắt đầu kéo tới đông đảo, anh ấy đã rất hăng hái và nhiệt tình ngăn cản họ gây rối. Nhưng rồi anh ấy mệt mỏi và dọn đi". 

    Ông Williams đã liên hệ với tổ chức National Trust với sứ mệnh bảo tồn di sản kiến trúc quốc gia, nhưng họ không thể can thiệp quá nhiều do việc chụp ảnh trên đường phố là không vi phạm pháp luật, cả việc chụp trước cửa nhà dân cũng vậy trừ khi bị chủ nhà từ chối.


    .. giờ thì ngõ ngách nào cũng thấy các du khách chụp ảnh.

    Những con phố trăm năm ở nước Anh vốn sở hữu vẻ đẹp riêng biệt, được nhiều người dân xứ sở sương mù đem lòng yêu mến thông qua phim ảnh, văn chương. Thế nhưng hiện thực lại đang trở nên quá khác biệt, nhiều người muốn tìm chút cảm giác bình yên khi dạo bước ở đây cũng phải vỡ mộng ít nhiều. 

    Điều đáng nói là những người dân địa phương vốn góp phần tạo nên bản sắc của các khu dân cư độc đáo cũng đang phải ngán ngẩm dọn đi. Nếu như tình hình không được cải thiện, e là Notting Hill chỉ còn đẹp trong bộ phim cùng tên, cũng như các con phố The Cotswolds, Circus Lane, Bibury... sẽ chỉ còn lung linh trong những bức ảnh trên MXH mà thôi.

    Câu chuyện này đang diễn ra ở nước Anh, nhưng nó cũng có thể xảy ra ở bất kì thành phố hay thị trấn du lịch nào trên thế giới.

    Viethome (theo Helino)