• Điều đặc biệt là các suất học bổng này chỉ dành cho nữ giới, với mục tiêu truyền cảm hứng cho các thế hệ phụ nữ tương lai theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực STEM.

    Học bổng khối ngành STEM khuyến khích nữ giới tham gia

    Những năm gần đây, học bổng khối ngành STEM ngày càng trở nên hấp dẫn đối với sinh viên Việt Nam, đặc biệt là nữ giới. Khối STEM bao gồm khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học là khối ngành được ưu tiên ở nhiều quốc gia lớn trên thế giới như Mỹ, Úc, Anh bởi sự thiếu hụt về nhân tài và tầm quan trọng của lĩnh vực này trong sự phát triển của các quốc gia.

    STEM được ví như “việc làm của ngày mai” bởi theo học khối ngành này, sinh viên sẽ có tương lai rộng mở cả trong sự nghiệp học hành đến công việc và sự thăng tiến trong tương lai. Tuy nhiên, khối ngành này hiện đang có nhiều sự chênh lệch giới tính của số lượng sinh viên, nghiên cứu sinh nam và nữ.

    hoc bong du hoc anh 1

    Theo dữ liệu từ Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), có ít hơn 30% nhà nghiên cứu trên thế giới là nữ và chỉ có 30% sinh viên nữ lựa chọn ngành học liên quan đến lĩnh vực STEM ở bậc giáo dục đại học.

    Tỉ lệ nhập học của phái nữ trên toàn thế giới đặc biệt thấp trong các ngành công nghệ thông tin và truyền thông (3%), khoa học tự nhiên, toán học và thống kê (5%), kỹ thuật, sản xuất và xây dựng (8%).

    Vì vậy, việc đào tạo và tuyển dụng nhiều phụ nữ hơn trong lĩnh vực STEM sẽ góp phần đẩy mạnh nền khoa học và tài chính, tăng tính đa dạng trong lực lượng lao động, mang lại sự đa dạng về quan điểm và ý tưởng, đồng thời mang lại lợi thế cạnh tranh cho các tổ chức.

    Cơ hội săn học bổng khối ngành STEM cho nữ giới từ Vương quốc Anh

    Với mong muốn tìm kiếm các ứng viên nữ học tập và làm việc trong lĩnh vực STEM, đồng thời truyền cảm hứng cho các thế hệ phụ nữ tương lai theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực STEM, năm 2024, Học bổng khối ngành STEM dành cho nữ giới từ Chính phủ Anh đã chính thức khởi động với hai chương trình.

    Học bổng chương trình ASEAN - Vương quốc Anh SAGE (ASEAN-UK SAGE) ra mắt lần đầu nhân ngày Quốc tế Phụ nữ và trẻ em gái trong Khoa học (tháng 2/2024). Sáng kiến này nhằm giải quyết chênh lệch giới tính trong giáo dục và việc làm khối ngành STEM ở các nước ASEAN và Đông Timor. 11 ứng viên sẽ nhận được học bổng toàn phần trong 1 năm để hoàn thành bằng thạc sĩ tại Đại học Warwick.

    Chương trình học bổng khác quen thuộc của Hội đồng Anh là Women in STEM dành cho nữ sinh khối ngành STEM có sự hợp tác của các trường đại học Vương quốc Anh. Đây là năm thứ tư Hội đồng Anh triển khai học bổng này dành cho các ứng viên nữ tại Việt Nam. Các sinh viên Việt Nam có thể đăng ký chuyên ngành liên quan đến STEM tại Đại học Bristol – Vương quốc Anh.

    Để tham gia các học bổng này, ứng viên phải thỏa mãn điều kiện có thể tham gia khóa học toàn thời gian ở Vương quốc Anh cho năm học từ tháng 9 hoặc tháng 10 năm 2024 – 2025; đã có bằng cử nhân. Bên cạnh đó, trình độ tiếng Anh cần đủ điều kiện để theo học khóa Thạc sĩ tại một trường đại học ở Vương quốc Anh và ứng viên cũng cần chứng minh kinh nghiệm làm việc hoặc sự quan tâm của mình đối với lĩnh vực này; có niềm đam mê với khóa học mà mình ứng tuyển và sẵn sàng tham gia chia sẻ với tư cách là cựu sinh viên nhận học bổng của Hội đồng Anh và Vương quốc Anh

    Đã có nhiều gương mặt nữ học giả Việt Nam thành công dành học bổng đặc biệt này và có quãng thời gian trải nghiệm khó quên tại Vương Quốc Anh, với các chuyên ngành học đa dạng. Năm học 2023 – 2024, tám gương mặt nữ sinh Việt Nam đã trúng tuyển học bổng dành cho khối ngành STEM của Hội đồng Anh: Chị Nguyễn Thanh Huyền dành học bổng Thạc sĩ ngành Thống kê ứng dụng trong Khoa học Sức khỏe tại Đại học Strathclyde; Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung - Thạc sĩ Khoa học dữ liệu và chị Nguyễn Trần Phước Thịnh, Thạc sĩ Khoa học Máy tính đều ở trường Đại học Middlesex; chị Nguyễn Nguyên Thảo, Thạc sĩ Y tế công cộng Toàn cầu, Đại học Newcastle…

    hoc bong du hoc anh 1

    hoc bong du hoc anh 1

    Chị Nguyễn Thanh Huyền (phải) dành học bổng Thạc sĩ ngành Thống kê ứng dụng trong Khoa học Sức khỏe tại Đại học Strathclyde và chị Nguyễn Thị Hồng Nhung - Thạc sĩ Khoa học dữ liệu Đại học Middlesex (trái)

    Năm nay, 95 suất học bổng cho cả hai chương trình đang đón chào những gương mặt xuất sắc đến từ các quốc gia Đông Á, Nam Á, Châu Mỹ và Châu Âu, để bắt đầu nhập học khóa thạc sĩ vào mùa thu năm 2024. Ngoài cơ hội học tập tại một trường đại học danh tiếng tại Vương quốc Anh, học bổng còn bao gồm: toàn bộ học phí; trợ cấp sinh hoạt; chi phí đi lại; phí thị thực và bảo hiểm y tế. Thậm chí các ứng viên dành học bổng còn được hoàn trả lệ phí thi IELTS (nếu có).

    Học bổng dành cho Phụ nữ trong lĩnh vực STEM có thời hạn nộp hồ sơ từ nay đến 30/4/2024 (tùy yêu cầu từng trường). Học bổng ASEAN-UK SAGE áp dụng với các khóa học chuyên ngành STEM tại đại học Warwick. Học bổng Women in STEM của Hội đồng Anh áp dụng các khóa học chuyên ngành STEM tại Đại học Bristol.

    Theo Tienphong

  • Mới đây trên nhóm Flex đến hơi thở cuối cùng, một nickname tên Hoan Ngo đã chia sẻ hình ảnh chụp 2 tấm thẻ visa định cư của mình, chính là loại mà chúng ta luôn ao ước: Indefinite Leave to Remain. Và thẻ còn lại là thứ bạn ước cũng khó có được: T1 Migrant Talent Leave to Remain (visa Siêu Tài Năng - Exceptional Talent).

    Hoan Ngo (Ngô Văn Hoàn) cho biết anh đã được cấp thẻ visa định cư chỉ sau vỏn vẹn 3 năm làm việc tại Anh. Đại đa số mọi người mất ít nhất 5 năm làm việc tại Anh, hoặc 10 năm sống và học tập tại Anh thì mới có được thẻ này.

    visa dinh cu vinh vien 1

    visa dinh cu vinh vien 1

    Vào năm 2018, các báo VN đã chia sẻ khá nhiều thông tin về chàng trai sinh năm 1988 này. Ở thời điểm đó, Ngô Văn Hoàn vừa tròn 30 tuổi và anh là một tiến sĩ khoa học. 

    30 tuổi, giành hàng loạt học bổng trên thế giới

    Tiến sĩ khoa học Ngô Văn Hoàn (1988) không nhớ đã đặt chân đến bao nhiêu nước, trải qua bao nhiêu việc làm thêm, từng cố gắng ra sao để giành được các suất học bổng và có công việc như hiện tại.

    Sinh ra trong một gia đình kinh tế khó khăn nên ngay cả trong những giấc mơ đẹp nhất, Ngô Hoàn không từng nghĩ mình sẽ đi du học, đặc biệt là với vốn tiếng Anh còn khá hạn hẹp ngày đó.

    Ngô Hoàn chỉ mong có thể đỗ vào một trường đại học nào đó, rồi kiếm một công việc ổn định và sống một cuộc sống bình thường như bao người khác. Tuy nhiên, một lựa chọn sai lầm về ngành học tại đại học đã trở thành bước ngoặt lớn để tôi luyện nên một Ngô Hoàn như hiện tại.

    visa dinh cu vinh vien 5
    Ngô Hoàn và tấm bằng tiến sĩ khi theo học tại New Zealand.

    Chàng tiến sĩ trẻ cho biết: “Cuộc đời mình thay đổi từ chính sai lầm trong việc lựa chọn ngành học ở Đại học Y Hà Nội. Ngày đó mình chọn Khoa Kỹ thuật Y học với mộng tưởng sẽ được làm về máy móc thiết bị y tế. Nhưng đời không như mơ, Khoa đó chỉ đơn thuần là làm về xét nghiệm. Trong khi nhiều bạn bè cùng lứa chán nản bỏ sang trường khác học hoặc đợi năm sau thi lại, thì mình quyết định học tiếp và tìm hướng đi riêng cho mình. Thời điểm đó, ước mơ du học của mình mới bắt đầu nhen nhúm. Mình quyết tâm đầu tư học thời gian, công sức để học tiếng Anh và sau đó là tìm kiếm các suất học bổng nhằm thực hiện ước mơ của mình".

    Sau khi tốt nghiệp trường Y và làm một thời gian tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Ngô Hoàn lại tiếp tục “con đường học mòn mỏi” của mình để sang Hàn Quốc học Thạc sĩ, rồi sang New Zealand học Tiến sĩ. Tất cả khóa học này đều có được bằng việc săn học bổng từ các tổ chức nước ngoài.

    Đặc biệt, Ngô Hoàn quan niệm rằng, mỗi suất học bổng khác nhau, dù lớn nhỏ cũng đều rất đáng quý và coi đó là cột mốc trên chính con đường học hành. Có những học bổng nho nhỏ (dù đối với nhiều người nó không là gì) nhưng với anh chàng này lại vô cùng quan trọng, vì nó giúp CV (hồ sơ) của bạn đẹp hơn và là bàn đạp để đạt được những học bổng lớn hơn sau này.

    visa dinh cu vinh vien 5
    Chàng trai trẻ được trải nghiệm cuộc sống ở nhiều nơi trên thế giới. 

    Ngô Hoàn cho biết: “Mình thừa nhận là mình khá may mắn trong việc xin học bổng. Tuy nhiên, may mắn không chưa đủ mà nhiều khi phải sử dụng những 'tiểu xảo' để hồ sơ mình nổi bật hơn! Ngoài ra, việc xin học bổng là một quá trình cần sự bền bỉ và không được chán nản mỗi khi thất bại. Không mấy ai đủ giỏi để nộp một cái là được luôn, mà phải nộp rất nhiều nơi thì mới được một nơi nhận".

    Nhớ lại quãng chặng đường đi xin học bổng của mình, Ngô Hoàn kể: “Trong những lần xin học bổng, nơi mình tiếc nuối nhất là Đại học Havard, vì lúc phỏng vấn mình nghĩ 90% sẽ được nhận nhưng lại bị loại. Tuy nhiên cảm giác tiếc nuối cũng nhanh chóng biến mất bởi khi một cách cửa khép lại sẽ có những cánh cửa khác mở ra".

    Tính đến năm 2018, Ngô Hoàn đã sở hữu trong tay 9 học bổng (từ 2008 – 2018) như: 

    • Năm 2008: Học bổng Mitsubishi của Nhật Bản, dành cho 20 sinh viên xuất sắc nhất ĐH Y Hà Nội
    • Năm 2008: Học bổng Linnaeus/Palme của Thụy Điển dành cho 4 sinh viên xuất sắc nhất ĐH Y Hà Nội
    • Năm 2010: Học bổng Thạc sĩ, Đại học Quốc gia Chonnam, Hàn Quốc
    • Năm 2012: Học bổng du lịch, báo cáo hội nghị tại Nhật Bản do Đại học Osaka cấp
    • Năm 2014: Học bổng Tiến sĩ, Đại học Otago, New Zealand
    • Năm 2016: Học bổng Elizabeth, báo cáo hội nghị tại Anh
    • Năm 2017: Học bổng du lịch do Đại học Otago cấp , báo cáo hội nghị tại Mỹ
    • Năm 2017: Được mời qua phỏng vấn xin việc tại Đại học Y Havard
    • Năm 2018: Học bổng quốc tế Newton, trao cho 40 Tiến sĩ trẻ (người nước ngoài đến Anh làm việc) xuất sắc nhất do Hiệp hội Hoàng gia Anh cấp.

    Chia sẻ thêm về học bổng quốc tế Newton danh giá, tiến sĩ trẻ bật mí: “Hàng năm, hồ sơ từ khắp các trường đại học và Viện nghiên cứu của Anh gửi về một tổ chức có tên là Hiệp hội Hoàng gia Anh (The Royal Society) và họ chỉ trao 40 suất học bổng cho tất cả các ngành (Khoa học kỹ thuật, Luật, Nghệ thuật, Triết học...) do đó tính cạnh tranh là rất cao. Đây là một học bổng danh giá, ghi nhận tiềm năng của các tiến sĩ trẻ và hỗ trợ họ bước đầu trên con đường sự nghiệp. Đồng thời, với việc nhận được học bổng này thì visa của mình sẽ được chuyển từ hạng 2 (loại visa lao động cho tất cả người nước ngoài đang làm việc tại Anh) lên hạng 1 (loại dành cho các chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó). Và với visa hạng 1 này, mình chỉ cần sống 3 năm ở Anh là có thể nhập quốc tịch”.

    Nối tiếp hành trình học bổng và giải thưởng

    Theo học lĩnh vực Y sinh (Biomedical Science) - làm nghiên cứu khoa học, thời điểm năm 2018 chàng tiến sĩ trẻ tuổi đang làm việc tại Viện Vệ sinh dịch tễ và Y học nhiệt đới London - nơi tiên phong về phòng chống và ngăn ngừa dịch bệnh truyền nhiễm. Sau đó anh tiếp tục dành được các học bổng và giải thưởng như:

    • Năm 2019: Học bổng du lịch (NHẬT BẢN cấp), tham gia Hội nghị chuyên ngành tại Nhật Bản.
    • Năm 2021: Học bổng Chính phủ HÀN QUỐC, sang làm việc tại Đại học Quốc gia Seoul.
    • Năm 2023: Là Tiến sĩ thứ 3 của Việt Nam được lựa chọn trở thành thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học trẻ Toàn cầu (Global Young Academy, GYA) trụ sở tại Berlin ĐỨC, nơi quy tụ 200 nhà khoa học xuất sắc từ 6 châu lục trên thế giới.
    • Năm 2023: Học bổng du lịch của GYA và của Hội nghị Thượng đỉnh các nhà khoa học trẻ thế giới (WYSS) (ĐỨC và TRUNG QUỐC cấp), sang tham gia diễn đàn tại Rwanda (Châu Phi).
    • Năm 2023: Là một trong 20 Tiến sĩ xuất sắc trên thế giới được lựa chọn sang tập huấn tại CROATIA (Châu Âu).
    • Năm 2024: Học bổng của Hiệp hội Vi sinh Anh (Microbiology Society) sang tham gia hội nghị chuyên ngành lớn nhất tại Anh.

    Ngoài ra anh còn giúp cho hàng chục sinh viên Việt Nam sang du học tại Anh, Úc, Mỹ, Hungary, Đan Mạch, Đức, Pháp, và Hàn Quốc thông qua các loại học bổng khác nhau. Hiện tại năm 2024, anh đang làm việc tại Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc).

    visa dinh cu vinh vien 1Tiến sĩ Ngô Văn Hoàn phát biểu tại Diễn đàn các nhà khoa học trẻ thế giới tại Rwanda (Châu Phi) vào tháng 6/2023, trước Bộ trưởng Bộ giáo dục Rwanda, Cựu Bộ trưởng Y tế Rwanda, Tổng biên tập tạp chí Nature, và hàng trăm nhà khoa học xuất sắc từ khắp nơi trên thế giới.
     

    visa dinh cu vinh vien 1
    Hình ảnh tiến sĩ Hoan Ngo trên trang web của Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu (Global Young Academy, GYA).

    BÍ QUYẾT SĂN HỌC BỔNG CHO CÁC SINH VIÊN NGÀNH Y SINH

    Thay vì tự nộp hồ sơ ứng tuyển vào các trường đại học để xin học bổng ngành Y sinh (Biomedical Science), theo Ngô Hoàn còn có một cách xin học bổng "dễ đậu" lại giảm tỷ lệ cạnh tranh: Liên hệ trực tiếp với giáo sư hướng dẫn.

    Lĩnh vực Y sinh là một ngành đã và đang phát triển rất mạnh, mở ra rất nhiều cơ hội du học, làm việc cũng như định cư cho sinh viên Việt Nam. Do đặc thù của ngành này nên cách xin học bổng cũng khác rất nhiều so với các ngành khác.

    *) PHÂN LOẠI HỌC BỔNG CHO SINH VIÊN NGÀNH Y SINH

    • Học bổng chính phủ Việt Nam
    • Học bổng của nước sở tại hoặc trường Đại học
    • Học bổng của Giáo sư (Giáo sư lấy tiền từ quỹ nghiên cứu để trả cho sinh viên)

    *) TÌM THÔNG TIN HỌC BỔNG Ở ĐÂU?

    • Google: Gõ keyword (từ khóa): học bổng du học sinh, săn học bổng ngành Y...
    • Facebook: “Thông tin học bổng Giáo sư Hàn Quốc”; “Scholarships for Vietnamese Students”
    • Thông tin từ chính những anh chị đi trước.

    *) BÍ KÍP SĂN HỌC BỔNG GIÚP GIẢM TỈ LỆ CẠNH TRANH

    Bước 1: Vào website của trường đại học và của Khoa bạn muốn theo học để tìm kiếm thông tin về giáo sư hướng dẫn

    Bước 2: Chuẩn bị CV và thư giới thiệu bản thân (Cover letter)

    Bước 3: Liên hệ với giáo sư hướng dẫn

    Bước 4: Nếu hồ sơ của bạn đủ gây ấn tượng, Giáo sư sẽ mời bạn phỏng vấn qua điện thoại hoặc Skype và như vậy bạn đã có 50% cơ hội và 50% còn lại nằm ở buổi phỏng vấn. Nếu bạn phỏng vấn tốt và giáo sư nhận bạn sẽ có 2 tình huống xảy ra:

    + Giáo sư sẽ giúp bạn xin học bổng của trường đại học hay của nước sở tại

    + Hoặc giáo sư sẽ tự lấy quỹ nghiên cứu ra trả lương cho bạn sang học.

    Bằng cách này, tỷ lệ cạnh tranh sẽ giảm xuống rất nhiều và đôi khi bạn chẳng cần cạnh tranh với ai cả vì có một mình bạn liên hệ với giáo sư tại thời điểm họ đang cần sinh viên.

    *) LÀM THẾ NÀO ĐỂ HỒ SƠ DỰ TUYỂN GÂY ẤN TƯỢNG VỚI GIÁO SƯ?

    • Làm đẹp CV bằng cách đạt được những học bổng hay giải thưởng (dù nhỏ thôi cũng được).
    • Chuẩn bị CV và một bức thư giới thiệu bản thân (Cover Letter) ngắn gọn và đủ ý, tránh sai lỗi chính tả. Nên tham khảo CV và Cover Letter của những anh chị từng giành được học bổng.
    • Viết email trình bày nguyện vọng của bản thân. Đối với tiêu đề email, cần phải gây được ấn tượng ngay khi đọc. Nhiều bạn thành tích rất nổi bật, nhưng cái tiêu đề email không gây ấn tượng để người ta nhấn vào đọc nội dung bên trong thì coi như thất bại.

    Với riêng ngành Y sinh thì bạn có thể gửi hồ sơ vào tất cả thời điểm trong năm. Tuy nhiên, mỗi nước lại có những kỳ nhập học khác nhau nên bạn cần tìm hiểu để nộp hồ sơ sớm cho kịp nhập học. Ví dụ ở Hàn Quốc có 2 học kỳ mùa thu (tháng 10) và mùa xuân (tháng 3).

    Viethome / Ione 

  • Tôi giành học bổng khuyến khích học tập của trường, học bổng du học Hà Lan, Hàn Quốc, Pháp nên coi như không mất đồng nào trong 7 năm học đại học và thạc sĩ.

    Nguyễn Thị Minh Hòa, người Hải Phòng, hiện học thạc sĩ tại Đại học Công nghệ Delft ở Hà Lan. Dưới đây là kinh nghiệm đi học với 0 đồng của cô:

    1. Săn học bổng khuyến khích học tập

    Sau khi hết phổ thông, tôi học chuyên ngành Kinh tế đối ngoại tại Đại học Ngoại thương Hà Nội. Trường có chính sách trao học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên sau mỗi kỳ học. Hồi đó, tôi không dám đặt mục tiêu cả 4 năm, chỉ lên kế hoạch cố gắng cho từng học kỳ.

    Tôi nhớ mãi lần tài khoản "ting ting" 7,2 triệu học bổng cho kỳ đầu tiên, cô bé 18 tuổi lúc đó hạnh phúc vô cùng vì kiếm được khoản tiền lớn bằng năng lực của bản thân. Thế rồi, từng kỳ tích lũy, tôi may mắn luôn có tên trong danh sách học bổng của trường và tốt nghiệp thủ khoa với điểm trung bình (GPA) 4/4.

    san hoc bong 1
    Hòa hiện học thạc sĩ tại Đại học Công nghệ Delft, Hà Lan. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    Ngoài học bổng của trường, trong 4 năm, tôi cũng tranh thủ chinh phục thêm một số học bổng của các tổ chức bên ngoài như Học bổng Tỏa sáng tài năng VPBank, Học bổng Lotte và phần thưởng từ cuộc thi sinh viên.

    Tổng cộng, tôi nhận được khoảng 150 triệu đồng tiền thưởng, đủ để chi trả toàn bộ học phí và một phần sinh hoạt phí. Ngoài ra, tôi đi làm thêm để đỡ chi phí cho bố mẹ và học ngoại ngữ như tiếng Nhật, tiếng Trung.

    2. Tìm học bổng thạc sĩ phù hợp

    Sau khi tốt nghiệp và đi làm gần hai năm, tôi tiếp tục nung nấu ước mơ du học thạc sĩ với 0 đồng. Với thành tích học tập tốt ở đại học, tôi lên kế hoạch ứng tuyển các học bổng merit-based (dựa trên thành tích học tập) ở châu Âu. Tôi được Đại học Công nghệ Delft (TU Delft), Hà Lan, và trường Kinh doanh BI của Na Uy (BI Norwegian Business School) trao hai suất học bổng toàn phần, gồm học phí, sinh hoạt phí, tổng trị giá khoảng ba tỷ đồng cho hai năm.

    Tôi chọn TU Delft. Ở đây, tôi ứng tuyển trái ngành, chuyển từ Kinh tế sang Kỹ thuật, nộp hồ sơ chương trình Logistics thuộc khoa Civil Engineering. Dù khó khăn nhưng tôi thấy rất thú vị khi được khám phá nhiều kiến thức mới.

    Vì giao thông ở châu Âu khá dễ dàng nên sau hơn một năm học, tôi đã đến 10 quốc gia, chi phí lấy từ tiền học bổng và việc làm thêm như dạy tiếng Anh online, thực tập có lương.

    san hoc bong 1
    Hòa thăm bảo tàng Lourve, Pháp, năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    3. Ứng tuyển các khóa trao đổi ngắn hạn

    Ở đại học và thạc sĩ, tôi đều đặt mục tiêu tham gia các khóa trao đổi ở nước ngoài để mở mang tầm mắt. Năm thứ ba đại học, tôi giành học bổng trao đổi của Đại học Hannam, Hàn Quốc. Bên cạnh học phí được miễn, tôi còn được trường tài trợ phần lớn phí ở ký túc xá và 4-5 chuyến đi chơi miễn phí, được mặc hanbok, ăn kimchi, thăm SM Tower.

    Khi học thạc sĩ ở Hà Lan, tôi giành học bổng trao đổi của trường Mines Paris - PSL, Pháp, được miễn học phí và được hỗ trợ phí đi lại. Tôi sang đây trải nghiệm một tuần làm cô sinh viên ở Paris, ăn bánh croissant, uống chocolate nóng.

    Hiện có nhiều cộng đồng cung cấp thông tin về học bổng. Nếu ở Việt Nam, bạn có thể tham khảo Scholarship EZ, Scholarships for Vietnamese students, Opportunity Hunting. Còn ở nước ngoài, bạn tìm hiểu trang Scholarships Corner.

    Một số chương trình trao đổi ngắn hạn uy tín như Erasmus+, YSEALI, Global UGRAD... Học bổng trao đổi ngắn hạn thường khá dễ tiếp cận vì nhiều trường đại học có thỏa thuận với trường đối tác, sinh viên diện này được miễn học phí và nhiều tài trợ kèm theo. Các bạn nên chú ý thông tin trên website trường mình đang theo học, cố gắng giữ kết quả học tập tốt và trau dồi khả năng ngoại ngữ.

    Bạn cũng nên lưu ý về thời gian trao đổi để không ảnh hưởng quá nhiều đến kế hoạch học tập chính thức. Thông thường, các khóa 6 tháng - 1 năm là hợp lý.

    Nếu có ai hỏi tôi rằng có cần tài chính dư dả đi du học, khám phá được nhiều vùng trời mới không, tôi có thể tự tin trả lời là không. Năm tới tốt nghiệp, tôi dự định theo đuổi công việc về Logistics tại Hà Lan một thời gian để tích lũy kinh nghiệm, học hỏi trước khi về Việt Nam làm việc.

    Theo VnExpress

  • Bên cạnh những thị trường truyền thống, du học sinh Việt đang chuyển hướng quan tâm đến một số quốc gia ít nổi tiếng khác nhờ mức học phí chỉ từ vài chục triệu đồng mỗi năm cùng nhiều học bổng giá trị.

    du hoc mien phi 1
    Sự kiện quy tụ hơn 50 cơ sở giáo dục ĐH từ hơn 15 quốc gia. Ảnh: NGỌC LONG

    Tổ chức xếp hạng ĐH thế giới Times Higher Education cùng Trung tâm Tư vấn giáo dục quốc tế (Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD-ĐT) chiều 25.10 tổ chức triển lãm du học thu hút hàng trăm người tham dự. Tại đây, các cơ sở giáo dục ĐH ở những thị trường du học "hiếm" người Việt như Phần Lan, Bỉ, Ireland, Lithuania... đã chia sẻ thêm về cơ hội học tập với mức chi phí thấp, thậm chí là miễn phí.

    Nhiều học bổng giá trị

    Điểm hấp dẫn của giáo dục Phần Lan, theo anh Lý Trần Minh Nghĩa, đại diện Tổ chức giáo dục Finest Future, là du học sinh Việt sẽ được miễn học phí từ bậc phổ thông đến giáo dục ĐH nếu chọn học bằng tiếng Phần Lan. Cụ thể, ứng viên không buộc phải có điểm học bạ cao mà chỉ cần đạt trình độ tiếng Phần Lan ở mức B1.1 và vượt qua vòng phỏng vấn với trường là có thể nhập học.

    Bà Jayanthi Thevarajah, Trưởng bộ phận Phát triển giáo dục khu vực Đông Nam Á tại Enterprise Ireland (Cơ quan xúc tiến thương mại của chính phủ Ireland), cho biết Ireland hiện là quốc gia nói tiếng Anh duy nhất trong Liên minh châu Âu. Nước này có mức học phí cạnh tranh, vào khoảng 9.850-25.500 euro/năm (255-661 triệu đồng) tùy nhóm ngành, trừ khoa học y và chăm sóc sức khỏe.

    du hoc mien phi 1
    Ireland là quốc gia có nhiều loại học bổng chính phủ cho sinh viên quốc tế, theo bà Jayanthi Thevarajah. Ảnh: NGỌC LONG

    "Chúng tôi cũng có đa dạng học bổng, từ cấp chính phủ đến cấp trường. Riêng ở quy mô chính phủ, chúng tôi có 3 loại học bổng toàn phần nổi bật là học bổng giáo dục quốc tế của chính phủ Ireland, học bổng thạc sĩ do Bộ Ngoại giao Ireland quản lý và học bổng sau ĐH do Hội đồng Nghiên cứu Ireland quản lý", bà Thevarajah chia sẻ.

    Tại Lithuania, bà Ilona Kazlauskaitė, Trưởng phòng hợp tác quốc tế ĐH Vytautas Magnus, cho biết trường có nhiều loại học bổng, giá trị từ 25%, 50%, 75% và thậm chí là 100% học phí. Riêng học bổng 100%, ứng viên phải cực kỳ giỏi và tài năng, có nhiều thành tích học thuật cũng như tham gia hoạt động thiện nguyện. "Việt Nam là một trong những quốc gia nằm trong diện ưu tiên", bà Kazlauskaitė nhận định.

    Trong khi đó, ở Romania, đại diện Trường ĐH Tây Timișoara cho biết có 15 suất học bổng mỗi năm, trong đó cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ mỗi bậc đều có 5 suất. Học bổng gồm miễn học phí, miễn phí chỗ ở trong khuôn viên trường và cấp thêm sinh hoạt phí hằng tháng. "Để ứng tuyển, bạn cần có thành tích học thuật xuất sắc, thư động lực thuyết phục và thư giới thiệu tốt từ giáo viên hoặc giảng viên", người này cho hay.

    du hoc mien phi 1
    Đại diện một trường ĐH tư vấn cho học sinh về ngành nghề. Ảnh: NGỌC LONG

    Học phí thấp, cạnh tranh

    Một trong những ưu thế khác của Romania là các trường đều có mức học phí thấp, chỉ khoảng 2.000-3.000 USD/năm (49-73 triệu đồng), theo tiến sĩ Teodor Turcanu, đại diện Trường ĐH Bách khoa Bucharest. Ngoài ra, ứng viên cũng có thể nộp đơn xin học bổng toàn phần theo diện hiệp định giữa chính phủ Romania và Việt Nam, dành cho các bậc học từ cử nhân đến tiến sĩ.

    Tại Bỉ, ông Niels Matheve, Cố vấn chính sách tiếp cận quốc tế ĐH nghiên cứu KU Leuven, cho hay trường nỗ lực trao "học bổng" cho tất cả sinh viên bằng cách giữ học phí ở mức thấp, dao động từ 1.000-8.000 euro/năm (25-207 triệu đồng). Chưa kể, nếu sinh viên đạt điểm cực kỳ cao với thứ hạng ở top đầu, một số chương trình còn giảm học phí cho riêng sinh viên đó.

    "Hiện có hơn 100 du học sinh Việt trong tổng số 15.000 sinh viên quốc tế đang theo học tại trường. Ngoài chi phí thấp, chúng tôi cũng có nhiều loại học bổng khác nhau. Tuy nhiên, học bổng có số lượng khá ít trong khi trường giữ thứ hạng top 1 ở Bỉ nên mức cạnh tranh cực kỳ gay gắt", ông Matheve chia sẻ thêm.

    du hoc mien phi 1
    Chỉ từ 25 triệu đồng, du học sinh Việt đã có cơ hội tiếp cận nền giáo dục tại Bỉ, ông Niels Matheve nhận định. Ảnh: NGỌC LONG

    Bà Jana Hanskens, cán bộ tuyển sinh quốc tế ĐH khoa học ứng dụng Artevelde, thông tin thêm rằng chính phủ Bỉ cũng tài trợ cho giáo dục nên mức học phí được giữ ở mức hợp lý, như tại trường là 7.265 euro/năm (188 triệu đồng) với mọi ngành. Song, chi phí thấp hơn so với những thị trường du học phổ biến cũng là lý do trường không cấp thêm học bổng cho sinh viên.

    Ngoài châu Âu, Thái Lan cũng là điểm đến mới được nhiều du học sinh Việt quan tâm. Tiến sĩ Chawalit Kittichaikarn, Giám đốc chương trình cử nhân quốc tế tại ĐH Kasetsart, cho biết trường có mức học phí tương đương những cơ sở tư thục tại Việt Nam, từ 2.900-3.500 USD/năm (71-86 triệu đồng) tùy ngành nghề với bậc cử nhân và thấp hơn với bậc thạc sĩ, tiến sĩ, lần lượt là 2.500 USD (61 triệu đồng) và 2.300 USD (56 triệu đồng) mỗi năm.

    "Năm nay, nhân kỷ niệm 80 năm thành lập trường, chúng tôi cũng lần đầu ra mắt chương trình học bổng trao đổi dành cho sinh viên quốc tế kéo dài trong một học kỳ. Học bổng sẽ tài trợ học phí, phí ký túc xá và cấp thêm sinh hoạt phí trọn gói ở mức 34.000 baht (23 triệu đồng) mỗi sinh viên", tiến sĩ Chawalit Kittichaikarn thông tin.

    Theo Thanh Niên

  • Việt Nam và Mỹ ở vị trí trọng tâm trong chương trình Global Wales với gói tài trợ mới công bố trị giá 3,5 triệu bảng Anh để đẩy mạnh hợp tác giáo dục.

    Trả lời phỏng vấn Zing.vn ngày 25/4, bà Tracey Marenghi, phụ trách truyền thông của Study in Wales, khẳng định vị trí ưu tiên của Việt Nam, bên cạnh Mỹ trong chương trình Global Wales.

    Bà Tracey Marenghi – Giám đốc Marketing và Truyền thông của Study in Wales trong cuộc trả lời phỏng vấn với Zing. Ảnh: Thu Hằng.

    Chương trình Global Wales thành lập từ năm 2015 nhằm mục tiêu hỗ trợ Wales mở rộng quan hệ hợp tác thông qua giáo dục và nghiên cứu.

    “Chứng minh cam kết của mình, chính phủ Wales cung cấp cho Global Wales gói tài trợ trị giá 3,5 triệu bảng Anh trong 3 năm từ 2018 tới 2021, trong đó phần lớn gói này dành cho hoạt động ở Việt Nam”, bà Marenghi nói, đồng thời cho biết khoản tài trợ cho Việt Nam ước tính lên tới một phần ba gói này.

    Đáng chú ý, trong khuôn khổ chương trình, Global Wales sẽ hỗ trợ 20 suất học bổng trong chương trình Chevening dành cho Việt Nam từ các đại học ở Wales, chia đều cho 2 năm từ 2020 đến 2022.

    Gói học bổng này đánh dấu lần đầu tiên các đại học Wales “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam. Trong năm 2019, chương trình Chevening dự kiến bao gồm 28 suất học bổng dành cho sinh viên Việt Nam tại các trường đại học trên toàn Vương quốc Anh.

    Ngoài ra, bà Marenghi cho biết thêm hiện Global Wales đang duy trì quan hệ thường xuyên với năm trường đại học của Việt Nam, trong đó có Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, trong chương trình với Hội đồng Anh nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực và chất lượng đào cho các đơn vị tham gia.

    – Tại sao Việt Nam được chọn vào vị trí trọng tâm của Global Wales? 

    – Chúng tôi đã nghiên cứu nhiều nước khác nhau, Việt Nam quy tụ rất nhiều tiêu chuẩn mà chúng tôi có thể phát triển. Chúng tôi muốn chọn một nước đang phát triển để có thể chia sẻ các kinh nghiệm về giáo dục. Việt Nam là một nước đang phát triển rất nhanh.

    Trung Quốc hay Ấn Độ có nhiều sinh viên hơn, nhưng lượng sinh viên Việt Nam tăng nhanh nhất. Việt Nam là thị trường lớn với dân số rất trẻ, sinh viên Việt Nam sẵn sàng ra nước ngoài du học. Trong khi đó, chính phủ Việt Nam cởi mở, cam kết nâng cao giáo dục, và muốn hợp tác với cộng đồng quốc tế để thực hiện điều đó.

    – Global Wales đặt ưu tiên vào Việt Nam và Mỹ, hai nước hoàn toàn ở những cấp độ rất khác nhau về giáo dục, cách thức tiếp cận với mỗi nước có giống nhau? Ngoài hai nước này, chương trình có nhắm tới ứng viên khác?

    – Các trường đại học ở Wales vốn đã có hợp tác với Mỹ, họ đã có các thỏa thuận đối tác, thiết lập các cơ sở cho sự phát triển, và họ rất hoan nghênh cách tiếp cận của chúng tôi.

    Ở Mỹ, khía cạnh hợp tác giữa hai chính phủ không lớn mà chủ yếu tập trung vào các hoạt động tuyển dụng, thiết lập các quan hệ hợp tác khác, chẳng hạn như hợp tác giữa các chuyên gia tư vấn giáo dục ở các trường trung học…

    Ở Việt Nam, chúng tôi tập trung nhiều hơn vào các cơ hội phát triển cũng như hợp tác giữa hai chính phủ. Chúng tôi cũng đang tiến hành các nghiên cứu để tìm kiếm nước ưu tiên thứ ba và dự kiến sau tháng 6 mới có kết quả.

    – Các chương trình về giáo dục nhắm tới Việt Nam từ nhiều nước khác như Mỹ, Australia… đã được tiến hành từ lâu, tại sao Wales lại chọn thời điểm này tiến vào thị trường Việt Nam?

    – Thời điểm này, ở Wales thuộc Vương quốc Anh, chúng tôi đang đối mặt với những thách thức lớn về EU (Liên minh châu Âu), bởi chúng tôi có khả năng mất nhiều du học sinh châu Âu sau Brexit. Hiện 20% du học sinh ở Wales đến từ EU, vậy nên rủi ro sẽ rất lớn nếu nguồn sinh viên này sụt giảm.

    Các trường đại học cần sinh viên, do đó chúng tôi phải mở rộng đầu tư ra các nơi khác, trong đó Việt Nam là một ưu tiên.

    Viethome (theo Zing)