• Sự ra đi của chàng trai tài giỏi, tốt bụng 18 tuổi Luke Tang đã làm dấy cuộc tranh luận về mặt trái phía sau vẻ hào nhoáng của đại học số 1 thế giới.

    “Nhiều người trong chúng ta biết đến Tang như một người bạn cùng lớp thông minh, một người bạn thực sự và một người cố vấn luôn giúp đỡ người khác. Hình ảnh của em sẽ mãi lưu giữ trong tâm trí của gia đình, bạn bè và tất cả chúng ta hôm nay,” trích thứ của Trưởng khoa Đại học Harvard Rakesh Khurana.

    ‘Trên đời này không có người xấu, chỉ có người phức tạp’

    Luke Tang sinh năm 1996 trong một gia đình học thức người Mỹ gốc Hoa. Cha của anh, bác sĩ Wendell Tang là một nhà nghiên cứu bệnh học tại Trung tâm Y tế Ochsner và lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Hawaii. Mẹ làm kế toán và là nhà phân tích tài chính cấp cao tại Bệnh viện Nhi đồng ở thành phố New Orleans. Anh trai là một nhạc sĩ tài năng và theo học ngành y tại Đại học Tulane.

    Tang theo học tại trường Trung học Benjamin Franklin và xuất sắc được nhận vào Đại học Harvard. Chàng trai luôn được gia đình, thầy cô và bạn bè nhận xét là sinh viên tài giỏi, ngoan ngoãn và hay giúp đỡ người khác. Thời gian rảnh rỗi, Luke Tang còn dạy đàn violin cho các trẻ em kém may mắn ở ngoại thành New Orleans và hay tham gia các chuyện thiện nguyện.

    bi kich harvard 1
    Luke Tang được nhận xét là chàng trai thông minh, học tập xuất sắc và vô cùng tốt bụng.

    Tang cũng được vinh danh là học sinh của năm của khu học chánh New Orleans, lọt vào bán kết cuộc thi Tìm kiếm Tài năng Khoa học Intel và nhận được danh hiệu danh giá Học giả Tổng thống Mỹ- thành lập vào năm 1964 theo sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ nhằm công nhận và vinh danh một số học sinh cuối cấp tốt nghiệp trung học xuất sắc nhất nước.

    Nói chuyện với các học sinh cuối cấp sắp tốt nghiệp của trường trung học Benjamin Franklin, Luke Tang 18 tuổi đã có một lời nhắn gửi đến các bạn cùng lớp của mình.

     “Trên đời này không có người xấu, chỉ có người phức tạp. Mọi người đều có một câu chuyện dù bạn có biết hay không. Mọi người đều có khả năng làm điều thiện và điều ác”, Tang nói. 

    Thông điệp về sự đồng cảm và niềm tin chàng trai gửi đến các bạn cùng lớp thời trung học cũng chính là triết lý mà Tang theo đuổi trong suốt thời gian ở Harvard, theo The Harvard Crimson.

    Tháng 9/2015, ở tuổi 18, chàng trai đã quyết định “giải thoát” cho bản thân, mãi mãi ra đi vì trầm cảm tại ký túc xá của Harvard. Thông tin chàng trai tài giỏi, tốt bụng qua đời khiến thầy cô, bạn bè và người thân của Luke Tang không khỏi bàng hoàng và đau xót.

    Ký túc xá Lowell House của Harvard, nơi Tang sống, đã tổ chức một buổi lễ tưởng niệm để vinh danh chàng nam sinh.

    Trách nhiệm của Harvard trong vụ việc

    Ba năm sau, cha của Tang, ông Wendell W. Tang đã đệ đơn kiện lên Tòa Thượng thẩm Quận Middlesex. Đơn khiếu nại kiện Hội đồng trường Harvard - cơ quan quản lý cao nhất của trường cũng như Trưởng khoa nội trú Catherine R. Shapiro, Giám đốc phụ trách ký túc xá Lowell House Caitlin Casey, Cố vấn sức khỏe tâm thần của Dịch vụ Y tế Harvard Melanie G. Northrop và bác sĩ tâm thần David W. Abramson.

    Đơn khiếu nại cáo buộc các đối tượng này “sơ suất và bất cẩn” dẫn đến cái chết của Luke Tang và lập luận rằng các họ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại lên tới ít nhất 20 triệu USD (khoảng 487 tỷ đồng).

    bi kich harvard 1
    Đại học Harvard đã biết Luke Tang từng cố gắng tự tử không thành vào đầu xuân năm 2015.

    Đơn kiện nêu rõ nhân viên quản lý của Harvard đã biết Luke Tang có ý định tự tử và nỗ lực tự tử không thành trong năm thứ nhất tại Harvard nhưng không báo cho gia đình. Luke Tang đáng lẽ phải được tư vấn về sức khỏe tâm thần để ở lại trường.

    Theo đơn khiếu nại, Luke Tang rời Harvard vào mùa hè vào tháng 5/2015 và không nhận được tư vấn về sức khỏe tâm thần từ thời điểm đó, từ đó gián tiếp dẫn đến cái kết bi kịch của chàng trai 18 tuổi vào tháng 9 cùng năm.

    Vụ kiện cáo buộc trường đại học và các nhân viên của trường đã sơ suất vì không hoàn thành “nghĩa vụ chăm sóc” với Luke Tang.

    Tuy nhiên, tháng 12/2022, một thẩm phán Tòa án Thượng thẩm quận Middlesex đã bác bỏ các yêu cầu bồi thường chống lại Harvard và hai trưởng khoa nội trú. Trong một tài liệu dài 22 trang, Thẩm phán Tòa án cấp cao Brent A. Tingle cho rằng các bên đã hoàn thành nghĩa vụ chăm sóc Tang sau lần cố gắng tự tử đầu tiên vào mùa xuân năm 2015.

    Vụ việc của Luke Tang chỉ là một vài trong nhiều trường hợp đau lòng tại đại học số 1 thế giới. Phía sau "giấc mộng Harvard”, sau ánh hào quang, ngôi trường dường như "bất lực" trong đảm bảo sức khỏe tâm thần cho sinh viên. 

    Đại học Harvard lại có tỷ lệ sinh viên tự tử thuộc top cao nhất trong số các trường đại học ở Mỹ. Tỷ lệ tự tử của trường cũng cao hơn mức trung bình toàn nước Mỹ. Theo Hiệp hội Sức khỏe Đại học Mỹ, tỷ lệ tự tử của sinh viên Mỹ là 7.5/100.000 vào năm 2019 trong khi tỷ lệ của sinh viên Harvard vào khoảng 10.3/100.000. Những thống kê này chỉ phản ánh các vụ tự tử được báo cáo và số liệu thực tế có thể cao hơn. 

    Áp lực học tập khủng khiếp, văn hóa cầu toàn và chủ nghĩa xuất sắc đẩy không ít sinh viên vào bế tắc. Một số sinh viên không thể tìm kiếm được sự giúp đỡ. Các em không thể chia sẻ tình trạng khó khăn về sức khỏe tâm thần của mình với ai.

    Theo Vietnamnet

  • Bà Claudine Gay, Hiệu trưởng Đại học Harvard, tuyên bố từ chức sau khi bị cáo buộc đạo văn và trả lời quanh co về tư tưởng bài Do Thái trong môi trường đại học Mỹ.

    hieu truong harvard tu chuc
    Claudine Gay, Hiệu trưởng Đại học Harvard, điều trần trước Hạ viện Mỹ vào ngày 5/12/2023 (Ảnh: Getty)

    Trong thư từ chức, bà Gay tuyên bố mình sẽ trở lại làm cán bộ giảng dạy của Harvard. "Khi trở lại với công việc nghiên cứu và giảng dạy vốn là huyết mạch của chúng ta, tôi cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực cùng với các bạn để xây dựng cộng đồng mà tất cả chúng ta đều xứng đáng có được", bà viết.

    Bà Gay từ chức chỉ 6 tháng sau khi bắt đầu nhận công tác, khiến bà là hiệu trưởng có thời gian tại nhiệm ngắn nhất trong lịch sử trường Harvard. Là con gái của gia đình người nhập cư từ Haiti, bà Gay là người da đen đầu tiên và là người phụ nữ thứ hai lãnh đạo Harvard.

    Tranh cãi phát sinh từ ngày 5/12/2023, thời điểm bà Gay cùng hiệu trưởng 2 trường khác là MIT và Đại học Pennsylvania ra điều trần trước Quốc hội Mỹ về cách họ xử trí các cáo buộc bài Do Thái tại trường học sau khi chiến tranh Gaza bùng nổ.

    Cả 3 vị hiệu trưởng đều không trả lời trực diện mà đưa ra các phát biểu rối rắm, mang tính chất pháp lý.

    Sau buổi điều trần, hơn 70 nhà lập pháp Mỹ đã ký thư yêu cầu bãi nhiệm 3 vị hiệu trưởng. Hiệu trưởng Đại học Pennsylvania đã từ chức vào ngày 9/12/2023, trong khi bà Gay xin lỗi vì cách trả lời câu hỏi.

    Các nhà hoạt động phản đối bà Gay - phần lớn là người theo tư tưởng bảo thủ - lập luận rằng bà được bổ nhiệm không phải vì thành tích học thuật hàng chục năm qua mà vì màu da.

    Bà Gay cũng bị cáo buộc đạo văn trong hàng chục bài viết học thuật trước đây vì "trích dẫn không đầy đủ". Phản hồi cáo buộc, bà khẳng định mình luôn đảm bảo tính liêm chính học thuật và đã bổ sung các trích dẫn.

    Bất chấp cáo buộc đạo văn, bà Gay nhận được sự tín nhiệm từ Tập đoàn Harvard - cơ quan quản trị trường, cũng như được đồng nghiệp ủng hộ, bao gồm hàng trăm giáo sư ký thư phản đối lời kêu gọi từ chức.

    Tới đầu tuần này, một tạp chí bảo thủ Mỹ tiếp tục đưa ra các cáo buộc đạo văn mới đối với bà Gay.

    Nói về các cáo buộc trong thư từ chức, bà Gay viết: "Thật đau buồn khi xuất hiện nỗi hoài nghi về cam kết của tôi trong việc đối đầu sự thù hận và duy trì tính nghiêm khắc học thuật - 2 giá trị nền tảng cho con người tôi".

    VnExpress (theo Guardian)

  • Bà Claudine Gay - Hiệu trưởng Đại học Harvard, bị tố cáo vi phạm nghiêm trọng quy tắc về liêm chính trong luận án tiến sĩ năm 1997 và 6 công trình nghiên cứu khác.

    Tờ New York Post đưa tin, Hiệu trưởng Claudine Gay của Đại học Harvard nhận được 39 cáo buộc liên quan đến việc đạo văn. Cụ thể, trong luận án tiến sĩ Nắm quyền: Thắng lợi bầu cử của người da đen và sự tái định nghĩa của chính trị Mỹ của bà Claudine Gay năm 1997, đã trích dẫn nhiều nội dung từ công trình xuất bản năm 1996 của 2 tác giả Bradley Palmquist và Stephen Voss, nhưng không chú thích và đặt trong ngoặc kép.

    Trước đó, ngày 12/12, Harvard Corporation - tổ chức điều hành Đại học Harvard, cho biết, nhận được các cáo buộc đạo văn liên quan đến 3 công trình nghiên cứu khoa học của bà Claudine Gay hồi cuối tháng 10. 

    Sau đó, tổ chức Harvard Corporation thành lập tiểu ban điều tra gồm 11 thành viên và các nhà khoa học chính trị độc lập, phát hiện ra 7 công trình của bà Claudine Gay có "một vài nội dung trích dẫn không đầy đủ". 

    Đến ngày 20/12, phát ngôn viên của Đại học Harvard cho biết, đã tổ chức buổi xem xét bổ sung, các nhà điều tra phát hiện "ngôn ngữ trùng lặp nhưng không ghi chú thích rõ ràng" trong một vài công trình nghiên cứu của nữ hiệu trưởng.

    hieu truong harvard
    Hiệu trưởng Đại học Harvard bị tố cáo đạo văn.

    Hiện tại, Đại học Harvard chưa lên tiếng về cáo buộc đạo văn trong luận án năm 1997 của bà Claudine Gay. Liên quan đến vụ việc này, đại diện tổ chức Harvard Corporation cho biết, hiệu trưởng Claudine Gay đã chủ động đề xuất bổ sung 4 trích dẫn trong 2 bài báo khoa học viết năm 2001 và 2017. Thời gian tới, bà sẽ tiếp tục đề xuất chỉnh sửa trích dẫn trong luận văn tiến sĩ.

    Ngoài ra, Ủy ban Giáo dục và Lực lượng Lao động Hạ viện Mỹ cũng cho biết, sẽ xem xét và làm rõ các cáo buộc đạo văn của bà Claudine Gay là một phần của cuộc điều tra rộng hơn về Đại học Harvard. Quốc hội Mỹ cho hay, sẽ thành lập ủy ban điều tra về tính công bằng trong quy trình xử lý đạo văn giữa sinh viên và giảng viên tại Đại học Harvard.

    Bà Claudine Gay trở thành hiệu trưởng thứ 30 của Đại học Harvard từ 1/7/2023. Nữ hiệu trưởng của Harvard là nhà khoa học chuyên nghiên cứu về hành vi chính trị. Bà từng là trợ lý giáo sư, phó giáo sư tại Đại học Stanford, sau đó gia nhập Đại học Harvard năm 2006 với tư cách là giáo sư của chính phủ. 

    Theo Vietnamnet

  • Đại học Harvard không chỉ nằm trong số những tổ chức giáo dục đại học uy tín nhất của Mỹ, mà còn là trường giàu nhất.

    dai hoc harvard 1
    Trong năm tài chính 2023, Harvard nhận được 50,7 tỉ USD tài trợ - Ảnh: AFP

    Trường đại học giàu nhất

    Theo báo cáo tài chính gần đây nhất từ quỹ tài trợ của Đại học Harvard (trụ sở tại thành phố Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ), khoản tài trợ họ nhận được trong năm tài chính 2023 ở mức 50,7 tỉ USD, nhiều hơn GDP của hơn 120 quốc gia và tiếp tục là trường giàu nhất trong số các trường đại học Mỹ.

    Trước đó, năm 2022, trường thu về 50,9 tỉ USD và năm 2021 thu 53,2 tỉ USD, theo Trung tâm Thống kê giáo dục quốc gia.

    Cũng như nhiều trường đại học khác, Harvard xây dựng nguồn tài trợ của mình thông qua hai con đường: quyên góp và lãi đầu tư. Từ nguồn tài trợ, trường chi cho các hoạt động và hỗ trợ tài chính cho sinh viên.

    dai hoc harvard 1
    Những trường đại học giàu nhất nước Mỹ vào năm 2021 - Nguồn: CBS NEWS

    Trong báo cáo tài chính gần đây nhất, Hiệu trưởng Harvard Claudine Gay cho hay trường đã dành hơn 850 triệu USD/năm hỗ trợ tài chính cho sinh viên. Sinh viên từ các gia đình có thu nhập hằng năm dưới 85.000 USD được trường tài trợ hoàn toàn.

    Những hỗ trợ như vậy chắc chắn sẽ cần thiết đối với những gia đình có thu nhập thấp, vì học phí và lệ phí cho năm học hiện tại ở mức 79.450 USD.

    Để so sánh, chi phí để theo học tại Harvard năm 1975 là khoảng 5.350 USD (quy đổi ra ngày nay là 30.000 USD), theo Business Insider. Điều này cho thấy học phí của Harvard đã tăng nhanh hơn nhiều so với lạm phát.

    Và không chỉ Harvard, ở rất nhiều trường, học phí đã tăng cao hơn lạm phát.

    Sức mạnh của đồng tiền

    Tại Harvard, các khoản quyên góp chiếm 45% doanh thu của trường, chủ yếu đến từ những cựu sinh viên giàu có. Những cựu sinh viên này do vậy có ảnh hưởng đáng kể đến chính sách và thậm chí cả chương trình giảng dạy của trường.

    Gần đây, Harvard và các trường ưu tú khác đã bị chỉ trích gay gắt về cách họ xử lý các cuộc biểu tình của sinh viên liên quan đến xung đột giữa Israel và Hamas, theo Đài CBS News.

    Trong đó, một số cựu sinh viên đe dọa rút số tiền quyên góp lớn. Đó không phải là lời đe dọa vu vơ.

    Hiệu trưởng Đại học Pennsylvania, Liz Magill, đã phải từ chức sau lời khai trong phiên điều trần trước Quốc hội về chủ nghĩa bài Do Thái trong khuôn viên trường. Sự việc này diễn ra chỉ vài ngày sau khi nhà quản lý quỹ đầu tư Ross Stevens - tốt nghiệp Trường kinh doanh Wharton của Pennsylvania - đe dọa rút khoản quyên góp 100 triệu USD.

    Đại học Harvard hôm 12-12 cho biết hiệu trưởng Claudine Gay, người cũng trở thành tâm điểm trong cuộc tranh cãi, sẽ tại vị sau khi nhận được sự hỗ trợ từ hội đồng quản trị và hàng trăm giảng viên.

    Tuy nhiên, bà Gay có thể sẽ phải đối mặt với áp lực liên tục trong và ngoài khuôn viên trường khi cuộc xung đột ở Gaza tiếp tục diễn ra.

    Theo Tuổi Trẻ

  • Trang Telegraph vừa liệt kê những điểm đến cô đơn nhất nước Anh nhưng sở hữu phong cảnh hữu tình, tầm nhìn ngoạn mục và rất phù hợp với du khách thích sự yên tĩnh.

    Foula

    noi co don nhat vuong quoc anh 1

    Đây là hòn đảo nằm ở phía cực tây của quần đảo Shetland, chỉ có 38 cư dân sinh sống. Mật độ dân số là một người trên 3 km2. Đảo có sân bay và các chuyến phà để kết nối với nước Anh.

    Bardsey

    noi co don nhat vuong quoc anh 1

    Bardsey là một hòn đảo nhỏ chỉ có 4 cư dân sinh sống. Du khách đến đây nghỉ dưỡng sẽ được hòa mình vào thiên nhiên, với những bãi biển trong xanh. Âm thanh duy nhất mà bạn được nghe thấy là tiếng sóng vỗ và tiếng chim kêu.

    Lundy

    noi co don nhat vuong quoc anh 1

    Cây bút chuyên viết về du lịch của Telegraph Jolyon Attwooll cho biết, hòn đảo xa xôi này là thiên đường của các loài chim biển. Đây cũng là chốn dừng chân lý tưởng cho những du khách muốn tránh xa đô thị phồn hoa. Lundy nằm cách bờ biển Devon khoảng 19 km và có 28 cư dân sinh sống.

    The Old Forge

    noi co don nhat vuong quoc anh 1

    Nơi đây nằm gần cảng cá ở Mallaig, Scotland. Khi khách tới đây có thể sử dụng wifi miễn phí tới 18h và các nhạc cụ để chơi. Nơi đây cũng có một chốn nghỉ ngơi nhỏ xinh dành cho khách muốn qua đêm.

    Fair Isle

    noi co don nhat vuong quoc anh 1

    Nằm giữa Orkney và Shetland, Fair Isle là nơi hẻo lánh nhất vương quốc Anh. Ở đây có 55 cư dân sinh sống và một khách sạn có tên Fair Isle Observatory Lodge, với tầm nhìn thẳng ra các vách đá.

    Wasdale Head Inn

    noi co don nhat vuong quoc anh 1

    Nơi đây từng có khách sạn vào danh sách những nơi nghỉ hẻo lánh nhất nước Anh. Khách sạn nằm ở gần Wastwater, hồ sâu nhất nước Anh. Chủ khách sạn cho biết, buổi chiều đi bộ xuống thung lũng phía dưới, bạn sẽ được hưởng thụ một không gian yên tĩnh, không bị ai làm phiền. 

    Canna

    noi co don nhat vuong quoc anh 1

    Nằm ở mũi cực tây của quần đảo Small Isles, số cư dân sống ở Canna chỉ có 12 người. Nơi đây không phủ sóng điện thoại và thực sự là thiên đường nghỉ dưỡng cho những du khách muốn thoát khỏi cuộc sống bận rộn hàng ngày.

    No Man’s Land Fort

    noi co don nhat vuong quoc anh 1

    Pháo đài này được xây dựng từ thế kỷ 19, nhằm chống lại sự tấn công của quân Pháp. Pháo đài nằm cô đơn giữa biển khơi nhiều năm trời, đến 2012, nó được một doanh nghiệp giàu có mua lại và biến thành khách sạn hạng sang, thu hút du khách.

    Theo VnExpress