• Sở Giáo dục bang Nam Australia tạm dừng nhận đơn đăng ký của học sinh ở Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình vào các trường phổ thông công lập (lớp 1-12).

    Trả lời VnExpress ngày 5/2, Sở Giáo dục bang này cho biết đưa ra quyết định sau khi xem xét quê quán của một số học sinh rời nhà trọ mà không được phép.

    "Quyết định này phù hợp với đạo luật về Dịch vụ giáo dục dành cho du học sinh, nhằm duy trì tính toàn vẹn của hệ thống thị thực Australia", người phát ngôn Sở Giáo dục nói, cho biết các đơn đăng ký khác từ Việt Nam vẫn được xem xét bình thường.

    Trước đó, hồi đầu tháng 1, một học sinh Việt tên Sunnie Nguyen, 17 tuổi, được chủ nhà thông báo mất tích sau bữa tối cùng balo, quần áo, laptop và giấy tờ tùy thân. Điện thoại của Sunnie tắt máy, các tài khoản trên mạng xã hội ngừng hoạt động. Theo mô tả, nữ sinh nhút nhát và chưa giao tiếp tiếng Anh tốt. Sunnie là trường hợp thứ tư, sau khi ba du học sinh Việt khác ở Nam Australia biến mất từ tháng 12/2023.

    Theo nhà chức trách, đến nay, không có thông tin hoặc bằng chứng nào cho thấy bốn học sinh này gặp nguy hiểm và họ "dường như chủ động lẩn trốn chính quyền". Công an đang làm việc với các cơ quan để xác định vị trí, cũng như đảm bảo phúc lợi cho các du học sinh.

    dung nhan du hoc sinh vn
    Sunnie Nguyen, 17 tuổi, được báo cáo mất tích tại thành phố Adelaide, Australia. Ảnh: DM

    Ông Nguyễn Đức Quyết, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn du học và di trú Rightway, nói nhận được thông tin từ Sở Giáo dục Nam Australia cách đây vài ngày. Mười năm qua, ông tư vấn hồ sơ cho nhiều học sinh phổ thông của Việt Nam nhưng chưa bao giờ thấy một quyết định mạnh tay như vậy từ Sở Giáo dục.

    "Vụ việc ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh có nguyện vọng du học hệ phổ thông ở ba tỉnh trên", ông Quyết nói. Ông lý giải, Sở Giáo dục Nam Australia quản lý tất cả trường phổ thông công lập, từ lớp 1 tới 12. Trong hồ sơ xin visa vào Australia, du học sinh phải có thư mời của một trường học ở đây. Với quyết định này, kể cả khi có người thân đủ điều kiện giám hộ ở Nam Australia bảo lãnh, những học sinh từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình cũng không xin được thư mời nhập học, cho đến khi có thông báo mới. Theo ông Quyết, học sinh đăng ký các chương trình khác ngoài hệ phổ thông không bị ảnh hưởng.

    Thống kê của Bộ Giáo dục Australia cho thấy tính đến tháng 10/2023, hơn 31.600 sinh viên người Việt ở nước này, xếp thứ 6 về số lượng du học sinh, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal, Colombia và Philippines. Số này bao gồm sinh viên hệ phổ thông, đại học, cao đẳng, các chương trình học nghề hay tiếng Anh.

    Để làm hồ sơ xin thị thực du học Australia (visa 500), sinh viên quốc tế được yêu cầu có thư mời của trường, đóng bảo hiểm y tế, có tờ khai chấp thuận từ bố mẹ hoặc người giám hộ (nếu dưới 18 tuổi), thư giải trình về mục đích học tập và khả năng ở lại hay rời đi sau khi học xong, cùng một số giấy tờ khác. Khi thay đổi chỗ ở, du học sinh phải khai báo địa chỉ mới trong 7 ngày, nếu không sẽ bị hủy thị thực.

    Theo VnExpress

  • Văn phòng tư vấn du học của chúng tôi thi thoảng nhận được thư từ Sở Di trú (Bộ Nội vụ) Australia thông báo có sinh viên quá hạn visa, đề nghị ra trình báo hoặc tìm giải pháp hợp pháp hóa tình trạng cư trú.

    Nhưng, như có thể dự đoán, mọi thông tin liên lạc mà chúng tôi từng lưu trữ đều không còn được họ sử dụng.

    Dù vì nguyên do gì, tôi cũng thực sự tiếc cho cả quá trình cố gắng đã qua khi cuối cùng, họ lại lựa chọn trở thành một người không giấy tờ, vô thừa nhận, đối mặt với một cuộc sống trong bóng tối. Thống kê của Bộ Nội vụ Australia từ năm 2016 đến nay cho thấy, nước này có trên dưới 70.000 người cư trú bất hợp pháp - thường gọi là "người rơm".

    Để giải tỏa cho trăn trở cá nhân, tôi đã thử cố gắng lý giải cho quyết định trở thành "người rơm" của những du học sinh mà chúng tôi hiểu đủ rõ về hồ sơ của họ. Tôi tạm phân loại thành hai nhóm chính:

    Nhóm thứ nhất là các bạn có gia cảnh đặc biệt khó khăn về tài chính ở quê nhà, hy vọng cố gắng làm mọi việc để kiếm tiền gởi về cho gia đình. Với chính sách tiền lương tối thiểu và mức sống thuộc hàng cao nhất thế giới, ở Australia, du học sinh không phải bận tâm nhiều về tài chính. Một công việc làm thêm bình thường nhất, ví dụ bồi bàn hoặc nhân viên dọn dẹp vệ sinh, vẫn có thể mang đến thu nhập thoải mái cho các du học sinh độc thân. Nhưng nếu mang một khoản nợ, hoặc gánh nặng tài chính cho cả đại gia đình, các bạn phải bỏ học để dành toàn thời gian kiếm tiền và trở thành người cư trú bất hợp pháp.

    Nhóm thứ hai là những người không có khả năng hoặc lười nhác học tập, chỉ muốn định cư nhanh và dễ. Các bạn này thường xuất thân từ gia đình trung lưu, không khó khăn về tài chính, nhưng cũng chưa đủ giàu để định cư theo diện đầu tư kinh doanh, và không đủ năng lực chuyên môn để xin visa định cư diện tay nghề.

    Còn một nhóm nữa - những người quá hạn visa vì những lý do bất khả kháng hoặc do vô ý không để tâm đến ngày tháng - thường rất cầu thị để tìm cách gỡ bỏ tình trạng bất hợp pháp ngay khi có thể, và cũng không gặp quá nhiều rắc rối sau khi đã được hợp pháp hóa thành công.

    nguoi rom viet o australia

    Nhóm thứ nhất là đối tượng rất dễ bị bóc lột sức lao động. Do cư trú bất hợp pháp, họ chỉ có thể sống chui nhủi, làm những công việc nặng nhọc với mức lương bèo bọt dưới mức quy định, thậm chí phải làm những việc phạm pháp như trồng cần sa. Những "người rơm" này cũng không được hưởng bảo hiểm cũng như các quyền lợi hợp pháp của người lao động. Lúc đau ốm họ không dám đi khám chữa vì sợ bị phát hiện. Số tiền kiếm được muốn gửi về quê nhà, họ phải gửi qua những phương thức không chính thống, chấp nhận mức tỷ giá thấp hơn thị trường, kèm theo rủi ro mất tiền hoặc bị lừa gạt, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng khi giao dịch số tiền lớn bằng tiền mặt.

    Với nhóm thứ hai, phương thức khá phổ biến là tham gia vào các đường dây môi giới kết hôn giả. Họ chi trả số tiền theo thỏa thuận để nhận được sự bảo lãnh từ đối tượng đồng ý làm hồ sơ kết hôn.

    Vài năm trước, phụ huynh của một nữ sinh tham khảo tôi về giá thị trường làm hồ sơ kết hôn giả cho con gái. Cô bé đã tốt nghiệp phổ thông, vừa sang Australia được 6 tháng nhưng không muốn tiếp tục đi học, mà gia đình thì không muốn em về nước. Em được giới thiệu cho một người đồng ý kết hôn giả với mức phí 100.000 AUD (gần 1,6 tỷ đồng). Gia đình họ kinh doanh khá thành công ở Việt Nam, số tiền này không phải là vấn đề lớn.

    Tôi dùng một câu hỏi thay cho câu trả lời: số tiền 100.000 AUD đủ để con gái anh chị học hết đại học, tốt nghiệp xong, em có thể chuyển qua visa tốt nghiệp, được đi làm việc hợp pháp ít nhất hai năm nữa, với mức thu nhập tối thiểu khoảng 50.000 AUD/năm. Như vậy, hai năm sau tốt nghiệp em đã thu hồi chi phí du học, lãi thêm tấm bằng đại học được công nhận quốc tế, cùng kinh nghiệm sống lẫn nghề nghiệp chuyên môn. Anh chị mong con mình sống một cuộc đời tự chủ hay tự mua dây buộc mình vào một cuộc hôn nhân giả, phạm pháp và không có tình yêu?

    Tôi đã chứng kiến đủ nhiều bi kịch từ những cuộc kết hôn giả tương tự, và không mong bất cứ ai sa vào con đường này. Kết hôn giả, nhưng bi kịch là thật.

    Khi viết bài này, tôi nhớ đến gia đình anh Chính (đã đổi tên). Anh và vợ sống bất hợp pháp ở Australia gần chục năm, dành dụm gửi tiền về cho hai bên gia đình. Khi có con, con của họ không được đi học ở trường chính quy mà chỉ có thể gửi cho một bà gần nhà giữ hộ. Bà không có bằng cấp hay kỹ năng giáo dục, chỉ chăm trẻ theo bản năng và kinh nghiệm, cho ăn uống, tắm rửa và chờ cha mẹ đến đón sau khi đi làm về. Anh chị ngày ngày đi làm, tối về nhà, không dám giao du với ai hay hưởng thụ gì, đúng nghĩa sống mòn. Anh nhiều lần tính ra trình báo, để có cơ hội về nước nhưng không đủ can đảm. Cho đến khi bị cảnh sát bắt, anh như trút được gánh nặng, "về nhà để con được đi học, anh chị còn có thể được làm người".

    Mới đây, trong khoảng tháng 12/2023 đến tháng 1/2024, 4 học sinh Việt đến học tại Trường trung học Hamilton (Adelaide, Nam Australia) theo diện trao đổi đều lần lượt biến mất. Cảnh sát Australia tin rằng bốn em có thể đang "chủ động lẩn trốn khỏi chính quyền".

    Sở Giáo dục bang Nam Australia đã tạm dừng nhận đơn đăng ký của học sinh ba tỉnh ở Việt Nam (Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình) vào các trường phổ thông công lập, sau khi xem xét quê quán của một số học sinh rời nhà trọ mà không được phép.

    Cư trú bất hợp pháp là một lựa chọn phải trả giá đắt. Nhưng nếu đủ can đảm và quyết tâm, bạn hoàn toàn có thể chọn lại, để chủ động thoát khỏi kiếp "người rơm".

    Theo VnExpress / Huỳnh Thị Ngọc Hân

  • Sunnie Nguyễn, trường hợp mới nhất trong các vụ du học sinh Việt mất tích bí ẩn, được miêu tả là 'không thể nói tiếng Anh thời điểm mới đến Úc' và gặp nhiều khó khăn khi giao tiếp. Chi tiết này dấy lên nhiều thắc mắc.

    du hoc sinh khong ranh tieng anh 1
    Chân dung Sunnie Nguyễn, nữ sinh hiện đang mất tích bí ẩn tại Úc. Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH FACEBOOK

    Sunnie Nguyễn (17 tuổi, tên thật Nguyễn Hoàn Ngọc Anh) là du học sinh Việt thứ 5 theo diện trao đổi ở Trường trung học Hamilton (TP.Adelaide) mất tích bí ẩn tại Úc thời gian gần đây. Giới chức nước này hôm 11.1 tuyên bố đã tìm thấy một người, song 4 trường hợp còn lại vẫn chưa có tin mới, trong đó có em đã mất tích hơn 4 tuần. Cảnh sát cũng nhận định, 5 vụ mất tích không liên quan đến nhau và có thể các em đã đi qua tiểu bang khác.

    Trả lời tờ Daily Mail, chị Mary, gia đình giám hộ người bản xứ (host family) của Sunnie, cho biết mọi người cực kỳ lo lắng về sự an nguy của nữ sinh. Bởi, em được cho là rất rụt rè và gặp khó khi giao tiếp. "Em ấy không thể nói tiếng Anh khi mới đến Úc. Bây giờ em ấy đã mở lòng hơn với chúng tôi và các bạn chung nhà, nhưng khi ra ngoài, Sunnie vẫn phải nhờ người khác phiên dịch thay mình", chị Mary bộc bạch.

    Chi tiết này khiến nhiều người thắc mắc về cách Úc xét duyệt và cấp thị thực cho du học sinh Việt. Bởi, nếu chọn du học một nước nói tiếng Anh, sinh viên quốc tế thường phải đạt chuẩn ngoại ngữ ở mức độ nào đó, thể hiện qua điểm các bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh như IELTS. "Nhưng sao lại không thể giao tiếp tốt bằng tiếng Anh?", nhiều người đặt vấn đề.

    Giải đáp thắc mắc này, ông Vũ Thái An, Giám đốc Công ty du học GLINT (TP.HCM), cho biết Úc là quốc gia rất chào đón du học sinh. Riêng với khâu xét duyệt hồ sơ xin thị thực, nước này xếp các quốc gia khác vào 3 cấp độ đánh giá, gọi là Assessment Level. Với cấp độ 1 là cao nhất, người học không cần phải chứng minh tài chính, cũng như không bắt buộc phải có chứng chỉ tiếng Anh như IELTS khi nộp hồ sơ.

    "Việt Nam từng được Úc xếp vào nhóm 1 hồi tháng 5.2023, và đây có thể là nguyên nhân du học sinh không cần thi chứng chỉ tiếng Anh trước khi đến Úc. Chưa kể, với những bạn dưới 18 tuổi du học bậc phổ thông, trường Úc sẽ không 'siết' yêu cầu về IELTS như bậc cử nhân.

    Thông thường, trường sẽ phỏng vấn hoặc cho du học sinh làm bài kiểm tra khi còn ở Việt Nam để đánh giá năng lực tiếng Anh. Nếu trình độ ngoại ngữ còn yếu, trường có khi vẫn chấp nhận, chỉ yêu cầu học thêm tiếng Anh ở trường trong 6-10 tuần hoặc dài hơn trước khi vào chương trình chính thức. Như vậy, du học sinh Việt hoàn toàn có thể qua Úc rồi mới bắt đầu học tiếng Anh", anh An lý giải.

    Quy định này khác biệt với một quốc gia du học phổ biến khác là Mỹ, khi sinh viên quốc tế bắt buộc phải chứng minh trình độ tiếng Anh mới có thể đến học, nam giám đốc thông tin thêm.

    du hoc sinh khong ranh tieng anh 1
    Trường trung học Hamilton (TP.Adelaide), nơi đang có 5 du học sinh Việt mất tích bí ẩn vào những thời điểm khác nhau trong hơn 1 tháng qua. Ảnh: HAMILTON SECONDARY COLLEGE

    Chung quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc Tổ chức giáo dục hướng nghiệp quốc tế Mr.Q (TP.HCM), đồng thời là thành viên hai hiệp hội nghề nghiệp tại Úc (CDAA và CICA), cho biết với lộ trình du học bậc phổ thông, các trường Úc quy định sinh viên quốc tế phải đạt IELTS 5,0 (với lớp 10) và 5,5 (với lớp 11, 12) hoặc chứng chỉ khác tương đương, đơn cử như PTE.

    "Rất có thể, bạn du học sinh Việt đã đi Úc trước khi nước này thắt chặt lại các chính sách thị thực. Thời điểm đó Úc vẫn còn 'mở' với Việt Nam nên chỉ cần làm bài kiểm tra tiếng Anh đầu vào, sau đó đến Úc học tiếng Anh trong tối đa 20 tuần là được vào học chính thức", ông Quang cho hay, cho biết thêm du học sinh cũng có thể "học vượt" để vào chương trình chính sớm hơn.

    Một nguyên nhân khác mà du học sinh Việt khi đến Úc không nói tiếng Anh trôi chảy là vì một số vùng ở Úc nói giọng địa phương, "hơi khó với người mới nghe lần đầu". "Có khi kỹ năng đọc, viết của du học sinh Việt rất tốt, nhưng nghe, nói lại không theo kịp người Úc. Đây là điều bình thường và nói chung, không thể nào đến Úc mà không biết tiếng Anh vì người dưới 18 tuổi được chính phủ kiểm soát rất kỹ", ông Quang nhận định.

    Theo Thanh Niên

  • Một vài du học sinh Việt tại Adelaide lần lượt mất tích vào những thời điểm khác nhau trong hơn một tháng qua, dấy lên nỗi lo về nguy cơ bị bắt cóc và buộc cảnh sát Úc vào cuộc điều tra.

    nu sinh viet mat tich tai uc
    Chân dung Sunnie Nguyễn, nữ sinh được cho là mất tích bí ẩn tại Úc. Ảnh: 7NEWS

    Thông tin từ đài 7News của Úc cho biết, 5 du học sinh Việt đến học tại Trường trung học Hamilton (TP.Adelaide) theo diện trao đổi đã lần lượt "biến mất không dấu vết" vào những thời điểm khác nhau, trong đó có trường hợp đã không thể liên lạc được hơn 4 tuần qua. Chưa rõ có mối liên hệ nào giữa các em hay không.

    Sunnie Nguyễn (17 tuổi) là trường hợp mới nhất trong vụ du học sinh Việt mất tích bí ẩn, sau khi em không trở về nhà gia đình giám hộ người bản xứ (host family) ở South Plympton hôm 8.1. Điện thoại của nữ sinh này hiện đã bị ngắt liên lạc và các tài khoản mạng xã hội cũng bị xóa sạch.

    "Tôi mong nếu cháu có thể nghe được tin này, hãy gọi và báo tôi rằng cháu vẫn bình an", bà May Zervaas, chủ nhà của Sunnie Nguyễn, nói với đài truyền hình địa phương. Theo bà Zervaas, nữ sinh hạnh phúc khi sống ở Adelaide và không có lý do gì phải bỏ chạy hay trốn lại vì thị thực vẫn còn hiệu lực trong 3 năm tới.

    Hiện là thời gian các trường ở Úc cho học sinh nghỉ hè. "Thế nên, tôi hy vọng đây chỉ là trường hợp những đứa trẻ 17 tuổi muốn tụ tập đi đâu đó mà không báo cho ai biết", bà Lien Nguyen-Navas, người phát ngôn của Hội Phụ nữ Việt Nam tại Úc, cho hay.

    Trả lời tờ Daily Telegraph, một phát ngôn viên của cảnh sát Úc thông tin rằng gia đình giám hộ đã trình báo về việc các thiếu niên Việt Nam mất tích vào tháng 12.2023 và tháng 1.2024. "Tất cả các hướng điều tra hiện tại cho thấy một số em có thể đã đến tiểu bang khác và vẫn còn ở đó. Cũng không có thông tin nào cho thấy các em đang gặp nguy hiểm", người phát ngôn nói.

    nu sinh viet mat tich tai uc
    Chân dung Sunnie Nguyễn, một trong những du học sinh Việt đang mất tích bí ẩn tại Úc. ẢNH CHỤP MÀN HÌNH FACEBOOK

    Để lại phần lớn tư trang

    Sunnie Nguyễn tên thật Nguyễn Hoàn Ngọc Anh. Nữ sinh được báo cáo đã ăn tối cùng gia đình giám hộ người bản xứ (host family) vào khoảng 19 giờ ngày 8.1, sau đó về phòng nghỉ ngơi. Đến khi nữ chủ nhà May Zervaas kiểm tra phòng vào khoảng 23 giờ, Sunnie đã biến mất cùng ba lô, laptop, một ít quần áo và vài giấy tờ tùy thân quan trọng. Căn phòng không có dấu hiệu bị đột nhập và phần lớn tư trang của em vẫn còn nguyên.

    Bà Zervaas sau đó cố gắng liên lạc với Sunnie, nhưng điện thoại của em tắt nguồn và các tài khoản Instagram, Snapchat, TikTok cũng bị xóa sạch. 30 phút sau, gia đình đã trình báo cảnh sát về việc nữ sinh mất tích. "Tôi đã ngồi trực điện thoại suốt đêm, lo lắng chờ đợi một cuộc gọi từ Sunnie", Mary, con gái của bà Zervaas, nói với tờ Daily Mail.

    Theo chị Mary, Sunnie không thành thạo tiếng Anh và thường phải nhờ người khác dịch giúp ý muốn nói. "Em ấy có 5 ba lô, nhưng chỉ rời đi với một cái. Em ấy cũng mang theo những vật dụng quan trọng như laptop, hộ chiếu, rất có thể để chứng minh danh tính, cùng một số quần áo và hai đôi giày. Nhưng em ấy đã để lại mọi thứ khác ở đây, kể cả thuốc men", chị Mary kể.

    nu sinh viet mat tich tai uc
    Bà May Zervaas (trái) cùng con gái Mary lo lắng về sự an nguy của nữ du học sinh Việt Sunnie Nguyễn. Ảnh: ẢNH CHỤP MÀN HÌNH 7NEWS

    Chưa thể liên lạc với gia đình tại Việt Nam

    Như bao thiếu nữ khác, Sunnie thích hát, nhảy múa, dành thời gian với bạn bè, và cả Taylor Swift. Trong 6 tháng sống với gia đình Zervaas, lịch trình của em xoay quanh việc đi học, về nhà, sau đó dành buổi tối để cười đùa, nhảy múa và làm video cùng hai du học sinh khác chung nhà. Nếu không có vụ mất tích, em sẽ bắt đầu học lớp 11 vào năm sau.

    Theo chị Mary, Sunnie sống hạnh phúc, hòa thuận với gia đình và thị thực du học của em vẫn còn thời hạn tới 3 năm. Thế nên, họ không tin em đã bỏ trốn. Ở thời điểm hiện tại, mẹ con nhà Zervaas, bạn chung nhà và cả bạn thân người Việt của Sunnie đều "đau lòng, bàng hoàng và bối rối" trước sự biến mất của nữ sinh, vì mọi thứ trong cuộc sống của em dường như "hoàn toàn bình thường".

    Chị Mary cho biết thêm, các cơ quan chức năng ở Úc đang nỗ lực liên lạc với bố mẹ của Sunnie tại tỉnh Quảng Bình, nhưng đến nay vẫn chưa kết nối được. Nhà Zervaas cũng tìm đến bạn bè của Sunnie song chỉ nhận tin em đã không liên lạc với bất kỳ ai kể từ khi mất tích. "Chúng tôi rất lo lắng. Em ấy sẽ phải vật lộn một mình", chị Mary bộc bạch.

    nu sinh viet mat tich tai uc
    Sunnie Nguyễn (bìa trái) chụp chung với bạn cùng nhà. ẢNH CHỤP MÀN HÌNH FACEBOOK

    Bà Mi Trần, chủ tiệm Mi and Co The Nail and Beauty Bar, cho biết nữ sinh Sunnie đã không đến làm việc vào ca của mình hôm 10.11. Bà Mi mô tả Sunnie là một nhân viên đáng tin cậy, luôn báo trước nếu đến muộn hoặc không thể làm việc. "Tôi rất may mắn khi có em ấy trong đội của mình. Chúng tôi đều rất lo lắng và không thể an giấc từ khi nhận tin em mất tích. Sunnie chính là em út của chúng tôi", bà Mi nói.

    Đồng nghiệp của Sunnie cũng cho biết họ đã gửi tin nhắn cho em nhưng chưa nhận được phản hồi.

    Giới chức Úc hôm 11.1 tuyên bố đã tìm thấy một trong số những du học sinh Việt mất tích. Song, vẫn còn 4 trường hợp chưa có tin mới. "Chúng tôi đang phối hợp với cảnh sát liên bang để tiếp tục định vị các em", phát ngôn viên cảnh sát nói thêm. Cảnh sát Úc cũng đang kêu gọi ai có thông tin gì hãy đến trình báo và hỗ trợ công tác điều tra.

    Sinh viên còn gặp khó khăn khi giao tiếp bằng tiếng Anh

    Chị Mary cho biết, Sunnie có "trái tim thuần khiết" và là người "tốt bụng", song gia đình cũng cực kỳ lo lắng về sự an nguy của nữ sinh vì em được cho là rất rụt rè và gặp khó khi giao tiếp bằng tiếng Anh. Nhà Zervaas cũng không biết Sunnie có phải là bạn bè hay có mối liên hệ gì với những du học sinh Việt đã mất tích trước đó hay không.

    "Em ấy không thể nói tiếng Anh thời điểm mới đến Úc. Bây giờ em ấy đã mở lòng hơn với chúng tôi và các bạn khác trong nhà, nhưng khi ra ngoài, Sunnie vẫn phải nhờ người khác nói thay mình. Chúng tôi đã hết lòng giúp em ấy học tiếng Anh cũng như khuyến khích nói tiếng Anh ở nhà. Sunnie đã cải thiện rất nhiều, nhưng chừng đó vẫn chưa đủ", chị Mary chia sẻ.

    Theo Thanh Niên