• Một trong những cố vấn khoa học của Chính phủ Anh tiết lộ đã có ít nhất 95.000 người nhập cảnh vào đảo quốc sương mù kể từ khi quốc gia này ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc, đồng thời không có một con số chính xác về việc bao nhiêu người trong số họ đã mắc COVID-19 trước đó.

    Giáo sư John Aston, cố vấn khoa học tại Bộ Nội vụ Anh, trong lần xuất hiện gần nhất trước các nghị sĩ thuộc ủy ban khoa học và công nghệ của Hạ viện Quốc hội Anh cho rằng việc hạn chế nhập cảnh tại các đường biên giới đã giúp trì hoãn đỉnh dịch COVID-19 và giúp hệ thống y tế nước này có thêm thời gian để chuẩn bị, tuy nhiên ông không nói trong vòng bao lâu hoặc chứng minh biện pháp này đã giúp giảm bớt số người tử vong do virus corona mới tại đảo quốc sương mù.

    Ông Aston cho biết thêm trong khoảng thời gian từ ngày 1/4 đến 26/4, ước tính 95.000 hành khách đã nhập cảnh vào Vương quốc Anh thông qua đường hàng không và khoảng 53.000 người trong số đó là công dân Anh.

    Những thông tin được vị giáo sư đưa ra đến trong bối cảnh chính phủ Anh đang chuẩn bị thực hiện việc cách ly tập trung 14 ngày đối với những hành khách đến nước này bằng đường hàng không. Đây cũng là một biện pháp đã được rất nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng, tuy nhiên một số ý kiến cho rằng chính phủ Anh lẽ ra nên áp dụng chính sách này trước khi ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc.

    100 ngan nguoi
    Các hành khánh nhập cảnh tại sân bay quốc tế Luton (Anh). Ảnh: The Guardian.

    Được biết 10 ngày trước khi thủ tướng Anh Boris Johnson ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc, chính phủ nước này cũng đã tạm ngừng việc ban hành những hướng dẫn tự cách ly tại nhà ở các cửa khẩu cho những người đến từ một số quốc gia cụ thể, bao gồm từ Ý và Trung Quốc (thời điểm đó đang là những tâm dịch COVID-19 của thế giới).

    Mặc dù những người này cũng phải chịu những hạn chế giống như toàn bộ người dân sinh sống tại Anh trong thời gian nước Anh thắt chặt lệnh phong toàn quốc, tuy nhiên việc chỉ áp dụng các biện pháp tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 bằng áp phích và tờ rơi được cho là chưa đủ và đã khiến xứ sở sương mù để lỡ “thời điểm vàng” trong việc kiểm soát dịch bệnh.

    Trước đó, một thống kê cũng chỉ ra rằng trong gần ba tháng đầu tiên của năm nay đã có khoảng 18,1 triệu lượt hành khách đến Vương quốc Anh thông qua ba con đường: hàng không, đường bộ và đường biển, tuy nhiên chỉ có 273 hành khách đến bằng đường hàng không được đưa đi cách ly.

    Tiền Phong (theo Guardian)

  • Sau khi thông báo về tình trạng bệnh của mình, vị khách người Anh không ngờ bị tiếp viên yêu cầu rời khỏi máy bay. 

    Một khách du lịch người Anh cho biết bị cảnh sát áp tải ra khỏi máy bay sau khi anh này thông báo với tiếp viên mình bị bệnh dị ứng với các loạt hạt có khả năng dẫn tới tử vong.

    Sự việc xảy ra trên chuyến bay của một hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ, đi từ Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ) đến Gatwick (Anh). Josh Silver, 25 tuổi, đang trên đường chuẩn bị về nhà sau kỳ nghỉ du lịch đầu tiên cùng bạn gái. Trước khi khởi hành, Josh đã nói chuyện với tiếp viên về tình trạng bệnh dị ứng của mình.

    Du khách người Anh có chuyến du lịch vui vẻ ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng lại gặp sự cố với một hãng hàng không bản địa.

    Ngay sau đó, Josh bị yêu cầu rời khỏi máy bay. Theo lời người tiếp viên này “vận chuyện một hành khách có vấn đề như vậy trái với quy định hàng không”. Dù phản ứng và cho biết cơ thể hoàn toàn bình thường, vẫn muốn tiếp tục chuyến bay, nhưng cuối cùng Josh với bạn gái bị nhân viên an ninh áp tải khỏi máy bay.

    Sau đó, Josh bị đưa tới quầy bán vé của hãng hàng không. Tại đây, người nhân viên nói anh có thể đặt chuyến bay kế tiếp nhưng phải tự chi trả.

    “Nếu họ yêu cầu như thế khi tôi rời khỏi Anh thì có thể lý giải được . Nhưng họ để tôi bay dù biết về chứng dị ứng của tôi, sau đó lại gây khó dễ khiến tôi không thể về”, Josh bức xúc.

    Cũng theo Josh, anh không gặp vấn đề gì khi bay và luôn phòng tránh bằng cách mang theo thuốc chống dị ứng. Trong khi đó, bạn gái Josh cũng được đào tạo khóa cấp cứu để tránh trường hợp xấu xảy ra.

    Cuối cùng, Josh quyết định trở về nhà bằng cách mua vé máy bay của một hãng bay khác, đồng thời không thông báo với tiếp viên về tình trạng bệnh để tránh sự cố rắc rối như chuyến bay vừa qua.

    Trên trang web chính thức của mình, hãng bay Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: “Hãy thông báo với tiếp viên về việc bạn dị ứng khi dùng bữa ăn trên máy bay”. Tuy nhiên, trong trường hợp của du khách người Anh ở trên, hãy hàng không vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận nào.

    Viethome (theo Dân Trí)

  • Lô hàng trị giá hơn 100 triệu đồng từ Singapore về Việt Nam nhưng thất lạc sang Canada, không thể thu hồi. Đơn vị vận chuyển bồi thường chủ nguồn hàng 4,9 triệu đồng cho lô hàng trên.

    Phản ánh đến Tuổi Trẻ Online, chị Nguyễn Thị Hồng Vân - đại diện phụ trách nhập hàng Công ty cổ phần Máy Quay Phim Phước (Quận 11, TP.HCM) - có đơn hàng được vận chuyển từ Singapore về Việt Nam do Công ty chuyển phát nhanh TNT - Vietrans Express Worldwide (Vietnam) Ltd. (Q.Tân Bình, TP.HCM) thực hiện hồi tháng 12-2018.

    Đây là kiện hàng điện tử chứa 6 bộ wireless systems, trị giá bán lẻ tại thị trường Việt Nam khoảng 123 triệu đồng. Tuy nhiên khi nhận hàng thì bà Vân tá hỏa vì kiện hàng chỉ là một bàn phím máy vi tính.

    Sau một tháng liên hệ, TNT thông báo lô hàng của bà Vân bị gửi nhầm qua Canada và không thể thu hồi.

    Điều đáng nói là, với lỗi giao nhầm lô hàng trị giá 123 triệu đồng nhưng bà Vân chỉ được TNT bồi thường khoản tiền là 4,9 triệu đồng.

    Theo bà Vân, điều vô lý là khi mọi giấy tờ chứng từ vận chuyển đều có nhưng hãng vận chuyển lại nói rằng không thể thu hồi.

    "Nếu người nhận cố tình không trả thì TNT phải có trách nhiệm trong vấn đề đền bù, vì lỗi là do nhân viên của họ gây ra" - bà Vân nói.

    Lô hàng hơn 100 triệu của công ty Phim Phước từ Singapore về Việt Nam lạc qua Canada , TNT bồi thường 4,9 triệu đồng. Ảnh lô hàng sai sản phẩm của TNT - Ảnh: H.V

    Trả lời về khiếu nại của bà Vân, quyền trưởng nhóm giải quyết khiếu nại TNT - bà Mau Lệ Quỳnh - thừa nhận sau khi kiểm tra thông tin, lô hàng trên đã bị dán nhầm vận đơn với một lô hàng khác đi Canada và không thu hồi được.

    Do đó, bà Quỳnh cho biết TNT đã bồi thường bằng việc miễn trừ toàn bộ phí vận chuyển lô hàng là 1,7 triệu đồng.

    Về giá trị lô hàng, do khách hàng không sử dụng dịch vụ gia tăng trách nhiệm đền bù nên trách nhiệm đền bù của TNT được giới hạn giá trị thấp hơn khi so sánh giữa giá trị hàng kê khai hóa đơn và trọng lượng lô hàng bị mất.

    Do đó, theo bà Quỳnh, mức bồi thường cuối cùng của lô hàng này là 4,9 triệu đồng.

    Tuổi Trẻ Online đã đặt câu hỏi về chuyện vì sao lô hàng trị giá hơn 100 triệu đồng nhưng chỉ được bồi thường 4,9 triệu đồng, tuy nhiên phía TNT vẫn chưa phản hồi.

    Viethome (theo Tuổi Trẻ)

  • Kết quả một cuộc điều tra cho thấy London Stansted là sân bay tồi tệ nhất ở Anh vì tình trạng hoãn chuyến trong năm ngoái.

    Theo các phân tích của Hiệp hội báo chí về dữ liệu của Cơ quan hàng không dân dụng, các chuyến khởi hành từ sân bay đông đúc thứ tư ở Anh này chậm trễ trung bình 25 phút vào cuối năm 2018.

    Một nhóm người tiêu dùng đã mô tả con số này là “hoàn toàn không thể chấp nhận được.”

    Sân bay này là nơi tập trung của một số hãng hàng không giá rẻ ở Đông Âu cũng như là cơ sở lớn nhất của Ryanair.

    Sân bay Birmingham và London Luton cùng về nhì, trong đó thời gian máy bay cất cánh thường chậm 19 phút so với lịch trình.

    Bảng xếp hạng có tính đến mọi chuyến bay theo lịch trình và thuê bao từ 24 sân bay lớn của Vương quốc Anh. Nó không bao gồm các chuyến bay bị hủy.

     

    Các chuyến bay trên tất cả các sân bay lớn đã bị trì hoãn trung bình 16 phút vào năm 2018.

    Thành phố Belfast (George Best) là nơi có sân bay đúng giờ nhất, với con số chậm trễ trung bình chỉ là tám phút.

    Liverpool (John Lennon) đứng ở vị trí thứ hai (10 phút), theo sau là Doncaster Sheffield, Exeter và Bournemouth (12 phút).

    Rory Boland, biên tập viên của tạp chí tiêu dùng Which? Travel, cho biết: “Không thể chấp nhận được khi hành khách thường xuyên bị trì hoãn gần nửa giờ.

    Những sự chậm trễ này không chỉ bất tiện mà còn có thể khiến những người đi nghỉ mát mất hàng trăm bảng vì bỏ lỡ các chuyến bay kết nối và bị tiền phạt vì nhận xe thuê muộn.

    “Trong khi khách hàng sẽ được bồi thường nếu thời gian hoãn chuyến kéo dài hơn ba giờ, các hãng hàng không nên dừng việc dùng tiền mặt và cần hỗ trợ giúp hành khách của họ bằng cách áp dụng chế độ bồi thường tự động.”

    Người phát ngôn của London Stansted cho biết: “Sau một mùa hè đặc biệt khó khăn vào năm ngoái khi các vấn đề bất lợi về thời tiết và kiểm soát không lưu có tác động lớn đến hoạt động đúng giờ của các hãng hàng không, Ryanair đã cam kết đầu tư hàng triệu bảng vào việc cung cấp thêm nguồn lực và thiết bị để hỗ trợ hoạt động trên mặt đất tại London Stansted. Đầu tư này đã giúp cải thiện dịch vụ đáng kể giúp các chuyến bay được đúng giờ”

    Cơ quan thương mại Hiệp hội khai thác sân bay (AOA) cho biết tình trạng chậm trễ là do một loạt các yếu tố khác nhau.

    Ngành hàng không đang hợp tác với Bộ Giao thông vận tải hiện đại hóa cách thức quản lý chuyến bay để cải thiện khả năng phục hồi và tăng cường năng lực vận chuyển.

    VietHome (Theo Huffington Post)

  • Bốn năm trước, khi chuẩn bị ra sân bay để từ Đức về Việt Nam, tôi được người tiễn – một Việt kiều định cư ở Đức – dặn đi dặn lại: “Lên máy bay của Việt Nam phải nói tiếng Anh nhé, nhớ đấy!”.

    Tôi cự nự, chẳng lẽ mình là người Việt lại đi nói tiếng Anh với người Việt. Chị bảo không riêng gì em, ai chị cũng dặn. Chỉ có nói tiếng Anh mới được phục vụ tử tế.

    Chị kể, hồi đầu hai vợ chồng mới làm ăn bên Đức, mỗi khi về Việt Nam phấn khởi quá, cứ thật thà tuôn trào tiếng Việt nên bị phục vụ kém hơn người nước ngoài. “Họ không cười với mình”, chị bảo, “Xin chăn thì họ bảo hết chăn, nhưng ông nước ngoài xin thì họ lại đem ra”. Chị mách nước tôi kinh nghiệm quý báu: “Tiếng Anh tiếng Đức nói nhiều vào”.

    Trong bữa cơm với một vài gia đình Việt kiều, tôi nghe họ kể nỗi khổ đi máy bay về Việt Nam. Nào là phục vụ không chu đáo, coi thường khách Việt nhưng lại ngoan ngoãn với khách Tây, vòi vĩnh; chuyện máy bay trễ chuyến, chuyện hành lý thất lạc, mất mát; nhân viên không biết cười, kiệm lời với khách nhưng buôn chuyện với nhau thì rôm rả…

    Nhưng ở chiều ngược lại, hàng xóm cạnh nhà tôi là một tiếp viên hàng không xinh đẹp. Cô tâm sự đã trót yêu nghề rồi nên không bỏ chứ “nghề này rất cực”.

    Có lần, cô hỏi hành khách: “Chị dùng mì bò hay cơm heo?”. Vị khách cong môi: “Chị dùng cơm người, không dùng cơm heo”.  Sau đó, bà ta phê bình tiếp viên một thôi một hồi trước các hành khách khác khiến cô xấu hổ, phải xin lỗi miết. Cô phải viết bản tường trình, bị trừ lương vì khách mách lãnh đạo.

    Nhiều lần, cô bị khách nam nhìn khiếm nhã, nói lời thiếu tế nhị, bị họ đòi xin số điện thoại, tất nhiên cô không thể đưa, rồi bị đối xử rất thô thiển. Có người cố tình gạt tay để cà phê đổ vào quần áo rồi vặn vẹo tiếp viên. Đen đủi cho cô nhất là chồng ghen. Anh không chịu nổi việc vợ thường xuyên trang điểm thật đẹp rồi ra khỏi nhà đi làm lúc 5 giờ sáng và thường vắng nhà ban đêm, gia đình họ đổ vỡ. Nhà chồng gán cho cô đủ tiếng xấu vì làm tiếp viên.

    Có khoảng 3.700 tiếp viên hàng không đang làm việc cho 3 hãng trên bầu trời Việt Nam. Người hàng xóm của tôi không phải trường hợp quá đặc biệt. Trong ngành rất nhiều người không giữ được hôn nhân lần đầu, một lãnh đạo cấp trung của hãng hàng không đó giải thích cho tôi. Chị bảo, nghề này là nghề phục vụ, nhưng thay vì làm việc trong nhà hàng, khách sạn thì ở trên máy bay.

    Họ phải di chuyển và làm việc bất kể giờ giấc, đòi hỏi phải có sức khỏe trong khi phải gìn giữ hình thức và hy sinh nhiều về cuộc sống cá nhân. Vì thế, riêng trong ngành hàng không, chính sách cho phép tiếp viên có thể nghỉ hưu từ 50 tuổi và không cần bất cứ điều kiện gì.

    Cứ 10 người Việt Nam thì có 2 người từng đi máy bay. Tỷ lệ này rất thấp so với thế giới và thấp gần nhất khu vực Đông Nam Á, theo một báo cáo ngành hàng không của công ty nghiên cứu VIRAC. Nhưng đó cũng chính là lực đẩy rất mạnh. Từ vị trí vùng trũng, chỉ ba năm trở lại đây, các hãng hàng không không ngừng sắm thêm máy bay khiến Việt Nam trở thành một trong những thị trường mua bán máy bay và tuyển dụng nhân sự cho ngành nhộn nhịp.

    Ở Việt Nam, từ năm 2011 đến 2017 tổng lưu lượng khách của thị trường đã tăng 2,6 lần lên 61,2 triệu lượt. Dự báo thị trường đạt 74,5 triệu lượt khách vào năm 2020 – khi dân số khoảng 98 triệu.

    Nhưng đi kèm với tốc độ phát triển ấy là các câu hỏi chưa lời đáp về kỹ năng vận hành bay và văn hóa hàng không. Tính ba tháng đầu năm 2018, trung bình  mỗi tháng ở Việt Nam có khoảng 3.000 chuyến bay sai giờ. Và hiển nhiên, là những videoclip về hành xử vô lý ở sân bay, từ cả phía nhà cung cấp lẫn người tiêu dùng, ngày càng tăng và dễ trở thành hiện tượng mạng.

    Tư duy dịch vụ hàng không nếu chỉ đơn thuần là hô khẩu hiệu, với quảng cáo bông sen nở và giấc ngủ ngon có lẽ là chưa đủ. Người đi máy bay chờ sự cách tân trong vận hành chuyến bay và nét mặt nhân viên để họ tin hãng hàng không đó đã là một “người chơi” toàn cầu.

    Chất lượng dịch vụ hàng không tất nhiên cũng không đến từ một phía nhà cung cấp. Cơm heo hay mì bò sẽ không trở thành nghiêm trọng nếu chúng được phục vụ cho một hành khách văn minh.

    “Tham gia hàng không chưa bao giờ dễ như bây giờ” – ông chủ của một hãng hàng không mới tuyên bố, kèm khẳng định sẽ cho bay luôn 20 chiếc trong năm nay. Nhưng những thứ dễ tăng trưởng, chưa bao giờ dễ tạo ra sự cân bằng.

    Hồng Phúc

    Viethome (theo VnExpress)

  • Một gia đình ở Canada đã trải qua một tuần đau buồn khi có các thành viên thuộc ba thế hệ nằm trong số 157 nạn nhân thiệt mạng của vụ rơi máy bay ở Ethiopia hôm 10-3 vừa qua.

    Theo thành viên của gia đình này, những người thân của họ đang trong một kỳ nghỉ đến Kenya và không may trở thành nạn nhân khi chiếc máy bay rơi chỉ vài phút sau khi cất cánh từ Addis Ababa đến Nairobi.

    Manant and Hiral Vaidya cầm trên tay tấm ảnh cả gia đình trước khi thảm họa ập đến. Ảnh Reuters.

    Vụ rơi máy bay khiến 157 người từ hơn 30 quốc gia thiệt mạng, trong đó, 18 người có quốc tịch Canada. Cặp vợ chồng Prerit Dixit và Kosha Vaidya cùng hai con gái và bố mẹ của Vaidya là những nạn nhân người Canada, cùng một gia đình, thiệt mạng trong vụ việc. Những người này sinh sống tại Brampton, ngoại ô Toronto.

     “Đây thực sự là một thảm họa khủng khiếp. Tôi thực sự không biết sẽ phải giải quyết thế nào trước thảm họa này”, Manant Vaidya, anh trai của Kosha Vaidya, trả lời phỏng vấn của Reuters.

    Theo người thân của các nạn nhân, gia đình Dixit-Vaidya đang trên đường đến Kenya, một chuyến đi nhằm đưa những cô con gái của gia đình, được sinh ra tại Canada, về quê của mẹ ở Kenya. Gia đình cô đã không trở về Kenya lần nào trong suốt 50 năm qua.

    Manant Vaidya làm việc cho Thomson Reuters, công ty mẹ của Reuters. Anh cũng dự định bay đến Ethiopia vào ngày 16-3 và từ đó bay đến Mumbai để hoàn thành các thủ tục cho những người thân quá cố của mình.

    Dixit là một kỹ thuật viên thí nghiệm cho công ty kiểm nghiệm y tế LifeLabs, đồng thời cũng là chuyên gia thí nghiệm của Public Health Ontario. Cả hai cơ sở này đều đã gửi lời chia buồn đến gia đình và tưởng nhớ các nạn nhân xấu số.

    Trong khi đó, Kosha Vaidya là một cố vấn nhân sự cho Hiệp hội Thính giác Canada từ năm 2017. Tổ chức này cũng đã gửi lời chia buồn và dành những lời tốt đẹp khi nói về cựu nhân viên của mình.

    Liên quan đến vụ rơi máy bay này, nước Anh và Canada đều đã chính thức cấm hoạt động máy bay Boeing 737 MAX, nối tiếp danh sách dài các nước cấm loại máy bay này.

    Viethome (theo CAND)

  • Nhiều hành khách tố cáo hành lý ký gửi bị thất lạc, bị rạch lấy cắp tài sản bên trong ở phi trường Tân Sơn Nhất dù nơi đây cho rằng “có hệ thống camera được gắn dày đặc để giám sát trong suốt quá trình đi của hành lý.”

    Hôm 27 Tháng Giêng, 2019, báo Tuổi Trẻ cho biết một nữ ca sĩ nổi tiếng ở Việt Nam lên Facebook cá nhân tố cáo hành lý của chồng mình bị thất lạc trên chuyến bay của hãng Vietnam Airlines đi từ Jakarta (Indonesia) về phi trường Tân Sơn Nhất, Sài Gòn nhưng hãng bay chậm giải quyết.

    Khi liên hệ với quầy Lost and Found (quầy hành lý thất lạc) của Vietnam Airlines, vị khách này đã “không được giải thích thỏa đáng, cũng không nhận được sự hỗ trợ nào từ hãng máy bay.”

    Trước đó, ngày 19 Tháng Giêng, cũng tại phi trường Tân Sơn Nhất,  hành khách T.T.Sĩ phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ để khai báo mất 3 thùng hành lý ký gửi.

    Một ngày sau, khi nhận được thông tin có hành lý, anh Sĩ ra phi trường nhận lại thì phát hiện hai thùng bị rạch nhưng không có niêm phong kèm ký hiệu của hải quan. Trong khi đó, nhân viên bộ phận hành lý thất lạc tại phi trường Tân Sơn Nhất cũng không giải thích lý do vì sao các thùng hàng này bị rạch.

    Nói với báo Tuổi Trẻ ngày 30 Tháng Giêng, ông Đặng Tuấn Tú, giám đốc Cảng Hàng Không Quốc Tế Tân Sơn Nhất , cho biết trước tình trạng nhiều hành khách thông báo mất tài sản trong hành lý cá nhân, đặc biệt là hành khách quốc tế, người Việt hải ngoại trong dịp cao điểm Tết, đơn vị đã lắp đặt hệ thống camera an ninh di động từ băng chuyền đến khu vực máy bay để bảo vệ tài sản cho hành khách.

    “Tuy nhiên, dù việc giám sát được thực hiện nghiêm ngặt nhưng cũng khó tránh khỏi những trường hợp trộm cắp hành lý của khách,” ông Tú nói.

    Từ Singapore về Tân Sơn Nhất chiều 27 Tháng Giêng, 2019, thùng hành lý của bà M.A.T bị rạch móc trộm đồ. (Hình: Tuổi Trẻ)

    Riêng về việc thất lạc hành lý, ông Nguyễn Vĩnh Hưng, phó giám đốc Công Ty Dịch Vụ Mặt Đất Phi Trường Việt Nam Vigas Tân Sơn Nhất, cho rằng tùy theo tình hình chuyến bay, hành khách đi trước và hành lý sẽ bị lưu lại để vận chuyển sau.

    “Khi đến phi trường, hành khách sẽ được nhân viên thông báo ngay về tình trạng hành lý bị chậm. Khách có thể đợi ở phi trường nhận hành lý hoặc hành lý sẽ được giao đến tận nhà không tính phí,” ông Hưng nói.

    Cũng theo ông Hưng, để chống mất cắp hành lý ở phi trường, ngoài camera giám sát của phi trường, đơn vị này cũng lắp 460 camera riêng ở khu băng chuyền hành lý, xe vận chuyển, gầm hàng máy bay… để “giám sát toàn bộ quy trình của nhân viên.”

    Thế nhưng, theo một lãnh đạo Trung Tâm Kiểm Soát Khai Thác Phi Trường Tân Sơn Nhất “với hành lý có giá trị, hành khách nên để trong hành lý xách tay. Riêng hành lý ký gửi, cần kê khai loại hành lý này rõ ràng trước khi gửi để dễ dàng xác minh và bồi thường khi xảy ra mất hay hư hại.”

    Trong khi đó, các hãng hàng không khuyến cáo hành khách khi ký gửi hành lý nên sử dụng vali cứng với khóa ngầm ở mép thay vì khóa kéo bình thường.

    “Nếu sử dụng vali thông thường, hành khách nên sử dụng màng bọc và dán băng kín vali hay thùng hàng ký gửi, kèm theo mác tên, địa chỉ và số điện thoại cụ thể. Với cách thức này, sẽ mất nhiều thời gian nếu kẻ gian muốn móc đồ trong vali,” lãnh đạo một hãng bay nói.

    Trường hợp thất lạc hành lý, mất đồ trong hành lý nếu không chứng minh được giá trị thực tế của hành lý, các hãng hàng không sẽ áp dụng một quy định chung để đền bù cho hành khách sẽ là $20 đô la đối với 1kg hành lý thất lạc hoặc tối đa là $1,810 đô la cho một người nếu có chứng từ chứng minh được thiệt hại.

    Về quy định bồi thường, hãng Vietnam Airlines cho biết với những chuyến bay quốc tế, mức bồi thường tối đa của hãng là 430,000 đồng/ký ($20)đối với hành lý ký gửi. Còn hành lý xách tay, mức bồi thường tối đa $400 đô la/hành khách.

    Nhiều người cho biết, hiện nay hành lý bị “giam” ở các phi trường của Việt Nam quá lâu, trong khi các phi trường quốc tế chỉ sau 30 phút khách có thể lấy đồ, rời khỏi phi trường thì ở Tân Sơn Nhất hay Nội Bài, mất gần một buổi. (Tr.N)

    Viethome (theo Người Việt)

  • Ngày 24/1, lực lượng cứu hộ cứu nạn quyết định ngừng chiến dịch tìm kiếm cầu thủ người Argentina, Emiliano Sala, bị mất tích cùng một máy bay hạng nhẹ tại eo biển Manche.

    Chiến dịch tìm kiếm đã bước sang ngày thứ 3 và không mang lại kết quả nên các đội cứu hộ đã quyết định chấm dứt hoạt động này.

    Theo cảnh sát, máy bay đang trên đường từ Nantes (Pháp) tới thành phố Cardiff, thủ phủ xứ Wales (Anh), thì đột nhiên mất tín hiệu liên lạc tại khu vực cách đảo Guernsey 20km về phía Bắc.

    Trước đó, tiền đạo người Argentina đã gửi tin nhắn với vẻ hoảng loạn, lo sợ đến những người bạn. Trang Daily Mail công bố đoạn ghi âm tin nhắn cuối cùng Emiliano Sala gửi cho bạn bè trước khi mất tích. Trong đoạn ghi âm, giọng của tiền đạo người Argentina có vẻ sợ hãi.

    "Mọi người thế nào? Tôi mệt quá. Tôi đang trên chiếc máy bay sắp vỡ ra thành từng mảnh. Tôi đến Cardiff ngay bây giờ. Thật điên rồ. Ngày mai, tôi sẽ có buổi tập cùng đồng đội mới", Sala nói với vẻ hoảng loạn.

    "Nếu trong một tiếng rưỡi nữa không có tin tức về tôi, hãy cử một đội tìm kiếm đến. Tôi đang thực sự sợ hãi", chân sút người Argentina cầu cứu.

    Lúc 20h30 ngày 21/1, chiếc máy bay "The Piper Malibu" chở Emiliano Sala - tân binh đắt giá nhất lịch sử CLB Cardiff cùng 1 người bạn đã mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu khi bay đến gần khu vực Alderney, thuộc quần đảo Channel.

    Cuộc tìm kiếm với quy mô lớn đã được triển khai vào ngày 22/1 nhưng dừng lại vào 17h cùng ngày. Phát ngôn viên của Cảnh sát Guernsey cho biết: "Sau 15 giờ tìm kiếm, một vài mảnh vỡ máy bay đã được tìm thấy. Chúng tôi không tìm thấy dấu hiệu nào của Sala và người đi cùng. Nếu thực sự họ đã hạ cánh trên biển, thật không may, cơ hội sống sót là rất mong manh".

    Ông John Fitzgerald, giám đốc cục khí tượng quần đảo Channel cũng tỏ ra bi quan: "Với điều kiện thời tiết xấu, nhiệt độ của nước biển, tôi không dám chắc vào cơ hội sống sót của những người bị nạn".

    Cuối tuần qua, Cardiff City và CLB Nantes đạt thỏa thuận về vụ chuyển nhượng trị giá 15 triệu bảng cho tiền đạo Emiliano Sala. Ngôi sao người Argentina được phép ở lại Pháp hoàn tất thủ tục trước khi lên máy bay sang Anh ra mắt đội bóng mới vào ngày 22/1.

    Bản hợp đồng giữa Sala và "Blue Bird" có thời hạn 3 năm rưỡi. Cầu thủ 28 tuổi đã từ chối nhiều lời đề nghị của các CLB Trung Quốc để chờ cơ hội chơi bóng đỉnh cao tại Ngoại hạng Anh.

    Trước khi trở thành tân binh của Cardiff, Sala đang là một trong những cây săn bàn tốt nhất tại giải vô địch quốc gia Pháp với 12 pha lập công sau 16 lần ra sân.

    Viethome (theo Zing)

  • Theo một báo cáo mới, số lượng hành khách sử dụng phương tiện công cộng để tới các sân bay chủ chốt ở London đã sụt giảm trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2016.

    Số liệu từ nhóm nghiên cứu người sử dụng dịch vụ giao thông London TravelWatch cho thấy ngày càng có nhiều người tự lái xe hoặc bắt taxi để tới các sân bay Heathrow, Gatwick và Luton.

    Báo cáo của nhóm cũng khẳng định tỷ lệ hành khách sử dụng phương tiện công cộng để tới Heathrow, Gatwick và Luton đã giảm lần lượt từ 41%, 44% và 33% trong năm 2012 xuống còn 39.1%, 43.6% và 31.4% vào bốn năm sau.

    Trong khi đó, tỷ lệ hành khách sử dụng taxi tới Heathrow đã tăng từ 26% lên 31.5% từ năm 2010 đến 2016 và một trong những nguyên do được cho là bởi sự phát triển nhanh chóng của các ứng dụng gọi taxi như Uber.

    London TravelWatch lập luận rằng các tuyến phương tiện công cộng dẫn đến những sân bay này “không đủ tốt” để đáp ứng nhu cầu hiện tại và trong tương lai. Nhóm đã đề xuất cải thiện các tuyến phương tiện chuyển tiếp, mở rộng thẻ Oyster và các phương thức thanh toán không tiếp xúc trên các tuyến tàu của National Rail, đồng thời tăng cường các thiết bị thanh toán không tiếp xúc trên các chuyến bus bên ngoài thủ đô London.

    “Không có gì là đáng ngạc nhiên khi hành khách không sẵn sàng sử dụng phương tiện công cộng để tới các sân bay ở London. Lý do là bởi họ nhận thấy việc di chuyển không tiện lợi và các chuyến xe đều không đáng tin,” ông Arthur Leathley, chủ tịch London TravelWatch phát biểu.

    Báo cáo cũng chỉ ra số lượng hành khách bị phạt khi sử dụng thẻ Oyster để tới sân bay Stansted đã tăng từ 0 lên 16,000 người mỗi năm trong vòng hai năm qua. Các máy đọc thẻ Oyster hiện chỉ được lắp đặt ở sân bay Heathrow và Gatwick.

    Ông Leathley cho biết thêm: “Một vài năm trước, chúng ta đã đón nhận được lượng hành khách lớn tới sân bay Gatwick nhờ việc mở rộng thẻ Oyster ra tới sân bay này.

    “Giờ đây, chúng ta cần mở rộng phương thức thanh toán này ra cả sân bay Stansted. Thật điên rồ khi khách hàng bị bắt lỗi và phải nộp phạt khi họ không thường đi tuyến đường này và cho rằng sân bay Stansted của London hẳn phải nằm trong khu vực áp dụng thẻ Oyster của London.”

    VietHome (Theo Independent)

  • Ngày 22/1, hãng hàng không EasyJet của Anh cho biết vụ xuất hiện thiết bị bay không người lái ở đường băng buộc sân bay Gatwick ở thủ đô London phải đóng cửa trước dịp nghỉ lễ Giáng sinh năm ngoái đã khiến hãng này thiệt hại 15 triệu bảng (19,2 triệu USD).

    Trong một thông báo, EasyJet nhấn mạnh khoản thiệt hại nói trên bao gồm 5 triệu bảng doanh thu và 10 triệu bảng tiền bồi thường cho các khách hàng bị ảnh hưởng.

    (Nguồn: news.sky.com)

    Tuy nhiên, theo Giám đốc điều hành của EasyJet, Johan Lundgren, EasyJet đã có sự khởi đầu tốt đẹp đầu năm mới 2019 do sự bùng nổ trong nhu cầu đi lại của hành khách, dẫn tới kết quả kinh doanh khả quan tính đến thời điểm này.

    Sân bay Gatwick lớn thứ 2 ở Anh đã phải tạm thời đóng cửa trong 36 giờ đồng hồ kể từ ngày 20/12/2018, vài ngày trước lễ Giáng sinh, sau khi xảy ra vụ 2 thiết bị bay không người lái xuất hiện gần khu vực đường băng khiến hàng trăm chuyến bay bị hủy.

    Hơn 140.000 hành khách bị ảnh hưởng do sự cố này, trong đó 82.000 là khách hàng của EasyJet.

    Đây là sự cố gián đoạn hoạt động nghiêm trọng tại sân bay lớn thứ 2 của Anh kể từ sau đợt hoãn chuyến, hủy chuyến kỷ lục do tro bụi núi lửa năm 2010.

    Luật pháp Anh nghiêm cấm vận hành thiết bị bay không người lái trong vòng bán kính 1km xung quanh sân bay. Nếu vi phạm, có thể bị xử phạt 5 năm tù giam. 

    VietHome (Theo VietNamPlus)

  • Chiếc máy bay chở chân sút Emiliano Sala từ Pháp sang Anh đã mất tích ở eo biển Manche. Chiến dịch cứu hộ đang được triển khai nhưng đến thời điểm này vẫn chưa tìm thấy tung tích của chiếc máy bay.

    Thứ 7 tuần trước, CLB đang thi đấu ở Premier League, Cardiff City xác nhận họ đã chiêu mộ thành công Emiliano Sala từ Nantes với giá kỷ lục của CLB, 15 triệu bảng. Theo kế hoạch, tiền đạo 28 tuổi người Argentina sẽ rời nước Pháp đến Cardiff hoàn tất vụ chuyển nhượng vào thứ hai.

    Tiền đạo Emiliano Sala của Cardiff. (Nguồn: footmercato)

    Tuy vậy, chiếc máy bay riêng chở Emiliano Sala đến Cardiff, xứ Wales đã biến mất trên bầu trời đảo Channel không rõ lý do. Theo các phóng viên của Pháp, tiền đạo 28 tuổi này đã xuất hiện ở khu vực xuất cảnh ở Nantes vào hôm 21.1, anh là một trong hai người có mặt trên chiếc phi cơ Piper Malibu mất tích.

    Máy bay mất dấu trên màn hình radar vào lúc 20h30 tối 21.1 (giờ địa phương), tức 3h30 phút sáng nay (22.1) theo giờ Việt Nam, ở vị trí gần ngọn hải đăng Casquets nằm trên quần đảo Channel ở eo biển Manche. Eo biển Manche ngăn cách nước Anh với bờ biển phía Bắc nước Pháp.

    Hiện tại, phía Cardiff City cũng tỏ rất lo lắng vì không liên lạc được với Emiliano Sala. CLB xứ Wales đã phát đi thông báo chính thức về vụ việc và hy vọng thông tin sẽ được làm rõ ràng.

    Lộ trình di chuyển của chiếc máy bay chở  Emiliano Sala. Điểm đầu Nantes (phía Tây nước Pháp) - điểm cuối Cardiff (xứ Wales). Chấm đỏ ở giữa là vị trí radar mất tín hiệu của chiếc máy bay.

    Chủ tịch CLB Cardiff City, ông Mehmet Dalman chia sẻ: "Chúng tôi thực sự lo lắng trước thông tin chiếc máy bay bị mất liên lạc ở quần đảo Channel vào tối qua. Tạm thời chúng tôi không thể nói trước điều gì khi chưa có thông tin xác nhận cuối cùng. Đội bóng đang rất quan ngại về an nguy của cầu thủ Emiliano Sala".

    Văn phòng khí tượng của Anh, Met Office cho biết ở thời điểm vụ mất tích xảy ra, có một số cơn lốc xoáy nhẹ gần đảo Channel nhưng không nguy hiểm.

    Theo thông tin mới nhất từ AFP, cảnh sát Pháp xác nhận Emiliano Sala đã có mặt trên chiếc máy bay mất tích. Một cuộc tìm kiếm trên diện rộng đã được tiến hành sau khi chiếc máy mất dấu. Lực lượng cứu hộ đã cử máy bay trực thăng và tàu thuyền tìm kiếm nhưng hiện chưa có dấu hiệu nào do thời tiết xấu.

    HM Coastguard (Cơ quan phòng vệ bờ biển Anh) cho biết vị trí chiếc máy bay mất tích không nằm trong khu vực tìm kiếm và cứu hộ của Anh. Tuy nhiên, phía cơ quan này cũng đã gửi hai trực thăng cứu hộ tới hỗ trợ tìm kiếm.

    Emiliano Sala sinh năm 1990, anh chơi cho CLB Nantes từ mùa 2015/16. Trong 4 mùa qua, Sala luôn ghi bàn nhiều nhất đội. Mùa này, anh đã có 12 bàn thắng và 2 kiến tạo sau 19 trận ra sân ở giải VĐQG Pháp. Anh hiện đang đứng thứ 3 trong danh sách vua phá lưới Ligue 1 mùa này chỉ sau Kylian Mbappe và Nicolas Pepe.

    VietHome (Theo Lao Động)

  • Các chuyến bay khởi hành từ sân bay Heathrow đã tạm thời bị ngừng lại sau khi một máy bay không người lái được phát hiện trong khu vực sân bay.

    Các chuyến bay từ sân bay phía tây London đã được nối lại khoảng một giờ sau đó, theo BBC. Một phát ngôn viên của sân bay Heathrow cho hay, việc tạm ngừng các chuyến bay sắp khởi hành là biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn bất kỳ mối đe dọa nào đối với an toàn của vận hành.

    Sự cố làm gián đoạn hoạt động bay tại sân bay Heathrow, diễn ra khoảng 1 tháng sau vụ việc tương tự tại sân bay Gatwick khiến hàng nghìn người mắc kẹt.

    Theo người phát ngôn, Heathrow đang làm việc với cơ quan kiểm soát không lưu và cảnh sát đô thị sau vụ việc. "Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi tình hình và xin lỗi những hành khách bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn này" - bà nói.

    Cảnh sát đô thị xác nhận đã nhận được báo cáo về một máy bay không người lái xuất hiện gần sân bay Heathrow vào khoảng 17h05 ngày 8/1.

    Bộ trưởng Giao thông Chris Grayling cho hay, ông đã liên lạc với sân bay về việc phát hiện máy bay không người lái và đã trao đổi với Bộ trưởng nội vụ và Bộ trưởng quốc phòng về vụ việc.

    Hơn 140.000 hành khách tại sân bay Gatwick đã bị ảnh hưởng trong 36 giờ hỗn loạn từ ngày 19 đến 21/12. Khoảng 1.000 chuyến bay đã bị hủy trong 3 ngày sau khi phát hiện máy bay không người lái.

    Tuần trước, sân bay Gatwick cho biết đã chi 5 triệu bảng để ngăn chặn các cuộc tấn công tương tự trong tương lai. Sân bay Heathrow cũng xác nhận sẽ đầu tư các hệ thống để chống máy bay không người lái.

    Viethome (theo Lao Động)

  • Theo đó, đại diện của Vinci Airports ngày 27/12 ký kết hợp đồng mua 50,01% cổ phần của sân bay Gatwick (London) với giá 2,9 tỷ bảng Anh (3,67 tỷ USD). Số cổ phần còn lại của sân bay Gatwick thuộc sở hữu của Global Infrastructure Partners – chủ hiện tại của sân bay.

    Quang cảnh sân bay Gatwick ở London, Anh. Ảnh: THX/TTXVN

    Gatwick hiện là sân bay lớn thứ hai nước Anh và lớn thứ tám của châu Âu, với tổng lưu lượng khách đạt 45,7 triệu lượt người trong năm 2018.

    Theo Vinci, thương vụ này là một cơ hội hiếm hoi để thâu tóm một sân bay với quy mô và chất lượng lớn như vậy, thương vụ phù hợp tuyệt đối với chiến lược đầu tư dài hạn của Vinci Concessions. Tuyên bố của Vinci cho biết thêm Gatwick vận hành đường băng đơn đông đúc nhất thế giới, đạt kỷ lục thế giới 950 chuyến bay/ngày trong năm 2017. 

    Gatwick thường xuyên đổi mới trong mọi lĩnh vực hoạt động. Toàn bộ mạng lưới Vinci Airports sẽ được hưởng lợi từ trình độ quản lý cũng như tối ưu hóa hệ thống vận hành mang đẳng cấp thế giới của Gatwick, điều giúp Gatwick tăng trưởng mạnh và bền vững trong một môi trường khắc nghiệt, theo người đứng đầu Vinci Airports Nicolas Notebaert.

    Với thương vụ này, Vinci Airports sẽ kiểm soát 46 sân bay tại 12 quốc gia với tổng lưu lượng khách đạt 228 triệu lượt/ năm. Vinci mới đây thâu tóm các sân bay tại Brazil, Nhật Bản và Serbia.

    VietHome (Theo Báo Tin Tức)