• Lập kế hoạch học tập, ngoại khóa chi tiết cho con từ ngày học lớp 1, chị Hồng Liên ở Hà Nội, giúp con trúng tuyển 7 đại học ở Mỹ và Australia.

    Chị Nguyễn Thị Hồng Liên, 40 tuổi, làm việc tại một trường liên cấp ở Hà Nội, chia sẻ chi tiết quá trình chuẩn bị kiến thức, hoạt động ngoại khóa cũng như định hướng nghề nghiệp cho con từ lớp 1 đến lớp 12:

    1. Chuẩn bị năng lực và phẩm chất cho con (lớp 1-11)

    Học tập

    Con tôi học song song chương trình của Việt Nam và chương trình giáo dục phổ thông của Mỹ (qua online). Thông thường, các đại học ở nước ngoài quan tâm đến điểm trung bình học tập (GPA) của học sinh từ lớp 9. Do đó, tôi xác định giai đoạn này, con phải học hành nghiêm túc và đạt điểm GPA càng cao càng tốt, tối thiếu ở mức 8,5/10. Những môn liên quan đến ngành học mà con thích và dự định theo đuổi thì nên đạt tầm 9 điểm.

    Với chứng chỉ IELTS, con nên đạt 7.5-8 ở hè lớp 11. Muốn vậy, lớp 9, con cần đặt mục tiêu IELTS 6-7. Ở các lớp thấp hơn, mục tiêu là đạt trình độ B1 hoặc B1+ vào năm lớp 7 hay A2 (Flyer) vào năm lớp 5. Thông thường, con học tiếng Anh từ 5-6 tuổi hoặc học chương trình Mỹ từ lớp 1 là có thể đạt được.

    Để du học Mỹ, con cần có điểm SAT. Theo tôi, con nên được tầm 1100/1600 ở đầu lớp 10 để hai năm sau lên mức 1400-1500. Một số bạn có thể chọn học AP (lớp nâng cao, dạy trước một số kiến thức đại cương ở đại học Mỹ) hoặc chương trình khác.

    lap ke hoach du hoc 1
    Chị Nguyễn Thị Hồng Liên. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    Hồ sơ nghề nghiệp

    Tôi chia những nội dung cần chuẩn bị cho con làm 4 giai đoạn:

    - 7-12 tuổi: Tôi cho con đến các khu trải nghiệm nghề nghiệp, thăm quan làng nghề, làm thử sản phẩm, tham gia lớp học ngoại khóa củng cố kỹ năng nền cho nghề như dẫn chương trình, vẽ, nhảy, tin học, câu lạc bộ khoa học, thể thao bóng đá... Ngoài ra, tôi cùng con đọc các tài liệu về nghề nghiệp.

    Trong các môn học của chương trình phổ thông Mỹ như Language Art, Science, Social Studies con theo học cũng có những thông tin này.

    - 13-14 tuổi: Con được làm một số công việc đơn giản tại khách sạn, nhà hàng, siêu thị, quán ăn, trông trẻ em mùa hè để trải nghiệm, kết hợp tìm hiểu kỹ hơn về bản thân.

    - 14-17 tuổi: Học các khóa học hướng nghiệp bài bản. Chương trình Mỹ có môn Career Planning dạy tìm hiểu bản thân, gia đình, thị trường lao động và đào tạo ngành nghề (đại học, cao đẳng). Môn học này giúp con có cái nhìn rộng hơn về nghề nghiệp, biết sử dụng các công cụ trong quá trình tìm hiểu, định hướng nghề cũng như kết nối với người đi trước.

    - 17-18 tuổi: Con xây dựng hồ sơ nghề nghiệp bằng các dự án đang làm, minh chứng mình đã tìm hiểu về nghề thế nào. Với ngành nghệ thuật và thời trang, thiết kế, con có thể phải lập một trang web riêng, một bộ hồ sơ nghề điện tử để gửi các trường.

    Hoạt động ngoại khóa

    Với phần này, tôi chia quá trình chuẩn bị cho con thành hai giai đoạn:

    - 7-12 tuổi: Tham gia các hoạt động ngoại khóa như học kỹ năng sinh tồn, các môn năng khiếu, các sự kiện văn nghệ của trường và hoạt động từ thiện với phụ huynh.

    - 13-18 tuổi: Ban đầu con tổ chức một phần hoạt động ngoại khóa của lớp, cùng gây quỹ cho một hoạt động thiện nguyện, hay tham gia các chuyến trồng rừng, cuộc thi về bảo vệ môi trường, STEM, các giải đấu thể thao, âm nhạc...

    Dần dần, con tổ chức hoạt động lớn hơn như cắm trại cho lớp hoặc sự kiện của khối, trường, lãnh đạo các câu lạc bộ trong và ngoài trường. Ở giai đoạn này, nếu con có chứng nhận cho các hoạt động thì càng tốt.

    Gia đình tôi sắp xếp lộ trình này chi tiết để con có thể đạt mục tiêu một cách nhẹ nhàng và không bị gấp gáp.

    2. Tích lũy tài chính

    Bên cạnh đưa ra lộ trình để phát triển năng lực và phẩm chất, tôi còn có kế hoạch tích lũy tài chính cho con. Tôi tính toán khoản tiền cần cho con học từ 300 triệu đồng, 500 triệu đồng và 1 tỷ đồng. Để có được các khoản này, tôi chia lương thành các khoản chi tiêu cụ thể, làm sao tháng nào cũng phải có tích lũy.

    - Với khoản 300 triệu đồng: Khi con hai tuổi, tôi bắt đầu mua bảo hiểm nhân thọ cho con. Lúc đó vì mới đi làm, tôi chỉ mua mức đóng 180 triệu đồng để nhận về 350 triệu đồng sau 18 năm. Mỗi tháng, tôi trích từ lương 800.000 đồng và một năm đóng tầm 10 triệu đồng. Sau 16 năm, tôi có khoảng 350 triệu đồng.

    - Khoản 500 triệu đồng-1 tỷ đồng: Tôi tiết kiệm bằng cách hàng tháng để ra 2-4 triệu, tức mỗi năm khoảng 24-48 triệu đồng. Những khoản thưởng Tết, kiếm được từ dạy thêm tiếng Anh và những việc khác, tôi đều để vào đây. Đây cũng là khoản dự phòng khi ốm đau của con cái, gia đình. Sau khoảng 20 năm là tôi có được khoản này.

    Tôi không cho con học trường tư và học thêm nhiều. Ở tiểu học, con tôi chỉ học thêm tiếng Anh, còn lên cấp 2 thêm môn Toán và Văn ở trường. Riêng môn tiếng Anh, tôi tự tổ chức lớp cho con hoặc tìm hiểu nơi uy tín nếu cho con học thêm.

    lap ke hoach du hoc 1
    Chị Liên và hai con tham gia trại trong rừng 8 ngày, đêm tại bang Michigan với học sinh Mỹ, năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    3. Hỗ trợ con ra quyết định

    Năm con hết lớp 10, tôi bàn bạc với chồng và bố mẹ trước về việc nên cho con du học hay không. Sau đó, tôi trao đổi với con về mong muốn tương lai.

    Tôi cho con một tháng để liên hệ với bạn bè ở các nước định đi học, dạy con cách tìm kiếm thông tin cũng như liên hệ các đơn vị tư vấn. Tôi quán triệt việc du học hay học ở nhà là quyết định của con. Con phải tự chịu trách nhiệm, còn bố mẹ hỗ trợ tài chính, cung cấp thông tin.

    Sau khi con khi quyết định, tôi cùng con và thầy cô đánh giá quá trình nộp đơn, ví dụ con cần gì và hồ sơ đã có những gì, nên bổ sung phần nào. Hết năm lớp 10, con đã hoàn thành khoảng 60% kế hoạch ngoại khóa và hồ sơ nghề nghiệp. Lớp 11, cháu học IELTS, SAT, hoàn thiện nốt hồ sơ nghề và hoạt động ngoại khóa.

    Đầu năm lớp 12 con tôi đã hoàn thiện hồ sơ. Cháu lên danh mục các đại học mong muốn và phù hợp để ứng tuyển. Do được chuẩn bị kỹ và sớm nên quá trình này không quá vất vả.

    Tính đến tháng 12, con đã được 7 đại học ở Australia và Mỹ chấp nhận. Trong thời gian chờ nhập học, tôi cho con học lái xe, học thêm nghề phụ để có thể đi làm tự nuôi bản thân. Tôi cũng dạy con cách tìm hiểu luật pháp nơi mình sinh sống, kết bạn với các sinh viên tại trường. Trước đó, từ năm con lớp 10, tôi cho con tập gym, học về dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bản thân để tự lập khi du học.

    Theo VnExpress

  • Một phụ huynh vừa liên hệ với tôi nhờ tìm hướng giải quyết cho con của chị. Sau vài tháng sang nước ngoài học đại học, con chị cảm thấy không hòa nhập được với môi trường mới, nằng nặc đòi về nước.

    Tám năm trước, tôi cũng từng chứng kiến con trai một người bạn bị nhà trường báo động vì kết quả học tập sa sút. Sau năm rưỡi du học, cậu về nhà làm sinh viên một đại học quốc tế trong nước. Dù vậy, cậu cũng mất nhiều năm chật vật mới có thể tốt nghiệp do lạc nhịp và mất phương hướng sau thời gian ở nước ngoài.

    Những chuyện như thế vẫn thường xảy ra trong cộng đồng du học sinh, dù các gia đình đã đầu tư tài chính, quan tâm sát sao; phần lớn những đứa trẻ đều có ý thức và trình độ ngoại ngữ tốt. Tại sao bấy nhiêu sự đầu tư vẫn là chưa đủ?

    Trước hết, trong quá trình chuẩn bị du học, du học sinh và gia đình ít khi được nghe nói về triết lý sư phạm của trường mà mình muốn đến. Triết lý sư phạm của nhà trường rất quan trọng, cho phép mỗi sinh viên nhận thấy đây có phải là cơ hội phù hợp để phát triển bản thân hay không.

    hu than khi du hoc

    Tuần trước, tôi phỏng vấn một sinh viên vừa hoàn tất chương trình đại cương tại nơi khác và muốn dự tuyển vào chương trình đào tạo kỹ sư tại trường chúng tôi. Ứng viên này có bảng điểm rất ấn tượng và mục tiêu rõ ràng về công việc muốn phát triển sau khi tốt nghiệp. Đồng nghiệp - phụ trách bộ phận quan hệ giữa nhà trường, doanh nghiệp và sinh viên - tham gia buổi phỏng vấn cùng tôi, rất thích ứng viên này. Lúc đầu tôi có cùng ấn tượng tốt như vậy. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kỹ, tôi quyết định không chọn. Triết lý sư phạm của chúng tôi không phù hợp với bạn ấy. Nếu trở thành sinh viên của trường, trong ba năm học kế tiếp, bạn sẽ rất khổ sở khi bắt buộc phải hoàn tất 100% chương trình học bằng các dự án nhóm, dưới sự giám sát của giảng viên và hệ thống tài liệu hỗ trợ. Chúng tôi không đưa ra lời giải mà chỉ giúp sinh viên được tự do sáng tạo với những giải pháp họ tự đưa ra, và họ phải chịu trách nhiệm cho lời giải của chính mình. Trong khi đó, sinh viên này thừa nhận em khó hòa hợp trong một nhóm học tập, làm việc.

    Kế đến, trong xã hội Việt Nam nói riêng và Á Đông nói chung, gia đình có sự đầu tư chu đáo về giáo dục thường đồng nghĩa với gia đình ít nhiều bao bọc con trẻ. Hệ quả của sự bao bọc là trẻ khi đến tuổi gần trưởng thành hoặc vẫn luôn mang tư tưởng dựa dẫm, hoặc mang mầm mống nổi loạn. Trong cả hai trường hợp, khi một người vừa bước vào tuổi trưởng thành bắt đầu ngay cuộc sống du học xa nhà sẽ dễ gặp những rắc rối nhất định: hoặc không tự giải quyết được các vấn đề cá nhân, hoặc có sự bùng nổ tự do dẫn đến đánh mất kỷ luật bản thân. Đứa trẻ ở nhà cùng cha mẹ là một đứa trẻ ngoan, nhưng khi bước ra thế giới tự chủ, sự "ngoan" có thể không duy trì được nữa.

    Song song đó, khi còn ngồi ghế nhà trường phổ thông, học sinh hầu như chỉ tập trung vào nhiệm vụ học tập. Khi sống xa nhà với tư cách là một người trưởng thành, họ không chỉ đối mặt với việc học mà còn phải giải quyết nhiều vấn đề trong mối quan hệ chính trị - xã hội tại địa phương đang du học. Một lượng lớn công việc đòi hỏi người xử lý phải có kỹ năng quan sát, thích ích nhanh và phương pháp làm việc hiệu quả, hoặc có sự hỗ trợ ban đầu của những người, tổ chức nhiều kinh nghiệm.

    Xưa nay, nhiều người vẫn đánh đồng khả năng hòa nhập, thích nghi với xã hội mới là khả năng sử dụng ngôn ngữ. Sau hàng chục năm mở cửa hội nhập với thế giới, học sinh sinh viên Việt Nam ngày càng có kỹ năng ngoại ngữ tốt hơn, nhất là tiếng Anh. Tuy nhiên, ngôn ngữ chỉ là phương tiện giao tiếp. Phải nhìn nhận thẳng thắn rằng kiến thức về văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội của học sinh - sinh viên nước ta còn nhiều hạn chế hơn so với bạn bè đồng trang lứa ở các nước phát triển. Chính vì vậy, du học sinh Việt Nam còn gặp rào cản trong giao tiếp, kết thân với bạn bè quốc tế, ảnh hưởng đến sự hòa nhập với môi trường.

    Đầu tư tài chính vào giáo dục, cụ thể là cho con cái đi du học ở các nước tiên tiến là một sự đầu tư cho tương lại. Ngoại ngữ là công cụ quan trọng để mọi người tiến lại gần nhau hơn. Tài chính và ngoại ngữ là những điều kiện cần, không phải là điều kiện đủ để du học thành công.

    Du học là quyết định bước chân vào một môi trường mới, mà ở đó, tiếp nhận tri thức chỉ là một phần. Cuộc sống du học là sự thực hành khả năng tự lập và thích ứng của những đứa trẻ bắt đầu vào tuổi trưởng thành. Sốc hay không sốc văn hóa khi du học phụ thuộc vào sự chuẩn bị, không chỉ tài chính và ngoại ngữ, mà quan trọng là kỹ năng, tâm thế đối diện để xử lý tốt các rủi ro khó dự báo.

    Nếu không, du học có thể làm tổn thương du học sinh và gia đình, phá vỡ ước mơ của họ.

    Theo VnExpress

  • Tôi học trường huyện vẫn có bằng Thạc sĩ, thu nhập cao, còn em chồng được đầu tư bảy tỷ đồng đi du học nhưng lương 'ba cọc ba đồng'.

    Tôi là một người thuộc thế hệ 7X đời cuối. Ngay từ khi tôi còn nhỏ, ba mẹ đã không cho đi học trường chuyên trên tỉnh vì thương con còn bé, sống một mình nhiều vất vả. Vậy nên, tôi ở huyện, chăm chỉ theo học ở một trường thường suốt quãng thời gian phổ thông. Sau đó, tôi đăng ký thi vào một trường đại học danh tiếng ở trung tâm thành phố, nhưng kết quả bị trượt vì thiếu nửa điểm.

    Cùng lúc đó, tôi lại đậu vào một trường khác ở Thủ Đức. Nhưng ba mẹ khi đó lại sợ tôi phải đi học xa (vì nếu học trong nội thành, tôi sẽ sống nhờ ở nhà người thân; còn ra Thủ Đức, tôi sẽ phải đi ở trọ), nên tôi đành từ bỏ. Thế là tôi chấp nhận lùi lại một năm để thi vào đúng trường mong muốn. Và tôi đã làm được.

    luong 3 coc 3 dong

    Học xong, ra trường, tôi tìm được công việc tốt và làm việc khá thành công. Tôi lại dành thời gian đi học tiếp, học cao... Dù xuất phát chậm hơn một năm, nhưng đến nay, sự nghiệp của tôi cũng có thể nói là tiến xa hơn so với một số bạn bè phổ thông ngày trước được học đúng tuổi. Tôi đã có một bằng Thạc sĩ và một bằng cử nhân. Cả hai đều là những ngành khá hot. Thu nhập của tôi nhờ đó cũng rất ổn.

    Trong khi đó, bên chồng tôi lại có một chú em, được đi du học từ sớm. Thế nhưng, dù ba mẹ tốn cả "núi tiền" nuôi ăn học ở nước ngoài, nhưng sau khi học xong về nước, em chỉ làm công việc lương ba cọc ba đồng. Thậm chí, chú em ấy còn bị người ta đặt cho một hỗn danh là "chàng trai bảy tỷ" vì gia đình đã tiêu bằng đó tiền để cho du học mà vẫn không đâu vào đâu.

    Thế nên, tôi không cho rằng con cái cứ phải được cha mẹ đầu tư giáo dục sớm, cho học trường chuyên, lớp chọn hay du học nọ kia, thì mới có thể thành công. Cuộc sống của mỗi người thành công hay thất bại đều là do bản thân mỗi chúng ta tự cố gắng và không ngừng phấn đấu để bước về phía trước.

    Thực tế, bao nhiêu người không được học trường chuyên, không được đi du học, những cũng vẫn thành công đấy thôi. Thậm chí, có những anh bộ đội giải ngũ về mới đi học, chậm hơn bạn bè biết bao nhiêu năm, những họ vẫn đạt được những thành quả đáng ngưỡng mộ. Vậy nên, nếu bản thân mỗi người không tự cố gắng, vượt lên chính nghịch cảnh của hiện tại, thì dù bạn có được học 10 trường chuyên cũng chẳng có ý nghĩa gì. Không tự thân cố gắng thì du học đây đó cũng chỉ đến vậy mà thôi.

    Theo VnExpress

  • Đây là tâm sự của một bác sĩ ở Hà Nội khi các con của anh được cho đi du học sớm và cái kết anh cảm thấy đó là nỗi ân hận lớn nhất của đời mình.

    Con xa dần bố mẹ

    Ông H., Tây Hồ, Hà Nội là một bác sĩ đầu ngành ở Hà Nội, là bác sĩ ngoại khoa và đã từng đi du học ở nước ngoài. Ông H. nghĩ sẽ cho con mình một môi trường giáo dục tốt nhất. Vợ ông một người làm cùng  ngành của ông nhưng làm ở mảng tư nhân nên cũng có điều kiện. Ông bà hiểu những gì họ nhận được nếu cho con học ở Việt Nam. Chương trình học, cách giáo dục sẽ khiến con họ thui chột.

    Hai vợ chồng ông H. bàn nhau cho các con đi du học sớm. Từ cấp 2, hai con trai của ông đã được bố mẹ cho sang Mỹ học. Các cháu học ở bên đó và được hỗ trợ từ bố mẹ về tài chính không phải lo nghĩ gì ngoài việc học.

    Ông H. không than vãn gì về việc học hành của các con. Tuy nhiên, ông cảm thấy mình đã dần mất con. Ở tuổi 60 khi đã về hưu, ông sống một mình trong cô đơn. Ai hỏi vì sao, ông chỉ biết ngậm ngùi, vợ ông muốn sống cùng các con và bà đã sang Mỹ còn ông muốn ở lại Việt Nam và lủi thủi một mình.

    Ông H. tâm sự về những tháng năm các con dần xa bố mẹ. Thời gian đầu các cháu nói chuyện với bố mẹ rất nhiều rồi thưa dần, thưa dần. Sống ở nước ngoài quá lâu, các cháu quay lại chê quê hương. Mỗi lần về Hà Nội, cháu rất ngại về quê thăm người thân họ hàng bởi các cháu chê những phong tục tập quán ở quê rườm rà. Có lần về quê viếng đám ma, nhân dịp các con về nghỉ hè, ông H. phải nói mãi con mới chịu về nhưng khi về tới nơi các cháu cho rằng đám ma quá hủ tục nọ kia. Ông đành muối mặt với họ hàng ở quê. 

    Mọi người thân thiết ở quê cũng dần xa cách với các cháu vì ai cũng sợ cái mác Tây học của chúng.

    Ông H. kể, về Việt Nam chỉ bữa cơm gia đình ông đã cảm thấy mình thật sự mất con. Chúng đòi ăn mỗi đứa một bát nước chấm. Bất cứ thứ gì chúng cũng chê bẩn và lo sợ bệnh tật. Chỉ đơn giản là bát nước chấm, ông H. cho rằng mọi người chấm chung là văn hóa của người Việt Nam nhưng với con ông thì không đó là sự bẩn thỉu, truyền bệnh tật.

    Mỗi lần ra đường, con ông về nhà lại than thở sao người Việt thế này, người Việt thế kia. Ông chỉ còn biết nói đó là cách sống, là văn hóa con phải quen nhưng tất cả đều vô nghĩa khi các con vẫn sợ chính quê hương mình.

    Cô đơn vì cho con đi du học

    Những khác biệt văn hóa khi chúng sống ở nước ngoài quá lâu, ông H. hiểu vì lúc trước khi ông đi du học ông cũng thấy điều đó nhưng về nước ông hòa hợp ngay còn con ông, chúng không muốn về nước.

    Bằng mọi cách, hai con trai ông cố ở lại nước ngoài. Ông động viên nhưng con ông không về vì chúng không thích cách sống của người Việt. Những kỳ nghỉ hè thưa dần. Nếu trước đây mỗi năm con về nước 1 lần thì thời gian ngắt quãng 2 năm, 3 năm. Gần đây, con ông tuyên bố sẽ tìm mọi cách để có thẻ xanh ở lại Mỹ. Con trai lớn của ông lập gia đình với cô gái người Mỹ gốc Việt và 4 năm nay chưa về quê.

    Nhớ con, vợ ông H. về hưu cũng sang Mỹ ở với con. Mỗi năm ông qua thăm con cháu 1 lần. Còn lại ông ở nhà một mình. Để giết thời gian, ông đi làm thêm cho các bệnh viện tư ở Hà Nội kiếm tiền. Mỗi lần ai nói về du học hay hỏi về tình hình các con, ông H. lại thở dài “nỗi ân hận lớn nhất của tôi là cho con đi du học sớm để rồi mất con”.

    Viethome (theo Infonet)