• Mới đây, một loạt các nước châu Âu tuyên bố chấm dứt 'thị thực vàng' – chương trình giúp các nước thu hút hàng tỉ euro từ các nhà đầu tư bất động sản đang tìm kiếm quyền cư trú. Được hình thành để thu hút đầu tư song nhiều chương trình đã trở thành lỗ hổng để tội phạm có tổ chức và tham nhũng hoành hành.

    visa vang khai tu
    Chương trình "thị thực vàng' của đảo Síp chấm dứt từ năm 2020. Ảnh: DW

    Theo tờ Bloomberg, chương trình thị thực vàng và hộ chiếu vàng trong nhiều năm qua đã thu hút sự chú ý khi một số quốc gia nỗ lực mở cửa, khuyến khích người nước ngoài giàu có gửi tiền để đổi lấy quyền cư trú hoặc quyền công dân tại nước đó.

    Ví như hòn đảo Dominica nhỏ bé ở Caribe đã nhận được nhiều tiền đầu tư hơn khi cung cấp chương trình thị thực với mức giá 100.000 USD/người. Hòn đảo này thu hút nhiều công dân Trung Quốc, Nga và Iran giàu có. Sở hữu tấm hộ chiếu Dominica, những công dân này có thể di chuyển miễn thị thực 90 ngày tại Liên mình châu Âu.

    Hiện có hơn 60 quốc gia vận hành các chương trình thị thực vàng hoặc hộ chiếu vàng, bao gồm một số quốc gia EU. Tuy nhiên, mối lo ngại ngày càng tăng là các chương trình này đang bị lạm dụng bởi các đường dây tội phạm có tổ chức và các quan chức tham nhũng. Điều đó đã khiến Ủy ban châu Âu năm ngoái kêu gọi các quốc gia thành viên ngừng chương trình.

    Tây Ban Nha, Ireland, Cộng hòa Síp (Cyprus) và Hà Lan đã cắt giảm chương trình cấp thị thực cho đối tượng VIP, trong khi Bồ Đào Nha cải tổ chương trình từ tháng 10/2023. Malta và Hungary đang chịu sức ép của EU nhằm chấm dứt chương trình thị thực vàng. Brussels đã khởi động hành động pháp lý nhằm vào Malta vì cấp quyền công dân với giá khoảng 1 triệu euro. Trong khi đó, Hungary đã tạm ngưng chương trình nhưng có kế hoạch khởi động lại vào cuối năm nay. Ứng viên sẽ được yêu cầu mua bất động sản, mua cổ phần trong quỹ tài sản địa phương hoặc quyên góp từ thiện ít nhất 1 triệu euro vào quỹ tín thác công hỗ trợ các trường đại học địa phương.

    Tất cả các nước EU đều thắt chặt các quy định về thị thực đối với công dân Nga và Belarus sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra.

    Ở nửa còn lại của thế giới, hồi tháng 1, Australia đã dừng chương trình cấp thị thực cho nhà đầu tư quan trọng. Ra mắt vào năm 2012, người nộp đơn phải đầu tư ít nhất 5 triệu đô la Australia vào nước này để có được quyền cư trú. Theo chính phủ liên bang, ít nhất 85% số đơn đăng ký thành công là của công dân Trung Quốc. Tuy nhiên, chương trình này không mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn mà thay vào đó, trở thành nơi trú ẩn của nhiều quan chức tham nhũng.

    Eka Rostomashvili, người đứng đầu các chiến dịch chống tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, nói với hãng tin DW: "Các chương trình này vốn hấp dẫn các quan chức và tội phạm tham nhũng. Hộ chiếu hoặc giấy phép cư trú bổ sung có thể hữu ích nếu họ đang chạy trốn chính quyền". Theo ông Rostomashvili, thay vì áp dụng các biện pháp thẩm định nghiêm ngặt, nhiều quốc gia đã quá khoan dung và liều lĩnh chào đón những nhân vật đáng ngờ cũng khoản tiền bẩn.

    Kristin Surak, Giáo sư xã hội học chính trị tại Cao đẳng Kinh tế và Khoa học London (Anh), cho biết: Trong khi một số quốc gia EU lo ngại về vấn đề ngày một lớn hơn thì các quốc gia ở phía Nam bán cầu lại đưa ra các chương trình thị thực và hộ chiếu vàng lớn, như Malaysia, Panama, Thái Lan và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.(UAE). Theo số liệu, UAE nhận cấp thị thực cho 50.000 người/năm theo chương trình thị thực vàng. Con số này là rất lớn so với 30.000 người được chấp thuận cư trú tại Bồ Đào Nha trong hơn 10 năm.

    Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã nhiều lần phàn nàn về việc nhiều chính phủ vẫn giữ bí mật về các chương trình cấp thị thực vàng của họ. Đôi khi, tiêu chí đăng ký sẽ bao gồm việc mua bất động sản hoặc quyên góp cho chính phủ, thay vì các khoản đầu tư có thể thúc đẩy nền kinh tế.

    Báo Tin tức (Theo DW)

  • Đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở, nhiều chính phủ trên khắp châu Âu đã loại bỏ “thị thực vàng”.

    thi thuc vang nha o 1
    Chương trình "thị thực vàng" cũng góp phần gây ra cuộc khủng hoảng nhà ở trầm trọng cho chính người dân Tây Ban Nha - Ảnh: REUTERS

    Khi bắt đầu công tác tại một bệnh viện ở Madrid (Tây Ban Nha) năm 2023, bác sĩ trẻ Ana Jimena Barba quyết định chuyển đến sống cùng bố mẹ cho đến khi tiết kiệm đủ tiền để mua nhà riêng.

    Nhưng khi cô bắt đầu nghiên cứu những ngôi nhà cùng làng nơi cha mẹ cô ở, cách thủ đô 30 phút lái xe, hầu hết đều có giá hơn 500.000 euro (13,5 tỉ đồng). Số tiền này cao gần gấp 20 lần mức lương trung bình năm ở Tây Ban Nha và tương đương chi phí “thị thực vàng” của nước này.

    Thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng nhà ở

    "Thị thực vàng" là chương trình tạo điều kiện cấp quyền cư trú cho các nhà đầu tư giàu có người nước ngoài rót tiền vào lĩnh vực như bất động sản, kinh doanh. Bên cạnh đó, còn có chương trình “hộ chiếu vàng” cấp quyền công dân thông qua đầu tư, nhưng thường đòi hỏi nguồn vốn lớn cùng nhiều thủ tục và thời gian.

    Sau một thập niên, chương trình này đã thu hút hàng tỉ euro đầu tư, nhưng nó cũng góp phần gây ra cuộc khủng hoảng nhà ở trầm trọng cho chính người dân Tây Ban Nha.

    Đã phải làm thêm 100 giờ mỗi tháng để tiết kiệm, Barba than phiền: “Tôi không đủ khả năng chi trả. Nếu người nước ngoài làm tăng giá nhà đối với người dân địa phương như chúng tôi thì đó là bất công”.

    Đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở, Tây Ban Nha đã thông báo sẽ loại bỏ “thị thực vàng”. Trước Tây Ban Nha, nhiều chính phủ trên khắp châu Âu cũng có động thái tương tự.

    Nhiều quốc gia thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã triển khai chương trình “thị thực vàng” vào thời điểm cuộc khủng hoảng nợ châu Âu lên đến đỉnh điểm năm 2012, để giúp bù đắp thâm hụt ngân sách.

    Các quốc gia cần gói cứu trợ quốc tế, trong số đó có Tây Ban Nha, Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp, đặc biệt có nhu cầu với tiền mặt để trả nợ. Và họ nhận thấy “thị thực vàng” là con đường giúp thu hút các nhà đầu tư, đồng thời vực dậy thị trường bất động sản đang suy yếu.

    Lựa chọn của họ đã đem lại thành quả. Chỉ riêng Tây Ban Nha đã cấp 14.576 thị thực cho những người giàu có đầu tư bất động sản trị giá hơn 500.000 euro. Nhưng điều này đang đẩy những người như bác sĩ Barba ra khỏi thị trường.

    “Việc tiếp cận nhà ở cần phải là một quyền, chứ không phải hoạt động đầu cơ. Các thành phố lớn đang đối mặt thị trường căng thẳng cao độ và gần như không thể tìm được nhà ở đàng hoàng cho những người đã làm việc và nộp thuế”, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nhấn mạnh trong một bài phát biểu vào tháng 4, khi tuyên bố kết thúc chương trình “thị thực vàng”.

    Thị thực giúp những công dân ở ngoài Liên minh châu Âu (EU) dễ dàng mua được quyền cư trú tạm thời, đôi khi không cần phải sống ở nước sở tại. Các nhà đầu tư Trung Quốc, Nga và Trung Đông đổ xô mua bất động sản thông qua chương trình “thị thực vàng”.

    Những năm gần đây, sau sự kiện Brexit, người Anh cũng tìm đến mua nhà ở Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều người Mỹ cũng lựa chọn “thị thực vàng” để tận hưởng lối sống mà họ không đủ khả năng chi trả ở các thành phố lớn ở quê nhà.

    Tuy nhiên, các quốc gia trên khắp châu Âu đang dần loại bỏ hoặc tạm ngừng chương trình “thị thực vàng”, trong bối cảnh các chính phủ tìm cách khắc phục thiệt hại cho thị trường nhà đất.

    Bồ Đào Nha, quốc gia thu được hơn 5,8 tỉ euro đầu tư từ “thị thực vàng”, đã sửa đổi chương trình vào tháng 10-2023 để loại bỏ bất động sản khỏi khoản đầu tư, nhằm giảm tình trạng đầu cơ và hạ nhiệt thị trường nhà ở quá nóng.

    Dòng người nước ngoài đến sinh sống đã khiến hàng ngàn công dân Bồ Đào Nha có thu nhập thấp phải rời bỏ nhà cửa ở các thành phố như Lisbon.

    Hy Lạp, một trong những quốc gia cuối cùng ở châu Âu cung cấp “thị thực vàng”, đang nâng ngưỡng đầu tư nước ngoài từ 500.000 euro lên 800.000 euro ở khu vực Athens và trên các hòn đảo nổi tiếng như Mykonos và Santorini.

    Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis xác nhận có tình trạng thiếu nhà ở trầm trọng và áp lực trong thị trường cho thuê nhà, đặc biệt xung quanh Athens. Nhưng nhà lãnh đạo này khẳng định chính phủ vẫn muốn thu hút các nhà đầu tư.

    Hy Lạp đã huy động được 4,3 tỉ euro đầu tư chỉ từ “thị thực vàng” trong giai đoạn 2021-2023.

    Mua nhà chỉ là một giấc mơ

    Một báo cáo do Viện Kinh tế lao động (Đức) công bố hồi tháng 3 cho biết “thị thực vàng” đã giúp thúc đẩy phát triển kinh tế ở các quốc gia cung cấp chương trình này.

    Tuy nhiên, cũng theo báo cáo, các chính phủ cần cân bằng giữa việc thu được lợi ích kinh tế và phòng vệ trước những rủi ro tiềm ẩn, bao gồm cả hành vi rửa tiền và quá trình chỉnh trang đô thị tràn lan.

    Chỉnh trang đô thị là thuật ngữ đề cập đến những khu vực nơi đón làn sóng dân cư tầng lớp trung lưu và thượng lưu đổ xô đến, khiến bất động sản và hàng hóa tăng giá, buộc nhiều người thu nhập thấp phải rời đi vì không còn đủ khả năng thuê nhà, trang trải chi phí đắt đỏ.

    Sự thoái lui này xảy ra khi một cuộc khủng hoảng nhà ở lan rộng hơn đang bao trùm châu Âu. Sau nhiều năm thị trường bất động sản ở đây trải qua biến đổi sâu sắc, nhà ở ngày càng nằm ngoài tầm với của người lao động có thu nhập khiêm tốn, trong đó có cả bác sĩ, giáo viên và cảnh sát.

    Quá trình chỉnh trang đô thị đã lan rộng khắp các thành phố châu Âu trong nhiều thập niên, nhưng sự xuất hiện của Airbnb và các nhà cung cấp dịch vụ cho thuê ngắn hạn khác đã đẩy nhanh cuộc khủng hoảng.

    Điều đó đặc biệt rõ rệt ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, nơi các chủ sở hữu bất động sản nhận ra rằng họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn khi cho khách du lịch thuê thay vì cho người dân địa phương thuê. Các chương trình “thị thực vàng” càng đổ thêm dầu vào lửa.

    Ở Hy Lạp, nơi ban đầu cấp cho người nước ngoài thị thực cư trú 5 năm nếu họ đầu tư 250.000 euro, giá nhiều căn hộ và danh sách nhà ở xung quanh Athens và trên các hòn đảo nổi tiếng đột nhiên tăng vọt, vượt quá tầm với của hầu hết người dân.

    Quay trở lại với bác sĩ Barba, cô đã tiết kiệm tiền trong ba năm qua để trả trước tiền mua nhà. Barba từng thuê phòng trong một căn hộ chung ở Barcelona khi bắt đầu thực tập làm bác sĩ chuyên khoa dị ứng tại một bệnh viện ở trung tâm thành phố.

    Nhưng thu nhập hằng tháng của cô bị “ăn mòn” bởi các chi phí sinh hoạt cơ bản bao gồm thực phẩm, tiền thuê nhà và đi lại.

    Để tiết kiệm nhiều hơn, cô chuyển đến bệnh viện ở Madrid và hiện sống cùng bố mẹ ở ngôi làng ngoại ô, làm việc ngoài giờ để tăng mức lương lên 1.900 euro. Nhưng khi những ngôi nhà ở làng của cha mẹ Barba cũng có giá lên đến nửa triệu euro, cô cảm thấy vô vọng.

    “Mua nhà chỉ là một giấc mơ”, Barba nói.

    Theo TTXVN

  • Nhà giàu Mỹ đang có xu hướng xây dựng 'danh mục hộ chiếu' - những bộ sưu tập địa vị công dân nước thứ hai, thứ ba hoặc thậm chí là thứ tư - để phòng trường hợp cần di cư ra nước ngoài...

    Ngày càng có nhiều gia đình giàu có ở Mỹ xin cấp quốc tịch thứ hai như một cách để phòng ngừa rủi ro tài chính - công ty luật Henley & Partners chuyên dịch vụ quốc tịch và cư trú cho giới nhà giàu cho biết.

    Theo hãng luật hàng đầu này, nhà giàu Mỹ đang có xu hướng xây dựng “danh mục hộ chiếu” - những bộ sưu tập địa vị công dân nước thứ hai, thứ ba hoặc thậm chí là thứ tư - để phòng trường hợp cần di cư ra nước ngoài. Hiện nay, người Mỹ là những người xin thẻ cư trú dài hạn ở nước ngoài hoặc nhập thêm quốc tịch nhiều nhất thế giới.

    “Mỹ vẫn là một đất nước tuyệt vời. Hộ chiếu Mỹ vẫn tuyệt vời. Nhưng người giàu có nhu cầu phòng ngừa những biến động và bất ổn. Ý tưởng về sự đa dạng hóa là điều dễ hiểu đối với những người giàu khi họ nghĩ đến những gì mà họ đầu tư. Sẽ là không hợp lý khi chỉ có địa vị công dân ở một quốc gia trong khi một người giàu có khả năng đa dạng hóa về mặt này”, ông Dominic Volek - trưởng bộ phận phục vụ khách hàng cá nhân tại Henley & Partners - nói với hãng tin CNBC.

    ho chieu malta 2222

    Một vài ví dụ điển hình gần đây về người giàu xin quốc tịch thứ hai là tỷ phú công nghệ Peter Thiel, một công dân Mỹ nhập tịch New Zealand, hay cựu CEO Eric Schmidt của Google xin nhập tịch Cyprus.

    Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng người giàu Mỹ không ồ ạt xin nhập thêm quốc tịch nước ngoài và cũng không từ bỏ hộ chiếu Mỹ. Thay vào đó, nhiều người giàu Mỹ xin hộ chiếu hoặc thẻ cư trú nước ngoài để bổ sung cho cuốn hộ chiếu Mỹ của họ.

    Theo Henley, những quốc gia hàng đầu mà giới nhà giàu Mỹ lựa chọn khi xin hộ chiếu thứ hai bao gồm Bồ Đào Nha, Malta, Hy Lạp và Italy. Chương trình “visa vàng” của Bồ Đào Nha đặc biệt được ưa chuộng bởi mở ra cánh cửa cư trú và nhập tịch nước này, đi kèm với quyền đi lại không cần thị thực ở châu Âu. Để tham gia chương trình này, số tiền đầu tư cần rót vào Bồ Đào Nha là 500.000 euro, tương đương 541.000 USD. Malta cũng có chương trình visa vàng với số tiền đầu tư yêu cầu là 300.000 euro.

    “Nhập tịch Malta, bạn sẽ trở thành một công dân châu Âu, với đầy đủ các quyền định cư tại khắp châu Âu. Bởi vậy, bạn có thể sống ở Đức, con bạn có thể đi học ở Pháp, và bạn có quyền sống, học tập và làm việc ở khắp châu Âu”, ông Volek cho hay.

    Có ba lý do chính dẫn tới việc nhà giàu Mỹ xây dựng “danh mục hộ chiếu”. Đầu tiên, một hộ chiếu thứ hai giúp họ dễ dàng đi lại tới các quốc gia có mức độ thân thiện ít hơn với Mỹ.

    “Với bất ổn địa chính trị toàn cầu gia tăng, việc sở hữu hộ chiếu của một quốc gia khác, nhất là những nước được coi là trung lập hoặc ôn hòa về chính trị, mang lại giá trị đáng kể”, một báo cáo của Henley nhận định.

    Một lý do khác là các chuyến công tác có thể trở nên an toàn và ít bị chú ý hơn khi một người Mỹ sử dụng một cuốn hộ chiếu khác để nhập cảnh. Lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ có thể trở thành mục tiêu của “sự oán giận, các vụ bắt cóc, hoặc khủng bố ở một số quốc gia có mức độ rủi ro cao mà họ cần phải đến vì mục đích công việc” - theo báo cáo của Henley. Báo cáo lấy ví dụ về các trường hợp như vậy từ các nhà quản lý quỹ phòng hộ gặp khách hàng toàn cầu, cho đến nhà điều hành doanh nghiệp khai mỏ đi thăm mỏ. Ngoài ra, sử dụng một hộ chiếu thứ hai còn có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các giao dịch tài chính xuyên biên giới ở quốc gia mà người đó nhập quốc tịch mới.

    Cuối cùng, một số người giàu Mỹ muốn kế hoạch dự phòng cho trường hợp họ về hưu, chẳng hạn để được sống gần hơn với người thân đang sống ở nước ngoài, hoặc muốn có một phong cách sống mới trong kỷ nguyên làm việc từ xa. Một số người khác đưa ra lý do chính trị.

    “Chúng ta đều trong sống một thời kỳ có nhiều bấp bênh, không chỉ ở Mỹ mà trên toàn cầu. Ai biết được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Không chỉ cần tới kế hoạch B hay kế hoạch C, mà còn cần có cả kế hoạch D nữa”, ông Volek nói.

    Trên phạm vi toàn cầu, hoạt động di cư của giới triệu phú được dự báo sẽ lập đỉnh cao mới trong năm nay, do các yếu tố như chiến tranh, các quốc gia tăng cường kiểm soát về tài sản của giới giàu, và bất ổn chính trị. Ước tính sẽ có 128.000 triệu phú di cư trên toàn cầu trong năm nay, tăng từ mức 120.000 vào năm 2023 và 51.000 vào năm 2014 - theo Henley.

    Mỹ vẫn là điểm đến số 1 toàn cầu cho các triệu phú di cư, với số triệu phú ròng chuyển tới nước này trong năm 2023 là 2.200 người. Con số được dự báo sẽ đạt 3.500 người trong năm 2024, theo Henley.

    Trong khi đó, Trung Quốc là quốc gia có số triệu phú chuyển đi nhiều nhất, mất ròng 13.500 triệu phú trong năm 2023.

    “Cơ hội tạo sinh tài sản ở Mỹ không đứng sau bất kỳ một quốc gia nào khác trên thế giới”, ông Volek nhấn mạnh.

    Theo VnEconomy

  • Tây Ban Nha sẽ hủy bỏ chương trình thị thực vàng vốn được dùng để thu hút nhà đầu tư bất động sản bên ngoài Liên minh châu Âu (EU).

    Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 8/4 cho biết, trong tuần này, chính phủ của ông sẽ có những bước đi đầu tiên tiến tới hủy bỏ chương trình thị thực vàng.

    Chương trình này được ra đời từ năm 2013 và đã thu hút được hàng nghìn nhà đầu tư nước ngoài vào Tây Ban Nha. Theo cơ chế "thị thực vàng", Tây Ban Nha sẽ cấp quyền cư trú 3 năm cho các cá nhân bên ngoài EU với điều kiện đầu tư ít nhất 500.000 euro vào bất động sản ở nước này.

    Thủ tướng Sanchez cho hay, việc hủy bỏ chương trình thị thực vàng sẽ biến việc tiếp cận nhà ở giá rẻ trở thành "quyền thay vì hoạt động đầu cơ", giúp tăng lượng nhà ở giá rẻ cho người dân địa phương.

    visa tay ban nha

    "Ngày nay, 94 trong số 100 thị thực như vậy có liên quan đến đầu tư bất động sản tại các thành phố lớn, nơi đang phải đối mặt với thị trường căng thẳng cao độ. Những người đã sống, làm việc và đóng thuế ở đó gần như không thể tìm được nhà ở đàng hoàng", ông nói.

    Theo số liệu của chính phủ Tây Ban Nha, nước này đã cấp khoảng 5.000 chứng nhận thị thực vàng cho người nước ngoài kể từ khi chương trình bắt đầu cho đến tháng 11/2022. Trong đó, các nhà đầu tư Trung Quốc đứng đầu danh sách, tiếp đến là giới đầu tư Nga.

    Những người ủng hộ việc loại bỏ sáng kiến thị thực vàng luôn nhấn mạnh rằng, chương trình thị thực vàng sẽ khiến giá nhà đất tăng vọt. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế chỉ ra, vấn đề nhà đất của Tây Ban Nha không phải do chương trình thị thực vàng mà do thiếu nguồn cung và nhu cầu tăng.

    "Biện pháp được công bố hôm nay, tập trung vào người mua quốc tế thay vì khuyến khích nhà mới tung ra thị trường, lại là một sai lầm khác", trang web bất động sản Idealista nhận định.

    Tây Ban Nha là nước mới nhất trong khối EU lên kế hoạch bỏ thị thực vàng. Bồ Đào Nha và Ireland đã bỏ chương trình này từ năm 2023.

    Ủy ban châu Âu từ lâu đã kêu gọi hủy bỏ những chương trình như vậy do lo ngại rủi ro an ninh cũng như tham nhũng, rửa tiền, trốn thuế.

    Dân Trí (theo RT)

  • vn xin visa vang 1
    Mức độ tăng trưởng tài sản của Việt Nam được dự báo là 125% trong thập niên tới

    Theo Henley & Partners, khách hàng Việt Nam đứng thứ tư toàn cầu về số lượng đơn đăng ký chương trình đầu tư nhập tịch.

    Ông Dominic Volek, Giám đốc Kinh doanh của Công ty Henley & Partners chuyên về đầu tư di cư, nói với BBC News Tiếng Việt rằng số triệu phú gia tăng của Việt Nam sẽ là "cơ hội kinh doanh lớn" cho công ty ông.

    Còn Tiến sĩ kinh tế Huỳnh Thanh Điền trả lời BBC News Tiếng Việt ngày 28/2 rằng đầu tư nhập tịch tạo thuận lợi cho việc làm ăn. Tuy nhiên, vẫn có những bất cập cần lưu ý.

    Việt Nam vô địch tăng trưởng tài sản

    Công ty tình báo tài sản toàn cầu New World Wealth (Nam Phi) đã dự báo Việt Nam sẽ là nước có tốc độ tăng trưởng tài sản nhanh nhất thế giới - 125% trong thập niên tới, theo sau là Ấn Độ.

    Thuật ngữ "tăng trưởng tài sản" đề cập đến sự tăng hoặc giảm số lượng triệu phú trong một khoảng thời gian nhất định tính theo tỷ lệ phần trăm.

    Theo báo cáo của New World Wealth, tính tới tháng 12/2023, Việt Nam có 6 tỷ phú, có 19.400 người sở hữu tài sản trên 1 triệu USD và có 58 người có tài sản trên 100 triệu USD.

    Trong vòng một thập kỷ từ 2013-2023, Việt Nam giữ vị trí quán quân với mức độ tăng trưởng tài sản là 98% và dự kiến tăng nhanh hơn Trung Quốc trong một thập niên tới đây, theo ông Andrew Amoils, trưởng bộ phận phân tích từ New World Health.

    Cụ thể, Việt Nam được New World Wealth dự báo vẫn chiếm giữ vị trí đầu với mức tăng trưởng tài sản 125% trong 10 năm tới, trong khi với Trung Quốc, con số này chỉ ở mức 85%, giữ vị trí thứ 10.

    Ông Andrew Amoils nói với BBC News Tiếng Việt ngày 27/2 rằng, mức độ thịnh vượng chỉ mang tính dự báo nhưng Việt Nam có khả năng trở thành công xưởng sản xuất ngày càng được các công ty công nghệ, ô tô, điện tử, quần áo và dệt may đa quốc gia ưa chuộng.

    vn xin visa vang 1
    Mức độ tăng trưởng tài sản của Việt Nam được dự báo là 125% trong thập niên tới

    Tuy nhiên, ông Amoils lưu ý rằng Việt Nam có khởi điểm "tài sản bình quân đầu người" ở mức thấp hơn Trung Quốc nên tốc độ tăng trưởng tài sản dễ dàng hơn.

    Ông Amoils nói với BBC rằng Việt Nam là một quốc gia an toàn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây là yếu tố thu hút các tập đoàn đa quốc gia tới đầu tư tại Việt Nam.

    “Mức lương trung bình của lao động tại Việt Nam thấp là một yếu tố hấp dẫn các doanh nghiệp đặt nhà máy tại quốc gia này. Việt Nam hiện là đối thủ cạnh tranh chính với Ấn Độ và Trung Quốc," ông Amoils phân tích và thêm rằng, nếu Việt Nam tăng mức lương lao động trung bình thì sẽ mất lợi thế cạnh tranh.

    Cùng với mức tăng trưởng tài sản cao nhất, Việt Nam còn được ghi nhận về lượng đơn đăng ký chương trình đầu tư nhập tịch "tăng đột biến", theo số liệu mà Henley & Partners cung cấp cho BBC.

    Ông Volek, Giám đốc Kinh doanh của Henley & Partners, nói với BBC rằng: "Tính đến thời điểm hiện tại (năm 2024), xét ở khu vực Đông Nam Á, công dân Việt Nam chiếm gần 25% số đơn đăng ký chương trình đầu tư nhập tịch và là thị trường lớn thứ tư toàn cầu của công ty."

    Vì sao người giàu bỏ tiền mua quốc tịch?

    Với xếp hạng khá thấp, người cầm hộ chiếu Việt Nam thường gặp khó khăn trong vấn đề xin visa ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh hoặc khối Schengen.

    Theo ông Volek, hộ chiếu "yếu" cũng gây bất lợi lớn cho những người đi lại với mục đích làm ăn.

    “Không những phải xin visa để nhập cảnh, đôi khi họ [doanh nhân Việt Nam] còn bị từ chối cấp visa vì những lý do hành chính ngớ ngẩn,” ông Volek chia sẻ.

    Giới làm ăn Việt Nam cần đi nhiều nơi, tiếp cận các thị trường mới.

    Vì vậy, theo ông Volek, những người này nhận ra hạn chế của việc chỉ mang mỗi hộ chiếu Việt Nam.

    "Do đó, họ chắc chắn quan tâm đến các chương trình di cư đầu tư để tiếp cận các hộ chiếu quyền lực hơn," ông nói.

    vn xin visa vang 1
    Vị trí hộ chiếu Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á

    Tiết lộ từ phía công ty Henley & Partners cho thấy hầu hết khách hàng Việt Nam đăng ký chương trình đầu tư nhập tịch là những người sinh sống ở Hà Nội và TP HCM.

    Theo đó, khách hàng truyền thống là những người sáng lập và chủ sở hữu doanh nghiệp trong các ngành như dệt, may mặc, ô tô, bất động sản... Những năm gần đây, có sự xuất hiện thêm của các ngành mới nổi như fintech (tài chính công nghệ), kinh doanh tiền điện tử.

    Để tham gia vào các dự án đầu tư định cư, người ứng tuyển phải chi số tiền từ khoảng 100.000 USD tới 400.000 USD (gần 2,5 đến 9,9 tỷ đồng).

    Với các hồ sơ đầu tư định cư, chính phủ quốc gia nhận khoản đầu tư định cư sẽ thực hiện các bước thẩm định chuyên sâu. Những cá nhân được duyệt sẽ được cấp quốc tịch và hộ chiếu. Theo thống kê của Henley & Partners, Mỹ và Canada vẫn là điểm đến đứng đầu đối với người Việt. Một số điểm đến khác được lựa chọn bao gồm Cyprus (Síp), Malta, Grenada…

    Một lý do quan trọng khác mà người giàu Việt Nam tham gia những chương trình đầu tư quốc tịch này là cơ hội giáo dục cho con cái. Trong đó, nổi bật là chương trình EB5 của Mỹ hoặc tham gia khởi nghiệp ở Canada.

    Cuộc chiến Nga - Ukraine, xung đột ở Trung Đông và tới đây là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã tạo ra những "biến động". Do đó, các cá nhân có thu nhập ròng cao và đủ khả năng tài chính để phòng ngừa rủi ro thì theo ông Volek, một trong những cách tốt nhất là có được quyền bảo hộ công dân ở một nơi khác để dự phòng khi cần.

    vn xin visa vang 1
    Bảng xếp hạng hộ chiếu của Việt Nam trong vòng 10 năm, theo Henley Global Index

    Việt Nam không thuộc diện 'rủi ro'

    Hồi tháng 8/2020, tài liệu từ bài điều tra của Đài Al-Jazeera (Qatar) đã phản ánh việc hàng chục quan chức cấp cao trên thế giới và gia đình họ đã mua cái gọi là "hộ chiếu vàng" của Cyprus (Síp) từ tháng 11/2017 đến tháng 9/2019.

    Tiến sĩ kinh tế Huỳnh Thanh Điền nhận định với BBC rằng “nhiều quốc gia có chính sách cấp quốc tịch rất thoáng và sẽ dẫn đến những hành vi phạm tội, trục lợi.”

    Khi được hỏi liệu đây có phải lỗ hổng để các cá nhân thực hiện hành vi phạm tội như rửa tiền kiếm được từ kinh doanh phạm pháp hay tham nhũng, ông Điền lý giải rằng “chính phủ các nước cần ký kết hiệp ước liên quan tới vấn đề tội phạm”.

    Về vấn đề này, ông Volek đánh giá quá trình kiểm tra nguồn tiền là khó khăn nhất:

    “Chúng tôi muốn đảm bảo không có hoạt động rửa tiền nào được thực hiện. Số tiền được sử dụng phải là 'tiền sạch', thu được nhờ kinh doanh hợp pháp hoặc thừa kế,” ông Volek nói.

    Quá trình thẩm định này được chính phủ các nước liên kết với nhiều cơ quan quốc tế như Interpol (Cảnh sát hình sự quốc tế). Sau đó, người tham gia chương trình thường phải cung cấp giấy tờ có xác minh, đóng dấu từ phía cảnh sát.

    Tuy nhiên, ông Volek cho biết không phải quy trình thẩm định của công ty nào cũng nghiêm ngặt giống nhau. Vì thế, người trượt hồ sơ ở chỗ công ty ông có thể đến nơi khác nộp.

    Ông cho biết thêm, quy trình xét duyệt người có quốc tịch Việt Nam vẫn bình thường như những quốc gia khác, không thuộc diện có rủi ro cao hay cần phải tăng cường thẩm định như với người Myanmar hoặc Syria.

    Theo BBC Tiếng Việt

  • Ngày càng có nhiều đối tượng quan tâm tới 'hộ chiếu vàng' - một loại giấy tờ cư trú hợp pháp có thể mua được bằng tiền hoặc rất nhiều tiền.

    Thị trường 21,4 tỷ USD

    "Hộ chiếu vàng" là hộ chiếu được một quốc gia cấp để đổi lấy khoản đầu tư hoặc quyên góp lớn. Do đó, giới siêu giàu hiện nay có thể dễ dàng sở hữu loại giấy tờ nhiều đặc quyền này.

    Tuy nhiên, vì dễ sở hữu và nhiều đặc quyền nên "hộ chiếu vàng" đang trở thành công cụ thuận tiện của những đối tượng âm mưu trốn thuế, rửa tiền hoặc trốn án tù.

    Điển hình, Jho Low, người Malaysia - một trong những tội phạm bị truy nã gắt gao nhất thế giới có rất nhiều "hộ chiếu vàng".

    ho chieu vang 1

    Low đã được cấp hộ chiếu nhờ chi một khoản đầu tư lớn tại Saint Kitts và Nevis, một quốc đảo nhỏ bé ở Caribe vào năm 2011. Low cũng nắm trong tay hộ chiếu Malta và Síp.

    Theo Tiến sĩ Kristin Surak, Trường Kinh tế London, mỗi năm, khoảng 50.000 người có được quốc tịch thứ hai thông qua con đường này.

    Investment Migration Insider, một tạp chí chuyên về di cư, định giá thị trường "hộ chiếu vàng" thế giới trị giá khoảng 21,4 tỷ USD. Đến năm 2025, thị trường này dự kiến tạo ra doanh thu 100 tỷ USD cho các quốc gia được hưởng lợi từ nó.

    Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), hơn 100 quốc gia đang thực hiện một số chương trình cấp hộ chiếu để đổi lấy đầu tư/tài trợ. Phần lớn trong số này ràng buộc một số điều kiện nhất định, nhằm tránh tội phạm lợi dụng.

    Chẳng hạn như ở Canada, muốn được cấp hộ chiếu phải đầu tư từ 1,2 triệu đô la hoặc quyên góp từ 350.000 đô la. Song, họ sẽ phải đợi 5 năm trước khi có thể nhận được giấy tờ.

    ho chieu vang 1
    Thổ Nhĩ Kỳ đang là điểm đến “hot” đối với những người muốn sở hữu “hộ chiếu vàng”. Ảnh: AFP.

    Những "cái tên" được ưa thích

    Tuy nhiên, OECD đã cảnh báo ít nhất 14 quốc gia có các chương trình cấp quyền công dân và cư trú có nguy cơ cao khiến hiệp ước toàn cầu về ngăn chặn trốn thuế và rửa tiền không được tuân thủ đầy đủ.

    Phần lớn những cái tên trong số này là các quốc đảo Caribe: Antigua và Barbuda, Bahamas, Barbados, Dominica, Grenada, Saint Kitts và Nevis, và Saint Lucia. Vanuatu ở Nam Thái Bình Dương, các lãnh thổ hải ngoại của Anh như Turks và Caico, Seychelles ở Đông Phi cũng nằm trong danh sách trên.

    Ngoài ra, còn có một số quốc gia lớn hơn như: Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain, Síp và Malta.

    Những quốc gia nằm trong danh sách này của OECD đều đang có các chương trình cấp quyền công dân hoặc quyền cư trú dài hạn nhanh chóng và dễ dàng.

    Chỉ mất 3-4 tháng và số tiền quyên góp tối thiểu từ 100.000 USD là đã đủ để có được hộ chiếu ở Antigua và Barbuda, Dominica và Saint Lucia.

    Dễ dàng như vậy khiến những quốc gia trên là đối tượng yêu thích của những người trốn chạy truy tố hoặc đang tìm kiếm một nơi an toàn để tiếp tục hưởng lợi từ các hoạt động kinh doanh trái phép.

    Theo Interpol, các cơ quan quản lý chống rửa tiền và nhiều chính phủ đang gây áp lực để thắt chặt quản lý hoặc cấm hoàn toàn việc cấp "hộ chiếu vàng". Cho tới nay, họ đã đạt được một số thành công.

    Bulgaria đã chấm dứt chương trình cấp quốc tịch cho nhà đầu tư, trong khi Ireland và Bồ Đào Nha thông báo đang loại bỏ các chương trình "hộ chiếu vàng" từng rất phổ biến của mình.

    Tuy nhiên, việc cấm một số nước đóng chương trình "hộ chiếu vàng" cũng giống như việc bịt đầu này thì đầu khác hở ra. Ví dụ, Síp có thể dừng thực thi nhưng lại có quốc gia khác mở chương trình mới.

    Malta, một quốc gia thành viên EU khác, đã chiếm vị trí của Síp trong bảng xếp hạng những nơi dễ dàng nhất để sở hữu quốc tịch thứ hai, mặc dù yêu cầu chi phí cao hơn (từ 1,2 triệu euro).

    Ủy ban Châu Âu đã khởi kiện Malta ra Tòa án Công lý của EU. Tuy nhiên, ngay cả khi vụ kiện đó đang được tiến hành, các quốc gia khác như: Slovenia, Slovakia, Hungary và Áo vẫn đang tiếp tục các chương trình "hộ chiếu vàng" của riêng mình.

    Luật sư Michael Kosnitzky, từng giúp nhiều người giàu có sở hữu quyền công dân thứ hai, chia sẻ: "Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang là thị trường rất hot, chỉ yêu cầu đầu tư 400.000 USD, không yêu cầu thời gian lưu trú tối thiểu".

    Theo Baogiaothong

  • Những người bị tước quốc tịch bao gồm 3 nhà đầu tư và 7 người trong diện phụ thuộc. Tuy nhiên, danh tính và quốc tịch của những người này không được tiết lộ.

    Ngày 12/10, Cyprus thông báo sẽ tước quốc tịch của 10 cá nhân trong số hàng nghìn người được hưởng lợi từ chương trình "hộ chiếu vàng" của nước này.

    tich thu ho chieu vang cyprus

    Trong thông báo, người phát ngôn Chính phủ Cyprus Niovi Parisinou cho biết những người bị tước quốc tịch bao gồm 3 nhà đầu tư và 7 người trong diện phụ thuộc. Tuy nhiên, danh tính và quốc tịch của những người này không được tiết lộ.

    Cyprus đã cấp hộ chiếu cho hơn 7.000 người theo chương trình "hộ chiếu vàng," theo đó những cá nhân đầu tư tối thiểu 2 triệu euro (1,94 triệu USD) sẽ được cấp quốc tịch nước này. Chương trình đã thu hút nhiều nhà đầu tư Nga và châu Á.

    Kể từ tháng 10/2021, Cyprus đã tiến hành quá trình thu hồi quốc tịch của 60 nhà đầu tư và 159 người là thân nhân của họ. Cho đến nay, đã có 6 người bị tước quốc tịch.

    Năm 2020, Chính phủ Cyprus đã hủy chương trình đổi đầu tư lấy hộ chiếu sau khi xuất hiện loạt thông tin những đối tượng lừa đảo, trốn tránh luật pháp và các nhà đầu tư gian dối được hưởng lợi từ chương trình này.

    Liên minh châu Âu (EU) cũng thường xuyên bày tỏ quan ngại về chương trình. Các cuộc điều tra cho thấy chương trình đã được triển khai mà không có sự giám sát, với một số giao dịch đầu tư là giả.

    Nghị viện châu Âu thông qua luật chấm dứt chương trình "hộ chiếu vàng"

    Ngày 9/3, Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua một dự luật không mang tính ràng buộc, theo đó yêu cầu chấm dứt chương trình "hộ chiếu vàng" cấp quốc tịch Liên minh châu Âu (EU) cho các nhà đầu tư lớn nước ngoài. 

    Các nghị sỹ EP cũng yêu cầu áp dụng các quy định trên toàn EU về cấp "thị thực vàng" - loại thị thực cho phép định cư áp dụng theo cùng một nguyên tắc đối với việc cấp "hộ chiếu vàng."

    Động thái này được đưa ra trong bối cảnh các nước phương Tây áp đặt trừng phạt Nga liên quan vấn đề Ukraine.

    EP yêu cầu các quốc gia thành viên EU loại ngay lập tức các trường hợp công dân Nga xin cấp "hộ chiếu vàng" và "thị thực vàng" cũng như xem xét lại các trường hợp đã được phê duyệt những năm gần đây.

    Trước đó, Malta đã thông báo tạm ngừng cấp "hộ chiếu vàng" cho công dân Nga và Belarus cho đến khi có thông báo mới.

    Tháng 1/2022, chính phủ mới ở Bulgaria cũng thông qua một dự luật chấm dứt chương trình hộ chiếu này.

    Theo EP, từ năm 2011 đến 2019, ít nhất 130.000 người đã được cấp "hộ chiếu vàng" hoặc "thị thực vàng", đem lại 21,8 tỷ euro (24,1 tỷ USD) cho các quốc gia cấp các hộ chiếu và thị thực này./.

    Theo Vietnamplus

  • Sau nhiều năm mong chờ, gia đình anh Đức, 38 tuổi cư ngụ tại quận Cầu Giấy Hà Nội, một doanh nhân thành đạt, đã được tấm hộ chiếu để nhập cư vào Anh theo diện doanh nhân đầu tư.Cuộc sống mới ở thủ đô London hứa hẹn sẽ mang lại cho gia đình anh nhiều cơ hội mới.

    Anh và vợ đặt kế hoạch cho tương lai kinh doanh cũng như tận hưởng chất lượng cuộc sống ở xứ sở sương mù, và đặt lên kế hoạch cho tương lai của hai đứa con gái mình tiếp cận nền giáo dục tiên tiến nhất, và gia đình được hưởng chính sách chăm sóc sức khỏe y tế miễn phí.

    Thời tiết mát mẻ với cái nắng êm dịu vào mùa hè năm 2019 ở thủ đô London làm anh vui và hứng khởi. Sau khi tôi tư vấn giúp gia đình anh hoàn tất thủ tục giấy tờ có visa theo diện doanh nhân đầu tư, tôi hẹn gặp anh vào một buổi chiều tươi đẹp để uống cafe tại Starbucks trên con phố mua sắm sầm uất và nhộn nhịp ở Sloan Square, Quận Kensington và Chelsea.

    “Từ nay con cái của tôi có được môi trường sống tốt và chúng tôi đã có kế hoạch cho tương lai của mình ở đây,” anh Đức tỏ bày.Theo tôi biết, gia đình anh Đức là một trong rất đông gia đình Việt di cư mỗi năm.

    ho chieu vang den anh

    Ra đi từ sau 1975

    Chúng ta thường nghe nói về Giấc mơ người Mỹ: thuật ngữ nói về người di cư vượt qua rào cản của xã hội Mỹ và đạt được cơ hội, thịnh vượng, bình đẳng và thành công; và giúp cho kinh tế gia đình và con cái họ đi lên.

    Đó là một trong ước mơ của người Việt vào thập niên 1980 khi làn sóng của người Việt vượt biên bắt đầu để tìm đến vùng đất mới an lành.

    Giấc mơ Mỹ tập hợp các quyền tự do và bình đẳng, có cơ hội để thịnh vượng và thành công, cũng như sự thăng tiến và vươn lên trong xã hội Mỹ. Tính đến năm 2017 số người gốc Việt ở Hoa Kỳ là 1,3 triệu, chiếm 3% dân số và lớn thứ 6 đại diện cho nhóm sinh ra ở nước ngoài tại Mỹ.

    Trong những thập niên 1990 khi Việt Nam bắt đầu mở cửa hòa nhập với nền kinh tế thế giới, người Việt đã tìm nhiều cách để định cư nước ngoài.

    Phổ biến nhất là phong trào đi xuất khẩu lao động qua các nước phát triển ở khu vực châu Á như Nhật, Hàn Quốc - trước đó đã có làn sóng xuất khẩu lao động sang Liên Xô và Đông Âu – và mục tiêu ra đi vẫn luôn là để có cơ hội nghề nghiệp với mức lương tốt hơn và tương lai rộng mở.

    Nhưng người Việt không chỉ đi xuất khẩu lao động phổ thông như trước và tìm cách ở lại qua các cách khác nhau, mà đi định cư theo diện đầu tư của các nước phát triển.

    Theo báo cáo của Tổ chức Di cư Quốc tế, hàng năm có hơn 100,000 người Việt di cư, và các nhà giàu người Việt Nam chọn các nước truyền thống có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Canada, Úc và châu Âu là địa điểm hàng đầu để đi định cư.

    Những năm gần đây, Anh Quốc, Ireland, Malta, Tây Ban Nha, Cyprus và Hy Lạp đã trở thành điểm đến ưa thích của người giàu Việt Nam nhờ quy chế cho phép nhà đầu tư và doanh nhân chỉ cần bỏ tiền ra mua bất động sản hay đầu tư vào các cổ phiếu hay mua lại doanh nghiệp có sẵn, là họ có thể có trong tay một tấm hộ chiếu có giá trị và quyền lực.

    Riêng với nhóm có khi điều kiện kinh tế cho phép, nhiều gia đình Việt Nam ban đầu cho con đi du học nước ngoài, rồi sau đó mở đường cho cha mẹ theo chân sang định cư.

    Số lượng người Việt đi du học ở các phương Tây tăng nhiều. Hiện tượng du học đã nổi lên rầm rộ hơn 15 năm nay, và nhiều du học sinh đi học và tìm cách ở lại. Lượng người Việt ở nước ngoài tăng lên dần theo diện đoàn tụ gia đình và vì các du học sinh ở lại.Nhà giàu Việt nay đi đâu?

    Vào thời điểm này, khi kinh tế VN đã hội nhập mạnh với nền kinh tế thế giới, dòng vốn đầu tư nước ngoài về Việt Nam rất nhiều thì giới nhà giàu Việt tăng lên đáng kể. Từ đó chúng ta thấy có một dòng chảy khác: dòng người ra đi.

    Báo cáo của Wealth-X và Knight Frank đều nhận định rằng số lượng người siêu giàu Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh. Theo Wealth-X, người siêu giàu là các cá nhân có tài sản trên 30 triệu USD và Việt Nam nằm trong nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh nhất thế giới giai đoạn 2012-2017. Những nhà giàu có đó đã tìm cách mua nhà định cư ở nước ngoài.Theo số liệu tôi tìm hiểu thì nhóm người này đã chi ra khoảng 11-13 tỉ USD mỗi năm, thông qua các dự án đầu tư nhà đất hay các dự án nhằm hợp thức hóa thị thực định cư hay quyền thường trú nhân.

    Châu Âu và cơ hội định cư

    Trong vài năm trở lại đây, ngày càng có nhiều nhà đầu tư Việt quan tâm tới châu Âu khá nhiều. Cụ thể tôi biết về các trường hợp mong chờ cơ hội sở hữu thẻ định cư dài hạn và hộ chiếu Anh và Ireland; Giao dịch của khách hàng người Việt đến Anh Quốc tăng dần thông qua chương trình định cư vì thông điệp của Vương Quốc Anh rất rõ ràng, họ chỉ chào đón các nhà đầu tư có điều kiện và nhà giàu.

    Nếu bạn hơn 18 tuổi, không có tiền án, tiền sự và đem 2 triệu bảng Anh (60 tỷ VND) đầu tư vào Anh Quốc và số tiền đó phải chi vào kinh doanh, thì bạn dễ dàng được cấp thị thực diện doanh nhân định cư 3 năm và 4 tháng cho lần cấp đầu; Sau đó bạn sẽ được quyền gia hạn visa thêm hai năm ở lại Anh và sau 5 năm bạn có quyền xin thẻ định cư. Trong chương trình này bạn có thể bảo lãnh gia đình và người thân của mình đoàn tụ.

    Bộ Nội vụ Anh sẽ cấp cho bạn thị thực định cư vĩnh viễn nhanh hơn nếu trong trường hợp, trong vòng 3 năm đầu bạn có hơn 5 triệu bảng và chỉ 2 năm nếu như bạn có hơn 10 triệu để đầu tư. Sau khi có thẻ định cư vĩnh viễn hơn một năm, bạn có quyền xin nhập tịch và nhận hộ chiếu Anh Quốc.

    Một ví dụ khác là CH Ireland, nước không bắt buộc người nước ngoài phải lưu trú một số ngày nhất định trong năm mới được cấp thẻ định cư. Nếu bạn mua một căn nhà Ireland từ 2 triệu Euro, thì bạn đã có cơ hội định cư ở đất nước này. Bên cạnh đó, xu hướng “đầu tư di cư”, “hay đầu tư để nhập tịch” và “di cư vốn” cũng ngày một rõ nét hơn ở đất nước nói tiếng Anh này. Nếu các nhà giàu phải đầu tư ít nhất 1 triệu euro vào một doanh nghiệp Ireland đủ điều kiện trong ít nhất ba năm là bạn có cơ hội định cư vĩnh viễn và sau đó là có quốc tịch Ireland.

    Suy nghĩ của người ra đi là gì?

    Sau tám năm làm công việc tư vấn ở London, tôi gặp gỡ nhiều nhà đầu tư giàu có và thành đạt từ Việt Nam. Phải nhận thấy đại đa số họ luôn trăn trở là làm cách nào để con cái họ được hưởng một nền giáo dục tiên tiến, gia đình được hưởng chính sách y tế tốt nhất và miễn phí.

    Họ cũng than làm sao để được sống trong một xã hội văn minh và gia đình được hưởng chế độ phúc lợi và an sinh xã hội tốt, nắm trong tay những hộ chiếu hùng mạnh nhằm tạo ra lợi thế cho thế hệ sau này trong xu thế hội nhập quốc tế.

    Một thực tế hiện nay là hộ chiếu của Việt Nam còn rất nhiều hạn chế để tự do đi lại đến các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Giáo dục, chất lượng cuộc sống ở Việt Nam vẫn còn rất thấp hơn so với các nước trong khu vực. Môi trường ô nhiễm kéo dài khiến sức khỏe của con người cũng ngày càng giảm. Tôi hiểu rằng chừng nào nào những giá trị căn bản đó chưa được cải thiện, thì giới nhà giàu Việt sẽ vẫn còn đi tìm kiếm những nơi “đất lành, chim đậu”.

    Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của ông Thoi Nguyễn, hiện sống và làm việc tại London. Tác giả cũng từng có các bài đăng trên báo Việt Nam và trang The Diplomat.

    Theo BBC News Tiếng Việt

  • Chính phủ Síp quyết định chính thức tước hộ chiếu của 45 người nhận quốc tịch thông qua một chương trình đầu tư đầy tai tiếng.

    Đài RT dẫn lời phát ngôn viên chính phủ Síp, ông Marios Pelekanos cho biết Hội đồng Bộ trưởng nước này hôm 15-10 đã quyết định tước bỏ “quyền công dân Síp đối với 39 nhà đầu tư và 6 thành viên trong gia đình họ”.

    Chính phủ Síp cũng đang điều tra thêm sáu trường hợp, và đã đặt 47 trường hợp khác “vào sự giám sát liên tục trên cơ sở các thủ tục được cung cấp”.

    ho chieu sip ho chieu vang visa vang

    Vào tháng 10 năm ngoái, Síp đã đồng ý chấm dứt chương trình Hộ chiếu vàng (Golden Passports) từ ngày 1-11 cùng năm, sau khi đài truyền hình Al Jazeera phát sóng một bộ phim tài liệu cho thấy các phóng viên đóng vai người dàn xếp cho một doanh nhân Trung Quốc hư cấu đang tìm kiếm hộ chiếu Síp mặc dù có tiền án.

    Chủ tịch Quốc hội Síp Demetris Syllouris và một nghị sĩ đối lập đã bị quay phim bí mật khi đang cố gắng hỗ trợ cuộc dàn xếp này, theo hãng tin AFP.

    Những người này sau đó đã từ chức, mặc dù cả hai đều khẳng định họ vô tội trước bất kỳ hành vi sai trái nào.

    Al Jazeera đưa tin hàng chục người nộp đơn xin cấp hộ chiếu thông qua chương trình này đang bị điều tra hình sự, trừng phạt quốc tế hoặc thậm chí phải chịu án tù.

    Chương trình Hộ chiếu vàng của Síp cho phép người nước ngoài có quyền cư trú và quyền công dân để đổi lại việc đầu tư hàng triệu USD vào nước này. Cụ thể, các cá nhân chí ít phải đầu tư 2 triệu euro (2,43 triệu USD) vào các bất động sản ở Síp bên cạnh khoản đóng góp cho quỹ nghiên cứu của chính phủ.

    Kế hoạch này đã thu hút các nhà đầu tư nước ngoài giàu có và được cho là đã huy động được 7 tỉ euro (8,12 tỉ USD) trước khi chính quyền Nicosia thừa nhận nó đã bị để ngỏ cho “sự khai thác mang tính lạm dụng”.

    Khoảng 7.000 người được cho là đã có được quyền công dân theo kế hoạch nói trên trước khi nó bị bãi bỏ. Một ủy ban do chính phủ chỉ định sau đó phát hiện hơn 53% những người nhận hộ chiếu thông qua kế hoạch này đã làm điều đó một cách bất hợp pháp.

    Khi một cá nhân nhận được hộ chiếu Síp, họ sẽ có thể đi du lịch, làm việc và cư trú tại bất kỳ quốc gia thành viên nào khác trong Liên minh châu Âu (EU). Trước đó, Ủy ban châu Âu đã chỉ trích Síp vì đã cấp những hộ chiếu này, cho rằng “các giá trị châu Âu không phải để bán” và cáo buộc Síp “buôn bán quốc tịch châu Âu để thu lợi nhuận tài chính”.

    Theo Plo

  • Nghi phạm đang bỏ trốn liên quan vụ tham nhũng lớn nhất Malaysia bị phát hiện đã chi ít nhất 7.2 triệu USD để tìm cách mua hộ chiếu của Cyprus.

    Jho Low, tỷ phú đang chạy trốn lệnh truy nã của cảnh sát Malaysia, bị phát hiện tìm cách mua "hộ chiếu vàng" cho phép tên này nhập cảnh vào các nước EU, Guardian ngày 3/2 đưa tin.

    Low ký hợp đồng với hãng luật Henley & Partners từ năm 2005 để giúp ông ta mua hộ chiếu Cộng hòa Cyprus. Hãng luật cho biết đã từ chối cung cấp dịch vụ cho Low, đồng thời hướng dẫn ông ta làm việc với một bên thứ ba.

    Tuy nhiên, chứng từ và email thu được cho thấy văn phòng của Henley & Partners tại Cyprus đã làm việc trực tiếp với Low, hướng dẫn tên này thực hiện các thủ tục cần thiết để đầu tư mua bất động sản và đăng ký xin cấp hộ chiếu.

    ho chieu vang cyprus
    Jho Low được cho là đang lẩn trốn ở Trung Quốc. Ảnh: Business Insider.

    Tháng 11/2016, tức 5 tháng sau khi Bộ Tư pháp Mỹ xác định Low là một trong các chủ mưu liên quan vụ án 1MDB, tỷ phú gốc Hoa này đã đề nghị Henley & Partners giúp mua một bất động sản lớn hơn, tức có giá trị cao hơn, ở Cộng hòa Cyprus.Theo sự hướng dẫn của văn phòng Henley & Partners tại Cyprus, Low đã chuyển 7.2 triệu USD vào một tài khoản ký quỹ để chi tiêu trong vụ đầu tư mua hộ chiếu.

    Người phát ngôn của Henley & Partners cho biết hãng này "hoàn toàn chắc chắn không làm gì sai trái". Tuy nhiên, Henley & Partners thừa nhận "có thể một số nhân viên" của hãng này có liên quan tới Low trên phương diện cá nhân.

    Low đang bị nhà chức trách Malaysia truy nã do có liên quan tới vụ án tham nhũng 1MDB gây thất thoát 4.5 tỷ USD cho ngân sách nước này. Trước đó, Low được cho là đang lẩn trốn ở Trung Quốc.

    Năm ngoái, chương trình "hộ chiếu vàng" của Cộng hòa Cyprus trở thành tâm điểm chú ý của dư luận sau phóng sự điều tra của Al Jazeera hé lộ danh tính hàng chục quan chức nhiều nước mua quốc tịch thông qua chương trình này.

    Tới tháng 10/2020, trước sức ép của Liên minh châu Âu EU, Cộng hòa Cyprus thông báo dừng chương trình "hộ chiếu vàng".

  • Khối Liên minh châu Âu (EU) chịu sức ép phải hành động sau khi cuộc điều tra tháng rồi của đài Al Jazeera phát hiện hàng chục cá nhân được cấp hộ chiếu vàng ở Cyprus trong giai đoạn 2017-2019 dù thuộc nhóm "rủi ro cao" theo quy định của đảo quốc này

    Suốt nhiều năm, giới nhà giàu Trung Quốc đã rót tiền đầu tư vào Cyprus và Malta để đổi lấy hộ chiếu khối Liên minh châu Âu (EU), còn được gọi là "hộ chiếu vàng", cho phép người sở hữu tự do đi lại và làm việc trên khắp cả khối. Tuy nhiên, Brussels muốn chấm dứt chương trình này.

    Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đầu tháng này tuyên bố "các giá trị của châu Âu không phải để bán", đồng thời nhấn mạnh "những hành vi vi phạm quy tắc pháp luật phải bị xử phạt". Theo báo South China Morning Post, EU đang cân nhắc phương án đưa các nước thành viên bán "hộ chiếu vàng" ra tòa nhằm gây sức ép chính trị, buộc họ chấm dứt chính sách này.

    Tổ chức phi chính phủ Minh bạch quốc tế (Đức) cho biết trong giai đoạn 2008-2018, EU chào đón thêm 6.000 công dân và gần 100.000 cư dân thông qua chương trình "hộ chiếu vàng", Cyprus và Malta là mục tiêu phổ biến nhất với các nhà đầu tư Trung Quốc.

    "Vì bản chất của hộ chiếu EU, những chương trình như vậy sẽ gây ảnh hưởng đến cả khối… EU thường xuyên trình bày nỗi lo liên quan đến chương trình đầu tư đổi quốc tịch và rủi ro đi kèm, như rửa tiền, trốn thuế và tham nhũng" - người phát ngôn của EC nhìn nhận, đồng thời tiết lộ Ủy viên Tư pháp EU Didier Reynders đã liên hệ với 3 nước thành viên để trực tiếp trình bày những nỗi lo này.

    khai tu ho chieu vang
    Theo đài Al Jazeera, chương trình cấp “hộ chiếu vàng” của CH Cyprus từ năm 2017 đến 2019 có cấp cho một số nhân vật liên quan các tội danh rửa tiền, trốn thuế và tham nhũng Ảnh: Knews.com.cy

    EU chịu sức ép phải hành động sau khi cuộc điều tra tháng rồi của đài Al Jazeera phát hiện hàng chục cá nhân được cấp "hộ chiếu vàng" ở Cyprus trong giai đoạn 2017-2019 dù thuộc nhóm "rủi ro cao" theo quy định của đảo quốc này.

    Bất chấp những tuyên bố cứng rắn của EU, các công ty tư vấn di trú Trung Quốc dường như không bận tâm khi tiếp tục quảng bá lộ trình lấy "hộ chiếu vàng". Họ khẳng định chương trình này sẽ không chấm dứt, bởi nó mang lại nguồn thu khổng lồ cho Cyprus, Malta, Bồ Đào Nha và thậm chí là Tây Ban Nha.

    "EU là một tổ chức chưa chặt chẽ và chủ tịch EU không thể lên tiếng thay chính phủ các nước thành viên" - bà Crystal Tan, Giám đốc Công ty Tư vấn di trú Cheuk Yuet (Trung Quốc), khẳng định.

    Để được cấp "hộ chiếu vàng" (nhập tịch) ở Cyprus, một cá nhân cần đầu tư ít nhất 2,6 triệu USD nhưng không nhất thiết phải sinh sống tại quốc đảo này. Trong vòng 6 tháng, họ sẽ sở hữu hộ chiếu EU với quyền cư trú và làm việc trên khắp 27 nước thành viên của khối, cũng như quyền miễn thị thực tới hơn 170 quốc gia trên toàn thế giới.

    Tại Malta, các nhà đầu tư có thể được cấp hộ chiếu nếu họ quyên góp 756.000 USD cho quỹ phát triển quốc gia, đầu tư 174.000 USD vào cổ phiếu hoặc trái phiếu được chính phủ phê duyệt, mua bất động sản trị giá tối thiểu 407.000 USD và cam kết cư trú trong ít nhất 5 năm. Tương tự, công dân các nước không thuộc EU có thể sở hữu hộ chiếu Bồ Đào Nha nếu họ chi ít nhất 580.000 USD để mua một bất động sản. Với những khu vực thưa dân cư hoặc nằm trong diện tái phát triển, số tiền này sẽ thấp hơn. 

    Luôn có phương án thay thế?

    EU không thể cấm những chương trình như trên của các nước thành viên, song họ đang tìm cách biến chúng thành những chương trình bất hợp pháp. Hiện vẫn chưa rõ quá trình này sẽ mất bao lâu trong khi nhiệm kỳ của Chủ tịch Ursula von der Leyen chỉ kéo dài 5 năm.

    Dù vậy, kể cả khi các nước thành viên EU chấm dứt chính sách "hộ chiếu vàng", bà Tan khẳng định giới đầu tư Trung Quốc vẫn sẽ có nhiều phương án khác, bao gồm Saint Kitts và Mexico - những quốc gia đang triển khai chương trình tương tự.

    "Với khách hàng Trung Quốc, miễn là hộ chiếu mới có thể giúp họ di chuyển thuận tiện hoặc chuyển tiền ra nước ngoài, nhu cầu vẫn luôn luôn ở đó" - nữ giám đốc này khẳng định.

  • Cyprus tước 'hộ chiếu vàng' đã trao cho nhà đầu tư TQ, Campuchia và một số nước vì bị phê phán 'bán quốc tịch'.

    Cộng hòa Cyprus (đảo Síp, nước thành viên EU) đã thu hồi "hộ chiếu vàng" được mua bởi 26 nhà đầu tư nước ngoài giàu có cho bản thân và thân nhân vốn là dân các nước ngoài khối EU.

    Theo nguồn tin, những người này gồm chín người Nga, tám người Campuchia và năm người Trung Quốc. Số còn lại đến từ Malaysia, Kenya và Iran.

    Cộng hòa Cyprus cấp hộ chiếu EU cho các khoản đầu tư trị giá ít nhất hai triệu euro.

    Hồi đầu năm 2019, Liên hiệp châu Âu (EU) đã yêu cầu các quốc gia thành viên thắt chặt việc kiểm tra công dân ngoài EU tìm cách nhận hộ chiếu EU thông qua các khoản đầu tư.

    Có những lo ngại rằng "hộ chiếu vàng" có thể là một cửa hậu vào EU cho các băng đảng tội phạm hoặc các quan chức chính phủ tìm cách rửa tiền, hoặc trốn thuế tại nước của họ.

    Điều tra của hãng tin Reuters tháng trước cho thấy có cộng sự và người thân của Thủ tướng Campuchia Hun Sen bị cho là liên quan đến hộ chiếu CH Cyprus.

    Điều tra của Reuters nêu ra danh sách những người giàu có ở Campuchia mà hãng tin này nói, đã nhận quốc tịch đảo Cyprus, gồm cả cháu gái thủ tướng lâu năm Hun Sen, bà Hun Kimleng và chồng, đại tướng công an Neth Savoeun.

    Cùng lúc, việc dùng hộ chiếu giả hoặc thật của các nước láng giềng như Trung Quốc được cho là cách để một số người Việt Nam không phải là triệu phú dùng để di dân trái phép.

    Một chuyên gia về tình trạng buôn người, Georges Blanchard, người Pháp sống ở Hà Nội cho rằng nhận xét đường đi và kỹ thuật đưa đi của các tổ chức buôn người từ Việt Nam sang Anh đã thay đổi trong thời gian qua.

    Trước đây Anh Quốc thường kiểm tra rất kỹ các chuyến bay đến từ Việt Nam, nhưng bây giờ "người ta đổi hộ chiếu và sẽ đi như người Trung Quốc vì bên nước Anh kiểm tra người Việt Nam là nhiều hơn", ông nói với BBC News Tiếng Việt.

    "Vì thế, báo cáo mới nhất của IMO (Tổ chức Di dân Quốc tế) chứng minh đường buôn bán từ Việt Nam sang Anh đã là chuyện cũ.

    "Người ta sẽ đổi kỹ thuật đi. Có thể tương lai là sẽ thấy người Việt Nam mang hộ chiếu Nhật, Hàn Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan chẳng hạn," ông Blanchard nói.

    Theo một bảng phân hạng hộ chiếu trên toàn cầu 2016, dựa vào số quốc gia cho phép miễn thị thực thì hộ chiếu Việt Nam ở vào vị trí 77/95, kém Cuba và Zimbabwe.

    Các dòng người di dân lậu từ Việt Nam tăng lên, và vụ 39 công dân nước này chết thảm trong xe tải trên đường vào Anh lập tháng 10/2019 sẽ chỉ khiến việc kiểm soát người mang hộ chiếu Việt Nam ở các cửa khẩu châu Âu chặt chẽ thêm.

    Theo BBC Vietnamese

  • Bạn có thể có nó từ khi sinh ra, bạn có thể kiếm được nó, và bạn có thể mất nó. Gần đây, bạn cũng có thể dùng tiền đầu tư để đổi lấy nó.

    (Ảnh minh họa) 

    "Nó" là quyền công dân của một quốc gia nào đó, và điều này đang trở thành một khái niệm uyển chuyển hơn bao giờ hết. Chỉ 50 năm trước, hiếm khi thấy các quốc gia cho phép người dân có hai quốc tịch, nhưng giờ đây đó là chuyện là phổ biến.

    Hơn một nửa số quốc gia trên thế giới hiện có các chương trình đầu tư đổi hộ chiếu. Theo một chuyên gia, luật sư người Thụy Sĩ Christian Kalin, giờ đây hộ chiếu là một ngành công nghiệp toàn cầu trị giá 25 tỷ đôla mỗi năm.

    Ông Kalin, người được mệnh danh là "Mr Passport", là chủ tịch của Henley & Partners, một trong những công ty lớn nhất thế giới trong thị trường đang phát triển nhanh chóng này. Kinh doanh toàn cầu của ông giúp các cá nhân giàu có và gia đình họ có được quyền cư trú hoặc quyền công dân ở các quốc gia khác.

    Ông nói rằng các quan niệm truyền thống về tư cách công dân của chúng ta đã "lỗi thời" và "đây là một trong số ít những thứ còn lại trên thế giới vẫn gắn liền với dòng máu hoặc nơi bạn sinh ra". Ông cho rằng cần sớm có quan niệm mới về điều này.

    Chính phủ quốc đảo Vanuatu ở Thái Bình Dương đang bán hộ chiếu với giá khoảng 150.000 đôla 

    "Thật không công bằng." Kalin nói rằng nơi một người sinh ra không liên quan gì đến kỹ năng hay tài năng của họ, đó chỉ là "may mắn thuần túy". "Có gì là sai trái trong việc coi tư cách công dân như một dạng hội viên? Và có gì sai khi nhận những người tài năng sẽ đóng góp cho quốc gia mình?"

    Có người ủng hộ lập luận của ông. Nhưng với nhiều người, ý tưởng hộ chiếu vồn gắn liền với danh tính, theo một cách nào đó trở thành một mặt hàng, không phù hợp.

    Con đường đầu tư đổi hộ chiếu đưa chúng tôi đến đảo quốc Vanuatu nhỏ bé ở Thái Bình Dương. Kể từ khi nước này đưa ra chương trình cấp tư cách công dân bốn năm trước, họ đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ những người tìm kiếm hộ chiếu thứ hai. Đây hiện là nguồn thu lớn nhất của chính phủ.

    Đối với nhiều người muốn có hộ chiếu Vanuatu, sự hấp dẫn lớn nhất là du lịch miễn visa khắp châu Âu.

    Hầu hết những người nước ngoài nhận hộ chiếu Vanuatu thậm chí còn không bao giờ đặt chân vào đất nước này. Thay vào đó, họ nộp đơn xin quyền công dân tại các văn phòng ở nước ngoài, như PRG Consulting, nhà môi giới tư cách công dân Vanuatu, có trụ sở tại Hong Kong.

    Hong Kong là một trong những thị trường kinh doanh tư cách công dân lớn nhất thế giới. Trong một quán cà phê ở sân bay Hong Kong, chúng tôi gặp tư vấn viên MJ, một doanh nhân đang giúp ngày càng nhiều người Trung Quốc đại lục có được hộ chiếu thứ hai hoặc thậm chí thứ ba.

    Ông nói khách hàng của mình "không cảm thấy an toàn [ở Trung Quốc, họ tới châu Âu để mở tài khoản ngân hàng, mua bất động sản hoặc kinh doanh."

    MJ nói rằng nhiều người Trung Quốc giàu có sử dụng hộ chiếu Vanuatu để đến châu Âu. 

    Kinh doanh tư cách công dân là một thị trường quốc tế đầy cạnh tranh, và với nhiều quốc gia nhỏ hay các quốc đảo, đặc biệt là ở vùng biển Caribbean - giá cho một hộ chiếu chỉ vào khoảng 150.000 đôla. Chi phí của hộ chiếu Vanuatu được cho là ở cùng mức.

    Giá mua hộ chiếu là bao nhiêu?

    • Antigua và Barbuda; từ 100.000 đôla
    • Saint Kitts và Nevis; từ 150.000 đôla
    • Montenegro; từ $ 274.000
    • Bồ Đào Nha; từ 384.000 đôla
    • Tây Ban Nha; từ 550.000 đôla
    • Bulgaria; từ $ 560.000
    • Malta; từ 1 triệu đôla
    • Hoa Kỳ: từ 500.000 đến 1 triệu đôla đầu tư vào một doanh nghiệp tạo ra 10 việc làm
    • Anh: từ 2,5 triệu đôla

    MJ cho biết, hộ chiếu Vanuatu được cấp "rất nhanh" (bạn có thể nhận được chỉ trong vòng 30 ngày), và điều đó giúp làm cho nó trở thành một lựa chọn phổ biến. Nhưng ông Kalin và những người khác cảnh báo rằng Vanuatu có tiếng xấu về tham nhũng. Do đó, Henley & Partners và những người khác không làm việc với chương trình công dân Vanuatu. Tuy nhiên, điều này không cản được người Trung Quốc. Một vài năm trước, các kênh truyền hình Hong Kong đã phát sóng các quảng cáo truyền quảng bá tư cách công dân Vanuatu, nhằm vào lượng khách hàng ổn định từ đại lục. Vậy có bao nhiêu khách hàng Trung Quốc thực sự ghé thăm Vanuatu, sau khi nhận được tư cách công dân? Có lẽ một trong 10, MJ ước đoán.

    Port Vila, thủ đô của Vanuatu, là một thành phố đầy tương phản. Các con đường thường ngập đầy ổ gà. Không có đèn giao thông, nhưng tình trạng tắc nghẽn đang trở nên tồi tệ hơn do số ô tô ngày càng tăng.

    Đây là một thiên đường cho người tránh thuế, và gần đây đã quay trở lại "danh sách đen" của EU, về các vấn đề minh bạch và tham nhũng.

    Người dân Vanuatu - được gọi là Ni Vanuatu - chỉ được chính thức công nhận là công dân từ năm 1980, khi đất nước giành được độc lập. Trước đây, nó là thuộc của Anh-Pháp, được gọi là New Hebrides, và người dân sống rải rác trên một chuỗi hơn 80 hòn đảo.

    Chưa đầy 40 năm trước, họ không quốc tịch. Một thực tế không thể quên với cựu Thủ tướng Barak Sope.

    Cựu Thủ tướng Barak Sope nói rằng chương trình tư cách công dân của Vanuatu là một "sự phản bội". 

    "Tôi không có hộ chiếu cho đến năm 1980," ông nói, ngồi trong một khách sạn kiêm sòng bạc trên con phố chính của Port Vila. "Tôi đã phải đi du lịch với một mảnh giấy mà người Anh và người Pháp cấp cho. Thật là nhục nhã."

    Ông Sope nói rằng bán quyền công dân của mình là một "sự phản bội" đối với Vanuatu và chỉ ra cơn sóng đầu tư của Trung Quốc trong khu vực. "Người Trung Quốc nhiều tiền hơn chúng ta rất nhiều", ông nói trong bực tức.

    Những người dân địa phương như ông Sope chỉ trích đầu tư của Trung Quốc, họ phàn nàn rằng các công ty Trung Quốc giữ tất cả tiền và chỉ mướn người Trung Quốc.

    Chính phủ toàn nam giới của Vanuatu không muốn nói với chúng tôi về kế hoạch công dân của mình. Đây cũng là một trong ba quốc gia duy nhất trên thế giới nơi phụ nữ hoàn toàn bị loại khỏi chính trị. Nhưng chúng tôi đã tìm tới một tư vấn viên được chỉ định bởi chính phủ, Bill Bani, người đã giải thích về vai trò ông trong chương trình này.

    Bill Bani nói rằng chương trình công dân là một nguồn tiền quan trọng của Vanuatu. 

    "Chúng tôi phải đặt Vanuatu trong bối cảnh toàn cầu," ông nói. "Các quốc gia khác bán hộ chiếu để kiếm sống, chúng tôi không có nhiều tài nguyên thiên nhiên. Hộ chiếu mang lại rất nhiều tiền cho Vanuatu."

    Nhưng đối với những người sống ở nông thôn, chính sách này đã gây tranh cãi rất nhiều kể từ khi ra mắt năm 2015.

    Anne Pakoa, một lãnh đạo cộng đồng, cho chúng tôi thấy quanh một ngôi làng điển hình được làm bằng tôn. Chỉ cách các cửa hiệu, nhà hàng ở thủ đô 10 phút lái xe nhưng đây như một thế giới khác.

    Anne nói rằng các cộng đồng địa phương không thấy tiền từ việc bán hộ chiếu, mặc dù được hứa rằng chương trình này sẽ xây dựng lại cơ sở hạ tầng và nhà cửa sau cơn bão Pam năm 2015.

    Anne Pakoa nói rằng các làng quê của nước mình chưa thấy tiền. 

    "Tổ tiên của chúng tôi đã chết vì tự do của chúng tôi. Bây giờ người khách cũng mang cùng một hộ chiếu xanh mà tôi có? Với 150.000 đôla? Tiền ở đâu? Tôi nghĩ rằng điều này phải dừng lại", cô nói.

    Susan, một phụ nữ khác ở cùng làng, dẫn chúng tôi thấy tới cái giếng bẩn và nói: "Tôi muốn chính phủ cung cấp một vòi nước, để trẻ em có thể tắm, và uống nước sạch và an toàn".

    Thương mại toàn cầu

    Với nhu cầu từ thị trường Trung Quốc đang bùng nổ, Dan McGarry, điều hành một tờ báo địa phương, nói rằng sẽ khó có thể tưởng tượng một sự thay đổi sớm trong chính sách.

    Doanh số bán hộ chiếu hiện chiếm hơn 30% doanh thu của đất nước, theo Dan. "Đối với một đất nước nhỏ bé như chúng tôi, đây là một khoản lớn. Nhưng chúng to phải tự hỏi, đây có phải là những gì chúng ta đã chiến đấu để giành lấy không? Có đúng không? Có đúng không khi bán quyền chủ quyền của chúng ta cho người trả giá cao nhất?"

    Đó là một câu hỏi mà nhiều quốc gia, không chỉ Vanuatu, sẽ phải vật lộn trong một thế giới toàn cầu hóa.

    Nhưng như ông Kalin, từ Henley & Partners, nói: "Quyền công dân thông qua đầu tư và các chương trình di cư đầu tư, không là gì ngoài sự phản ánh của một thế giới nơi mọi thứ trở nên thông suốt hơn".

    Theo BBC Tiếng Việt

  • Ủy ban châu Âu vừa yêu cầu các nước trong EU siết lại kiểm soát liên quan công dân nước ngoài lấy quốc tịch nhờ đầu tư. Ủy ban châu Âu dự tính sẽ theo dõi sát hơn các chính sách này, vì chúng có thể bị dùng cho mục đích trốn thuế và rửa tiền.

    20 nước trong EU hiện có chính sách liên quan hộ chiếu. Cyprus, Malta và Bulgaria là ba nước duy nhất bán hộ chiếu cho công dân ngoài EU nếu có đầu tư.

    20 nước, tính cả ba nước trên, cũng trao quyền định cư cho nhà đầu tư, tạo điều kiện để có quốc tịch. Báo cáo mới ra của Ủy ban châu Âu tập trung vào ba quốc gia, Bulgaria, Cyprus và Malta. 

    Tại Bulgaria, đầu tư 1 triệu euro là có thể có quốc tịch. Tại Cyprus, cần đầu tư tối thiểu 2 triệu euro, cùng sở hữu nhà.

    Tại Malta, người nộp đơn cần đóng 650.000 euro vào quỹ đầu tư quốc gia, cùng khoản đầu tư 150.000 euro, và yêu cầu thuê hay sở hữu nhà ở Malta (350.000 nếu mua, hoặc thuê giá 15.000 mỗi năm trong năm năm).

    Mặc dù hợp pháp, các chính sách này đôi khi được tiến hành thiếu minh bạch, không thể kiểm tra, theo lời Ủy ban.

    Tháng 10 năm ngoái, một báo cáo của Global Witness và Transparency International nói các nước EU tạo ra 25 tỉ euro đầu tư nước ngoài trong 10 năm, thông qua việc bán ít nhất 6.000 hộ chiếu và 100.000 giấy định cư.

    Viethome (theo BBC)

  • Tuần trước, bộ trưởng nhập cư Caroline Nokes tuyên bố loại visa này sẽ bị đình chỉ từ nửa đêm ngày thứ Sáu (14/12) vì những lo ngại liên quan đến vấn đề rửa tiền và tội phạm có tổ chức.

    Tuy nhiên, vào ngày thứ Ba (11/12), Bộ Nội vụ lại xác nhận rằng loại visa này sẽ không bị đình chỉ.

    Phát ngôn viên của bộ cho biết: “Visa đầu tư Tier 1 hiện không bị đình chỉ, tuy nhiên chúng tôi vẫn cam kết sẽ cải tổ lại lộ trình.”

    Hồi tuần trước, bà Nokes nói: “Tôi nhấn mạnh rằng chúng tôi sẽ không chấp nhận những người không chịu chấp hành quy định và tìm cách đi ngược lại hệ thống.”

    Bà nói thêm: “Đó là lý do vì sao tôi đề xuất những phương án mới này. Chúng sẽ giúp đảm bảo chỉ những nhà đầu tư thực sự, những người có ý định hỗ trợ các doanh nghiệp Anh, mới có thể được hưởng lợi từ hệ thống nhập cư của chúng ta.”

    Visa đầu tư Tier 1 cho phép công dân ngoài Liên minh Châu âu được phép ra vào Anh từ ba năm trở lên với điều kiện họ đầu tư 2 triệu bảng vào chứng khoán, góp vốn hoặc cho vay vốn đối với các công ty Anh quốc.

    Tuy nhiên, quyết định đình chỉ này vấp phải sự phản đối từ các cơ quan chính phủ khác.

    Ông Philip Bath, chuyên chịu trách nhiệm vấn đề nhập cư tại công ty luật Irwin Mitchell, bày tỏ: “Đây không phải là cách đúng đắn để đưa ra một chính sách nhập cư, luật pháp không thể được thông qua bằng cách tuyên bố trên báo chí.”

    Ông cho biết thêm: “Nhiều người hẳn phải cảm thấy nghi ngờ khi thay đổi chính sách được tuyên bố một cách vội vã qua báo chí và không hề có sự tham vấn các chuyên gia luật nhập cư hay không có thông báo chính thức của Bộ Nội vụ, sau đó lại bị thu hồi vội vã. Vì thế, chính sách này sẽ cần phải được xem xét cẩn thận hơn.”

    VietHome (Theo CityAM)

  • Trong một nỗ lực nhằm đối phó với nạn rửa tiền và các hoạt động tội phạm có tổ chức, kể từ ngày mai (7-12) Bộ Nội vụ Anh sẽ tạm ngừng chương trình cấp visa nhóm 1 hay còn gọi là “visa vàng” cho giới siêu giàu muốn đầu tư và định cư tại Anh. 

    Anh siết chặt con đường định cư ngắn nhất của giới siêu giàu. Ảnh: Getty Images

    Theo báo Guardian ngày 6-12, loại visa nhóm 1 hay còn gọi là "visa vàng" là loại visa khiến con đường xin định cư tại Anh trở nên ngắn nhất sẽ tạm ngưng cấp kể từ ngày 7-12 cho đến khi những quy định mới được ban hành vào năm 2019. 

    Giới siêu giàu trên thế giới muốn đến sống và đầu tư tại Anh sẽ phải đối mặt với những quy định hạn chế mới do Bộ Nội vụ Anh đưa ra vào đầu năm sau.  

    Cụ thể, kể từ năm 2019, những người muốn đăng ký xin “visa vàng” sẽ không còn được đầu tư theo dạng trái phiếu chính phủ nữa, thay vào đó, phải đầu tư 2 triệu bảng Anh (khoảng 2,5 triệu USD) vào một công ty kinh doanh đang hoạt động tại Anh. Những người đứng đơn xin visa diện này sẽ phải cung cấp đầy đủ chứng từ kiểm toán về tài chính và những lĩnh vực kinh doanh liên quan. Ngoài ra, những người này phải chứng minh được quỹ tài chính đầu tư 2 triệu bảng mà họ nắm giữ phải có trong tài khoản ít nhất từ hai năm trở lại đây.

    Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Nhập cư Anh Caroline Nokes khẳng định nước này sẽ luôn mở rộng cửa đối với những nhà đầu tư nước ngoài hợp pháp và có năng lực - những người cam kết sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế và kinh doanh của Anh phát triển, song sẽ không khoan nhượng đối với những người không tuân thủ các quy định Anh đề ra và tìm cách lợi dụng hệ thống này.

    Visa nhóm 1 lâu nay vẫn bị chỉ trích là tạo ra con đường dễ dàng để giới tài phiệt và siêu giàu trên thế giới - những người được cho là tìm cách hợp pháp hóa những khoản tài sản mà họ đánh cắp được - vào Anh sinh sống.

    Chỉ riêng tháng 7 vừa qua, lượng đơn xin cấp visa theo diện này đã tăng 46%, với hơn 400 đơn là của những nhà đầu tư nước ngoài giàu có. Tính đến ngày kết thúc năm tài chính 2018 vào ngày 30-9 vừa qua, chính phủ Anh đã cấp thị thực cho hơn 1.000 đơn. Theo báo Times, công dân Nga và Trung Quốc chiếm đến 60% trong số 3.000 nhà đầu tư nước ngoài được cấp visa nhóm 1 trong vòng 10 năm qua.

    Viethome (Theo SGGP)